Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

NGƯỜI GIỎI NGOẠI NGỮ NHẤT


Ảnh tôi đây bạn ạ!

                                                           Truyện ngắn của HỒNG CHIẾN


Người ta thường nói “học vẹt” hay “nói như vẹt” để ám chỉ những người học thuộc bài mà  chẳng hiểu gì điều mình đã học, hay là kẻ bẻm mép mà thôi. Điều đó thật oan uổng cho dòng họ nhà tôi lắm. Đừng thấy chúng tôi có thể bắt chước được tất cả giọng nói của muôn loài mà tưởng “chỉ biết bắt chước” đơn thuần, không suy nghĩ; nhầm to đấy ạ! Nếu không thông minh chịu khó thì không bao giờ có thể hiểu được tiếng của muôn loài; kể cả người. Chẳng hạn chúng tôi có thể nói “Nhà có khách! Nhà có khách !” mỗi khi có người lạ đến nhà. Thấy trẻ em nghịch ngợm thường hỏi: “nghịch gì đấy! nghịch gì đấy!”vv… Nghĩa là chúng tôi biết phân biệt ý nghĩa của từng câu nói đã học và không bao giờ nhầm lẫn. Điều đó chứng tỏ rằng họ hàng nhà vẹt chúng tôi thật sự có biệt tài trong việc học ngoại ngữ. Nói như vậy không có nghĩa, họ hàng chúng tôi không cần học, hay ít học cũng biết được đâu mà ngược lại , việc học tập thật vất vả. Nếu không tin mời bạn đến thăm quê hương tôi nhé!
            Dòng họ nhà vẹt rất đông, sống ở nhiều quốc gia trên thế giới và loài người biết thuần dưỡng chúng tôi từ rất lâu đời. Màu lông của chúng tôi cũng khác nhau: Lông màu trắng, màu vàng, màu đỏ và màu xanh biếc; mỗi màu lông có vẽ đẹp riêng của nó. Ở Việt Nam chỉ có chung một màu áo xanh. Họ hàng vẹt ở Tây Bắc to lớn hơn loài vẹt miền trung và Tây Nguyên. Ở cao nguyên Dak Lak có hai dòng riêng biệt nhau, một dòng thuộc loại to lớn, thân hình phải bằng quả trứng gà bình thường nặng từ 150 đến 200 gam; một dòng nhỏ bé hơn chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái người lớn một chút, dòng họ này hiện nay còn ít chủ yếu sống ven bờ sông lớn và khe suối sâu. Tôi không giám mời bạn làm một cuộc du lịch thám hiểm họ hàng loài vẹt chúng tôi mà chỉ muốn mời bạn tới thăm gia đình tôi – loài vẹt lớn Tây Nguyên để hiểu đúng câu thành ngữ: “Nói như vẹt” .
            Dạ! Xin được giới thiệu với bạn về cuộc sống gia đình tôi ở Tây Nguyên. Cứ mỗi độ xuân sang khi những hạt mưa cuối cùng còn sót lại trên bầu trời rụng xuống mặt đất, nhường chỗ cho ánh nắng chan hòa rãi khắp nơi là lúc vẹt tách bầy làm tổ. Từng đôi uyên ương dắt nhau đi tìm cây làm nhà. Thường thường tiêu chuẩn tối thiểu của cây được chọn xây tổ là cây còn sống khỏe mạnh, có thân lớn; xung quanh phải thoáng, không có hoặc ít có cây lớn mọc gần. Tiêu chuẩn này họ hàng tôi thường chọn cây “lồng bàn”, một loài cây có lá gần giống lá bàng, mọc trên các đồi cỏ gianh hay trảng trống ở Tây Nguyên. Tìm được cây vừa ý ba má tôi phải chọn cành để làm cửa vào ra. Cành được chọn phải to, hơi nghiêng để nước mưa hay sương đêm không lọt vào. Với cái mỏ rắn chắc như thép, ba má tôi thay nhau đục thân cây thành một lỗ tròn như quay bằng com pa và sâu vào thân cây tới gần nửa mét. Phía trong bao giờ cũng rộng có thể đủ chỗ cho bốn năm má con (tất nhiên là ba tôi phải ở ngoài gác cửa) sống thoải mái. Loài vẹt đẻ hơi nhiều, một tổ bao giờ cũng đủ bốn trứng, nhưng nở ra chỉ hai, ba là cùng; hiếm hoi lắm mới có tổ nở cả bốn con. Mới lọt khỏi vỏ trứng, chúng tôi đã đòi ăn ầm ĩ. Ba tôi vất vã bay ngược, bay xuôi lo đủ miếng ăn cho cả nhà; Má tôi vừa canh chừng kẻ trộm vừa phải luôn miệng trả lời các câu hỏi của anh em tôi.
Thêm chú thích
            So với anh chị, tôi là người nở ra sau cùng nên bao giờ cũng bé hơn; song không vì thế mà được chìêu chuộng hơn đâu. Tôi vẫn phải theo học như các anh chị. Từ bài học đầu tiên về chữ o tròn như quả trứng… vẹt, đến cách phát âm chữ cái, cách chào hỏi xã giao vv… và vv… có nghĩa là tất tần tật mọi thứ trên đời đều phải học. Từ mờ sáng cho đến lúc mặt trời đi ngủ, mẹ tôi bắt chúng tôi học ra rả cả ngày. Vì thế ai đến cách nhà tôi hàng trăm mét cũng biết nhà tôi rồi. Cuộc sống gia đình tôi tuy vậy nhưng cũng gặp vô vàn khó khăn, nguy hiểm; nhiều lúc cái chết rình rập ngay bên cạnh.Tôi nhớ hôm đó trời mới vừa sáng, ba tôi đi làm chưa lâu; bỗng nghe tiếng má la thất thạnh ngay ngoài cửa:
-          Cướp! Cươp! Cướp!
Tôi định thò đầu ra cửa xem có chuyện gì xảy ra mà ầm ĩ như thế , liền bị ông anh giáng cho một cú vào đầu ngã lăn. Nhìn vẽ mặt nghiêm trọng của anh và chị, tôi không giám hé môi kêu khóc như mọi bận bị bắt nạt. Bỗng một mùi hôi nồng nặc phả vào một cái lưới dài ngoằng thọc vào cửa. Anh tôi vội vã xô tôi  ra sau, còn mình đứng ra trước cửa chờ đón con quái vật đầu bẹp, mắt nhỏ tí tẹo, có cái lưỡi dài ơi là dài từ từ xông vào nha, chậm rãi nhích từng tí, từng tí một. Chị tôi thét lên một tiếng té xỉu; còn anh tôi cố xù mấy chiếc lông măng mới mọc ở cổ, cất cao đầu, giơ cái mỏ bé tẹo lên định lăn xã vào quái vật. Con quái vật bò qua cửa lọt vào nhà nhằm anh tôi lao tới. Tôi sợ quá nhắm mắt lại chờ chết. Ngoài kia tiếng má tôi kêu khóc thảm thiết, tiếng mấy bà hàng xómhò hét om sòm. Bỗng tiếng ba tôi thét lên :
 -K…é…t!
Cùng lúc, con quái vật oằn mình tỏ ra đau đớn, phun ra một búng nước tanh ngòm rôi vội vã bỏ chạy ra khỏi cửa. Tiếng la hét: “Đánh! Đánh!” vang lên của các cô bác láng giềng đang kịch chiến với con quái vật. Anh tôi quay lại nói như xin lỗi
- Đừng giận anh chuyện lúc nẫy nhé! Lần sâu nếu có chuyện gì em…đừng…có… ra… ngoài. Hai…đứa…phải…nghe…lời…ba…má!
Giọng anh đứt quãng, rồi lịm dần. Chị tôi gào lên:
- Ba má…ơi!
Tôi lao ra định ôm lấy anh. Anh xua tay:
- Không…đụng…vào…a…nh!
Anh lảo đảo bước ra cửa, chị em tôi chạy theo ra và bóng anh vụt biến mất cùng với tiếng thét hãi hùng của mẹ: “Con ơi!”
Đau thương tang tóc trùm lên gia đình, làng xóm. Sinh được người con đã khó, giữ cho chúng khôn lớn, trưởng thành càng khó hơn. Thoáng chốc kẻ thù đã cướp mất người anh yêu quý của tôi, người đã dám mang thân đón nhận chất độc vào mình và ra đi vĩnh viễn để cho các em được sống. Má tôi ốm liệt giường, tất tật mọi việc nhà cửa nhờ cậy vào ba. May có mấy bác hàng xóm thay nhau giúp đỡ chứ không biết rồi sẽ ra sao. Thời gian trôi qua, tôi đã khoác trên mình bộ áo xanh biếc, nơi cổ tôi có thêm chiếc khăn quàng màu gạch, còn cánh phụ nữ không bao  giờ có. Chiếc mỏ cứng cáp màu vàng tươi rắn chắc là tứ vũ khí tự vệ quan trọng của họ chúng tôi. Còn chị tôi có chiếc mỏ đen bóng như sừng, bộ váy áo một màu xanh biếc. Tất cả hành trang của tuổi mới lớn đầy ắp con tim, chờ ngày tung cánh, hòa nhập  cộng đồng.
Chị gái tôi
            Cuối cùng, ngày ấy cũng đến. Đó là một ngày trời trong xanh không một gợn mây. Các ông bố, bà mẹ tró chuyện râm ran trước khi vào khai giảng năm học mới. Bài học bắt đầu bằng những cái vẫy cánh yếu ớt, chậm chạp, sau nhanh dần nhanh dần; chị tôi lao vút ra, chơi vơi giữa trời xanh. Đến lượt mình, tôi cố bình tĩnh tung cánh bay từng đọan ngắn giữa tiếng reo hò, cổ vũ của cả xóm.
Thêm chú thích
      
 Kể từ hôm đó ngôi nhà thân yêu chỉ còn trong kỉ niệm, không ai trở lại đó nữa. Tất cả mọi người trong cái xóm nhỏ, đồi tranh tập hợp đông đến cả ngàn, bay rợp trời. Vừa học vừa làm kiếm sống nên dòng họ nhà Vẹt chúng tôi đi tới đâu ai cũg biết bởi những câu chuyện trao đổi không dứt. Và cái lớp lau nhau vừa mới vào đời lại phải dài lưỡi ra học, học tất cả những điều cần thiết cho cuộc sống. Nếu không học tập hàng ngày để có thể nói được hàng chục thứ tiếng thì ai còn gọi họ hàng chúng tôi là”Vẹt” có phải thế không các bạn !



6 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Cảm ơn Hồng Nga đã khen.
      Truyện viết trong những ngày làm LÂM TẶC lang thang trong rừng kiếm sống qua ngày ĐẤY BẠN Ạ!

      Xóa
  2. Ôi, truyện dễ thương quá ! Sóc nâu nghe kể về lũ vẹt mà cũng ước có 1 con quá ! để nó bắt chước tiếng người cũng hay đấy nhỉ ! bọn trẻ con chắc thích lắm í ! :)

    Trả lờiXóa
  3. Chào bạn.Câu chuyện của bạn rất hay,rất cảm động.Có nhiều điều rất kỳ lạ về các loài vật.Chỉ khi quan sát và tìm hỉêu kỹ ta mới nhận ra.Giá như mình đã từng có lúc làm vẹt thì giờ nói tiếng nước ngoài như gió rồi. TIẾC THẬT...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn có nhận xét thật ấn tượng. Chúc bạn những ngày cuối tuần như ý!

      Xóa

NHẬN XÉT MỚI