Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

THÔNG BÁO!




Dự đêm giao lưu “Tây Nguyên hướng về Biển Đảo”

Thực hiện Công văn số 562-CV/TG ngày 14/5/2014 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đăk Lăk về định hướng công tác tuyên truyền năm 2014;
Trước tình hình Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cùng nhiều tàu quân sự hộ tống, tàu dịch vụ xâm phạm vào vùng lãnh hải nước ta, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên hợp Quốc về Luật biển 1982, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên về Biển đông mà Trung Quốc đã tham gia ký kết, làm phức tạp tình hình trên Biển Đông, gây phản ứng mạnh mẽ của dư luận trong nước và quốc tế;
Thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình cảm của văn nghệ sĩ và học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đối với biển đảo, Tổ quốc; nhằm động viên cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đang ngày đêm làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc;
Hội Văn học Nghệ thuật phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây nguyên tổ chức đêm giao lưu “Tây Nguyên hướng về Biển Đảo”  
Kính mời: toàn thể hội viên và những người yêu VHNT đến dự buổi giao lưu văn nghệ;
Thời gian: 19 giờ 30 ngày 30 tháng 6 năm 2014.
Địa điểm: Trường Cao đẳng nghề Thanh niên Dân tộc Tây nguyên 
(Số 594, đường Lê Duẩn, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột).
Để không khí buổi giao lưu đúng theo chủ đề Biển Đảo, đề nghị các hội viên khi đến dự mặc áo phông đỏ in hình cờ Tổ quốc (nếu có).
Rất mong sự hiện diện của các bạn.


Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

THĂM THÁC DRAY KNAO, HUYỆN M'DRAK

Sáng ngày 24 tháng 6 cơ quan Hội VHNT đi công tác tại Nông trường 715, trên đường về ghé thăm thác Dray Knao. Xin giới thiệu vài khoảng khắc ghi được nhân chuyến đi này.

Xuống thác (ảnh trên)
Và đường đi cheo leo, hiểm trở (ảnh dưới)






Cảnh đẹp hiện ra sau chặng đường đi vất vã (ảnh dưới)



Phong lan rừng khoe sắc bên thác (ảnh dưới)



Thư giản bên thác (ảnh dưới)








Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

KỶ NIỆM 89 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Tại tòa soạn Tạp chí Chư Yang Sin.

Công an tỉnh Dak Lak mời gặp mặt.

Lãnh đạo Tạp chí Chư Yang Sin thăm và chúc mừng Nhà thơ Hữu Chỉnh - Nguyên Tổng biên tập đầu tiên Tạp chí VĂN NGHỆ DAK LAK (tiền thân Tạp chí Chư Yang Sin)

Thăm và chúc mừng Nhà thơ, Nhà báo Phạm Doanh - Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Chư Yang Sin từ 1991 đến 2010

Và khi vị Tổng và các phó Tổng cùng... !



Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

CHUYÊN ÁN HSVAMX1 truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 214 tháng 6 năm 2010


Buổi trưa, ba em trong đội Cờ đỏ ngồi trực tranh thủ giở bài môn văn ra truy nhau xem thử ai đã thuộc nhiều hơn; bỗng nhiên, một ông khách mặc bộ đồ sơ mi xanh đèo phía sau một em thiếu nhi cỡ độ 13 tuổi, phóng xe máy đến trước cổng trường, phanh kít lại, quát lên:
-         Mở cổng cho tao vào.
-         Dạ thưa bác, bây giờ mới 13 giờ kém, nhà trường chưa làm việc đâu ạ!
-         Tao có việc cần gặp Ban giám hiệu gấp, mở cổng ra.
Miệng quát, tay du vào cánh cổng trường; hơi rượu bay ra nồng nặc. Ông bảo vệ trường vội chạy lại:
-         Các cháu mở cổng ra đi, mời bác vào văn phòng.
Không thèm nói câu nào, ông khách rồ ga lao vụt qua cổng, xộc thẳng đến trước phòng Hiệu trưởng phanh xe đứng khựng lại cùng với tiếng thắng nghe rợn người. Vừa dựng xe, vừa la:
-         Nhà nước nuôi các ông ăn học, lại cho làm cán bộ ăn lương nhiều để quản lý nhà trường, thế mà các ông làm như thế thì ai còn đến trường nữa. Ông hiệu trưởng đâu, ra cho tôi hỏi.
-         Có gì xin bác từ từ trao đổi chứ - Ông bảo vệ tuổi ngoài sáu chục chạy vội vào nói với khách.
-         Từ từ là thế nào, làm sao có thể từ từ được!
-         Mời bác vào văn phòng – Thầy Hiệu trưởng bước ra cửa đỡ lời.
-         Ông hiệu trưởng đây rồi, tôi hỏi ông: cái trường này có phải ông thay mặt Đảng và Nhà nước quản lý không?
-         Bác cứ vào phòng đã ạ!
Thầy hiệu trưởng ôn tồn nói, tay đẩy cửa mở rộng hết cỡ. Ông khách mặt đỏ gay, bước vào phòng, gieo mình đến ịch một cái xuống ghế, nói ngay:
-         Thằng con trai tôi là Nông Hoàng Dịch, học lớp 6B, sáng nay ra trường chào cờ, có cái xe đạp để ở đây, khi hết giờ quay ra tìm không thấy xe đâu cả; nó sợ không dám về nhà, mãi đến lúc chuẩn bị đi làm buổi chiều mới lẻn về lấy sách đi học. Bây giờ nhà trường tính sao đây?
Thầy hiệu trưởng ngạc nhiên hỏi lại:
-         Có đúng là cháu mất xe ở trường không? Từ sáng đến giờ có em học sinh nào báo mất xe đâu?
-         Thầy bảo tôi nói dối chắc, để tôi gọi nó vào - Nói dứt lời, ông khách định đứng lên, ông bảo vệ đứng ngoài cửa vội nói:
-         Để tôi đi gọi.
Lúc này, lũ học sinh hiếu kỳ đã đứng vây kín xung quanh phòng Ban giám hiệu xem ông khách to tiếng với thầy Hiệu trưởng. Ông bảo vệ chưa ra, Nông Hoàng Dịch đã bước vào phòng hiệu trưởng:
-         Em chào thầy ạ!
-         Chào em! Sáng nay em để xe ở đâu mà bị mất?
-         Dạ! Xe em dựng ngay sau phòng trực của đội Cờ đỏ ạ.
-         Sao khi biết mất xe lại không báo với nhà trường?
-         Dạ…dạ… em sợ thầy cô la, nên không dám báo ạ.
-         Xe em dựng đó có bạn nào dựng cùng nữa không?
-         Thưa thầy có ạ. Ngoài xe em còn có xe của bạn Vinh lớp 6A4, bạn Sinh 6A5 và bạn Y Wai 6A6 nữa ạ. Các bạn ấy có thể làm chứng cho em ạ.
-         Thầy tin em!
-         Đấy, thầy nghe rõ rồi nhé; xe tôi mới mua hơn một triệu bạc cho nó đi học hồi đầu năm, nay bị mất; đường sá xa xôi biết lấy gì để đi. Nếu nhà trường không tìm thấy thì đền tiền để tôi mua chiếc khác cho nó. Tôi về đây, trưa mai thầy phải trả lời.
Ông khách nói dứt lời, đứng dậy, mặt hằm hằm bước ra cửa, leo lên xe rồ máy chạy thẳng. Thầy hiệu trưởng cho gọi bảo vệ và thầy Tổng phụ trách lên văn phòng hội ý. Không khí nhà trường hình như ngột ngạt hơn mọi ngày.
 *
*    *
Trong phòng truyền thống, cuộc họp của đội Cờ đỏ nhà trường đang diễn ra hết sức gay gắt, Đội trưởng phụ trách khối buổi chiều – Y Minh phát biểu:
-         Từ trước đến nay trường ta chưa bị mất trộm bao giờ, có thể vì thế mà ta mất cảnh giác không? Đây là danh dự của Đội ta, chúng ta phải tìm cho ra kẻ trộm, không để nhà trường mang tiếng và thầy cô của chúng ta bị chửi được. Tôi quyết định thành lập tổ điều tra vụ án mang bí số: HSVAMX 1, đây là tiếng gọi tắt của cụm từ: hồ sơ vụ án mất xe đầu tiên và mời các bạn cùng tham gia điều tra. Chúng ta lần lượt phát biểu suy nghĩ của mình về nghi can của vụ án này.
-         Trong lúc cả trường đang tập trung chào cờ, có bạn nào đã lẻn ra ngoài lấy “nhầm” xe của bạn ấy không? Kiều Oanh lớp 6A2 nói trước.
-         Đúng là đàn bà, đang chào cờ mà dắt xe qua cổng có khác gì “lạy ông tôi ở bụi này” – Cường 6A1 mỉa mai.
-         A, ra tay này khinh bọn đàn bà chúng tớ hở? H’Doan đứng bật dậy định lao lại ẩu đả với bạn.
-         Tôi xin các cậu! - Y Minh vội ngăn lại - Chúng ta phải hợp sức tìm cho ra kẻ trộm, chứ không phải đến để cãi nhau, gây sự. Tường cao, rào kín chỉ có một đường duy nhất là phải qua cổng, nếu kẻ trộm là người ngoài vào, chắc chắn đội Cờ đỏ trực phải biết. Sáng nay đội trực không bỏ nhiệm vụ, như vậy ta loại trừ kẻ gian từ ngoài vào. Đối tượng bây giờ chính là học sinh của trường ta đã lấy xe của bạn. Thời gian lấy: ngay sau buổi chào cờ, nhân lúc mọi người chen nhau dắt xe, kẻ xấu có chủ ý đã nhanh chân ra trước lấy xe nên mọi người không phát hiện được. Ý mình vậy, có ai phản đối không?
-         Nếu xác định không có người lạ vào trường, thì theo tôi – Cường góp ý - ta nên rà lại toàn bộ số sổ đầu bài các lớp buổi sáng xem có ai cúp tiết 2, hoặc đi chào cờ mà bỏ về trước không. Nếu đến dự chào cờ mà bỏ tiết, ta cần xác minh xem vì sao, có thể đó chính là nghi can số một.
-         Bạn Cường nói có lý đấy – H’Doan đứng dậy phát biểu - Nhưng theo mình cần chú ý đến cả những bạn học khối buổi chiều, khi hết giờ chào cờ, có ai bỏ chạy ra trước không? Trong số này có thể sẽ có người cố tình lấy nhầm xe.
-         Có ai có ý kiến gì thêm nữa không? Vậy mình phân công thế này: bạn H’Doan đến các lớp khối 7 mình phụ trách và lớp 6A 4 gặp Vinh, bạn Kiều Oanh về khối 6 mình phụ trách và gặp Sinh, bạn Cường đến lớp 6A6 gặp Y Wai; tranh thủ 15 phút đầu giờ tìm hiểu xem có phát hiện ra điều gì lạ không? Tôi sẽ kiểm tra sổ đầu bài khối sáng tìm xem ai cúp tiết sinh hoạt. Sau thể dục giữa giờ các bạn về đây hội ý nhé.
Mọi người đến lớp được phân công, riêng Y Minh mở chồng sổ đầu bài để thống kê học sinh vắng tiết 2. Tất cả có là: 1 bạn lớp 9A6, 2 bạn lớp 8B, 1 bạn ở lớp 8A7; ai trong số này đi muộn, ai là người cố tình lấy cắp xe mang đi giấu không kịp về đi học tiếp? Có thể đầu mối là đây? Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu có truyền thống học giỏi, năm nào cũng có học sinh giật giải cấp tỉnh, nhà trường liên tục đứng đầu ngành Giáo dục của cả huyện, thế mà nay xảy ra chuyện động trời thế này, quả thật là cú xốc lớn không những cho học sinh mà cả các thầy cô, chắc các thầy cô cũng phiền lòng lắm đây. Y Minh tự nhủ, nét mặt như già hơn đi một tý.
*
* *
Sau thể dục giữa giờ, cả nhóm có mặt theo quy định báo cáo kết quả công việc được giao:
-         Lớp 7A1 có bạn Đình Trung chạy ra cổng trước, chiều nay đến trường thấy ba bạn Dịch la lối om sòm bỏ học về luôn, sách vở vẫn để tại lớp đấy – H’Doan báo cáo, theo mình có thể đây là đối tượng nghi can số một. Ta cần xác minh xem vì sao Đình Trung lại bỏ học chiều nay, hay lấy trộm xe rồi sợ không dám đi học nữa.
-         Lớp 7A7 cũng có Hoàng Văn Thơ chạy ra trước, chen lấn với các anh chị lớp 9 để ra cổng, chiều nay tuy đi học nhưng bỏ sinh hoạt đầu giờ. Đây cũng là đối tượng đáng nghi vì các bạn trong lớp thấy bạn ấy hay đi đánh điện tử lắm – Kiều Oanh báo cáo - Có thể bạn ấy nợ tiền quán rồi làm liều chăng?
-         Lớp mình phụ trách không có ai chạy ra trước cả, và theo như Y Wai cho biết thì xe của bạn Dịch dựng bên cây bạch đàn, giáp tường rào, phía ngoài còn có nhiều xe khác, kẻ gian không thể lấy ra trước được. Theo mình Đình Trung là người khả nghi nhất. Ai ngờ một học sinh học giỏi, ít nói lại là người đáng nghi nhất trong vụ án này. Ta phải lên báo cáo với thầy Tổng phụ trách thôi.
-         Cường có nhầm không đấy - Kiều Oanh đứng bật dậy, bạn Sinh bảo xe của Dịch để bên gốc cây phượng trước cửa phòng học A6 cơ mà!
-         Các bạn nhầm rồi, cậu Vinh cho mình biết cả nhóm 4 bạn đến chào cờ sau nên để xe phía ngoài của khối 9.
-         Các bạn ơi, một cái xe không thể cùng lúc để ba nơi được, có cái gì đó không bình thường ở đây – Y Minh vốn là người điềm tĩnh cũng bật thốt lên như vừa phát hiện ra một điều kỳ diệu, có thể đây chính là đầu mối của vụ việc đây.
-         Nào, bình tĩnh chứ sao lại to tiếng với nhau thế - Thầy Tổng phụ trách bước vào phòng, nhắc mọi người - Các em đã xác minh được điều gì chưa?
-         Thưa thầy! Y Minh thay mặt cả nhóm báo cáo - Theo điều tra của chúng em, có một số đối tượng đáng nghi: thứ nhất khối học buổi sáng có ba trường hợp dự chào cờ nhưng bỏ tiết thứ hai, thể dục giữa giờ xong mới vào học. Thứ hai khối buổi chiều có bạn Trung lớp 6A1, chào cờ xong chạy ra trước, không ai biết bạn ấy đi với ai, chiều nay đến lớp thấy ba bạn Dịch báo mất xe đã bỏ cả sách vở lại lớp trốn về, không học nữa ạ.
-         Nhưng cũng có tình tiết rất lạ là cả ba bạn làm chứng cho việc mất xe của bạn Dịch nói không thống nhất nhau về điểm để xe khi bị mất. Thầy xem báo cáo của các bạn đây ạ - H’Doan đưa cuốn sổ ghi chi tiết công việc và báo cáo của ban chuyên án HSVAMX 1 cho thầy tổng phụ trách.
-         Chuyện lạ đây nhỉ, hai em Cường và Kiều Oanh xuống mời cả 4 người mất xe và làm chứng lên đây ngay nhé.
-         Thưa thầy có phải đi xác minh xem vì sao bạn Đình Trung lại trốn học chiều nay không ạ. Sách vở còn bỏ lại tại lớp đấy thầy ạ.
-         Riêng Trung bỏ học chiều nay, chốc nữa thầy sẽ cùng giáo viên chủ nhiệm đến nhà tìm hiểu thêm nguyên nhân. Tất cả những dấu hiệu không bình thường ta đều phải xem xét cho kỹ, nhưng không để oan cho người ngay, tạo không khí căng thẳng cho mọi người không tập trung học tập, cũng không được làm các bạn mình nghi ngờ bị tổn thương vì tất cả chỉ là dự đoán. Ta phải hết sức cẩn trọng các em nhé.
Thầy Tổng phụ trách đi đi lại lại trong phòng, lông mày đôi lúc nhíu lại như có gì đó rất căng thẳng. Một lúc sau mấy bạn được gọi đã có mặt đầy đủ. Thầy Tổng phụ trách nói:
-         Sáng nay có chắc chắn em Nông Hoàng Dịch đưa xe đến trường các em đều thấy cả phải không?
-         Dạ, các em xin thề với thầy đấy ạ!
-         Thôi được, bây giờ các em vẽ vị trí để xe của em Nông Hoàng Dịch, không ai được nhìn của ai đâu nhé. Giấy bút đây, các em vẽ và ghi chú thích vào.
-         Thưa thầy! - Đình Trung bất ngờ xuất hiện trước cửa phòng - Thầy cho em xin gặp một chút ạ.
Cả thầy và trò ngạc nhiên nhìn Đình Trung, khuôn mặt đỏ nhừ, ướt đẫm mồ hôi, chiếc áo trắng cũng dính bết vào người như mới dội nước. Thầy Tổng phụ trách theo Đình Trung ra ngoài, một lát sau bước vào hỏi:
-         Các em vẽ xong chưa? Ai xong đem nộp lại cho thầy.
Cả bốn em lần lượt đặt những bức vẽ lên bàn trước mặt thầy tổng phụ trách, xem qua một lượt, thầy hỏi:
-         Các em chắc chắn vẽ đúng vị trí để xe của bạn mà mình thấy đấy chứ?
-         Thưa thầy đúng ạ!
-         Thế thì ta đã mất tới 4 cái xe chứ không phải là một cái. Đây các em cùng xem, tại sao xe của bạn Dịch khi mất lại mỗi người thấy một chỗ thế này? Sự thật thế nào, các em phải cho thầy biết? Có phải xe không bị mất ở trường phải không? Y Wai, thầy biết em là người trung thực, không nói dối, vậy trả lời thầy: Em có thấy xe của bạn Dịch đi đến trường đựng ở đâu không?
-         Thưa thầy, nhưng em đã hứa…
-         Em hứa điều gì?
-         Chúng em đã cắt máu ăn thề hứa sẽ không nói ra nguyên nhân mất xe của bạn Dịch rồi ạ!
-         Giữ đúng lời thề là tốt, nhưng làm việc không tốt, thậm chí còn xấu nữa thì giữ lời thề như thế là đã đánh mất lòng tự trọng của mình, trở thành kẻ xấu rồi. Ai là người đề nghị ăn thề?
-         Dạ, em ạ!
-         Vì sao em lại yêu cầu các bạn cùng cắt máu ăn thề? Không ai dám nói thực à? Thầy thấy xấu hổ vì đã dạy các em thiếu lòng trung thực nên hậu quả là…
-         Hức, hức… em xin… lỗi thầy! Y Wai bật khóc, úp mặt xuống bàn.
Như phản ứng dây chuyền, cả Sinh và Vinh cũng úp mặt xuống bàn nức nở; riêng Nông Hoàng Dịch, ngồi lặng im, mặt cúi gằm xuống đất.
-         Trong các em, ai dũng cảm cho thầy biết sự thật nào?
-         Thưa thầy – Y Wai đứng dậy nghẹn ngào - Sáng nay đi chào cờ về, bạn Dịch rủ bọn em đi chơi điện tử vì bạn ấy mới xin của bố 10 ngàn đồng. Khi vào chơi ham quá, thành ra tiền không đủ để trả nên bạn Nông Hoàng Dịch phải cắm xe lại và đề nghị chúng em thề danh dự sẽ không khai ra với ai để bạn ấy về nói dối với bố là mất xe ạ.
-         Em Y Wai nói vậy có đúng không?
-         Thưa thầy đúng ạ!
 Vinh và Sinh đồng thanh trả lời, làm cả thầy tổng phụ trách và đội Cờ đỏ bật cười.
-         Các em nhìn ra cửa xem có nhận ra xe của ai không?
Cả bọn tròn mắt khi nhận ra chiếc xe của Nông Hoàng Dịch cắm ở quán, giờ đã dựng bên cạnh bậc thềm. Thì ra, Đình Trung chiều nay đến trường khi thấy ba của Dịch đến kêu mất xe của con; chợt nhớ, sáng mẹ bị ốm em về sớm đi mua thuốc cho mẹ, đến trưa đi chợ mua đồ ăn, vẫn thấy bốn bạn ngồi chơi điện tử mới sinh nghi, quay về quán nhận ra chiếc xe của Dịch cắm ở quán nên về báo cho thầy Tổng phụ trách cử người ra chuộc xe.


Chuyên án HSVAMX 1 kết thúc.

TỔNG KẾT TRẠI SÁNG TÁC VHNT EA KAR NĂM 2014

Sáng ngày 17 tháng 6 năm 2014, tại Hội trường UBND huyện Ea Kar, Hội VHNT Đắk Lắk phối hợp với UBND huyện Ea Kar đã tổ chức Lễ bế mạc Trại sáng tác VHNT Ea Kar năm 2014.
Đến dự Lễ bế mạc có ông Lê Ngọc Anh - Huyện ủy viên, Phó chủ tịch UBND huyện cùng đại điện của Huyện ủy và các cơ quan ban ngành trong huyện. Về phía Hội VHNT có nhà văn Lê Khôi Nguyên - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội cùng các thành viên trong thường trực Hội.
Xin giới thiệu vài hình ảnh về buổi lễ này.

 Bà Trần Thị Mùi - Chánh văn phòng Hội, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

 Nhà thơ, NSNA Đặng Bá Tiến - Phó bí thư Đảng đoàn Hội VHNT, Phó Tổng biên tập tạp chí Chư Yang Sin, Trưởng trại đọc báo cáo tổng kết Trại sáng tác VHNT Ea Kar năm 2014

 Ông Lê Ngọc Anh - Huyện ủy viên, Phó chủ tịch UBND Huyện phát biểu tại buổi lễ.

Nhà văn Hồng Chiến - Phó chủ tịch thường trực Hội VHNT, Phó Tổng biên tập Tạp chí Chư Yang Sin thay mặt lãnh đạo Hội VHNT phát biểu tại buổi lễ.

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 262 - tác giả NGUYỄN DUY XUÂN

Tác giả NGUYỄN DUY XUÂN

Việt Nam -  Tổ quốc anh hùng

Tôi nghe tiếng cha ông
Từ ngàn xưa vọng lại
Triệu Thị Trinh cất lời khảng khái
“Cưỡi gió, đạp sóng chém cá kình ở biển Đông”
Sóng Bạch Đằng lại cuộn dâng nhấn chìm tàu giặc
Những cọc gỗ ngàn năm lại nhằm thẳng tim thù
Và âm hưởng hào hùng bài thơ Thần đất nước
“Chúng bay đến đất này sẽ chuốc lấy “bại hư”
Rung trời tiếng trống trận, dậy đất tiếng reo hò
Của đại quân Quang Trung
Tiến vào Thăng Long chiều mùng năm Tết
“Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn
Để chúng biết nước Nam anh hùng là có chủ”

Tôi nghe lời hiệu triệu của lãnh tụ
“Chúng ta muốn hòa bình…
Chúng ta càng nhân nhượng…”
Không!
Một tấc đất của Tổ quốc thiêng liêng
Không thể để quân thù xâm phạm tới
Nghe hừng hực hào khí Điện Biên
Cả dân tộc ào ào đứng dậy
Kẻ thù nào ngăn nổi bước chân ta!

Ôi đất nước mấy ngàn năm lịch sử
Luôn đối mặt với láng giềng say mộng bá vương
Những bài học của ông cha xưa, chúng vẫn chưa tỉnh ngộ
Để mai kia lại thêm những Bạch Đằng
Những Chi Lăng, Đống Đa
Và Điện Biên Phủ – Hoàng Sa dâng trào bão tố
Nhấn chìm mọi lũ xâm lăng!


7.5.2014

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

CHƯ YANG SIN SỐ 262 - tác giả HUỆ NGUYÊN


Tác giả HUỆ NGUYÊN
Hội viên Hội VHNT Dak Lak

  

Biển gọi


Lạy mẹ!
biển ngoài kia vẫy sóng
gọi chân con vững thêm
những con mắt thèm thuồng giọt biển
vẫn lăm lăm ghì sóng tới gần

con chẳng thể ngồi yên ngày rách những thân tàu
bạn con giành giật tương lai cho các em mình trên đầu
mũi đạn
máu vẫn chảy mặn đường cong chữ S
con có thể ngồi yên?

ông cha đã dạy con ý nghĩa của hòa bình
khi nằm lại Điện Biên, Khe Sanh, Đường Chín
anh con vì một ngày biển lộng
vùi xác giữ Gạc Ma
con có thể ngồi yên
những mũi khoan gặm sâu vào lòng thế hệ?

bỏ cuốc cày lạy mẹ
lội qua ngày bước chân cha anh con thuở trước
thì thầm gọi Hoàng Sa, Trường Sa

xin gửi mẹ giấc san hô lặng sóng.


7.5.2014


Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

BẦY VỊT TRỜI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ NÂM NUNG THÁNG 6 NĂM 2005



Mọi năm dù nắng hạn đến mấy mực nước hồ Ea Păn vẫn không bị cạn kiệt; đứng bờ bên này nhìn qua bờ bên kia con người nhỏ như ngón tay. Thế mà năm nay hiện tượng E nhô E nhiếc gì đó khiến trời nắng mãi, nắng mãi, làm nước trong hồ cạn dần, cạn dần và giờ đây đứng bên này nói to bờ bên kia cũng nghe. Đã thế cả ngày lẫn đêm xung quanh hồ hàng trăm chiếc máy bơm hối hả hút nước tắm cho rừng cà phê.
Nước hồ cạn, người dân đổ xô tới bắt cá, tôm, tép, ốc… suốt ngày lúc nào ven bờ cũng thấy người đi lại nhộn nhịp. Như ghen với người, các loài chim từ đâu kéo về đông ngịt, những chú le le đen thủi đen thui lại trang điểm hai bên cánh vài chiếc lông trắng toát bì bõm lội trên  đám lá bèo lục bình. Đàn gà nước  suốt cả ngày lặn hụp không biết mệt mỏi. Gọi là gà mà thích bơi lội, không lên bờ bao giờ. Xinh đẹp nhất là đám xít, con nào con ấy to như chú gà trống lớn, khoác trên mình bộ lông xanh biếc, đầu đội  mũ đỏ chót, nhọn hoắt như mũ ông già Nô – en, xúm xít bên nhau trên các đám cỏ nằm gần mép nước đào bới, lôi, kéo… Đôi chân chúng mới khỏe  làm sao, bao nhiêu loại cỏ cứng đầu đều bị kéo xuống một cách khéo léo, đan thành tấm nệm đứng chơi, ca hát, nô đùa. Có thân hình khổng lồ, nổi trội nhất phải kể đến lũ vạc cao kều; con nào, con ấy đứng như bó rạ lâu ngày cắm ven hồ. Chúng lười nhác đứng im một chổ, thỉnh thoảng mới vươn cái cổ dài ngoằng chọc xuống mặt nước lôi lên từng con cá trắng bạc, sáng lấp lánh làm bữa điểm tâm. Nhưng đông đúc nhất là đám vịt trời. Không biết chúng từ đâu đến mà nhiều đến vậy, đậu kín cả mặt hồ, luôn mồm trò chuyện ầm ĩ. Từ sáng sớm tinh mơ khi ông mặt trời còn chưa kịp tỉnh giấc, chúng đã gọi nhau vỗ cánh rào rào, nhào lượn trên bầu trời  xanh sẩm chào đón bình minh. Chúng bay thành một đám dày đặc che lấp cả bầu trời; thỉnh thoảng lại đồng loạt kêu lên những tiếng du dương, êm ái như tiếng nhạc. Lúc mặt trời lười nhác thức dậy đưa những ngón tay hồng vén nhẹ màn đêm cũng là lúc chúng đáp xuống mặt nước lặn hụp kiếm ăn, trò chuyện ồn ào. Khi no, cả bầy kiếm cây khô ven hồ hay  đám đất bằng phẳng đứng tắm nắng, rỉa lông y như bầy vịt nhà.
Nhà H’Thanh gần hồ, từ khi bầy vịt trời kéo nhau về đây đã mang thêm niềm vui mới tới. Mỗi sáng sớm H’Thanh thức dậy, cũng là lúc chúng rủ nhau bay lượn trên bầu trời! Buổi trưa chúng rúc đầu vào cánh ngủ ngon lành trên các cành cây hay chải chuốt từng chiếc lông màu nâu sâm trên mặt nước trông mới đẹp làm sao. H’Thanh đến bên đàn vịt ngắm nhìn những cặp mắt  tròn xoe, đen láy như đang cười, nó làm vơi  đi mệt mỏi trong người. Không biết từ bao giờ đàn vịt trở thành người bạn thân thiết của H’Thanh cùng mọi người xung quanh hồ. Bình thường việc ai nấy làm, chúng quanh quẩn gần người tưởng như có thể dễ dàng tóm được; song chỉ cần thấy giơ tay là chúng hoảng hốy kêu :“vít, vít…”, rồi tung cánh bay cách cả chục mét mới đáp xuống. Người và các loài chim quấn quýt bên nhau thật thân thiết.
Buổi sáng chủ nhật hôm ấy, cũng như mọi ngày, H’Thanh đang chăm chú tưới rau. Bỗng nghe một tiếng nổ lớn vọng vào. Tiếng bầy vịt trời kêu gào thảm thiết. Quẳng thùng tưới, H’Thanh chạy bổ ra bờ hồ. Trước mặt H’Thanh một người đàn ông thấp lùn, bụng to như có bầu sắp đến ngày sinh đứng ngó đàn vịt  bay đen đặc bầu trời, tay cầm khẩu súng nòng to đùng, rê theo.
- Đoàng!
Một phát súng nữa lại gầm lên, bầy vịt trời đang bay ngang trên hồ, có bốn con như hụt hẫng  rơi tỏm xuống nước. Mặt nước loang máu đỏ; hơn chục con vịt tội nghiệp  đã phơi mình trên mặt nước, có con nằm im, có con nằm ngửa giơ hai bàn chân đạp đạp vào không khí; lại có con  bơi vòng tròn tại chỗ, đầu chìm trong nước, máu loang thành vòng. Những con còn sống vẫn bay vòng tròn trên hồ, cố kêu lên những tiếng tắc nghẹn hãi hùng như gọi bạn bay lên. Lại có con còn lao ngay xuống bơi cạnh những con trúng đạn; mắt ngơ ngác như muốn hỏi tại sao?
-         Hoan hô, xếp giỏi quá!
Ba người đàn ông mặc quần áo bảnh bao nấp sau mấy bụi cà phê chạy ùa ra chúc mừng. Một người có vẻ nhiều tuổi nhất ngồi bệt xuống đất vội vã cởi giày, miệng tía lia:
-Xếp bắn tài quá! Tài quá! Để em xuống nhặt cho.
-Thủ trưởng để em!
Người trẻ hơn, chắc tuổi bằng người đàn ông mập cầm súng, mồm nói, chân bước, lội ngay xuống hồ; quên cả cả cởi  đôi giày da xinh đẹp đen bóng đang đi. H’Thanh tròn mắt nhìn, nghe đám người lớn trao đổi với nhau, đầu rối mù, không hiểu họ là ai mà xưng hô, xử sự với nhau kỳ lạ đến vậy! Có nhặt mấy con vịt chết cũng tranh giành nhau .
 -Khoan! Để tao bắn thêm đã; mày xuống nó sợ bay hết bây giờ!
- Dạ!
Từ lâu lắm rồi người ta mới nghe tiếng súng nổ, nên mọi người ùa ra đông nghịt nhìn mấy người  lạ đi săn. Không biết họ là ai mà to béo đến thế! Ngay cả chiếc xe con đen bóng đỗ trên bờ đập phía sau cũng lạ lẫm. Người thấp lùn có cái bụng to lại giương khẩu súng  hướng theo đàn vịt trời đang bay lại gần, miệng bỏm bẻm nhai kẹo cao su. Bất chợt, H’Thanh gào lên:
-         Không! Không được bắn! Và lao vào kéo tay người cầm súng.
-         Ầm!
Súng cướp cò, tiếng nổ chói tai làm H’Thanh ngã bệt xuống đất. Vừa lồm cồm chống tay đứng lên thì…
-Bốp!
Một cái tát như trời giáng làm H’Thanh ngã chúi xuống đất, năm ngón tay in rõ trên khuôn mặt tái xanh, máu miệng trào ra.
-Con nhỏ chết tiệt. Điên hả?
Người đàn ông to béo giơ tay định tát H’Thanh cái nữa, người đứng bên cạnh lễ phép nói:
-Thưa thủ trưởng! Nó còn con nít không biết trời cao, đất dày là gì nên nhỡ vô lễ, tha cho nó thôi ạ. Quay lại nhìn H’Thanh, quát: Biến!
Nhổ chiếc răng gãy và ngụm máu trong mồm xuống đất, H’Thanh nói:
- Các ông không được bắn ở đây. Săn bắn động vật hoang dã là phạm luật.
- Con nhà ai mà hỗn láo thế này? Mày có biết ông mày là ai không? Muốn ăn đòn nữa hả!
Đám đông đứng xung quanh lặng ngắt, chứng kiến người đàn ông to béo đánh, mắng H’Thanh mà không ai dám nói gì. Có lẽ ông mập lại chuẩn bị giơ tay cho nó một cái tát nữa. May! Có người phụ nữ khoảng ngoài ba mươi, người mảnh dẻ xô đám  đông chạy vào, kêu lên:
- Các ông không được làm thế!
- Bà là ai?
- Tôi là ai ư? Công dân nước Việt Nam! Các ông săn bắn động vật hoang dã là một tội; đánh đập, sỉ nhục trẻ con khi ngăn cản hành vi sai trái của các người là hai tội. Cả hai tội danh đó đều đáng phải bị truy tố trước pháp luật .
- Cô!
H’Thanh ngã vào vòng tay người phụ nữ mới tới, nước mắt  trào ra; em nức nỡ khóc. Đỡ H’Thanh, lấy khăn lau máu mồm, máu mũi đang trào ra, giọng nghẹn ngào:
 - Sao các người tàn nhẫn đến thế? Sao nỡ đánh em nó như thế này!
Lúc này đám đông mới ùa đến, người mang ca nước, người cầm nắm rau má nhét vào mũi, giục H’Thanh súc miệng rửa mặt cho máu đỡ chảy. Mỗi người một câu :
- May cô giáo đến kịp chứ không thì …
- Mấy xếp quyền cao chức trọng  làm càn quá.
- Bé Thanh thế mà giỏi!
          Khi cô giáo dìu H’Thanh đứng lên, đám thợ săn đã chuồn đi lúc nảo lúc nào. Trên đầu họ bầy vịt trời vẫn cuống quýt, chao lượn, gào thét gọi nhau. Xác những con vịt bị bắn chết trôi vật vờ trên mặt nước .


Mùa thu năm 1996