Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

NHỮNG ĐÓA MAI RỪNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN số: 185+186 tháng 1&2 năm 2008




Vân Trang đang hướng dẫn học sinh lao động tổng vệ sinh sân trường, chuẩn bị sơ kết học kỳ I. Mấy cô cậu học sinh lớp 9 nghịch như quỷ. Nhiều em lớn tướng, đứng cao bằng thầy rồi, nhưng hễ không để mắt tới là y như rằng những viên đất không cánh nhè đám học sinh nam bay tới, mở màn cho trận “pháo đất” qua lại và thường kết thúc bằng những cuộc rượt đuổi. Trời se lạnh, từng cơn gió gào thét sồng sộc đuổi chau từ trên sườn đồi tràn qua thung lũng trước khi ùa vào sân trường.
Mùa khô Tây Nguyên vào độ sung mãn! Một năm mới dương lịch đã đến. Chương trình học kì một vừa kết thúc, chuẩn bị bước vào kì hai và theo đó là tết cổ truyền dân tộc. Thế là mình làm thầy giáo cũng gần được một năm rồi, Vân Trang tự nhủ, thời gian trôi nhanh thật. Không biết ngoài quê Thanh Hoá những ngày này có lạnh lắm không? Bố mẹ đã chuẩn bị gì ăn tết chưa? Cô út năm nay học xong cấp III sẽ thi vào trường nào? Các anh chị đi xa, ở nhà chỉ còn một mình, mọi việc phải gánh cả. Ừ, đã lâu không nhận được thư, không biết nhà có chuyện gì không? Chắc cô bé bận học ôn để thi học kì, còn ông bà lại bận việc vụ đông nên không viết cho mình. Tối nay phải viết thư về thăm nhà chứ gần tròn tháng rồi mà chưa gửi chữ nào về, mình cũng hư quá! Nhưng làm thầy giáo công việc cuối học kì bận rộn không khác gì nhà nông vào mùa, chắc ở nhà cũng thông cảm thôi.
-Anh có thư này!
Cô giáo tổ trưởng tổ toán đến bên lúc nào không biết, đập vào vai và giúi vào tay Vân Trang chiếc phong bì,  hỏi thêm:
-Ai gửi?
-Em gái mình đấy, năm nay đang học lớp 10.
Mấy cô cậu học trò nghe thầy có thư, quẳng luôn cả cuốc, cào chạy lại níu tay thầy:
-Thầy có thư, đọc cho chúng em nghe với.
-Em gái thầy chắc viết thư hay như thầy kể chuyện đấy, đọc đi thầy!
-Thư riêng của thầy sao đọc cho các em nghe được, đòi nghe như thế là không tốt đâu. Các em đi làm để thầy đọc chứ.
-Ê! Cô H’Ri xấu nhé, bọn em muốn nghe thầy đọc thư mà lại đuổi à. Chắc cô giành nghe một mình phải không? Thầy của chúng em không cho cô bắt đâu nhé.
H’Ri đỏ mặt, đuổi theo mấy cô học trò, chạy vòng ra sau lớp học. Cô này cũng lạ, hay quan tâm đến mình hơi thái quá thì phải. Cô giáo  người Êđê này, mắt to, đen láy, khuôn mặt tròn, có nước da bánh mật hơi đậm một tý nhưng bù lại, tóc dài chấm gót chân lại xoăn tít như được uốn. Ngày xưa ở nhà mẹ thường bảo: Con gái ăn nói nhỏ nhẹ, đi đứng nhẹ nhàng, tóc dài chấm gót là tướng của người sang. Ai lấy được làm vợ có phận nhờ.
-Thầy cho em đọc nhé.
 H’Ni, lớp trưởng níu áo Vân Trang xin đọc, đôi mắt nâu đen nhìn như cầu xin. Các em vây quanh, ai cũng đang háo hức chờ quyết định của thầy. Không nỡ làm các em thất vọng, đành phải chấp nhận vậy.
-Thôi được, các em đọc đi, thư em gái thầy thôi mà.
Cả lớp reo ầm lên như bắt được vàng, mấy cậu con trai xô lại giành bức thư trên tay H’Ni. H’Ni kêu ầm lên, cánh con gái ùa lại nắm tay nhau đứng thành vòng tròn nhốt H’Ni vào giữa, không cho đám con trai chen vào. Bọn con trai hung hăng là vậy nhưng không em nào dám liều lĩnh xô vào đám con gái. Tiếng H’Ni lảnh lót vang lên:
… Tái bút: Anh ơi! Em nghe nói miền Nam có hoa mai vàng đẹp lắm, mà đẹp nhất là giống mai rừng Tây Nguyên. Nếu được, anh ép gửi cho em một bông nhé.
H’Ni ngừng đọc, cả lớp lại ồn ào như chợ vỡ, em nào cũng tranh nhau nói lấy được, không ai chịu nghe ai, nhưng mọi người đều nhất trí khen bức thư hay và quê thầy đẹp lắm, nhất định có dịp sẽ về thăm. Y My, lớp phó lao động  ra hiệu mọi người im lặng rồi nói:
-Hôm nay ta cố làm xong, sáng mai chủ nhật, cánh con trai đi vào rừng tìm hoa mai, may ra có cây nào nở sớm hái cho thầy.
-Không được! - H’Ni ngắt lời - Mai bọn con gái cũng đi.
-Xì! Đám mặc váy mà cũng đòi leo lên cây chặt mai, ai dám đứng dưới gốc.
Y Đoan vừ dứt lời, đám con gái ùa lại, em nắm áo, em xách tai, em cầm tay cào cấu, miệng hét ầm lên: Coi thường bọn này hả, chừa chưa! Xin đi các chị tha cho! Xin đi!
-Y Đoan nói sai, ăn đòn là phải. Cánh phụ nữ có móng vuốt sao không leo cây được. Mấy con mèo ốm nhà tớ vẫn trèo lên cầu thang đấy thôi.
-A! Y Din dám bảo bọn mình là con mèo ốm, cho hắn một trận.
Cả đám con gái bỏ Y Đoan quay sang đuổi bắt Y Din, tiếng hò hét như chơi đánh trận.
-Thôi thôi, thầy xin các em! Ngày mai em nam nào rỗi dẫn thầy vào rừng là được, chỉ đi một hai em thôi, còn phải ở nhà học bài và giúp ama, amí làm rẫy chứ.
-Thầy nói phải đấy, mai các bạn nam đi còn mang chó theo, biết đâu lại kiếm được thịt cải thiện.
Y My nói dứt lời, bọn con trai vỗ tay ầm ầm; bọn con gái lặng im như thóc, mắt lộ rõ nỗi thất vọng mà không em nào dám lên tiếng nữa. Không biết các vùng khác thế nào, chứ riêng nơi đây việc vào rừng săn bắn, đàn bà không được bén mảng đến, đó hầu như là điều cấm kị, một luật bất thành văn từ xưa đến nay mà mọi thành viên phải tuân theo. Việc vào rừng tìm hoa mai kèm theo kế hoạch đi săn, đó là cách gián tiếp khẳng định phụ nữ không được phép đi cùng. Các em nam tản ra hăng hái làm nốt phần việc còn lại và tranh thủ phân công nhau dẫn chó đi cùng. Mấy em nữ  xúm lại với nhau thì thào rồi vui vẻ tản ra làm, khuôn mặt nào cũng ánh lên niềm vui.
***
Sau bữa ăn sáng, thầy và trò tiêu chuẩn như nhau, mỗi suất một chén bắp đỏ xay nhỏ ninh nhừ, ăn với muối trắng; thế là sung túc lắêm rồi, đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh ác liệt chưa lâu, dân còn đói, lương thực khan hiếm, học sinh nội trú mới được ăn sáng, chứ đâu phải ai cũng có; tám cậu học sinh nam chạy vội về nhà dẫn chó ra cổng trường đứng đợi. Mấy cô học sinh nữ cũng vội buông chén kéo nhau về buôn, không em nào dám đòi theo. Mặt trời leo qua ngọn núi Mẹ Bồng Con, rải những tia nắng vàng lên khắp vùng. Đứng ở sân trường nhìn ngọn núi đá, ranh giới hai tỉnh Dak Lak - Khánh Hoà có hình như người phụ nữ ôm con đợi chồng nên người dân đặt tên núi là núi Mẹ Bồng Con. Nghe nói ngọn núi ấy nhiều thú dữ lắm, không ai dám bén mảng tới. Vân Trang vai đeo bình toong nước, chân đi dày cao cổ kiểu quân đội, đầu đội mũ cối bước ra cổng trường. Mấy cậu học sinh đứng đợi, em nào cũng mang trên vai chiếc xà gạc dài độ một mét. Xà gạc là một loại dao của đồng bào người Êđê thường dùng, lưỡi dài độ hai lăm phân, rộng hai phân rưỡi, được tra vào cán làm bằng cây song già, dài độ gần mét; đây là dụng cụ vừa dùng để lao động lại được dùng như một thứ vũ khí phòng thân. Người già nói rằng: khi đi vào rừng nếu trên vai vác xà gạc thì con hổ, con báo không dám vồ người! Có lẽ vì vậy, đi vào rừng là người ta có chiếc xà gạc vác trên vai. 
-Thầy ơi! Hôm nay ta đi theo suối Ea Ty nhé! Em biết trên đầu nguồn có một khu rừng mai đẹp lắm. Y My háo hức nói.
-Ừ! Thầy lần đầu vào rừng, các em đi đâu thầy theo đó thôi. Ta đi làm sao kịp về ăn cơm trưa không các bạn đợi.
Y My hăng hái đi trước, năm con chó nhanh chóng phóng vượt lên, chạy qua chạy lại hai bên đường hít hít, ngửi ngửi trông vui vui. Mấy thầy trò băng qua Quốc lộ 21. Hai bên đường xác xe lính Nguỵ bị quân Giải phóng tiêu diệt hồi tháng 3 năm 1975 nằm chỏng chơ, khung sắt đen sì. Y Đhăng nói:
-Bị quân ta chặn ở đỉnh đèo 519, bọn lính nguỵ tháo chạy từ Buôn Ma Thuột xuống đến đây phải bỏ xe trốn vào rừng, hòng đi bộ về thị trấn Khánh Dương, chạy tiếp về Nha Trang. Đoàn xe dài hơn chục Km, xe lính xen lẫn xe dân, khi không qua được đèo vì quân ta chiếm giữ, bọn lính quay ra cướp của, bắn lộn lẫn nhau, xe cháy ngút trời.
-Đứng ở buôn nhìn khói xe cháy bay lên, hai ngày sau vẫn chưa hết. Y Đoan góp thêm.
Câu chuyện của các em được tận mắt chứng kiến những ngày cuối cùng của chế độ Nguỵ quyền Sài Gòn sụp đổ, quân lính tháo chạy khỏi huyện Khánh Dương, quê hương được giải phóng, đón các anh bộ đội về tiếp quản lại là những người con của buôn làng “nhảy núi” trở về, làm quãng đường như ngắn lại, thầy và trò vào rừng lúc nào không biết. Bỗng bầy chó sủa nhặng xị lên ở phía trước, thầy và trò vội chạy lại. Bên bụi le vừa héo ngọn, năm con chó chia nhau ra năm phía, vừa sủa vừa bới đất, bụi bay mù mịt.
-Chó các em săn chuột à?
-Không phải đâu ạ, có con dúi đấy. Y My hồ hởi trả lời. Loại này nhìn giống con chuột nhưng to lắm, thường thường phải nặng đến hai kí, con đực nặng hơn. Thịt ngon lắm.
-Sao em biết nó là con dúi?
-Thầy nhìn này! -Y Đoan vừa nói vừa kéo cành le lá héo chưa kịp khô - Loại dúi chuyên ăn rễ tre nên nhìn bụi tre nào bị héo là biết ngay thủ phạm thôi mà.
Các em chia nhau, năm em chạy lại ôm chó không cho chúng đào, mấy em còn lại nhanh chóng chặt mấy đoạn nứa già to bằng cổ tay, dài hơn mét chẻ một đầu làm mười phần rồi lấy dây đan lại như hình chiếc đó mà hồi nhỏ Vân Trang vẫn mang ra đồng đơm cá sau những trận mưa lớn. Các em khéo tay thật, chỉ một chốc đã làm được ba cái mang lại đơm vào ba lỗ chó vừa đào.
-Các em làm gì thế?
-Bắt sống chúng về làm thịt. Thầy xem nhé.
Năm con chó được dồn lại thay nhau đào hai cửa hang, còn ba cửa đơm đó có ba em ngồi canh sẵn. Đất pha cát nên chỉ mấy phút sau đã thấy Y Đoan hét lên: Một tên!
Con dúi trông rất giống con chuột, từ trong hang lao vụt ra, thọc mõm vào trong ống nứa. Y Đoan nhanh tay bóp miệng đó lại, làm chú dúi mắc cứng trong đó, tiến không được, lùi không được, hàm răng sắc là vậy giờ trở nên vô dụng vì mắc kẹt trong phần ống nứa chưa chẻ, bốn chân thò ra ngoài cào cào trong không khí.
-Một chú nữa! - Y My kêu lên và dốc ngược chiếc đó nhốt gọn con dúi.
-Đẹp quá, phải nặng đến hơn hai kí đấy. - Y Din sờ bàn chân con dúi thò ra ngoài và nói thêm - Thầy trò mình thắng lợi rồi.
Mấy con chó còn hăng, thỉnh thoảng nhảy dựng lên sủa vào hai chiếc đó. Y My vỗ tay lên đầu từng con một, chúng mới chịu im.
-Thầy biết không -Y Đoan vai vác xà gạc, tay xách một con dúi đi trước dẫn đường còn ngoái đầu lại nói -Đôi này mới về đây nên  chỉ có hai con, nhiều ổ bắt được bốn năm con bự luôn. Bọn chúng đi theo đàn, không bao giờ đi lẻ cả. Mùa khô người ta vào rừng lấy mật ong, thu hái lâm sản thỉnh thoảng vẫn tóm được cả bầy mang về.
-Thịt chúng ăn ngon lắm. Hôm nay về bọn em làm món xào sả ớt mời thầy. Đảm bảo ngon hết ý! - Y Din vừa nói vừa nuốt nước miếng.
-Thầy nhìn kìa! - Y Đoan dừng lại chỉ lên khoảng rừng trước mặt.
Cả khoảng rừng như một bức tranh miêu tả mùa thu, cây nào cây ấy lá úa vàng, một màu vàng tươi rất đẹp. Thỉnh thoảng một cơn gió thổi qua lại kéo theo một đám lá vàng chao nghiêng, đan vào nhau như những đám mây vàng, che kín cả mặt trời.
-Cây gì mà rụng lá theo mùa như cây bàng vậy? Đẹp quá!
-Rừng mai đấy thầy ạ! Cứ đến cuối mùa đông, mai tự trút hết lá vàng, đâm lộc, đơm hoa. Thầy nhìn kĩ nơi nách lá những nụ hoa đang nhô ra đấy.
-Cây mai thật hả Y My!
-Dạ!
Giờ thì Vân Trang đã thấy cây mai, một rừng mai đang thay lá. Bên cuống lá vàng, từng nụ mai khoác lớp vỏ màu nâu sẫm, cứng cáp nhô ra. Nhìn kĩ, một vài cây đã có những nụ xanh biếc tròn như nụ hoa chè mới nhú, xinh xắn, trông thật thích mắt. Vân Trang đi trong rừng mai như người mộng du, tay rờ từng gốc cây to như cột nhà, mang trên mình dày đặc những cành như được con người ghép vào. Một số cây trông xa như đã bị chết, trên cành không còn chiếc lá nào, lại gần mới thấy đầu cành những chiếc búp thon thon như ngòi bút, mới hé ra tý chút khỏi chiếc vỏ bọc màu nâu sẫm. Trên các kẽ lá đã rụng, những nụ hoa mọc chi chít khẽ đung đưa theo chiều gió tạo nên âm thanh vi vu nghe vui vui. Rừng mai chiều ngang có lẽ phải rộng đến vài trăm mét và kéo dài theo hai bên bờ suối cả cây số. Đi trong rừng mai có cảm giác như đi trong giấc mơ một truyện cổ tích nào đó nói về cảnh mùa thu. Mấy thầy trò theo nhau đan qua đan lại trong rừng mai, cố tìm lấy một bông đã nở, nhưng tuyệt nhiên không có. Chỉ có nụ mai còn non xanh. Như hiểu được tâm trạng của thầy, Y My nói:
-Rừng này mai chưa nở đâu thầy ạ. Chiều về ta đi rừng khác may ra có. Mai nở theo nhau, rừng nào một cây hoa nở thì tất cả cùng nở, vàng cả cây, vàng cả rừng và vàng cả mặt đất vì cánh hoa rụng xuống. Đẹp lắm, hai tuần nữa ta vào đây chắc sẽ thấy thầy ạ.
-Trưa rồi, ta về thôi!
Mấy thầy trò quay trở về, có lẽ không tìm được hoa mai nở nên không khí trầm hẳn xuống, mọi người lầm lũi bước. Vân Trang nhìn các em buồn, chưa biết nói thế nào để xoá đi không khí nặng nề, chân vô ý đạp lên một cành khô, làm vang lên tiếng kêu khô khốc. “Oẳng”! Cả bầy chó giật mình gào lên, ngã dúi dụi vào chân người. Mấy em đi trước dừng cả lại.
-Các em làm sao thế.
-Thầy! - Y My thì thào, mặt tái xanh, tay nắm chặt chiếc xà gạc, mắt dáo dác nhìn ra xung quanh.
-Có chuyện gì vậy? Thôi ta về đi, không hái được hôm nay thì mai mốt ta đi tìm cũng được. Hai tuần nữa mới đến tết cơ mà. Các em không vui làm mấy chú cún cũng buồn lây không chịu đi đang quấn vào chân thầy đây nè.
-Ta đi thôi! - Y My nói nhỏ và kéo tay Y Đoan giành phần đi trước.
-Các em biết không, ở quê thầy cũng có núi đấy, núi đất được các cụ ngày xưa đặt tên là gò Chan. Cây cối tốt chỉ cao ngang ngực trẻ em, mọc toàn cây sim, cây sém, cây mua… Từ nhà cỡi trâu lên đỉnh núi chỉ độ ba chục phút là cùng. Đứng trên đỉnh núi nhìn thấy làng xóm, cánh đồng, dòng sông và cả con đường tàu hoả chạy qua đẹp lắm. Mùa xuân hoa sim nở tím sườn đồi. Mùa hè sim chín, nhiều hôm ăn no về nhà không ăn được cơm.
Khác mọi lần, hôm nay mấy cậu học trò cứ lầm lũi bước, người nọ đi sát vào người kia, nhiều lúc Vân Trang có cảm giác hơi thở của Y Din âm ấm sau gáy. Giờ nói chuyện, các em cũng lặng im nghe, không ai nói thêm câu gì. Hay các em mệt! Nhưng so với những lần đi tăng gia, hay lao động giúp dân còn vất vả hơn nhiều, mọi người vẫn cười đùa trêu chọc nhau, vậy mà giờ này… Hay là… Vân Trang chợt thấy như có dòng nước đá chạy dọc sống lưng, lẽ nào bọn thổ phỉ Fulrô đang rình rập đâu đây? Ừ, có thể lắm chứ, các em đưa nào cũng đi sát cạnh mình như có ý che chắn cho mình thì phải. Biết làm sao bây giờ? Mình lại làm khổ học trò rồi! Mà sao đường đi về khác đường vào lúc sáng như thế! Chẳng lẽ lạc rừng! Đi mãi vẫn không thấy đường ra, áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi, đôi chân lên dốc xuống khe quá nhiều gần như là của ai mất rồi. Thỉnh thoảng băng qua vạt cỏ tranh, Vân Trang thấy mặt trời đã chếch về tây, vậy mà vẫn chưa có dấu hiệu gì sắp về đến nhà. Chẳng lẽ các em… không thể thế được! Mình tin các em vì gần một năm dạy học các em thật thà lắm, hiền từ lắm, không thể có chuyện đó được. Nhưng gần đây bọn Fulrô quấy phá dữ lắm, liệu… Chân vẫn bước, miệng khát đắng mà không dám dừng lại uống vì tất cả các em đều lặng im, không nói, không cười, lầm lũi bước theo Y My. Hàng trăm câu hỏi xoay tròn trong đầu, Vân Trang vẫn bước, bước theo quán tính, bước theo hình bóng Y My đang nhoè dần phía trước.
