Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

TẾT QUÊ TÔI tùy bút của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 257&258 THÁNG 1+2 NĂM 2014



Tản văn


Những ngày cuối cùng của năm Quý Tỵ đang đần trôi về cuối. Trời Buôn Ma Thuột trong xanh, gió từng cơn lồng lộn tràn về vặn vẹo, uốn cong các ngọn cây cổ thụ, tuốt cả những chiếc lá còn xanh biếc ném xuống mặt đường. Những cơn gió dữ dằn từ biển đông tràn vào, gửi lại phía sau những hạt nước của biển Đông trước khi vượt qua dãy Trường Sơn, mang theo sự hanh khô, luồn qua khắp các ngõ ngách của thành phố, ùa vào từng căn phòng. Lạnh. Cái lạnh giá như tiết trời xứ Thanh quê tôi ngày giáp tết.
Cháu gái ngoài quê vừa gọi điện vào thông báo: nhà đã tát ao, cá năm nay nhiều lắm, mời chú về ăn tết. Tôi chạnh lòng nhớ quê. Thế là thấm thoắt 37 năm xa quê vào Tây Nguyên công tác mà chưa một lần được trở về cố hương về ăn tết. Ngày đi cha mẹ đầu còn chưa bạc, đến nay các cụ đã rủ nhau về với tổ tiên. Công việc cứ ồn ã cuốn đi theo guồng quay của thời gian, ngoái đầu nhìn lại đã sắp đến lúc phải nghỉ, nhường công việc cho thế hệ kế tiếp. Nhưng ngày tết đến, xuân về lòng không khỏi nôn nao nhớ quê, nhớ một thời trai trẻ cùng cha mẹ và em gái chuẩn bị tết. Nhà sáu anh chị em, nhưng bao năm rồi chỉ có hai anh em tôi ăn tết cùng bố mẹ vì các anh chị lớn, người vào Nam đánh giặc, người lên Hà Giang mang cái chữ cho học sinh vùng cao. Năm nào rét đậm, trên miền núi phía bắc của tổ quốc học sinh được nghỉ đông, anh mới về. Đất nước trong thời chiến, nhà tôi lại gần ga Thị Long, nơi bị bom đạn Mĩ tập trung đánh phá, sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc; nhưng mấy ngày tết cánh trẻ chúng tôi vẫn vui lắm. Gần tết, các gia đình tranh thủ tát ao, tát cả hố bom bắt cá ăn tết và trử làm thực phẩm phòng giặc Mĩ ném bom trở lại.
Tôi vẫn còn nhớ những ngày ấy, anh em tôi ngồi xem mẹ làm thịt cá, rửa sạch rồi đem lên nướng. Những con cá lóc to bằng cổ tay tôi được mẹ khứa nhẹ ngang thân ba đường, lấy lạt buộc cong lại như chữ U, xếp lên vỉ nướng làm bằng mấy que sắt nhỏ đan hình mắt lưới. Trên bếp than hồng, từng con cá được xếp sát vào nhau. Khi ấy tôi cũng chỉ tò mò nhưng không dám hỏi vì sao cá lóc (loại to bằng cán dao trở xuống được gọi như thế, còn loại to hơn một chút người quê tôi gọi cá chuối), lại phải buộc cho cong thân lại, còn cá rô đồng để nguyên con xếp lên dàn nướng; riêng cá diếc, mẹ lấy cây trúc chẻ đôi, kẹp cá vào giữa dựng bên cạnh bếp. Những con cá trên vỉ nướng, thỉnh thoảng nhỏ xuống than hồng một giọt nước vang lên tiếng “xèo” làm hương thơm ngào ngạt bay lên, anh em tôi hít hà… thoải mái, mẹ không cấm! Cá nướng vừa chín, da cá chỉ hơi vàng một chút là mang ra xếp vào nồi đất, rắc thêm một ít lát gừng, đổ nước mắm cáy vào, đem đun nhỏ lửa, khoảng ba mươi phút là được. Nồi cá đun chín được mẹ đặt vào một chiếc quang làm bằng tre, treo lên gác bếp để ăn trong ba bữa ngày tết và có khi ăn cả qua tháng giêng. Cái lạ là tuy cá để lâu như vậy mà không bị hư hỏng gì; cho đến tận bây giờ tôi vẫn không lý giải nổi vì sao. Có người bảo chắc tại kho bằng nước mắm cáy!
Nhắc đến nước mắm cáy, một đặc sản của vùng dân quê sống cạnh sông Thị Long, con sông có nước không mặn nhưng cũng không ngọt nên được gọi là nước lợ. Có lẽ vì nước như thế nên sinh ra con cáy cùng họ với cua đồng, nhưng nhỏ hơn, thân chỉ to bằng ngón chân cái là cùng, mai gần như hình vuông, có viền màu đỏ, còn 8 cái chân của nó màu hồng hoặc nâu vàng, nhiều lông trông rất đáng sợ. Mùa nước lên người ta mang dặm đi bắt, thường mỗi buổi đi như vậy bắt được chừng hai hoặc ba giỏ, mỗi giỏ nặng khoảng 5 hoặc 6kg. Cáy mang về đổ ra rổ rửa sạch, bỏ vào cối giã nhỏ, trộn thêm ít muối hạt rồi đổ vào vại lấy vải màn che miệng, buộc kín để ruồi nhặng không vào rồi đem phơi nắng, khoảng một tháng là chín. Khi mắm chín, người ta đổ thêm nước muối đun sôi để nguội vào, vắt bỏ bả còn lại nước. Nước lắng ra khoảng một tiếng phần nước trong nổi lên, chắt ra làm nước mắm; còn phần đặc hơn lắng xuống phía dưới được gọi mắm cáy, dùng chấm cà muối hoặc rau quả luộc thì ngon tuyệt. Ba bữa ngày tết có thịt lợn luộc chấm mắm cáy thì không gì ngon bằng.
Cây cải mào gà quê tôi, lá có đường viền xoăn như mào gà, phía gân gần cuối tàu lá màu tím; nếu chăm sóc tốt, cây cao tới nửa mét, lá to hơn hai bàn tay người lớn xòe ra; khi nấu canh phải chọn lá bánh tẻ, dùng dao nhọn cắt từng lá một ra khỏi thân cây, rửa sạch, rọc bỏ cuống lá, thải mỏng vừa phải, chờ nước sôi đều mới thả rau vào. Chiều ba mươi tết, bao giờ nhà tôi cũng làm món canh rau cải đặc biệt: mẹ bắt một con cá chuối nhốt sẵn trong vại từ mấy hôm trước, dùng cành tre xuyên từ miệng vào bụng rồi đưa vào bếp, dùng rơm đốt cho cháy lớp vảy bên ngoài. Khi con cá cháy đen mới mang ra vừa thổi, vừa bóc lớp da cháy bỏ đi để lộ thớ thịt trắng ngần; gỡ thịt cho vào nồi canh rau cải mào gà đang sôi, trộn đều, bắc xuống bỏ thêm ít gừng giã nát, thế là có nồi canh rất tuyệt, vị đậm đà.
 Một cơn gió lạnh lại ào đến, tôi bước ra cửa sổ ngắm thành phố đã lên đèn. Buôn Ma Thuột vẫn vậy, dòng người tấp nập ngược xuôi dù năm nay rét hơn mọi năm. Bên các quán cà phê với những bóng đèn xanh đỏ nhấp nháy, vẫn đông người ngồi nhâm nhi đếm ngược thời gian. Tết đến vẫn có người bận bịu với công việc thường nhật, nhưng vẫn có người thanh thản đợi chờ… Nhưng chắc chắn trong lòng của ai đó cũng đang thấp thỏm nỗi nhớ quê như tôi, vì một lẽ đã lâu chưa về.  

Chú thích ảnh: Con gái, con rể và cháu ngoại mừng ông.

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

VỮNG TIN VÀO CON ĐƯỜNG ĐÃ CHỌN tác giả HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 257&258 THÁNG 1+2 NĂM 2014





Chú thích ảnh: PGS - TS Nguyễn Hồng Vinh

Chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” xuất hiện đều đặn trên Tạp chí Chư Yang Sin ở tất cả các số trong năm 2013. Có số một bài có số hai, ba bài... đã mang đến cho bạn đọc những dấu ấn rất đáng nhớ về những con người bình dị trong cuộc sống với công việc thường ngày nhưng đã góp phần quan trọng vào mọi lĩnh vực của cuộc sống làm cho xã hội thêm phần tốt đẹp hơn; khẳng định những tấm gương sáng của đảng viên trung kiên cố gắng vượt lên chính mình hoàn thành xuất sắc công việc đảm nhận.
Số Xuân 2013 có hai tác phẩm nêu hai gương mặt điển hình ở hai lĩnh vực khác nhau: “Người chỉ huy thao lược trên thương trường” của tác giả Đặng Bá Tiến khắc họa khá thành công hình tượng người đảng viên – Lê Đức Thống, khi được tổ chức phân công đảm nhiệm công việc làm kinh tế, biết vượt lên khó khăn, thiếu thốn để lãnh đạo đơn vị ổn định sản xuất, kinh doanh và từng bước vươn ra thị trường thế giới. Vai trò của người thủ trưởng cơ quan là hết sức quan trọng, họ không những nhạy bén với thời cuộc mà còn dám quyết, dám chịu trách nhiệm ở những khoảng khắc quan trọng để mang lại thành công cho đơn vị. Trong suốt 18 năm liên tục trên cương vị Giám đốc Công ty 2-9 làm kinh tế, đơn vị luôn luôn giữ được đoàn kết nội bộ, làm ăn có lãi và khẳng định được thương hiệu trên thương trường quốc tế. Hình ảnh đẹp của người đảng viên trong cơ chế thị trường và hội nhập. Cũng trên số Xuân còn có tác phẩm “Trên lưng ngựa” của tác giả Nguyễn Liên khắc họa hình ảnh ông Lê Hiểu Kiểm - một vị tướng dũng cảm, mưu trí trong chỉ huy lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đánh giặc, lập nên nhiều chiến công vang dội, góp phần vào thắng lợi chung của hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất Tổ quốc. Hòa bình lập lại, tuy trên mình mang nhiều vết thương, sức khỏe giảm sút, ông vẫn tham gia vào công việc địa phương, giúp người dân trên địa bàn ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu, thực hiện lời dạy của Bác “tàn mà không phế”.
Có lẽ ngay số Xuân mở đầu năm 2013, chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã trình làng hai tác phẩm xuất sắc về hai vị “tướng”, một Tướng được Đảng và Nhà nước phong tặng vì thành tích đặc biệt trong chiến tranh và một vị “Tướng” được nhân dân “phong” vì lãnh đạo giỏi, giành nhiều thắng lợi trên thương trường, góp phần ổn định kinh tế địa phương; nên nhiều số tiếp sau luôn đề cập đến những tấm gương điển hình trên hai mặt trận đặc biệt quan trọng này. Các tác phẩm: “Một cuộc đời bình dị” của Hồng Chiến, “Người nông dân kiểu mẫu” của Trần Chi, “Người đi tìm đất trồng rừng” của Lê Đình Liệu, “Nhớ mãi lời Bác dạy” của Nguyễn Liên... khắc họa khá thành công hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ: dũng cảm, mưu trí trong chiến tranh và khi trở lại cuộc sống đời thường, những người cựu chiến binh ấy lại có những đóng góp hết sức to lớn vào công cuộc xây dựng đất nước, có ảnh hưởng đến cả cộng đồng nơi địa bàn sinh sống, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam. Bên cạnh hình tượng anh bộ đội sau khi rời quân ngũ góp sức vào công cuộc tái thiết nước nhà thì hình ảnh người đảng viên tiêu biểu, luôn biết vượt lên trên khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng được các tác giả khắc họa khá thành công như: “Một cán bộ lão thành tiêu biểu” của Trần Chi, “Nghệ sĩ Y San Aliô 35 năm gắn bó với đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk” của Trương Bi... Ngoài ra còn phải kể đến tác phẩm: “Bác Hồ nói và viết” của tác giả Hoàng Bích Hà, như một lời nhắc nhủ những người cầm bút nói chung và Văn nghệ sĩ nói riêng ôn lại những lời dạy của Bác để có những bài viết có ích cho xã hội hơn; hay chùm bài của Hồng Chiến có tính chất định hướng sáng tác như: “Trước thời cơ và thách thức của thời đại”, “Vững vàng bản lĩnh người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng”.
Cũng phải thừa nhận, tuy chuyên mục nhận được sự cộng tác của nhiều cây bút ở nhiều vùng đất khác nhau, nhưng chất lượng các tác phẩm chưa đồng đều, chưa có sự đầu tư đúng mức cho tác phẩm, mặc dù các tư liệu trong bài đã thể hiện tác giả bỏ nhiều công sức đi điều tra, sưu tầm số liệu... và vẫn còn có tác giả nhầm lẫn tác phẩm báo chí với tác phẩm văn học. Tạp chí Chư Yang Sin là tạp chí Văn nghệ nên chỉ sử dụng các tác phẩm Văn học – Nghệ thuật không thể dùng các tác phẩm báo chí vì thế mong các bạn công tác viên thông cảm khi Tạp chí không sử dụng  bài các bạn gửi đến cộng tác trong năm vừa qua.
Nhìn chung các bài được sử dụng trên chuyên mục trong năm 2013, thể hiện sự dày công của các tác giả xâm nhập vào thực tế, bám sát cuộc sống để phát hiện được những tấm gương điển hình, hay nói khác đi: “họ đã thấy những bông hoa đẹp trong một vườn hoa đẹp”. Những đảng viên trung kiên, dù đương chức hay đã nghỉ hưu, họ vẫn giữ được bản chất của người Đảng viên, xứng đáng để mọi người học tập và làm theo – đó cũng chính là cách mà họ đã học và đang làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Dưới góc nhìn của người nghệ sĩ, các gương mặt điển hình tiên tiến được khắc họa bao giờ cũng có cuộc sống rất nhân văn, đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt, giàu lòng nhân ái, biết vượt lên trên khó khăn cuộc sống đời thường để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình; điều đó thật đáng trân trọng. Trong cơ chế thị trường, nhiều người chỉ lo phát triển kinh tế, hay nói đúng hơn: lo làm giàu; họ quên mất giá trị văn hóa dân tộc, quên đi tình làng nghĩa xóm vốn đã in đậm trong tâm trí người Việt Nam. Và hậu quả là các tệ nạn xã hội cùng tăng nhanh theo sự tăng trưởng của kinh tế: con chém cha mẹ, vợ chồng chém giết lẫn nhau, hàng xóm giết nhau vì một con ngan...
Trách nhiệm của Văn nghệ sĩ phải tìm cho ra những tấm gương sáng để nhen lên ngọn lửa của cái tốt, cái đẹp; xua dần đi cái xấu, cái trái với thuần phong mĩ tục người Việt chúng ta; với mục đích cuối cùng làm cho xã hội tốt đẹp hơn lên, đưa nước nhà “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Để đạt mục tiêu ấy chúng ta cần phải có nhiều tác phẩm hay hơn nữa, bám sát cuộc sống hơn nữa kịp thời phản ánh những tấm gương điển hình tiêu biểu trong lao động, sản xuất cũng như bảo vệ sự bình yên cho tổ quốc, cho nhân dân; đó là trách nhiệm và cũng là nghĩa vụ của Văn nghệ sĩ -  những người “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng”. Bước sang năm mới – năm 2014, chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  rất mong tiếp tục nhận được sự cộng tác nhiệt tình của các tác giả trên mọi miền Tổ quốc.

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

TIN VĂN NGHỆ

Sáng ngày 28 tháng 12 năm 2013, tại hội trường Trung tâm công tác tuyên truyền Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Dak Lak, Hội VHNt tỉnh đã tổ chức LỄ TỔNG KẾT CÔNG TÁC HỘI NĂM 2013 VÀ TRAO GIẢI THƯỞNG VHNT NĂM 2013. Xin giới thiệu cùng các bạn vài hình ảnh về buổi lễ này.


Văn nghệ chào mừng.



Đoàn chủ trì Lễ tổng kết (ảnh trên)
Nhà văn Khôi Nguyên - Chủ tịch Hội VHNT tặng hoa và giấy khen cho tập thể Văn phòng Hội và Tạp chí Chư Yang Sin (ảnh dưới)

 Nhà văn Hồng Chiến - Phó chủ tịch Hội VHNT (người đứng giữa) trao giấy chứng nhận và tặng hoa các tác giả đoạt giải VHNT năm 2013 (ảnh dưới)



Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 256 - tác giả TIẾN THẢO





Tình bạn

Cuối năm ghé thăm bạn cũ
Tần ngần trước ngõ hoa vàng
Bạn giờ như là ẩn sĩ
Muốn xa huyên náo trần gian

Khoảng sân rêu xanh bóng lá
Mai lan cúc trúc hiền hòa
Tháng ngày lặng im minh triết
Gửi lòng giữa những nụ hoa

Người xưa trà tam tửu tứ
Bạn, tôi đối ẩm tương phùng
Bao điều giữa chiều gặp gỡ
Rượu quí hương nồng mấy chung

Bạn từng “lên voi xuống chó”
Đường đời đâu dễ dàng chi
Tôi từng tính toan này nọ
Hiểu ra mộng ảo, tình si…

Còn đây chút tình bạn hữu
Cứ xem như một vận may
Nâng chén ta cùng uống cạn
Mừng nhau còn có một ngày…


Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN số: 255 - tác giả HỒ HỒNG LĨNH











Di ảnh
   Tặng Lê Phụng Hiểu


Giọt sương nào hơn giọt mắt em
Bốn mươi năm vẫn lóng lánh tròn
Em trong di ảnh hồn như ngọc
Gót son áo trắng tím hoàng hôn.


Ngày 02.9.2013

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 256





Tác giả H’XÍU HMOK

Mưa đầu mùa

Mưa đầu mùa chợt rơi
Mẹ thở dài lặng lẽ
Đây mùa mưa rau mọc
Này mùa mục rạ rơm*
Ông bà xưa bảo thế

Mưa đầu mùa chợt rơi
Mẹ thở dài lặng lẽ
Nhớ những điều đã xa
Thuở còn những rừng cây
Thuở còn đầy dòng suối
Cứ mỗi mùa mưa đến
Khắp buôn làng mừng vui
Trèo đồi và lội suối
Nhìn đồi đông phơi phới
Lúa nặng hạt, trĩu vàng
Men bờ tây, dòng suối
Nơm úp đầy cá tôm

Mưa đầu mùa chợt rơi
Mẹ thở dài lặng lẽ
Mong những người đã xa
Nhớ thương người đã khuất
Khi mưa đầu mùa rơi
Họ cầm xương rồi gõ
Biết mình đã qua đời**

Nay mưa đầu mùa rơi
Cơn mưa thời đổi mới
Có tiếng xe qua lại
Dọc nẻo đường nơi nơi
Thuở xưa nay xa rồi
Nhường những điều mới tới
Khắp đất trời phơi phới
Đón đổi thay tràn trề.

---------
* Nguyên văn “hjan cêăt djam ram adrăng” dịch ra “mưa mọc rau mục rạ”, lối nói cổ của người Êđê.
** Theo quan niệm của người Êđê, những người mới qua đời chưa biết rằng họ đã chết; khi những cơn mưa đầu mùa tới, họ tỉnh dậy lấy xương ống đồng của mình gõ vào nhau và bùi ngùi nhận ra rằng họ đã chết

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

TIN VĂN NGHỆ


Ngày 21 tháng 12 vừa qua, Ban chấp hành Hội VHNT Dal Lak đã họp phiên thứ 9. Tại hội nghị này, BCH đã quyết định kết nạp 8 hội viên mới là:
1/ Ông Hồ Hồng Lĩnh - chuyên ngành Văn học
2/ Ông Trần Bảo Hòa - chuyên ngành Nhiếp ảnh
3/ Ông Kna Y Wơn - chuyên ngành Văn nghệ Dân gian
4/ Ông Lưu Đức Giang - chuyên ngành Âm nhạc
5/ Ông Trần Văn Phước - chuyên ngành Âm nhạc
6/ Ông Trương Hữu An - chuyên ngành Âm nhạc
7/ Ông Trần Văn Hạm - chuyên ngành Âm nhạc
8/ Ông Đoàn Hải Dương - chuyên ngành Âm nhạc
Xin gửi lời chúc mừng và chai vui với các tác giả được kết nạp vào Hội VHNT Dak Lak lần này!

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

GIỚI THIỆU CHƯYANGSIN SỐ: 266 - tác giả TRẦN THU HÀ







Người đàn bà đi qua chiến tranh



Tiếng súng đã ngưng
Người đàn bà đi qua chiến tranh
Ngực căng – Mắt cóng
Mòn tiếng ru – Lưu đày giấc mơ làm mẹ – Khứa vào lòng cay xé

Người đàn bà đi qua chiến tranh
Náu mình đếm niềm vui chờ tiếng kêu gọi mẹ
Những đứa bé…
Đời người vỡ giấc chiêm bao

Người đàn bà đi qua chiến tranh
Tháng năm chị giặt là phơi khô tấm áo nhân duyên chưa kịp mặc
Người đàn bà khỏa trăng tiếng rơi không chạm đáy
Đêm đêm tự vỗ sóng lòng

Người đàn bà đi qua chiến tranh
Rùng mình
Tẩy chay ngàn ngàn con ngươi lân tinh
Tự pha cho mình ly nước

Đêm nay
Nhìn mảnh trăng treo làm trĩu ngực cánh đồng thiếu phụ
Chị cố nhớ khu rừng có nhiều hoa dại
Khi
Bóng tối đè lên
Ướt cả tiếng chim.


Vinh 30.4.2003


Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

HUYỀN THOẠI DRAY SAP



Một góc thác đã bị khô nước vì... thủy điện Buôn Kop ngăn dòng (ảnh trên)
Thác Dray Nu hùng vĩ ngay xưa, nay chỉ còn lại thế này (ảnh dưới)

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

NHÌN MẶT MÀ BẮT…!





Chiều hôm qua, anh Cả vào bệnh viện tỉnh thăm mẹ của thủ trưởng cơ quan bị đau; thấy cửa ưu tiên cho xe cấp cứu ra vào không đóng nên chạy xe vào bên gốc cây đa định để xe. Vừa dừng xe đã thấy ông bảo vệ hùng hổ chạy ra quát:
-          Không được để xe ở đây, xe phải đỗ phía bên kia kìa!
-          Chỗ này rộng, có bóng mát, anh cho để nhờ một tý, chúng tôi vào một chút sẽ ra ngay. Nhà thơ VT ngồi sau, vội xuống xe xin.
-          Không được, đây là quy định chung, yêu cầu các anh chấp hành – ông bảo vệ tỏ ra cương quyết.
-          Để xe chỗ nào đây chú? Anh Cả bỏ mũ bảo hiểm quay lại nói với người bảo vệ.
-          A, em chào bác. Bác vào làm việc ạ? Ông bảo vệ cơ quan reo lên chạy lại bắt tay.
-          Mình vào thăm bệnh nhân thôi. Anh Cả trả lời.
-          Vậy ạ, anh vào đi ạ!

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

XUẤT XỨ MỘT BÀI HÁT



Nhạc sĩ Nguyễn Cường

Nhân dịp nhạc sĩ Nguyễn Cường vào Buôn Ma Thuột công tác, trưa nay (9/12/2013), mấy anh em văn nghệ sĩ tỉnh nhà tổ chức bữa cơm thân mật và giao lưu với nhạc sĩ. Vui chuyện, nhạc sĩ tâm sự: cách đây hơn 20 năm, mình và Lưu Quang Vũ đã vào đây dựng  Đam San, quay xong 32 khúc, mình mới phát hiện cái kết không hợp lý mới nói với Lưu Quang Vũ:
-          Mọi người chết cả sao Đam San lại còn sống, phải sửa lại.
Vũ sửa, cho Đam San chết, nhưng cái chết lý trí quá, mình không đồng ý nên dừng nửa chừng. Trong 32 phần đã quay xong, mình thích nhất nhạc phần đầu nên sửa lại thành bài: Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột.

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

BÊN DÒNG SÔNG MẸ bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 244 THÁNG 12 NĂM 2012








Cuối bữa cơm trưa do Ủy ban nhân dân huyện mời, ông Lê Văn Ánh – Chủ tịch huyện hỏi tôi:
-          Anh có biết cơm hôm nay nấu loại gạo gì không?
-          Đây là gạo Nàng Hương, trên phố mấy đứa nhỏ nhà tôi vẫn thường mua loại này về nấu ăn đấy.
Tôi trả lời và thoáng chút ngạc nhiên trước câu hỏi bất ngờ này. Loại gạo ăn như bữa nay cơm không những dẻo mà còn có vị ngọt, thơm; nghe đâu được chở từ đồng bằng sông Cửu Long lên, hiện nay bán tràn ngập trên thành phố; thời buổi kinh tế thị trường, có cầu ắt có cung. Hay câu hỏi còn có ẩn ý gì chăng? Hình như đoán được suy nghĩ của tôi, ông Chủ tịch huyện cười buồn nói thêm:
-          Gạo của huyện Krông Ana đấy anh ạ, nhưng mang ra khỏi vùng này người ta thay tên mới để đẩy giá tăng gần gấp đôi. Anh tính từ thành phố xuống đến đây chỉ cách nhau gần 40 km thôi mà giá đã chênh lệch như vậy có thiệt cho người sản xuất không?
-          Chung quy lại, tất cả do cái tên mà ra cả; chúng tôi chưa đăng ký được tên cho sản phẩm của mình, chưa tạo được thương hiệu riêng cho một vùng nên đành tạm thời phải chấp nhận vậy đấy!
Ông Trần Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện ngồi cạnh tôi nói thêm. Thấy hai vị lãnh đạo chủ chốt của huyện ngồi tiếp đoàn văn nghệ sĩ về thăm huyện khi đề cập đến hạt gạo – sản phẩm chủ yếu của cả huyện lại tỏ ra băn khoăn, trăn trở về một cái tên, làm tôi cũng tăng thêm tò mò muốn đi tìm hiểu xem cây lúa hạt gạo ở cái huyện được mệnh danh là vựa lúa của tỉnh Đăk Lăk nó như thế nào. Tại sao chỉ thiếu một cái tên mà người sản xuất lại phải cam chịu thiệt thòi đến vậy?
Theo báo cáo của UBND huyện Krông Ana: vụ Đông Xuân năm 2011 – 2012, toàn huyện gieo trồng được 5.940,5 ha; trong đó diện tích lúa nước 5.070 ha. Sản lượng lương thực cây có hạt là 38.044 tấn. Vụ Hè Thu, toàn huyện gieo trồng được 8.781 ha. Sản lượng lương thực cây có hạt đạt 44.748 tấn; riêng lúa nước tổng thu 29.840 tấn, đạt bình quân 58,44 tạ trên một ha. Giá trị sản xuất bình quân đầu người năm 2011 đạt 28,9 triệu đồng; năm 2012 dự tính tăng hơn 11% so với năm trước – con số ấn tượng. Một huyện trên Cao nguyên Tây Nguyên nằm bên bờ sông Krông Ana, theo tiếng của người dân Êđê: Krông Ana có nghĩa là sông mẹ. Sông Mẹ bắt nguồn từ trên dãy núi Chư Yang Sin hùng vĩ, có những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn đưa dòng nước mát hiền hòa của mùa khô chảy ngược về hướng tây, đi qua địa phận huyện cung cấp cho nhân dân lượng nước ngọt khổng lồ, giúp người dân nơi đây phát triển nông nghiệp thuận lợi. Mùa mưa, dòng sông Mẹ gầm lên giận dữ trước những cơn mưa triền miên không dứt làm đỉnh Chư Yang Sin cao nhất tỉnh Đăk Lăk chìm trong mây mù cả mấy tháng trời không được đón ánh mặt trời. Có lẽ sự giận dữ của dòng sông Mẹ làm nước đục ngầu, ào ào đổ về nhấn chìm cả một vùng rộng lớn ven sông; vì thế, hàng năm một lượng lớn phù sa được bồi đắp tạo nên những cánh đồng lúa rộng lớn của huyện như cánh đồng: Buôn Trấp, Buôn Triết, Quảng Điền… hình thành một vựa lúa lớn của không chỉ Đăk Lăk mà cả vùng Tây Nguyên.
Theo chân anh Đỗ Như Bình, cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện ra thăm cánh đồng lúa nước xã Quảng Điền. Xe dừng trên đường đê quai, trước mắt tôi hiện ra một biển nước mênh mông, xa xa thỉnh thoảng nổi lên một đoạn bờ ruộng hay một đống đất nhô lên khỏi mặt nước làm chỗ đậu cho đàn cò trắng chen chân nhau đứng rình mồi. Anh Đỗ Như Bình chỉ dãy núi mờ mờ phía đông nam cánh đồng nói với tôi: “Phía ấy là dãy Chư Yang Sin, nơi trữ nước và cũng là nơi cung cấp phù sa cho các cánh đồng của huyện nhà đấy!” Theo hướng chỉ, tôi chỉ thấy những dãy núi xanh sẫm không có ngọn vì mây mù bao phủ, tạo nên một bức tranh thủy mặc khá đẹp mắt. Trên đầu tôi từng bầy cò trắng vẫn chao nghiêng đôi cánh, hình như chúng chưa tìm ra chỗ để dừng chân.
  Ông Nguyễn Văn Sơn, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, nguyên là cán bộ chủ chốt của huyện từ khi mới thành lập, tuổi đã gần 70 nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, vỗ vai tôi nói: “Trước đây, khi nước nhà mới giải phóng, vùng này là rừng lau sậy mọc um tùm cao lút đầu người; đỉa, rắn rết nhiều phát khiếp đi được…” Và rồi dòng ký ức ùa về, trước mắt tôi hiện lên cảnh những năm đầu của thập kỷ 80 về trước…. Trung tướng Trần Kiên, một vị tướng lừng danh trong quân đội được điều về làm Bí thư tỉnh ủy Đăk Lăk. Thời ấy, nước nhà vừa trải qua ba cuộc chiến tranh tàn khốc, kinh tế khó ăn, được bữa cơm no có thể nói là ước mơ của rất nhiều cán bộ cũng như nhân dân tỉnh nhà. Không chấp nhận cảnh đó, ông Tướng – Bí thư cùng với lãnh đạo của tỉnh quyết định mở Đại công trường khai hoang Buôn Trấp, Buôn Triết… các ban ngành của tỉnh cũng được dời cơ sở làm việc xuống đây để cùng dân vừa công tác, vừa tham gia khai hoang trồng lúa nước. Lúc ấy cũng có cán bộ không tin lắm vào chính sách phá rừng lấy đất trồng hoa màu chống đói, nhiều người chịu cực không nỗi cũng ngấm ngầm ca thán. Nhưng thời gian đã chứng minh, quyết sách ngày đó của Thường vụ Tỉnh ủy do ông tướng quân đội đứng đầu qủa là sáng suốt, để lại cho các thế hệ hôm nay những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, có năng suất lúa cao đến không ngờ. Thời gian qua đi, nhân dân các tỉnh khắp trong cả nước kéo đến đây lập nghiệp, tạo nên một diện mạo mới của một vùng đất đầy tiềm năng, và giờ đây trở thành trù phú. Trước đây, người dân vùng này chỉ làm lúa một vụ, nhưng năng suất cao như trong mơ lại ít phải chăm sóc nên cuộc sống ngày một khá giả hơn lên. Mùa nước lũ, cánh đồng chìm dưới dòng nước cả mấy tháng trời; nước vừa rửa phèn, vừa bồi đắp phù sa cho cánh đồng và theo dòng nước cá cũng theo về. Người dân trong vùng rủ nhau ra đồng bắt cá trong suốt cả mùa lũ, xem đó như một nghề phụ tăng thêm thu nhập. Cá của dòng sông Mẹ theo con nước tràn lên đồng không lớn lắm, nhưng thịt thơm ngon, rất được ưa chuộng trên thị trường, bắt được bao nhiêu, thương lái đều gom mua hết chuyển lên thành phố. 
Đất tốt, sao chỉ có thể trồng một vụ? Từ suy nghĩ, băn khoăn đến vận dụng vào thực tiễn, Đảng và chính quyền địa phương đã huy động mọi nguồn lực đắp gần 50 km đê quai biến các cánh đồng một vụ có thể trồng lúa hai vụ, có nơi làm tới ba vụ mà năng suất đều cao. Những năm gần đây, năng suất lúa năm sau liên tục cao hơn năm trước do biết áp dụng kỹ thuật và cơ giới hóa sản xuất, giảm sức người, tăng năng suất lao động; bên cạnh đó một loạt các giống lúa mới chất lượng cao được gieo trồng thay giống cũ, đáp ứng đòi hỏi của thị trường khó tính thời hội nhập. Nhưng rồi người dân lại có nỗi buồn khác, lúa làm ra nhiều mà giá lại quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Nguyên nhân thì ai cũng biết, thời kinh tế thị trường “thuận mua vừa bán” và thương lái đến tận từng nhà, từng thôn buôn để mua lúa, tổ chức xay xát tại chỗ rồi chuyển đi. So với chi phí sản xuất người dân đã có lãi, nhưng so với thương lái thì… có một khoảng lợi nhuận cách quá xa. Theo hướng dẫn của lãnh đạo địa phương, tôi cũng đã đến một số cơ sở xay xát lúa gạo đóng trên địa bàn xã Quảng Điền có công suất lớn thì thấy hầu như các nhà máy này đều đóng bao ghi rõ: “Gạo dẻo, chất lượng đặc biệt – Quảng Điền, Krông Ana”, nhưng nào ai biết khi nhập về đại lý qua địa phương khác, tên trên bao bì được chuyển đổi như thế nào! Ông Nguyễn Đức Thành, Huyện ủy viên, Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch xã Quảng Điền cho biết: “Cái đau của người sản xuất nông nghiệp vùng này là sản phẩm làm ra bị bắt chẹt, chỉ bán cho thương lái với giá thấp. Nhưng cũng chính hạt lúa ấy chở ra khỏi địa bàn huyện được khoác cái tên mới lạ lẫm giá đã tăng gấp đôi. Hiện nay một ký gạo ngon nhất tại đây thương lái mua của dân tính ra chưa đến 8 ngàn đồng một ký; qua sơ chế, bán lại tại chỗ giá mười ngàn đồng, còn chở khỏi huyện thì giá lên tới mười tám, mười chín ngàn. Nhưng buồn nhất của chúng tôi là chưa biết làm thế nào để người tiêu dùng biết đấy là hạt gạo của vùng đất Krông Ana, không phải gạo ngoại nhập”.
Rời xã Quảng Điền – xã Anh hùng, nơi có cánh đồng trồng lúa đang nằm sâu dưới mặt nước nhận thêm phù sa để mùa sau cung cấp thêm nhiều chất dinh dưỡng giúp cây lúa cho năng suất cao hơn, chúng tôi đến xã Dur Kmăn, một vựa lúa khác của huyện. Đường từ thị trấn huyện phải chạy qua một đoạn đèo dài mới tới cánh đồng Buôn Triết; đường rất khó đi, có chỗ mặt đường bị cày xới như ao. Vượt qua đèo, xe đưa chúng tôi đến cánh đồng lúa uốn lượn ven sông. Đứng nơi chân đèo nhìn xuống cánh đồng, thấy con đê quai như một nét vẽ đậm ôm trọn cánh đồng lúa đã thu hoạch, nhũng cây lúa chét vươn lên khỏi mặt nước và thân rạ ngã màu, giương những chiếc lá xanh mơn mởn, tràn trề sức sống nô đùa với gió. Tuy chỉ là cây lúa mọc lại từ gốc những cây rạ sau thu hoạch, nhưng chúng cũng lên khỏe lắm; nhìn qua ta có thể nhầm với ruộng lúa được gieo. Cánh đồng rộng mênh mông bát ngát trải dài xa tít tắp đến tận bờ sông không một bóng người. Vượt qua cánh đồng, chúng tôi đến bờ sông. Đang mùa nước lũ, dòng sông đỏ đậm phù sa, nước cuồn cuộn chảy về tây. Ngay cạnh bờ sông có quán nước nhỏ, trước cửa quán neo ba chiếc thuyền gỗ, mỗi chiếc có thể chở khoảng chục người; đây là phương tiện duy nhất phục vụ nhân dân đi lại giữa hai bờ. Trong quán kê ba bộ bàn ghế gỗ, chiếc ti vi màu 21in để sát vách. Bà chủ quán tuổi trên bốn chục vui vẻ mời anh em trong đoàn uống trà và hút thuốc lào. Tôi hỏi bà chủ quán: “Ở đây cũng có điện lưới quốc gia à chị?” Bà cho biết: “Có lâu rồi bác ạ. Cả huyện này nơi nào cũng có điện rồi, dân đỡ khổ nhiều lắm”. Khi nghe tôi đề cập đến cuộc sống người dân trồng lúa, bà tự hào khoe: “Người trồng lúa nơi đây sống được và sống khá giả là khác vì đất tốt, năng suất cao; nhà nào còn nghèo là do không có đất chỉ đi làm thuê cho người ta hoặc không còn sức lao động thôi.” Tôi hỏi thêm: “Một số nơi tôi đi qua, dân phản ánh giá lúa thương lái mua vào và bán ra thị trường chênh lệch nhau nhiều lắm, vùng ta có vậy không?” “Chuyện ấy là đương nhiên rồi, ở đâu chẳng vậy nhất là ở đây đường đất đi lại khó khăn, mưa lớn xe không vào được, bán rẻ cũng khó chứ nói gì được giá. Giá như thuận tiện giao thông thì dân cũng đỡ vất vã mà thu nhập cũng tăng. Tôi cũng có nghe nói người ta mua gạo ở đây chở đi nơi khác đóng tên mới vào để bán giá cao. Sao họ không đề hẳn cái tên: “Gạo Krông Ana” rõ to vào cho mọi người dùng mà phải thay tên như thế chứ?” Nghe bà hàng nước nói tôi thấy cái tên ấy cũng hay, mà ý tưởng như thế cũng tốt. Cái quan trọng là cách thức thực hiện như thế nào, để người tiêu dùng biết đấy là “Gạo Krông Ana”. Khi chia tay đoàn, bà cương quyết không nhận tiền nước: “Các bác nhà văn nhà thơ mấy khi đến đây, ghé quán để nhà em được phục vụ là may mắn rồi, tiền bạc tính chi!”.
Rời quán nước và dòng sông Mẹ đang hối hả ngược về phía tây, hình như ai cũng thấy ấm áp như vừa trở lại quê nhà. Họa sĩ An Quốc Bình chép miệng nói: “Người ở đây chất phác, đôn hậu thật”.  Ông Lê Xuân Lưu, Phó chủ tịch xã Dur Kmăn cho biết thêm: “Dân ở xã ngoài người dân tộc bản địa còn có dân của các tỉnh: Thái Bình, Quảng Nam, Thanh Hóa… vào làm ăn sinh sống. Nhìn chung nhà nào có ruộng rẫy đều khá cả, có gia đình thu nhập hàng năm trên 500 triệu chỉ nhờ vào trồng lúa mà nên. Cái chúng tôi băn khoăn là mỗi năm huyện sản xuất ra một số lượng gạo lớn đến vậy mà qua các huyện bện cạnh hay thành phố Buôn Ma Thuột lại không thể mua được gạo sản xuất từ huyện Krông Ana. Điều này chắc phải nhờ đến các anh nhà văn, nhà báo thôi”.
Trở về thị trấn Buôn Trấp, trao đổi với ông Trần Hữu Thọ - Phó chủ tịch UBND huyện, tôi được biết lãnh đạo huyện đã làm hồ sơ gửi lên cấp trên rồi, nhưng vẫn phải… đợi! Như vậy, lãnh đạo xã rồi huyện Krông Ana đã cố gắng hết sức trong phạm vi có thể để mong khẳng định một cái tên cho hạt gạo, để từ đó góp phần nâng cao hơn nữa mức sống cho người dân trên địa bàn; nhưng “lực bất tòng tâm”, nhiệt tình và quyết tâm như thế vẫn chửa đủ mà phải cần có sự giúp sức của cấp cao hơn một cách quyết liệt hơn mới mong có một cái tên cho… hạt gạo. Thời gian cứ trôi đi và hạt gạo một nắng hai sương của người dân nơi đây vất vả làm ra cũng cứ lặng lẽ theo những chiếc ô tô ra đi để rồi được thay một tên khác, trở thành thương hiệu của một vùng xa lạ… mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho người kinh doanh. Phải chăng đã đến lúc lãnh đạo tỉnh Đăk Lăk cần có chính sách ưu tiên đặc biệt, khuyến khích cho những mặt hàng sản xuất tại địa phương, mang thương hiệu địa phương, để động viên người tiêu dùng sử dụng sản phẩm địa phương. Hạt gạo huyện Krông Ana tuy chỉ là chuyện nhỏ về cái tên của một hạt gạo tại một vùng, nhưng nó không nhỏ và thậm chí là lớn khi ta nhìn nhận đánh giá đúng mức hướng phát triển, giá trị của một thương hiệu sẽ ảnh hưởng không chỉ một huyện mà cả tỉnh. Câu chuyện cái tên cho hạt gạo Krông Ana nói riêng và cái tên cho các đặc sản khác trên địa phương tỉnh Đăk Lăk nói chung đang cần các cấp có thẩm quyền cùng chung tay làm ngay để khẳng định thành quả kinh tế địa phương; nếu không trong một ngày không xa với cơ chế thị trường như hiện nay, ta lại phải bỏ tiền đi chuộc lại chính cái tên của ta để khẳng định mình thì đau lòng lắm.
Một mùa xuân nữa lại sắp về, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chính quyền địa phương huyện Krông Ana, cuộc sống đa số người dân nơi đây đang ngày một nâng cao, họ không những thoát nghèo mà còn có nhiều hộ đã giàu lên từ cây lúa nước… trên Cao nguyên; điều lạ mà có thực nơi đây. Nhưng để phát triển nhanh, mạnh hơn nữa cho vùng đất xinh đẹp này, mong rằng các cấp có thẩm quyền sớm giúp nhân dân trong vùng có một cái tên, khẳng định một thương hiệu để sánh vai với bạn bè cả nước và hướng tới vươn ra thế giới.



Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

NHÌN LẠI NĂM 2013 tác giả HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SÔ: 256 THÁNG 12 NĂM 2013









HỒNG CHIẾN





Thế là một năm nữa lại sắp trôi qua, anh em trong Tòa soạn bắt tay vào chuẩn bị bài vở cho số tháng 12, số cuối cùng năm 2013. Thời gian trôi nhanh quá, mới đó đã gần hết một năm, tôi giật mình và nảy ra ý định điểm lại vài nét hoạt động chính của Tạp chí Chư Yang Sin trong năm qua để mong rút ra điều gì đó cho năm 2014 làm tốt hơn.
Bước vào năm 2013, Tạp chí Chư Yang Sin đối mặt với biết bao khó khăn thách thức để duy trì đều đặn mỗi tháng ra một số, có độ dày 84 trang cả bìa và ngày một nâng cao cả về hình thức cũng như chất lượng nghệ thuật trong các tác phẩm được đăng tải. Kinh phí Ủy ban nhân tỉnh cấp cho Tạp chí chỉ dừng lại ở con số 240 triệu, có lẽ đây là số tiền ít nhất so với tất cả các tạp chí văn nghệ trong cả nước để in ấn và trả nhuận bút. Anh em bấm bụng bảo nhau cố mà làm, bằng mọi cách phải duy trì cho được cuốn Tạp chí – diễn đàn của Hội và cũng chính là sân chơi cho các anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Nhìn xa hơn một chút, phát hành tạp chí văn nghệ chính là cách làm hiệu quả nhất trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và đó cũng chính là công cụ tuyên truyền hiệu quả nhất, sức lan tỏa mạnh nhất trong việc tuyên truyền các chủ trương lớn của Đảng cũng như các chính sách của Nhà nước đến với tất cả các tầng lớp trong xã hội; đó cũng chính là đóng góp thiết thực của giới văn nghệ sĩ với công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước ta do Đảng đề xướng và lãnh đạo.
Ý thức được nghĩa vụ và trách nhiệm của người làm báo văn nghệ trong thời buổi kinh tế lạm phát, sự cạnh tranh quyết liệt của báo hình và báo mạng đang phát triển với tốc độ phi mã, lãnh đạo Tạp chí tất cả đều kiêm nhiệm, kinh nghiệm làm báo chưa nhiều. Trong lúc khó khăn ấy, đầu năm 2013, Ban chấp hành Hội ra Nghị quyết cử nhà thơ Đặng Bá Tiến - Ủy viên Ban chấp hành về đảm nhiệm chức danh Phó tổng biên tập phụ trách nội dung Tạp chí. Do bận công tác ở báo Lao Động nên mãi đến đầu tháng 7, nhà thơ Đặng Bá Tiến mới chính thức về nhận công tác. Ngay ngày về nhận công tác, nhà thơ Đặng Bá Tiến có ý kiến đề xuất: Để thu hút được bạn đọc đến với Tạp chí, phải nâng cao cả hình thức và chất lượng các tác phẩm; được Quyền Tổng biên tập Lê Khôi Nguyên ủng hộ và giao cho họa sĩ An Quốc Bình - Thư ký tòa soạn kiêm trình bày Tạp chí, thiết kế và trình bày lại mẫu bìa. Sau nhiều ngày thử nghiệm, được anh em trong tòa soạn góp ý bổ sung, mẫu bìa tạp chí mới thiết kế xong, đưa in vào số tháng 7. Tạp chí phát hành nhận được nhiều ý kiến của anh em hội viên, cộng tác viên và bạn đọc khen ngợi. Có lẽ nhờ vậy, tòa soạn nhận được nhiều hơn các tác phẩm từ mọi miền đất nước gửi đến cộng tác, mỗi ngày trung bình trên trăm tác phẩm. Tiếp đà thắng lợi, các trang ruột cũng được trình bày lại; ngoài các chuyên mục truyền thống có thêm: Lá thư văn nghệ, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,  các chuyên mục có trước đây nhưng không được duy trì đều đặn được khôi phục và duy trì thường xuyên, như Văn học với nhà trường, Văn học nước ngoài... Giới thiệu hội viên. Bằng tài hoa của mình và trí tuệ của cả tập thể Ban biên tập, họa sĩ An Quốc Bình đã khoác cho Tạp chí văn nghệ Chư Yang Sin một diện mạo mới hấp dẫn hơn.
Nhằm nâng cao chất lượng các tác phẩm đăng tải, lãnh đạo Tạp chí yêu cầu bộ phận biên tập các chuyên đề, chuyên mục phải lựa chọn các tác phẩm có chất lượng cao và cần thiết phải đặt bài cho từng số; nhờ vậy tất cả các tác phẩm sử dụng đều đạt yêu cầu. Cuối tháng 7, giữa lúc bộ máy đang “vào guồng”, vận hành tốt thì một tin không vui ập đến: Sau khi cân đối lại kinh phí, mới phát hiện Tạp chí không còn tiền để in ba số cuối năm. Ban lãnh đạo Tạp chí họp khẩn rà lại toàn bộ công việc, chợt nhận ra rằng: Từ trước tới nay, những người làm Tạp chí Chư Yang Sin đều vì cái tâm, vì trách nhiệm trước hội viên mà làm; còn cộng tác viên thì vì lòng đam mê nghệ thuật và tình yêu Đảng, yêu quê hương đất nước mà sáng tác chứ thù lao được chi trả chỉ là tượng trưng. Có lẽ trên cả nước Việt Nam ta, không có một ông Phó tổng biên tập nào nhận mức lương “khủng” tới 400 ngàn đồng một tháng như các Phó tổng ở Tạp chí Chư Yang Sin! Lãnh đạo nhận thù lao như thế nên nhuận bút trả chỉ mang tính chất tượng trưng: Thơ từ 80 ngàn đến 100 ngàn một bài, văn xuôi và lý luận phê bình chỉ xê dịch trong khoảng 220 ngàn đồng tới 250 ngàn đồng/bài… Nếu cũng tác phẩm ấy đăng trên báo Dak Lak thì được trả gấp hai, hoặc ba lần. Trước tình hình ấy lãnh đạo Tạp chí đề xuất Thường trực Hội có văn bản báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình của Tạp chí; đồng thời lãnh đạo Hội cùng lãnh đạo Tạp chí “xách cặp” lên làm việc với lãnh đạo tỉnh để xin bổ sung kinh phí in ba số cuối năm.     
Cha ông ta dạy quả không sai: “Con có khóc, mẹ mới cho bú”, khi nghe báo cáo thực trạng kinh phí Tạp chí như thế, ngày 30 tháng 9, ông Hoàng Trọng Hải – Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định cấp bổ sung 120 triệu đồng cho Tạp chí. Vui quá, vậy là lãnh đạo tỉnh rất thông cảm với giới văn nghệ sĩ nói chung và tạp chí văn nghệ nói riêng, những người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng, đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp của Đảng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước trong thời kỳ hội nhập do Đảng ta khơi xướng và lãnh đạo. Tuy nhiên niềm vui đó chỉ mới dừng lại nửa chừng, Chủ tịch tỉnh ký Quyết định cấp bổ sung kinh phí nhưng cán bộ chuyên quản Sở Tài chính lại bảo: Không có tiền, các anh cứ nợ in, nợ nhuận bút… sang năm mới rồi trả! Thế là sang tháng 12 rồi, nhuận bút từ tháng 10 vẫn chưa có, đành thất hứa với cộng tác viên; anh em hội viên cũng tỏ ra thông cảm, có người nói: “Trên bảo dưới không nghe” là chuyện thường ngày ở ta, cơ chế nó thế! Nghe mà lòng đau nhoi nhói.
Kinh phí thì vậy, còn về nhân sự tổ chức bộ máy của Tạp chí cũng gặp không ít khó khăn, tại cuộc họp Ban chấp hành lần 8, nhà văn Lê Khôi Nguyên - Chủ tịch Hội kiêm Quyền tổng biên tập Tạp chí đề xuất giới thiệu nhà thơ Đặng Bá Tiến - Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó tổng biên tập đảm nhận chức danh Tổng biên tập thay mình, vì Chủ tịch Hội là thủ trưởng cơ quan chủ quản lại kiêm chức Quyền tổng biên tập Tạp chí của Hội là trái với Luật Báo chí hiện hành. Ban chấp hành nhất trí và Thường trực Hội đã có văn bản gửi các cơ quan có liên quan; nhưng gần 5 tháng trôi qua mà vẫn chưa có hồi âm, nên cũng chỉ còn biết… đợi!
Sáng ngày 3 tháng 12, nhà thơ Đặng Bá Tiến thông báo cho tôi biết, tại cuộc họp giao ban báo chí sáng ngày 2 vừa qua, anh đã phát biểu nêu vấn đề kinh phí của Tạp chí: Có Quyết định của UBND tỉnh nhưng Sở Tài chính vẫn không chịu cấp tiền; ông Trần Hiếu – Phó chủ tịch UBND tỉnh - chủ trì Hội nghị đã trả lời: Hội phải có văn bản báo cáo gấp lên UBND tỉnh để tỉnh xử lý! Vậy là khi bản thảo số cuối Tạp chí chuyển qua nhà in bấm máy, kinh phí vẫn chưa về và chúng ta lại… đợi và… nợ!
Số cuối cùng trong năm 2013 bạn đang cầm trên tay hôm nay không chỉ là trí tuệ tình cảm của các văn nghệ sĩ muốn cống hiến cho Đảng, cho đất nước, phục vụ nhân dân mà còn là tâm huyết của tất cả anh chị em trong tòa soạn Tạp chí Chư Yang Sin, đang phải gồng mình lên chống chọi với khó khăn của cuộc sống đời thường, làm tất cả những gì có thể để duy trì Tạp chí xuất bản hàng tháng đúng định kỳ, đủ số lượng, xứng tầm với vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ cao nguyên”.  
Cuối năm nhìn lại, với những vui buồn lẫn lộn, chắc chắn sẽ làm nhiều người khó chịu trước sự thật phũ phàng của cuộc sống, nhưng chúng ta tin vào Đảng, tin vào sự sáng suốt của các vị lãnh đạo Nhà nước cũng như chính quyền địa phương tỉnh nhà sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa đất nước ngày một phát triển. Chúng ta tin vào Ban chấp hành Hội khóa V,  những văn nghệ sĩ giàu tâm huyết, quen chịu đựng thử thách sẽ chèo lái con thuyền văn nghệ tỉnh nhà vượt qua tất cả thác ghềnh đến được bến bờ đã định và Tạp chí Chư Yang Sin của chúng ta vẫn đến tay bạn đọc đúng lịch trình. Chúng ta hãy tin và mong được như thế!