Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 277 - tác giả TRƯƠNG BI




TRUYỀN THUYẾT VỀ SỬ THI M’NÔNG
  

Từ bao đời nay, đồng bào M’nông còn lưu truyền trong cộng đồng bon làng mình một kho tàng ót n’drong(sử thi) vô cùng quý báu. Theo ngôn ngữ M’nông: Ót có nghĩa là hát, kể; n’drong có nghĩa câu chuyện xa xưa. Ót n’drong được lưu truyền bằng ngôn ngữ truyền miệng thông qua các cuộc sinh hoạt văn hóa hát kể sử thi giữa nghệ nhân với cộng đồng buôn làng và giữa ông bà, cha mẹ với con cháu (gọi là gia truyền). Ót n’drong được kể trong mọi không gian khác nhau: Không gian lễ hội, không gian nhà dài trệt, không gian chòi rẫy, không gian đi rừng, không gian đánh cá, không gian chăn thả đàn trâu bò, nghĩa là chỗ nào có không gian thuận lợi là có thể kể ót n’drong.
Nghệ nhân hát kể ót n’drong trong cộng đồng người M’nông hiện tại không nhiều, nhưng họ có một trí nhớ rất kỳ lạ. Có nghệ nhân thuộc gần hai trăm câu chuyện sử thi với hàng vạn câu vần ót n’drong. Họ có thể kể suốt bảy ngày đêm mà vẫn chưa hết một bài sử thi. Điển hình là nghệ nhân Điểu Klung, Điểu Klưt, Điểu Glôi, Thị Jach, Điểu Xiêng, Điểu M’Piôih, Điểu N’Jông…
Người M’nông thường truyền tụng câu ca thể hiện sự yêu thích của mình khi nghe kể ót n’drong:
Buổi sáng kể chuyện nương rẫy
Buổi chiều kể chuyện củi nước
Buổi trưa kể chuyện anh hùng
Buổi tối kể chuyện Ndu, Tiăng…
Khi tìm hiểu về nguồn gốc sử thi M’nông, chúng tôi được các già làng kể cho nghe một truyền thuyết như sau: Xưa kia khi trời đất mới hình thành, ông Trời cử hai vị thần là Tông Par và Tang Par đi đo trời đất. Đo đất xong, hai thần trở về trời để đo bầu trời. Hai thần đo bầu trời suốt bảy ngày đêm mà không hề nghỉ ngơi nên mệt quá vì đói và khát, liền rủ nhau đi tìm thức ăn và nước uống. Hai thần đang đi thì gặp một vị thần trông coi ranh giới giữa trời và đất. Vị thần này mời hai thần Tông Par và Tang Par vào nhà ăn trái cây và uống nước. Với lòng hiếu khách, vị thần này mang ra một đĩa đào tiên, một bình nước tiên mời thần Tông Par và Tang Par. Nhưng vị thần này lại mang nhầm bình rượu tiên ra mời. Vì đói và khát, nên hai thần Tông Par và Tang Par ăn uống ngon lành. Ăn uống xong, hai thần Tông Par và Tang Par ngà ngà say, liền cùng nhau hát ót n’drong vang khắp bầu trời. Tiếng hát của hai thần ngân nga trầm bổng nghe du dương như tiếng nhạc, như tiếng cồng, tiếng chiêng làm cho các vị thần, chim thú trên trời kéo đến nghe rất đông. Kỳ lạ thay, hai vị thần vừa hát vừa uống rượu tiên thì giọng kể càng hấp dẫn. Vì uống rượu nhiều quá nên hai thần vừa đi vừa hát, vừa diễn tả những động tác của những nhân vật trong chuyện. Không ngờ hai thần đi đến bờ rào nơi ranh giới giữa trời và đất, bất ngờ bước hẫng chân và rơi xuống mặt đất tại vùng núi Gô N’tôk đầu suối Dak Huych (nay thuộc xã Đak Huych, tỉnh Dak Nông) và trúng  ngọn cây krăk gôr (loại cây giống cây si). Nhờ cây đỡ nên hai thần không hề gì. Nhưng vì say rượu nên hai thần vẫn hát ót n’drong say sưa. Tiếng hát của hai vị thần vang khắp núi rừng làm cho chim thú kéo đến vây quanh cây krăk gôr để nghe hát ót n’drong càng ngày càng đông. Tiếng hát của hai thần vang đến các bon làng của người M’nông, các tộc người M’nông cũng lũ lượt kéo đến nghe. Tộc người Bu Nong (M’nông Nong) vì ở gần nên đi đến trước. Họ nghe hai thần Tông Par và Tang Par hát ót n’drong trọn vẹn từ đầu đến cuối các câu chuyện. Hai thần còn bày cho người Bu Nong cách hát kể ót n’drong và còn tặng cho họ bức tượng thần biết hát kể ót n’drong. Còn các tộc người M’nông khác đến sau, như M’nông Preh, Biăt, Gar, Rơ Ông, R’Lâm… đến sau, nên chỉ nghe được vài câu chuyện cuối của ót n’drong. Vì lúc này hai thần đã tỉnh rượu và đang chuẩn bị bay về trời. Chính vì vậy mà từ bao đời nay trong cộng đồng người M’nông chỉ có người Bu Nong (M’nông Nong) là biết hát kể ót n’drong, còn các tộc người khác rất hiếm người biết hát kể ót n’drong. Ở tộc người Bu Nong không chỉ đàn ông biết hát kể mà có cả đàn bà, các chàng trai, cô gái được già làng truyền dạy cũng biết hát kể ót n’drong cho mọi người trong cộng đồng cùng nghe.
Các già làng Bu Nong còn kể rằng: Trong kho tàng ót n’drong có truyền thuyết “Kể dòng con cháu mẹ Chếp” nó chính là ót n’drong mẹ đã sinh ra hàng trăm câu chuyện ót n’drong khác. Truyền thuyết này đã kể lại lịch sử hình thành và phát triển của người M’nông. Từ bà tổ đầu tiên là bà mẹ Chếp đã sinh ra trăng sao, cây cỏ muôn loài, sau đó mẹ Chếp sinh ra mẹ Chắp, mẹ Chắp sinh ra mẹ Chau, mẹ Chau sinh ra mẹ Grên, mẹ Grăn. Từ các bà tổ ấy đã sinh ra 53 dòng họ M’nông khác nhau. Mỗi dòng họ do một bà mẹ đứng đầu, các con lấy tên của mẹ làm họ. Dòng họ cuối cùng do mẹ Rõng đứng đầu đã sinh ra người anh hùng Tiăng. Lúc đầu chàng Tiăng sinh ra từ một quả trứng bằng đá, nên đặt tên là Tiăng con Tiăp. Chàng Tiăng lớn lên thấy không thích hợp với tên của mình nên đã đầu thai vào 37 bà mẹ khác nhau. Ở mỗi bà mẹ, chàng đều có anh em ruột thịt và được tặng nhiều vật quý, như: ché thần, kèn thần, khiên thần, gươm thần, gùi hoa, cồng vàng, cồng bạc, khung dệt bằng bạc… Khi về già, nhớ lại những kỷ vật quý giá ấy, chàng Tiăng đã cùng anh em, con cháu đi đòi lại những vật quý ấy, nhưng các bon làng là anh em cùng mẹ khác cha của chàng không trả, thế là chiến tranh cướp tài sản, cướp vật quý, cướp người đẹp, cướp vùng đất cư trú diễn ra triền miên. Mỗi cuộc chiến tranh là một câu chuyện ly kỳ, nó nối chuỗi với nhau thông qua các nhân vật chính, như: Chàng Tiăng, Tang, Yang, Lêng, Ndu, mẹ Rõng, cha Kông và các vị thần bảo vệ bon làng chàng Tiăng là thần Lết, thần Mai cùng nhiều nhân vật anh hùng khác, tạo nên hàng trăm câu chuyện nối liền nhau trong kho tàng ót n’drong,  hiếm thấy ở các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Từ bao đời nay ót n’drong đã được lưu truyền trong cộng đồng như một báu vật văn hóa không bao giờ phai mờ trong ký ức của người M’nông.
Vừa qua,trong chương trình dự án “Điều tra, sưu tầm, biên dịch, bảo quản và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” (từ 2001-2007) do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) chủ trì, đã phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên tiến hành điều tra và sưu tầm được trên 500 tác phẩm sử thi của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, trong đó có trên 200 tác phẩm sử thi M’nông. Trong hội nghị nghiệm thu chương trình dự án trên, các nhà nghiên cứu folklore đã đánh giá cao kết quả đạt được của chương trình. Cũng trong hội nghị này, các nhà khoa học đã xếp sử thi M’nông vào loại sử thi liên hoàn (hay còn gọi là sử thi phổ hệ, sử thi chuỗi). Qua kết quả này càng làm sáng tỏ những truyền thuyết trên về kho tàng ót n’drong đã và đang tồn tại trong cộng đồng người M’nông như một báu vật, cần phải gìn giữ và phát huy trong cuộc sống đương đại.









Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

CHỢ BẮP QUÊ TÔI - BÚT KÝ của HỒNG CHIẾN



CHỢ BẮP QUÊ TÔI
Bút ký

Ai có dịp theo đường Quốc lộ 26 từ các tỉnh phía đông lên thành phố Buôn Ma Thuột hoặc ngược lại, chắc chắn sẽ không quên dừng chân ở chợ Bắp 47, một địa danh cách thành phố Buôn Ma Thuột 47 km về phía đông để thưởng thức bắp luộc, đặc sản làm nên thương hiệu một cái chợ nổi tiếng trong cả vùng.

Cái tên “chợ Bắp 47” có từ bao giờ, cũng không ai nhớ cả; những du khách lưu thông trên Quốc lộ 26 có dịp đi qua km 47 – lộ giới cách thành phố Buôn Ma Thuột 47 km về phía đông, thuộc xã Ea Kly, huyện Krông Pắc; thường dừng lại bên gốc cây đa cổ thụ mọc bên đường nghỉ ngơi, thưởng thức vài quả bắp luộc được đun trong những chiếc nồi lớn lúc nào cũng bốc hơi nghi ngút. Người bán hàng nhẹ nhàng mở nắp, gắp ra rổ dăm quả bắp nước còn chảy tong tong, rơi xuống mặt đất tạo nên những đám khói nho nhỏ; người thưởng thức cứ vừa lột vỏ vừa xuýt xoa vì nóng. Quả bắp được lột hết vỏ để lộ ra những hạt trắng ngần, đều đặn chen nhau đứng như được một bàn tay tài hoa gắn vào từ đầu đến cuối bắp không còn một chỗ trống. Đưa lên miệng gặm vài hạt, ta thấy những hạt bắp mềm và dẻo như tự nó chạy vào trong lưỡi; vị ngọt bùi, mùi thơm của quả bắp tươi vừa chín đến lan dần trên mặt lưỡi, tỏa hương lên mũi làm người thưởng thức lâng lâng, ăn mãi không chán. Bắp luộc nơi đây cách ăn ngon nhất là cầm nguyên cả quả để gặm dăm bảy hạt một lần mới ngon, còn dùng tay bóc từng hạt ra ăn sẽ mất ngon. Ăn bắp xong, du khách thưởng thức thêm ly nước bắp luộc vừa thơm, vừa ngọt, một vị ngọt đặc trưng của bắp nếp ở vùng Ea Kly mới bẻ về luộc ngay, làm con người sảng khoái, quên đi cả một chặng đườn dài vừa phải vượt qua và sẵn sàng đi tiếp chặng đường mới. Đấy bắp ở chợ Bắp 47 là vậy!
            Những năm đầu sau giải phóng 1975, cách “chợ Bắp 47” bây giờ gần 5 km cũng có một cây đa to mọc ở phía đông Quốc lộ 21A – sau này đổi tên thành Quốc lộ 26, người dân bản địa buổi sáng thường tập trung trao đổi hàng hóa, lâu dần thành chợ và không biết từ khi nào cái tên “Chợ 52” được xướng lên để khách thập phương qua lại biết tại km 52 (theo quốc lộ 21A cách thành phố Buôn Ma Thuột 52 km về phía đông) có một cái chợ. Lâu dần do đất đai trong vùng màu mỡ, người dân tứ phương đến sinh cơ lập nghiệp và đặc biệt sự có mặt của Sư đoàn 333 về đóng quân trên địa bàn làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế đã góp phần biến vùng đất hoang vu thành những cánh đồng trù phú; chợ 52 dần dần trở thành trung tâm giao lưu lớn của cả vùng. Năm 1985, huyện Ea Kar được thành lập, chợ 52 trở thành thị trấn của huyện mới, tốc độ đô thị hóa có bước phát triển vựơt bậc. Theo thời gian chợ 52 với những lều quán tạm bợ, hình ảnh các chị, các mẹ mặc yeng còng lưng gùi những chiếc gùi hoa quả chất cao hơn cả đầu người - đặc sản của gia đình ra chợ đứng bán không còn nữa; dần đần thay bằng những ngôi nhà kiên cố, cửa hiệu sang trọng… và chủ của nó đa phần là người các dân tộc từ nơi khác đến.
            Khoảng đầu năm 1986, gốc cây đa to mọc phía tây Quốc lộ 26 gần km 47 bỗng nhiên được nhiều người qua lại dừng chân vì xuất hiện vài bà mẹ người dân tộc bản địa ngực địu con, lưng gùi hoa quả vườn nhà như: sầu riêng, mãng cầu, chuối… ra đứng núp bóng mát cây đa bán cho du khách đi qua. Người này bán được, người kia bắt chước làm theo, thế là cái chợ manh mún bắt đầu hình thành như một sự tất yếu để kế thừa chợ 52 trước đây. Có lẽ nhờ bóng cây đa to, du khách thích dừng chân nghỉ ngơi và đặc biệt được mua đặc sản của vùng đất Tây Nguyên do chính những người dân bản địa hiền từ, chất phác, thật thà đứng bán cuốn hút nhiều người. Lúc đầu chợ chỉ bán rau quả đựng trong gùi, người mua phải mua cả gùi mới bán; sau này theo thời gian, cái “chợ” bên gốc đa ấy người ta biết bán rau quả theo chục, theo mớ, theo bó… “Chợ” họp cả ngày từ mờ sáng cho đến lúc người bán bán hết hàng hoặc khi ông mặt trời đi ngủ về tây, người bán mới thu dọn đồ về. Theo thời gian Chợ 47 ngày một đông thêm và vài năm lại đây đã có gần 40 chiếc quán mọc lên, kéo dài từ gốc đa đến ngã ba đường vào Công ty cà phê 719. Các quán ở đây được dựng tạm bợ bằng bốn cây gỗ nhỏ đứng bốn góc, phủ tấm bạt lên trên, núp dưới bóng hàng cây cây trứng cá, cây muồng… xanh tốt tạo được không gian vừa thoáng mát lại thơ mộng. Trong quán, ngoài kê bàn ghế bình thường còn có thêm những chiếc võng mắc quanh các bàn nhỏ để du khách ngã lưng thư giản và thưởng thức bắp luộc. Điều đặc biệt ở đây, tất cả các quán mở ở khu vực này đều nối liền nhau như các ki ốt của chợ lớn và chỉ bán duy nhất một món đặc sản: bắp luộc và phục vụ giải khát; có lẽ vì thế nơi đây mới thành tên gọi: “chợ Bắp 47”. Ban ngày xe đi lại nhiều nên các quán đều rất nhộn nhịp người đến thưởng thức bắp luộc, chỉ có phía tây nam gốc đa còn lại một khoảnh đất không lớn lắm, dành riêng cho các chị, các mẹ bán hoa quả, tạo nên một nét bản sắc riêng của người dân Êđê nơi đây.

            Trong các quán bán bắp luộc ở chợ Bắp 47, chỉ riêng quán có vị trí ngay bên gốc cây đa diện tích lớn nhất, bao gồm gần hết diện tích bóng mát của cây đa lúc trưa đến; cô chủ quán ngoài 30 tuổi, có khuôn mặt trái xoan, nước da như màu mật ong rừng để lâu ngày, đôi mắt sắc và nụ cười rất tươi khoe những chiếc răng trắng, đều như hạt bắp nếp niềm nở đón khách. Tranh thủ khi ăn bắp, tôi hỏi cô chủ quán:
            -Em tên gì?
            -Anh cứ gọi em là Cô bán bắp cho dễ nhớ.
            -Nhà em có gần đây không?
            -Dạ, ở trong buôn phía bên kia đường đấy.
            -Em bán ở đây lâu chưa?
            -Quán này ngày trước của mẹ em, sau mẹ già giao lại cho em. Mẹ em là người đầu tiên bán bắp luộc ở đây đấy.
            Vui chuyện cô cho biết thêm: trước đây chỉ có mình mẹ cô bán bắp luộc, nhiều người thích ăn, mỗi ngày bán hết hai nồi to thì nghỉ không bán nữa, sáng mai mới luộc và bán tiếp. Mọi người thích ăn bắp ở đây là vì bắp được trồng trên đất đỏ ba zan ở tận cùng phía đông của cao nguyên Đắk Lắk, ảnh hưởng khí hậu miền biển Khánh Hòa. Trước đây người Pháp lấy suối Ea Knốp làm ranh giới phân định hai tỉnh Đắk Lắk – Khánh Hòa mà suối Ea Knốp chỉ cách km 47, xã Ea Kly theo đường chim bay khoảng 10 km; sau năm 1975 địa giới tỉnh mới được phân định lại, nhưng khí hậu thì vẫn thế. Người ta thấy nhà em bán bắp luộc đông khách nên bắt chước ra làm chòi luộc bắp bán. Quán nọ giáp quán kia, nay đã thành hai dãy quán chạy dọc hai bên quốc lộ, vui lắm. Cô chủ quán nói với vẽ hãnh diện.
Chợ Bắp 47 hình thành và phát triển như vậy đấy, nhưng tôi vẫn băn khoăn một điều: Tây Nguyên có hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa đương nhiên có nhiều bắp tươi để luộc bán cho du khách, nhưng còn mùa khô cả 6 tháng trời nắng chang chang như vậy lấy đâu ra bắp tươi mà luộc, bán cho du khách? Trong một lần đến làm việc với Công ty cà phê 719 đóng trên địa bàn xã Ea Kly, gần chợ Bắp 47; tôi trao đổi với ông Nguyễn Huy Bá – Phó giám đốc Công ty nỗi băn khoăn của mình về quả bắp tươi mà mùa khô vẫn có để bán ở đây. Ông cho biết: Vùng này có nhiều hồ nước, mùa khô người ta gieo bắp ở vùng đất thấp gần với hồ nước và bơm nước tưới thường xuyên; bắp có nước phát triễn tốt lắm. Tôi buột miệng thốt lên: À ra thế! Theo ước tính, để có bắp tươi phục vụ cho gần 40 quán bán quanh năm phải có hơn một trăm hộ chuyên canh bắp cung cấp và như thế đã có trên một trăm hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu vì có thu nhập ổn định, góp phần quan trọng làm vùng đất nơi đây thêm trù phú.

Chợ Bắp 47 giờ đây đã được rất nhiều người biết đến với đặc sản bắp luộc được bày bán quanh năm  phục vụ du khách không phải vùng nào cũng có. Người chưa biết muốn một lần thưởng thức cho biết, người thử một lần rồi lần sau có dịp đi qua nhất định sẽ dừng lại ăn cho đỡ nhớ và mua luôn vài vài chục mang về tặng anh em bạn bè những quả bắp ở chợ Bắp 47, đặc sản của một vùng đất đỏ ba zan ở tận cùng phía đông cao nguyên Đắk Lắk. Nói như thế, chợ Bắp 47 không chỉ có bắp luộc mà còn có nhiều nông sản do chính tay những người dân bản địa trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch để trong những chiếc gùi xinh xinh chào mời du khách. Những người bán hàng hoa quả này đa số đều là những người phụ nữ cao tuổi, vui tính, niềm nở với khách hàng. Khách cứ xem thoải mái, mua cũng được mà không mua cũng không sao, trên môi những người bán hàng bao giờ cũng nở một nụ cười thân thiện. Có lẽ chính thái độ này của những người bán hàng đã làm đẹp thêm lên hình ảnh về một vùng đất, cuốn hút được nhiều du khách dừng chân nơi đây và hình thành nên một cái chợ đặc biệt… CHỢ BẮP 47.

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 277 - tác giả NGUYỄN QUANG THIỀU

Nhà văn NGUYỄN QUANG THIỀU


VIẾT VĂN LÀ HÀNH ĐỘNG
HƯỚNG TỚI CÁI ĐẸP*


Vừa qua, tôi có một buổi nói chuyện với học sinh, sinh viên Việt Nam tại Phòng thông tin, Đại sứ quán Hoa kỳ về hướng nghiệp với đề tài “ Làm thế nào để trở thành nhà văn”.
Tôi nói với các bạn trẻ rằng : Câu hỏi làm thế nào để trở thành nhà văn sẽ trở thành một câu hỏi cô đơn và lạc lõng trong xã hội Việt Nam hiện nay. Tôi đã đánh giá rất cao Phòng Thông tin sứ quán Hoa Kỳ khi chọn chủ đề này. Trên bề mặt xô bồ của đời sống, nó đúng là một chủ đề lạc lõng, nhưng trong sâu thẳm của giáo dục, nó là câu hỏi cần thiết và có thể là cấp bách với chúng ta.
Hiện thực cho thấy, hầu như chẳng có phụ huynh nào khuyên con cái mình trở thành nhà văn mà chỉ khuyên chúng trở thành bác sỹ, nhân viên ngân hàng, tài chính kế toán, quản lý khách sạn, hải quan, tiếp viên hàng không….Nghĩa là phải học những nghề có thể kiếm ra tiền một cách dễ nhất. Tôi thông cảm một phần với các bậc cha mẹ. Đó thực sự không hoàn toàn là lỗi của họ.
Với những vụ sát hại man rợ tận cùng xẩy ra ở Bình Dương và Nghệ An, tôi cảnh báo các bạn trẻ rằng : Nếu chúng ta không tìm cách ngăn chặn thì đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ nghe tiếng gõ cửa và những kẻ sát nhân bước vào ngôi nhà chúng ta ra lệnh chúng ta làm những gì chúng muốn. Nếu không tuân lệnh, chúng sẽ sẵn sàng nổ súng. Chúng ta đừng bao giờ ngốc nghếch nghĩ rằng : Chúng ta ở trong một ngôi nhà kiên cố là chúng ta có thể an toàn. Khi xã hội không an toàn thì mỗi ngôi nhà chúng ta không có khả năng an toàn. Khi sông hồ quanh ta nhiễm độc thì bể nước trong ngôi nhà chúng ta với đủ các loại máy lọc tiên tiến nhất cũng sẽ bị nhiễm độc. Và cái gì sinh ra những tội ác man rợ tận cùng đang diễn ra trong xã hội chúng ta ? Mọi người có thể đưa ra nhiều nguyên nhân. Nhưng nguồn gốc của mọi tội ác sinh ra từ những con người vô cảm và không biết rung động trước cái đẹp của thiên nhiên và cái đẹp của con người. Chính việc giáo dục của chúng ta đã đóng góp một phần quan trọng trong giáo dục thẩm mỹ và nhân văn đã làm cho con người trở nên vô cảm và độc ác.
Tôi nói với các học sinh, sinh viên hôm đó về vai trò của văn học trong việc xây dựng nhân cách con người. Nếu có một lúc nào đó họ sa ngã thì cái đẹp mà một phần do văn chương mang lại sẽ làm cho họ biết sám hối. Tôi không khuyên họ trở thành nhà văn của một triệu bạn đọc nhưng hãy trở thành nhà văn của một bạn đọc đó là chính họ. Bởi khi họ viết văn cho dù dưới một hình thức nào đó thì đấy là hành động hướng tới cái đẹp và suy ngẫm về cái đẹp. Khi họ viết văn là họ có cơ hội nghe được bản thân mình rõ nhất và xem lại bản thân mình. Trong những năm qua, có một số người lên tiếng về việc quá nhiều người làm thơ và in thơ. Họ gióng hồi chuông về sự bình dân hóa thơ ca. Nhưng tôi nghĩ khác : Tôi thấy đó là một trong những dấu hiệu tốt trong đời sống tinh thần của chúng ta. Bởi khi viết những câu thơ thì hầu như tất cả những người viết đó đang hướng về những điều tốt đẹp. Những văn bản họ viết có thể không phải là một văn bản nghệ thuật thực sự nhưng hầu hết đó là những văn bản nhân tính. Và xã hội con người luôn cần những văn bản đó cho dù nó được xuất bản cho một triệu người đọc hay chỉ là một văn bản viết tay giấu kín trong hộc tủ của ai đó và thỉnh hoảng họ lại mang ra đọc một mình.
Một hai năm trước tôi đọc trên báo chí và thấy rằng có một số trường đại học muốn bỏ thi môn văn. Dạy văn và học văn không phải để sinh ra các nhà văn, nhà thơ mà là một trong những con đường đưa con người vào thế giới nhân tính. Một hiện thực là rất nhiều học sinh không còn thích học môn văn nữa. Lỗi đó không thuộc về học sinh. Lỗi đó thuộc về những nhà giáo dục cùng một phần của các bậc cha mẹ. Trong khi họ, các nhà giáo dục và các phụ huynh, nỗ lực hết mình để truyền đạt những kiến thức mang tính thực dụng cho con em họ thì họ đã bỏ quên việc nuôi dưỡng tâm hồn con em họ. Những đứa trẻ đó lớn lên sẽ trở thành những bác sỹ phẩu thuật rất giỏi, những ông chủ nhà băng lớn, những thương gia giàu có…nhưng lại là những kẻ vô cảm và dửng dưng với mọi số phận quanh họ.
Trong buổi nói chuyện, một sinh viên hỏi tôi: “Cháu có hai người bạn rất thân nhau. Một người giỏi văn. Nhưng khi lớn lên, người bạn của anh ta gặp khó khăn và anh ta đã phản bội lại bạn mình. Sao một người học giỏi văn lại đối xử với bạn mình không nhân văn như thế?”.
Câu hỏi vô cùng hay. Vậy thì tại sao ? Tôi trả lời sinh viên kia : Vì cách dạy văn lâu nay của chúng ta hoàn toàn giống như dạy cách sao chép một văn bản lý thuyết từ giáo án của thầy cô sang vở ghi chép của học sinh. Nó giống như học sinh dùng một cái usb “cắm vào” ổ máy của thầy cô rồi coppy vào cái máy của mình. Thao tác đó không hề được đi qua thế giới của những run rẩy, những thổn thức, những chia sẻ, những tưởng tượng, những dày vò và cả những lo sợ mơ hồ. Chính cái thế giới ấy mới làm nên tâm hồn con người. Cậu học sinh kia chỉ học một thao tác kỹ thuật sao chép đơn giản chứ không học cách cảm nhận cuộc sống và cách sống. Và kết quả như bạn sinh viên kia chứng kiến là điều hiển nhiên.
Những năm 70 của thế kỷ trước chúng tôi học văn hoàn toàn khác. Tôi không bao giờ quên được những buổi lên lớp của các thầy cô dạy văn và đặc biệt là thầy Trần Mạnh Hưởng ở trường Cấp 3 Mỹ Đức, Hà Tây cũ. Thầy đã dẫn chúng tôi vào một thế giới mà chúng tôi chưa hề biết trước đó. Có những đêm tôi thao thức mãi với bài giảng của thầy Hưởng, cô Thái hay thầy Du ở lớp học trong ngày. Một điều gì đó thật kỳ diệu và lạ lùng đã dâng lên trong tâm hồn của chúng tôi. Nó đã bồi đắp tâm hồn chúng tôi từng ngày một cách lặng lẽ nhưng thật bền vững và lớn lao. Hãy làm một chính khách, một bác sỹ, một chủ nhà băng, một thương gia… ban ngày và hãy làm một nhà văn vào buổi tối trong ngôi nhà của mình. Hãy viết cho chính mình, viết bằng bút, bằng laptop hoặc bằng những suy ngẫm và cụ thể hơn bằng một hành động của yêu thương trước hết trong chính ngôi nhà của mình. Và sáng mai thức dậy, con đường bạn đi đến công sở đã là một con đường khác đầy cảm hứng, đầy đức tin và vô cùng bền vững hơn chính con đường bạn mới đi ngày hôm qua.


(*): Đầu đề của bài viết do BBT Tạp chí Chư Yang Sin đặt.

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 277 - tác giả H’XÍU HMOK

Tác giả H’XÍU HMOK


MẸ ỐM
Tản văn                  



Sáng sớm một ngày nghỉ, con lên rẫy dọn cỏ với mẹ. Trời nắng như đổ lửa, con thấy mẹ không được khỏe. Mẹ ho liên tục, vừa làm vừa ho, con thấy mẹ yếu đi nhiều. Cái nắng hanh hao, oi bức được xoa dịu bằng cơn mưa bất chợt, may mà mẹ đem theo áo mưa, không thì hai mẹ con ướt hết. Hai mẹ con ngồi dưới gốc cây, co ro trong chiếc áo mưa. Con lơ đãng ngắm những hạt mưa rơi ồn ào dưới tán cây kơ nia, đưa tay hứng những giọt nước chảy dài trên chiếc áo mưa mờ mờ màu sữa, miệng liên tục hỏi mẹ những câu hỏi vì sao. Chỉ là cơn mưa bóng mây, mưa tạnh nhanh quá, ầm ào và vội vã. Mẹ rùng mình vì lạnh, đôi môi tái nhợt. Hình như mẹ bị ốm.
Mẹ nằm trên giường, sốt cao, nóng hầm hập. Toàn thân mẹ run rẩy, mẹ bảo thấy lạnh, đắp lên người chiếc chăn bông dày. Con đi mua thuốc cho mẹ uống. Cô dược sĩ hỏi con mua cho ai, con nói mua cho mẹ. Cô nhìn con cười, cẩn thận dặn dò con cách uống thuốc.
Viên thuốc đắng ngắt, lờm lợm nơi đầu lưỡi. Con thấy nhờn nhợn. Nhớ ngày trước, con cũng hay đau ốm vặt, nhưng lại cực kì sợ thuốc. Mỗi lần uống thuốc là mỗi lần con vật vã, mặt mũi nhăn nhó, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng trông rất khổ sở. Bởi vậy con ghét uống thuốc, cứ canh chừng lúc mẹ không để ý là con giấu thuốc rồi vứt đi. Vậy nên mỗi lần con ốm là mẹ lại phải rất vất vả để chăm con và dỗ dành con uống thuốc. Bây giờ nhìn mẹ uống thuốc, dù không vật vã, khổ sở như con nhưng con vẫn còn nguyên cảm giác ghét và sợ thuốc, cổ họng con nhợn nhợn thật khó chịu.
Mẹ thiêm thiếp ngủ, con cặm cụi dọn nhà, cho lũ gà và ngan ăn, vuốt ve con mèo già và lẩm nhẩm bài hát vui cô giáo mới dạy. Con nhóm lửa, mặt mũi lem nhem vì khói và muội than trong bếp. Bố vắng nhà, chỉ còn mình con với mẹ. Con nhớ mỗi lần con ốm, không ăn được cơm, mẹ hay nấu cháo cho con ăn, món cháo đậu xanh ngầy ngậy, thơm phức. Con bảo con cũng sẽ nấu một nồi cháo giống vậy để mẹ ăn cho mau khỏe. Củi ẩm, khói tỏa dày đặc, mắt con cay xè, chảy nước. Khó khăn lắm con mới làm lửa cháy lên được. Than bắt đầu đỏ, những đốm lửa nổ lách tách. Nồi cháo sùng sục sôi, trào ra ngoài, tiếng lèo xèo, lụp xụp khiến mẹ tỉnh giấc. Mẹ gượng dậy khỏi giường, lần đi xuống bếp. Trong gian bếp khói mù mịt, mẹ thấy con ngồi lúi húi với nồi cháo, ngẩng mặt lên nhìn mẹ, mặt lấm nhọ tèm nhem. Mẹ bước lại chỗ con, nước mắt chực rơi, ôm con vào lòng, hỏi “Con đang làm gì đó?”. Con bảo, con nấu cháo cho mẹ ăn, nhưng mà con không biết nấu sao cho nó đặc giống mẹ hay nấu. Mẹ nhìn nồi cháo, là nồi cơm nhão thì đúng hơn. Mẹ cười, đứa con gái 8 tuổi của mẹ chưa biết nấu cháo, cho nhiều gạo nên không thành cháo. Mẹ cốc yêu đầu con gái, bảo thôi để đấy mẹ nấu cho. Con gái không chịu, nhất quyết bảo sẽ nấu cho bằng được nồi cháo để mẹ ăn cho mau khỏe. Vậy thì, mẹ ngồi đó hướng dẫn, con nấu nhé.
Tô cháo nóng hôi hổi, con gái múc đặt lên bàn mời mẹ. Mắt mẹ ngân ngấn nước. Mẹ thấy vui vì con gái mẹ đã lớn khôn rồi. Mẹ húp từng miếng cháo mà cảm thấy lâng lâng trong lòng. Con gái ngồi, chăm chú nhìn, chốc chốc lại hỏi, cháo ngon không mẹ, mẹ ăn nhiều vào nhé, cẩn thận nóng đấy. Con gái không biết, lúc ấy, mọi sự mệt mỏi, bệnh tật trong mẹ đã tan biến hết, mẹ cảm thấy yêu con gái của mẹ vô cùng.
Sáng nay, trời vừa hừng đông, tiếng gà gáy o o trên mái nhà. Mẹ trở mình thức giấc, con gái vẫn cuộn tròn trong chăn, ngủ ngon lành. Nhìn con ngủ, mẹ thấy bình yên lạ. Lâu lâu, con gái lại chép chép miệng như đang ăn gì đó. Mẹ ngắm con thật lâu, nghe tiếng con thở đều đều, nhịp nhàng. Chuông điện thoại reo, phá tan không gian yên ắng buổi sáng. Bố gọi điện báo sắp về tới nhà. Mẹ nhanh tay xuống bếp chuẩn bị bữa sáng. Lát nữa, khi bố về, mẹ sẽ kể cho bố nghe về tô cháo ngon nhất mà mẹ được ăn, tô cháo do con gái nấu.



Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

ĐIỀU KHÓ NÓI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 277 tháng 10 năm 2015




Mặt trời leo qua đỉnh núi Mẹ Bồng Con một đoạn dài, ném xuống buôn những hơi thở ấm áp của buổi sáng. Dân buôn M’Lai và buôn Tai hôm nay bồng bế nhau, rồng rắn kéo đến khu đất trống dưới chân núi Cư Bukso, cạnh suối Ya Brô chứng kiến cuộc đua tài thi bắt cá giữa hai buôn. Không biết tục lệ này có từ bao đời nay, hàng năm cứ đến những ngày cuối cùng của mùa khô Tây Nguyên, khi công việc trên ruộng rẫy đã xong xuôi, già làng hai buôn M’Lai và buôn Tai lại gặp nhau định ngày tổ chức thi. Thành phần tham gia được thống nhất như sau: mỗi buôn cử ra một đội gồm: hai cặp nam nữ trung niên đã có gia đình, hai cặp thanh niên và một thiếu niên tham gia cuộc thi. Những người được chọn đại diện cho buôn tham dự cuộc thi, phải là những người khỏe mạnh, nhanh nhẹn và đặc biệt khéo tay, giỏi bắt cá; vì thế ai được chọn đều hãnh diện lắm.
Năm nay trong đội buôn Tai có H’Dung, con út già làng đang học lớp 8 trường nội trú huyện, vinh dự đứng đầu hàng đối diện với đội buôn M’Lai cũng có chín người; người đứng đầu hàng là Y Khoa bạn học cùng lớp với H’Dung. Y Khoa tóc quăn, người cao lêu khêu nhưng đá bóng khá lắm. Nhìn cái mặt vênh vênh của Y Khoa, H’Dung thấy ấm ức trong bụng, tự hứa với chính mình: hắn làm lớp phó phụ trách Văn Thể hay ăn hiếp cánh con gái, lần này mình phải thắng, thắng thật oanh liệt cho hắn ta bớt vênh váo.
 Sau khi hai đội chiêng của hai buôn cùng tấu bài Cảm ơn Yang cho mưa thuận gió hòa, con người và loài vật mạnh khỏe, nay xin Yang suối Ya Brô cho được tổ chức cuộc thi bắt cá làm sản vật tạ ơn các Yang. Ông thầy cúng lẩm bẩm khấn vái, vảy nước bốn phía xong hai đội thi đấu cúi đầu chào nhau. Buôn M’Lai năm nay bắt được lá thăm may mắn đứng phía đầu suối, còn buôn Tai đứng phía cuối dòng. Tham gia tranh tài cánh đàn ông ai cũng đóng khố mới, khoe tấm lưng sạm nắng gió như đồng hun; cánh phụ nữ cũng diện yeng mới như đi dạ hội, trên tấm lưng trần đeo chiếc gùi mây lớn để đựng cá.
Điểm được chọn tổ chức cuộc thi hàng năm là vụng suối đoạn chảy qua gần hai buôn. Nhờ Yang ban phước cho vùng đất này nên khi suối chảy đến ranh giới của hai buôn tự nhiên phình bụng to ra tạo thành một cái vụng, quanh năm không bao giờ cạn nước. Vụng suối này dài gần bốn chục sải tay, chỗ rộng nhất năm sải tay, nơi nước sâu nhất hơn sải tay. Cuối mùa khô suối cạn dần, cá các nơi dồn vào vụng. Buổi chiều trước ngày tổ chức thi, thanh niên hai buôn ra đàn hát, khơi dòng cho nước chảy bớt đi, chỗ nào sâu nhất chỉ còn khoảng sáu gang tay.
Tung… tung… tung! Dứt ba hồi trống, hai đội đặt vội gùi xuống bãi cát rồi lao xuống suối trổ tài… tay không bắt cá. Họ nháo nhào lội ngược lội xuôi làm khúc suối đục ngầu, cá chạy loạn xạ, nhiều con thúc cả vào chân, nhảy lên lao cả vào ngực. Mấy người trung niên mò sát bờ khe bắt cá không vảy rúc vào, cánh thanh niên háo hức quần nhau nơi giữa suối bắt những con cá quả lớn. Cá bắt được ném lên bờ để nhặt bỏ vào gùi. Y Khoa thấy lũ cá trắng to bằng hai, ba ngón tay nổi lên nhiều, bắt ném mỏi tay quá liền chạy lên bờ lấy gùi đeo vào lưng xuống bắt cho nhanh; H’Dung nhìn thấy vậy cũng làm theo, lúc gùi nặng quá, chạy lên bờ đổ rồi xuống bắt tiếp. Hơn một tiếng sau, số cá trắng sặc nước bùn thò đầu lên thở bị tóm hết, mọi người đua nhau bắt các con cá đen như: trê, quả…    
Trên bờ, tiếng chiêng, tiếng trống thi nhau gõ, tiếng người lớn, trẻ em hò hét động viên vang động cả góc trời làm những người tham gia cuộc thi càng hăng say hơn. Y Khoa mặt vẫn tỉnh khô, nhanh tay tóm cá ném vào gùi hình như không nhìn thấy H’Dung. H’Dung ức lắm nên quyết phải nhanh tay cùng góp sức bắt cho được nhiều hơn. Mấy anh chị thanh niên thỉnh thoảng lại cười ré lên khi bắt được cá to hay vô tình nắm được tay nhau dưới nước. Y Khoa vẫn chăm chỉ bắt không thèm nhìn ai cả, bổng hét toáng lên:
-A, tóm được rồi!
Hét lên xong Y Khoa ngồi xuống nước ngập đến cổ, ngập luôn chiếc gùi, bao nhiêu cá bắt được bơi ra hết; rồi gồng mình, từ từ đứng lên ôm theo một tảng đá lớn bước vội lên bờ. Mọi người nhìn theo, ngạc nhiên, chưa hiểu vì sao thì thấy Y Khoa cố hết sức lẳng hòn đá lên bãi cát. Mọi người ồ cả lên ngạc nhiên khi thấy hòn đá to như chiếc chiêng, thò đầu, đuôi, chân ra bơi bơi trong không khí. Ai đó kêu lên:
-Rùa, ôi con rùa to quá!
Nhiều người chạy lại xem, Y Khoa được thể cái mặt càng vênh lên như đã cầm giải nhất rồi ấy, trông ức quá; H’Dung nghĩ bụng: mình phải tóm được con cá to chứ không thèm nhặt “hòn đá” như thế. Nhưng làm thế nào để bắt được cá to khi chúng còn khỏe và bơi nhanh lắm? A, phải làm thế này mới được, trong đầu H’Dung nảy ra một ý nghĩ táo bạo vội ngồi xuống cho nước ngập đến cổ rồi từ từ đứng lên; mỗi lần như vậy lại lôi lên bờ một con cá quả lớn, làm mọi người ngạc nhiên, khen ngợi. Mọi người trong cuộc thi đều đổ dồn hết cả mắt lại xem H’Dung biễu diễn bắt cá một cách thần kỳ. Khuôn mặt vênh vênh của Y Khoa đã biến mất, nhường cho khuôn mặt đỏ gay như say rượu và cũng bắt chước ngồi xuống, quờ tay xung quanh để bắt, nhưng toàn vớ được những con nhỏ làm cặp mắt như muốn nhảy ra ngoài.    
Sau hơn hai tiếng thi tài, già làng hai buôn quyết định ngưng tiếng chiêng, tiếng trống, hai đội lên bờ và phân định thắng thua. Đội buôn M’Lai bắt được ít cá hơn, không có nhiều cá to nhưng tóm được con rùa nặng gần hai chục ký. Đội buôn Tai bắt được hơn chín gùi cá, trong đó có nhiều cá quả to. Già làng hai buôn hội ý chưa biết phân định thế nào, Y Khoa lên tiếng:
-Bên nào bắt được con nặng nhất, to nhất bên ấy thắng cuộc.
Người buôn M’Lai reo ầm lên, hoan hô và xúm lại định công kênh Y Khoa, người chắc sẽ được chọn giỏi nhất cuộc thi vì bắt được con to nhất. H’Dung bước lại gần hai già làng nói:
-Hôm nay hai buôn thi bắt cá, những con cá còn sống, khỏe mạnh chạy trong nước ai bắt được nhiều, có nhiều con to thì thắng; còn con rùa tuy lớn nhưng nó có bơi đâu mà không bắt được, phải không ạ!
-Phải lắm, phải lắm!
-H’Dung nói đúng quá!
Người dân buôn Tai reo ầm lên hưởng ứng. Chờ mọi người trở lại im lặng, H’Dung nói tiếp:
-Dạ, con nghĩ hôm nay hai buôn ta thi bắt cá chứ không thi bắt rùa, rùa không phải là cá nên bắt được rùa không tính, phải thả cụ rùa xuống suối lấy may thôi.
Mọi người lại reo ầm lên tán thành, hai già làng cũng nhất trí như thế. Những người trong đội tham gia thi ai cũng ướt sũng; đầu tóc, da khố, yeng bám đầy bùn nhưng đôi mắt long lanh, cái miệng tươi như hoa, trừ Y Khoa mắt cứ như đang tìm cái kim rơi dưới đất. H’Dung vui lắm, thế là ngay mai lên lớp, “hắn” sẽ bớt khinh khỉnh đi. Già làng buôn M’Lai mời già làng buôn Tai lên nhận thưởng. Giải thưởng cuộc thi năm nào cũng như nhau: bên bắt được ít cá hơn thì phải thưởng cho bên bắt được nhiều hơn một con heo năm gang (đo độ dài từ đầu đến mông), một ché rượu cần lớn (cao ngang lưng người lớn); bên bắt được nhiều cá hơn tặng lại cho bên thua một nửa số cá mình bắt được kèm theo một con gà trống, một ché rượu bé (cao ngang đầu gối người lớn); sau đó giải thưởng của hai bên góp chung lại để tổ chức liên hoan đoàn kết hai buôn. 


Buổi chiều, sau khi ông thầy cúng bày lễ tế Yang: một con gà luộc, một con cá quả nướng, một chiếc thủ heo có thêm: đuôi heo, một ít thịt và tim gan heo. Ông thầy cúng lâm rấm khấn mời các Yang về chung vui với dân hai buôn. Chiêng trống nổi lên, người dân hai buôn không kể già trẻ, lớn bé kéo về dự liên hoan, vít cần rượu và cùng thưởng thức các đặc sản chế biến từ cá. Y Khoa cũng bắt chước người lớn vít cần rượu làm mấy ngụm, một lúc sau lấy hết can đảm lại bên H’Dung nói nhỏ:
-H’Dung cho tao hỏi một câu được không?
Nhìn khuôn mặt buồn rười rượi của bạn học cùng lớp bao nhiêu bực tức bay đâu mất cả, trong lòng H’Dung chỉ còn lại sự thông cảm, không còn sự hả hê của người chiến thắng nữa, trả lời:
-Nói đi!
-Tại sao H’Dung ngồi xuống là bắt được cá to, còn mình cứ chạm vào là chúng chạy mất. Bắt cách nào giỏi thế?
Nghe hỏi, hai má H’Dung đỏ hồng cả lên, quay mặt ngó lơ chỗ khác, nói mà lời như mắc trong cổ:
-Bí mật mà!
-Không chia sẻ được à?
Y Khoa gặng hỏi thêm, H’Dung lắc đầu. Mấy anh chị thanh niên đứng gần đấy cũng quay lại vây xung quanh H’Dung gạn hỏi cách bắt cá. Ai cũng khen H’Dung giỏi, khéo tay và muốn học cách bắt cá để lần sau thi góp phần giành chiến thắng cho buôn mình. H’Dung cười ngượng nghịu:
- Bí mật mà, không nói được đâu!
Mọi người cười ồ cả lên làm H’Dung tự nhiên đỏ mặt, thầm nghĩ: Đúng là bí mật thật, ai lại đi nói ra cơ chứ… vì nói ra ngượng chết đi được. Cách bắt cá hôm nay đơn giản là dùng… yeng; khi ngồi xuống, hai tay nắm hai góc, xòe yeng ra chờ cá chạy qua đụng vào bụng thì túm yeng, nhốt luôn cá lại và… bắt. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng nói ra… ngượng chết!

Mùa thu năm 2015

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

TRUYỀN THUYẾT CHƯ PAL truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - VĂN NGHỆ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH SỐ: 373 THÁNG 10 NĂM 2015




Dãy núi Chư Pal cao sừng sừng sững, kéo dài từ dãy Chư Yang Sin lao ra phía bắc, tạo bức tường thành phía tây chắn gió cho cái buôn Jai nhỏ bé có hơn năm chục nóc nhà dài định cư. Sáng sớm hay chiều về, khi ông mặt trời sắp đi qua phía tây để ngủ, lũ vượn thường ra sườn núi nô đùa, buông mình từ ngọn cây này bay qua ngọn cây khác, hò hét inh rừng.
          Theo ngoại kể: ngày trước trên dãy núi này có một đàn sơn dương đông cả trăm con, con nào cũng có bộ lông đen bóng như hòn than cây kơ nia mới đốt. Con đực đầu đàn to bằng con bò cái, sừng cong vút về phía sau, nhọn hoắt. Thỉnh thoảng, một tháng đôi lần chúng kéo nhau ra sườn núi, phía sau buôn, nơi chỉ có cỏ gianh vây quanh những hòn đá lớn chồng lên nhau như những mái nhà để nô đùa. Con đực đầu đàn bao giờ cũng chọn một hòn đá lớn nhất, cao nhất so với cả vùng, leo lên đứng để nhìn xuống buôn như đang nghiền ngẫm điều gì trọng đại lắm, bộ râu dưới cằm dài hơn hai gang tay người lớn vểnh ngược ra phía trước trông ngồ ngộ. Mấy chú sơn dương nhỏ lao đầu vào nhau, quần thảo, thử sức, khi mệt cũng leo lên các tảng đá nằm nghỉ, đầu quay xuống buôn xem con người làm việc. Người dân trong vùng quý bầy sơn dương này lắm, vì chúng không phá hoại hoa màu của người dân mà chỉ làm cho núi rừng thêm đẹp. Người già còn bảo nếu đi rừng ai may mắn nhặt được sừng sơn dương rụng thì coi như được zàng tặng quà; con người bị gió gió độc làm đau bụng, chỉ cần mài một chút sừng vào đĩa sứ, đổ chén rượu nhỏ hoặc nước đun sôi để nguội vào, uống là khỏi ngay.   

Ông ngoại ma Jin vào rừng hái thuốc đã nhặt được một cái như thế, dân trong buôn góp bò, heo, gà và rượu, nổi chiêng để cúng Zàng tạ ơn hẳn một tuần. Mấy buôn  trong vùng nghe tin cũng dắt heo, bò đến chúc mừng, vui lắm. Ngày đầu tiên cúng một con heo năm gang (cách tính con heo có vòng ngực năm gang tay người lớn), làm thịt xong rồi cắt thủ và cái đuôi đem luộc chín để lền mẹt, xung quanh đặt thêm một ít gan, lòng và thịt luộc; thầy cúng làm lễ tế, gọi Zàng về nhận và cùng hưởng cho vui. Hôm sau thịt một con bò lớn chặt đầu, đuôi (để sống) đặt lên giàn giáo làm trước buôn, trên bốn cột làm giàn giáo thờ cúng được bôi huyết bò; thầy cúng khấn mời Zàng về nhận để đưa bò đi theo… Sau khi cúng Zàng xong chiếc sừng sơn dương được giao cho già làng cất giữ, ai có bệnh thì đến lấy để dùng và xem đó lộc chung của cả buôn, cả vùng.
          Cuộc sống bình yên ấy kéo dài cho đến một ngày…
          Ngày cuối cùng của tháng ta - mặt trăng cả đêm không bao giờ xuất hiện, ông mặt trời mỏi mệt đi xuống đứng trên đỉnh núi, rãi nốt những tia nắng vàng cuối cùng lên các nóc nhà như một lời tạm biệt trước khi đi ngủ. Bổng có tiếng chó gầm lên, bầy sơn dương đang mãi ngắm buôn, giật mình chồm dậy, nhảy tót lên những hòn đá lớn nhìn xuống. Phía dưới, sơn dương mẹ và đứa con nhỏ của mình không kịp leo lên những hòn đá lớn, bị bảy con sói vây quang. Lũ sói, con nào lông cũng màu hoe hoe đỏ như cỏ gianh gần cuối mùa khô; ngực nở, bụng thon, có cái mỏm dài nhe ra bộ răng có hai chiếc răng nanh mọc hai bên khóe mép, nhọn hoắt, gớm giếc; khi sủa, cái đuôi cũng cong ngược lên, vẻ vẩy như giương cờ, ra chiều đắc ý lắm. Chúng thi nhau vừa gào vừa khoe những chiếc răng sắc nhọn, và tìm cách lao vào gậm chú sơn dương con tội nghiệp. Con sơn dương mẹ hết ngảy qua bên phải, lại nhãy qua bên trái, tả xung hữu đột: tung chân, húc đầu cố đẩy lui bầy sói. Lũ sói vừa nhanh nhẹn chạy tránh đòn, nhưng cũng tranh thủ lao vào mông chú sơn dương con táp những cái rất mạnh làm tọac cả da, tứa máu. Chú sơn dương con tội nghiệp, đứng run rẫy, chịu trận; thỉnh thoảng lại té khụy xuống khi lũ sói tấn công. Bầy sói siết chặt vòng vây, tính mạng của chú sơn dương con có lẽ chỉ còn tính bằng dây, mẹ chú đã cố lắm rồi nhưng sức đã kiệt, không còn nhanh nhẹn nữa để có thể ngăn được lũ sói hung hãn…
          Ông mặt trời khuất hẳn về phía tây, cánh rừng chuyển qua màu sẫm. Dưới buôn, những ngọn khói xanh thường ngày bay lên từ các nóc nhà sàn dài báo hiệu bữa cơm chiều sắp đến, hình như hôm nay cũng không thấy. Người trong buôn còn mãi đứng lặng nhì lên sườn núi chứng kiến cuộc chiến không cân sức đang diễn ra. Cánh thanh niên trong buôn hậm hực rủ nhau định mang nỏ và gậy gộc lên đuổi sói, cứu con sơn dương tội nghiệp; già làng ngăn lại, bảo: đó là việc của rừng, phải để rừng tự giải quyết, con người không nên can thiệp vào, Zàng giận! Lũ thanh niên buộc phải nghe theo nhưng nhìn ai cũng thấy trong mắt có ngọn lửa.
          Trên núi, cuộc chiến chắc sắp đến hồi kết thúc một cách bi thảm… Trong lúc nguy cấp, bổng một bóng đen như hòn đá lớn từ trên cao lao vút xuống, và… một tiếng kêu thảm thiết vang lên; tiếng kêu ấy phát ra từ miệng một con sói vừa lao vào cắn chú sơn dương con. Đàn sói ngừng tiếng gào thét, trố mắt nhìn con sơn dương đầu đàn vừa lao xuống, dùng hai chân trước cắm vào bụng con sói tham ăn làm tọac một đường dài như bị chém, máu phun ra đỏ lòm. Con sói bị thương kêu la thảm thiết, đuôi cụp lại lũi luôn vào rừng. Sơn dương đầu đàn tung hai chân trước lên trời, khua khua trong không khí, giương bộ râu vểnh ngược oai nghi như một dấu phẩy lớn làm cã lũ sói hoảng hồn lùi ra xa, đuôi cụp xuống nhưng vẫn cố ngẫng cao đầu như sắp sửa lại lao vào. Hình như những giọt máu nơi mông chú sơn dương nhỏ bé, tôi nghiệp có sức hấp dẫn quá lớn nên sáu con sói còn lại chỉ nới rộng vòng vây, tránh những cú lao chết chóc của sơn dương đầu đàn chứ không chịu bỏ cuộc; cụp đuôi xuống, ngẫng cao đầu, thi nhau gào lên, khoe hàm răng sắc lẹm như sắp lao vào một trận tử chiến. Hình như tiếng đồng thanh gào thét của lũ sói làm chúng thêm tự tin, chúng không chạy nữa mà tạo thành vòng tròn vây quanh cả ba con sơn giương vào giữa. Con sơn dương đầu đàn tuy khỏe là vậy nhưng chạy mãi cũng xuống sức, bầy sói chỉ chạy tránh những cú bổ như giáo đâm, song cũng không chịu bỏ vòng vây…
Đúng lúc ấy, một phép màu xuất hiện, hơn chục con sơn dương đực đen bóng từ trên các hòn đá bổ xuống, cát bụi bay mù mịt, bầy sói nhiều kon dính đoàn kêu la thảm thiết rồi kéo nhau lẫn luôn vào rừng già.
          Trời sẫm tối, trên đỉnh cao nhất của dãy núi Chư Pal còn le lói vài tia nắng vàng yếu tớt trước khi tắt hẳn, còn kịp cho mọi người nhận ra bóng sơn dương con nhỏ bé leo lên từng hoàn đá nhỏ, lên cao dần, cao dần, in hình thành bức tranh màu xám trên nền trời đang nở đầy sao sớm.