-Thầy ơi, đến rồi!
Tiếng Y My reo lên vui vẻ, làm tất cả các em lao vào nhau ngã lăn xuống mặt đường. Cuối cùng cũng đến được đường Quốc lộ 21, mặt trời đã khuất về tây, báo hiệu một ngày sắp hết. Bầy chó chạy lên trước lại sục sạo hai bên đường. Vân Trang cũng ngồi phịch xuống, thở phào nhẹ nhõm, ngửa cổ tu một hơi nước dài.
- Thầy biết khi qua khỏi rừng mai một đoạn ta gặp gì không? - Y My bất chợt ngồi dậy  hỏi.
- Gặp gì vậy? Thầy có thấy gì đâu!
Tuy miệng trả lời vậy nhưng trong bụng đã đoán chắc trăm phần trăm là bị Fulrô phục kích rồi.
- Ta bị “Ông ba mươi” phục.
- Ông ta theo Fulrô à?
- Thầy không biết à; là con cọp đấy. Khi thầy vô tình đạp gãy cành cây khô, chó tru lên xô lại với người, là vì chúng đã ngửi thấy hơi cọp từ trước, nên quẩn vào chân người. Mải nói chuyện thầy trò ta không để ý thấy.
- Thật à! - Miệng nói mà lưng Vân Trang mồ hôi chảy thành dòng. May quá nhỉ.
- Chuyện thường tình của người đi rừng thôi mà thầy. Con gì thấy người mà chẳng sợ. Thôi ta về đi.
Y My nói dứt lời liền đứng dậy, mọi người đứng lên theo. Chợt Y My la lên: Dúi đâu rồi? Y Din và Y Đoan đỏ mặt, lắp bắp: Ơ! Lúc đó, lúc đó…
          - Bình an là may rồi, các em mải lo cho thầy phải không! Xem như ta được một bài học đi rừng vậy.
          - Thầy ơi, chuyện hôm nay, mai đừng kể cho các bạn ở lớp biết nhé. Y Din không dám nhìn ai, cúi đầu nói nhỏ.
          - Thầy đồng ý!
***
Sáng hôm sau, vào  sinh hoạt 15 phút đầu giờ, mấy anh con trai ngồi im thin thít, khác hẳn mọi ngày. Bọn con gái ngồi ngay ngắn, nghiêm trang làm không khí lớp có vẻ không bình thường. Vân Trang vào lớp và để xoá đi không khí quá căng thẳng nên bước xuống cuối lớp, mời lớp trưởng lên điều khiển sinh hoạt. H’Ni nhanh nhẹn bước lên bục giảng, thay vì làm công việc thường ngày với lớp lại nghiêm trang nói:
          -Thưa thầy! Cho phép em mời thầy lên đây ạ.
          Lớp lại bày ra trò gì đây! Thật là nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò. Toàn thanh niên cả mà cứ  nghịch như trẻ con. Tuy nghĩ vậy nhưng Vân Trang vẫn đi lên.
-Thưa thầy, bọn em con gái tay yếu chân mềm, không khoẻ được như các bạn trai để vào rừng tìm hoa, chỉ có chút quà nhỏ tặng thầy, mong thầy đừng chê ạ. Mời bạn H’Loan và H’Thương vào.
Cả lớp đứng bật dậy, vỗ tay rào rào khi hai em H’Loan và H’Thương xuất hiện trước cửa lớp học, tay nâng cao cành mai, hoa nở vàng rực. Đám con trai sau phút đột ngột đứng bật dậy vỗ tay, hò hét; bỗng nhiên đứa nào mặt cũng đỏ bừng, lặng lẽ ngồi xuống. Bọn con gái được nước hò hét như cháy nhà.
-Các em…!
Cô H’Ri bước vội vào cửa lớp quát và bỗng nhiên đứng sững lại khi nhìn thấy Vân Trang đứng lặng trên bục giảng tay ôm cành mai...

5 nhận xét:

  1. đấy cứ coi thường phụ nữ đi ! nhiều khi phụ nữ lại làm được những điều mà nam giới không làm được ấy ! truyện hay và trong sáng lắm, HC ạ ! :)

    Trả lờiXóa
  2. kjhvkjhvkjhvjvkh

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI