Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ 276 - tác giả LÊ THÀNH VĂN

Nhà thơ ĐẶNG BÁ TIẾN

VẾT BÙN TRONG KẼ MÓNG CHÂN MẸ TÔI
Kính dâng hương hồn Mẹ

 Tôi cắt móng tay móng chân cho Mẹ
trước khi tiễn Người về với Tổ tiên
tôi thấy vết bùn đồng chiêm
ăn sâu vào kẽ móng
ôi cái vết bùn làm sao xóa nổi
để Người được thanh thản gót tiên!

Bà tôi kể:
năm ấy đồng Biền
nước mênh mông trắng rợn
bụng vượt mặt Mẹ còn đi cấy mướn
khi chuyển sinh chúng bạn mới dìu về
chỉ kịp trườn lên chiếc chõng tre
rồi vỡ ối sinh tôi
hai chân Mẹ vẫn dính đầy bùn đất…

Cha tôi đi đánh giặc
đôi vai gầy Mẹ tôi gánh số phận cả nhà
năm cái miệng há chờ bàn tay Mẹ
bàn tay không hề phút giây được nghỉ
cả lúc đi nằm còn phải giữ trán suy tư

Năm hai vụ chiêm mùa
cây lúa lên từ bàn tay Mẹ
cây lúa lên theo dấu chân Người nứt nẻ
tiết hanh heo gió xiêu dạt dáng cò

Ai hài gấm, giày thêu, quần áo lượt là
Mẹ tôi suốt ngày chân dầm trong bùn đất
khi cày cấy khi mò cua bắt ốc
áo váy phong phanh mấy lớp vá chằm

Bao ngọn gió vui, buồn đã thổi qua mặt đồng chiêm
mà dáng Mẹ tôi trên đồng vẫn thế
mặt úp vào mặt ruộng
Mẹ chỉ ngẩng lên khi nhìn xuống con mình!

Chúng tôi lớn khôn
đất nước gọi lên đường
nào đã kịp làm gì giúp Mẹ
chỉ làm Mẹ thêm phần gian khổ
bao đêm nằm không ngủ nhớ con xa

Bưng bát cơm thơm chúng tôi lại thương Mẹ ở quê nhà
trong bát cơm này có hạt cơm đồng chiêm của Mẹ
Mẹ đã già mà hạt thóc về tay người chẳng dễ
phải giành giật với nắng mưa
với bao thứ chuột rầy

chúng tôi trở về sau cuộc chiến tranh
lại bươn bả với những công trình mùa vụ
Mẹ bảy mươi rồi biết bao vất vả
công ơn Mẹ chúng tôi chưa kịp đáp đền
nhưng phút lâm chung Mẹ gọi tên từng đứa
Mẹ dặn: đừng bao giờ phụ bạc cánh đồng chiêm!

Ôi cái vết bùn trong kẽ móng chân
tôi không muốn Mẹ phải mang theo về nơi tiên tổ
nhưng tôi biết xóa đi không dễ
vết bùn già hơn tuổi Mẹ tôi!
                                                                                    1988
                                                                            ĐẶNG BÁ TIẾN
                             
VẾT BÙN GIÀ HƠN TUỔI MẸ TÔI!

Lần đầu tiên tôi nghe bài thơ này trong một lớp học bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn do một thầy giáo từ Hà Nội đọc. Thầy không thuộc hết bài thơ, đọc đâu chừng khoảng 20 câu đầu, cả lớp hơn trăm người im lặng rưng rưng. Khi thầy dừng lại thì nước mắt tôi đã rơi nhòe trang vở viết. Bừng tỉnh và ngại mọi người nhìn thấy, tôi đi ra ngoài lau nước mắt. Bài thơ từ đó ám ảnh tôi, tôi về sưu tầm trên mạng internet mới biết là của nhà thơ Đặng Bá Tiến. Anh Tiến thì tôi biết, vui mừng định gọi điện thoại cho anh, hóa ra anh đi nhận giải thưởng thơ tận ngoài Hà Nội. Hôm nay, một sớm đầu xuân 2015, chợt trĩu lòng nhớ mẹ, tôi đem bài thơ này ra đọc, góp mấy lời bình hầu mong gởi chút tâm tình chia sẻ với mọi người.
Viết về đề tài người mẹ, văn chương cổ kim khai thác quá nhiều. Mẹ sinh ra ta, yêu thương và chăm sóc ta hơn bất kỳ ai trên cõi đời này, ca dao gọi cái tình lớn lao ấy là "nước trong nguồn chảy ra". Vậy nên, viết về mẹ dễ tràn đầy cảm xúc nhưng lại rất dễ rơi vào đơn điệu, mòn sáo. Kinh nghiệm đọc thơ của tôi, tôi nhận thấy rằng: những đề tài đã cũ, nếu nhà thơ biết tìm được một tứ thơ mới, có thể đó chỉ là một ý tưởng độc đáo lóe lên kết hợp với một cảm xúc chân thành thì dễ găm vào lòng người đọc. Tứ thơ hay và độc đáo như ngôi nhà có nền móng chắc chắn, các trụ cột vững chãi, mưa gió bão bùng khó làm lay chuyển nên bền lâu với thời gian. Tôi nghĩ bài thơ Vết bùn trong kẽ chân mẹ tôi  của Đặng Bá Tiến là một điển hình như thế. Ở đây, tên bài thơ đã là một tứ thơ, một tứ thơ mà nhiều người cũng đã viết nhưng vẫn còn nằm ở dạng hình ảnh, hình tượng, nghĩa là chỉ điểm qua, kể qua kiểu như "bầm ra ruộng cấy bầm run, chân lội dưới bùn tay cấy mạ non" (Tố Hữu). Vết bùn trong kẽ móng chân của mẹ giờ đã bất động rồi, mẹ không tự mình lấy ra được nữa mà chính con đây - đứa con chuẩn bị tiễn mẹ về với ông bà tổ tiên phải bấm từng móng chân của mẹ để lấy ra. Từ hình ảnh, hình tượng quen thuộc, tác giả đã nâng lên thành một ám ảnh, một đau xót, một cảm thương về nỗi nhọc nhằn của đời mẹ, nhờ đó bài thơ thực sự có được một vị trí xứng đáng trong mảng thơ ca viết về đề tài người mẹ.
Bài thơ có kết cấu khá chặt chẽ, dạng đầu cuối tương ứng, nên cảm xúc có dào dạt bao nhiêu đi nữa vẫn không "vỡ bờ",  không xa rời tứ thơ xuất thần và đầy thảng thốt ấy. Mở đầu thi phẩm là một sự thật đau lòng, sự thật ấy đã đánh động trái tim người đọc. Hình ảnh người mẹ sau bao nhiêu năm tháng cơ cực trên cõi đời giờ  theo gót tổ tiên đi về cát bụi làm sao không khỏi xót xa với với người còn sống. Tôi nhớ một nhà thơ nước ngoài, hình như là của Trung Quốc, khi viết về người mẹ qua đời, tác giả đã gào gọi mẹ ba lần, nhưng mẹ vẫn không sao trả lời. Chính sự thật đau lòng đó đã giúp ông có một bài thơ hay về mẹ qua một tứ thơ rất lạ: xưa mẹ la rầy con, mẹ đánh đòn con mỗi lần con hư hỏng, lần nào mẹ cũng nói, cũng hỏi, sao giờ đây con gọi mẹ khan cả giọng mà mẹ vẫn lặng im. Cái ý tứ đại để là vậy, lời thơ thì tôi quên mất rồi. Đến Đặng Bá Tiến, tác giả đã biết chạm vào trái tim người đọc bằng một tình yêu lớn lao đối với mẹ trước khi tiễn người về chốn vĩnh hằng đó là cắt móng chân, móng tay cho mẹ: "Tôi cắt móng tay móng chân cho mẹ/ trước khi tiễn người về với tổ tiên/ tôi thấy vết bùn đồng chiêm/ ăn sâu vào kẽ móng/ ôi cái vết bùn làm sao xóa nổi/ để người được thanh thản gót tiên?" Mở đầu đã rất ấn tượng, nó chạm vào tâm khảm người đọc qua một chi tiết bình thường, quen thuộc nhưng dễ xúc động. Ở Việt Nam, có người mẹ nào mà bàn chân không dính bùn đất? Những năm đất nước chiến tranh gian khổ, hình tượng người mẹ của tác giả có khác gì với hàng triệu bà mẹ Việt khác trên đời. Có điều cái độc đáo ở đây là tác giả không muốn mẹ mình phải mang cái vết bùn khó nhọc, gian khổ cả một đời về bên kia thế giới, nhưng làm sao xóa nổi nó đây? Trong tâm trí đứa con mất mẹ, gan ruột quặn bào, hình ảnh người mẹ nghèo lam lũ vất vả cứ hiện dần lên,  bám riết cái vết bùn trong kẽ móng chân mãi mãi. Đó cũng chính là cơ sở để Đặng Bá Tiến sử dụng kỹ thuật điện ảnh trong thơ, đưa người đọc qua những không gian của miền quê nghèo khó xa xưa, qua những tao đoạn cuộc đời mà người mẹ phải cơ cực để nuôi đàn con bé nhỏ: "Bà tôi kể: năm ấy đồng Biền/ nước mênh mông trắng rợn/ bụng vượt mặt mẹ còn đi cấy mướn/ khi chuyển sinh chúng bạn mới dìu về/ chỉ kịp trườn lên chõng tre/ rồi vỡ ối sinh tôi/ hai chân mẹ vẫn dính đầy bùn đất..". Tội nghiệp quá, đọc khổ thơ này ai có thể cầm được nước mắt! Người phụ nữ Việt Nam bao đời tần tảo, đến cả ngày sinh cũng không chuẩn bị trước một thứ gì. Từ đó, giọng điệu trần thuật cảm thương đã đi suốt bài thơ. Hình ảnh người mẹ có vết bùn trong kẽ móng chân lần lượt được tái hiện. Một mình mẹ phải lo cả nhà với năm miệng ăn, người chồng thì đi chinh chiến phương xa biền biệt. Một năm hai vụ chiêm mùa, bàn chân mẹ nứt nẻ theo tiết trời hanh hao để cho cây lúa lớn lên hầu mong có được hạt gạo, củ khoai mà nuôi con ăn học. Mẹ lam lũ theo dáng cò xiêu dạt, chưa được một ngày sung sướng, quanh năm đầu tắt mặt tối, dãi nắng dầm sương. Lời kể của tác giả thấm đượm những dòng nước mắt xót xa: "Ai hài gấm, giày thêu quần áo lượt là/ mẹ tôi suốt ngày chân dầm trong bùn đất/ khi cày cấy khi mò cua bắt ốc/ áo phong phanh mấy lớp vá chằm". Mẹ chỉ được hạnh phúc khi mỗi ngày nhìn thấy con mình khôn lớn: "mẹ chỉ ngẩng lên khi nhìn thấy con mình". Mạch thơ tâm tình nhưng đầy day dứt, câu chuyện lòng đứt ruột về một người mẹ nhân hậu, đảm đang cứ theo từng lớp thời gian hiện lên sống động vô cùng. Giờ mẹ nằm đó, ngủ giấc ngàn thu, lặng lẽ như chưa từng được sinh ra mà sao đời mẹ nhiều gian nan, vất vả.
Hình ảnh người mẹ có vết bùn trong kẻ móng chân được Đặng Bá Tiến tiếp tục tái hiện qua một không gian và thời gian tuyến tính khi những đứa con lớn lên đánh giặc trăm miền và trở về sau cuộc chiến. Con lớn, tưởng mang lại cho mẹ niềm sung sương, nào ngờ chỉ làm cho mẹ khổ hơn: "Chúng tôi lớn khôn/ đất nước gọi lên đường/ nào đã kịp làm gì giúp mẹ". Mẹ thao thức, mỏi mòn ngóng đợi tin con trở lại. Mẹ khổ cực thân xác, hư hao về tinh thần khi mỗi đêm về "nằm không ngủ nhớ con xa". Thời chiến đã vậy, thời bình con lại "bươn bả với công trình, mùa vụ", mẹ bảy mươi rồi vẫn lặng lẽ nơi miền quê vất vả, thao thức đợi chờ con trẻ. Tác giả vừa kể về mẹ, vừa bộc bạch cảm xúc, tình thương yêu và ngưỡng mộ người mẹ một đời hết mực vì con. Bưng bát cơm trong hòa bình lại ngậm ngùi nhớ mẹ, cảm được cái ân đức cao dày từ người mẹ kính yêu: "Bưng bát cơm ăn chúng tôi thương mẹ ở quê nhà/ trong bát cơm này có hạt đồng chiêm của mẹ". Ơn nghĩa, ân tình, hiếu thảo và biết ơn người mẹ sinh thành đã giúp cho tác giả có những câu thơ hay và cảm động. Tuy đôi lúc, do sa vào bộc bạch cho hết nỗi lòng, hơi thơ vì thế cũng có phần loãng, song nhờ tứ thơ vững chãi nâng đỡ, vì vậy hình ảnh và lời thơ vẫn đủ sức  hâm nóng tâm tình người đọc.
Khổ kết bài thơ quay vòng lặp lại hình tượng vết bùn trong kẽ chân của mẹ, nhưng đã mở ra một chiều kích suy tưởng sâu sắc hơn. Nỗi lòng của người con đau khổ vì biết không thể nào xóa đi trong tâm tưởng mình cái vết bùn gian truân một đời của mẹ, nhưng lại muốn bàn chân mẹ mình sạch đẹp khi theo gót ông bà tiên tổ về với thế giới bên kia. Cái thực và cái ảo, nỗi đau hiện tại và khát vọng vĩnh hằng của nhà thơ cứ đan xen vào nhau, thấm đẫm một nỗi niềm hiếu nghĩa: "Ôi cái vết bùn trong kẽ móng chân/ tôi không muốn mẹ phải mang về nơi tiên tổ/ nhưng tôi biết xóa đi là không dễ/ vết bùn già hơn tuổi mẹ tôi".Vâng! Vết bùn già hơn tuổi mẹ, vì nó đã đi qua số phận và cuộc đời của biết bao bà mẹ trên đời; rồi sẽ còn bám vào kẽ móng chân những người mẹ nào tần tảo, gian lao trong cuộc sống mai này. Bài thơ khép lại mà nỗi quặn thắt cứ mãi lốc xoáy, thảng thốt trái tim người đọc.
Cảm ơn nhà thơ Đặng Bá Tiến, trong một khoảnh khắc đau đớn tột cùng, đã bật ra một bài thơ thật hay về mẹ. Bài thơ đã nói hộ cho tình cảm mỗi chúng ta về cuộc đời bao la sông biển của người mẹ nghèo giàu đức hi sinh, tình thương con vô bờ bến. Bất kì ai còn có phút giây tiễn biệt mẹ mình về cõi ngàn thu miên viễn, chừng ấy Vết bùn trong kẽ móng chân mẹ tôi vẫn còn thổn thức nỗi lòng, nghẹn trào thương nhớ mẹ không nguôi.


  LÊ THÀNH VĂN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI