Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

ĐI LÊN TỪ SỰ ĐỒNG THUẬN CỦA XÃ HỘI bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 241 tháng 9 năm 2012





          Tháng 8 năm 1998, Trường Tiểu học Tô Hiệu được thành lập trên cơ sở tách ra từ trường Phổ thông cơ sở Tô Hiệu, đóng trên địa bàn xã Ea Tyh, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Xã Ea Tyh nằm ở phía đông huyện Ea Kar, tiếp giáp với huyện M’Đrăk; đây là vùng đất trước kia chỉ có cỏ gianh mọc thành rừng, còn các loại cây khác không thể mọc được. Tháng 10 năm 1987, thực hiện chính sách di dân đi xây dựng kinh tế mới, vùng đất hoang vu này mới có người đến dựng nhà làm rẫy. Cùng với năm tháng, dân số ngày một tăng, đa phần là dân các nơi di cư tự do đến tìm cơ hội kiếm sống. Tuy diện tích đất hoang hóa còn nhiều vì ít người khai phá, nhưng do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, đất đai khô cằn nên đại đa số những người dân định cư nơi đây chỉ mới đủ ăn. Bước qua thế kỷ XXI do chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước ta, một số nhà máy được xây dựng trên địa phương như: nhà máy Đường 333, nhà máy Tinh bột sắn Ea Sô, nhà máy Chế biến hạt điều 722... đã góp phần nâng cao mức sống người dân, nhiều hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên đã giàu lên. Kinh tế phát triển kéo theo các mặt hoạt động văn hóa – giáo dục cũng có những chuyển biến tích cực. Từ một ngôi trường trước đây được báo chí địa phương nhắc đến như là một điển hình của sự tạm bợ, xuống cấp của cơ sở vật chất giáo dục, đến nay đã có những bước tiến vượt bậc.
Sự đi lên của phong trào giáo dục xã Ea Tyh nói chung và trường Tiểu học Tô Hiệu nói riêng có dấu ấn đậm nét của người hiệu trưởng mẫu mực, giàu nghị lực, cô giáo Phạm Thị Khang. Tháng 8 năm 2005 cô Phạm Thị Khang được điều về làm Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Hiệu. Vốn là một Hiệu trưởng lâu năm, có nhiều kinh nghiệm quản lý và cũng là một trong những hiệu trưởng đầu tiên xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia ở huyện Ea Kar. Khi về nhận công tác ở một trường khó khăn như trường Tiểu học Tô Hiệu, không ít người hoài nghi và cho rằng ở vùng đất “khỉ ho, cò gáy” này vận động được học sinh đến lớp đã khó chứ mong gì xây dựng được trường tiên tiến như các trường thị trấn! Trong “cái khó ló cái khôn”, Hiệu trưởng mới về biết dựa vào Chi bộ, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Ban Nữ công nhà trường, động viên mọi người phát huy hết năng lực của mình trong các hoạt động. Điều quan trọng nhất mà nhiều năm qua tập thể nhà trường chưa làm được là xây dựng một tập thể đoàn kết, biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong công tác cũng như trong cuộc sống đời thường, thì nay đã làm được. Muốn đoàn kết phải thực sự dân chủ. Nghị quyết của Chi bộ đưa ra cùng bàn bạc, thảo luận tìm biện pháp thực hiện rồi mới triển khai đến nhà trường. Chính phương pháp làm việc mới này của Ban Giám hiệu làm mọi người xem công việc của trường cũng chính là công việc của mình nên phát huy mọi sáng kiến, làm thật tốt công việc được giao; vì thế tất cả các chỉ tiêu, định mức đề ra đều được hoàn thành vượt mức. Bên cạnh đó Ban Giám hiệu cùng với Hội đồng sư phạm nhà trường kết hợp với Công đoàn vận động công đoàn viên xây dựng quỹ Đồng nghiệp, hàng tháng tất cả cán bộ công nhân viên của trường trích một trăm nghìn đồng tiền lương góp vào quỹ. Ban chấp hành Công đoàn họp xét, ưu tiên cho những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn mượn để ổn đinh cuộc sống hoặc mua sắm những tài sản có giá trị cao. Nhờ sáng kiến này mà nhiều gia đình giáo viên khắc phục khó khăn về kinh tế, an tâm công tác lâu dài ở trường và còn tự nguyện tham gia các khóa học nâng cao tay nghề (đến nay 100% cán bộ giáo viên đạt chuẩn, trong đó 88% trên chuẩn). Chi bộ Đảng trong trường được cũng cố và phát triển, những người đảng viên thật sự là hạt nhân trong mọi hoạt động của nhà trường; vì thế liên tục từ năm học 2005- 2006 đến nay năm nào trường cũng có giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Theo quy luật tất yếu, tay nghề giáo viên được nâng cao, chất lượng giáo dục cũng sẽ có những bước tiến vượt bậc. Các bậc phụ huynh là những người đánh giá chính xác nhất sự chuyển biến trong học tập và rèn luyện đạo đức của con em mình. Từ thực tế chất lượng học tập của con em, phụ huynh đã có cách nhìn thầy cô giáo khác hẳn với trước đây, mọi người quan tâm hơn đến việc học tập của con cái cũng như các công việc của nhà trường.
            Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, mọi công việc liên quan đến phụ huynh, Chi bộ và Ban Giám hiệu kết hợp với các đoàn thể trong nhà trường họp bàn bạc thống nhất rồi tổ chức họp phụ huynh xin ý kiến. Được các thầy cô giải thích thấu đáo đến từng phụ huynh, Ban Đại diện cha mẹ học sinh tự đứng ra thu tiền, tổ chức thi công các công trình phục vụ cho việc dạy và học, nhà trường làm chức năng tham mưu và giám sát. Vì vậy chỉ sau 2 năm vận động (2005 – 2006), được sự giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi của Ủy ban nhân dân huyện Ea Kar, Phòng Giáo dục huyện cũng như Đảng ủy - Ủy ban nhân dân xã Ea Tyh, trường Tiểu học Tô Hiệu đã xây dựng được hơn 400 m tường rào, đổ bê tông 1237 m2 sân trường, xây nhà công vụ có diện tích 45 m2, xây dựng công trình vệ sinh đạt chuẩn quy định của ngành, xây phòng học bộ môn, nhà hiệu bộ... Đầu năm học 2006 – 2007, trường Tiểu học Tô Hiệu huyện Ea Kar tỉnh Đắk Lắk vinh dự đón bằng công nhận “Trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ một” và con chim đầu đàn, người Hiệu trưởng nhiệt tình, năng động Phạm Thị Khang còn có vinh dự là người đầu tiên ở huyện EaKar trên cương vị hiệu trưởng đã góp phần xây dựng hai trường đạt chuẩn Quốc gia: trường Tiểu học Nguyễn Huệ và trường Tiểu học Tô Hiệu.
 Mục tiêu ban đầu đặt ra đã hoàn thành, công việc tiếp theo là phải làm thế nào giữ vững phong trào vì: “xây dựng phong trào đã khó, giữ được phong trào lại càng khó hơn”, xác định như vậy nên Chi bộ nhà trường hết sức chú trọng phát triển đảng viên, xem đó là ưu tiên hàng đầu để tiếp tục phát triển; đầu năm học 2007 – 2008 toàn trường có 16 đảng viên, đạt tỷ lệ 73%; đến cuối năm học 2010 – 2011 chi bộ nhà trường có số đảng viên là 20 người, đạt tỷ lệ 86% trên tổng số cán bộ công nhân viên toàn trường. Có thể thấy việc “đỏ” hóa đội ngũ, chú trọng phát triển đảng viên là bước đi đột phá của Chi bộ nhà trường. Chi bộ lãnh đạo bằng nghị quyết, Ban Giám hiệu và cán bộ công nhân viên hợp sức chung tay thực hiện, kết quả học sinh lên lớp năm học 2010-2011 đạt 100 % (trong đó khá giỏi chiếm 66,6%), hoàn thành chương trình tiểu học 100%. Riêng đối với đội ngũ giáo viên và tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường cũng gặt hái được những kết quả đáng mừng; xếp loại thi đua cuối năm tập thể trường được công nhận tiên tiến xuất sắc, Chi bộ trường đạt trong sạch vững mạnh, Công đoàn vững mạnh, 2 giáo viên được công nhận Chiến sỹ thi đua, 2 giáo viên được công nhận Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh,10 giáo viên được công nhận dạy giỏi cấp huyện, còn lại là giáo viên dạy giỏi cấp trường; cuối năm 2010, trường được công nhận Cơ quan văn hóa xuất sắc của tỉnh.
            Năm học 2011 – 2012 trường Tiểu học Tô Hiệu có 13 lớp với 333 học sinh. Tất cả các em đều học hai buổi trên ngày, học sinh từ lớp 3 trở lên được học thêm môn Tin học, Ngoại ngữ. Trường Tiểu học Tô Hiệu đang tiếp tục thực hiện cuộc các vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh” và  mỗi thầy cô giáo là  tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”; đồng thời phát động phong trào thi đua: “trường học thân thiện, học sinh tích cực”; không những thầy trò nhà trường tích cực hưởng ứng, mà còn được cha mẹ học sinh và dư luận xã hội quan tâm, ủng hộ. Với sự cố gắng không ngừng vươn lên của tập thể cán bộ, giáo viên và công nhân viên trường Tiểu học Tô Hiệu, một vinh dự lớn lại đến với nhà trường: Ngày 03 tháng 9 năm 2012, trường vinh dự được đón bằng công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ II.
Vì sao một trường đóng trên địa bàn ở địa phương điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn mà nhà trường lại thực hiện tốt công tác Xã hội hóa giáo dục như vậy? Trả lời câu hỏi này, cô Phạm Thị Khang – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường vui vẻ cho chúng tôi biết: Cái quan trọng nhất là phải xây dựng được một tập thể đoàn kết, vì đoàn kết đưa ta đến mọi thành công; từ đó tổ chức các đợt thi đua nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ giáo viên. Nói gì thì nói, đã làm nghề dạy học phải dạy giỏi, sống thật sự mẫu mực mới chiếm được lòng tin của phụ huynh học sinh. Đã được phụ huynh học sinh tin tưởng thì công việc có khó khăn đến mấy cũng khắc phục được. Bên cạnh đó chúng tôi còn có thuận lợi cơ bản là các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ huyện đến xã, cũng như Phòng Giáo dục rất quan tâm, thường xuyên góp ý để nhà trường kịp thời điều chỉnh kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế. Kế hoạch nhà trường đề ra được Ban Đại diện cha mẹ học sinh đồng thuận thì mọi việc sẽ trôi chảy. Chúng tôi đã và đang thực hiện lời dạy của Bác: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đó chính là bí quyết thành công của trường chúng tôi!
Bà Lâm Phúc Dung, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Ea Kar nhận xét: Chị Phạm Thị Khang không những là người có thâm niên làm cán bộ quản lý lâu năm, đã từng xây dựng được hai trường đạt chuẩn Quốc gia và đây là lần thứ ba chị có vinh dự trên cương vị Hiệu trưởng được đón nhận danh hiệu Trường đạt chuẩn Quốc gia. Cái quý ở chị - luôn luôn mẫu mực trong công tác, gần gũi anh em, đồng nghiệp, bạn bè cũng như nhân dân nơi mình công tác,  khiêm tốn và ham học hỏi, biết tập hợp anh chị em trên tinh thần dân chủ, phê và và tự phê nghiêm túc từ đó xây dựng được khối đoàn kết nội bộ; chính đức tính tốt ấy giúp chị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị người hiệu trưởng dù ở bất cứ trường nào. Tháng ba vừa qua chị là một trong ba cán bộ quản lý xuất sắc của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà được cử đi tham gia giao lưu Cán bộ quản lý giỏi Quốc gia tại Hà Nội.
Với một tập thể đoàn kết lại có sự quan tâm, lãnh đạo sâu sát của Đảng và chính quyền các cấp cũng như sự đồng thuận của nhân dân, trường Tiểu học Tô Hiệu sẽ còn gặt hái được những thành công rực rỡ hơn nữa trong thời gian tới.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI