Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

NGƯỜI DŨNG SĨ TRÊN LƯNG “VOI SẮT” NĂM XƯA bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 254 tháng 10 năm 2013






                                                                                       
Về thăm Công ty cổ phần Cơ giới Đồng Tâm vào một ngày đầu tháng 8, trời đang độ mùa mưa nên cảnh vật bừng bừng sức sống, cây cối mượt mà tươi tốt; bước chân vào cửa cơ quan đã thấy những chậu hoa, cây cảnh…xếp hàng như hoa viên. Hai cây thông bách tán trồng trước cửa phòng làm việc của lãnh đạo công ty cao vút, vượt mái nhà hai tầng, gốc to đến gần nửa mét, soi bóng xuống bể cá hình tròn bên cạnh, làm ta như được thấy cảnh làng quê đồng bằng Bắc Bộ thu nhỏ nơi đây.
Đón chúng tôi vào phòng làm việc, ông Trần Đức Thành, Bí thư đảng ủy – Chủ tịch Hội Đồng quản trị công ty tươi cười bắt tay thật chặt. Vừa nhấp ly nước trà Thái Nguyên đậm đặc đã nghe tiếng nói của ông Tô Bá Tham – nguyên Bí thư Đảng ủy công ty, nay đã nghỉ hưu vọng vào, nét mặt hồ hởi, ông vào phòng bắt tay từng người làm không khí căn phòng ồn ào hẳn lên. Đã ngoài sáu mươi rồi nhưng thân hình vẫn vạm vỡ không sút đi bao nhiêu, và giọng nói không lẫn vào đâu được, vừa mạnh mẽ, dứt khoát vừa có cái gì ấm áp chân tình của người công tác Đảng, trưởng thành từ công nhân. Sau những câu thăm hỏi sức khỏe, công việc, ông Trần Đức Thành nói thêm:
- Chuẩn bị kỷ niệm 35 năm ngày thành lập, lãnh đạo Công ty mời các anh bên Hội văn học nghệ thuật và các bác nguyên là lãnh đạo công ty về cùng góp ý cho Ban tổ chức công việc chuẩn bị buổi lễ. Hôm nay bác Vũ Đức Bùi cũng nhận lời đến, ta đợi một lát.
Nhắc đến Vũ Đức Bùi, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc công ty thuộc thế hệ lãnh đạo thứ hai sau ông Nguyễn La Vân, vị giám đốc đầu tiên của công ty khai hoang cơ giới 4, tiền thân của công ty cổ phần cơ giới Đồng Tâm hôm nay làm tôi bồi hồi xúc động nhớ lại những kỷ niệm đẹp về anh. Cách đây hơn một năm, tôi có gặp anh, đó là chiều ngày 10/3/2012 khi anh chuẩn bị bàn giao công tác để về nghỉ hưu. Nhìn người chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc của công ty cổ phần thi công cơ giới Đồng Tâm trông còn khá trẻ, nhanh nhẹn mà đã nghỉ tôi hơi ngạc nhiên hỏi: Sao anh về trước tuổi à? Anh vui vẻ nói: Đúng 60 tuổi là phải về hưu chứ, tuy tuổi trong lý lịch và thực tế có sai lệch một ít, những năm 60 – 70 của thế kỉ trước, việc khai thêm tuổi để đi bộ đội, công nhân cũng là điều dễ hiểu.
Việc bàn giao của anh với người kế nhiệm Trần Đức Thành được tiến hành nhanh chóng, chỉ có một buổi. Tôi băn khoăn điều này được anh em trong công ty giải thích: Thực ra công tác Giám đốc đã bàn giao cho anh An từ ngày 1/1/2011, hôm nay chỉ bàn giao công tác của Chủ tịch hội đồng quản trị. Hơn một năm qua các tồn tại cũng đã được giải quyết tương đối gọn. Tôi được biết việc chuyển giao ở một số đơn vị kéo dài hàng tháng vì chuyện tiền bạc, nợ nần. Mang điều này hỏi, được anh Bùi trả lời:
- Cuộc chuyển giao nào mà chẳng có những tồn tại để anh em sau tiếp tục xử lý. Chẳng qua việc làm của mình cũng minh bạch, nên anh em mới vui lòng tiếp nhận. Làm Giám đốc 18 năm, làm sao tránh khỏi sai sót, song tôi đã cố gắng không để lại những gánh nặng cho các đồng chí của mình.
Trong lễ chuyển giao hôm đó có đủ các anh trong Đảng ủy, Công đoàn và HĐQT. Tôi rất ấn tượng khi được nghe bác Nguyễn La Vân, người Giám đốc đầu tiên của công ty lên phát biểu. Ông đã bước sang tuổi 80, người không được khỏe song giọng nói vẫn rõ ràng, mạnh mẽ như bản chất của người dân xứ Quảng. Ống nói: “Tôi rất vui được dự buổi bàn giao công tác để về hưu của anh Vũ Đức Bùi. Tôi và anh Bùi có vinh dự là đã kế nhiệm nhau làm Giám đốc công ty suốt 33 năm. Cùng với các đồng chí lãnh đạo trong Công ty, chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ở Đắk Lắk  việc này trước ít có và sau này khó có. Hôm nay tôi cũng bộc lộ nhận xét của mình về anh Bùi, có thể nói 18 năm kế nhiệm tôi, anh đã thể hiện là người có trách nhiệm tốt trong công việc và là người Đảng viên có tính Đảng cao. Mong các đồng chí thế hệ lãnh đạo thứ 3 tiếp tục phấn đấu xây dựng Công ty ngày càng phát triển tốt hơn”. Lời nói của người già luôn sâu sắc, đầy triết lý sâu xa của cuộc đời đã có nhiều trải nghiệm và cũng có cả trách nhiệm của người Đảng viên cộng sản. Ông đã chân thực khi nhận xét về người mà ông đã chọn là người kế nhiệm. Người mà ông đã nghĩ: “ Người đó phải yêu mảnh đất này, yêu công ty này, quý trọng từng giọt mồ hôi của những người lao động như quý trọng giọt mồ hôi của chính mình”.
Quen biết nhau cũng đã 5-6 năm, qua anh và cán bộ công nhân viên được biết anh quê ở Xuân Trường, Nam Định. Lớn lên bên các cánh đồng lúa xanh và bên dòng sông Ninh Cơ. Năm 1969 bước vào tuổi 16 anh vào làm việc ở Tổng đội thi công cơ giới – Bộ Nông Trường. Lúc đó cuộc chiến đấu giải phóng đất nước đang ở trong giai đoạn gay go nhất, cả nước hướng về Miền Nam, tuyến đầu chống đế quốc Mỹ. Ngày đó Đảng và Chính phủ đã chuẩn bị những lực lượng cần thiết để khi chiến thắng sẽ bắt tay vào xây dựng lại Tổ quốc, trong đó có lực lượng cơ giới. Lúc đi anh còn thấp bé, nhẹ cân, sau khi châm chước tuyển dụng, được điều về nấu ăn một năm ở trường lái máy Lạc Thủy– Hòa Bình, sau đó mới được đi học lái máy ủi. Giữa năm 1971, anh ra trường vào làm việc ở một đội máy chuyên thi công hồ đập, đường, khai hoang cho các nông trường: Đồng Giao, Thạch Thành, Phúc Do, Tam Điệp ở Thanh Hóa, Ninh Bình… Gần 8 năm miệt mài trong công việc lái máy, người công nhân trẻ, học dở dang lớp 8 đã được nhìn nhận là người chịu khó làm việc, ham học hỏi, thích đọc sách. Giữa năm 1978, anh cùng đơn vị vào Đắk Lắk, lúc đó mới 26 tuổi, hăm hở lên đường phần vì trách nhiệm của tuổi trẻ đóng góp cho sự nghiệp chung, phần vì phải làm việc để có tiền gửi về cho mẹ chăm sóc các em. Những năm tháng trực tiếp lái máy đã thấm vào anh tình yêu nghề nghiệp, đồng nghiệp. Nóng, bụi, thiếu thốn vất vả của nghề cơ giới đã tôi rèn cho anh nghị lực về ý chí vượt khó khăn. Anh luôn nghĩ Việc làm nào cũng vinh quang, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là niềm vui nhất”. Có lẽ chính các điều đó đã khiến giúp anh trưởng thành từ lái máy, đủ sức để đứng vững trên cương vị Giám đốc, trong lúc giao thời của nền kinh tế chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường ở một công ty mà công việc cũng rất bấp bênh.
Sau khi vào Đắk Lắk tham gia thành lập công ty cơ giới 4, cuối năm 1980 anh xây dựng gia đình và được kết nạp vào Đảng. Hiện tại gia đình anh có hai cháu, giờ đã trưởng thành, các cháu đều làm việc ở Đắk Lắk trong đó có con gái và con rể làm việc ở Công ty Đồng Tâm. Năm 1984 anh được bổ nhiệm làm Đội trưởng đội 2 làm công tác thủy lợi, sau 4 năm gian khó cùng đơn vị thi công một số hồ đập trong ngành cà phê, anh được bổ nhiệm làm phó giám đốc. Được lãnh đạo công ty cho đi học các lớp quản lý kinh tế,  chính trị và chính thức được bổ nhiệm Giám đốc từ tháng 12 năm 1992. Anh chịu khó tự học và biết lắng nghe ý kiến, biết dựa vào tập thể để làm việc, thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, tập trung, mọi quyết định lớn đều phải thông qua Đảng ủy, HĐQT, khi đã thành quyết định thì kiên quyết thi hành. Anh có niềm vui là ở một đơn vị từ lúc bắt đầu đi làm việc tới lúc nghỉ hưu, sấp sỉ 43 năm. Mặc dù được nhìn nhận là một trong những người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển Công ty, nhưng anh vẫn thẳng thắn thừa nhận là còn một số việc làm chưa thật đúng, thật tốt, thắng lợi của Công ty là công sức của tập thể. Anh luôn coi trọng và nhớ ơn tới các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm như: Ngô Vương, Nguyễn La Vân, Huỳnh Mậu, Đoàn Triệu Nhạn… là những người đã dìu dắt, giúp đỡ anh trưởng thành trong công tác. Anh thấm thía lời dặn của BÁC HỒ “ Mọi công trạng của cá nhân chủ yếu là do tập thể mà có, vì vậy người có công trạng không nên tự kiêu  mà cần khiêm tốn, khiêm tốn và rộng lượng là hai đức tính người cách mạng nào cũng cần có”. Ấn tượng nhất về thời gian anh làm Giám đốc cũng nhiều, khen có, chê có, song nổi lên là đánh giá đó là người lãnh đạo gương mẫu, biết chăm lo lợi ích cho tập thể. Cùng ban lãnh đạo Công ty, anh đã kiên trì đổi mới thiết bị, quan hệ tốt với khách hàng, mở rộng thị trường ra nước bạn, đẩy mạnh công tác thủy lợi, giao thông, làm tốt việc chuyển đổi sang công ty cổ phần, chăm lo đời sống cán bộ công nhân, quan tâm tới cán bộ công nhân đã nghỉ hưu, nghỉ việc. Anh luôn bám sát các công trình trọng điểm, chỉ đạo kiên quyết, coi trọng chất lượng công trình. Nhưng có lúc mất bình tĩnh cũng nặng lời với anh em, nặng về với công việc chưa thực sự quan tâm tới đời sống cá nhân của cán bộ công nhân, có năm thu nhập, cổ tức còn thấp. Thật ra đánh giá về con người cũng khó mà đầy đủ nhất là người lãnh đạo, có người khi đương chức được đánh giá rất tốt nhưng khi giao quyền lực thì trở thành tội phạm. Tôi bất chợt nhớ tới lời một người bạn tâm sự: Làm cán bộ lúc này cũng là một thử thách lớn, nhất là người đứng đầu khi có quyền lực mà thiết chế kiểm soát còn yếu. Họ phải biết tự điều chỉnh mình trước khi có những ràng buộc của pháp luật. Anh làm Giám đốc một thời gian dài chắc cũng phải là người cẩn thận và tử tế, được nhiều người tin tưởng. Sau 18 năm trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Công ty CPTCCG Đồng Tâm, anh đã thanh thản bàn giao cho các đồng chí kế cận. Nhiều năm qua, anh đã cùng các đồng chí Tô Bá Tham, Nguyễn Văn Điểm, Nguyễn Đức Mơn…. sát cánh bên nhau xây dựng công ty ngày càng vững mạnh để đến lúc ra về cũng có thể tự hào về những gì đã cống hiến cho đất nước, cho công ty. Ngày về nghỉ hưu cũng là ngày anh được nhận huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ.
Để đạt được kết quả trên anh Bùi “ bật mí, bí quyết” để gặt hái được thành công chính là: “xây dựng tập thể lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ công nhân thành một khối đoàn kết vững chắc, trên dưới tin tưởng nhau. Phải thực sự dân chủ trong mọi hoạt động, để mọi người cùng biết, cùng bàn, cùng thực hiện và cùng hướng lợi ích từ công việc. Người lãnh đạo phải nâng cao kiến thức quản lý kinh tế, song cần quan tâm tìm hiểu kiến thức về văn hóa xã hội, cần quan tâm tới thể thao, văn nghệ, nó giúp cho tâm hồn được tốt lên và xử lý công việc tốt hơn”. Người Dũng sỹ trên voi sắt năm xưa trở thành người Giám đốc nhưng anh sống cũng bình dị, tích cực lao động.
Với thực tế của mình, tôi thấy đơn vị nào vững mạnh chính là đã xây dựng được tập thể lãnh đạo tốt trong đó tiêu biểu là người đứng đầu; ở Công ty CPTCCG Đồng Tâm đang làm được điều đó, các anh trong thế hệ lãnh đạo mới như Trần Đức Thành, Trần Quốc An, Nguyễn Hữu Lợi, Lê Hoàng Phi đang tiếp bước vững vàng, có lẽ trong hành trang lãnh đạo của mình, cũng có một phần những bài học kinh nghiệm lãnh đạo và phẩm chất đạo đức của các đồng chí đi trước. Đó là vốn quý cần phải trân trọng giữ gìn.


9 nhận xét:

  1. Tem vàng nhà anh Chiến (~_~)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bác Bạch Dương đã ghé thăm. Chúc bác buổi chiều có nhiều niềm vui!

      Xóa
  2. Hình ảnh quê hương và bài thơ thật ấm áp thân thương anh ạ !
    Chúc anh chiều thứ tư bình an, thành đạt nhé ! (~_~)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bác đã tâm đắc cùng em bài thơ này của tác giả Nguyễn Thanh Hải ạ!

      Xóa
  3. Sao thơ này mình đọc k thấy vần lắm ta

    Trả lờiXóa
  4. COn thích tấm ảnh quá ! Đẹp và nghệ thuật lắm !

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI