Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 267 - tác giả THANH VÂN

Tác giả THANH VÂN



H’XÍU VÀ NHỮNG TÁC PHẨM ĐÁNG YÊU



Độc giả yêu mến tạp chí văn nghệ Chư Yang Sin, chắc hẳn sẽ không xa lạ với những tác phẩm của tác giả trẻ H’Xíu Hmok – hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk. Bằng những tác phẩm của mình, tác giả đã tạo được một hiệu ứng riêng trong lòng bạn đọc bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn của ngôn ngữ dân tộc Kinh và dân tộc Êđê qua các tác phẩm: Người đợi bên hiên nhà dài, Tin tưởng nơi anh…
Dạo lướt trên những trang văn của tác giả trẻ này, ta có cảm giác như đang thưởng thức một đóa lan rừng với một vẻ đẹp sang trọng, lịch lãm và thuần khiết nhưng vẫn bám thật chặt vào cội nguồn, hút những tinh hoa của gốc rễ, để dưỡng nuôi cho đóa hoa sáng tạo càng trở nên tươi đẹp hơn. Với những tác phẩm mang âm hưởng Tây Nguyên tác giả đã tạo cho mình cách viết mang đặc điểm riêng về ngôn ngữ và văn phong, làm cho bức tranh của miền sơn cước trở nên lung linh hơn nhờ.
Tác giả H’Xíu Hmok đã gây ấn tượng cho người đọc bằng một chất men say được chưng cất từ tâm hồn của một nhà văn mang dòng máu Êđê nhưng lại được hấp thu trong môi trường mát lành của ngôn ngữ dân tộc Kinh. Tác giả đã khai thác thành công chất liệu cuộc sống, vốn văn hóa về Tây Nguyên để tạo nên những trang viết hấp dẫn đầy chất trữ tình: “Chiều nay, amí thấy trong lòng nặng trĩu. Đằng tây, mặt trời đang chầm chậm trở về sau rặng núi, đàn gà dưới sàn lục đục tìm về chuồng sau một ngày đi kiếm ăn, tiếng gà mẹ gọi đàn con vọng lại. Amí ngồi tựa vào cây cột bên hiên nhà dài, cảm thấy khó thở, khoảng trời trước mặt loang dần một màu tối trầm mặc. Bóng tối cứ lan ra mãi, lan mãi lấn chiếm khoảng không gian trước mặt khiến amí thấy nặng nề. Rồi bất chợt, ánh sáng từ đâu thắp lên sáng một vùng trời, ánh sáng ấy soi rõ bóng dáng người con trai đang tiến lại, khuôn mặt tươi cười, đôi mắt cũng tươi cười nhìn amí” (Người đợi bên hiên nhà dài). Đoạn văn trên chủ yếu là gợi chứ không tả, nhằm nói lên tâm trạng của một người mẹ nhớ con với nỗi lòng da diết thông qua hình ảnh gà mẹ gọi đàn con trong buổi hoàng hôn; qua đó còn nói lên sự chờ đợi người yêu trong vô vọng, hình ảnh người mẹ hiện ra như thực như mơ, mờ mờ ảo ảo trước giờ phút lâm chung.
Ở nhiều đoạn tác giả dùng chất văn của người Kinh nhưng không làm mất đi vẻ duyên dáng mộc mạc của các cảnh sắc Tây Nguyên. Cũng giống như việc sử dụng nhiều thanh âm trong một cây đàn chẳng những không làm lạc điệu mà trái lại còn làm cho âm thanh của nó vút lên vang vọng và lan tỏa hơn: Một ngày đẹp trời, nắng trải vàng trên các con đường vào buôn, H’My bước chân sáo với nụ cười tươi hớn hở, trên tay phất phơ tờ giấy màu trắng trắng in chữ gì đó. Cô thoăn thoắt bước đi trên con đường quen dẫn lối vào ngôi nhà dài của aduôn, ngôi nhà gắn bó với tuổi thơ êm đềm những ngày thơ bé. H’My bước hai bước một lên cầu thang, aduôn đang ngồi lụi hụi bên bếp củi, miệng ngậm cái tẩu thuốc, vừa rít thuốc vừa chụm lửa. Dáng aduôn thu lại trở nên nhỏ bé trong không gian ngôi nhà dài sâu hun hút, ánh lửa vừa nhen sáng lấp lóe đo đỏ, tiếng lửa nổ lách tách bắn ra những đốm sáng nho nhỏ lơ lửng trong không gian (Người đợi bên hiên nhà dài). Hai bút pháp vừa kể vừa tả được kết hợp trong đoạn văn đã làm nổi bật tâm trạng của cô sơn nữ và những hình ảnh thân thiết của dân tộc Êđê trong căn nhà dài truyền thống. Thể hiện tình yêu, niềm tự hào tha thiết, sâu lắng của tác giả dành cho nguồn cội.
Với những câu văn giản dị mà vẫn đầy sức gợi sau đây người đọc có thể suy ngẫm để tái tạo cho mình miền cảm xúc riêng: “Mặt trời tà tà trôi về hướng tây, tỏa màu nắng vàng dìu dịu. Vài con bò thong thả bước đi trên con đường hướng vào buôn, đủng đỉnh vừa đi vừa ầm ọ gọi nhau. Có con bò nhà ai được đeo chuông ở cổ, tiếng chuông kêu leng keng theo từng nhịp bước. Trên đường ra bến nước, những trái bầu khô nhấp nhô nhịp nhàng theo bước đi của các amai amí” (Bộ đồ mới của Aduôn Đing). Cảm xúc thật trong trẻo, nhẹ nhõm, cho người đọc thấy một bức tranh khỏe khoắn, đầy sức sống và thật gần gũi. Đó là cách biểu đạt mang tính đặc trưng hai dân tộc hai nền văn hóa, góp phần làm nên sắc thái riêng cho những trang văn của tác giả.
Tác giả còn trẻ nhưng tác phẩm không bó buộc trong một chủ đề mà gồm nhiều mảng đề tài khác nhau. Điều đó cho thấy sự trải nghiệm và vốn sống của tác giả khá phong phú.
Là người dân tộc Êđê được sinh ra và lớn lên ở thành phố Buôn Ma Thuột, thông thạo cả hai thứ tiếng Kinh và Êđê nên hành văn của H’Xíu khá mượt mà, câu chữ được chọn lựa khá kỹ, đa số tác phẩm của H’Xíu đều lấy bối cảnh của buôn làng với những con người mộc mạc và dung dị sống hiền hòa đằm thắm nhưng rất mãnh liệt. Giá như H’Xíu dụng công hơn trong cách dựng chuyện, ít đi lối nói, lối nghĩ của người Kinh trong truyện của mình, thì chắc chắn truyện của H’Xíu sẽ còn hấp dẫn hơn..
Hy vọng với tuổi đời còn trẻ năng lực sáng tạo dồi dào trong thời gian tới, H’Xíu sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều tác phẩm hấp dẫn hơn nữa.



Tháng 10 năm 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI