Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

CHÚNG TA ĐÃ CÓ MỘT VỤ MÙA BỘI THU tác giả HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 179 THÁNG 7 NĂM 2007





(Trích báo cáo tổng kết Trại sáng tác Văn học-Nghệ thuật
 khu vực Tây Nguyên tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột- tháng 6 năm 2007)



... Được sự quan tâm của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật việt nam, Trại sáng tác Văn học-Nghệ thuật khu vực Tây Nguyên được tổ chức tại Thành phố Buôn Ma Thuột – Dak Lak tháng 6 năm 2007. Theo danh sách triệu tập có 21 tác giả Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc thuộc các Hội VHNT khu vực Tây Nguyên và 05 tác giả dân tộc thiểu số thuộc các Hội: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên và Ninh Thuận về dự trại. Vì lý do bận công tác nên hai tác giả của tỉnh Ninh Thuận không tham dự được. Trong số 24 trại viên tham gia trại lần này thuộc các lĩnh vựcï: Văn học-15 người, Âm nhạc - 5 người, Mỹ thuật - 4 người. Toàn trại có 4 tác giả  nữ, tác giả  người dân tộc thiểu số 8 người, nữ dân tộc thiểu số 3 người.
Ngày 18 tháng 6 năm 2007 trại chính thức khai mạc tại TP Buôn Ma Thuột, với sự có mặt của bà Mai Hoa Niê Kdam - Phó chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak, nhà thơ Bằng Việt - Phó chủ tịch Uỷ ban toàn Quốc liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo các Hội năm tỉnh Tây Nguyên. Trong ngày vui khai mạc, các đại biểu đều có những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các tác giả dự trại lần này. Việc chọn Buôn Ma Thuột làm nơi đặt trại cũng đã nói lên sự quan tâm của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam đến Tây Nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng trong quá trình phát triển và hội nhập. Hy vọng các văn nghệ sỹ trong những ngày dự trại sẽ có những tác phẩm mang hơi thở của núi rừng Dak Lak.
Qua thời gian 12 ngày tham gia trại, được sự quan tâm của ban lãnh đạo trại, các anh chị em trại viên đi giao lưu với văn nghệ sỹ  Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực Nam trung bộ và Tây Nguyên tại thị xã Kon Tum. Ở cuộc gặp gỡ này, nhiều tác giả cao tuổi đã thẳng thắn trao đổi, giải đáp  những băn khoăn, vướng mắc mà một số cây bút trẻ hiện nay đang sáng tác về đề tài dân tộc ít người mắc phải sai lầm trong cách thể hiện. Chẳng hạn việc sử dụng ngôn ngữ đồng bào được phiên âm sang tiếng phổ thông như thế nào cho đúng, nêu bật được đặc điểm riêng của từng dân tộc chứ không phải na ná như nhau, dân tộc nào dùng cũng được. Chẳng hạn hiện nay một số người lạm dụng từ “cái” như: “Mình không ưng cái bụng!” “Cái bụng mày không tốt vớ!” “Cái tai mày toàn nghe chuyện xấu thôi à!”… và cho đó là giọng người dân tộc, thể hiện đặc điểm dân tộc. Nào ai biết đó chỉ sự áp đặt! Qua trao đổi, nhiều trại viên cũng cảm thấy giật mình về vốn sống thực tế, cũng như cách thể hiện trong tác phẩm của mình còn nhiều điều phải xem xét lại. Cuộc gặp mặt cảm động và bổ ích này, giúp cho các tác giả dự trại tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm quý báu làm vốn trên con đường sáng tạo văn học – nghệ thuật về vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra ban lãnh đạo trại còn tổ chức các cuộc  giao lưu và đi thực tế tại làng văn hoá Dak Răng, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum; trung tâm du lịch Bản Đôn, huyện Buôn Đôn; Thác Dray Nur, huyện Krông Ana, tỉnh Dak Lak; gặp gỡ các nghệ nhân buôn Kô Sia, Tp Buôn Ma Thuột; các chuyến đi đó đã góp phần quan trọng giúp các văn nghệ sỹ không những hiểu thêm về một vùng đất tươi đẹp và hùng vĩ mà còn hiểu kĩ hơn phong tục tập quán các dân tộc anh em đang sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên thơ mộng và giàu truyền thống đấu tranh cách mạng.
Có thể nói các văn nghệ sỹ đến trại lần này ai cũng mang trong mình những dự định lớn lao, đó là sáng tạo nghệ thuật để tự khẳng định mình. Chính vì thế, các trại viên chấp hành tốt nội quy của trại, tập trung tất cả sức lực của mình cho sáng tạo nghệ thuật nên kết quả về số lượng tác phẩm sáng tác được thật đáng mừng. Về Thơ: 133 bài; Văn xuôi: 26 tác phẩm; Nhạc: 10 ca khúc; Mỹ thuật: 05 tác phẩm.
Những con số thống kê nêu trên đã nói lên phần nào sự nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật lần này của các tác giả dự trại. Tuy trong cuộc sống đời thường nhiều tác giả còn gặp khó khăn, vất vả như hoạ sỹ A Nhú đến từ Kon Tum  phải vẽ tranh chỉ bằng một bàn tay trái, đến trại lo canh cánh không có tiền mua cọ, mực, vải để vẽ. Gần bế mạc trại lại lo không biết lãnh đạo trại có cho thêm tiền xe để đi về không. Lo thì lo vậy nhưng vẫn say mê với cây cọ bạn bè vừa mua tặng để có tác phẩm làm đắm say người xem.
Đến dự trại sớm nhất là đoàn Dak Nông, với những khuôn mặt quen thuộc như tác giả Nguyễn Ngọc Hinh, Vi Lập Công, Nguyễn Văn Hùng, Ngô Văn Khoa có cái trăn trở, tìm tòi để thể hiện nét đặc trưng riêng của mỗi người, cuối đợt đã hoàn thành những tác phẩm được ban thẩm định của trại đánh giá cao.
Nhà thơ Hồ Chư từ miền gió lửa Quảng Trị đặt chân đến Dak Lak khí hậu thay  đổi nên thường nhức đầu, sổ mũi, vẫn cố gắng có những sáng tác mới. Những tác giả đến từ Kon Tum như Nguyễn Ngọc Tân,  Lê Minh Thế, Đào Quốc Sủng, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều chăm chỉ sáng tác, chưa được nửa thời gian ở trại đã có tác phẩm gửi nhờ thẩm định, góp ý. Gia Lại chung địa giới với Dak Lak, các tác giả đến dự trại với không khí như trở về nhà, từ những người tuổi đã nhiều như Hoàng Kim Hữu, Nguyễn Đình Phê, Lê Hồng Phương đến nhà thơ trẻ như Ngô Thị Thanh Vân có cái háo hức được gặp gỡ, giao lưu và bừng bừng khí thế đã cho ra đời những đứa con tinh thần dạt dào cảm xúc.
Đoàn Lâm Đồng góp ba khuôn mặt quen thuộc là tác giả Hà Huy Hiền, Nguyễn Thị Vĩnh, vẫn say sưa làm việc, hoàn thành nhiều tác phẩm ngay tại trại; nhưng so với hai người nhiều tuổi cùng đi, cực nhất có lẽ là tác giả sáng tác mĩ thuật, K’Ming Tuấn. Anh lặn lội đi vào các buôn làng gần trọn ngày trời tìm mua được gốc mít ưng ý chở về, mấy cô nhân viên khách sạn xúm lại hỏi: Anh làm thợ mộc à! Cái gã “thợ mộc” ấy suốt ngày cứ kì cạch, kì cạch để đến khi gần bế mạc trại làm mọi người đi qua chỗ gã làm việc phải thốt lên: Tài quá! Bức tượng cô gái đang cố sức nâng ché rựơu sao mà sống động đến thế!
Nữ tác giả Hơ Vê đến từ Quảng Ngãi, tuy tuổi đã nhiều, nhưng vẫn miệt mài với trang giấy trắng. Chị băn khoăn trao đổi với bạn viết: Ai cũng đánh bản thảo bằng vi tính, còn mình chỉ biết viết tay thôi, không biết thầy có đọc không? Chị cứ miệt mài đóng cửa viết, viết đến quên cả ăn cơm. Nhiều hôm bạn bè đợi mãi không được phải lên tận phòng cất bút giùm, chị mới miễn cưỡng đi ăn. Cách lao động của chị cũng là điều khích lệ các anh chị em khác say mê sáng tác.
Đặc biệt, tham gia trại lần này có nhà văn đã khẳng định tên tuổi của mình trên văn đàn như nhà văn Y Điêng, đến từ Phú Yên, vừa được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học; tuy tuổi đã ngoài tám mươi xuân nhưng sức khoẻ còn dẻo dai và sức viết còn rất khoẻ, trong những ngày ở trại không những miệt mài sáng tác, mà còn dành thời gian trao đổi, góp ý cho các anh chị em thuộc thế hệ đàn em. Những chỉ dẫn của lớp cha anh đi trước, mà đó lại là tác giả người dân tộc thiểu số chỉ cách viết về người thiểu số thât đáng quý biết bao. Cây đại thụ trong làng văn chương trên dãy Trường Sơn này vẫn còn dẻo dai, sung sức lắm, thế hệ đi sau rất cần những kinh nghiệm quý báu của những người đi trước như Ông truyền lại.
Đoàn Dak Lak, bên cạnh những tác giả quen thuộc với độc giả cả nước như Niê Thanh Mai (người vừa ẵm giải nhì cuộc nthi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân Đội), Lê Nhật Thanh, Tôn Nữ Ngọc Hoa, Hồ Tuấn, Hồng Chiến đã hoàn thành nhiều tác phẩm ngay tại trại được đánh giá cao, ta còn bắt gặp nhà thơ trẻ H’Trem Knul, cô giáo người dân tộc ÊĐê đến từ huyện Krông Pak, mới 25 tuổi đời, nhưng ngòi bút thật già dặn và đang ấp ủ hoài bão lớn về sáng tác nghệ thuật; người con gái nhỏ nhắn, rất kiệm lời này, ngoài những buổi đi thực tế, giao lưu, thời gian còn lại tự nhốt mình trong phòng, chỉ xuất hiện vào các bữa ăn; đến ngày “nộp quyển” mới trình làng hẳn hai chục bài thơ làm mọi người phải tròn mắt. Phục!
Trại do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam tổ chức tại Buôn Ma Thuột tháng 6 năm 2007 đã thành công hơn cả mong đợi. Ngoài số tác phẩm giao nộp cho lãnh đạo trại, các tác giả còn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người hâm mộ, cũng như vùng đất mà các văn nghệ sỹ đã đến, đi qua, hoặc giao lưu.
30 tháng 6! Ai cũng giật mình. Thời gian sao trôi nhanh thế! Mười hai ngày dự trại đã vụt bay qua thật rồi ư! Ừ! Đối với những ngày vui, thời gian không chiều theo ý của người. Đành chia tay nhau và cùng hẹn: những tài liệu thu lượm được, những vốn sống tích luỹ được qua trại lần này hi vọng sẽ là vốn quý cho các anh chị em văn nghệ sỹ có thêm những sáng tác mới sau này đứng được với thời gian.

2 nhận xét:

  1. Anh được thăng quan, tuyệt lắm rồi
    Thăng quan-quý lắm,mọi người ôi!
    Từ nay hãy giúp thêm bạn hữu
    Bạn hữu chờ anh có thế thôi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn Hồng Nga đã ghé thăm và tặng thơ, H.C sẽ chuyển bài thơ của bạn cho nhà thơ Đặng Bá Tiến. Chúc bạn buổi chiều như ý!

      Xóa

NHẬN XÉT MỚI