Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ 272 - tác giả NGUYỄN DUY XUÂN






LÀM THẾ NÀO ĐỂ TÁC PHẨM CỦA HỘI VIÊN
ĐẾN VỚI CÔNG CHÚNG?



Đánh giá chung về thành tựu của văn học, nghệ thuật Đắk Lắk trong 5 năm qua (2010-2015), Dự thảo báo cáo tổng kết công tác nhiệm kì V của Ban chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh khẳng định: “Những sáng tác của anh chị em văn nghệ sĩ đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, có sự đổi mới về hình thức và cách thể hiện… gần gũi với thực tế cuộc sống. Mặc dù chưa có tác phẩm nào được coi là “đỉnh cao” và cũng chưa có tác giả nào được coi là “hiện tượng” trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại nhưng cũng đã xuất hiện một số các tác phẩm ở các thể loại như trường ca, tiểu thuyết, công trình nghiên cứu… đang và sẽ làm nên diện mạo mới của một vùng đất mà không phải vùng, miền nào cũng làm được”.
Riêng về lĩnh vực thơ văn, 5 năm vừa qua đã có hơn 20 đầu sách được xuất bản, trong đó có nhiều tác phẩm được tặng các giải thưởng cao quí như trường ca “Rừng cổ tích” của Đặng Bá Tiến, tiểu thuyết “Từ sông Krông Bông” của Trúc Hoài, tập thơ “Mùa gọi”  của Huệ Nguyên, tập truyện ngắn “Dã quỳ và tượng gỗ” của Lê Khôi Nguyên, “Quỉ út” của Nguyên Hương, v.v… và hàng loạt tác phẩm khác đoạt giải thưởng của Hội hằng năm.
Đó là những thành tựu đáng trân trọng, tự hào của văn nghệ sĩ tỉnh nhà trong 5 năm vừa qua.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ quảng bá tác phẩm, có điều khiến mọi người băn khoăn: Những thành tựu nói trên của văn nghệ tỉnh nhà đã được công chúng trong và ngoài địa phương biết đến như thế nào? Câu hỏi thật khó trả lời vì trong Dự thảo báo cáo tổng kết cũng như phương hướng, chúng tôi chưa thấy đề cập đến hoạt động quảng bá tác phẩm của văn nghệ sĩ nhất là đối với mảng văn học.
Trong thực tế, việc quảng bá tác phẩm của hội viên thời gian qua chưa được chú ý đúng mức, chưa trở thành một hoạt động thường xuyên, mang tính chất chuyên môn của Hội nói chung và các chi hội nói riêng (ngoại trừ một số ngành đặc thù như Mỹ thuật, Nhiếp ảnh). Ngay cả  những tác phẩm đoạt giải cao, việc tổ chức giới thiệu tới độc giả cũng chưa thực hiện được. Trong lúc đó chúng ta có điều kiện thuận lợi để đem tác phẩm đến với công chúng qua các kênh thông tin như báo giấy, báo hình, báo tiếng, báo mạng; qua đội ngũ giảng viên, sinh viên chuyên ngành ngữ văn, mỹ thuật, âm nhạc… của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Buôn Ma Thuột và đông đảo những người yêu nghệ thuật khác.
Về vấn đề này, chúng tôi thiết nghĩ Hội nên là người đứng ra tổ chức, cá nhân có tác phẩm được công bố chịu phần kinh phí (nếu như Hội không có nguồn hỗ trợ). Thực ra, một cuộc ra mắt tác phẩm mới bằng hình thức cà phê giới thiệu sách, chi phí không đáng kể, nhưng việc Hội đứng ra làm “bà đỡ” cho đứa con tinh thần của hội viên thì sẽ có ý nghĩa biết bao, nó góp phần động viên, cổ vũ, khích lệ cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ để họ tiếp tục gặt hái những thành công trên con đường nghệ thuật không mấy dễ dàng mà mình đã lựa chọn.
Về cách làm cụ thể, chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất:
- Tạp chí Chư Yang Sin mở thêm mục đăng tin, bài giới thiệu tác phẩm mới; quảng cáo tác phẩm mới bằng việc đăng ảnh bìa tác phẩm như các nhà xuất bản vẫn thường làm.
- Tổ chức cà phê giới thiệu sách như đã nói ở trên.
- Phối hợp với báo Đắk Lắk, đài PT-TH tỉnh, thư viện tỉnh đưa tin, bài giới thiệu, quảng bá tác giả, tác phẩm.
- Xây dựng trang điện tử của tạp chí Chư Yang Sin để việc công bố các tác phẩm của hội viên được thuận lợi, rộng rãi hơn.
- Hợp tác với ngành giáo dục, xây dựng, biên soạn nội dung chương trình văn học địa phương cho bậc học phổ thông theo qui định của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
                                                                                                            4.4.2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI