Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ẤT MÙI - tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN

Nhà văn NGUYỄN VĂN THIỆN
(hội viên Hội VHNT Dak Lak)



NHỮNG TIẾNG NÓI CỦA RỪNG
TRÊN CHƯ YANG SIN


Một năm nữa đi qua, nhìn lại những bước đi, lắng nghe từng giọng nói, đến giờ phút này, có thể khẳng định, thanh âm chủ đạo nhất của truyện ngắn trên Tạp chí văn nghệ Chư Yang Sin năm vừa qua chính là những tiếng nói của rừng!
Những năm trước, luôn luôn ở trong tình trạng thiếu truyện ngắn, đặc biệt là truyện ngắn hay cho mỗi số tạp chí, người làm công tác biên tập phải thưởng xuyên gọi điện thoại xin bài vở. Năm nay, mọi thứ đã khác, Chư Yang Sin đã có nhiều tác giả và tác phẩm tìm đến, trong số đó, nhiều gương mặt vốn đã quen thuộc trong những năm trước, bây giờ trưởng thành, chững chạc cất tiếng nói. Đa số, là những gương mặt trẻ, từ 25 đến 30 tuổi, phong cách và đầy triển vọng, là hội viên của Hội VHNT Đắk Lắk. Chỉ nói riêng về mảng truyện ngắn, thì trong năm qua, là một năm thành công của những cây viết trẻ!
Nguyễn Anh Đào từ Buôn Hồ vẫn đều đặn gửi đến độc giả những câu chuyện đẫm chất đời thường mà nhiều day dứt, trăn trở. Những câu chuyện, nhiều khi, chính ta đã gặp đâu đó, mà không kịp để ý, phân tích, so sánh. Đương nhiên, nhà văn không chỉ dừng lại ở việc kể chuyện. Đằng sau đó là một bài học nhân sinh mà tác giả muốn trao đổi với người đọc. Vay - Trả, hay Trước sân tòa án là những truyện ngắn gửi gắm nhiều tâm sự. Tuy nhiên, người đọc vẫn chờ đợi nhiều ở tác giả trẻ này những thể nghiệm mới về câu chữ, về kết cấu truyện ngắn, về sự tung tẩy bất ngờ của trí tưởng tượng. Viết văn là một trò chơi đầy cảm xúc, ai đó đã từng nói vậy!
H’Xíu Hmôk trưởng thành hơn trong chính những đề tài quen thuộc: Sự trăn trở của buôn làng Êđê trong cơn lốc hội nhập. Nhân vật trong truyện không có gì đặc biệt, cốt truyện cũng không có gì đặc biệt, nhưng điều hấp dẫn trong truyện ngắn H’Xíu chính là sự đằm thắm của tình cảm dành cho quê hương. Hy vọng, sang năm mới, ở một độ tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống, H’Xíu lại dành thời gian để thủ thỉ với bạn đọc về buôn làng mình, như dòng suối, như gió ngàn, kể chuyện về thảo nguyên mênh mông.
Người tạo ấn tượng đặc biệt nhất cho bạn đọc văn xuôi Chư Yang Sin chính là H’Siêu Byă. Cô gái ra đi từ dưới chân núi Chư Prông, đang học ở Sài Gòn, bất ngờ một ngày nào đó, cất lên tiếng hát của thảo nguyên, làm mê đắm lòng người. “Cha mài dao, vót tre dưới sàn. Sàn nhà thấp, lưng khom khom. Tóc dài rũ rượi xõa trắng vai. (...) Bóng cha đổ dài theo chiều nắng, gầy và buồn. Con heo ngứa chà mình xàn xạt lên cây cột nhà, ủi ủi dưới đất đòi ăn, rúc dưới chân cha nhai cây chuối rau ráu. Cha đứng loạng choạng, bước chân lên cầu thang không vững. Mây thả mưa hoa li ti phủ khắp mái nhà, lên lưng con heo, lên tán lá chuối, long lanh màu nước suối trong veo. Tao Wao nói: “Cha nhớ chị, nhóm bếp mãi chẳng lên lửa”. (...) Linh hồn khóc không ra nước mắt chỉ nghe tiếng rên hừ hự. Con mèo đen như nghe thấy, nó trèo ngược lên cột nhà chạy trốn. Ngôi nhà bụi quá, mạng nhện kéo bên này bên kia. Cha nằm nghiêng đầu đặt trên cánh tay phải, tiếng thở nhẹ hơn tiếng dế, nhìn rất thương” (Tao Wao mùa Ninh Nông, số tháng 12). Nghe tiếng cây rừng reo, thác nước đổ, điệu khan nức nở, nhưng không bắt chước được đâu. Truyện ngắn của H’Siêu tràn ngập những hình ảnh và âm thanh của núi, không chỉ bởi trí tưởng tượng không giới hạn, sự hồn nhiên trong trẻo, mà còn bởi khả năng sử dụng ngôn ngữ đặc biệt của tác giả, một người Êđê kể chuyện. Không tin ư? Bạn hãy thử viết như H’Siêu xem? Khó lắm!
Trong năm qua, bạn đọc cũng nhiều lần được nghe những âm thanh mới mẻ, một giọng kể chuyện nhẹ nhàng, đằm thắm của một cây viết trẻ, một hội viên mới gia nhập Hội VHNT tỉnh nhà: Lâm Hạ. Tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Lâm Hạ đã chinh phục bạn đọc bằng giọng văn chững chạc. Ấp trứng (Chư Yang Sin số tháng 12) là một truyện ngắn lạ và hay, một lối tìm tòi thú vị có khả năng dẫn dụ người đọc vào thế giới của sự tưởng tượng không giới hạn. Một lối viết khó, đòi hỏi lao động nghiêm túc và khả năng liên tưởng trùng điệp. Sang năm mới, hy vọng chúng ta còn được nghe những âm thanh kỳ lạ, hấp dẫn từ núi Chư H’Lâm huyền thoại.
Có một cô gái mang trong mình dòng máu mẫu hệ, xa núi, xa rừng nên lúc nào cũng khắc khoải nhớ thương và phập phồng mong ngóng. Đó là Trần Hương Giang, tác giả thường xuyên xuất hiện trên tạp chí trong năm qua. Truyện ngắn và tạp bút của Giang là một âm thanh khó lẫn lộn giữa muôn ngàn tiếng nói tiếng cười và cả tiếng khóc của thảo nguyên. Chững chạc, đằm thắm mà không hề điệu đàng làm dáng. “Em nhớ con suối reo giữa trưa nắng, theo cha theo mẹ lên rẫy lên nương, lên đồi cao vời vợi đón cơn mưa mùa hè đổ xuống mát rượi, ủ từng mầm cây xanh ngắt, ủ từng cụm nấm mối đang đợi ngày bung xòe, vươn vai hít thở khí trời, dưới từng lớp đất đỏ bazan nồng nàn như phủ lớp màu mỡ của quê mình.
Có điều gì đó không hẳn chỉ là tiếng thác đổ trong em. Quặn thắt như ngày xưa, mỗi lần ngậm ngùi rời khỏi núi đồi, rời khỏi căn nhà đầy ắp nụ cười và nước mắt, rời khỏi những hàng cây hai bên đường đang dần dần khuất mặt cả tuổi thơ, cả thuở ngây ngô cháy khát ước mơ tung cánh chim trời. Ai bảo đi xa, tìm kiếm những điều lạ lẫm là vui, là ngập tràn màu hồng tô đỏ rạng ngời? Ai bảo một tiếng chim rừng giữa chốn này, không khắc khoải đến khôn nguôi từng phút giây cách biệt?” (Tạp bút Có điều gì đó rung reo, Chư Yang Sin số tháng 8).
Thảo nguyên là thế đấy, ở gần thì yêu thương, ở xa thì ngút ngàn nỗi nhớ! Năm cũ đã qua đi, một mùa xuân mới đang về. Người biên tập vốn cũng không còn trẻ nữa, xin được đứng nép mình đâu đó, dưới bóng cây ven rừng, mà vui mừng lắng nghe giàn đồng ca trẻ trung, tràn trề sức sống cất lên tiếng nói của thế hệ mình. Xin gửi lời chúc tốt lành đến tất cả mọi người, chúc những cây bút truyện ngắn sang năm mới nhiều sáng tạo, chúc bạn đọc dồi dào sức khỏe, để còn lắng nghe, dõi theo những âm thanh quyến rũ của núi rừng!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI