Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI CANH GIỮ ĐƯỜNG BIÊN bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 199 THÁNG 3 NĂM 2009


Chú thích ảnh: Đoàn VNS Hội VHNT Đăk Lăk phải đốn cây mở đường lên biên giới.





Đến thị trấn huyện Dak Min, tỉnh Dak Nông, xe đưa đoàn chúng tôi rẽ theo quốc lộ 14C ngược ra phía Bắc. Hai bên đường rừng già nối tiếp nhau chạy vùn vụt qua cửa xe. Nhà thơ Đỗ Toàn Diện vỗ vai Trung tá Lê Huy Thành – Trưởng ban Tuyên huấn Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Dak Lak, hỏi:
-         Đồng hương ơi, rừng này gọi tên là gì mà lạ vậy?
-  Rừng khộp! Anh vào Tây Nguyên lâu vậy mà chưa biết rừng khộp à! Đây là rừng đặc trưng cho Tây Nguyên; rừng khộp chỉ duy nhất một loại cây khộp phát triển được, dưới tán rừng lưa thưa cỏ gianh và loài trúc tăm cằn cỗi. Mùa khô, cây khộp trút hết lá như anh thấy đấy, người ta đi qua tưởng rừng chết, chỉ cần một tàn lửa nhỏ đủ thiêu cháy trụi lá và thảm cỏ mọc phía dưới. Vào thời gian này đi trong rừng khộp như đi trên sân gạch giữa buổi trưa tháng năm quê Thanh Hoá nhà mình ấy, khô hanh và nắng gắt. Có những cánh rừng đi suốt cả ngày trời không tìm được một con suối có nước; cực lắm”.
            Rừng Biên giới quả là khắc nghiệt, cả không gian như lắng đọng lại, không một làn gió thổi qua, chỉ có bụi tung lên khi xe chúng tôi chạy qua rồi từ từ rơi lại xuống mặt đường. Con đường vùng biên gập ghềnh nhiều khúc quanh co, đầy ổ voi ổ trâu chứ không phải ổ gà nữa. Thỉnh thoảng mặt đường lại nhô lên một cục đá như con nghé, anh Thượng uý lái xe của Bộ đội Biên phòng đưa chúng tôi đi, lái như lượn qua từng cua, từng chướng ngại vật.
            Trưa, chúng tôi cũng đến được đồn biên phòng Bô Heng. Đồn đóng trên đỉnh một quả đồi nhô cao hơn hẳn khu vực xung quanh. Đường vào đồn có lẽ mới được làm lại nên sạch không một ngọn cỏ mọc lên. Sân đồn khá rông, trồng rất nhiều cây bóng mát và đặc biệt là xoài, cây cao chưa quá đầu người nhưng các đầu cành từng chùm hoa xinh xắn nhô ra như tranh nhau khoe sắc với đất trời. Màu xanh của của cây làm dịu đi cái nắng gay gắt của vùng biên. Ba phía sân được xây nhà cấp bốn, mái lợp tôn. Khu nhà xây đối diện với cổng là nơi làm việc của ban chỉ huy Đồn. Đón chúng tôi ngay tại cửa xe, ngoài Thiếu tá Đồn trưởng – Lê Quang Cánh, trung tá đồn phó – Lê Duy Hà còn có một số anh em chiến sĩ trực ban. Nhận từ tay các anh những thau nước mát lạnh được múc từ một cái bể đựng nước to đùng, làm cái mệt nhọc khi phải trải qua một chặng đường dài như vơi đi. Trong căn nhà giao ban thưng ván, lợp lá cọ; những nhà văn, nhà báo trong đoàn quây quần bên cán bộ, chiến sĩ trò chuyện và cười như những người bạn thân lâu ngày gặp lại. Qua trao đổi với các các anh – những người canh giữ biên cương, tôi hình dung được sự gian lao vất vả của những người bảo vệ biên giới tổ quốc ở vùng đất Tây Nguyên này. Vào mùa mưa, trời đất như một hung thần gầm rú suốt sáu tháng trời rồi đổ mưa xối xã, bất chợt lại ngưng được vài tiếng, trời bớt mây, đây đó có ánh nắng mặt trời rãi xuống; nhưng bất thần chỉ ít phút sau trời vụt tối sầm lại và mưa, mưa như có người dội nước xuống. Con suối vừa mời hiền hoà róc rách chảy qua các kẻ đá, bỗng  trở  mình gầm thét như có bầy voi lao tới, nước ập về, biến con suối thành dòng sông, cuốn phăng bất cứ vật gì ngăn cản. Những cán bộ chiến sĩ đi tuần tra canh gác hay mật phục mùa mưa không nhanh rất dễ bị nước cuốn trôi. Ướt và muỗi đốt là hai kẻ thù ghê gớm nhất đối với nhũng người đi tuần. Nhưng mùa khô đến, sáu tháng nắng chang chang, không một hạt mưa, các dòng suối nhỏ khô cạn khoe lòng với trời đất, người lính đi làm nhiệm vụ như đi trên miệng chảo rang, mồ hôi quyện với bụi đất, tro than phủ lên mặt mũi chân tay, quần áo, cọ vào da thịt gây cảm giác vô cùng khó chịu. Gian khổ là vậy, nhưng các anh vẫn nắm chắc cây súng vì sự bình yên của biên giới tổ quốc.
Thật bất ngờ, đoàn chúnh tôi lại được gặp và giao lưu với các cán bộ đồn Biên phòng CoBalĐomRay của Vương quốc CamPhuChia. Những người bảo vệ biên giới nước bạn rất trẻ, người phụ trách đồn mới 27 tuổi, nói tiếng Việt khá sõi, đúng giọng Nam bộ làm các thành viên trong đoàn chúng tôi trò chuyện, phỏng vấn không dứt ra được. Các bạn CamPhuChia cũng rất niềm nở, cởi mở khi tâm sự, trả lời và còn chân thành đề nghị bỏ cách xưng hô theo thông lệ quốc tế là: “ông”, “ngài” mà dùng cách xưng hô theo tên và tuổi tác cho gần gũi. Tôi cảm thấy ấm lòng khi chứng kiến mối giao hảo tốt đẹp giữa hai Đồn Biên phòng của hai nước cùng phụ trách hai tuyến biên giới song song. Chính mối quan hệ tốt đẹp ấy đã góp phần quan trọng vào việc bão vệ sự bình yên cho Biên giới Tây nam của tổ quốc. Đang cuốn hút vào câu chuyện với những người chỉ huy biên phòng nước bạn, Đại uý chính trị viên Đồn Biên phòng Bô Heng - Phạm Công Khang đứng dậy tươi cười đề nghị: Đến giờ rồi, xin mời tất cả cùng dùng bữa cơm thân mật. Cả chủ lẫn khách kéo nhau tề tựu bên hai dãy bàn ăn được bày sẵn. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy trên bàn ăn ngoài thịt, cá còn có cả rau xanh và canh bí. Anh phạm Công Khanh chắc đoán được sự ngạc nhiên của tôi, liền nói nhỏ: “Tất cả các món này là của đơn vị tăng gia cả đấy. Anh nhìn ngoài sân kia kìa, heo đơn vị nuôi được hơn năm chục con, cứ thả rông để nó tự lai tạo phối giống với heo rừng nên sức đề kháng bệnh tật tốt lắm, lại chóng lớn. Cá tràu, cá trắng, cá thác lác… anh em mới bắt trên suối biên giới chung của hai nước. Cá ở đây khá phong phú, anh em chịu khó một chút là có cái cải thiện. Còn rau xanh và bí các loại đơn vị trồng ven suối, riêng các loại bí không những đủ cho đơn vị dùng quanh năm mà còn giúp nhân dân địa bàn Đồn phụ trách nữa đấy. Chiều mời anh xuống vườn rau đơn vị xem”. Bữa cơm thân mật có sự góp mặt của các Cảnh sát biên phòng nước bạn, các phóng viên nhà báo, nhà văn và người lính Biên phòng Việt Nam diễn ra thật đầm ấm, thắm tình đoàn kết, gương mặt ai cũng rang ngời niềm vui.
Đúng hẹn, buổi chiều chúng tôi kéo nhau xuống thăm vườn rau của đơn vị, Thiếu tá – đồn trưởng Lê Quang Cảnh lấy xe máy đèo cô Lan Anh, phóng viên Báo Dak Lak đi trước dẫn đường, còn tất cả chúng tôi lên ô tô đi theo. Từ đồn đến vườn rau khoảng 400 mét nhưng đường khá dốc. Gần vườn rau có đàn bò bảy con nhởn nhơ gặm cỏ. Thấy xe chúng tôi xuống hơn chục chú gà rừng ăn cạnh đàn bò giật mình tung cánh bay vào rừng, trông thật đẹp. Khu vườn rau rộng chừng 500m2, gần sát mép suối được rào khá cẩn thận bằng những cây le già để heo không vào phá. Trên giàn còn lại những lá bí khô quắt, giơ tay cầm, nó tự vỡ vụn ra như bột. Trên vườn chỉ còn lại vài luống rau đến kì thu hoạch khá tốt nhưng do nắng nên nhìn heo héo, các vạt đất khác đang được cuốc lên chờ gieo hạt.  Xung quang vườn rau là rừng khộp không lá, giơ cành như những ngón tay với lên bầu trời trong xanh không một gợn mây, không một ngọn gió. Bên các gốc cây những đám cỏ tranh khô trắng, bị lá cây phủ lên như sắp hoá thành vôi. Trong khung cảnh như sa mạc ấy những lá rau bị nắng hun cho héo rũ nhưng vẫn còn màu xanh tươi gợi cho ta nhiều liên tưởng về cuộc sống nơi khắc nghiệt này.
Giữa cái khô cằn, khắc nghiệt của thiên nhiên vùng biên giới Tây Nam, nhưng anh bộ đội Cụ Hồ vẫn làm rất tốt nhiệm vụ của mình “bão vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc” và hơn thế các anh còn làm đúng theo điều căn dặn của Bác cách đây vừa tròn 50 năm, nhân dịp thàng lập lực lượng Công an Vũ trang tiền thân của Bộ đội Biên phòng hôm nay: “Một điểm nữa là đối các anh em, ở những nơi hẻo lánh, gian khổ, ra một bước phải trèo núi… thì cấp trên phải chú ý nhiều hơn đối những đơn vị ở thành phố. Nhưng đồng thời các đơn vị ấy cũng phải có tinh thần kiên trì và tự lực cánh sinh một phần nào đó. Ví dụ: Đóng ở chỗ nào thì phải trồng rau, trồng khoai, trồng sắn mà ăn, nuôi ngà, nuôi lợn để tự cải thiện đời sống của mình một chừng nào. Những việc ấy, cán bộ và chiến sỹ có sáng kiến là làm được. Cấp trên phải chú ý đến đời sống vật chất và tinh thần của chiến sỹ, nhưng chiến sỹ cũng phải có sáng kiến để cải thiện đời sống của bản thân mình”.
Từ đồn Biên phòng đến được buôn gần nhất cũng gần 50km, nếu ra chợ cũng phải xấp xĩ gần 70km, đường sá đi lại khó khăn, vượt sông băng đèo lội suối mới có thể tới được, nếu không tăng gia sản xuất sẽ không có cái để cải thiện bữa ăn cho chiến sĩ, và tất nhiên không thể đảm bảo sứcc khoẻ để công tác. Tăng gia sản xuất cải thiện đời sống, khắc phục khó khăn về nhu yếu phẩm hàng ngày cho các đồn đã được Bác đặt ra ngay từ những ngày đầu thành lập lực lượng Biên phòng. Hôm nay, sau 50 năm nhìn lại chúng ta càng thêm khâm phục, tự hào về vị lãnh tụ của cách mạng việt nam. Yêu Bác, nhớ Bác chúng ta phải học và làm theo lời dạy của Bác. Việc các Đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh Dak Lak phát huy sáng kiến, tổ chức tăng gia sản xuất đáp ứng được nhu cầu thực phẩm hàng ngày là điều hết sức quý. Đó cũng là một cách làm thiết thực của cán bộ và chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Dak Lak học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
(Còn nữa) 
Chú thích ảnh: Đoàn VNS Hội VHNT Đăk Lăk chụp ảnh lưu niệm với cán bộ chiến sĩ Biên phòng

2 nhận xét:

  1. Bộ đội Biên phòng là những người chịu nhiều gian khổ nhất đấy nhỉ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng vậy đấy Soc Nâu a; Chúc gia đình bạn đón một Giang Sinh như ý!

      Xóa

NHẬN XÉT MỚI