Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

TRẠI SÁNG TÁC VHNT KRÔNG BÔNG THÁNG 11 NĂM 2015 VÀ NHỮNG BẤT NGỜ.


 Nhà văn Lê Khôi Nguyên - Chủ tịch Hội

 Ông Đinh Văn Long - Phó chủ tịch UBND huyện Krông Bông



Thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” và Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
 Hội VHNT phối hợp với Huyện ủy và UBND huyện Krông Bông tổ chức Trại sáng tác VHNT năm 2015 trong 7 ngày (từ 12/11 đến ngày 18/11/2015) đã mời 12 VNS tham gia, trong đó chuyên ngành Văn học: 6 người (NV Hồng Chiến, NV Nguyễn Hoàng Thu, NV Trúc Hoài, NT Đàm Lan, NT Lê Đình Liệu, NV Nguyễn Thị Thu Hương); chuyên ngành Mỹ thuật: 2 người (HS Nguyễn Thanh Long, HS Trần Tấn Vỹ); chuyên ngành Âm nhạc: 2 người (NS Sỹ Hùng, NS Nguyễn Văn Hạnh), Nhiếp ảnh: 1 người (NSNA Chính Hữu), Điện ảnh: 1 người (NS Nguyễn Công Việt).
Mặc dù thời gian ở trại rất ngắn, các VNS vừa đi thâm nhập thực tế thu thập tài liệu vừa tranh thủ sáng tác, nhưng với lòng nhiệt tình và niềm đam mê nghệ thuật cũng như tình hình thực tế địa phương đã lôi cuốn VNS sáng tác và đạt được kết quả hết sức ấn tượng.
Tham dự trại sáng tác VHNT Krông Bông lần này, Thường trực Hội đã lựa chọn những cây bút đang sung sức để thâm nhập thực tế lấy tư liệu và sáng tác, vì vậy kết quả đạt được ngoài cả mong đợi của Ban tổ chức về số lượng và chất lượng. Cho phép tôi thay mặt Ban tổ chức Trại xin báo cáo kết quả đạt được tại Trại sáng tác VHNT huyện Krông Bông năm 2015 như sau:
·        Số lượng tác phẩm sáng tác tại trại:
1.Thơ: 03 bài (Tiếng quê của nhà thơ Đàm Lan, Câu thơ thả trên triền núiNơi anh đến của nhà thơ Lê Đình Liệu).
2.Văn xuôi:
+ Ký: 03 bài (Một bên núi - một bên sông của nhà văn Nguyễn Hoàng Thu, Bên thác Đăk Tuar của nhà thơ Lê Đình Liệu, Trở lại Cư Pui của nhà văn Hồng Chiến).
+ Tiểu thuyết: 01 tác phẩm (Số phận gia đình của nhà văn Trúc Hoài).
+ Truyện ngắn: 01 tác phẩm (Chuyện lạ Chư Yang Sin của nhà văn Hồng Chiến)
3.Âm nhạc: 03 tác phẩm (Ơi Khuê Ngọc Điền – Ơi Krông Bông của nhạc sỹ Sỹ Hùng; Krông Bông tự hào tiếp bước bản hùng ca của nhạc sỹ Nguyễn Văn Hạnh và Về Krông Bông quê em của tác giả Châu Phan).
4.Mỹ thuật: 01 tác phẩm và 39 ký họa.
5.Nhiếp ảnh: 05 tác phẩm.
Nhìn chung các VNS đã bám sát cuộc sống, thể hiện được những nét đặc trưng cơ bản về con người, cảnh vật, danh lam thắng cảnh của mảnh đất Krông Bông, đặc biệt ghi nhận những đổi thay của vùng đất dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và chính quyền nhân dân các cấp. Bộ mặt nông thôn của vùng đất không được thiên nhiên ưu đãi, nhưng với sự đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới đã tạo nên một diện mạo mới, một vùng quê mới trù phú, ngày một phát triễn, người dân hăng say lao động sản xuất. Bên cạnh đó mảng đề tài lịch sử cũng được các văn nghệ sỹ khắc họa thành công, khơi gọi lòng yêu nước và tự hào dân tộc từ những chiến công của lớp cha anh đi trước, có giá trị cao giáo dục chân - thiện - mỹ.
- Về Âm nhạc: các nhạc sỹ sáng tác tại trại được hai tác phẩm âm nhạc về vùng đất Krông Bông; tác phẩm Krông Bông tự hào tiếp bước bản hùng ca của nhạc sỹ Nguyễn Văn Hạnh thể hiện khí thế hào hùng của đoàn quân chiến thắng với truyền thống oai hùng H9 khi xưa làm quân thù khiếp sợ và hôm nay đang vững bước xây dựng quê hương mới ngày càng giàu đẹp. Tác phẩm Ơi Khuê Ngọc Điền – Ơi Krông Bông của nhạc sỹ Sỹ Hùng mang âm hưởng làn điệu của người dân bản địa Tây Nguyên vừa đầm ấm lại nồng thắm tình người, như một ché rượu cần được ủ lâu ngày có chất men làm say đắm lòng người của vùng đất cách mạng khi xưa. Bên cạnh hai tác phẩm Âm nhạc của trại viên còn có tác phẩm của tác giả Châu Phan – Phó Phòng VHTT huyện, thành viên Ban tổ chức Trại cũng gửi tới tham gia một tác phẩm mang tựa đề Về Krông Bông quê em, tác phẩm thể hiện được niềm tự hào là người ở mảnh đất có truyền thống anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc và ngày nay đang tiếp bước các thế hệ cha anh đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng ấm no hạnh phúc. Ba bản nhạc, ba phong cách khác nhau nhưng đều chung một đề tài, thể hiện được sự đổi thay tích cực trên quê hương mới.
- Mỹ thuật:
+ Họa sỹ trẻ Nguyễn Tấn Vỹ, sau 7 ngày tham dự trại đã hoàn thành một tác phẩm khắc họa thành công chân dung người vợ Anh hùng liệt sỹ Y Dơn và 18 ký họa, một con số ấn tượng. Chúng ta rất ấn tượng với số lượng tác phẩm mà họa sỹ hoàn thành và khâm phục hơn khi được xem các ký họa thể hiện nhiều mảnh đời, chân dung của người dân địa phương.
+ Họa sỹ Trần Thanh Long hoàn thành 11 ký họa; khắc họa thành công chân dung những người dân địa phương, phong cảnh đặc sắc hay những sinh hoạt thường ngày của người dân H9 – Krông Bông hiện qua các nét cọ của họa sỹ hết sức sinh đông, thể hiện tài năng và nhãn quan đặc biệt của họa sỹ khi thổi được vào các ký họa của mình thành cảnh sống động, đặc trưng của một vùng đất. Năm 2015, họa sỹ đã được trao Giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, chúng ta hy vọng những bức ký họa trong những ngày dự trại lần này sẽ tiếp tục được trao giải trong thời gian tới.
- Tác giả Lê Đình Thiện công tác tại Phòng VHTT huyện đã gửi 10 tác phẩm ký hoa chân dung, phong cảnh về con người, vùng đất Krông Bông.
- Nhiếp ảnh: Nghệ sỹ nhiếp ảnh Chính Hữu trình làng 9 tác phẩm ghi lại những nét đặc trưng của vùng đất Krông Bông với cảnh đẹp được thiên nhiên ưu đãi, người dân M’nông bình dị nhưng đẹp đến bất ngờ trước góc nhìn của người nghệ sỹ. Những bức ảnh nghệ thuật đặc sắc này sẽ giúp bạn bè trong nước và quốc tế biết đến một vùng đất của Đắk Lak còn ẩn chưa nhiều tiềm năng văn hóa độc đáo chưa được khám phá, góp phần quảng bá và thu hút khách du lịch cho địa phương.
- Về Thơ: Bài thơ “Tiếng quê” của nhà thơ Đàm Lan thể hiện tấm lòng của người con xứ Quảng từ biệt quê hương đi xây dựng vùng quê mới theo tiếng gọi của Đảng:
Lòng xưa thắc thỏm hương bờ cát
Dấu chân muối biển vẫn mặn mòi
Xa quê, nhưng những kỷ niệm về quê không phai mờ, vẫn in đậm vào tâm trí người dân. Hôm nay trên quê mới, người dân đã tìm thấy hạnh phúc, thấy điều kỳ diệu mà mình chưa dám mơ ước, nay đã thành sự thật, tự nguyện ở lại để xây dựng quê hương thứ hai, góp phần làm đẹp cho đất nước:
Người đến nơi đây người ở lại
Sương nắng mà xanh sắc cội nguồn
 Bài thơ Câu thơ thả trên triền núi của nhà thơ Lê Đình Liệu lại đưa ta đến với hình ảnh một chàng trai xứ lạ đến vùng đất Krông Bông và… say. Chàng trai không phải say vì rượu mà say vì tình, say về một vùng đất thơ mộng nên đã phải thốt lên:
Chư Yang Sin
Mây trắng đầu
Trèo lên mà viết nát nhàu hồn văn
Say đến mức “nát nhàu hồn văn”, thì quả thật người thi sỹ đã bị hớp hồn. Nhưng anh say cũng phải, vì vùng đất này đáng say lắm, con người nơi đây đáng say lắm, những nét chấm phá mà tác giả khắc họa khá thành công đã thể hiện điều ấy:
Rằng Cao nguyên – Tây Nguyên ơi
Cồng chiêng ché rượu đầy vơi đón người
Người ở đây không những chỉ tác giả mà muốn đề cập cái lớn hơn, cái rộng hơn để đón đợi là những người từ mọi miền Tổ quốc đến đây xây dựng quê mới, tạo nên một vùng quê trù phú trên chiến trường xưa, có sức thu hút lòng người vì thế nhà thơ đã khép lại chữ tình của mình vớ hai câu:
Mai về hẹn nhé miền xa
Krông Bông hương quyện trong ta với mình
Bài thơ Nơi anh đến của nhà thơ Lê Đình Liệu thể hiện tâm trạng của người lần đầu tiên đặt chân đến Krông Bông và ngỡ ngàng… nhà thơ ngỡ ngàng vì tưởng vùng đất nơi xa xôi này sẽ là vùng hoang vu:
Em đừng nói nơi em vùng sâu
Ngày anh đến sẽ gần hơn nữa
Nhưng khi đến rồi mới ngỡ ngàng vì sự đổi thay ngoài cả sức tưởng tượng:
Vùng du lịch đang biến quê thành phố
Đất dậy rồi không cho đất nghỉ để mùa lên
Vùng rừng núi khi xưa, chiến tranh ác liệt, bom đạn cày xới từng tấc đất của những cánh rừng hoang vu… hôm nay dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc sống người dân thay đổi, vùng quê nghèo như được khoác áo mới, làm người đến ngỡ ngàng và tự hào về đổi thay một vùng đất để khi ra đi phải thốt lên:
Xin mang đi theo hẹn ngày trở lại
Tạm biệt nhé những chàng trai cô gái
Quê hương mình mãi mãi mùa xuân.
- Về Văn xuôi: Với thể loại văn xuôi luôn phải cần nhiều thời gian không những để thâm nhập thực tế lấy tư liệu mà khi hoàn thành tác phẩm cũng phải cần rất nhiều thời gian, công sức; nhưng với sự nhiệt tình và lòng say mê vùng đất chiến khu xưa, các nhà văn đã cố gắng hết mình hoàn thành bước đầu một số lượng lớn tác phẩm.
+ Tiếp nối thành công của tập tiểu thuyết Từ sông Krông Bông, nhà văn Trúc Hoài trở lại chiến trường xưa, nơi có những năm tháng gian khổ trong cuộc chiến tranh chống Mĩ ác liệt đã đồng cam cộng khổ với đồng chí đồng bào, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng – vùng H9 trước sự càn quyét của kẻ thù; với mong muốn có thêm một cuốn tiểu thuyết mới tái hiện lại cuộc chiến tranh cách mạng. Trong cuộc chiến tranh khốc liệt ấy thì Gia đình - tế bào của xã hội sẽ tồn tại như thế nào… tại Trại lần này nhà văn đã bắt tay vào viết những chương đầu tiên của tập tiểu thuyết Số phận gia đình nhằm đề cập vấn đề rất nhân văn của cuộc chiến. Chúng ta mong và chúc nhà văn Trúc Hoài sớm hoàn thành tác phẩm của mình, giới thiệu với bạn đọc cả nước.
+ Bám sát cuộc sống, phát hiện ra cái đẹp của cuộc sống, qua đó hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ; đó cũng chính là bút pháp nghệ thuật của các tác phẩm ký được sáng tác tại trại lần này. Tác phẩm Một bên núi - một bên sông của nhà văn Nguyễn Hoàng Thu đề cập đến sự đổi mới cuộc sống của đời sống nhân dân trên địa bàn huyện nhà, đan xen với những hồi ức một thời “gian lao mà anh dũng” của vùng đất anh hùng để khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng ta trong công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà cũng như công cuộc xây dựng cuộc sống mới trên vùng đất non nước hữu tình này.
Tác phẩm Bên thác Đăk Tua của nhà thơ Lê Đình Liệu nhằm tái hiện lại những hình ảnh cán bộ, chiến sỹ và nhân dân vùng H9 kiên cường sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cách mạng, bảo vệ cán bộ, bảo vệ từng tấc đất của vùng giải phóng khi xưa và những thành quả bước đầu của công cuộc xây dựng nông thôn mới ở vùng căn cứ cách mạng hôm nay.
Tác phẩm Trở lại Cư Pui của nhà văn Hồng Chiến đề cấp đến những đổi thay trên vùng căn cứ cách mạng cũng như trăn trở của người cầm bút với vấn đề thực trạng hiện nay trong công tác bảo tồn và phát huy truyền thống cách mạng thông qua các di tích lịch sử. Làm thế nào và cần biện pháp gì để các di tích lịch sử phát huy được tác dụng, góp phần quảng bá du lịch, nâng cao mức sống cho người dân căn cứ kháng chiến ngày xưa và của vùng đất hôm nay.
Truyện ngắn Chuyện lạ Chư Yang Sin của nhà văn Hồng Chiến mang đến cho bạn đọc sự tò mò huyền bí đến kỳ diệu của rừng Chư Yang Sin, nơi đây còn ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu chưa được khám phá và thiên nhiên nơi đây tuy khắc nghiệt nhưng luôn ưu ái con người nếu con người biết bảo vệ thiên nhiên. Truyện ngắn là một bức thông điệp gửi đến mọi người: Rừng Chư Yang Sin rất giàu và đẹp luôn mang lại điều tốt lành cho con người nếu chúng ta chung tay bảo vệ.
Với sự quan tâm sâu sắc lãnh đạo huyện nhà, đặc biệt là các đồng chí cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phòng VHTT huyện và sự nhiệt tình tham gia của các VNS, Trại sáng tác VHNT huyện Krông Bông năm 2015 đã thành công tốt đẹp. Thành công này, khẳng định dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ và chính quyền các cấp ở địa phương, sự tin tưởng và ủng hộ của đại đa số nhân dân sinh sống trên địa bàn huyện đã đưa vùng đất H9 khi xưa và huyện Krông Bông hôm nay có những bước thay đổi vượt bậc, đời sống nhân dân được nâng cao; khẳng định sự ưu việt của chế độ, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; chính những điều này đã đốt lên ngọn lửa trong trái tim VNS để họ cảm nhận và sáng tác. Những tác phẩm VHNT tuy ở nhiều thể loại khác nhau, nhưng đã phản ánh được đặc trưng của một vùng đất đang ngày một trù phú.

Chúng ta hy tác phẩm hoàn thành và công bố tại trại hôm nay chỉ mới là bước đầu, chúng ta hy vọng sau khi trở về các VNS tiếp tục sử dụng tài liệu thu thập được để có thêm nhiều tác phẩm mới, góp phần quảng bá cho vùng đất chiến khu anh hùng H9 – Krông Bông được nhiều người biết đến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI