Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ẤT MÙI - tác giả BÙI MINH VŨ





ĐỌC THƠ TRÊN TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN



Thơ luôn gắn bó với cuộc sống; thoát ly cuộc sống, thơ rời bỏ con người, xa lánh thế giới tinh thần và như thế, thơ còn có ý nghĩa gì với bạn đọc? Trên quan niệm ấy, tôi đã cố gắng đọc 301 bài thơ trên tạp chí Chư Yang Sin (phát hành năm 2014), với nhiều thể loại, trong đó lục bát có 90 bài, thơ mới: 109 bài, tự do: 66 bài, 4 chữ: 2 bài, 5 chữ: 16 bài, 6 chữ: 9 bài, 7 chữ: 11 bài, siêu thực: 3 bài, văn xuôi: 2 bài, tân hình thức: 0.
Trước hết, hãy xem biên độ cảm xúc và đối tượng thẩm mỹ được thể hiện có gì mới không, có bám vào hơi thở của cuộc sống, của những thay đổi trên khắp các buôn làng, của những suy tư, trăn trở để tự hoàn thiện trong tiến trình vươn lên hội nhập trong thế giới đa cực. Dễ bắt gặp nhất là cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành phong trào rộng khắp, thành hành động cách mạng diễn ra sâu rộng ở nhiều tầng lớp trong xã hội, từ đó Nguyễn Văn Chương khẳng định: Học đạo đức Bác Hồ phải học suốt đời/ Trong mỗi việc làm, trong từng suy nghĩ/ Chức trọng quyền cao càng học nhiều hơn thế/ Lơi phút giây là sa ngã, mất lòng tin/ Mỗi ngày đêm như có Bác đang nhìn/ Bác dõi theo từng bước đi con cháu (Chúng con học đạo đức Bác Hồ). Cảm hứng của nhà thơ vẫn theo dòng chảy của thơ truyền thống, thể hiện tình cảm cao quý, nhân bản, toàn vẹn về niềm tin không gì phá vỡ được: Dân tin Đảng - cội nguồn sức mạnh/ Đảng tin dân - vươn những tầm cao (Cảm xuân Giáp Ngọ - Hữu Chỉnh).
Trí tuệ của nhà thơ thể hiện ở sự nhạy cảm quan sát, lắng nghe và nhìn tỏ tường cuộc sống trong những dịch chuyển không ngừng. Chính điều này làm diện mạo thơ có sự nối tiếp, không đứt đoạn với mạch nguồn truyền thống. Dù cuộc sống có nhiều gam màu sáng tối, nhưng hình ảnh Tổ quốc vẫn là biểu tượng sáng chói và khi Tổ quốc cần: Triệu con tim cùng chung nhịp đập/ Viết ca khúc khải hoàn trên phiến đá ngàn năm (Viết về Tổ quốc tôi - Phạm Thị Ngọc Thanh). Đó chính là mạch nguồn cốt tử của thi ca, nó không bao giờ dừng lại mà luôn được thể hiện. Khi chủ quyền biển đảo bị đe dọa, mỗi công dân Việt Nam ngày đêm trăn trở muốn “ăn xương uống máu quân thù”: Nhìn tàu giặc/ Lòng ta nổi sóng/ Thấy giàn khoan kẻ cướp/ Máu cuộn trong tim…/ Ta - /Mỗi công dân đất Việt/ Lưng tựa Trường Sơn/ Mắt dõi biển Đông/ Nuôi dũng khí/ Triệu tấm lòng như một (Biển đảo ta ơi - Nguyễn Đức Khẩn). Biển đảo là một phần không thể tách rời của đất nước, là máu thịt của Tổ quốc muôn quý ngàn yêu, bởi thế những người lính ở đó luôn luôn kiên định một lòng trung kiên gìn giữ, dù biết rằng ở đất liền có những đứa con và người vợ đang trông mong: Em muốn dành gửi cho anh hàng ngàn nụ hôn theo gió/ Với cả tấm lòng của người vợ ngoan hiền luôn đau đáu nghĩ về anh. (Nỗi lòng vợ lính biển - Phạm Hữu Tình)
“Nghĩ về anh” cũng chính là nghĩ về đất nước, nghĩ về Trường Sa và mùa xuân: Trường Sa dào dạt xuân về/ Đảo xa gần lắm làng quê đất liền (Trường Sa dào dạt xuân về - Thai Sắc). “Đất liền” nơi cuộc sống diễn ra sôi động, thay đổi từng giờ, cái mới từng bước thay thế cái cũ, cái thiếu thốn, đói nghèo cũng thu hẹp dần cho những sung túc, an khang: Đói nghèo qua, giờ đến lúc làm giàu/ Hạt lúa, con bò trở thành thương hiệu/ Đất cát sỏi Ea Kar cũng làm nên kỳ diệu/ Để người bốn phương náo nức tìm về (Viết trên cánh đồng Ea Kar - Đặng Bá Tiến). Tìm về quê mới để lập nghiệp nhưng lòng vẫn nhớ nơi ra đi, nơi sinh ra, lớn lên từ gốc rạ, chân tre: Xin quỳ xuống lạy chào cánh đồng mẹ/ Ngần ấy năm con mới trở về làng/ Ngàn vạn lần cầu mong quê hương tha thứ/ Dù đi đâu/ Dù cách xa bao lâu/ Đau đáu phương trời/ Đinh ninh trong dạ/ Vóc hình con từ gốc rạ, chân tre (Cánh đồng mẹ - Sơn Thúy).
Có thể nói biên độ cảm xúc và đối tượng thẩm mỹ trong thơ in trên tạp chí Chư Yang Sin luôn luôn mở, đề tài không vì thế mà bó hẹp. Các chủ đề được lồng ghép nhau, không gò bó trong các chủ đề thời sự, báo chí, mà cái gì thuộc về đời sống, cũng là đối tượng thẩm mỹ, là nơi nhà thơ ghé mắt và để lại dấu ấn trong thơ. Hình ảnh người mẹ tưởng như “biết rồi nói mãi”, nhưng nói lại theo cách nhìn mới, vẫn hay: Chân trần vách núi liêu xiêu/ Nghiêng gùi mẹ cõng nắng chiều về sân (Mẹ ơi - Nguyễn Tiến lập).
Lại nữa, tôi nhớ Hegel từng có lần nói: “Thi ca là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn đã trở nên tự do và không bị bó buộc vào nhận thức giác quan về vật chất bên ngoài; thay vì thế, nó diễn ra riêng tư trong không gian bên trong và thời gian bên trong của tư tưởng và cảm xúc”. Đó là điều các nhà thơ không những có ý thức thể hiện các hình tượng đang diễn ra, đang tồn tại mà còn cố hình dung ra cuộc sống và bằng tài năng của mỗi người, thi sĩ đã trình bày thế giới bên trong, thế giới tinh thần không bị cản ngăn và giới hạn. Ở lĩnh vực này, nhiều bài thơ với các mức độ khác nhau về những trăn trở, suy tư, tâm tình, bộc bạch về cái tồn tại trên bước đường hướng về cái ích, chân, thiện, mỹ. Đôi khi những câu thơ như buồn vụn vỡ, rã rời, khó hiểu, nhưng lại trữ tình, duyên dáng, thân thương bằng hình ảnh rực rỡ, choáng ngợp: Đừng viết những chán chường lên gương mặt đêm/ Sẽ rách nát như áo ngày trở lại (Mùa xuân, những câu thơ rời bất tận - Vũ Dy).
Viết về nỗi buồn, về giấc mơ, nhưng không tạo ra nỗi buồn, lại tạo ra nỗi trầm tư mênh mang với hình ảnh mới, lạ, đẹp và đáng yêu: Đêm qua/ Mơ thấy em đến đặt quả khắc nghiệt…/ Bước về/ Từ những tiếng chuông khô/ Những hơi thở nở hoa tịch mặc/ Giữa hoài nghi rụng xuống/ Tôi hóa rêu/ Trong thị giác em (Thị hiện - Trần Tịnh Yên). Nét đáng yêu là tự mình nhìn thấy mình, vạch trần chính mình trước sự đảo lộn, đổi thay tác động trực tiếp vào tâm hồn của thi sĩ: Thấy mình biến thiên khủng khiếp (Ảnh cũ - Vũ Dy). Có thể cái tôi trữ tình của nhà thơ được nhận diện như sự dấn thân bẽ bàng trong thời khắc khổ ải khốn cùng.
Cũng thật dễ thấy, bên cạnh sự hút dạng của hình ảnh, hoặc lu mờ, sáo mòn, lại thấy những hình ảnh mới, đẹp, xuất hiện ở nhiều bài thơ, ở các tác giả khác nhau, đôi khi cùng một tác giả, tạo nên một nét sinh động làm nên diện mạo thơ trên tạp chí Chư Yang Sin: Mặt hồ/ Và bầy le le bay đi/ Chỉ còn chiếc lá cuối xuân/ Đang hỏi gió/ Cách rơi chậm cho điệu valse lướt êm… (Điệu valse cho mùa hạ - Nguyễn Thánh Ngã).
Phan Thành Minh cũng có cách nói mới, ngôn ngữ ấn tượng: Ngọn lửa nhai củi giòn tan/ Nhà rông no tiếng cười sơn nữ (Mùa yêu).
Và Lê Vĩnh Tài, một thi sĩ tài hoa với Bài thơ, có cái gì long lanh như vết đốt… anh đã đưa người đọc đến tham quan những hình ảnh ẩn dụ, lạ, bất giác tỉnh ra, tiếp tục suy ngẫm, suy ngẫm về sắc màu của tiếng chuông màu trắng: Núi/ Rung chuông/ Như nhà thờ/ Gió lạnh/ Trên gian hàng phía xa/ Hội chợ giá rẻ/ Bán những tiếng chuông màu trắng… Hình ảnh gợi cảm này làm tôi nhớ  đến câu thơ của Phương Uy: Câu kinh trườn theo gió thoảng (Ngày khuất mặt). Tôi rất thích động từ “trườn” làm vị ngữ trong câu thơ này.
Một điều dễ nhận ra, thơ trên tạp chí ngày càng có những khởi sắc, bên cạnh những bài thơ thiên về thanh, vận, điệu, nhịp, thiên về cấu trúc truyền thống tuyến tính, nhiều bài thơ tự do xuất hiện với những cấu trúc đồng hiện, phân mảnh, lắp ghép cộng hưởng những yếu tố hư ảo, vô thức, siêu thực… Điều này làm cho thơ trên tạp chí Chư Yang Sin xích lại gần hơn với thơ đương đại.
Một điều cần phải đề cập đến là trên tạp chí Chư Yang Sin, ngoài mảng thơ chuyên nghiệp, còn có một mảng thơ được dư luận bạn đọc quan tâm, đó là thơ câu lạc bộ của các huyện và thị xã Buôn Hồ. Khi tạp chí công bố những bài thơ này, chắc chắn là đã tạo ra một sân chơi lớn cho những người yêu thơ, chơi thơ, rồi từng bước làm thơ. Đã là sân chơi, tất nhiên có luật chơi. Những người tham gia như những vận động viên, không thi đấu hết mình, chắc chắn sẽ bị sàng lọc (hoặc bị thay thế). Ở một mức độ nào đó, có nhiều bài thơ khá, hình ảnh đẹp, câu thơ như một “miếng ngon”: Mặt trời vén tấm chăn mùa đông phủ lá/ Khoảnh khắc chuyển giao bình minh vỡ òa (Hẹn ước mùa xuân - Nguyễn Trọng Lịch - Câu lạc bộ thơ Hoa đời). Giá như tạp chí Chư Yang Sin có phụ trang cho các câu lạc bộ thơ, chắc chắn sẽ khích lệ các tác giả tham gia nhiều hơn, sáng tác sung sức hơn, sàng lọc nhiều hơn và thơ hay cũng sẽ nhiều hơn.
Trên tạp chí Chư Yang Sin, trong năm 2014, có 301 bài thơ được công bố, là một số lượng tác phẩm khá lớn so với văn xuôi. Thơ được viết với nhiều thể loại, phản ánh những vấn đế cốt lõi của cuộc sống. Nhiều người làm thơ là giáo viên, bác sĩ, nhà kinh doanh, công chức, cán bộ hưu trí, lao động tự do, tuy mỗi người có một cách viết, cách nhìn cuộc đời riêng, chất lượng tác phẩm khác nhau, nhưng suy cho cùng, các tác giả đều có những trăn trở, suy ngẫm về những điều trông thấy, những đổi thay, kể cả những gay cấn đang đặt ra trước mắt và lâu dài. Điều đáng mừng là tạp chí đã góp phần phát hiện và giới thiệu những tác giả mới, tác giả trẻ, và tôn vinh thơ trong thế giới văn hóa đọc ngày càng xa rời những người vốn thờ ơ với sách vở.




2 nhận xét:

NHẬN XÉT MỚI