Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 277- tác giả TRẦN BĂNG KHUÊ





ĐÁNH DẤU
Truyện ngắn


Anh xịu mặt. Chân anh bối rối, chẳng biết nên đi hay dừng. Anh đứng trân trân nhìn những hàng cây. Chúng vừa bị đánh dấu. Lòng anh cờn cợn về giấc mơ tối qua. Chúng ám ảnh. Những hàng cây nối dài trên phố giữ gìn cho anh từng góc nhớ. Mối tình đầu bện trong mùi hoa sữa nồng nàn và day dứt. Tháng năm xưa trằn trỗi trong lồng ngực. Anh nhớ những mùa hè của trẻ con cùng phố. Ánh mắt thất thần khi mẹ tiễn bố ra khỏi ngõ nhà quen thuộc. Có ai ngơ ngẩn vì điều đó giống anh không? 
Mười năm dài, anh ròng rã chơi trò đuổi bắt những giấc mơ qua cái đít chai đến khù khờ. Anh về. Những hàng cây, sau mùa xuân, chưa kịp xanh thẫm màu lá non. Người ta vẽ những xù xì của nước sơn còn dính bệt trên thân cây. Một dấu X vàng to đùng, nằm trong vòng tròn đỏ. Anh nhíu mày nhìn lên bầu trời đầy mây trắng. Hình như có một lỗ thủng. Chúng gom nắng mùa hè rọi thẳng vào mắt anh. Chói lóa. Đau nhức. Gió lặng. Và chết đứng như anh vậy. Anh nhớ nàng. 
Nàng lấy chồng. Nàng làm mẹ. Đứa bé giống hệt nàng. Ở đôi mắt. Buồn như vệt nắng chiều rơi xuống bờ sông, khi anh vòng tay ôm chặt lấy nàng lần cuối. Cây bằng lăng, cây xà cừ chết lặng. Cây hoa sữa, sấu già rũ bóng nghẹn ngào cho đôi tình nhân gần mười năm mưa nắng đi về. Nàng thảng thốt giật mình khi nghe tiếng gió hú dưới sông. Anh đi đã gần mười năm. Con bạn nàng thỉnh thoảng gào lên: "Mày buông bỏ bớt cho nhẹ gánh. Yêu chỉ là một trạng thái tình cảm có giai đoạn, có bắt đầu và có kết thúc". Nàng so vai gầy. Rưng rưng hai khóe mắt.
Sáng nay, nàng đến cơ quan sớm. Một vài đồng nghiệp thở dài đánh thượt. Nàng hỏi. Họ bâng quơ trả lời. “sắp chết”. Nàng vặn vẹo: “Cái gì sắp chết?”
- “Cây. Những dấu nhân. Vòng tròn đỏ. Vài cái máy cưa rè rè quật đổ cả gốc vào ban đêm. Sáng ra, chỉ còn trơ rễ với đất. Xót lắm!”. Nàng nghiêng người qua cửa sổ tầng hai của văn phòng. Hàng cây phía dưới vẫn còn. Nhưng, lá và cành ngả nghiêng, héo quắt. Nàng chợt nghĩ đến cây hoa sữa của mình. Liệu chúng có bị đánh dấu? 
Anh không dám tự ý gặp nàng khi trở về. Ít ra đó là điều duy nhất anh muốn được gìn giữ. Chắc nàng cũng thế. Có lần, anh thấy nàng vụt qua trước mắt. Mảnh mai như sương. Mỏng tang hơi nước. Anh sợ cái cảm giác vồ vập từng nhịp đập trong tim mình sẽ đánh bật hết những kìm nén. Hóa ra anh vẫn còn yêu, vẫn cô đơn đến lạc lõng giữa mê lộ cuộc đời mỗi lần dừng chân trước góc đường này. Anh bỗng thèm được làm cha, thèm nghe tiếng trẻ con bi bô gọi bố. Anh lần tìm đến cây hoa sữa ngay cuối ngõ, rẽ sang một ngã tư nữa. Nhà nàng ở đó. Trên thân cây có một dấu x nhỏ. Người ta vẫn thường gửi cho nhau nụ hôn hờ hững bằng cách vẽ một chữ x, và n chữ x. Anh cũng chơi trò này. Những lá thư viết tay của anh và nàng nằm im trong hộp kín. Anh khóa chặt. Xót xa. Câm lặng.
Mẹ anh đi ra đi vào, cán chổi trên tay bà vung lên rồi hạ xuống. Chẳng nhát nào quét được mấy cụm lá khô rụng lác đác trên sân. Thỉnh thoảng bà lẩm bẩm nói chuyện một mình. Anh nghe loáng thoáng hình như là ca cẩm về điều gì đó. Anh quay sang hỏi. Giọng mẹ vẫn thì thào như tiếng gió mùa đông, bị bão giông át mất. Anh nhớ, mẹ thương cây và chăm cây mát tay lắm. Mấy cây non trước vỉa hè nhà anh xõa bóng trên mái, xuống mặt đường. Cái ngõ bỗng dưng thành nơi để anh tụ họp đám bạn cùng phố. Dưới gốc cây. Thân của nó chắc mười vòng ôm trong đôi tay bé xíu lúc ấy cũng chẳng xuể. Mẹ thường nhắc nhở, nghiêm khắc. Cấm chúng bay vặt lá, bẻ cành, trèo cây.
Năm anh hai mươi bảy tuổi. Nàng gửi thiệp mời cưới. Lòng anh rối bời. Chưa hết mùa xuân. Bố anh lên viện K, rồi mất sau vài tháng đau đớn. Mẹ nước mắt ngắn, nước mắt dài buộc mảnh vải nhỏ màu trắng lên thân cây trước nhà. Anh không khóc được. Bố ít khi ngó ngàng đến cây cối ngoài đường sá. Nhưng, bố lại hay nhìn lén rồi cười mỉm mỗi lần thấy mẹ quét nhà, trò chuyện với cây. Anh thì mơ về điều khác. Hình như nàng cũng có những khoảnh khắc như mẹ. Anh yêu. Bố chẳng còn. Mẹ vẫn thường nói chuyện một mình với cây. Nhà có thêm chú chó. Anh đi. Mẹ làm bạn với cây và chó.
Mùa nắng đổ. Mặt trời rực rỡ. Váng vất. Rập rình trên những nóc nhà, ngõ phố. Đường vẫn chật ních hơi người. Anh chỉ thấy sự trống rỗng bao quanh. Mẹ chẳng thèm bước chân ra khỏi ngõ. Chiếc máy may cũ mèm rền rền từng khoảnh khắc như muốn nối lại đường chỉ đã bị đứt. Mẹ vẽ chữ x trên mép vải. Đánh dấu chỗ sẽ lia đường kéo lên đó. Cắt rời. Anh nghĩ về hàng cây trên con đường lớn ven sông. Chúng đều được đánh x hàng loạt. Cây chết dần trong đêm. Anh nơm nớp nghĩ ngợi. Có khi nào cây hoa sữa của anh và nàng cũng đã bị người ta khoanh tròn, đánh dấu?
Hàng cây khúm núm trước mặt anh. Nàng đã hai đứa con. Anh chưa vợ. Hồi ấy, nàng bảo: “Nếu duyên không thành thì xóa dấu vết trên thân cây này đi nhé”. Anh cười khì khì. “Làm gì có chuyện đó. Chúng mình tự đánh dấu x vào tim nhau rồi.”. Nàng nhăn mặt, chun mũi hít hà. Đêm. Hoa sữa nồng nhất. Ngày. Mùi của nắng. Hơi người ngập ngụa. Át hết. Anh nhìn thấy một dấu x nhỏ được rạch bằng lưỡi dao bén ngọt. Vỏ cây xù xì, gồ ghề. Hơn mười năm. Nó vẫn còn ở đó. Cái vết ấy hóa thành sẹo lồi. Anh cười nhạt. Kiếp người xứ này cũng vậy. Tất cả đều bị đánh dấu. Như cây. 
Anh vặn khóa. Nhấn ga. Tiếng máy nổ không còn giòn và đều nữa. Khói nghẹn. Phố rỗng. Con đường rẽ thành bốn ngã. Chéo nhau. Hình chữ x. Ngay tuyến chính. Anh nhớ tiếng đạp máy may của mẹ. Những bình yên bao giờ cũng nằm trên một nốt lặng và đợi anh trở về.






Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

NHÀ MỚI CỦA CON GÁI.






GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 277 - tác giả ĐÀO MẠNH LONG





MẸ LÊN THÀNH PHỐ

Tản văn
  

Mẹ lên thành phố thăm tôi. Tôi đón mẹ ở bến xe. Mẹ mặc chiếc áo hoa trắng điểm xanh mà tôi mua cho mẹ bằng món tiền nhuận bút đầu tiên từ mấy năm trước. Tôi còn nhớ như in mẹ ướm thử rồi bảo: “Suốt ngày lấm lem bùn đất ngoài đồng mặc áo mới sao được!”. Mẹ gấp chiếc áo cẩn thận bỏ vào túi nilon cất trong tủ có dịp đi đâu xa mới đem ra mặc. Loẹt quẹt đôi dép lê, mẹ khệ nệ một tay ôm nửa bao gạo, tay kia xách chiếc làn mây đầy ắp đồ. Lỉnh kỉnh, nào là chai nước mắm, gói bột canh, bột ngọt, cân đường, dăm ba quả chanh, mấy quả ớt, bó rau muống mẹ dậy từ sáng sớm hái từ mảnh vườn nhỏ bên cạnh bờ ao, mớ tôm rang muối gói trong mảnh lá chuối – món mà con thích ăn nhất,… Mẹ bảo: “Đồ ăn trên thành phố vừa đắt mà không an toàn, đây là rau mẹ trồng còn mớ tôm dì con đánh dậm được đem cho”.
Mẹ kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện ở quê, nào là chuyện thuốc lào mất giá, cả vụ bán được năm sáu triệu, nào là chuyện cây khế cạnh bờ tường hoa quả sai trĩu, ai đến chơi đều khen, nào là con mèo tam thể đẻ được ba con mà chẳng hiểu sao con nào con nấy lông đen nhẻm, chắc là chúng giống mèo bố,... Rồi mẹ kể chuyện thằng bé hàng xóm thường sang giúp mẹ mấy việc lặt vặt, bố nó bị ngã giàn giáo mất từ hồi nó mới mấy tháng tuổi, mẹ nó đi làm giúp việc cho một gia đình tận làng bên từ sáng sớm đến tối mịt, thằng bé lên chín lên mười mà tự làm mọi việc trong nhà từ nấu nướng, dọn dẹp, giặt quần áo... Mẹ thỉnh thoảng cho nó bát canh, khúc cá rán hay mấy miếng thịt kho. Bố đi làm ăn xa, tôi đi trọ học ở thành phố, nhà còn một mình mẹ may có thằng bé hàng xóm cũng đỡ cô quạnh. Tôi ngồi sát bên mẹ, nắm chặt lấy bàn tay gân guốc, thô ráp của mẹ và mẹ cũng siết chặt lấy tay tôi. Vừa ngồi nghỉ được một lúc mẹ đứng dậy dọn dẹp căn phòng trọ của tôi.  Rồi mẹ quét sạch tinh tươm hành lang khu trọ mà thường ngày chẳng có ai thèm ngó ngàng tới. Tính mẹ là thế, ở quê cứ luôn chân luôn tay nên ngồi không một chút là không chịu được. Hai mẹ con ngồi ăn cơm với nồi canh mướp nấu lõng bõng nước, mớ tôm rang muối mẹ mang từ quê. Tôi và miếng cơm mà cứ nghèn nghẹn ở cổ họng. Bữa cơm ấm cúng ở nơi đất khách quê người. Lòng tôi chợt thấy ấm áp lạ. Mọi ngày tôi đi học rồi đi làm thêm đến khi những ô cửa sổ vuông vuông trên những tòa nhà cao lênh khênh bật sáng mới lóc cóc về phòng trọ, ăn tạm gói mì hay cái bánh mì cho qua bữa.
Tôi đi học, mẹ loanh quanh trong căn phòng trọ chật hẹp mười mấy mét vuông rồi bắc ghế ra tựa cửa nhìn dòng xe cộ như mắc cửi trên con đường phía trước mặt. Hôm sau mẹ vội vã về quê vì mẹ lo cho đàn gà ở nhà bị bỏ đói và vườn rau héo không có ai tưới rồi còn công việc đồng áng đang bước vào mùa vụ. Bảo rằng sẽ đưa mẹ đi chỗ này chỗ kia cho mẹ biết thành phố mà chẳng được. Cả cuộc đời chân lấm tay bùn sau lũy tre làng mẹ có biết thành phố là gì đâu! Mẹ giúi vào tay tôi một trăm nghìn rồi bảo: “Mẹ cho thêm mấy đồng để mua sữa uống nhé, dạo này mày gầy quá… Cứ cầm lấy, ở quê rau cháo mẹ cũng sống được, mày một thân một mình trên thành phố những lúc túng thiếu biết trông cậy vào ai!” Mẹ dặn dò tôi đủ thứ từ chuyện học hành đến miếng ăn giấc ngủ. Tôi đưa mẹ lên xe khách tìm ghế ngồi, đặt chiếc làn mây dưới gầm ghế, đưa mẹ mấy chiếc bánh mỳ mua ở cổng bến xe về làm quà. “Mẹ về đến nhà nhớ gọi điện báo cho con nhé, hôm nào được nghỉ học con về thăm mẹ!”. Đứng nhìn theo chiếc xe khách khuất bóng vào dòng người tấp nập, cơn gió heo may se sẽ len lỏi vào lòng.










Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 277 - tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO




 Tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO

MẶT NẠ DIỆU KỲ
Truyện ngắn


Gã dò đường bằng gậy, cố xốc lại ba lô nặng trên vai, nhìn bốn bên để tìm mặt trời nhưng gã bất lực. Gã chính thức bị lạc đoàn, điện thoại mất sóng. Dưới chân gã xào xạc lá khô, êm êm cỏ dại, trượt chân, ào! Gã rơi! Rơi trong cái hố sâu đen ngòm, rơi nhanh cho tới khi không thở được, gã bất tỉnh.
Trước mặt gã là mặt trời, là bãi biển, là nhà cửa. Gã bật cười, hóa ra con đường trở về chỉ là đi qua một hố sâu, vậy mà gã chưa từng biết rằng trước đây chỗ đó có con đường tắt như thế. Gã bật điện thoại lên, may quá, sóng đầy, nhưng chưa kịp bấm vào danh bạ thì điện thoại báo hết pin rồi tắt ngóm. Gã chống gậy đứng lên, đi vào trong làng, trước tiên là tìm cái gì bỏ vào bụng, sau đó tìm chỗ sạc pin để xem “đồng bọn” đang ăn chơi đàn đúm chỗ nào, hay lại tá hỏa đi tìm gã, cần cho họ biết gã đã an toàn.
Khu chợ nằm ở ngay đầu làng, đông đúc và nhộn nhịp, rất ngạc nhiên ở khu chợ này, nơi nhộn nhịp nhất, giàu có nhất chính là những gian hàng bán mặt nạ. Gã thầm nghĩ, có lẽ dân ở đây họ chơi trò hóa trang quanh năm. Trong khi nơi gã ở, thì những cửa hàng thời trang mới chiếm ưu thế. Gã loanh quanh chọn cho mình vài cái làm kỷ niệm. Nhưng sực nhớ là mình đang đói, gã đi tìm hàng ăn, những người xung quanh gã đều có những gương mặt hoặc là vui, hoặc là buồn, hoặc giận dữ, và họ giữ nguyên những trạng thái đó trong suốt quá trình quan sát của gã, tới khi gã nhận ra họ đều đeo mặt nạ thì gã mới thôi thắc mắc. Từ già trẻ bé con gì cũng mang mặt nạ, xung quanh đây, độc nhất chỉ có gã là không đeo, nên gương mặt gã chuyển đổi rất nhiều trạng thái.
Gã chặn hỏi một người đàn ông
- Anh ơi, xin lỗi, tôi muốn tìm một nơi để ăn!
Người đàn ông có gương mặt cười chỉ tay cho gã đi về phía cuối chợ. Gã rối rít cảm ơn và đi, gã đi qua nhiều cửa hàng bán mặt nạ, qua những cửa hàng giày dép hiếm hoi, gã ngơ ngác chẳng thấy cửa hàng ăn nào, gã lại hỏi một người đàn ông có gương mặt buồn đang ngồi ủ rũ ở góc chợ, người đàn ông chỉ tay cho gã về phía nhà vệ sinh.
- Tôi tìm hàng ăn, xin lỗi ông, chứ không phải nhà vệ sinh!
Gã đàn ông vẫn không nói gì, chỉ thẳng tay vào nhà vệ sinh. Gã bất lực không muốn giải thích, đúng là ông già điên, không nên đôi co với người điên, dù bây giờ gã đang rất đói. Thôi thì gã tự đi tìm. Gã đi thêm một vòng nửa thì ngửi thấy mùi thức ăn, gã bỗng bật cười, quái nào mà nguyên khu chợ không ai chỉ được cho mình quầy thức ăn, gã đánh hơi cái mùi thức ăn đó ở đâu rồi đi theo như con chó được huấn luyện tìm đồ bị mất vậy.
Trong quán ăn, từ chủ quán tới nhân viên cũng đeo mặt nạ, gã bắt đầu thấy chán, tiếp xúc với những con người bằng xương bằng thịt mà gã thấy như mình đang tiếp xúc với robot, với những cỗ máy được lập trình sẵn. Gã vẫn thích những cô gái chàng trai phục vụ nhoẻn miệng cười hỏi gã muốn ăn gì khi gã từng vào nhiều quán trước đây. Bây giờ, tới cả một câu đùa gã cũng không dám hỏi, ăn thế này thì ngon lành gì, nhưng bụng đang đói, gã mặc kệ và gọi đại món mì xào thịt bò bằng cách chỉ vào hình trên thực đơn mà gã phục vụ vừa đưa ra.
Gã ôm thóp bụng vì cơn đói cồn cào, còn gã phục vụ vẫn chậm rãi với mặt nạ không biểu lộ cảm xúc gì, cứ thộn ra khiến người khác rất bực mình. Thế quái nào cứ biểu lộ ra thế ấy, sống thế này thì sống làm gì khi không biết người đối diện mình có cảm xúc ra sao sau lớp mặt nạ ấy. Món ăn của gã được bưng ra, đặt mạnh lên bàn khiến gã giật mình thối lui, tên phục vụ gập người cung kính mời gã ăn. Gã hoảng sợ gật đầu, rón rén cầm đũa lên ăn. Đúng là kỳ lạ, quán to thế này mà phục vụ chả ra làm sao. Tới khi tính tiền, với một đĩa mì xào to đùng với thịt bò chỉ có mười lăm ngàn đồng, bất giác gã cười và thốt lên “ôi, rẻ thế!”. Ngay lập tức có hai bảo vệ chặn ngang gã, giật ví gã và lấy đúng mười lăm ngàn rồi trả ví lại. Mọi người nhìn gã, hình như họ tức giận, gã thấy có vài người chống nạnh, gã đoán thế.
Ra khỏi quán trong tư thế người vừa thoát chết, gã hoang mang, không biết mình chỉ đơn giản lạc vào một lễ hội hay là lạc vào một xứ sở nào khác cái xứ sở gã đang sống. Một thằng bé trắng trẻo, dễ thương đứng nhìn gã, rồi nó nói:
- Sao chú không đeo mặt nạ?
- Tại sao phải đeo?
Giờ thì gã thấy thằng bé không có mặt nạ, nó biết cười, biết nheo mắt
- Ở đây ai cũng đeo để chứng tỏ họ hiểu biết và trưởng thành!
- Hiểu biết và trưởng thành? – gã bật cười, xoa đầu thằng bé – Ai nói với cháu như thế?
- Cả nhà cháu ai cũng có mặt nạ, nhưng họ bảo cháu chưa đủ tuổi, cháu đang chờ đến ngày được mang mặt nạ đó lên mặt!
Thì ra là vậy, những con người gã đã thấy đều là những người đã “hiểu biết và trưởng thành”, giờ thì gã hiểu rồi, đó chỉ là phong tục, nhưng cái dân tộc nào mà lạ thế không biết, gã cũng từng đi du lịch nhiều, từng đọc sách nhiều, gã chưa nghe về cái này bao giờ. Nhưng rồi gã lại thắc mắc, tất nhiên mang thắc mắc ra hỏi một thằng bé thì cũng không hi vọng mang lại nhiều kết quả, nhưng gã biết hỏi ai đây trong khi chẳng ai thèm nói với gã một câu.
- Này cháu, ta hỏi chút, khi nãy ta tìm một hàng ăn, nhưng có cái lão điên cuối chợ chỉ ta cái nhà vệ sinh, rồi ta vào hàng ăn, ta khen họ bán rẻ thì họ tức giận… ta làm gì sai sao?
Thằng bé vuốt vuốt cái mũi cao của nó, nhìn gã rồi cười:
- Những người đã được đeo mặt nạ, thì không được phép nói thật và nói đúng những gì mình nhìn thấy hay cảm nhận, mà phải nói ngược lại.
- A! – Gã bật thốt lên một tiếng như có ai đánh vào gáy gã, thì ra là thế - Mà này cháu bé, cháu phải học gì để trưởng thành?
Thằng bé chỉ cười rồi chạy vút đi. Quả là thú vị, trong chuyến phượt lần này gã đã đến một nơi mà không ai dự tính trước, phải rồi, “đồng bọn” gã đang ở đâu nhỉ? Gã lang thang đi tìm chỗ để cắm sạc điện thoại. Gã bắt đầu thấy đau đầu khi nhớ lời thằng bé, nếu xin sạc điện thoại mà phải nói ngược lại người ta mới hiểu thì phải nói là gì? “Điện thoại của tôi đầy pin, tôi cần sạc à?” Ôi, điên mất thôi! Mà phải mở lời làm sao khi quanh đây, chẳng nghe nổi một tiếng người, ai cũng lầm lũi làm công việc của mình và mang những gương mặt cố định.
Gã lại đi lang thang, vừa ra khỏi rìa của khu chợ thì gã thấy người ta bắt đầu bu đen bu đỏ, người mỗi lúc một đông, những người bạn của gã, “đồng bọn” của gã đang co rúm vì sợ hãi, người ta đang dồn họ vào chính giữa bằng vòng vây của những chiếc mặt nạ gớm ghiếc. Nghe có tiếng ai đó hô “ném!”, những chiếc mặt nạ bắt đầu nhặt đá, những viên đá cuội dưới đường ném vào những người bạn của gã, họ ào ào ném vào những con người tội nghiệp đang không biết mình đã phạm phải lỗi gì. Gã xông vào giữa vòng vây người, chỉ như phản xạ tự nhiên, gã muốn bảo vệ họ. Nhưng đám đông không ngớt hung hăng, đứng ở giữa, gã kịp nhìn thấy nhiều gương mặt đã tháo mặt nạ muôn màu ra, họ quen, rất quen mà trong lúc hoảng loạn gã không kịp nhớ mình đã gặp khi nào.
Gã chịu không ít đá họ ném vào, mặt đường sạch bóng những viên đá to nhỏ, đám đông tháo hết mặt nạ ra, dùng tay chỉ trỏ và dùng những lời thô tục ném vào họ. Mỗi người khi ném vào họ một câu chửi rủa và những viên đá thì trên mặt họ mặt nạ tự nhiên được chuyển đổi, dần dần đám đông đều mang một mặt nạ giống nhau, không phải giận dữ như khi họ muốn giết nhóm bạn của gã, họ đều mang mặt nạ của các thánh nhân.
Những “thánh nhân” bắt đầu lục tục rời đi sau khi gã sực nhớ trong ba lô mình có vài cái mặt nạ mới mua, đưa cho những người bạn gã đeo vào. Gã chợt hiểu rằng, ở trong một cộng đồng giống nhau, mình mình khác biệt thì chắc chắn sẽ chết vì đá và nguyền rủa.
Nhóm phượt của gã ê ẩm nhìn nhau, rồi tự dưng bật cười khi thấy những gương mặt khác, ai đó trong họ lên tiếng “nhàm chán quá!”, rồi mọi người cùng ồ lên một cách phấn khích “nhàm chán quá! Nhàm chán quá!”. Ôi cái mặt nạ kỳ diệu làm sao!

Buôn Hồ, tháng 7.2015


Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

ĐIỀU KHÓ NÓI



Truyện ngắn của HỒNG CHIẾN
 TẶNG CÁC CHÁU NHÂN DỊP TẾT TRUNG THU  NĂM CON DÊ - 2015

Mặt trời leo qua đỉnh núi Mẹ Bồng Con một đoạn dài, ném xuống buôn những hơi thở ấm áp của buổi sáng. Dân buôn M’Lai và buôn Tai hôm nay bồng bế nhau, rồng rắn kéo đến khu đất trống dưới chân núi Cư Bukso, cạnh suối Ya Brô chứng kiến cuộc đua tài thi bắt cá giữa hai buôn. Không biết tục lệ này có từ bao đời nay, hàng năm cứ đến những ngày cuối cùng của mùa khô Tây Nguyên, khi công việc trên ruộng rẫy đã xong xuôi, già làng hai buôn M’Lai và buôn Tai lại gặp nhau định ngày tổ chức thi. Thành phần tham gia được thống nhất như sau: mỗi buôn cử ra một đội gồm: hai cặp nam nữ trung niên đã có gia đình, hai cặp thanh niên và một thiếu niên tham gia cuộc thi. Những người được chọn đại diện cho buôn tham dự cuộc thi, phải là những người khỏe mạnh, nhanh nhẹn và đặc biệt khéo tay, giỏi bắt cá; vì thế ai được chọn đều hãnh diện lắm.
Năm nay trong đội buôn Tai có H’Dung, con út già làng đang học lớp 8 trường nội trú huyện, vinh dự đứng đầu hàng đối diện với đội buôn M’Lai cũng có chín người; người đứng đầu hàng là Y Khoa bạn học cùng lớp với H’Dung. Y Khoa tóc quăn, người cao lêu khêu nhưng đá bóng khá lắm. Nhìn cái mặt vênh vênh của Y Khoa, H’Dung thấy ấm ức trong bụng, tự hứa với chính mình: hắn làm lớp phó phụ trách Văn Thể hay ăn hiếp cánh con gái, lần này mình phải thắng, thắng thật oanh liệt cho hắn ta bớt vênh váo.
 Sau khi hai đội chiêng của hai buôn cùng tấu bài Cảm ơn Yang cho mưa thuận gió hòa, con người và loài vật mạnh khỏe, nay xin Yang suối Ya Brô cho được tổ chức cuộc thi bắt cá làm sản vật tạ ơn các Yang. Ông thầy cúng lẩm bẩm khấn vái, vảy nước bốn phía xong hai đội thi đấu cúi đầu chào nhau. Buôn M’Lai năm nay bắt được lá thăm may mắn đứng phía đầu suối, còn buôn Tai đứng phía cuối dòng. Tham gia tranh tài cánh đàn ông ai cũng đóng khố mới, khoe tấm lưng sạm nắng gió như đồng hun; cánh phụ nữ cũng diện yeng mới như đi dạ hội, trên tấm lưng trần đeo chiếc gùi mây lớn để đựng cá.
Điểm được chọn tổ chức cuộc thi hàng năm là vụng suối đoạn chảy qua gần hai buôn. Nhờ Yang ban phước cho vùng đất này nên khi suối chảy đến ranh giới của hai buôn tự nhiên phình bụng to ra tạo thành một cái vụng, quanh năm không bao giờ cạn nước. Vụng suối này dài gần bốn chục sải tay, chỗ rộng nhất năm sải tay, nơi nước sâu nhất hơn sải tay. Cuối mùa khô suối cạn dần, cá các nơi dồn vào vụng. Buổi chiều trước ngày tổ chức thi, thanh niên hai buôn ra đàn hát, khơi dòng cho nước chảy bớt đi, chỗ nào sâu nhất chỉ còn khoảng sáu gang tay.
Tung… tung… tung! Dứt ba hồi trống, hai đội đặt vội gùi xuống bãi cát rồi lao xuống suối trổ tài… tay không bắt cá. Họ nháo nhào lội ngược lội xuôi làm khúc suối đục ngầu, cá chạy loạn xạ, nhiều con thúc cả vào chân, nhảy lên lao cả vào ngực. Mấy người trung niên mò sát bờ khe bắt cá không vảy rúc vào, cánh thanh niên háo hức quần nhau nơi giữa suối bắt những con cá quả lớn. Cá bắt được ném lên bờ để nhặt bỏ vào gùi. Y Khoa thấy lũ cá trắng to bằng hai, ba ngón tay nổi lên nhiều, bắt ném mỏi tay quá liền chạy lên bờ lấy gùi đeo vào lưng xuống bắt cho nhanh; H’Dung nhìn thấy vậy cũng làm theo, lúc gùi nặng quá, chạy lên bờ đổ rồi xuống bắt tiếp. Hơn một tiếng sau, số cá trắng sặc nước bùn thò đầu lên thở bị tóm hết, mọi người đua nhau bắt các con cá đen như: trê, quả…    
Trên bờ, tiếng chiêng, tiếng trống thi nhau gõ, tiếng người lớn, trẻ em hò hét động viên vang động cả góc trời làm những người tham gia cuộc thi càng hăng say hơn. Y Khoa mặt vẫn tỉnh khô, nhanh tay tóm cá ném vào gùi hình như không nhìn thấy H’Dung. H’Dung ức lắm nên quyết phải nhanh tay cùng góp sức bắt cho được nhiều hơn. Mấy anh chị thanh niên thỉnh thoảng lại cười ré lên khi bắt được cá to hay vô tình nắm được tay nhau dưới nước. Y Khoa vẫn chăm chỉ bắt không thèm nhìn ai cả, bổng hét toáng lên:
-A, tóm được rồi!
Hét lên xong Y Khoa ngồi xuống nước ngập đến cổ, ngập luôn chiếc gùi, bao nhiêu cá bắt được bơi ra hết; rồi gồng mình, từ từ đứng lên ôm theo một tảng đá lớn bước vội lên bờ. Mọi người nhìn theo, ngạc nhiên, chưa hiểu vì sao thì thấy Y Khoa cố hết sức lẳng hòn đá lên bãi cát. Mọi người ồ cả lên ngạc nhiên khi thấy hòn đá to như chiếc chiêng, thò đầu, đuôi, chân ra bơi bơi trong không khí. Ai đó kêu lên:
-Rùa, ôi con rùa to quá!
Nhiều người chạy lại xem, Y Khoa được thể cái mặt càng vênh lên như đã cầm giải nhất rồi ấy, trông ức quá; H’Dung nghĩ bụng: mình phải tóm được con cá to chứ không thèm nhặt “hòn đá” như thế. Nhưng làm thế nào để bắt được cá to khi chúng còn khỏe và bơi nhanh lắm? A, phải làm thế này mới được, trong đầu H’Dung nảy ra một ý nghĩ táo bạo vội ngồi xuống cho nước ngập đến cổ rồi từ từ đứng lên; mỗi lần như vậy lại lôi lên bờ một con cá quả lớn, làm mọi người ngạc nhiên, khen ngợi. Mọi người trong cuộc thi đều đổ dồn hết cả mắt lại xem H’Dung biễu diễn bắt cá một cách thần kỳ. Khuôn mặt vênh vênh của Y Khoa đã biến mất, nhường cho khuôn mặt đỏ gay như say rượu và cũng bắt chước ngồi xuống, quờ tay xung quanh để bắt, nhưng toàn vớ được những con nhỏ làm cặp mắt như muốn nhảy ra ngoài.    
Sau hơn hai tiếng thi tài, già làng hai buôn quyết định ngưng tiếng chiêng, tiếng trống, hai đội lên bờ và phân định thắng thua. Đội buôn M’Lai bắt được ít cá hơn, không có nhiều cá to nhưng tóm được con rùa nặng gần hai chục ký. Đội buôn Tai bắt được hơn chín gùi cá, trong đó có nhiều cá quả to. Già làng hai buôn hội ý chưa biết phân định thế nào, Y Khoa lên tiếng:
-Bên nào bắt được con nặng nhất, to nhất bên ấy thắng cuộc.
Người buôn M’Lai reo ầm lên, hoan hô và xúm lại định công kênh Y Khoa, người chắc sẽ được chọn giỏi nhất cuộc thi vì bắt được con to nhất. H’Dung bước lại gần hai già làng nói:
-Hôm nay hai buôn thi bắt cá, những con cá còn sống, khỏe mạnh chạy trong nước ai bắt được nhiều, có nhiều con to thì thắng; còn con rùa tuy lớn nhưng nó có bơi đâu mà không bắt được, phải không ạ!
-Phải lắm, phải lắm!
-H’Dung nói đúng quá!
Người dân buôn Tai reo ầm lên hưởng ứng. Chờ mọi người trở lại im lặng, H’Dung nói tiếp:
-Dạ, con nghĩ hôm nay hai buôn ta thi bắt cá chứ không thi bắt rùa, rùa không phải là cá nên bắt được rùa không tính, phải thả cụ rùa xuống suối lấy may thôi.
Mọi người lại reo ầm lên tán thành, hai già làng cũng nhất trí như thế. Những người trong đội tham gia thi ai cũng ướt sũng; đầu tóc, da khố, yeng bám đầy bùn nhưng đôi mắt long lanh, cái miệng tươi như hoa, trừ Y Khoa mắt cứ như đang tìm cái kim rơi dưới đất. H’Dung vui lắm, thế là ngay mai lên lớp, “hắn” sẽ bớt khinh khỉnh đi. Già làng buôn M’Lai mời già làng buôn Tai lên nhận thưởng. Giải thưởng cuộc thi năm nào cũng như nhau: bên bắt được ít cá hơn thì phải thưởng cho bên bắt được nhiều hơn một con heo năm gang (đo độ dài từ đầu đến mông), một ché rượu cần lớn (cao ngang lưng người lớn); bên bắt được nhiều cá hơn tặng lại cho bên thua một nửa số cá mình bắt được kèm theo một con gà trống, một ché rượu bé (cao ngang đầu gối người lớn); sau đó giải thưởng của hai bên góp chung lại để tổ chức liên hoan đoàn kết hai buôn. 


Buổi chiều, sau khi ông thầy cúng bày lễ tế Yang: một con gà luộc, một con cá quả nướng, một chiếc thủ heo có thêm: đuôi heo, một ít thịt và tim gan heo. Ông thầy cúng lâm rấm khấn mời các Yang về chung vui với dân hai buôn. Chiêng trống nổi lên, người dân hai buôn không kể già trẻ, lớn bé kéo về dự liên hoan, vít cần rượu và cùng thưởng thức các đặc sản chế biến từ cá. Y Khoa cũng bắt chước người lớn vít cần rượu làm mấy ngụm, một lúc sau lấy hết can đảm lại bên H’Dung nói nhỏ:
-H’Dung cho tao hỏi một câu được không?
Nhìn khuôn mặt buồn rười rượi của bạn học cùng lớp bao nhiêu bực tức bay đâu mất cả, trong lòng H’Dung chỉ còn lại sự thông cảm, không còn sự hả hê của người chiến thắng nữa, trả lời:
-Nói đi!
-Tại sao H’Dung ngồi xuống là bắt được cá to, còn mình cứ chạm vào là chúng chạy mất. Bắt cách nào giỏi thế?
Nghe hỏi, hai má H’Dung đỏ hồng cả lên, quay mặt ngó lơ chỗ khác, nói mà lời như mắc trong cổ:
-Bí mật mà!
-Không chia sẻ được à?
Y Khoa gặng hỏi thêm, H’Dung lắc đầu. Mấy anh chị thanh niên đứng gần đấy cũng quay lại vây xung quanh H’Dung gạn hỏi cách bắt cá. Ai cũng khen H’Dung giỏi, khéo tay và muốn học cách bắt cá để lần sau thi góp phần giành chiến thắng cho buôn mình. H’Dung cười ngượng nghịu:
- Bí mật mà, không nói được đâu!
Mọi người cười ồ cả lên làm H’Dung tự nhiên đỏ mặt, thầm nghĩ: Đúng là bí mật thật, ai lại đi nói ra cơ chứ… vì nói ra ngượng chết đi được. Cách bắt cá hôm nay đơn giản là dùng… yeng; khi ngồi xuống, hai tay nắm hai góc, xòe yeng ra chờ cá chạy qua đụng vào bụng thì túm yeng, nhốt luôn cá lại và… bắt. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng nói ra… ngượng chết!

Mùa thu năm 2015

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ 277 - tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN

Tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN 



TÔI BẬN LẮM!
Truyện ngắn
           


Mỗi buổi chiều về đóng cánh cửa đen thẫm sau lưng, tôi lại một mình đi. Bây giờ thì tôi thú thật, tôi hơi điên điên mỗi lúc chiều về, thật đấy. Máu lên não nhiều quá, chân bước đi trong trạng thái vô hồn. Tôi đi ra suối K'roa, đừng làm phiền tôi bằng những câu chuyện đẫm máu, tôi không thích đâu, thế gian nhiều máu quá!
Giữa lòng suối, nơi nước sâu và xanh nhất, có những phiến đá trắng được nước mài nhẵn, trơn tru nõn nà như tấm lưng sơn nữ. Chân vốn bước nhẹ như không, khi đi, bước trên những tảng đá sơn nữ, lại háo hức vô cùng. Tôi tập đi tập chạy tập bò trên những tảng đá trắng hồng nhũ phấn...
Ai gọi gì tôi đấy? Tôi không nghe nữa đâu, đang bận lắm! Tôi đang trò chuyện với đá nước nghìn năm. Những vết chân tôi như khắc như in trên đá, có hình con mắt màu xanh. Tôi bước đến đâu, những con mắt màu xanh mở ra đến đấy, đăm đắm nhìn theo. Tôi dừng lại chuyện trò như với người bạn thân hàng triệu năm gặp lại.
"Này, mắt sơn nữ màu xanh giữa làn suối trắng, mỗi lúc chiều về có buồn không?"
"Này, những tấm lưng sơn nữ trắng ngần có con mắt màu xanh, mỗi khi chiều về...?"
Tôi nghe tiếng cười giòn dưới lưng đá vọng lên, nghe cả tiếng thở dài dưới mắt đá vọng lên... Lũ cá chiều về nép mình khe khẽ không dám cựa. Chúng sợ những con mắt màu xanh thức giấc, sợ nước mắt lại nổi lên lềnh bềnh rồi trôi về bên kia núi Chư Mang...
Mỗi khi đêm về đóng cánh cửa đen sẫm sau lưng, tôi lại một mình đi. Bây giờ thì tôi thú thật, tôi hơi điên điên mỗi lúc đêm về, thật đấy. Tôi đi ra suối K'roa. Những hòn đá lưng trần thiếu nữ ban chiều bây giờ mới bắt đầu múa hát. Vui lắm! Ai bảo núi Chư Mang chỉ toàn những buồn đau. Tôi mải mê với đôi mắt sáng như bó đuốc trên đầu. Tôi gọi cánh trăng lưỡi liềm xuống chơi, gọi luôn cả muôn vàn sao sáng xuống chơi. Những thiếu nữ lưng trần mắt xanh lúng liếng dưới lòng suối hát bài hát về nữ thần Mặt Trời trong truyền thuyết. Tôi cổ vũ bằng điệu nhảy lò cò qua các tảng đá nõn nà. Bầy hươu nai ngạc nhiên quây lại xem rồi cùng nhảy nhót cho đến tận khuya, khi những vì sao mệt mỏi ngủ lăn lóc trên thảm cỏ mùa hè...
Ai gọi gì tôi đấy? Tôi không nghe nữa đâu, đang bận lắm. Tôi bận múa hát với cánh trăng cong lưỡi liềm và muôn ngàn sao sáng. Tôi ôm những thiếu nữ lưng trần mắt xanh lúng liếng da dẻ trắng phau pháu đá cuội nghìn năm. Tôi nói: "Múa hát mải mê thế này, đã gọi là vui chưa?". Tôi nói nữa: "Cả muôn vạn trăng sao tề tựu, đã gọi là thiên đường được chưa?". Tất cả hổn hển ôm lấy nhau, ngã vào nhau, đè lên nhau, mắt đè lên da, nụ cười đè lên mắt, da đè lên nụ cười, tất cả giao hoan. Khi mặt trời bắt đầu nhuộm hồng chân trời phía bên kia núi thì tất cả mệt nhoài giã biệt ...
Mỗi buổi sáng ra, không còn cánh cửa đen sẫm sau lưng, tôi lại một mình đi. Bây giờ thì tôi thú thật, tôi hơi điên điên mỗi lúc mặt trời lên, thật đấy. Tại vì máu lên não nhiều quá, mà mặt trời thì luôn luôn chói gắt. Tôi đi ra suối K'roa, đừng làm phiền tôi bằng những câu chuyện đẫm máu, tôi không thích đâu, thế gian nhiều máu quá!
Nếu ngửa mặt nhìn vào mặt trời một lúc, chúng ta cũng bị màu đỏ bàng hoàng nhuộm kín. Tôi nhìn xuống suối. Nước suối trong veo. Có đôi vợ chồng mới cưới đang lựa thóc giống để ngâm ủ chuẩn bị gieo mùa mới. Họ chào tôi bằng một nụ cười. Tôi chào họ bằng một nụ cười. Tiếng cười, cũng như hạt thóc giống, có thể nảy mầm và sinh sôi rất nhanh.Người vợ nói: "Rẫy đã phát xong, chúng ta trồng trỉa".Người chồng nói: "Cả ngàn năm nay, chưa thấy nữ thần xuống tuốt lúa với buôn làng". Tiếng cười của họ nảy mầm rất nhanh, thoáng chốc đã lan xanh cả một triền núi buổi sáng mùa hè...
Ai gọi gì tôi đấy? Tôi không nghe nữa đâu, đang bận lắm. Tôi bận rình xem tiếng cười nảy mầm, tiếng cười lên xanh và trổ bông trĩu hạt. Cùng đôi vợ chồng trẻ, tôi hí húi đào lỗ, căng dây đặt bẫy. Chúng tôi bẫy nữ thần Mặt Trời! Nếu nàng, trong một chuyến lang thang dọc núi đồi, gặp một vạt rẫy lúa chín tựa vàng mười, nàng sẽ sà xuống ngắt một bông để cắn vào miệng và bay tiếp, như loài chim k'tia. Tôi làm bẫy cò ke bằng chiếc cần cây le uốn cong, lấy cọng cỏ làm dây thong lọng.  Tôi đặt bẫy xong rồi ngồi chờ mãi, chờ mãi cho đến khi bóng nắng quá đầu. Đột nhiên bẫy bật lên, tôi mừng rỡ từ trong bụi cỏ chạy ra, đinh ninh là đã bắt được nữ thần. Hóa ra không phải, một giọt sương lang thang chui vào bẫy! Tôi tháo dây ra bảo: “Đi chơi tiếp đi, nắng lên cao rồi!”.
Nắng lên cao rồi. Những giọt sương đọng đầu ngọn lúa vẫy tay chào tạm biệt. Đôi vợ chồng trẻ đi lên đầu rẫy để đuổi chim. Tiếng kèn lá lanh lảnh cho đến khi ánh nắng gắt gao nhuộm chín cả sườn núi Chư Mang...
Mỗi buổi trưa đến, không còn cánh cửa đen sẫm nào sau lưng, tôi lại một mình đi. Bây giờ thì tôi thú thật, tôi hơi điên điên mỗi khi trưa đến, thật đấy. Tại vì máu lên não nhiều quá, mà mặt trời thì luôn luôn chói gắt. Tôi đi ra suối K'roa, đừng làm phiền tôi bằng những câu chuyện đẫm máu, tôi không thích đâu, thế gian nhiều máu quá!
Ai gọi gì tôi đấy? Tôi không nghe nữa đâu, đang bận lắm. Tôi ngụp lặn trên suối, chơi đùa với lá với hoa. Tôi khiêu vũ với mắt trời dưới lòng suối. Nữ thần Mặt Trời trong những buổi trưa vắng lặng thường xuống suối K’roa tắm, rực rỡ xiêm y và ngời ngợi thịt da. Chúng tôi liếc mắt đưa tình và chuyện trò không đầu không cuối cho đến xế chiều…
Tôi bận lắm, đừng ai gọi tôi nữa! Bây giờ thì tôi thú thật, tôi hơi điên điên mỗi lúc…






Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

THĂM THỦ ĐÔ XANH - Ghi chép của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 277 tháng 9 năm 2015




Đã cuối tháng bảy, nhưng trời vẫn đổ mưa nặng hạt. Đoạn đường hơn 30 km từ thành phố Tuyên Quang về Tân Trào nhiều quãng nước tràn qua đường như suối. Vào gần đến địa điểm dừng xe để mọi người xuống đi bộ lên khu di tích Nà Nưa, trời ngớt mưa.
Theo chân hướng dẫn viên, đoàn chúng tôi đi qua con đập dài khoảng 400m, xây dựng kiên cố: mặt đập rải thảm nhựa, thân đập gia cố bằng xi măng, tạo thành một hồ nước lớn. Mặt hồ trong xanh. Ba phía mặt hồ cây cổ thụ xanh rì soi bóng, thấp thoáng đỉnh núi cao mờ mờ trong mây. Núi nhiều và xanh thẫm, chứng tỏ khu vực này rừng được bảo quản tốt. Vượt qua con đập, trước mắt chúng tôi hiện lên chiếc bia đá khá lớn được dựng bên cạnh gốc cây cổ thụ khắc dòng chữ:
Lán Nà Nưa
Tại đây, từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ở, làm việc để chỉ đạo việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa và lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Cả đoàn mười một văn nghệ sỹ Đắk Lắk vượt trên ngàn cây số ra đây với mong muốn được tận mắt thấy vùng đất được mệnh danh là ATK Tân Trào – Thủ đô xanh của cách mạng Việt Nam thời tiền khởi nghĩa… Mảnh đất đó là đây, nơi cánh rừng này 70 năm trước Bác Hồ của chúng ta đã từng ở, làm việc và quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Ai cũng xúc động cố sờ lên tấm bia đá, sờ lên gốc đại thụ, những hiện vật ghi dấu một thời khó khăn gian khổ mà Bác của chúng ta từng sống và làm việc. Sau khi chụp hình lưu niệm, đoàn tiếp tục leo lên đồi đến gần một chiếc lán lợp lá cọ, xung quanh thưng nứa, núp mình dưới bóng của những cây tre thẳng tắp, vươn lên đan xen ngọn cây cổ thụ tạo thành một vùng bóng mát che khuất cả ánh nắng mặt trời buổi chiều vừa mới tan mây. Trước lán có một hòn đá tự nhiên lớn rêu mọc xanh rì, bên cạnh có chiếc bàn đá được đục bằng đá nguyên khối, nét đục còn mới, chắc người ta mới đặt vào, một lư hương lớn đang nghi ngút khói. Cô hướng dẫn giới thiệu:
- Đây là lán Nà Nưa, Bác của chúng ta ở từ tháng năm đến cuối tháng tám năm 1945.
Nhà thơ Hoàng Chuyên, thành viên nhiều tuổi nhất đoàn, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Đắk Lắk bước lên trước, yêu cầu mọi người xếp thành hàng ngang, quay mặt về phía lư hương hô lớn: “Tất cả chú ý, chỉnh đốn trang phục; nghiêm! Để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của đất nước, người cha già kính yêu của dân tộc, phút mặc niệm bắt đầu!” Giọng của người cựu chiến binh tuy đã gần bảy mươi tuổi nhưng vẫn còn rất khỏe, rắn rỏi. Mọi người cúi đầu thành kính sau đó dâng hương, nhìn mắt ai cũng long lanh, xúc động. Không xúc động sao được khi thấy chiếc lán nhỏ bé như chiếc lều đuổi chim của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thường dựng trên rẫy lại là nơi nghỉ và làm việc của lãnh tụ gần bốn tháng trời, nơi đưa ra những quyết định hết sức quan trọng tạo nên bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam.
Cô hướng dẫn viên khu di tích chắc chỉ ngoài hai mươi tuổi, mặc bộ quần áo truyền thống của người dân tộc Tày giọng xúc động khi giới thiệu cho chúng tôi biết: Giữa lúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai sắp đi đến hồi kết, cách mạng Việt nam có một bước ngoặt lớn trước thời cơ ngàn năm có một, Bác quyết định về Tân Trào ở, nơi đáp ứng được yêu cầu: “Gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái” để kịp thời lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cũng chính tại chiếc lán đơn sơ này những văn kiện, chỉ thị, các chủ trương kế hoạch được Bác Hồ khởi thảo. Đây thực sự là đại bản doanh của vị Tổng tư lệnh chỉ huy cuộc tổng khởi nghĩa. Bác Hồ đã triệu tập hội nghị cán bộ ngày 4-6-1945 quyết định thống nhất chiến khu thành Khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng. Trong thời gian này, có những ngày Bác ốm rất nặng, tưởng như không qua khỏi đã gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dặn: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập".
Trong công việc thường ngày của mình, chắc cô đã có hàng ngàn lần giới thiệu di tích Nà Nưa với du khách, vậy mà khi nói đến Bác, giọng không giấu nổi xúc động làm mọi người cũng rưng rưng. Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Quang Khải, sinh ra và lớn lên ở miền Nam, lập nghiệp tại thành phố Buôn Ma Thuột lần đầu tiên đến Nà Nưa, mắt long lanh ứa lệ khi nghe giới thiệu đến đoạn Bác ốm, đã cố gắng bấm máy ghi thật nhiều những tấm hình từ nhiều góc độ khác nhau đưa về làm tư liệu và giới thiệu với đồng nghiệp, gia đình. Nhà thơ Tiến Thảo, tuổi cũng đã xấp xỉ bảy mươi xúc động tâm sự: Không ngờ Bác mình ngày ấy ở đây khổ đến vậy! Cái giọng Huế ấm áp của nhà thơ nói về Bác giọng cũng run run, tay sờ lên hòn đá đầy rêu trước cửa lán; chắc đang hình dung ra cảnh người Cha già dân tộc buổi chiều hàng ngày ra đây, ngồi làm việc với chiếc máy chữ được đặt lên hòn đá này và những mệnh lệnh, những quyết sách quan trọng cho cách mạng Việt Nam đã truyền đi từ đây.
Cánh rừng già nhiều muỗi và vắt, cuộc sống vật chất đạm bạc, nhưng vì công việc, vì sự nghiệp cách mạng, Bác vẫn tận tụy làm. Mỗi gốc cây, hòn đá nới đây như còn ghi dấu Bác, lưu lại những ký ức một thời gian khổ: đói cơm, nhạt muối, bệnh tật… nhưng vượt lên tất cả là công việc, là thời cơ của cách mạng đã đến phải nắm lấy, quyết định để giành thắng lợi cho cách mạng Việt Nam. Bác của chúng ta rất vĩ đại nhưng cũng rất bình dị, luôn luôn hết mình chăm lo cho công việc. Trong lúc bị mắc trọng bệnh, khi tỉnh lại Bác dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “ Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ đảng viên và các phần tử trung kiên, trong chiến tranh du kích lúc phong trào lên ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú ý xây dựng căn cứ cho thật vững chắc đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân được”. Những lời dặn dò, khẳng định quyết tâm và tấm lòng khát khao giành độc lập của Bác cũng như tầm nhìn xa trông rộng, vạch ra hướng đi cho cách mạng Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng. 
Sau khi khỏi bệnh, Bác chỉ thị tổ chức gấp Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội. Người nói với Thường vụ Trung ương: “Nên họp ngay và không nên kéo dài Hội nghị, chúng ta phải tranh thủ từng giây phút. Tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội”. Với tầm nhìn chiến lược, dự đoán được tình hình chiến sự thế giới và thời cơ cũng như thách thức của cách mạng nước nhà trước bước ngoặt lịch sử, Bác đã kịp thời có nhứng điều chỉnh về sách lược quan trọng. Ngày 13/8/1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng khai mạc tại khu rừng Nà Nưa trong không khí hết sức khẩn trương. Hội nghị quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, trang mới của cách mạng Việt Nam đã mở. Lịch sử dân tộc Việt Nam lật qua một trang mới hào hùng với những mốc son chói lọi làm “chấn động địa cầu”, khẳng định vị thế Việt Nam với thế giới bắt đầu từ đây. So với cả quãng đường hoạt động cách mạng của Người, ba tháng ở Tân Trào là thời gian rất ngắn nhưng chính từ lán Na Nưa đơn sơ này đây với những nhận định đúng đắn, những quyết sách kịp thời, táo bạo về thời cơ cách mạng, Bác đã chỉ đường cho toàn dân tộc vươn tới, tạo một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại. Từ bước ngoặt đó, dân tộc Việt Nam đã chấm dứt những ngày tháng nô lệ, bước sang kỷ nguyên độc lập, tự do.
Mười một văn nghệ sỹ đại diện cho những người làm công tác quản lý văn học nghệ thuật của vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ Tây Nguyên” về thăm lại chiến khu xưa nhân kỷ niệm 70 năm thành lập nước. Vùng đất sơn thủy hữu tình Tân Trào có vinh dự là nơi một thời Bác ở, làm việc và lãnh đạo cách mạng Việt Nam vào những thời khắc quan trọng nhất. 70 năm đã qua, Đảng bộ và chính quyền nơi đây đã làm tốt công tác bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, bảo vệ được khu rừng – chiến khu xưa cho các thế hệ hôm nay và mai sau đến tham quan, học tập thật đáng quý biết bao. Về với ATK Tân Trào là về với miền đất lịch sử, về nơi linh thiêng mà mỗi người khi đặt chân đến, thắp nén hương tưởng nhớ Bác lòng như ấm lại khi được báo với Bác những việc mình đã làm, những công sức cống hiến cho cách mạng, cho công cuộc xây dựng đất nước... và thầm hứa: Chúng con nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Người đã chọn, bước tiếp dưới lá cờ vinh quang của Đảng, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Tuyên Quang – Đắk Lắk, mùa thu năm 2015

CHƯ YANG SIN SỐ 277 - tác giả KHÔI NGUYÊN

Nhà văn KHÔI NGUYÊN


LA ĐÀ VỚI 25 NĂM



25 năm, khoảng thời gian dài bằng ¼ thế kỷ. Nhớ nhớ quên quên. Sau 2 đợt vận động (1983-1988 và 1988-1990) kéo dài 8 năm với sự tích cực tham gia đôn đốc của nhiều đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh như: Huỳnh Văn Cần, Nguyễn An Vinh, Ama H’Oanh, Huỳnh Thị Xuân, Châu Khắc Chương… ngày 5 và 6 tháng 9 năm 1990, Đại hội thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk được diễn ra với số lượng 45 hội viên đủ các chuyên ngành như bây giờ. Trong đó có cả hội viên danh dự. Hội viên trẻ nhất là nhà thơ Lê Vĩnh Tài (24 tuổi).
Lại nhớ trước kỳ Đại hội lần thứ nhất một vài tháng, căn nhà gỗ của tôi luôn có khách văn nghệ đến thăm, họ đến vận động cha tôi (nhà thơ Hữu Chỉnh): Chỉ có anh ra đảm nhiệm chức danh Chủ tịch thì mới thành lập Hội được… Lúc bấy giờ, cha tôi đang làm Giám đốc Công ty Phát hành sách – thiết bị trường học, cơ chế thị trường mới thoáng mở, Công ty đang đà phát triển, việc chọn lựa giữa kinh tế với văn nghệ là sự đắn đo. Rồi cái tâm với văn nghệ đã chiến thắng.
Đại hội thành công, Tỉnh ủy và Ủy ban giao ngay cho căn nhà 172 Điện Biên Phủ lừng lững 3 tầng làm trụ sở, xe UW làm phương tiện công tác… Biên chế Hội lúc bấy giờ có cha tôi, nhà thơ Phạm Doanh, nhà thơ Đinh Hữu Trường, nhà thơ Hoàng Mạnh Thường, nhà báo Nguyễn Lưu, nhà thơ Lê Tiến Dị… Hình như bấy giờ thủ tục hành chính còn đơn giản nên đến nay, chúng tôi không tìm được hồ sơ thành lập Hội, hồ sơ giao nhà làm trụ sở… dù đã nhờ đến bộ phận lưu trữ của Tỉnh ủy và Ủy ban.
Thời bấy giờ, Hội Văn Nghệ được quan tâm lắm, các Bí thư, Chủ tịch tỉnh thường xuyên ghé thăm Hội, sắp xếp mọi công việc để tham gia các cuộc tọa đàm, hội thảo để lắng nghe ý kiến của văn nghệ sĩ. Một năm vài chục đoàn văn nghệ sĩ các hội tỉnh bạn đến thăm mà vẫn được đón tiếp chu đáo nhờ nguồn ngân sách tỉnh cấp (mặc dù Đắk Lắk thuộc diện nhóm tỉnh nghèo). Mà cũng không riêng gì Đắk Lắk, bên Gia Lai – Kon Tum cũng vậy (bấy giờ chưa tách tỉnh), cụ Chỉnh và cụ Doanh thỉnh thoảng vẫn nhắc chuyện đi dự đại hội nhầm. Cứ tưởng đi trước 1 ngày để hôm sau dự Đại hội của Hội tỉnh bạn, sang đến nơi mới té ngửa rằng còn cả chục ngày nữa mới Đại hội! Vậy mà Hội bạn giữ lại chơi để chờ đến ngày Đại hội.
Thời bấy giờ, công nghệ thông tin còn hạn chế, lái xe Nguyễn Minh Đăng  chở tranh của hội viên đi dự triển lãm tại Hà Nội, tiêu chuẩn mỗi cá nhân chỉ được gửi tham dự 3 tác phẩm. Họa sĩ Lê Bá Điều gửi tới 4 tác phẩm. Là “tướng ngoài biên ải”, lái xe Nguyễn Minh Đăng chọn ngay bức tranh mà anh cho là xấu nhất của Lê Bá Điều để ghi tên mình vào. Ngờ đâu bức tranh đó lại được chọn treo triển lãm (hình như có cả giải thưởng)!
25 năm, 6 kỳ Đại hội. Có Đại hội thành công tốt đẹp, có Đại hội “thành công một nửa”. Buồn vui lẫn lộn. Đại hội lần thứ nhất để thành lập Hội khá êm xuôi, có những văn nghệ sĩ không được mời tham dự đành nhóm họp ở nhà bạn để ngóng tin về Đại hội, có văn nghệ sĩ không được mời chính thức nhưng cứ đến dự thế là nghiễm nhiên được coi là thành viên sáng lập Hội. Đại hội lần thứ hai, hơn 30 đoàn khách của các tỉnh bạn đến dự, gần trăm lẵng hoa chúc mừng. Đại hội lần thứ ba, việc bầu Ban Chấp hành phải bỏ phiếu 2 lần mà vẫn chưa đảm bảo cơ cấu, 6 tháng sau mới có Chủ tịch Hội. Đại hội lần thứ tư, 2 năm sau mới có Chủ tịch Hội. Đại hội lần thứ năm, 5 tháng sau mới đầy đủ ủy viên Ban Thường vụ và có Phó chủ tịch thường trực. Đại hội lần thứ sáu, việc bầu Ban Chấp hành khóa mới đúng như dự kiến ban đầu…
Từ 45 hội viên sáng lập, hàng năm kết nạp thêm, 25 năm qua, người mất người còn, người chuyển công tác hoặc chuyển địa bàn cư trú, người “cạn” vốn sáng tạo… cũng có những hội viên không còn thiết tha với hội nên Ban Chấp hành cho thôi sinh hoạt, số hội viên lúc này là 219. Hội viên cao tuổi nhất cũng đã gần trăm mùa rẫy, hội viên trẻ nhất đang tuổi 25. Có 86 hội viên của các hội chuyên ngành Trung ương và Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam.    
Tạp chí Chư Yang Sin vẫn còn đó giai thoại khi phát hành những kỳ đầu, do viết bằng ký tự Êđê nên nhiều người đọc không được, có người tò mò hỏi: Cái “củ yang sin” ở chỗ các ông có bổ như củ sâm Ngọc Linh không? Và những câu chuyện có thật khi thẻ phóng viên của Tạp chí khiến nhiều người tưởng là phóng viên của một tạp chí nước ngoài (na ná như Nhật Bản hay Hàn Quốc). Thời kỳ đầu,  có những kỳ phát hành, tác giả được nhận nhuận bút bằng báo biếu nhưng vẫn vui vì được đăng một bài trên báo văn nghệ cấp tỉnh là “oách” lắm rồi, nhất là những người lần đầu tiên có bài được sử dụng (trước năm 1990, báo Dak Lak ra mỗi tuần một số, tập san Văn nghệ của Ty Văn hóa – Thông tin vài tháng ra một kỳ, từ 1977 đến 1990 chỉ có 5 tập sách thơ văn do Tỉnh ủy và UBND tỉnh tổ chức xuất bản, chỉ có 2 tác giả là Thiên Lương và Vũ Nhật Hồng có sách in riêng). Qua 25 năm, sau nhiều lần tăng trang đổi khổ, rút ngắn thời gian phát hành, thay đổi cách trình bày, xác định rõ mục tiêu là hướng đến nhu cầu thưởng thức giá trị chân – thiện – mỹ của bạn đọc… Tạp chí ngày càng được nâng cao về chất lượng cũng như về hình thức, số độc giả cũng nhiều hơn, cộng tác viên trên cả nước ngày càng đông (không kể những bài viết được chuyển qua đường bưu điện, mỗi ngày có vài chục cộng tác viên gửi bài qua đường Email). Các chuyên trang, chuyên mục được duy trì thường xuyên. Sự độc đáo của Tạp chí Chư Yang Sin là tính bản sắc của một vùng đất được ổn định, không lẫn với tạp chí văn nghệ của các tỉnh bạn. Tính chuyên nghiệp trong quá trình để cho ra một kỳ tạp chí ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, vui về chuyện của Tạp chí nhưng lo cũng không ít. Ngoài việc đã có thời kỳ trả nhuận bút bằng chính những cuốn tạp chí còn có những kỳ nhuận bút chi trả cho một bài thơ 100.000 đồng, một truyện ngắn 200.000 đồng, một ảnh 50.000 đồng… trong khi một công cuốc cỏ rẫy hoặc một công phụ hồ cho thợ xây là 180.000 đồng. Rồi nữa, Tạp chí không có chức danh Tổng biên tập từ 2006 đến nay mà chỉ có chức danh Quyền tổng biên tập. Bản thân tôi vẫn hài hước với mọi người rằng chẳng có ai “Q” dài bằng tôi, vắt từ 2006 đến nay (tháng 9.2015) vẫn chưa “cắt” được. Chao ôi cái tiêu chí của Tổng biên tập của một cơ quan báo chí thật nhiêu khê, được cái này thì mất cái nọ. Không được làm Tổng biên tập vì chưa qua lớp Cao cấp lý luận chính trị, khi có rồi thì lại vấp “Thủ trưởng cơ quan chủ quản…”. Đề xuất nhân sự khác thì vấp thêm “bằng đại học chuyên môn”, “độ tuổi”… Luật rõ ràng, các văn bản dưới luật (thông tư, chỉ thị, hướng dẫn… cũng rất giấy trắng, mực đen, con dấu đỏ…), cấp có thẩm quyền đành “lách” cho thêm chữ “quyền” trước  cụm từ “tổng biên tập”. 
Tôi chính thức được hưởng lương ở Hội từ tháng 3 năm 2004 với chức danh Phó tổng biên tập Tạp chí. Lúc bấy giờ, nhà văn, nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm đảm nhiệm chức danh Chủ tịch, nhà thơ Phạm Doanh đảm nhiệm chức danh Phó chủ tịch kiêm Tổng biên tập Tạp chí văn nghệ Chư Yang Sin, kế toán Trần Thị Mùi vi tính và trình bày văn bản Tạp chí (việc trình bày bìa, ảnh, minh họa… phải nhờ đến họa sĩ An Quốc Bình, lúc bấy giờ làm ở phòng kỹ thuật của Nhà in Đắk Lắk). Hồi ấy chưa có Internet nên các bài viết của cộng tác viên đều được gửi qua đường bưu điện, phải gõ lại từng bài, nhiều bài viết tay, luận mãi mới ra chữ (nên Trần Thị Mùi vẫn được chúng tôi gọi đùa là “biên tập viên” của Tạp chí). Trình bày xong thì in vào giấy can (giấy có dầu) để đưa lên Nhà in phơi tai. Mỗi lần đưa bản thảo đi phơi tai là một lần vất vả, trên đường đi cứ phải giữ hơn giữ đồ dễ vỡ dễ đổ vì sợ rớt chữ. Khi Nhà in phơi tai, lại phải có mặt đọc từng chữ xem có bị rớt chữ hay không, có bị lẫn trang hay không… Chỉ cần một sơ suất nhỏ có khi chữ Ô thành Ó hoặc Ò vì mất nửa dấu mũ, hoặc dấu của các thanh điệu cũng như dấu câu “chạy” đi đằng nào… Ngay cả các trang cũng vậy, không cẩn thận, khi đóng thành sách mới thấy đang bài của tác giả này lại có trang của tác giả khác chen vào (do nhầm tai giấy)… Còn khâu trình bày hình ảnh thì cũng phải bám Nhà in, ngồi với An Quốc Bình cả tuần để ken rồi sắp xếp hình minh họa, ảnh, chú thích ảnh… Rồi xem lại tất cả bản in thử trước khi in chính thức. Lại nhớ, chỉ có hai chú cháu làm công tác biên tập Tạp chí, nên có nhiều ảnh, nhà thơ Phạm Doanh phải đưa cho mọi người cùng xem và đánh giá ảnh đẹp hay không, với lý do “Tôi bị mù màu”!?... Hoặc đưa bản thảo truyện ngắn cho họa sĩ nọ nhưng lý do “bận việc” nên gọi điện thoại cho An Quốc Bình mà kể lại để nhờ An Quốc Bình phóng bút minh họa cho truyện… In xong, Phó tổng biên tập lại đánh con xe Wave tàu lên Nhà in, chằng trước bó sau, rề rề chở về Hội (mấy ông xe ba-gác ở ngã tư Điện Biên Phủ + Trần Phú, cách trụ sở Hội cỡ 15 m, thè lưỡi lắc đầu: Ai cũng như ông thì chúng tôi mất việc). Cũng may, sang 2015, nhà văn Hồng Chiến về làm Thư ký Tòa soạn Tạp chí. Nhưng đổi lại, Y Kuan Ny Niê vi tính trình bày Tạp chí thay cho Trần Thị Mùi (chuyển sang làm chuyên trách kế toán của cơ quan). Bấy giờ, Y Kuan còn quá non nớt với tiếng Việt (phổ thông), thành ra các văn bản sửa morat cứ nhoe nhoét, rối mù, sửa rồi lại sửa nữa. Có chỗ, lỡ sửa nhưng cảm thấy không cần thiết, ghi: “để nguyên, không phải sửa”, đọc văn bản sau khi được gõ máy sửa morat, thấy ngay chỗ đó có lời ghi như vậy!.. Muốn khóc mà vẫn phải cười!...             
Phải khẳng định rằng chỉ có ở Đắk Lắk, 25 năm qua, công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ kế cận sự nghiệp sáng tạo văn học nghệ thuật được quan tâm, chú trọng bằng hành động cụ thể mà không có tỉnh, thành nào làm được như thế. Nếu các tỉnh bạn “phát hiện – bồi dưỡng” thì Đắk Lắk “bồi dưỡng – phát hiện”. 25 năm, từ “Mầm non Cao nguyên” đến “Bên hàng phượng vĩ” rồi “Hạ Xanh” và “Hương Rừng”, đến hẹn lại lên, các mùa hè lại mở ra “sân chơi” cho thanh thiếu niên Đắk Lắk yêu văn học nghệ thuật bằng các trại sáng tác. “Không thành văn thì cũng thành nhân” – mục đích đã xác định – những người đi trước dồn tâm huyết để khích lệ, động viên thế hệ sau hiểu rằng văn hóa cũng là một trong hai nền tảng phát triển xã hội, văn nghệ sĩ là lực lượng nòng cốt trong vai trò người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa… Nhờ thế, lực lượng sáng tác trẻ của Đắk Lắk có số lượng khá đông so với các tỉnh bạn, nếu tính là người dân tộc thiểu số thì có lẽ là đứng đầu cả nước về lực lượng sáng tác trẻ ở độ tuổi dưới 30 có tác phẩm được đăng trên báo chí TW, có đầu sách in riêng hoặc in chung, có giải thưởng khu vực, trong nước hoặc quốc tế…  
Rồi những chuyến đi thực tế, những trại sáng tác… Tôi sợ lắm, lo lắm, chỉ mong sao trong kết quả có hai chữ “bình yên”. Chiếc xe TOYOTA của Hội mỗi ngày thêm gần hết Date, lái xe của Hội mỗi ngày một già, hội viên mỗi ngày một nhu cầu cao hơn… Xin đừng vì cá tính văn nghệ sĩ để tránh được việc không tổ chức thì êm xuôi, tổ chức đi cả ngàn cây số để xích mích với nhau, để “không thèm nhìn mặt nhau” thậm chí là “mày chết tao không đến tiễn”… Sau mỗi chuyến đi ấy, tôi được thở phào nhẹ nhõm: Anh em vui vẻ và thân thiết với nhau hơn, có tác phẩm được đánh giá là chất lượng… Ừ, tiền của Nhà nước là tiền của nhân dân, anh em hội viên biết cùng nhau nâng niu giá trị đó. Mừng lắm, quý lắm, yêu thương lắm…!     
25 năm, một khoảng thời gian đủ để con người từ thoát thai đến trưởng thành, đủ để một Hội văn nghệ địa phương từng bước vững đi lên từ non trẻ đến khẳng định vị thế của mình mà hòa vào dòng chảy chung của văn hóa nhân loại. Những cuộc thi, những triển lãm, những trại sáng tác, những chuyến đi thực tế, những hội nghị - hội thảo, những sinh hoạt chuyên môn… là động lực thúc đẩy phong trào sáng tạo. Những công trình, những tác phẩm được công bố, được xuất bản, được mọi người đón nhận để cùng say cảm là xúc tác để người nghệ sĩ hăng say lao động sáng tạo nghệ thuật hơn. Bởi thế, ở bất cứ nhiệm kỳ nào, Thường trực Hội luôn quan tâm đến công tác phong trào hoạt động cho hội viên. Quan tâm đến đời sống hội viên, tạo điều kiện cho những hội viên có cơ hội sáng tác, tạo điều kiện cho tác phẩm của hội viên được công bố để phục vụ cuộc sống… là nỗi trăn trở của Thường trực Hội trong mỗi nhiệm kỳ theo đúng nghĩa của nó là rất “thường trực”. Lãnh đạo Hội luôn xác nếu mình chưa đủ tầm thì phải đủ tâm. Mỗi ủy viên của Ban Chấp hành Hội, mỗi thành viên của Hội đồng Nghệ thuật, mỗi ủy viên Ban Chấp hành Chi hội… đều xác định dù chẳng có một đồng phụ cấp, “quyền” thì có mà lợi thì không, trách nhiệm thì “to vật vã” nhưng lợi chẳng thấy đâu, chỉ thấy điều này tiếng nọ khiến mang tai mang tiếng, thậm chí là mất lòng với một số người… vậy nhưng vì uy tín và danh dự, vì sự tín nhiệm của hội viên… nên ai cũng dùng cái tâm của mình, không chút vụ lợi để vì sự phát triển của văn học – nghệ thuật. Nghiêm khắc với chính mình để nghiêm khắc với công việc, dám làm dám chịu, chấp nhận “đau thương” bởi sự nghiệt ngã một khi đã phải gắn cái mác “có chức danh” trong giới văn nghệ sĩ, mang tiếng là “quan chức văn nghệ”.   
25 năm đã qua, buồn vui sao cứ lởn vởn trộn với nhau, lúc tròn như quả cầu, lúc phẳng lặng như mặt nước hồ thu, lúc bùng lên như bão tố, lúc trầm xuống nốt nhạc đồ, lúc phóng khoáng như cây cọ của người họa sĩ đang hứng khởi, lúc lãng đãng như nhà thơ đã tìm ra thi hứng, lúc cô đơn như nhà văn đang chắp nhặt những mảnh vụn cuộc sống để xây lâu đài tiểu thuyết, lúc sáng bừng như ánh đèn sân khấu, lúc tĩnh mịch như nhà biên kịch hay đạo diễn cùng các diễn viên cóp nhặt ý tưởng dâng đời… Trân trọng lắm, yêu quý lắm những người đang làm đẹp, làm tốt thêm cho cuộc sống này.     
25 năm qua, số năm của cha con tôi công tác tại cơ quan Hội tính đến nay có tổng số là 22, và sẽ còn dài hơn thế. Buồn cũng có. Vui cũng có. Lẫn lộn. Nhưng khi đã vào cuộc thì phải hết mình.
Còn đó, cái trụ sở Hội khang trang của 25 năm về trước (thời mà chỉ có 45 hội viên, kể cả hội viên danh dự). Còn đó, chỉ tiêu biên chế, cả Văn phòng Hội và Tòa soạn Tạp chí là 9 định biên. Còn đó, nhu cầu về đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng cao, sức sáng tạo của các văn nghệ sĩ ngày càng lớn vậy mà không có nơi, không có điều kiện để văn nghệ sĩ góp mình. Còn đó, sự ưu đãi, chẳng cần thảm đỏ thảm vàng rải, nghệ sĩ chỉ cần mình lao động sáng tạo mà nuôi đủ chính mình…
Thèm lắm thời mà các nhà lãnh đạo của tỉnh thường xuyên ghé thăm Hội như các vị: Huỳnh Văn Cần, Nguyễn An Vinh, Huỳnh Thị Xuân, Nguyễn Văn Lạng…     
Buồn – vui. Vui – buồn… Ơ sao cứ la đà…


Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

CHÉM HỔ ĐƯỢC VỢ truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 277 tháng 9 năm 2015




Nhân dịp tết Trung thu, mấy đứa cháu nội ngoại từ thành phố về thăm ông bà. Bọn trẻ thấy cái gì cũng lạ, từ cánh rừng cà phê xanh tươi ngút ngàn nhưng chỉ cao ngang đầu người đều nhau như cây cảnh cùng trồng trong một chậu bonsai. Khu vườn cà phê sau nhà, đất màu đỏ sẫm; mỗi khi mưa vừa tạnh nếu đi ra đất sẽ dính vào bàn chân thành chiếc dép nặng chịch. Nhưng lạ nhất là những cây đại thụ đứng cao lêu nghêu, nổi bật trên rừng cà phê, xòe tán như những chiếc ô giương cành lá che mát cho cả một vùng rộng lớn. Bé My hỏi ông ngoại:
-         Sao trong vườn cà phê lại có cây to cao thế, khi quả chín làm sao hái được?
-         À, đó là cây cổ thụ của rừng già để lại che bóng mát cho cà phê, chứ không phải cây cà phê đâu mà phải hái quả.
Ông Thạch Sơn xoa đầu cháu ngoại, trả lời. Bé My năm nay lên lớp hai tò mò, muốn khám phá nhiều chuyện để về thành phố khoe với bạn nên hỏi ông:
- Trước đây khu này là rừng già hở ông, thế có thú dữ không ạ?
- Có cả hổ đấy, xin ông kể chuyện “Chém hổ được vợ” cho nghe.
Mẹ bé My dọn đồ ăn gần bên góp chuyện. Bé My nghe thấy vậy thích thú kêu toáng lên:
-         Chị Hồng Trang và chị Trúc Nhi ơi, ra nghe ông kể chuyện “Chém hổ được vợ” nè.
Nghe bé My gọi, các cháu nội ùa ra đòi nghe chuyện, Thạch Sơn bồi hồi nhớ lại câu chuyện cách đây gần bốn mươi năm về trước, khi ấy…
Năm 1976, đơn vị thanh niên xung từ ngoài Bắc được điều vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế, trong đó có Đại đội 5 đóng quân gần suối Buôn Ya Vầm làm nhiệm vụ mở đường và khai thác lâm sản. Đơn vị có cô Hằng mới tốt nghiệp cấp ba, thi không đậu đại học nên gia nhập lực lượng thanh niên xung phong với mong ước xong nghĩa vụ sẽ về ôn thi vào đại học. Thấy Hằng nhanh nhẹn, thùy mị lại xinh đẹp, học vấn cao nên đơn vị giao làm công tác quản lý. Hàng ngày xong việc sổ sách, Hằng tranh thủ xuống giúp bộ phận nhà bếp lo cơm nước cho anh chị em. Vốn con nhà nông, công việc nội trợ thành thạo nên được anh em trong đơn vị quý mến, nhiều chàng trai để ý, thương thầm, nhớ trộm, nhưng Hằng vẫn vô tư sống và làm việc, chưa bao giờ bận tâm với ý nghĩ gì khác ngoài công việc.
Thời ấy, khu vực đơn vị đóng quân còn là rừng già nguyên sinh, cây cối rậm rạp, thỉnh thoảng heo rừng kéo về từng đàn, có con còn ủi cả cửa nhà bếp vào tìm thức ăn, làm xoong, chảo rơi loảng xoảng; chúng sợ chay lung tung, húc cả vào người. Lại có đêm voi về cả bầy, đua nhau gầm lên như muốn xua đuổi con người ra khỏi vùng đất của chúng. Nhưng những chàng trai, cô gái trong Tổng đội Thanh niên Xung phong từ đất Bắc vào vẫn bám trụ, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, cố gắng hoàn thành công việc được giao, không ai nản chí.
Hôm đó vào một ngày cuối tháng bảy, khi mặt trời vừa chui xuống phía tây, núp sau khu rừng để ngủ, hắt lên trời những tia sáng chiếu vào các đám mây tạo nên màu vàng rất đẹp. Hằng giúp bộ phận nhà bếp chia cơm cho anh em xong, tranh thủ ra suối gánh nước. Từ nhà ăn ra suối khoảng hơn trăm mét, hai bên đường được rào bằng những cây le to hơn ngón chân cái ngăn heo rừng đến phá để trồng rau xanh. 
Con suối gần đơn vị đóng quân có nhiều đá lớn chen lấn mấy gốc cây cổ thụ nên không tăng gia sản xuất được, đơn vị cho người phát bớt cành thấp làm chỗ cho anh chị em buổi trưa ra ngồi nghỉ mát. Phía bờ suối đối diện cây cối rậm rạp, lau lách mọc um tùm. Đoạn suối chảy qua đơn vị rộng chừng chục mét, mùa mưa có lúc nước gầm thét tràn lên hai bên bờ; mùa khô nước cạn chảy hiền hòa qua các tảng đá, bãi cát không bao giờ cạn. Nơi Hằng lấy nước là một vụng suối, mùa khô nước vẫn sâu đến gần hai mét. Như mọi ngày, Hằng lội ra suối múc nước; vừa cúi xuống, nghiêng xô thì…
-         - Hừm!
Tiếng gầm dữ dội của con hổ vọng vào rừng già, len qua lòng suối tạo thành tiếng rền vang kéo dài làm người nghe nổi da gà. Khi ấy Thạch Sơn, người cùng đơn vị Thanh niên xung phong nhưng khác đội, đi khảo sát rừng về thấy trên cây đa có dò phong lan nở hoa đẹp quá, trèo lên hái nên về sau mọi người. Vừa đến bến nước nghe tiếng hổ gầm dưới lòng suối, đoán hổ bắt người nên quẳng hoa chạy lại. Dưới lòng suối, con hổ to như con bò đực lớn, lưng dài hơn sải tay; nửa mình chìm trong nước, mồm ngoạm vào cổ cô gái, đôi mắt lóe lên tia sáng lạnh lẽo dưới ánh sáng chiều. Nhìn thấy hổ bắt người, bao nhiêu sự sợ hải bay đi đâu mất cả, trong đầu của Thạch Sơn chỉ còn một điều duy nhất: đánh hổ cứu người. Sẵn con rựa đang cầm trên tay, dụng cụ quan trọng nhất của những người đi rừng, vừa dùng chặt cây mở đường và khi cần sẽ thành vũ khí chống lại thú dữ; Thạch Sơn thét lên:
-         - A…a...a!
Từ trên bờ suối cao hơn hai mét, Thạch Sơn nhảy xuống, vung cây rựa có cán dài độ một mét, nhằm lưng hổ bổ xuống. Con hổ nghe tiếng hét giật mình quay đầu nhìn lại, mồm vẫn ngoạm mái tóc dày của Hằng, mắt tròn xoe như ngạc nhiên trước sự xuất hiện của con người từ trên trời rơi xuống. Thạch Sơn con nhà nông, sinh ra trong một gia đình đông anh em quê nghèo xứ Thanh, học xong cấp hai ở nhà lao động một thời gian, đến tuổi vì lý do sức khỏe không đủ để đi bộ đội nên gia nhập Thanh niên xung phong với mong muốn được khám phá vùng đất phương nam của Tổ quốc. Anh em trong đơn vị quý mến Thạch Sơn vì ít nói, chịu khó trong công việc và có sở thích lạ: rất mê sưu tầm hoa phong lan rừng, xung quanh nơi ở treo đầy các loài hoa phong lan nhiều màu sắc, lúc nào cũng có hương thơm ngào ngạt tỏa ra.
Nhát chém của Thạch Sơn nhằm vào giữa lưng con hổ, nếu đúng theo suy nghĩ thì con hổ sẽ gãy lưng, hết đường kháng cự; nhưng do bờ suối cao và bãi cát lại quá mịn nên nhát chém chỉ chạm vào hông làm toạc một đường dài. Con hổ bị đau, há mồm lắc mạnh, chắc nó định nhả Hằng ra để cắn Thạch Sơn; nhưng mái tóc dài và dày của Hằng vẫn mắc vào răng. Hổ quay mình, nhằm Thạch Sơn chồm lên. Thạch Sơn vung dao định phạt một nhát chí mạng vào cổ con ác thú kết thúc cuộc chiến, nào ngờ… tóc Hằng vẫn dính vào răng hổ, nên khi nhảy lên nó kéo luôn Hằng lên theo. Lúc đó nhát dao lia ngang của Thạch Sơn sẽ không trúng vào cổ con hổ mà lại chặt ngang người của Hằng. Giật mình, Thạch Sơn giật dao lại, nhảy qua bên vừa lúc con hổ tha cả Hằng chồm đến. Chắc do vướng Hằng nên con hổ cũng hụt đà, trượt chân trên cát không vồ được Thạch Sơn như ý, quật chiếc đuôi vào mặt Thạch Sơn. Thạch Sơn lấy hết sức bình sinh, vung dao chặt một nhát thật mạnh làm đứt một khúc đuôi của hổ. Con hổ gầm lên, đứng dựng bằng hai chân sau, giơ hai chân trước giật mớ tóc đang mắc trong mồm ra, làm Hằng ngã úp mặt xuống cát rồi chồm lên... Chặt được đuôi con hổ nhưng vì đứng trên cát lại rướn người quá mức Thạch Sơn cũng ngã sấp xuống; khi nghe hổ gầm, theo phản xạ lăn một vòng, chống cán dao xuống cát, lưỡi dao hướng lên trời, nhắm mắt chấp nhận…
Trong đơn vị nghe tiếng hổ gầm, mọi người hoảng sợ hò hét, chạy nháo nhào tìm xoong, nồi, xô, chậu… gõ loạn xạ cả lên. Ông Đại đội trưởng đang tắm, tung cửa chạy về phòng vơ khẩu súng AK nhằm trời kéo cò… phằng phằng, phằng phằng; rồi cùng mọi người lao ra suối. Khi mọi người chạy ra tới nơi thì thấy đôi nam nữ nằm cạnh nhau, người đầy máu; người con gái nằm úp mặt xuống cát, mái tóc như mây che kín lưng; còn anh thanh niên tay vẫn nắm chặt con dao, cắm cán xuống cát lưỡi hướng lên trời, đôi mắt trợn trừng...
-         - Ông ơi, họ chết cả ạ!
Tiếng My mếu máo hỏi; còn Hồng Trang, Trúc Nhi nước mắt trào ra, ôm chặt lấy ông. Ông chưa kịp trả lời, mẹ bé My lên tiếng;
-         - Nếu hai người chết cả, thì làm gì có các con bây giờ.
-         - Thật à ông?
-        -  Ừ!
Ông ngoại trả lời bé My mà đôi mắt nhìn xa xăm về phía trước. Lòng lâng lâng, ngày ấy đơn vị đưa hai người về bệnh xá cấp cứu. Vết thương của Hằng không nặng, nhưng do sợ quá nên ngất đi; còn Thạch Sơn cũng bị ngất tuy trên người không bị vết thương nào. Mọi người không lý giải nỗi vì sao con hổ lại bỏ chạy. Có người cho rằng tại hổ mất đuôi nên bỏ chạy vì muốn vồ mồi, theo bản năng nó phải đập đuôi xuống đất lấy đà. Có người lại bảo tại khi ngất đi Thạch Sơn cắm con dao xuống đất, lưỡi hướng lên trời làm hổ khiếp sợ; loài hổ vồ mồi bao giờ cũng tung mình lên cao chụp con mồi… Mỗi người một cách lý giải, không ai chịu ai, nhưng cũng từ hôm ấy không còn con hổ nào dám bén mảng đến khu rừng đơn vị đóng quân.
Sau hơn một tuần điều trị tại bệnh viện, hai người xuất viện và như có duyên tiền định, họ thương nhau, yêu nhau rồi nên vợ nên chồng; họ sống hạnh phúc bên nhau, con cái sinh ra đã hoàn thành nốt hoài bão của mẹ: tốt ngiệp các trường Đại học rồi công tác luôn ở thành phố. Cánh rừng đơn vị Thanh niên xung phong đóng quân khi xưa được khai hoang trồng cà phê, những người có nhu cầu ở lại được biên chế vào làm công nhân nông trường. Rừng già mất đi nhường chỗ cho các cánh rừng cà phê bạt ngàn, xanh tốt thế chỗ. Mọi thứ dần dần đổi thay theo năm tháng, nhưng câu chuyện người thanh niên xứ Thanh “chém hổ được vợ” vẫn lưu truyền, trở thành truyền thuyết, người dân nơi đây thường kể cho con cháu nghe mỗi đêm trăng rằm như kỷ niệm đẹp về một vùng đất.

Buôn Ma Thuột, tháng 8 năm 2015