Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 283 - tác giả H’SIÊU





Y SA

Truyện ngắn



Ai chẳng biết Y Sa lấy vợ ở buôn Gõ.
Ai chẳng biết Y Sa nghiện lắc bầu cua.
Ai chẳng biết Y Sa đái sồ sồ bụm hai tay hứng rửa mặt.
Buôn Tai nhỏ lắm, chuyện bé xíu như hạt tro bếp khó giấu nổi, huống hồ là chuyện về một người như con chó điên ngoài mả.
Y Sa đẹp trai và sạch sẽ. Ngón tay, ngón chân trắng nõn như đọt măng. Mái tóc hoe hoe ôm chặt khuôn mặt nhọn. Thân người gầy gầy, Y Sa có dáng đi uốn éo của con rắn, nhún nhún của con chim sẻ, đôi khi khệnh khạng như con heo nái thả rông.
Tầm 26, 27 tết, người ta thấy Y Sa với chiếc xe máy trơ xương nhả khói mù mịt từ đầu buôn đến cuối buôn để tìm người lắc bầu cua. Dĩ nhiên Y Sa sẽ làm cái, tụi nhỏ trong buôn sẽ đặt. Người lớn chẳng ai buồn chơi với Y Sa, đi nhổ củ mì đỏ cả tay, đi nhổ củ mì đau cả lưng, tiền mua ớt chẳng có, tiền mua cá khô chẳng có, tiền đâu mà đặt bầu, cua, tôm, cá chớ.
Thế là Y Sa rồ ga ra đường cái tìm tụi nhỏ. Được nghỉ học sớm, chẳng có đứa trẻ nào ở nhà, chúng lên rừng chặt mai để bày bán hai bên đường. Những cành mai khẳng khiu, trụi lá, chỉ nở vài bông hoa bé xíu, cắm vụng về tua tủa trong chiếc ché xỉn màu. Khách đi đường mua mai, mua luôn ché, tụi nhỏ líu ríu “Ờ, cũng được, đưa thêm tiền nhé!”, thế là cuộc mua bán xong xuôi. Mấy chiếc ché để chật nhà, với lại trong buôn nhà nào cũng theo đạo, trong ché có yang xấu, không bán cũng đập đi thôi.
Tụi nhỏ ba, bốn đứa nhảy phóc lên xe Y Sa hò hét:
“Tôm ăn bầu
Bầu ăn cua
Cái chạy làng”…
Bụi mù trời, tiếng xe máy ồn ĩ. Ngoài đường, chẳng có con heo, con gà nào dám đi qua. Dưới bóng cây si già, Y Sa giọng khản đặc nói lơ lớ tiếng Kinh, “Đặt dô, đặt dô đê anh chị em ơi!”. Tụi nhỏ xúm lại càng nhiều. Ơ! Hình như có cả các bà đi gùi nước ghé qua, cả các chị mới đẻ dậy cũng ghé vào. Y Sa cười ha hả, mắt nhắm tịt, tay vơ cả đống tiền lẻ cuộn dưới háng, “Đặt dô, đặt dô đê anh chị em ơi!”.
Mí Hoang già nhưng cũng nghiện trò này. Tiền mua quần áo cho con không có, tiền mua sữa cho con không có nhưng mí Hoang có tiền đặt bầu cua. Tiền mí Hoang dắt khắp nơi, cuộn trong váy, trong áo ngực và trong tấm chăn cõng con nhỏ. Mí Hoang như có phép lạ nhìn xuyên thấu, tụi nhỏ cứ đặt theo mí Hoang thể nào Y Sa cũng hết tiền chung. Có lần Y Sa bực quá, đứng phắt dậy, lắc bên trái, lắc bên phải, lắc ra sau, xì xồ một tràng tiếng vô nghĩa, đến khi mở nắp thì ôi thôi không biết ba hạt bầu cua chạy trốn chỗ nào rồi. Y Sa cuống cuồng tìm, tụi nhỏ cuống cuồng tìm thì ra do lắc mạnh nên hạt bầu cua bay lên và ở luôn trong hốc cây si không chịu về. Mí Hoang bực bội, thằng Y Sa chơi như con chó điên. Mí sốc lại đứa bé trên lưng, phủi bụi phành phạch trên váy, nhổ toẹt rõ to một bãi nước bọt làu bàu, “Tụi mày theo ăn cứt thằng Y Sa đi, chơi như con chó điên, tao về hái me giã với ớt cho nhép”. Mí nện bước chân xuống đất thình thịch, ai thèm nhìn, con mắt người ta bận ngó cái tay của Y Sa mở nắp đựng hạt bầu cua.
Tụi nhỏ bám lấy Y Sa như con vắt bám vào chân, cứ thế cho đến khi tối trời. Chúng ể oải đứng dậy, lùng sục túi nhau kiếm tiền mua rượu. Chúng biết uống rượu từ rất sớm, từ ngày cả buôn không theo đạo, từ ngày còn thòng lòng trên lưng ông, lưng bà, ngày đó mà, đám cưới, đám ma đi này buôn nọ uống rượu cần trong mơ còn đái. Ngày mai sớm tiếp tục một ngày, đi miết theo sông Krông Jing tìm chặt mai rừng để đem ra đường cái bán.
Hôm nay, Y Sa ăn lớn, về nhà mẹ đẻ, nó thắp đèn điện sáng trưng ngoài hiên đếm tiền. Nhiều quá! Nó rải mớ tiền lẻ xuống sàn, nằm lên đó khóc rưng rức. Mí Sa không quay mặt nhìn con, bà nhìn ngọn lửa đang cháy phừng phừng, “Sấm sét đánh chết, xé tung cái thằng điên khùng này đi. Lấy vợ không lo cho vợ, ăn cơm họ mà không đi rẫy cho họ. Nó chơi bầu cua làm chi he, nó chết bầu cua tôm cá đi chôn nó”. Bà kéo tấm khăn xuống vai chùi nước mắt. Tháng trước nhà vợ Y Sa leo cầu thang chửi bới, tháng này nhà vợ Y Sa leo cầu thang trả vòng. Bà bỗng giận mình không nuôi đứa con chu đáo. Cách đây nhiều năm, hai mẹ con vào rừng Kram kiếm củi, Y Sa chửi bậy chửi bạ gì đó trong rừng – điều cấm kị nhất khi bước vào rừng thiêng. Bà mãi đi giành đất trồng mì với người Dao, người Mông đến khi Y Sa cười nói một mình thì đã quá trễ để làm lễ cúng một con bò. Mí Sa nghiến răng ken két, bà giật tấm khăn trên vai ném mạnh vào bếp lửa. Lửa cháy to, mùi len khét lẹt đủng đỉnh bay khắp nhà. Y Sa vẫn nằm khóc. Trên trời cao có một chòm sao rơi trên sông Krông Jing. Người ở buôn khác nói, buôn Tai này sắp có tang.
Buổi chiều hôm nay, tụi nhỏ không chơi với Y Sa nữa, chỉ đứng nhìn thôi. Có vài người khác chơi rồi, nhìn họ lạ lắm, trên tay, trên ngực đầy vết xăm hình con hổ, xăm hình con rồng. Họ nói, họ ở chợ Khánh Dương, vô buôn, rủ mọi người chơi bầu cua cho vui. Họ chỉ làm con thôi, cho Y Sa làm cái. Y Sa cười sằng sặc “Chưa ai dám ăn tiền của mình đâu nghen”. Người đàn ông lạ đổi cho Y Sa vài tờ tiền xanh đỏ để lấy một mớ tiền lẻ nhầu nhĩ thum thủm nhiều mùi “Ờ thì chơi lớn, mình có tiền mà, tiền mình ăn bún ngoài chợ nhiều tháng không hết đâu”, nói vậy thôi, chứ tay Y Sa đang run kia kìa, nó thấy mình sao giống con thú tòng teng mắc bẫy treo ngược trên cây thế. Nhưng kệ, cứ mở đã, ăn hết chỗ tiền này sẽ rồ ga phóng thật nhanh xuống dưới chợ ăn tô bún giò heo. Nụ cười sảng khoái của Y Sa không giấu nổi mấy người lạ. “Nè, chú em, mở đi chớ”, Y Sa mở đây, nó nghiêng tô đựng hạt bầu cua một lần nữa và nhẹ nhàng đẩy nhẹ sang bên phải. “Ba nai!”, những người lạ hét ầm. Y Sa thua rõ ràng rồi, nó giao hết số tiền vừa đổi cho người lạ.
Nắng Mđrăk to nhưng không bằng nắng trên mặt Y Sa, gió Mđrăk mạnh nhưng không bằng hơi thở của Y Sa. Y Sa đứng dậy mạnh, ưỡn người, tuột quần, đái sồ sồ bụm hai tay rửa mặt. “Y Sa điên rồi”, tụi nhỏ hét nổ trời, mấy người lạ hốt tiền vào túi chở hai người, chở ba người trèo lên xe đi miết ra đường cái.
Tối hôm đó, Y Sa leo cầu thang thì heo gà đã ngủ, chẳng ai biết nó đi đâu, có người nói Y Sa vô rừng Kram hú ú oa ú oa như một con chó dại, có người nói Y Sa chạy xuống chợ ăn bún giò heo với tu một can rượu trắng to. Chỉ biết rằng, sáng hôm sau người ta nghe tiếng khóc hờ ri rỉ của mí Y Sa từ khe hở nhà này sang khe hở nhà khác. Y Sa chết rồi.
Chòm sao rơi trên sông Krông Jing, buôn Tai có tang thật. Không phải ngày chủ nhật nhưng nhà nào cửa cũng mở toang hoang. Thì đúng rồi, buôn có tang, ai dám đi làm chứ, linh hồn người chết sẽ cuốn lấy cán cuốc, cán dao. Cán cuốc sẽ rơi trúng đầu, cán dao sẽ rơi trúng bụng. Ở nhà vậy, cử con gái trong nhà qua nhà chết lấy củi, cử con trai trong nhà qua nhà chết lấy nước. Khóc tiếc thương hai ngày, sang ngày thứ ba, mỗi nhà mang nắm gạo với chai nước ngọt qua nhà chết góp ăn chung trước khi đưa linh hồn vào rừng vĩnh viễn. Người ở buôn nào đổ về đông như con kiến, như con mối. Đám tang xong, ngày hôm đã nghe bình bịch tiếng công nông. Người ta tranh thủ nhổ mì để mua nếp, mua thịt heo bắt chước người kinh gói “tét”. Chỉ có mấy đứa nhỏ bán mai ngoài đường ngáp dài buồn hiu.
Buôn Tai rậm rực đón tết. Mí Y Sa mang một bộ bầu cua mới tinh đặt lên mộ Y Sa. Dưới gốc cây si già giữa buôn, tiếng hét của người chơi bầu cua rầm rộ, mấy người từ chợ Khánh Dương làm cái. Mí Hoang thích lắm, đưa đầu vú thâm to bằng trái cà vô miệng con, đứa bé nín thinh. Phía cuối buôn, ma Hoang quay lưng trao dây bò cho người ta dắt lên xe. Kể cũng lạ, sao buôn Tai không còn nhớ giữa trưa nắng trên đồi, nhổ củ mì đau tay, nhổ củ mì đau lưng, tiền mua ớt chẳng có, tiền mua cá khô chẳng có…







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI