Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

XỬ KIỆN!



 Trong chuyến đi công tác dài ngày lần này được một vị cùng đoàn vui miệng kể cho nghe câu chuyện xử kiện khi còn làm “Quan xã”, xin kể bạn bè cùng nghe:
- Báo cáo, em xin kiện ạ!
- Ông kiện về vấn đề gì?
- Dạ, em kiện hắn ạ!
- Sao lại kiện hắn?
- Hôm trước hắn về buôn gặp con vợ em mặt hai đứa chúng nó hồng lên như uống rượu, mắt chớp lia lịa; còn “hai cái cầm cuốc” nắm chặt lấy nhau.
- Thời đại văn minh người ta bắt tay nhau để tỏ lòng kính trọng ấy mà, không có việc gì đâu.
- Nhưng chiều hôm qua em thấy chúng nó cho hai cái “ăn cơm” gặp nhau rồi kéo nhau, biến vào rừng mãi nửa đêm con vợ em mới về.
- Khi về nhà, hắn có chưởi ông không?
- Không!
- Nó có chăm con không?
- Vẫn ôm con như mọi ngày.
- Thế ông xem vợ ông có mất cái gì không?
- Không!
- Xem kỹ chưa?
- Dạ, kỷ rồi ạ!
- Có mất cái gì không?
- Dạ không!
- Mọi cái vẫn còn, vậy thì kiện cáo cái quái gì đây? Thôi về đi!

NGÀY TRỞ VỀ!

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

CHIA TAY!

Thêm chú thích

Nhận công văn khẩn, 14 giờ có mặt tại trụ sở họp đôt xuất. Đúng giờ có mặt đã thấy ông Giám đốc sở Nội Vụ ngồi đợi.
Sau ly nước trà, Ông Giám đốc thay mặt lãnh đạo tỉnh công bố Quyết định của Tân chủ tịch tỉnh cử 10 cán bộ đi công tác theo đề xuất của Bộ Nội Vụ và giao nhiệm vụ cho đoàn. Anh em trong đoàn ai cũng hăm hở cho chuyến đi, nhưng khi đề cử chức danh Trưởng đoàn thì... đùn đẩy nhau. Sau khi bàn tính hết sức dân chủ, ông Giám đốc sở Nội Vụ đành chỉ định vậy.
Thế là buổi chiều có bữa tiệc chiêu đãi chia tay, với lãnh đạo tỉnh để ngày mai ra sân bay đi làm nhiệm vụ.
Ôi cái tuổi sắp được nghỉ hưu rồi lại vi vu cùng mây gió. Lòng man mác buồn vì... nhưng thôi đó cũng là danh dự; đành chúc nhau ngày về có đủ cả 10 người cùng nâng ly mừng thành công.
Tạm biệt các bạn Blogger một thời gian nhé!

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

CŨNG SẠCH!




Nhân dịp Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lăk; các bạn VNS tại thủ đô Hà Nội vào tham dự và mong muốn được đi thăm BẾN NƯỚC của người dân tộc bản địa. Trưa, anh Cả dẫn đoàn đến buôn CÔ THÔNG thăm bến nước của người Êđê. Bến nước cách đường nhựa khoảng hơn 50 mét, đường dốc ô tô khồng xuống được nên phải đi bộ.
Đoàn đi qua con đường đất nhỏ, hai bên có cây cổ thụ che bóng mát; bổng một cô trong đoàn kêu lên:
-         Trời mưa, ôi kỳ lạ quá, trời đổ mưa ngay giữa trưa mùa khô!
Anh Cả quay lại thấy cô nhà văn đang giơ tay hứng những hạt nước li ti từ trên ngọn cây rơi xuống  xoa lên mặt với một vẻ thích thú, mấy cô bạn đi cùng cũng bắt chước theo. Hoảng quá, anh Cả kêu lên:
-         Không phải nước mưa đâu, nước đái ve đấy!
Một nghệ sĩ Nhiếp ảnh đi cùng đoàn bảo:
- Nước đái nhưng là nước đái ve, cũng sạch!

TRƯỚC THỜI CƠ VÀ THÁCH THỨC CỦA THỜI ĐẠI tác giả HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 247 tháng 3 năm 2013




Cả nước nô nức đón chào Xuân Quý Tỵ - 2013 với biết bao mừng vui trước thành công của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo. Và Xuân này càng vui hơn khi mọi người, mọi nơi trên khắp mọi miền đất nước sôi nổi cùng nhau tham gia góp ý vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; công việc hệ trọng này đã trở thành một phong trào sinh hoạt chính trị sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân nói chung và giới văn nghệ sĩ nói riêng. Hòa chung không khí ấy, văn nghệ sĩ, cũng tích cực tham gia góp ý vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đây chính là cơ hội để giới văn nghệ sĩ đem tài trí của mình tham gia kiến quốc.
 Trong mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, văn học nghệ thuật nước ta luôn đồng hành cùng dân tộc và có thể nói đã góp phần quan trọng làm nên những trang lịch sử chói lọi của tổ quốc. Trong lúc cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt; tuy bận rộn với nhiều công việc của một nguyên thủ quốc gia trong thời chiến, nhưng biết tin có cuộc triển lãm hội họa, Bác vẫn giành thời gian viết thư cho các họa sĩ, trong thư đã khẳng định: Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951).
Điều ấy đủ để chúng ta thấy Đảng và Bác đánh giá rất cao vai trò của văn nghệ sĩ và xem đó là một lực lượng không thể thiếu để tiến tới giành  thắng lợi hoàn toàn của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Nước nhà thống nhất, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số: 23 NQ/TW “Về việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới”. Nghị quyết khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng đặc biệt tinh tế của văn hoá, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, là một động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.
Để tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ, những người con ưu tú của dân tộc, cùng chung sức đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước, Đảng đã thành lập Hội Văn hóa cứu quốc từ rất sớm, năm 1948 thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam – nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, và trở thành một tổ chức “Chính trị xã hội nghề nghiệp” của Đảng. Những người văn nghệ sĩ chân chính tự nguyện gia nhập tổ chức của Đảng là chấp nhận phấn đấu cho lý tưởng cộng sản, nguyện tuyệt đối trung thành với Đảng. Thắng lợi của các cuộc khánh chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc do Đảng ta lãnh đạo trong suốt thời gian vừa qua có sự đóng góp vô cùng to lớn của giới văn nghệ sĩ. Hòa bình lập lại, công cuộc tái thiết đất nước cũng như công cuộc đổi mới của Đảng ta hiện nay, vai trò của người nghệ sĩ càng  có tầm quan trọng hơn bao giờ hết; lịch sử đã chỉ ra: không có công cụ tuyên truyền nào có sức lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân như văn nghệ; không có bất cứ một phương tiện nào có thể tác động có hiệu qủa lên mọi tầng lớp nhân dân về “Chân – Thiện – Mĩ”, như văn nghệ; đây chính là niềm vinh dự, tự hào của những người văn nghệ sĩ.
Văn học nghệ thuật có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới của Đảng trong thời kỳ hội nhập, nó tác động lên mọi mặt của cuộc sống con người, vì thế không có gì ngạc nhiên khi một số thế lực thù địch, chống phá nước ta, âm mưu tiến hành cuộc chiến diễn biến hòa bình đã kêu gọi tách văn nghệ sĩ ra khỏi tổ chức của đảng, thành lập “Hội Văn nghệ phi chính phủ!”, nhằm chia rẽ đảng với văn nghệ sĩ. Đây cũng là lúc thể hiện bản lĩnh của người nghệ sĩ chân chính, một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, kiên định lập trường tư tưởng cộng sản, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc nhằm mục tiêu cao cả: ổn định chính trị để kinh tế phát triển.
Hiện nay Đảng và Nhà nước tiến hành lấy ý kiến vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các thế lực thù địch đang cố gắng lợi dụng dân chủ, bội nhọ chế độ và âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình”, đoài tước quyền lãnh đạo của Đảng đối với đất nước thông qua việc sửa đổi hiến pháp. Âm mưu thâm độc này đã bị đông đảo nhân dân trong nước cũng như các trí thức tiến bộ trên thế giới cực lực lên án. Chúng ta, những văn nghệ sĩ kiên định đi theo Đảng, dùng chính tác phẩm của mình vạch trần âm mưu xảo quyệt của kẻ thù để giữ vững lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng; đồng thời có những ý kiến đóng góp tích cực để bản Hiến pháp mới hoàn thiện hơn, phù hợp với xu thế của thời đại; phấn đấu xây dựng nước nhà: “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, như lời Bác dạy.
Một mùa xuân nữa lại về, những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, tiến bước dưới ngọn cờ tiên phong của Đảng, xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần làm cho: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; sánh vai với các cường quốc năm châu.

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

GẶP MẶT CÁC NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH DỰ LỄ HỘI

Nhân dịp Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 - năm 2013 (diễn ra từ ngày 9 đến ngày 13/3/2013); chiều ngày 12 tháng 3, tại bến nước buôn Cô Thông, thành phố Buôn Ma thuột, Chi hội Nhiếp ảnh Đăk Lăk đã tổ chức buổi giao lưu với tất cả các Nghệ sĩ Nhiếp ảnh từ khắp mọi miền đất nước về tham dự Lễ hội. Theo tục lệ của người dân bản xứ, chủ bến nước đã cúng và mời Yang cùng tiếp khách. Xin giới thiệu cùng các bạn vài hình ảnh của nghi lễ này.
Ngôi nhà sàn dài truyền thống đón khách.
Những thiếu nữ xinh đẹp quay heo chuẩn bị cho nghi lễ 
Thủ tục cuối cùng: tưới rượu lên heo quay
Già làng cùng các cô thôn nữ múa hát  mời Yang về cùng đón khách
Thêm chú thích

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

TRIỂN LÃM "RỪNG VÀ BIỂN" LẦN 2

Từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 3 năm 2013, tại thành phố Buôn Ma Thuột - thủ phủ của Tây Nguyên đã diễn ra LỄ HỘI CÀ PHÊ LẦN THỨ 4. Đây là lễ hội lớn của cả vùng hai năm được tổ chức một lần nhằm tôn  vinh cà phê Việt Nam.
Hòa chung không khí lễ hội, Hội VHNT Đăk Lăk phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh thành phố Đà Nẵng tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề RỪNG VÀ BIỂN LẦN THỨ 2 tại nhà Bảo tàng tỉnh Đăk Lăk. Nhà văn Lê Khôi Nguyên - Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT Đăk Lăk phát biểu khai mạc (ảnh dưới)

Thêm chú thích
Thêm chú thích
Cắt băng Khai mạc Triễn lãm (ảnh trên);
Chụp ảnh lưu niệm giữa hai Đoàn (ảnh dưới)
Thêm chú thích
Bức ảnh ấn tượng nhất "QUYẾT BẢO VỆ RỪNG" của tác giả  Nguyễn Hoàng Sơn tỉnh ĐĂK LĂK (ảnh dưới)


Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

NHẬN XÉT... THƠ!



Thêm chú thích


Buổi sáng, anh Cả tranh thủ đọc mấy tập công văn vừa chuyển đến chuẩn bị cho Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 – năm 2013, bỗng có tiếng nói:
-         Chào anh ạ!
Giật mình nhìn lên thấy một vị khách trung niên, ăn mặc chỉnh tề như đi dự đại lễ đứng trước cửa phòng, vội đứng dậy:
-         Chào anh, mời anh vào!
Sau cái bắt tay thật chặt, vị khách vỗ vai anh Cả nói:
-         Anh làm Phó tổng mà trẻ quá nhỉ, tôi cứ tưởng anh phải tóc trắng dài quá vai, râu ria như nhạc sĩ Nguyễn Cường cơ. Tôi từ dưới huyện lên, mời anh đi uống cà phê, tôi cũng đã mời nhà thơ nỗi tiếng nhất của Hội ta rồi.
Anh Cả theo vị khách ra quán đã thấy Nhà lý luận Phê bình ngồi đợi sẵn. Sau vài câu xã giao, vị khách hỏi nhà Phê bình:
-         Tập thơ hôm trước gửi nhờ chú đọc và cho nhận xét, đã đọc xong chưa?
-         Dạ, xong rồi ạ!
-         Tuổi trẻ có khác, làm cái gì cũng nhanh nhẹn, dứt khoát cả; đúng là tuổi trẻ tài cao.
-         Anh nói vậy thì chỉ đúng vào thời điểm cách đây hơn 20 năm về trước, khi thành lập Hội Nhà lý luận này là trẻ nhất, còn nay thì cũng là U50 đời đầu rồi đấy! Anh Cả góp lời.
-         Trên phố người ta trẻ lâu hơn ở dưới huyện, mình làm lãnh đạo công việc hành chính nhiều nên già trước tuổi, phải nghỉ chế độ sớm nay chuyển qua làm thơ. Chú cho anh nghe nhận xét tập thơ đi, cứ thẳng thắn góp ý, nhưng phải dễ hiểu một tý nhé.
-         Dạ, làm thơ cũng như người ta hái rau muống đãi khách, phải chọn phần non trên ngọn rau mới ăn được.
-         Hay, thế thơ anh ở phần nào của ngọn rau?
-         Thơ của anh chỉ mới dừng lại ở cây rau muống mọc dưới ao, được nhổ lên cả gốc mời khách!

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Ở LẠI LÀM GÌ!





Nhân ngày đầu tuần của tháng mới, anh Cả được nhà thơ mời về nhà riêng nhậu. Có lẽ hương vị tết vẫn còn nên thức ăn gia chủ mang lên bày kín cả bàn; hai đầu bàn để hai chai CHIVAT 82. Bàn tiệc cũng chỉ có mười người, ngoài anh Cả và cậu tài xế ra thì toàn nhà thơ. Sau lời tuyên bố của chủ nhà, mời mọi người đến lai rai cho vui và nâng ly; cậu tài xế lái xe cơ quan vui miệng kể chuyện “thâm cung bí sử” của Hội mà cậu ta chứng kiến trong các chuyến chở văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác. Phải công nhận cậu ta kể có duyên, mỗi câu chuyện chỉ dài hơn một phút làm mọi người cười ngã nghiêng và được thưởng rượu liên tục. Thấy được khen, cậu ta chỉ uống và kể chuyện đến không dứt ra được. Nhà thơ ngồi cạnh tôi vốn nỗi tiếng nhiều lời cũng không xen vào được câu nào nên đến giữa bữa, đứng dậy cắt ngang:
-         Xin phép các bác cho em mời một ly để em về ạ!
-         Ơ, đang vui sao chú lại về sớm thế? Chủ nhà ngạc nhiên hỏi lại.
-         Đến đây để uống rượu đọc thơ, vậy mà từ đầu bữa đến giờ không được nói câu nào thì không về, ở lại làm gì!

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

CHUYỆN KỂ CỦA NHỮNG NGƯỜI CANH GIỮ BIÊN CƯƠNG ghi chép của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 223 tháng 3 năm 2011







Chiếc xe xuất phát từ thành phố Buôn Ma Thuột đang ngon trớn băng băng lao về phía huyện Ea Suôp, bỗng Trung uý Huy Hoàng – người được Bộ tư lệnh Biên phòng Dak Lak cử đi theo Đoàn văn nghệ sĩ nhắc lái xe:
-          Anh rẽ vào khu nhà làm việc của Vườn quốc gia Yok Đôn nhé!
-          Mình phải vào xin phép mới được đi qua Vườn à? Nhà văn Nguyễn Thị Bích Thiêm ngạc nhiên hỏi lại.
-          Không phải vậy, ta đi nhờ cầu của Vườn, vượt sông Srêpôk. Cầu xây dựng sát khu nhà làm việc của Vườn nên ta phải đi qua đó.
Buổi sáng trước khi đi, Đại tá Lê Xuân Đáng – Chủ nhiệm chính trị, thay mặt lãnh đạo cơ quan Bộ chỉ huy Biên phòng đã trình bày cho Đoàn biết một số nét chính về tình hình biên giới Tây Nam mà tỉnh Dak Lak quản lý. Kết thúc buổi trao đổi anh cho biết thêm: “Hiện nay đã có cầu bắc qua sông Srêpôk nên không phải đi qua thị trấn Dak Min, tỉnh Dak Nông  như trước đây nữa, con đường này gần hơn được 70km đấy!”  Tôi mừng vì bớt được một đoạn đường đèo dốc quanh co khó đi, nay con đường mới tuy có xấu một chút đi chăng nữa, nhưng gần được tới 70 km thì tốt quá!
Cầu bắc qua sông Srêpôk chỉ đủ cho một làn xe đi qua, chưa có lan can, cao lênh khênh so với mặt nước. Phía dưới cầu, dòng nước hiền hoà phẳng lặng trôi, thỉnh thoảng gặp ghềnh đá mới giật mình tung bọt trắng xoá, ào lên rồi lại lặng lẽ xuôi dòng. Vào mùa khô, con sông “chảy ngược” mới hiền hoà làm sao, khó ai có thể tin được khi mùa mưa đến nó lại hung dữ đến thế… Tôi nhớ lại, ngày 12 tháng 12 năm 2009, tôi dẫn Đoàn văn nghệ sĩ vào thăm đồn Bo Heng kết nghĩa với Hội VHNT, được thiếu tá Lê Quang Cảnh - Đồn trưởng kể cho nghe nhiều chuyện về người lính Biên phòng ở bến đò, nay có cây cầu bắc ngang này. Nơi đây đã chứng kiến những câu chuyện tình cảm động của những người sĩ quan Biên phòng với những người vợ, người yêu công tác và sinh sống trên địa bàn tỉnh Dak Lak. Có ông Đồn phó của tôi - xin nhà văn giấu tên nhé - mới cưới vợ, vợ làm nghề dạy học ở tận dưới huyện Cư M’gar, hai người thường hẹn hò nhau chiều thứ bảy hàng tuần đến bến đò Vườn quốc gia Yok Đôn đón nhau. Nếu anh trực, chiều thứ 7 sau giờ dạy, chị lên thăm, anh vượt khoảng 50 km đường rừng đến đón; còn nếu chồng được nghỉ thì ngược lại vợ đến bến đò đón chồng về. Do con thuyền quá nhỏ, chỉ chở người không chở dược xe máy, thành ra hai người cứ hẹn nhau đến bến đò và gửi xe lại bờ, vượt sông đến với nhau. Nhưng trời nhiều khi giở chứng như ghen với đôi vợ chồng trẻ, giận giữ trút nước xuống, con sông đang êm đềm chạy ngược về phía tây bỗng gầm lên dữ dội và hung hãn như một bầy voi nổi điên; khi ấy hai vợ chồng đứng hai bên bờ sông, cách nhau chưa đến 100 mét nhưng không thể đến được với nhau. Họ gào lên trong mưa, vượt qua cả tiếng gầm của ghềnh, của gió bảo nhau về đi và hẹn tuần sau hãy đến… nhưng rồi mặc gió thét, mưa gầm, quất những hạt nước vào mặt rát bỏng, họ cứ đứng nhìn nhau nhoà dần, nhoà dần cho đến lúc màn đêm ụp xuống, không nhìn thấy được nhau nữa mới gạt nước quay về…
Đường xấu, xe chạy chậm và bụi mù mịt, lái xe không dám đóng cửa, bật máy lạnh vì sợ mấy nữ sĩ say xe; thế là đành chịu... bụi! Đúng là đường lên Biên cương, dốc, vực, gềnh và những cây cầu bắc tạm thỉnh thoảng lại thấy đá va vào gầm xe, tài xế méo mặt… cuối cùng Đoàn cũng đến được đồn Biên phòng Bo Heng. Được điện báo trước, các anh trong ban chỉ huy ra tận xe đón Đoàn, cái nóng, cái mệt bay hết cả, chỉ còn lại tiếng cười đọng lại trên môi sau những cái bắt tay thật chặt. Đồn là đây, tôi đã đên cả chục lần nhưng lần nào đến cũng có một cảm giác thật lạ. Nhìn những người chiến sĩ dạn dày sương gió, mỗi ngày chỉ được phép dùng không quá 2 lít nước vừa nấu ăn, vừa uống mới cảm nhận hết được nỗ gian lao vất vả của mọi người ở đây.
Thiếu tá Lê Quang Cảnh – Đồn trưởng, còn khá trẻ hay cười và kiệm lời, nhắc mãi chuyện đường khó đi, anh chị văn nghệ sĩ vất vả mới tới thăm được đồn, trời lại nóng quá… Đồn trưởng và biết bao chiến sĩ ngày đêm bám trụ nơi đây dãi gió dầm sương suốt tháng này qua tháng khác không nghĩ đến mình lại chỉ trăn trở cho Đoàn, làm tôi cảm thấy bùi ngùi. Các anh chỉ nghĩ đến đất nước, đến những người xung quanh và hình như quên đi cả chính mình đang đối diện với vô vàn khó khăn khắc nghiệt. Qua tâm sự với các anh, tôi được biết cuộc sống đời thường nơi biên cương không chỉ khó khăn về vật chất, khí hậu khắc nghiệt, kẻ thù rình rập phía bên kia mà phải đối diện với cả những hiểm nguy đe dọ tính mạng từ những chuyện tưởng như rất nhỏ nhặt. Chuyện kể:
Một sĩ quan mới tốt nghiệp ra trường về Đồn công tác, đồng nghiệp dặn: “Trên này thú dữ nhiều lắm, khi đi công tác cũng như sinh hoạt hàng ngày phải cẩn thận không nguy đấy.” “Sao vậy?” “Rắn , rết, trăn… đều có thể gây tử vong cho người, phải đề phòng.” “Ôi tưởng gì chứ rắn rết thì ở quê em gặp thường xuyên, chuyện nhỏ, anh yên tâm.” Mồm nói, chân thọc vào dày định đứng dậy thì bất ngờ thét lên: “Ối!” Không biết con rắn chui vào dày lúc nào đã đớp một miếng vào ngón chân cái, làm người sĩ quan mới về phải vào viện điều trị cả tháng.
Nói đâu xa, đồng chí Đội trưởng trinh sát – Trung tá Võ Văn Thái, Đồn trưởng đồn Yok Đôn kể: đi công tác về cùng anh em ra suối, tắm xong chuẩn bị lên bờ thì bất ngờ bị rắn cắn; anh em chủ quan bảo rắn ở dưới nước, chắc rắn nước, có cắn cũng không sao đâu và tất cả kéo nhau về ăn cơm còn đùa, tếu được. Nhưng vừa cầm đến bát cơm chưa kịp ăn đã lên cơn giật, cấp cứu đưa về tỉnh, rồi đưa thẳng về bênh viện thành phố Hồ Chí Minh, thay máu mấy lần mới sống được, nay đồng chí ấy đã chuyển về Hà Nội.
Tôi tò mò hỏi thêm: “Rắn độc nguy hiểm ai cũng đã biết, ngoài ra còn loài thú nào đáng sợ như rắn nữa không?” “Có đấy, có khi còn hơn cả rắn nữa đấy!” “Con gì mà khủng khiếp thế?” “Heo rừng.” “Heo rừng có gì mà phải sợ?” Thấy tôi tỏ vẻ không tin, Trung tá Võ Văn Thái kể: đầu năm 1990 tôi dẫn một tổ đi tuần, đến bên suối Dak Man cử một cậu ở lại để nấu cơm chiều, còn cả tổ tiếp tục công việc. Đi chưa được bao xa bỗng nghe thấy tiếng kêu: “Anh Thái ơi cứu em với!” Cả đội vội chạy quay lại chỗ tiếng kêu thì thấy anh bạn được phân công ở lại nấu cơm leo tít lên ngọn cây dầu; dưới gốc cây, chú heo một to đùng đang chồm hai chân trước lên gốc cây như định trèo lên! Anh em lấy cây khô đốt lửa làm đuốc chạy lại xua, nó mới chịu bỏ đi. Khi tụt xuống đất, anh bạn mới lắp bắp kể: Em xuống suối vo gạo, bỗng nghe ùm một cái rõ to phía bờ suối đối diện, nhìn lên đã thấy một cái đầu heo với đôi nanh cong vút, nhằm thẳng em bơi tới, em vội chạy lại gốc cây vừa kịp leo lên, nó lao vào gốc cây đến rầm một cái, rồi cứ đi vòng quanh cây, thỉnh thoảng lại chồm lên như muốn leo lên…
Đêm về khuya, trời trở lạnh. Lúc trưa, Đoàn đến, nhiệt kế treo trong phòng khách chỉ 34 độ, còn bây giờ trùm chiếc chăn bông dày cộm, tôi vẫn thấy lạnh. Ngoài sân, ánh trăng suông soi rõ những ngọn xoài lắc lư theo ngọn gió. Gió ở đây mới đáng sợ làm sao, nó xô cây cối ào ào và lướt lên mái tôn nghe loảng xoảng; cái lạnh như cũng len vào tận mang tai. Ngoài kia, những người chiến sĩ Biên phòng vẫn thay nhau thức, chống chọi với cái rét, cái gió và biết bao hiểm nguy rình rập. Không đến đây, nơi biên giới Tây Nam này sẽ không thể chứng kiến sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây và khi đã đến chúng ta mới khâm phục những con người đang bám trụ nơi đây. Vì sự bình yên của tổ quốc, vì hạn phúc của mọi gia đình; các anh – Người chiến sĩ Biên phòng vẫn thức để bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

CHUYỆN THẬT NHƯ… BỊA! của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN số: 187 tháng 3 năm 2008






Năm 2006 nhạc sĩ Sỹ Hùng được Hội VHNT các dân tộc thiểu số mời về Sơn La dự trại sáng tác. Ở trại được năm ngày, nhạc sĩ sáng tác được bản nhạc ưng ý, tự thưởng cho mình bằng cách xuống sân khách sạn dạo mát chờ bạn bè về ăn cơm chiều. Đang thả bộ thư giãn, bỗng có một người đàn ông tuổi khoảng 55 hay 56 gì đó ăn mặc khá lịch sự: giày da đen bóng lộn, mặc bộ vectông màu xám, tay xách ca táp đi đến gần cất tiếng hỏi:
-          Xin lỗi anh cho tôi hỏi thăm một chút, có phải đoàn văn nghệ sĩ Dak Lak đang nghỉ tại khách sạn này không ạ!
-          Vâng! Anh cần gặp ai?
-          Tôi cần gặp nhạc sĩ Sỹ Hùng. Anh ấy có ở đây không ạ!
-          Có việc gì không, tôi là Sỹ Hùng đây!
Người đàn ông quẳng ngay chiếc ca táp xuống sân lao lại ôm chầm lấy giọng xúc động thốt lên:
- Ôi! Cánh cò trên Cao Nguyên! Nhạc sĩ vĩ đại của núi rừng Tây Nguyên đây sao! Em ngưỡng mộ anh từ lâu lắm rồi nay mới được gặp, thật bõ công lặn lội mấy trăm cây số từ Hà Nội lên đây.
Nói dứt lời người khách lạ buông tay ôm ra, đăm đăm nhìn khuôn mặt Sỹ Hùng như người tình lâu ngày gặp lại.
- Anh không khác tý nào với sự hình dung của em. Bên cạnh nét phong trần có một chút gì đó phảng phất hình ảnh người nông dân xứ Nghệ, lại vừa có một chút lãng tử. Một tài năng âm nhạc xuất chúng, một cây đại thụ sừng sững trên vùng đất Tây Nguyên. Hơn ba chục năm nghiên cứu nền văn học nghệ thuật phía Tây dãy Trường Sơn em thấy chỉ có một vài người mới có thể xếp ngang hàng với anh như: Nguyễn Cường, Đức Hùng mà thôi. Tài năng như anh quả là hiếm lắm, quý lắm!
Chờ mãi anh ta mới ngớt lời để Sỹ Hùng chen vào được một câu:
- Xin lỗi, mình chưa biết tên cậu.
- Em xin lỗi! Gặp anh mừng quá, quên chưa giới thiệu với anh. Em tên là Trần Minh, người Hà Nội, công tác tại Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh biết ông Lạng chủ tịch tỉnh không, bạn em đó. Thỉnh thoảng có dự án lớn là ông ta lại mời em vào, vì thế em tìm hiểu rất kỹ sự phát triển văn học nghệ thuật Dak Lak. Ngoài bài hát “Cánh cò trên Cao Nguyên”, “Voi ơi vào hội”; còn có được một ít tác phẩm khác có thể xếp ngang hàng!; “Đi tìm lời ru mặt trời” của Y Phôn, “Ơi M’Drak” của Nguyễn Cường là có thể sánh được; còn các bản nhạc khác làm sao có thể xếp ngang với anh. Ngoài này chúng em đang chuẩn bị một chương trình âm nhạc đặc biệt để giới thiệu các nhạc sĩ nổi tiếng viết về Tây Nguyên, mà anh là nhân vật chính đấy.
Nghe anh ta nói nhạc sĩ cũng thấy mừng. Mừng vì chưa biết thật hư  thế nào, nhưng có người biết đến nhạc của mình, định tổ chức giới thiệu với khán giả Thủ đô thì còn gì hơn. Thực lòng khi nghe nhận xét về nhạc của mình, tuy hơi khó chịu vì sự tâng bốc thái quá, song ai chẳng thích được khen! Nghe một lúc thấy xuôi tai và càng nghe lời khen càng thích thú.
Sỹ Hùng  liền mời Trần Minh vào khách sạn uống nước.
Vào trong quầy người bạn mới tỏ ra rất sành điệu, bật ngón tay nghe đến “bốp” một cái như pháo, trước khi gọi cô phục vụ:
-          Ê! Anh dùng gì ạ? Cà phê đen ạ; một ly đen, một ly ca cao sữa nóng. Đi khỏi Dak Lak, em không còn muốn uống cà phê ở bất cứ nơi nào nữa. Anh biết vì sao không, vì nó nhạt nhạt thế nào ấy, hương vị cũng ngang ngang. Biết tính em, cứ mỗi lần vào Dak Lak anh Lạng lại tặng vài ba ký cà phê cứt chồn mang về uống dần. Tên nghe hơi tục tĩu nhưng chất lượng thật tuyệt anh nhỉ. Có lẽ trên thế giới không có nơi nào có loại cà phê tuyệt hảo đến thế.  Dak Lak quả là vùng đất lí tưởng để con người lập nghiệp. Đoàn mình ra ngoài này đông không anh?
Rồi anh ta thao thao nói về thơ văn Dak Lak làm người nghe bất ngờ. Một người ở tút lút tận Hà Nội, cách Dak Lak hơn ngàn cây số lại kể vanh vách tên các nhà thơ hội viên, nhận xét một cách hấp dẫn như vậy, quả thật rất đáng khâm phục. Hay nói cho đúng hơn, cách nói diễn cảm, cộng thêm các động tác múa tay làm cho Sỹ Hùng như bị thôi miên. Trời về chiều, đến giờ phải đi ăn cơm, Sỹ Hùng mời Trần Minh lên phòng ở rửa mặt mũi, tay chân để cùng ăn cơm chiều với anh em dự trại.
Thấy có bạn văn đến chơi, anh em trong trại vui vẻ hẳn lên, cánh đàn ông thay nhau mang ly đến mời, tiếng chúc tụng, tiếng li khua leng keng, thật vui. Trần Minh lại được dịp trổ tài nhận xét các nhà văn, nhà thơ Dak Lak và hầu như ở người nào anh ta nhắc đến đều chỉ ra được những ưu điểm, và tán thêm những lời khen có cánh. Ai ngồi nghe cũng sướng cái lỗ tai, phổng cả mũi. Còn anh em trại viên thì hết nói, ai cũng xúm lại chúc tụng để làm quen.
Bữa cơm đang vui, lại càng vui hơn khi có hai người khách nữa đến chào anh em cả trại và vui vẻ đi từng bàn mời cụng li. Sỹ Hùng hãnh diện đứng dậy giới thiệu với hai vị mới đến:
-          Giới thiệu với anh Y Phương và anh Cao Duy Sơn, đây là anh Trần Minh – cán bộ biên tập của Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, bạn thân của anh Lạng Chủ tịch tỉnh Dak Lak mới từ  Hà Nội lên chơi.
-                     Tôi là người “gác cổng” Tạp chí Văn nghệ Quân đội mười lăm năm nay, chưa từng gặp anh bao giờ - Nhà thơ Y Phương ngạc nhiên thốt lên.
-          Anh là thằng lừa đảo!
Nhà văn Cao Duy Sơn chỉ mặt Trần Minh nói và rút điện thoại di động bấm máy. Trần Minh mặt tái mét, đứng dậy định đi, nhà thơ Y Phương chặn lại.
-          Xin lỗi, anh đợi cho một chút.
Chỉ ba phút sau, hai anh Công an xuất hiện mời Trần Minh đi. Sỹ Hùng sửng sốt, không thể tin những gì đang xảy ra trước mặt. Chẳng lẽ con người lịch lãm, khôi ngô tuấn tú kia lại là kẻ đi lừa đảo, mà lừa ai chứ đi lừa mấy ông văn nghệ sỹ để làm gì. Họ có gì để mà lừa!
Gần tiếng sau, Công an gọi điện đến thông báo: Trần Minh chỉ là tên bịa. Hắn ở Hà Nội thật, nhưng không nghề nghiệp.
Chuyện này tôi đã được nghe nhạc sĩ Sỹ Hùng kể nhiều lần. Mỗi lần kể xong, ông lại chép miệng nói thêm: 
-            Ở đời không ai có thể học hết được chữ ngờ! Hơn sáu chục tuổi đầu mà mình vẫn bị lừa. Lòng tin người, thương người đặt không đúng chỗ có khi trở thành tai hoạ cho bạn bè, chuốc vạ vào thân. Đau thật!...

SỰ TÍCH NÚI CÔ ĐƠN truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN số: 175 tháng 3 năm 2007



Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông Krông Năng hiền hoà ngày đêm âm thầm cất lên khúc nhạc du dương ca ngợi bầu trời, mặt đất. Dòng sông về mùa khô trong xanh giơ lòng mình khoe với mặt trời từng đàn cá đông đúc bơi lượn như được dồn hết mọi nơi đổ về. Hai bên bờ sông lớp lớp cây đại thụ thân cây to bằng mấy vòng tay người ôm đứng soi mình trên sóng nước làm chỗ vui chơi cho các loài chim chóc. Thỉnh thoảng dòng sông lại vươn những cánh tay mềm mại của mình chia cắt thảo nguyên thành từng cánh đồng cỏ lớn. Chính những cánh tay vươn dài ấy chạy mãi, chạy mãi đến tận những dãy núi xa xa in thành đường răng cưa nơi chân trời mang thêm nước mát về cho sông. Có lẽ nhờ dòng nước mát ấy mà những đám rẫy nối tiếp nhau trải dài đến hút tầm mắt, quanh năm bội thu, mang lại cho con người cuộc sống ấm no.
            Còn mùa mưa, dòng sông trở màu, nước đỏ bầm như máu, ào ạt băng về phía đông, gặp mấy hòn đá chắn đường đi liền gào thét tung bọt trắng xoá rồi dội nước ầm ầm như muốn khẳng định sức mạnh vô biên của mình. Dòng sông mẹ đang giận dữ sẽ kéo theo tất cả những gì có thể kéo được nhận chìm xuống mặt nước. Đó là tai hoạ cho mọi người trong vùng.
            Nhưng dù dòng sông có tức giận đến mấy cũng không bao giờ mang nước lên đến lưng chừng hai ngọn đồi mọc sừng sững ven sông. Cả vùng thảo nguyên mênh mông nơi đây chỉ có ba ngọn đồi nhỏ bé nhô lên. Hai ngọn đồi sát nhau, nằm ngay cạnh dòng sông, tròn vành vạnh như có ai đó úp hai chiếc nón lá gần nhau. Có lẽ vì hình dáng như vậy cho nên trên bản đồ địa lí tự nhiên năm 1932, người Pháp đặt tên đồi là đồi Xu-cheng; còn dân địa phương nào ai biết cái Xu - cheng, xu chiếc là gì đâu nên cứ nôm na gọi là Đồi Vú. Đứng xa xa nhìn hai quả đồi này giống như cặp vú khổng lồ của người đàn bà khoẻ mạnh đang khoe với đất trời vật báu xinh đẹp của mình. Nghĩ cũng lạ, không biết người dưới xuôi nghĩ như thế nào mà họ cứ phải lấy hàng chục lần vải mà quấn, mà nịt lại để che đi cái vẻ đẹp ngồn ngộn của Yang(1) ban cho người phụ nữ làm thiên chức người mẹ. Chỉ có phụ nữ mới được Yang ban cho, chứ đâu phải ai cũng có đâu mà cứ phải giấu giếm. Cặp vú thể hiện giới tính, thể hiện sức khoẻ, thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ… vì thế cần phải để cho mọi người thấy và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó chứ; của quý Yang cho mà! Quê tôi người phụ nữ nào cũng tự hào với cặp vú của mình: nó đung đưa, đung đưa theo từng nhịp chày giã gạo dưới những  đêm trăng; nó phơi mình tắm nắng khi người phụ nữ thu hoạch vụ mùa; nó lim dim ngủ khi vây quanh ché rượu cần… Người phụ nữ mặc đồ bao gìơ cũng cố để lộ ra đôi bầu sữa Yàng cho với một niềm kiêu hãnh vô biên và đó là quyền lực, quyền của người phụ nữ đã đã có gia đình.
            Nếu như phía nam của dòng sông Krông Năng có Đồi Vú  thì phía bắc dòng sông này, cách Đồi Vú khoảng chục kilômét mọc sừng sững một quả đồi khác, diện tích không lớn lắm - có lẽ chỉ bằng một Đồi Vú thôi, nhưng nó gồ ghề, lởm chở những tảng đá đen, trắng khổng lồ chồng chất lên nhau trông như mặt người đàn ông lúc tức giận. Ba ngọn đồi nổi bật lên giữa trời xanh ngạo nghễ vì quanh nó mặt đất bằng bằng nối đuôi nhau trải dài đến hút tầm mắt .
            Từ khi mới lọt lòng chúng tôi đã được nghe kể về sự tích ba quả đồi ấy và cứ thế lâu lâu, bên bếp lửa hồng, quanh ché rượu cần, bà nội tôi lại rì rầm, rì rầm kể Khan (2) cho tôi nghe sự tích Núi Cô Đơn. Có lẽ tôi đã nghe tới một trăm hay một ngàn lần, hay nhiều hơn thế nữa câu chuyện bi thương ấy; câu chuyện kể về cha ông chúng ta thủa xa xưa.
*
**
         Chuyện kể rằng:
    Ngày xửa, ngày xưa… lâu lắm rồi, cả vùng phía nam sông Krông Năng bằng phẳng, đất đai màu mỡ, cây cối đua nhau sinh sôi nảy nở. Bắp, lúa đầy nhà,  heo bò đầy gầm sàn; cai quản cả vùng rộng lớn này là già làng H’Ni, dòng họ Niê. Nhà H’Ni dài như một tiếng hú xếp đầy ché túc ché ba; dưới sàn nhà: trâu, bò, lợn, gà… nhiều như lá rừng. Hội đâm trâu cúng Yang, cúng lúa mới, cúng Yang bến nước… bao giờ cũng tưng bừng cả chục ngày ăn uống, nhảy múa, ca hát, vui chơi. Nhưng oái ăm thay Yang chỉ cho bà H’Ni được mỗi người nối dõi tông đường, đó là H’Loan. H’Loan sinh ra mang màu da của chiêng, đôi môi đỏ như hoa Pơ lang buổi sáng nên cả buôn tổ chức ăn mừng chẵn một con trăng. Lớn lên, H’Loan có khuôn mặt xinh đẹp như mặt trăng rằm mùa khô. Năm mười sáu tuổi, nhiều chàng trai ngẩn ngơ khi ngắm khuôn mặt trái xoan có mái tóc đen bóng, xoăn tít - ấy là Yang ban tặng cho nàng chứ có ai uốn éo làm gì. Nổi bật trên khuôn mặt là đôi mắt đen láy ngây thơ, dịu dàng như cặp mắt của chú nai con. Đôi tay nàng mềm mại nhưng làm giỏi hơn mọi người: từ dệt vải, gieo hạt đến phát rẫy, bổ củi v.v…
    Cái lạ hơn ở H’Loan là nàng bơi lội giỏi như con rái cá. Dòng sông Krông Năng về mùa mưa rộng hàng trăm sải tay, nước nhảy như voi chạy, H’Loan có thể bơi mấy vòng hay lặn một hơi dài qua tới tận bờ bên kia, ai thấy cũng đều phải lè lưỡi thán phục: “Đúng là người Yàng”. Người đã đẹp, lại thuỳ mị, nết na được mọi người yêu mến. Các chàng trai trong buôn ai cũng thầm mơ ước được nàng bắt làm chồng.
Nhưng nàng chưa để ý tới ai, vì còn mải mê đùa giỡn với bầy cá bên sông, để mặc dòng nước mơn man trên làn da hay vuốt ve cặp vú tròn trĩnh nỗi bật trên bộ ngực nở nang của mình. Cặp vú mới đẹp làm sao, nó đội áo nhô lên, điểm thêm hai cái núm nhỏ như hai nụ hồng tường, khẽ lúc lắc, lúc lắc theo nhịp bước chân đi. Nàng đi đến đâu mắt bọn con trai ngây ra đến đó như mất hồn. Không biết họ nhìn khuôn mặt kiều diễm hay đôi vú hớp hồn họ. Mặc H’Loan cứ vô tư ngày ngày theo bạn bè lên nương, xuống suối bắt cá hay quay sợi dệt vải. Nơi nào có H’Loan nơi đó có tiếng cười, tiếng hát, có niềm vui tràn về xua đi tất cả mọi ưu phiền. Những tưởng cuộc đời cứ vậy trôi xuôi, có ngờ đâu ngày ấy, năm ấy xảy ra một chuyện động trời làm thay đổi cuộc đời của H loan.
            Vào một buổi chiều như thường lệ, H’Loan và đám bạn gái rủ nhau ra sông tắm giặt, ngâm mình dưới nước trong xanh, mặc cho đàn cá vây quanh thỉnh thoảng đưa cái miệng mềm mại, nhỏ bé mơn man làn da nhè nhẹ. Đúng lúc đó có tiếng chó vọng đến, tiếng chó sủa mỗi lúc một gần, rồi một tiếng “ầm” vang rền mật sông, nước bắn tung toé lên tận ngọn cây. Khi những hạt nước rơi xuống mặt sông vừa ngớt, mọi người nìn thấy mộy con nai trắng như bông, cặp sừng đủ mười nhánh mọc cân đối như được đúc từ một khuôn, đang cố rẽ nước lao về phía mấy người tắm. Các cô gái hoảng sợ bỏ chạy lên bờ riêng H’Loan không những không chạy mà còn sải tay bơi về phía con nai. Không biết có phải do chạy quá nhiều nên kiệt sức, không tiếp tục bơi được nữa, hay vì sắc đẹp mê hồn của người thiếu nữ đang vươn cánh tay nõn nà của mình lên trên mặt nước mà nó ngẩn người đứng im để H’ Loan leo lên cổ, hai tay túm lấy hai tai kéo nó quay về bờ bắc nơi đàn chó đang gào lên ông ổng. Đứng bên bầy chó là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tuổi độ mười chín đôi mươi có khuôn mặt kiên nghị, đôi mắt thông minh nhìn H’Loan chằm chằm, cuộn dây thừng cầm trên tay rơi xuống mặt đất cũng không hay. Bốn mắt nhìn nhau như sắt gặp nam châm, nó hút nhau, nó cuộn vào nhau như muốn thiêu đốt tất cả. Ùm, ùm, ùm … đàn cho nối đuôi nhau nhảy phóc xuống dòng sông khi con nai bị H’Loan vô tình tóm hai tai xách ngược, buộc nó bơi về phía đàn chó. Con nai giật mình rẽ ngang, chồm lên làm H’Loan ngã ngửa xuống mặt nước. Nước cuộn lên chùm kín cả mặt mũi, đầu tóc. Mặc H’Loan vẫn bám chắc hai tai, bẻ đầu nó quay vào bờ. Đến lúc này chàng trai mới giật mình huýt sáo, đàn chó vừa lao xuống đã vội vã bơi vào bờ, ngừng sủa.
- Ném dây xuống!
            Như cái máy, chàng trai giật mình cúi lượm cuộn dây tung xuống; H’ Loan giơ tay bắt gọn rồi luồn qua đầu, ngay sát hai chiếc sừng con nai thắt chặt. Xong đâu đó, cầm đầu dây bơi vào bờ đưa cho chàng trai.
            -Cầm lấy!
            -Không!
            -Của mày mà!
            -Nhưng cô bắt được.
            -Tao giúp thôi.
Chàng trai luống cuống phân trần.
            -Tôi thấy nó đẹp quá, không nỡ bắn nên cố đuổi bắt.
            -Có thế tôi mới được gặp. Đó tên gì?
            -Y Din!
            -Họ Buôn Giá Phải không?
            -Sao biết?
            -Tôi nghe nói phía bắc vùng này có buôn Ba giàu có và hùng mạnh lắm, nên đoán vậy.
            -Mình ở đó.
            -Trả con nai cho Y Din này, cầm lấy.
            -Không, tôi không nhận đâu, thế cô tên là gì?
            -H’Loan, H’Loan Niê! Mình tặng nhé.
            Vừa nói vừa dúi đầu dây vào tay Y Din. Cực chẳng đã, Y Din cầm sợi dây thừng đang bị con nai kéo căng xuôi theo dòng nước.
            -H’ Loan có thể giúp tôi mở cuộn dây khỏi cổ con nai không?
            -Tại sao lại làm vậy?
            -Vì chính nó mang tôi tới đây để gặp được H’Loan mà. Thả cho nó đi! Ngập ngừng Y Din nói thêm như thanh minh: Tôi không biết bơi.
            H’Loan lao mình xuống nước đuổi theo con nai, cởi dây cho nó rồi quay lại bờ. Y Din vẫn đứng đó, mắt đăm đăm nhìn H’Loan. Những giọt nước theo mái tóc dài rũ xuống tận gót chân chảy thành những đường ngoằn ngèo trên mặt cát. Chiếc yên quấn khéo, bó quanh người ướt sũng để lộ rõ những đường nét khoẻ khoắn cuả người con gái tuổi dậy thì. Cặp vú căng tròn như hai quả dừa xiêm, của H’ Loan làm Y Din không dám nhìn phải quay mặt nhìn ra xa, hai tai đỏ ửng, giật giật:
-Mình về đây.
           -Y Din! H’Loan tặng chiếc coòng này, đừng chê nhé!
Đầu cúi gằm, mặt đỏ ửng như người say rượu, ngượng ngịu đưa tay cho H’Loan đeo còong. Hai tay chạm nhau, Y Din ngước nhìn khuôn mặt xinh đẹp của người con gái vừa mới gặp đã vội ướm lời lòng nao nao khó tả.
            -Về nhé! Trưa mai H’Loan sẽ đợi ở đây.
-Hoan hô! Chúng ta sắp được uống rượu mừng rồi!
Đám bạn cùng đi săn với Y Din có cả chục người đến bên từ lúc nào mà hai người không biết đồng thanh reo lên khi vô tình chứng kiến họ trao vòng cho nhau. Đám bạn gái cùng đi tắm xô nhau cười ngả nghiêng. H’Loan đỏ mặt lao tùm xuống dòng sông, mất hút dưới làn nước. Những tia nắng muộn màng rắc lên ngọn cây màu hồng hồng. Phía đông mặt trăng cũng vừa ló lên tiếp nhận bầu trời xanh lồng lộng tràn đầy hương thơm hoa rừng.
*
**
   Thế rồi việc gì đến phải đến. Hai họ Niê và họ Buôn Giá làm lễ sui gia, cuộc vui tưng bừng, hiếm có. Y Din con trai của già làng YKsor Buôn Giá, một già làng giàu có chiếm lĩnh cả cánh đồng mênh mông phía bắc bãi sông Krông Năng, kết hôn cùng H’Loan con của già làng H’Niê, tiệc vui kéo dài chẵn một mùa  trăng.
    Họ sống với nhau thật hạnh phúc. Đêm đêm bên bếp lửa bập bùng, Y Din đánh đàn cho H’Loan hát. Tiếng hát của nàng ngọt ngào như ly mật ong rừng, trong trẻo như dòng suối ban mai mùa khô, cuốn người ta vào điệu nhảy say mê. Ngày tháng thoi đưa, chẵn một mùa rẫy, H’Loan sinh được một cô bé kháu khỉnh, đẹp như tranh. Cả dòng họ Niê tưng bừng mở hội đón người chủ kế thừa dòng họ của mình trong tương lai. Người con gái đầu lòng là điềm lành Yàng ban phước cho dòng họ Niê nói chung, ban phước cho đôi vợ chồng trẻ nói riêng, và vui nhất có lẽ chính là YDin. Theo tục lệ, cho dù H’Loan có sinh cả chục người con trai đi nữa mà chưa có mụn con gái nào thì Y Din chưa được xem là rể trọn vẹn; nhưng chỉ cần sinh được một người con gái thôi, lúc đó mới được xem là hạnh phúc trọn vẹn. Từ ngày có con, họ càng yêu thương nhau hơn, đi đâu cũng có nhau, người này cần gì, muốn gì chưa kịp nói, người kia đã biết. Họ như hoà vào nhau làm một. Và hầu như họ chỉ còn biết sống vì nhau. Y Din có tài bắn nỏ, săn thú, tạc tượng ít người sánh kịp. Dưới bàn tay khéo léo của mình anh tạo cho con những thứ đồ chơi tinh xảo và quên luôn cả chuyện săn bắn, một thú vui ngày xưa của mình. Anh dồn tất cả tình yêu cho con. Người Kinh có câu: “con là niềm vui của mẹ”, vì có con người mẹ mới thật sự được vui, vui trọn vẹn. Nhưng với người cha, đứa con không chỉ là niềm vui không thôi, mà nó còn là hạnh phúc lớn lao của cả cuộc đời. Đứa con là nguồn sáng cho cha dũng cảm vượt lên trên tất cả khó khăn nhằm đạt được ý nguyện của mình. Có con người cha như có thêm nghị lực bước tới những thành công, đạp bằng tất cả mọi trở ngại của cuộc đời. Nhưng rồi Yàng cũng như ghen với hạnh phúccủa đôi vợ chồng trẻ nên giáng xuống đầu họ điều bất hạnh, đau buồn.
            Vào một buổi chiều oi bức, những đám mây đen che kín chân trời, gió bụi nổi lên, sấm chớp gào thét đinh tai nhức óc. Vợ chồng Y Din đang đi thăm rẫy vội vã quay trở về. Khi đến bên dòng sông Krông Năng không may bị một con rắn nấp sau thân cây cắn đúng vào chân phải, Y Din chỉ kịp quay xà gạc chặt đứt đôi con rắn rồi loạng choạng ngã gục. Con rắn hổ mang chúa màu bạc, dài gần hai sải tay, trên đầu có hình mũi tên trắng toát, loại này đã cắn là cầm chắc cái chết. H’Loan nước mắt lưng tròng vội vã dùng bàn tay của mình xé toang bụng con rắn lấy mật đổ vào miệng chồng.
            Bỗng nhiên Yàng sông gào lên, báo hiệu sự giận dữ của thuỷ thần.
            - Y Din ngã người dựa vào gốc cây thì thào.
            - Chạy đi.
            H’Loan xoay địu đưa con ra trước bụng, nước lũ đã tràn đến ngập chân. Cúi xuống xốc chồng lên vai,  nước đã ngập đến bụng. Nước lũ lồng lộn, hổn hển đổ xuống ầm ầm như có hàng trăm con voi đang gào thét. H’Loan một tay ôm chồng, một tay cố bám vào rễ cây chống chọi với dòng nước lần từng bước lên cao. Nhưng thần nước đâu có chịu buông tha, hết lần này đến lần khác hất H’Loan từ gốc cây này, qua mỏm đá khác, yên, áo rách toạc, da thịt té máu. Nhưng nàng vẫn ôm chặt xác chồng cố lê từng bước, từng bước cho đến khi lên khỏi mặt nước, kéo được chồng lên cao H’Loan mới ngã xuống sau một tiếng thét hãi hùng. Dòng sông đã nhấn chìm tất cả rừng cây dưới cơn lũ của mình và đứa con tội nghiệp của cô .
            Y Din thấy mình bị dòng nước cuốn đi lập lờ trôi, trôi mãi và bỗng nhiên những giọt nước thần thơm lựng trào vào mồm, trôi xuống cổ họng mát lạnh. Nước thần của Yàng mới thơm ngon làm sao, có cứ cuồn cuộn chảy vào bụng làm cơn đau bỗng nhiên tan dần, tan dần rồi biến mất. Y Din cố uống lấy uống để, uống như chưa bao giờ được uống.
            Bỗng những giọt nước nóng như đun rơi xuống mặt, xuống trán, làm Y Din tỉnh hẳn cơn mơ, mở bừng mắt. Nhưng anh không dám tin ở mắt mình. Trước mặt anh là khuôn mặt tràn đầy nước mắt của H’Loan – vợ anh. Dòng nước ngọt ngào trong cơn mơ Y Din uống lấy uống để chính là bầu sữa của vợ mà anh đang day, đang cắn.
            Có lẽ nhờ những giọt sữa hoà với máu của H’Loan đã đánh tan chất độc của nọc rắn, cứu anh thoát chết.
            Y Din vùng dậy, H’Loan lại ghì chặt hơn miệng lẩm bẩm:
            - Đừng bỏ em, đừng bỏ em.
            Dòng nước nước mắt nóng hổi tràn đầy khuôn mặt Y Din, H’Loan tưởng đâu Y Din đang giãy những cái giãy cuối cùng của cuộc đời nên càng ôm ghì lấy chồng, ép cặp vú đã bị cắn nát vào mồm chồng.
            Y Din giơ tay lau dòng lệ vợ. Đến lúc ấy H’Loan mới biết chồng còn sống. Nàng kêu lên.
            - Y… ang!
            Tiếng kêu tắt ngẹn nửa chừng, H’Loan ngã vật ra bất tỉnh. Y Din vội vã cõng vợ chạy về buôn. Tiếng khóc, tiến kêu inh ỏi, ai cũng tưởng vợ chồng Y Din đã bị thuỷ thần bắt xuống thuỷ cung mất rồi. Nay hai người trở về, không một mảnh vải che thân, họ hàng xúm vào lấy thuốc xoa, đốt lửa cho H’Loan. Tỉnh lại H’Loan chỉ có khóc nước mắt của nàng trào ra như máu, ướt đẩm cả chăn. Y Din hỏi:
-         Con đâu?
H’Loan lại ngất đi. Y Din lững thững bước lại bên ché rượu cần, cắm và uống. Uống cái hơi mùi lâng lâng của ché rượu lâu năm tràn vào tim chui vào đầu. Hơi men chui vào mắt làm mắt Y Din trợn ngược, trắng giả. Từ trong sâu thẳm của tâm linh Y Din đang oán trách H’Loan tại sao lại không cứu con, để cho dòng nước cướp đi. Lỗi đó là tại nàng, tại nàng con mới chết. Con chết Y Din đâu còn là rể của dòng họ Ni Ê. Y Din ngồi đó và uống từ chập tối đến sáng mai, uống như chưa bao giờ được uống, uống hết ché này qua ché khác. Đôi mắt từ màu trắng chuyển qua màu hồng rồi màu đỏ rực như mắt cọp gặp đèn săn. Không ai dám nhìn vào cặp mắt mở trừng trừng đó.
H’Loan quì gối van xin Y Din thôi đừng uống nữa. Việc không may là tại Yàng chứ đâu phải tại em. Nhưng ánh mắt Y Din trả lời: “Mày là người có lỗi! Mày là người tàn nhẫn, bỏ rơi con, đánh mất hạnh phúc của tôi, tôi không thể tha thứ được”. Và Y Din lại uống, rượu như đã hoà tan tất cả thể xác lần linh hồn. Trong mắt anh ta chỉ còn lửa hận và lòng căm thù người đàn bà ngồi trước mặt. Giá như Y Din gầm lên, đánh, đập, chửi mắng hay lóc thịt, lột da; H’Loan còn thấy dễ chịu. Đàng này, anh ta ngồi đó với ché rượu, với ánh mắt thiêu đốt nàng. Đêm buông xuống, tiếng gầm của dòng sông Krông Năng đã tắt từ lúc nào. H’Loan đã quì không biết bao lâu. Nàng biết Y Din không thể tha thứ cho mình nên cương quyết vịn vách đứng dậy.
-Y Din, em sẽ đi đòi Yàng sông trả lại con cho anh.
Nói xong nàng lảo đảo lần bước xuống cầu thang đi về phía bờ sông.
Mặt trăng tròn vành vạch, vàng úa như mặt người mắc bệnh sốt rét, run rẩy soi từng bước H’Loan đi. Đến bên dòng sông, H’Loan quì xuống lầm rầm khấn vái:
-Xin Yang làm chứng cho con, nếu con sợ chết mà không cứu con gái của mình xin Yang sấm giáng lưỡi búa thiêu cháy thân con; nếu vì vô tình để mất con xin Yang nước cho con về dưới đó tìm con gái mình trả cho chồng.
Nói dứt lời, nàng lao đầu xuống dòng nước. Nhưng một con sóng lớn bất ngờ từ đầu nguồn chạy đến hất ngược nàng lên bờ từ mặt nước có tiếng nói vọng lên.
-Con đã cầu xin Yang cứu chồng và chấp nhận đánh đổi chính con gái mình. Sao giờ còn trách?
Trong lúc nguy khốn, phải vật lộn với dòng nước lũ để cứu chồng, nàng đã cầu xin Yang cho được đánh đổi mọi thứ để chồng được sống; cho dù đó là bất kể cái gì mình có kể cả tính mạng của mình. Nào ngờ Yang không nhận tính mạng nàng mà lại mang mất đứa con nhỏ tội nghiệp của nàng.
-Xin Yang, nếu thương con hãy cho con mang con gái mình về cho chàng, bằng không hãy đón nhận con.
Nói dứt lời nàng bò lên hòn đá cao bên vách đá ven sông cắm đầu đâm xuống. Một tiếng nổ vang dội cả không trung, nước sông Krông Năng đỏ lòm bỗng dâng cao, dâng cao vùn vụt hất trả xác nàng H’Loan lên bờ. Từ vùng ngực trắng bạch của nàng, cặp vú cứ lớn dần, lớn dần, cao lên vùn vụt.
Tiếng nổ của dòng sông, tiếng nổ của đất trời làm Y Din giật mình tỉnh rượu, chàng vội vã chạy đi tìm vợ. Nhưng đã muộn. Chàng chạy ra bến nước quen thuộc, nơi lần đầu tiên gặp nàng nhưng bến nước bình yên ấy đâu còn nữa. Giờ đây chỉ có hai quả đồi sừng sững mọc lên. Chàng lao xuống sông gào khóc gọi tên nàng nhưng chỉ có tiếng gầm thét của dòng thác đáp lời. Chàng cầu xin Yàng cho được gặp vợ.
Từ trên cao tiếng Yàng sang sảng: “Người là kẻ đàn ông tàn nhẫn không xứng đáng với nàng. Nàng đã vì mi mà hiến dâng tất cả, hạnh phúc, niềm vui cuộc sống, chấp nhận khổ đau, bất hạnh để ngươi được sống. Thế mà mi đày đoạ nàng, hắt hủi nàng. Giờ đây đã muộn. Sự hối hận của mi có nghĩa lý gì khi nàng đã về với con. Mi hãy nhìn hai ngọn đồi kia, đó chính là hai bầu vú của nàng biến thành; vì sao nó không có núm ư! Vì trong cơn điên loạn mi đã cắn nát mất rồi”.
Mặt đất như sụp đổ dưới chân, Y Din đau xót, ân hận nhưng nào có ích gì; sự cố chấp, lòng ích kỉ đã đạp đổ mất chính hạnh phúc của chính mình. Sự giày vò lương tâm, lòng thương nhớ vợ khi biết được sự thật trần trụi của sự việc khiến Y Din quá đau lòng muốn đi tìm gặp Yang xin cho được gặp vợ. Chàng đi mãi, đi mãi rồi kiệt sức, gục ngã và không trở dậy được nữa. Yang tức giận làm cảnh vật tối tăm, sấm chớp nổi lên đùng đùng; khi trời quang mây tạnh người ta thấy xuất hiện một quả đồi sần sùi lẻ loi mọc lên ở phía bắc, đối diện với hai quả đồi phía nam và bị ngăn cách bởi dòng Krông Năng. Từ đó người đời sau quen gọi quả đồi ấy là núi Cô Đơn như một lời nhắn nhủ cho người đời sau.
Ea Kar 25/12/1996

Chú thích:
  1. Yang: thánh thần – tiếng Êđê.
  2. Khan: sử thi Êđê.