Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

NHẬT KÝ MỘT CHUYẾN ĐI bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 201 THÁNG 5 NĂM 2009




Vào một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi rời Buôn Ma Thuột xuôi theo quốc lộ 26A về phía thành phố Nha Trang – tỉnh Khánh Hòa; không khí mát mẻ vì đêm qua trời đổ cơn mưa khá lớn. Mùa này Dak Lak có mưa như trời cho nhà nông thêm vàng, cà phê không phải tưới, ruộng rẫy thoát khỏi khô hạn. Tới km 61 thuộc địa phận huyện Ea Kar, xe rẽ phải vào con đường đất rất khó đi, đầy “ổ voi ổ trâu” và một thứ mùi khó chịu ập vào xe. Nhà thơ Lê Vĩnh Tài ngồi bên tôi vội nói: Đóng cửa xe lại để bật máy lạnh. Nghệ sỹ nhiếp ảnh - nhà thơ Đặng Bá Tiến cười buồn: Chúng ta đến địa phận nhà máy Tinh bột mỳ Ea Kar rồi đấy. Ngày cắt băng khánh thành rất đông quan khách về dự, sau buổi lễ ông Giám đốc Nghiêm Minh Tiến mời tất cả ở lại nhà máy dùng bữa cơm thân mật, nhưng nhiều người vội vã ra xe về ngay vì cái mùi đặc trưng này. Mọi người ồ lên ngạc nhiên.
Vượt cầu Krông Năng, nhà máy Tinh bột mỳ xây khá bề thế hiện ra qua khung cửa kính. Nhờ có nhà máy này mà nhiều hộ nông dân của các huyện Ea Kar, M’Đrăk, Krông Năng thoát khỏi đói nghèo; nhưng những người dân xung quanh khu vực nhà máy đang phải gánh chịu sự ô nhiễm môi trường khá nặng; không biết đến bao giờ mới cải thiện được. Qua nhà máy tinh bột mỳ, nhà thơ Hoàng Thiên Nga thông báo: Chúng ta sắp vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Mọi người ồn ào cả lên vì địa danh nổi tiếng qua vụ án săn động vật quý hiếm của ông Đại Hùng bị Hạt Kiểm lâm khu bảo tồn Ea Sô bắt năm 2003. Vụ săn bắn hai con Min trong khu bảo tồn làm tốn không ít giấy mực của cánh báo chí; vụ án kết thúc kẻ phạm pháp dù đương chức là giám đốc một sở của thành phố lớn hay là đại gia cũng phải cùng nhau ra trước vành móng ngựa. Luật pháp được thực thi.
 Còn tôi vốn là dân gần như “bản địa” ở đây (vì có hơn 20 năm sống và công tác tại huyện Ea Kar), trong những năm từ 1987 đến 1992 khi chờ Tòa án tối cao xét xử trả lại công bằng; vì mưu sinh, tôi đã lội khắp các cánh rừng của huyện Ea Kar. Trong một lần vào đồi Cô Đơn, tôi gặp một con vật: đầu trâu, chân bò, to như con voi; anh bạn cùng đi là sỹ quan Ban tuyến huấn Sư 333 bảo: “Bò xám” đấy! Tôi về viết một mẩu tin gửi báo Tiền Phong, không ngờ một mẩu tin ngắn hơn 100 từ đã làm chấn động giới khoa học trong nước, mấy hôm sau Viện trưởng Viện tài nguyên và Môi trường, Giáo sư - Tiến sỹ Phạm Huy Huỳnh lặn lội từ Hà Nội vào tận nhà hỏi thăm và nhờ dẫn đường vào rừng Ea Sô tìm “bò xám”. Sau một tuần lang thang trong rừng, vị Giáo sư khả kính tóc bạc trắng, tuổi gần bảy mươi nói với tôi: Căn cứ vào các dấu chân đo được trong rừng, nhiều khả năng đây là dấu chân bò xám vì nó to hơn và tròn hơn so với dấu chân min. Sau đó Giáo sư cóù bản báo cáo khá chi tiết gửi cho UBND huyện Ea Kar và UBND tỉnh Dak Lak, đánh giá của mình về khu rừng này. Qua trao đổi với Giáo sư - Tiến sỹ Phạm Huy Huỳnh, tôi mới biết vài nét về con vật mang tên “bò xám”: con vật này đầu trâu, mình bò, thân hình to lớn, con trưởng thành có thể nặng từ 2,5 đến 3 tấn; nó được một nhà khoa học Pháp phát hiện và chụp ảnh lần cuối cùng vào năm1930 trên đất CamPuChia và từ đó đến nay không ai còn nhìn thấy nó nữa; giới khoa học nghi đã bị tuyệt chủng. Còn con min đầu trâu, mình trâu, chân bò trọng lượng nhỏ hơn khoảng 1 đến 1,5 tấn có tên trong sách đỏ Việt Nam thuộc nhóm A, đây là loại động vật quý hiếm. Khoảng hai tháng sau khi Giáo sư - Tiến sỹ Phạm Huy Huỳnh về Hà Nội; một đoàn 7 nhà khoa học các nước: Vương quốc Anh, Vương quốc CamPuChia và Việt Nam đã vào rừng Ea Sô điều tra; sau một tháng làm việc, đoàn kết luận không có bò xám nhưng đây là khu rừng đa hệ sinh thái cần được bảo vệ nên đề nghị và được cấp trên chấp nhận, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã ra đời như vậy.
Xe chúng tôi vượt cầu sông Hai, chạy qua khu nhà làm việc của Ban quản lý Khu bảo tồn được xây dựng khá khang trang. Con đường tỉnh lộ nối hai tỉnh Phú Yên - Dak Lak chạy qua Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, phần đường từ sau cầu sông Hai xuôi thành phố Tuy Hòa làm khá tốt. Phía bắc đường được trồng khá nhiều cây keo tai tượng cao quá đầu người, phía nam ngay sát đường là những đám rẫy gieo mè xanh mơn mởn. Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy ngạc nhiên hỏi: Sao Khu bảo tồn thiên nhiên lại gieo mè nhiều thế? Câu hỏi của Thúy làm mọi người lặng đi vì thực tế đang được thấy và không biết phải trả lời như thế nào. Cuối địa phận tỉnh Dak Lak, công trình thủy điện Krông H’Năng có vị trí gần đường đang hối hả thi công, con đập chính ngăn nước sắp hòan thành, xe tấp nập nối đuôi nhau xuôi ngược. Bức tranh công nghiệp khai thác “vàng trắng” đang thực thi ở đây đã sắp hoàn chỉnh, nhưng một phần khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô sẽ bị ngập nước, một diện tích không nhỏ đất đai sẽ chìm dưới lòng hồ; đây cũng chính là nỗi băn khoăn của nhiều văn nghệ sỹ Dak Lak khi cho rằng: chúng ta ồ ạt xây dựng các nhà máy thủy điện, liệu có tính đến một diện tích đất đai rất lớn chìm dưới dòng nước, hiệu quả kinh tế về lâu dài như vậy có khả quan không?
Gần 12 giờ trưa chúng tôi đến thành phố Tuy Hòa, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo - Phó chủ tịch Hội VHNT Phú Yên, Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Phú Yên đón chúng tôi đưa về khách sạn Công Đoàn. Tôi không ngờ nhà văn trẻ này lại có nét phong trần đến thế, tuổi còn kém tôi xa, nhưng tóc đã bạc quá nửa. Anh khác hình ảnh mà tôi đã hình dung qua những lần trao đổi điện thoại. Sau bữa cơm thân mật do Hội chiêu đãi, chúng tôi kéo nhau về văn phòng Hội. Đoàn văn nghệ sỹ Dak Lak nhiều người ngạc nhiên như không thể tin ngôi nhà ba tầng đồ sộ được xây ngay sát biển là trụ sở của Hội VHNT tỉnh. Căn nhà đẹp quá, vị trí cũng thật lý tưởng: một bên là quảng trường, một bên là biển, gió lồng lộng thổi… Văn phòng Hội tọa lạc trên tầng hai khá rộng, đoàn Dak Lak 11 người ngồi chưa hết nửa chiếc bàn hình ô van, phần còn lại là các văn nghệ sỹ tỉnh bạn. Nhà văn Đào Minh Hiệp – Chủ tịch hội VHNT Phú Yên báo cáo sơ qua vài nét về tỉnh: dân số hơn 800 ngàn người, hội viên của Hội hơn 200, cơ sở như các bạn đã thấy, trên tầng ba có 4 phòng khách vì đang sửa lại hệ thống nước nên không thể bố trí cho đoàn ở lại được… Nghe Chủ tịch Hội báo cáo trụ sở hội có hẳn 4 phòng khách trang bị đầy đủ tiện nghi, làm đoàn VNS Dak Lak càng thêm sửng sốt. Vâng! Thật sự sửng sốt! Một tỉnh mới thành lập, dân số chỉ sem sém cỡ một nửa dân số tỉnh Dak Lak thế mà có một cơ ngơi làm việc như trong mơ. Trông người lại ngẫm đến ta...! Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo cho biết thêm về tạp chí Văn nghệ của Hội: tháng rưỡi ra một số, mỗi số in 600 bản, trong đó một nửa được phát hành theo yêu cầu của bạn đọc; kinh phí dành riêng cho tạp chí hơn 200 triệu, tạp chí có tài khoản riêng, con dấu riêng.… Vốn là “dân” cùng làm tạp chí văn nghệ như nhau, các anh có cái hơn đồng nghiệp Dak Lak là Tạp chí được tự chủ về kinh phí hoạt động, biên chế nhân sự nhiều hơn, tuy số lượng phát hành cũng sàn sàn như nhau (Phú Yên 3 tháng hai số, còn Dak Lak mỗi tháng một số với 500 bản). Thư ký tòa soạn  tạp chí Văn Nghệ Phú Yên – Huỳnh Văn Quốc cũng có những trao đổi hết sức chân tình về hoạt động của tạp chí nói chung và công tác cộng tác viên nói riêng. Hai tạp chí của hai hội Dak Lak và Phú Yên đều có chung một điểm giống nhau: cộng tác viên các tỉnh bạn rất nhiều. Cuộc gặp mặt - giao lưu giữa đoàn VNS Dak Lak và Hội VHNT Phú Yên đã đến lúc phải chia tay. Tôi nhận lời chuyển đề nghị của các anh về lãnh đạo hội VHNT Dak Lak sẽ kết hợp cùng tổ chức một trại sáng tác chung giữa hai tỉnh trong thời gian gần nhất.
Chiều, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo dẫn đoàn lên thăm tháp Nhạn – một di tích độc đáo của người Chăm ở tỉnh Phú Yên. Tháp Nhạn tọa lạc ngay trên đỉnh núi Nhạn, cao khoảng trên chục mét, có cấu trúc gần với tháp Bà - Nha Trang. Sân tháp được lát gạch vuông đỏ au khá rộng, là nơi hàng năm được Hội VHNT tỉnh tổ chức Ngày Thơ Việt Nam tại đây. Xung quang gò, cây cối xanh tốt, nhiều cây có đường kính khá lớn, xen kẽ là những chùm hoa lạ làm cho người đến thăm thấy thêm phần linh thiêng. Đứng ở chân tháp nhìn về phương bắc có thể thấy toàn bộ thành phố Tuy Hòa với những tòa nhà cao tầng rất đẹp vây quanh cánh đồng lúa xanh mượt mà ở giữa; quay về phía đông nam là một cây cầu dài đang thi công chạy sát mép biển, nối hai bờ sông. Thành phố giống như một bức tranh đẹp nhưng chưa hoàn thiện. Muốn vào trong tháp để thắp hương, mọi người phải lách mình qua một người phụ nữ  đứng tuổi với một quầy hàng nho nhỏ bán bánh trái và một con chó nhỡ án ngay cửa tháp. Một danh thắng gần trung tâm thành phố, rất đông du khách đến thăm quan, trong đó có cả người nước ngoài, vậy mà… tôi thấy man mác buồn. Không biết các cơ quan quản lý khu di tích nghĩ gì khi để hình ảnh này cứ tiếp tục tái diễn trước du khách đến đây.

Sáng ngày 29 chúng tôi đến ghềnh Đá Đĩa thuộc địa phận tỉnh Phú Yên, đây là di tích đã được xếp hạng. Từ đất liền nhô ra biển một mỏm đá không lớn lắm, chu vi khoảng sáu bảy chục mét thôi nhưng được sắp xếp hoàn toàn bằng những khối đá ngũ giác có các cạnh khá đều nhau, mỗi cạnh dài hơn 30 cm một tý; đứng xa nhìn ta có cảm giác nó như một tổ ong vàng khổng lồ. Tôi chợt nhớ đến thác Dray Sap cũng có những cột đá hình dáng kích cỡ giống y hệt thế này. Thiên nhiên thật kỳ diệu, từ  ghềnh Đá Đĩa thuộc tỉnh Phú Yên cách xa thác Dray Sap tỉnh Dak Lak hàng mấy trăm cây số sao lại có những cột đá đĩa giống nhau đến vậy! Biển xanh biếc, từng cơn sóng ồ ạt thi nhau chạy vào tung những ngọn nước cao ngất trườn lên mặt ghềnh như muốn đánh bóng cho các tảng đá đĩa. Văn nghệ sỹ Dak Lak thi nhau bấm máy, đâu đó xen lẫn tiếng xuýt xoa: đẹp, đẹp quá! Nhưng phải nói thật: tiếc cho một danh thắng còn thiếu cơ sở vật chất phục vụ khách tham quan du lịch, thiếu sự đầu tư  cho cơ sở hạ tầng; bên cạnh tấm bia được đắp bằng xi măng ghi rõ ngày tháng ghềnh Đá Đĩa được công nhận di sản quốc gia, chỉ có một căn lều chiều ngang độ 3m, dài 6m, trên lợp lá, xung quanh thưng… gió, không một bóng người. Mải mê chụp hình, ghi chép, mặt trời lên đỉnh đầu anh em mới vội vã quay về, khi đi đến gần thành phố Tuy Hòa, nhà thơ Lê Vĩnh Tài thông báo: Mấy anh ở Hội đang đợi chúng ta về ăn bữa cơm liên hoan chia tay. Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo và nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Quỳ ra tận xe đón đoàn, Bữa cơm trưa thân mật thắm tình bè bạn, nồng ấm tình cảm gia đình, làm ai cũng say, cái say của tình bạn nghệ sỹ.
 Chiều tối đoàn đến thị xã Cam Ranh, các bạn cộng tác viên của tạp chí được thông báo trước đến khá đông, có những người ở xa trên chục Km như Thùy Liên phải nhờ chồng giữ con, đội mưa đến gặp; hay cô gái làm thơ vàø thích đùa - Lam Hạnh tuổi đời còn rất trẻ; có người tuổi chưa nhiều như tác giả thơ Trần Quang Phong mang dáng dấp của người trung niên, chưa uống đã… say! Quây quần đọc thơ, kể chuyện đến tận khuya không dứt ra được. Người được các cây bút trẻ Cam Ranh nhắc nhiều nhất là nhà thơ Lê Vĩnh Tài và nhà thơ Đinh Thị Như Thúy, những người rất quen trên văn đàn nhưng chưa được gặp mặt, nay bên nhau như thể không dứt ra được. Hồng Minh rất vô tư nhận xét: Anh Tài khác xa so với em tưởng tượng khi chưa gặp. Nhà thơ Tôn Nữ Ngọc Hoa của đoàn Dak Lak hỏi lại: Có phải em thất vọng vì Tài không có râu? Dạ! Mọi người cười ồ lên trước sự vô tư của các bạn trẻ Cam Ranh. Có lẽ say với không khí văn chương mà đoàn Dak Lak ai cũng đọc thơ, toàn những bài tủ của mình; nhạc siõ Sỹ Hùng tuy tuổi đã cao nhưng có lẽ say với không khí nên không những đọc thơ, hát mà còn trổ tài kể chuyện thi với các bạn Cam Ranh làm cho đêm giao lưu như thêm ấm cúng hơn, mặc dù về khuya trời đổ mưa mỗi lúc một nặng hạt. Riêng tôi cũng phải trả lời những thắc mắc: Tại sao bọn em gửi bài nhiều mà lâu không thấy được đăng?
Sáng hôm sau rời thị xã Cam Ranh tiếp tục hành trình về thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Thành phố vào những ngày nghỉ lễ nên “cháy phòng”; mọi cố gắng nhờ bạn bè liên hệ khách sạn đều không thành công, trong lúc khó khăn chưa biết làm thế nào thì nhà thơ Lê Công Hương thông báo: Bạn mình công tác ở Ban tuyên giáo Tỉnh ủy đã liên hệ được hai phòng ngủ tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Thật mừng song cũng hơi ngại khi phải vào ở ngay trong cơ quan quân sự. Nhưng sự tiếp đón chân tình của cán bộ chiến sĩ nơi đây đã làm yên lòng anh chị em văn nghệ. Tuy hơi chật nhưng tiện nghi không kém bất kỳ một khách sạn nào, làm ai cũng vui và nhất trí ở lại thêm một đêm nữa trước khi lên Đà Lạt. Hai ngày ở Phan Rang rồi vào thành phố Phan Thiết, lại quay ra Phan Rang, trời vẫn đổ mưa tầm tã, nhiều nhà dân hai bên quốc lộ 1A bị chìm trong nước, những người nông dân trồng nho, thanh long be bờ tát nước trong gió mưa làm mủi lòng các văn nghệ sỹ, ai cũng xuyt xoa. Nhà văn Đỗ Trọng Phụng nhận xét: Người nông dân ở vùng nào cũng cực vì sản xuất phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên; các ông thấy đấy mưa gió thế này làm sao có thể giữ nổi không bị úng ngập. Trời vẫn mưa, tác giả thơ Lê Hưng Tiến – Hội VHNT tỉnh Ninh Thuận đội mưa chạy xe máy đến tình nguyện dẫn đoàn đi tham quan. Trên con đường về thăm thôn Đá Trắng gần thành phố Phan Rang, đường rải nhựa chỉ rộng khoảng 5m thôi nhưng người dân chiếm mất gần một nửa phơi lúa. Trời dần dần tối, xa xa trên các thửa ruộng đã gặt lác đác vài con cò trắng lẻ loi đứng ngửa mặt nhìn trời (cũng lạ, tại sao cò trắng nơi đây không đi theo đàn như ở Dak Lak); trên đường những người đồng bào Chăm lầm lũi bước theo những chiếc xe bò chất đầy lúa đi xiên xiên qua những hạt mưa bay làm lòng tôi thấy nao nao. Lúa đã nhiều, nhà xây mô đen cũng lắm, nhưng người nông dân vẫn còn lam lũ lắm lắm.
Trưa mùng 2 tháng 5 chúng tôi đặt chân tới thành phố Đà Lạt, trời vẫn lất phất mưa. Đón chúng tội tại trụ sở Báo Sài Gòn thường trú, nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm – Tổng biên tập báo Lâm Đồng thông báo: Các bạn thông cảm, hiện nay không còn phòng nên ở tạm đây vậy. được phòng nghỉ trong những ngày này là tốt quá rồi - nhà thơ Hoàng Thiên Nga đỡ lời. Đà Lạt khí hậu khác hẳn Ban Mê cũng như các tỉnh mà đoàn Dak Lak vừa đi qua. Lạnh. Sắp đến mùa hè nhưng ai cũng run vì lạnh, đành ghé chợ Đà Lạt mua áo ấm. Mỗi người tranh thủ chọn cho mình một bộ tránh rét và để răng khỏi va vào nhau, ai cũng tấm tắc: đúng là Đà Lạt! 14 giờ, chúng tôi lên xe đến trụ sở Hội VHNT Lâm Đồng. Thành phố du lịch vừa làm lễ đón nhận đô thị loại một nên không khí còn vui nhộn lắm; đường phố đầy hoa và kín người đi lại, mặc cho trời vẫn lắc rắc mưa. Trụ sở Hội VHNT Lâm Đồng là một tòa biệt thự cũ xây từ thời Pháp, tuy không bề thế như trụ sở Hội VHNT Phú Yên nhưng lại có vẻ đẹp riêng của nó, rất Đà Lạt. Thật bất ngờ khi các anh ở Hội VHNT Lâm Đồng đã có mặt đông đủ đợi đoàn. Nhà thơ Trần Ngọc Trác – Chủ tịch Hội, khỏe khoắn và hơi mập một chút so với trước đây; Nhà thơ  Phạm Quốc Ca – Phó chủ tịch, tóc bạc thêm mấy phần, chắc công việc quản lý ở Trường Đại học Đà Lạt đã vất vả nay phải gánh thêm trọng trách của Hội nữa, người sút đi cũng phải; nhà văn Lê Công – Phó chủ tịch, Tổng biên tập tạp chí LangBiAn có vẻ sút đi nhiều, da sạm đen; và còn nữa các nhà văn, nhà thơ của Hội VHNT Lâm Đồng như: nhà thơ Phạm Vũ,  nhà thơ Minh Hạnh, vợ chồng nhà thơ Nguyễn Vĩnh… bắt tay đoàn và cười. Không khí ấm cúng như người trong một gia đình. Sau phần nghi thức xã giao, hai đoàn có cuộc giao lưu, mọi người thay nhau trình bày những tác phẩm mới nhất của mình. Trong niềm vui chung, có lẽ người vui nhất là nhà thơ Hoàng Thiên Nga và nhà thơ Đinh Thị Như Thúy; hai cô sinh viên trường đại học Đà Lạt năm nào nay trưởng thành, trở lại chốn xưa gặp lại bạn tâm giao và gặp được thầy giáo cũ: Nhà thơ – Tiến sĩ Phạm Quốc Ca. Nhìn cảnh thầy trò cùng xúc động, cùng đọc thơ, cùng nâng ly, lòng như ấm lại giữa cái rét của Đà Lạt. Trời tối lúc nào không biết, phải đến lúc chia tay nhau, các anh chị của Hội VHNT Lâm Đồng cùng hẹn ngày gặp lại tại Ban Mê. Trời vẫn lắc rắc mưa, nhưng lòng mỗi người như ấm lại, các anh chị ở Hội VHNT Lâm Đồng đã cho đoàn VNS Dak Lak thêm ngọn lửa để tiếp tục gặt hái những kết quả tốt đẹp sau chuyến đi thực tế sáng tác này. Buổi giao lưu để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp cho mỗi người và cứ mong sẽ có dịp tái ngộ.

Ngày mùng 4 tháng 5, đoàn VNS Dak Lak rời thành phố Đà Lạt đầy hoa và lòng mến khách để trở về Buôn Ma Thuột. Trời vẫn se se lạnh, nhưng không còn mưa nữa, mọi người đùa: Trời cũng chiều lòng người! Thành phố hoa lùi lại phía sau, những cánh rừng thông cũng lùi lại phía sau và những rừng cà phê tươi tốt lại hiện ra trước mắt mọi người – Dak Lak. Không đâu có những cánh rừng cà phê mượt mà xanh tốt như Dak Lak. Thế là đã trở về nhà sau chuyến đi sáu ngày vòng qua năm tỉnh, chắc chắn các anh chị em trong đoàn sẽ thu hái được rất nhiều tư liệu để có những tác phẩm văn học không những cho hôm nay mà còn cho cả mai sau. Những tư liệu có được sau chuyến đi chắc chắn sẽ là nguồn vốn hết sức quý giá để các văn nghệ sỹ dùng trong một khoảng thời gian dài không chỉ một vài năm. Cảm ơn Hội VHNT Dak Lak đã tạo điều kiện cho các văn nghệ sỹ có một chuyến đi bổ íc. Cảm ơn các hội VHNT tỉnh bạn: Phú Yên – Lâm Đồng và những người yêu thơ, cộng tác viên của tạp chí ChưYangSin ở các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… đã tận tình giúp đỡ đoàn có một chuyến đi thành công.

 Mùa khô năm 2009 

12 nhận xét:

  1. Em qua giật tem vàng nè, vạy người bố nghĩ gì nhở? bài tản văn rất hóm chúc mừng anh

    Trả lờiXóa
  2. Chuyện anh kể thật vui
    Chúc anh cuối tuần an lành bình an (~_~)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bác BẠCH DƯƠNG đã sang thăm và có lời động viên!

      Xóa
  3. Đôi mắt trẻ thơ"trong veo" & hồn nhiên qua "diễn đạt" của người "nhớn"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không phải người lớn "diễn" mà chỉ kể lại thôi bạn QUYNH TRANG ạ!

      Xóa
  4. - Người lịch sự thì…thi... không làm phiền khi người khác đang khóc… hi hi!

    Trả lờiXóa
  5. Lịch sự từ bé, giống ai ấy nhỉ? hehehe. yêu Remi ghê á!

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI