Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN

PHƯƠNG THU


TRĂN TRỞ BẢN MÔNG
Ghi chép


Ai từng đến thôn Giang Đông xã Ea Dar, huyện Krông Năng không khỏi chạnh lòng bởi đời sống, tập tục du cư và quan niệm sống “đến đâu hay đến” đó của người Mông vẫn đeo đẳng, níu kéo họ. Những người Mông di cư từ phía Bắc vào sinh sống tại khu vực rừng phòng hộ Ea Dar từ năm 1996, đã được địa phương quy hoạch cấp đất ở, đất sản xuất theo chủ trương của Chính phủ cho đồng bào ổn định cuộc sống. Tuy nhiên gần 100 căn nhà xây dựng theo chương trình 134 tại thôn Giang Đông Mới dành cho họ chỉ có rất ít hộ ở thường xuyên, số còn lại vẫn bám đất đầu nguồn. Thói quen sống tự nhiên đó đã kéo theo bao hệ lụy: Tảo hôn, đẻ nhiều, đói nghèo, thất học. Bởi thế 151  hộ người Mông ở thôn Giang Đông có tới gần 100%  hộ thuộc diện hộ nghèo…
Từ một dự án di dời dân thiếu khả thi:
Nơi cư trú của bà con người Mông thuộc thôn Giang Đông xã Ea Dar huyện Krông Năng còn được gọi với cái tên khác là “thôn Giang Đông Mới”. Sở dĩ có cái tên gọi như vậy, bởi vào năm 1996, rất nhiều đồng bào Mông ở Yên Bái, Sơn La di cư vào tiểu khu 342a thuộc khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Tam Giang khai phá đất sản xuất và lập nghiệp, lâu dần hình thành thôn Giang Đông. Năm 2002, Ban Quản lý rừng phòng hộ lập kế hoạch di dời dân ra khu đất mới thuộc tiểu khu 340 và vẫn lấy lại tên thôn Giang Đông, nhưng một số bà con người Mông vẫn còn ở lại tiểu khu 342a (thôn Giang Đông cũ). Cái tên thôn Giang Đông Mới ra đời từ đó.
Hiện nay thôn Giang Đông Mới có 100% dân tộc Mông sinh sống với những căn nhà được cấp từ chương trình 134 của Chính phủ và 0,5 ha đất cấp cho nhu cầu sản xuất, nhưng đất cằn cỗi đa số hộ dân sống trong cảnh đói nghèo. Mặc dù được động viên sống trên vùng đất mới nhưng bà con vẫn trở lại khu rừng phòng hộ (Giang Đông cũ) để tiếp tục canh tác. Nếu bạn ghé qua đây vào những ngày thường chỉ có người già và trẻ con… Trao đổi vấn đề trên với đồng chí Phạm Trung – Phó bí thư Đảng ủy xã, là người gắn bó với bà con người Mông từ khá lâu, anh cũng là người từng trăn trở với cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây, anh cho biết: dự án ruộng nước của Ban Quản lý rừng phòng hộ khi di dời dân không thực hiện được, đất đai nơi ở mới lại cằn cỗi, tỷ lệ sinh con thứ 3 khá nhiều, chính vì thế tỷ lệ đói nghèo ở đây đến 98%… Nên dù được chính quyền và Đảng ủy xã quan tâm nhưng vì miếng cơm manh áo, bà con vẫn thường xuyên đi canh tác xa… Đây cũng là một bài toán nan giải đối với đảng bộ và chính quyền địa phương.
Thật may, hôm tôi ghé lại thôn vào đúng ngày chủ nhật và cũng là  ngày nghỉ của đồng bào người Mông nơi đây, nên đại đa số bà con ở nhà. Tôi ghé vào một gia đình đang ăn cơm trưa khi đồng hồ đã điểm gần hai giờ chiều. Một nhóm trẻ con, đứa mặc quần nhưng không mặc áo, đứa mặc áo nhưng lại không mặc quần đang nhớn nhác đưa tay bốc cơm từ một cái xoong đen xì, đặt trên một tấm gỗ để giữa nền nhà chỉ có chén nước mắm và một ít rau tập tàng. Gặp tôi, bọn trẻ chỉ ngước đôi mắt lên nhìn một cách lạ lẫm rồi lại tiếp tục với bữa cơm dang dở. Đó là gia đình anh Sùng A Khay. Mới 39 tuổi mà nhìn anh hom hem như người gần 50 tuổi. Hiện gia đình anh có 7 khẩu ăn. Khi được di dời qua thôn Giang Đông Mới, anh được cấp 0,5 ha đất tại thôn để trồng mì. Thế nhưng cây mì lúc được, lúc mất nên vợ chồng anh vẫn trở lại thôn Giang Đông cũ để canh tác, mặc dù vẫn biết Ban quản lý rừng phòng hộ không cho phép. Dạo một vòng qua các ngôi nhà, tôi bắt gặp một người đàn ông khác đang ngồi vạch tóc bắt chấy cho một đứa trẻ (tôi đoán đó là con của anh). Một đứa trẻ khác đang ngồi bệt dưới nhà có lẽ mới hơn một tuổi, đôi chân khòng khoeo, da mặt tái xám, mũi thò lò. Tôi đưa tay tính bế bé dậy chợt phát hiện ra đáy quần đã ướt sũng. Hỏi ra mới biết mẹ bé đang bận lúi húi nấu gì đó dưới  bếp. Nơi góc nhà một mớ ngô chưa tách hạt đang nằm chỏng chơ dưới nền nhà. Tôi hỏi năm nay  thu hoạch được bao nhiêu? Anh lắc đầu nói chẳng đáng bao nhiêu. Thế thì làm sao sống? Anh vẫn hồn nhiên bắt chấy cho con và nói, thi thoảng vẫn nhận được gạo hỗ trợ trong dịp Tết Nguyên đán của xã và của các đoàn từ thiện…
Tôi cố ý ghé qua một nhóm 3 người đàn ông đang ngồi uống rượu với một ít cá khô và một nhúm rau được nấu cũng trong một cái xoong đen xì. Không thể từ chối lời mời, tôi ghé miệng nhấp một ít rượu và gắp một ít rau nuốt vội với mục đích đỡ đắng miệng. Nhưng hỡi ơi tôi suýt chết sặc vì vị mặn chát từ món “rau kho”, nước mắt giàn dụa vì đắng và mặn nhưng lòng tôi lại thấy chát, thương quá cho người dân nơi đây. Cả một thôn với 151 hộ, 789 khẩu mà chỉ có một quán tạp hóa bán lèo tèo những thứ từ thời “cơ chế khó khăn” còn sót lại và một quán bán hàng ăn, được chế biến tất tần tật từ “thịt cầy”. Hỏi ra mới biết vì thịt cầy dễ nuôi, rẻ tiền, hợp với túi tiền bà con, nên chủ quán quyết định chế biến tất cả các món ăn từ món thịt cầy.
Phó mặc một thế hệ tương lai:
Túng quẫn, nhiều gia đình vì kế sinh nhai đã để mặc con em mình tự bươn bả tại trường học với một ít gạo và cá khô suốt một tuần lễ… Điều đó đồng nghĩa với việc bỏ bê một thế hệ tương lai; đồng thời sẽ làm cho tình trạng đói nghèo, lạc hậu tiếp tục kéo dài. Mặc dù ngay trên địa bàn UBND xã đã có một ngôi trường tiểu học khá khang trang với tên gọi Trường tiểu học xã Ea Dar do Ủy ban Nhân huyện Krông Năng xây dựng từ năm 2007. Trường có phòng ốc đẹp, cơ sở hạ tầng kiên cố với 441 học sinh, trong đó có 200 em dân tộc người Mông, chủ yếu là của thôn Giang Đông, còn lại là của các dân tộc khác. Theo ông Đinh Thế Hiển – Phó Hiệu trưởng trường “Các em người Mông ở đây đa phần là hiếu học, năm nào trẻ em người Mông vẫn dẫn đầu trong các thành tích học tập, thế nhưng vẫn còn đó cảnh các em vì điều kiện khó khăn, nhiều bữa trưa nhịn đói ở lại trường học…
Được biết hiện nay với đội ngũ giáo viên nhiệt tình, thương học trò hiếu học, nên vào các buổi chiều thứ 3, thứ 5 các thầy cô giáo ở đây tự nguyện dạy phụ đạo thêm cho các em mà không nhận bất cứ nguồn thù lao nào. Điều làm cho các thầy các cô trăn trở nhất hiện nay là vẫn còn đó sự đói ăn của một số trẻ em Mông khi đến trường.
Văn hoá trang phục theo bước chân di cư:
Nhọc nhằn, khó khăn là như thế nhưng điều đáng trân trọng ở đây là bà con người Mông vẫn giữ lại sắc phục của mình trong các sinh hoạt thường nhật. Dạo qua một vòng các gia đình đồng bào người Mông, tôi bắt gặp rất nhiều sắc màu hoa văn thổ cẩm khác nhau. Nhìn từ xa, thấp thoáng trong gió dưới các triền đồi, trên các cây sào, những chiếc váy Mông sặc sỡ phất phới. Xa xa ở một khoảng đất trống, các bé gái đang nhảy dây, váy áo dập dình như những cánh bướm. Tôi cứ cảm giác như mình đang lạc vào xứ sở Tây Bắc.
Có lẽ xuất phát từ nhu cầu thực tế trong cách ăn mặc, trang phục hàng ngày, nên ngoài những ngày thường bận rộn, các ngày nghỉ các cô gái Mông ở đây vẫn thêu thổ cẩm, dù không thường xuyên như chị em phụ nữ người Mông ở xã Ea Bar huyện Krông Bông. Bắt chuyện với một phụ nữ Mông trên 40 tuổi, chị Sùng Thị Xinh - một phụ nữ nói tiếng Kinh rất sõi, tôi được biết: Chị em người Mông mình ở đây vẫn nhớ những đường thêu lắm chứ, chỉ tại ngày thường bận làm rẫy trồng ngô nên không thêu được, chỉ có những ngày nhàn rỗi là ráng thêu lấy một vài cái để dành mặc trong dịp lễ tết”. Theo ông Sùng Vảng Lao, trưởng thôn Giang Đông là người có uy tín của thôn thì: “Tuy bà con người Mông xa quê đã lâu, nhưng vẫn luôn đau đáu bên mình nỗi nhớ quê và các sinh hoạt truyền thống, trong đó có nghề thêu thổ cẩm Mông, thường là sau vụ mùa, lúc giáp tết Nguyên đán là lúc nhàn rỗi các bà, các cô, các chị lại tìm vải thô để thêu”. Và ngay trong nhà ông, vợ ông cũng đang thêu dải váy mới cho mình. Bên cạnh chị, cô con gái trạc 15 tuổi cũng đang cặm cụi thêu thổ cẩm. Khi được hỏi tại sao các bà, các chị, các em không dành thời nhiều hơn để khôi phục nghề truyền thống, cũng là một cách kiếm thêm thu nhập, chị Sùng Thị Ca – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ea Dar cho chúng tôi biết: “Ở đây chị em nào cũng biết thêu thùa thổ cẩm, chỉ tại nghèo quá, không mua được nguyên liệu thô để về thêu thôi”. Qua tìm hiểu, tôi được biết để có những tấm vải thô để thêu thổ cẩm truyền thống, thông thường bà con phải đặt gửi mua mãi tận quê Yên Bái – Sơn La và thường mang tính tự phát nên chỉ đủ để may váy áo phục vụ cho những dịp sinh hoạt mang tính cộng đồng.
Trao đổi với ông Hà Mạnh Tưởng Phó Chủ tịch UBND xã Ea Dar, về việc phát huy nghề dệt thổ cẩm, ông cho biết “Trong thời gian tới, ngoài việc lập dự án ổn định dân cư, bố trí lại đất ở, đất sản xuất, sẽ khuyến khích bà con khôi phục nghề truyền thống dệt thổ cẩm, trước tiên khuyến khích bà con tự phát, lâu dài sẽ tìm nguồn đầu tư hỗ trợ xây dựng dự án Hợp tác xã làng nghề để tạo công ăn việc làm cho bà con, giúp bà con từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống…
Mặc dù mới là dự định nhưng tôi cảm nhận được sự trăn trở của chính quyền và Đảng ủy xã nơi đây, giống như những người cha, người mẹ mong con cái mình sớm ổn định cuộc sống…

Rời thôn Giang Đông về thành phố, bản Mông dần khuất sau những lùm cây, thế nhưng nỗi trăn trở, mong muốn của chính quyền, bà con xã Ea Dar nói chung và đồng bào người Mông ở thôn Giang Đông và các thầy cô giáo nơi đây nói riêng vẫn vấn vương trong đầu tôi. Tôi thật sự rất trân trọng những nét đẹp văn hóa rất riêng của trang phục còn giữ lại của bà con người Mông nơi đây, nhưng lại thấy thương quá những đứa trẻ bụng chưa đủ no khi đến trường, thương nỗi vất vả truân chuyên của bà con mình ở nơi đất khó… Hy vọng một ngày không xa, khi dự án đầu tư ổn định thôn Giang Đông Mới được triển khai, bà con đồng bào Mông thôn Giang Đông sẽ bớt khổ hơn và cảnh học sinh thiếu ăn đến trường sẽ trở thành kỷ niệm của một thời đã qua…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI