Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

KẾT QUẢ HƠN MONG ĐỢI ghi chép của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 192 THÁNG 8 NĂM 2008








Ngày 03 tháng 7 năm 2008 tại Trường Quân sự địa phương tỉnh, Hội Văn học - Nghệ thuật Dak Lak đã tổ chức Trại sáng tác Thơ - Văn cho Thanh thiếu niên các Dân tộc thiểu số tỉnh Dak Lak lần thứ IV năm 2008. Đây là hoạt động thường niên của Hội. Cứ hai năm một lần - vào năm chẵn, Hội tổ chức trại sáng tác thơ văn dành cho các em thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số và cũng hai năm một lần – vào năm lẻ, Hội kết hợp với nhà Văn hóa Thanh thiếu niên tỉnh –Tỉnh Đoàn thanh niên – Sở Giáo dục & Đào tạo mở trại sáng tác thơ văn cho các em học sinh phổ thông có năng khiếu văn thơ.
Về dự trại lần này có 24 em học sinh độ tuổi từ 13 đến 18 đang là học sinh phổ thông từ lớp 6 đến lớp 11 năm học 2007-2008, ở 11 huyện - thành phố có năng khiếu sáng tác thơ văn được các Phòng Giáo dục và các Trường Dân tộc nội trú giới thiệu. Trại năm nay, trong số 24 trại viên tham gia chỉ có 2 em nam giới còn lại  22 em  nữ, hội tụ ba dân tộc anh em đang sinh sống tại Dak Lak gồm dân tộc Ê Đê: 18 em, dân tộc Tày: 5 em, dân tộc M’ Nông: 01 em.
Khai mạc Trại có sự tham gia của lãnh đạo Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, Sở Thông tin -Truyền thông, Sở Văn hóa-Thể thao & Du lịch, Ban giám hiệu trường Quân sự địa phương, Báo Dak Lak, Đài phát thanh - Truyền hình Dak Lak, Tạp chí Văn Hóa, Chuyên san Giáo dục tỉnh…
Trong thời gian dự trại, các em đã được NSƯT Vũ Lân giới thiệu khái quát về Văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là truyền thuyết xung quanh các loại chiêng truyền thống của người dân bản địa, cách gọi tên các loại chiêng như thế nào là đúng, bản nhạc nào dùng trong nghi lễ gì v.v... Nhà thơ Hữu Chỉnh hướng dẫn các em tìm hiểu về các thể loại thơ và bút pháp trữ tình trong thơ. Nhạc sĩ - nhà văn Linh Nga Niê Kđăm hướng dẫn cách sưu tầm truyện cổ tích của các dân tộc, một vốn quý văn học đang bị mai một; nhạc sỹ – nhà văn còn dành thêm buổi tối để trao đổi về những tác phẩm các em đã sưu tầm được. Nhà thơ Phạm Doanh không những đọc, góp ý các bài thơ các em đã sáng tác mà còn khích lệ các em sáng tác song ngữ và không ngờ gặt hái được những kết quả ngoài cả mong đợi. Nhà thơ Lê Vĩnh Tài trao đổi với các em về thơ trẻ và giới thiệu về một số hiện tượng thơ trong các trào lưu thơ mới gần đây. Nhà văn Niê Thanh Mai hướng dẫn các em phương pháp sáng tác truyện ngắn, cách xây dựng nhân vật, tính cách nhân vật, cấu trúc truyện ngắn v.v.. đây là kiến thức hết sức bổ ích cho người sáng tác văn xuôi. Nhà văn Hồng Chiến hướng dẫn các em tìm hiểu về thể loại ký văn học, một trong những thể loại các em thường viết nhưng lại hay nhầm lẫn với thể loại Báo chí. Nhà văn Khôi Nguyên dành trọn thời gian có được với trại để đọc, góp ý cho các em về các tác phẩm mới sáng tác. Chính những nhiệt tình của các bác, các anh, các chị là văn nghệ sĩ lớp trước đã giúp  cho các em không những nắm được kiến thức cơ bản về mặt lí thuyết, kinh nghiệm thực tiển, mà còn tự tin vào sáng tác thơ văn của mình. 
Sau năm ngày đêm trao đổi, học hỏi phần lý thuyết, các em được đi thực tế hai ngày tại Thành phố Nha Trang - tỉnh Khánh Hòa, thăm các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh bạn như: Tháp Bà, Làng Chài, Thủy Cung, Bãi Sạn, chợ Đầm… đã gặt hái được nhiều kiến thức bổ ích. Nhiều em khi thấy biển đã hét lên vì ngạc nhiên, có em còn nếm thử nước biển xem mặn bằng ngần nào. Hai đêm ở thành phố Nha Trang hầu như không ngủ, các em ngắm biển, ngắm trời đêm trên biển để so sánh với trời đêm quê mình; hay rủ nhau chạy trên bờ biển đuổi bắt những con còng bé nhỏ, cái gì đối với các em cũng mới mẻ và cần được khám phá. Khuya về khách sạn lại hì hục ngồi viết vì cảm hứng đang ùa đến. Rời Khánh Hòa, các em tiếp tục hành trình lên Đà Lạt, thăm các thắng cảnh nổi tiếng như: Suối Vàng, Thung Lũng Vàng, Hồ Tuyền Lâm, Trúc Lâm Thiền Viện, chợ Đà Lạt, chợ Đêm v.v… Trong hai ngày lưu lại Đà Lạt, các em trại viên còn được nhà văn Lê Công, Phó chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng – Tổng biên tập Tạp chí Lang Biang tiếp và tổ chức giao lưu với một số cây viết suất sắc của tỉnh bạn. Cuộc gặp mặt – giao lưu cảm động và bổ ích này giúp cho các em dự trại tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm quý báu làm hành trang trên con đường sáng tạo văn học – nghệ thuật về vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy trong những ngày ở trại có em còn gặp nhiều khó khăn vất vả như em H Wiết lớp 11 trường THPT Bán công huyện Krông Pak, đến trại với vết thương bị tai nạn giao thông chưa lành, đi lại phải có người nâng đỡ nhưng vẫn say mê theo học đến hết phần lí thuyết; hay em Phạm Thị Ngọc Aùnh đến từ trường THCS Chu Văn An, huyện Ea Kar gần hết thời gian học lý thuyết phải vật lộn với vết đau trên mặt, không ăn được, đêm về vết đau nhức nhối, khóc lóc cả đêm nhưng được bạn bè động viên đã ở lại dự trại, không hề bỏ một buổi học nào. Còn nhiều nữa những tấm gương cá nhân vượt khó đi lên, cố gắng hòan thành suất sắc nhiệm vụ của mình như Trại Trưởng Ayun Aùnh Hồng, trại viên: H' Xĩu Hmok, H’ Siêu Byiá, H’ Rút Niê (cả bốn em đều là học sinh lớp 11-trường DTNT Nơ Trang Lơng), ngoài việc sáng tác còn dành nhiều thời gian tổ chức cho các bạn trong tổ, trong lớp những buổi sinh hoạt bổ ích, xứng đáng là những người chị của các bạn trại viên.
Có thể nói các em đến trại lần này ai cũng háo hức tìm tòi, học hỏi, chấp hành tốt nội quy của trại, hăng say sáng tác, nhờ vậy số lượng tác phẩm sáng tác được thật đáng mừng - Thơ: 68 bài, Văn xuôi: 27 bài, sưu tầm: 21 bài. Những con số thống kê nêu trên đã nói lên phần nào sự nghiêm túc trong sáng tạo thơ văn lần này của các em dự trại.
Sáng ngày 12 tháng 7 năm 2008, tại hội trường trường Quân sự địa phương tỉnh Dak Lak, Trại sáng tác thơ văn Thanh thiếu niên các Dân tộc thiểu số tỉnh Dak Lak lần thứ IV - Hè 2008 tổ chức lễ bế mạc. Tại buổi lễ tổng kết, ông Vũ Văn Tùng đại diện Phòng Văn - Xã của UBND tỉnh Dak Lak đã phát biểu và biểu dương Hội VHNT Dak Lak đã có sáng kiến tổ chức trại cho các cháu và xem đây là việc làm hết sức có ý nghĩa, cần được duy trì và phát huy trong thời gian tới.
Trại sáng tác thơ văn Thanh thiếu niên các Dân tộc thiểu số tỉnh Dak Lak lần thứ IV - Hè 2008 do Hội Văn học-Nghệ thuật Dak Lak tổ chức đã thành công hơn cả mong đợi. Ngoài số tác phẩm giao nộp cho lãnh đạo trại, các em còn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người thế hệ trước, cũng như vùng đất mà các em đã đến, đi qua, hoặc giao lưu. Chúng ta hi vọng rằng, qua mười ngày ngắn ngủi ở trại là thời gian để ươm mầm, gieo hạt để ngày mai sẽ đơm hoa kết trái cho quả ngọt là những văn nghệ sĩ tài năng, xứng tầm với vùng đất Tây Nguyên huyền thoại.

6 nhận xét:

  1. khi nào có triển lãm hú e 1 tiếng, e thích xem lắm anh

    Trả lờiXóa
  2. Những bức tranh triển lãm đẹp quá ! Có phải thể loại tranh sơn dầu không ạ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có bột màu, có sơn dầu và có cả sắp đặt nữa đấy; xa qua không đón bạn tới xem được. chúc cả nhà buổi tối như ý nhé!

      Xóa
  3. Tranh đẹp quá! tận mắt xem ...Tuyệt vời...

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI