Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

DÒNG SÔNG VẪN HÁT

Thác  Dray Nu

(Tiếp theo)



Trước đây nói đến căn cứ cách mạng Nam Ka, người ta thường nghĩ ngay đến vùng đất khô cằn, đường sá cách trở, khó khăn. Bốn bề là núi cao bao bọc, việc đi lại thông thương với bên ngoài chỉ có một cách duy nhất là đi bộ trèo đèo lội suối hoặc dùng voi để vận chuyển. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ xâm lược, địa danh Nam Ka là nỗi kinh hoàng của bọn cướp nước và bán nước đồng thời là niềm tự hào của quân và dân ta. Sau ngày thống nhất đất nước, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, ta chưa  làm đường lớn vào đây được. Phải đến tận khi có dự án nhà máy thủy điện Nam Ka, con đường rải nhựa, vượt qua núi cao, vực sâu để đến với vùng đất oai hùng một thuở, ô tô xe máy chạy đến tận khu vực hành chính của xã. Ông Trương Quang Hồng, Trưởng ban Quản lý dự án nhà máy thủy điện Buôn Tua Sar cho biết: nhà máy thủy điện Buôn Tua Sar là công trình thủy điện đầu nguồn sông Srê Pôk; theo thiết kế, hồ chứa nước của công trình thủy điện này có dung lượng 800 triệu m3, vốn đầu tư 2.500 tỷ, công suất nhà máy 86 mêgaW. Nếu so với các nhà nhà máy đã và đang thi công trên cùng dòng sông này thì công suất không phải lớn, nhưng có vai trò hết hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà máy thủy điện khác cũng như việc phòng chống lũ lụt, vì nó có nhiệm vụ điều tiết nước cho sông Srê Pốc và các nhà máy thủy điện phía đưới. Công trình chính thức khởi công ngày 25 tháng 11 năm 2004 và dự kiến hoàn thành trong năm 2010. Tôi lên thăm công trình được tận mắt chứng kiến cảnh thi công giai đoạn cuối, người xe hối hả làm việc dưới cái nóng oi bức mùa khô. Tình cờ tôi gặp một đoàn người dân tộc Êđê đi làm về đang rửa chân phía dưới chân đập, bà amí H’Jut vui vẻ cho tôi biết: Minh ưng lắm cái con đập này, nó làm cho sông bớt giận giữ, không lên cướp phá bắp lúa như trước đây nữa. Con đường nhựa từ thị trấn vào đây rộng lắm, đi được nhiều xe nên hàng hóa mang vào được nhiều, lại rẻ như ngoài phố, thích lắm. Trả lời câu hỏi của tôi: Công trình này có lấy mất nhiều ruộng rẫy không? Ồ, không nhiều đâu, đây là vùng toàn đá thôi, chúng xếp lại thành ghềnh đẹp lắm; nay nó chìm dưới nước cả rồi. Cả vùng chỉ có 4 hộ được tiền trả công làm rẫy; họ nhận tiền đền bù mua nhiều thứ đẹp lắm, vui lắm. Nhìn những khuôn mặt rạng ngời hạng phúc khi nói về công trình thủy điện đang xây như nói về chính công trình của mình; điều đó chứng tỏ công trình đã được sự đồng thuận của người dân trong vùng. Công trình khởi công, đường sá được làm mới, điện lưới kéo đến tận từng gia đình, trên đầu hồi nhiều nhà đã mắc chảo DTH, bắt sóng truyền hình từ vệ tinh. Nam Ka hôm nay đã có bước chuyển mình về mọi mặt; ngoài đường, điện ra, trường học cũng được đầu tư xây dựng khang trang. Mảnh đất heo hút khi xưa, nay đã trở thành một địa danh du lịch hấp dẫn để du khách đến thăm nhà máy thủy điện và ngắm nhìn đỉnh núi Nam Ca cao 1300 mét so với mặt nước biển, đứng soi bóng xuống mặt hồ; thăm căn cứ cách mạng Nam Ka oai hùng một thuở...
Rời  thủy điện buôn Tua Sar, tôi đến thăm công trình thủy điện Buôn Kup. Đây là công trình thủy điện lớn nhất được xây dựng trên sông Srê Pôk, có vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, công suất nhà máy 280 mêgaw, đường hầm dẫn nước vào nhà máy dài 4,7km (dài nhất Việt Nam và Đông nam Á). Tôi quan tâm đến công trình này vì hồ chứa nước án ngữ ngay sát các dòng thác nổi tiếng như: Dray Sáp 1, Dray Nur, Trinh Nữ… liệu hồ đang đóng cửa tích nước thì các dòng thác sẽ ra sao! Đứng trên con đập chính của nhà máy thủy điện Buôn Kup ngắm nhìn mặt hồ rộng mênh mông, mang nặng phù sa; xa xa về hướng đông bắc, cà phê xanh tốt mỡ màng trải dài xa tít tắp. Tôi hỏi ông Nguyễn Đức Khẩn thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana, một lão nông rời quê Thái Bình vào đây lập nghiệp gần ba mươi năm về ý kiến của người dân khi công trình thủy điện xây dựng trên quê hương họ. Ông vui vẻ cho biết: Có cái hồ nước lớn thế này thì tốt quá chứ. Anh xem, cà phê bao quang bờ hồ rất cần nước tưới, nay thì không lo bị thiếu nước, độ ẩm tăng nên năng suất chắc chắn sẽ cao; khí hậu cũng tốt hơn cho sức khỏe con người, ấy là chưa kể sau vài tháng nữa việc kinh doanh, khai thác nguồn lợi thủy sản trên mặt hồ sẽ tạo việc làm cho nhiều hộ nông dân có thêm thu nhập. Nếu các bên liên quan đầu tư thoả đáng thì đây còn là điểm du lịch sinh thái lý tưởng, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều du khách đến thăm.
Con đập ngăn nước cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn một ít công nhân đang rải đá chuẩn bị rải nhựa và trồng cột đèn điện. Nhìn về phía hạ lưu, dù các cánh cửa đóng kín để tích nước, nhưng trên dòng chính, nước sông vẫn chảy khá mạnh. Tôi hỏi ông Trần Ngọc Ánh: Các cửa đập đều đóng kín, tại sao nước trên sông Srê Pok vẫn chảy nhiều như vậy? Anh nhìn phía chân con đập ấy, nước thấm qua đập đấy. Khi thiết kế, người ta không lường trước được hết các vết nứt của đá nên khi hồ bắt đầu tích nước mới phát hiện ra đập bị thấm nước, bên thi công đã thuê các chuyên gia đầu ngành về khoan, bắn bê tông hiện đại nhất nhưng vẫn không thể khắc phục được, đành phải chấp nhận! Công trình lớn như thế này mà đập nước bị thấm, lượng nước chảy ra sông đạt vận tốc từ 10 đến 12m/giây, liệu tuổi thọ công trình sẽ như thế nào về lâu dài. Như đoán được băn khoăn của tôi, ông Ánh cho biết thêm: Theo tính toán của các chuyên gia, nước chảy qua các kẽ đá ở sâu dưới lòng đất, không ảnh hưởng gì đáng kể đến công trình. Theo cách giải thích như thế, tôi biết vậy chứ mình đâu có chuyên môn trong lính vực này đâu! Xuôi sông Srê Pôk, tôi đến thác Dray Sáp 1 (tên gọi mới của thác Gia Long), cách đập thủy điện Buôn Kup khoảng 2 km; thác vẫn chảy nhưng  diện tích mặt thác bị thu hẹp lại đáng kể, sự hùng vĩ vần còn đó, song đã bớt đi nhiều sự hung dữ. Trời xế chiều, cầu vồng bảy sắc vẫn xuất hiện trên mặt thác. Anh bạn cùng đi với tôi chợt reo lên thích thú khi khám phá ra một điều hết sức mới mẻ về dòng thác: nước rất trong! Đúng thật, nước trong như lọc. Nếu ai đã từng đến thăm những dòng thác trên sông Sê rê pôk trước đây, cho dù đang trong mùa mưa hay cuối mùa khô, chúng ta thấy nước sông vẫn đục ngầu. Còn hôm nay, nước trong xanh, ta có thể nhìn thấy cả những chú cá đang lao mình đùa giỡn với thác. Đây lại là một điều thích thú nữa. Nước trong cũng phải thôi vì nó thấm qua chân con đập, len qua các kẽ đá từ sâu trong lòng đất trước khi trở lại với dòng sông nuôi các dòng thác. Thế là ngoài cả dự kiến của các nhà thiết kế khi hoạch định “nuôi” các dòng thác bằng cung cấp nước qua các van xả, giờ đây dòng sông tự nó tìm ra cách để tồn tại và vẫn cất tiếng hát vang khi qua các dòng thác.
Các công trình thủy điện trên dòng sông “chảy ngược” dù đã hoàn thành hay đang thi công đã góp phần làm phong phú thêm cảnh đẹp Tây Nguyên. Thật khó tin trên vùng đất chỉ có nắng và gió này đã có thêm những hồ nước lớn, không những là nguồn cung cấp điện phục vụ con người mà còn góp phần cải thiện mội trường và có ý nghĩa quyết định đến tăng năng suất cây trồng, tăng sản lượng cà phê, lúa, hoa màu… trên vùng đất mà nó đi qua. Xét cho cùng, chúng ta phải chấp nhận thực tế, một vài thác ghềnh nổi tiếng trên sông có thể bị mất đi hoặc kém dữ dội như xưa, nhưng đổi lại ta có được lợi ích to lớn phục vụ cuộc sống thì sự đánh đổi đó cũng chấp nhận được. Tôi tin cho dù mùa mưa hay mùa khô, dòng Srê Pôk vẫn hát, khúc hát oai hùng, mạnh mẽ, tự tin vì nó đang ngày càng phục vụ cuộc sống, phục vụ con người hữu ích hơn.   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI