Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 283 - tác giả NGUYỄN THỊ HƯƠNG LÀI





NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG CỐT TRUYỆN – MỘT NÉT ĐẶC SẮC CỦA CỔ TÍCH NGUYÊN HƯƠNG



Trong bối cảnh truyện cổ tích mới viết cho thiếu nhi ở Việt Nam đang dần thưa vắng và ít đặc sắc như hiện nay, Nguyên Hương - nữ nhà văn đến từ Đắk Lắk - được xem là một hiện tượng. Chỉ trong vòng hơn nửa năm, từ cuối 2014 đến đầu 2015, Nguyên Hương có liền 40 truyện cổ tích mới, phân bố trong 8 tập truyện, lần lượt là Viên ngọc bùa mê, Bịt mắt bắt kẻ nói dối, Gương thần, Tấm thảm bay, Đôi hài vạn dặm, Chiếc áo tàng hìnhVùng đất bị phù phép, tất cả đều do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Theo TS. Lê Nhật Ký (ĐH Quy Nhơn), người có thâm niên trong việc nghiên cứu văn học thiếu nhi ở Việt Nam, truyện cổ tích mới của Nguyên Hương rất đặc sắc. Một trong những phương diện làm nên nét đặc sắc cho cổ tích Nguyên Hương chính là nghệ thuật xây dựng cốt truyện.
Nguyên Hương sử dụng những công thức có sẵn trong kho tàng văn liệu dân gian như các kiểu mở đầu, kết thúc và hàng loạt những mô típ nghệ thuật để xây dựng cốt truyện. Tuy nhiên, chị cũng có nhiều sáng tạo để giúp câu chuyện trở nên gần gũi với cuộc sống hiện đại, hướng tới chức năng giáo dục tuổi thơ như tinh thần chung mà thể loại yêu cầu. Điều này thể hiện khá rõ nét trong cách mở đầu, phát triển và kết thúc mà Nguyên Hương thể hiện trong nhiều tác phẩm của mình.
1. Mở đầu câu chuyện
Đại đa số truyện cổ tích Việt Nam đều mở đầu bằng mô típ quen thuộc về thời gian, không gian và nhân vật: “Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ, có một chàng trai/ cô gái kia…”. Công thức mở đầu như vậy cho thấy nghệ thuật dẫn truyện đặc sắc của tác giả dân gian. Nó đưa người đọc bước vào một thế giới cách xa hiện tại về không gian, thời gian - đó là một miền cổ tích xa lạ có nhiều sự việc ly kỳ, hấp dẫn.
Truyện cổ tích Nguyên Hương không đi theo lối mở đầu ấy. Khảo sát 40 truyện của nữ nhà văn, không có tác phẩm nào bắt đầu bằng cụm từ “ngày xưa” hay “ngày xửa ngày xưa”. Theo quan niệm dân gian, cái gì càng xưa thì càng có giá trị, đáng tin tưởng và bài học rút ra càng có ý nghĩa. Vì thế, tác giả dân gian đẩy câu chuyện ra khỏi hiện tại và đưa vào quá khứ - cái thời không ai biết để bàn cãi, bắt bẻ là câu chuyện ấy đúng hay sai. Có như vậy, tác giả mới dễ bề hư cấu, tạo ra một thế giới kỳ ảo lung linh đầy hấp dẫn. Nguyên Hương muốn đưa câu chuyện trở về gắn bó với đời sống hiện tại nên chị không sử dụng lại môtip giới thiệu thời gian như trong truyện cổ dân gian. Điều này cũng khác với Phạm Hổ trong tập truyện Chuyện hoa chuyện quả.
Truyện của Nguyên Hương thường mở đầu rất bất ngờ. Chẳng hạn: “Đang hái dừa, bỗng chàng Linh nghe tiếng chó sủa và tiếng la hét “ôi, ôi, ôi…” (Công chúa ngủ trong vườn); “Trước khi vo gạo nấu cơm, người mẹ thường bốc một nắm gạo cho vào hũ” (Cha, mẹ, con và cá vàng); “Sau khi than khóc người vợ yêu dấu bị trượt chân té xuống hồ rồi không bao giờ quay về nữa, nhà vua thấy cần phải có một hoàng hậu khác để giúp ngài chăm sóc công chúa” (Gương thần)… Cách dẫn nhập như vậy, tuy không tạo ra không khí cổ xưa quen thuộc nhưng lại có tác dụng khơi dậy sự tò mò và dẫn dắt các em bước ngay vào thế giới hấp dẫn của câu chuyện.
Không gian trong truyện cổ tích Nguyên Hương cũng mang tính chất phiếm chỉ quen thuộc được kế thừa từ truyện cổ tích của dân gian. Câu chuyện xảy ra trong khu rừng hay một ngôi làng nào đó mà ta không xác định được nó ở đâu, nó như thế nào. Tuy ở một số truyện, địa điểm xảy ra có tên gọi xác định như làng Lụa (Vì sao con Nhện có 8 chân) hay làng Dép Đứt (Đôi hài vạn Dặm)… nhưng đó cũng chỉ là những không gian phiếm định. Sử dụng không gian phiếm chỉ có tác dụng cách ly không gian người nghe và không gian câu chuyện để thuận lợi trong việc hư cấu, tạo ra một chân trời mới mẻ kích thích trí tò mò của người nghe. Vẫn là không gian của một làng nọ, vùng kia rất mơ hồ nhưng người đọc tìm thấy bóng dáng của cuộc sống thường nhật vừa gần gũi, vừa thân quen trong các câu chuyện của tác giả. Nói cách khác, không gian nghệ thuật trong truyện cổ tích Nguyên Hương mang tính phiếm chỉ nhưng không có vẻ huyền bí, xa lạ. Đó thường là bối cảnh sinh hoạt hàng ngày, gắn với những hoạt động như đánh cá, thêu thùa, may vá, hái nấm, chăn trâu… Có thể nói, với cách dựng không gian như thế, truyện cổ tích hiện đại của Nguyên Hương rất đậm đà màu sắc thế sự, gần gũi với trẻ thơ.
2. Diễn biến câu chuyện
Thông qua cuộc đời và sự phát triển tính cách của nhân vật chính, truyện cổ tích phản ánh quan điểm, tư tưởng của nhân dân đối với hiện thực cuộc sống. Câu chuyện xây dựng với rất nhiều biến cố, thử thách nhân vật chính và kết thúc khi xung đột, mâu thuẫn bị triệt tiêu, để lại trong lòng người đọc một sự thỏa mãn và niềm tin về chiến thắng tất yếu của cái thiện đối với cái ác, của cái tốt đối với cái xấu.
Nguyên Hương học tập khá nhiều từ cách xây dựng cốt truyện dân gian. Một số truyện của chị được viết dựa trên sự mô phỏng, phóng tác các câu chuyện cổ tích quen thuộc của Việt Nam và thế giới như: Ăn táo trả vàng, Khăn xanh khăn đỏ, Biến nhập biến xuất, Gương thần, Đôi hài vạn dặm, Công chúa ngủ trong vườn, Nàng Út ống trúc… Chỉ với cách đặt nhan đề này, chị đã tạo được sự tò mò nơi trẻ nhỏ. Liệu nàng Út trong ống trúc này có giống với nàng Út trong ống tre hay không, sao công chúa không ngủ trong rừng mà ngủ trong vườn hay Khăn Xanh là ai, có quan hệ gì với cô bé Khăn Đỏ bị sói ăn thịt?... Trẻ càng tò mò thì chúng càng say mê, hứng thú với câu chuyện được kể. Có thể xem đây là điểm sáng tạo độc đáo của Nguyên Hương.
Trong lúc dựng truyện, Nguyên Hương luôn hướng tới đối tượng trung thành là các bạn đọc nhỏ tuổi của mình. Vì vậy, trong tập truyện, tác giả ít khi đề cập đến những mâu thuẫn giai cấp sâu sắc như trong truyện dân gian. Nguyên Hương không miêu tả những mụ dì ghẻ táng tận lương tâm, hết lần này đến lần khác hãm hại con chồng như Tấm Cám; không có những người anh nhẫn tâm đẩy em mình vào cảnh khốn cùng, “không mảnh đất cắm dùi” như người anh xấu xa trong Cây khế… Vẫn là môtip chia của nhưng  trong Ăn táo trả vàng, người anh lại dùng cách oẳn tù tì để phân thiệt hơn chứ không dùng uy quyền của kẻ làm anh và anh ta cũng không chiếm trọn gia tài của bố mẹ. Dù tham lam may túi chín gang để đựng vàng nhưng người anh vẫn không quên cầm thêm túi ba gang của cậu em để đem về cho em chút ít của cải. Hay, mụ phù thủy trong Gương thần, dù không ưa gì nàng công chúa dễ thương nhưng cũng chỉ biến nàng thành vịt chứ không năm lần bảy lượt tìm cách “diệt cỏ tận gốc” như trong Bạch Tuyết và bảy chú lùn.
Yếu tố kì ảo cũng được tác giả sử dụng trong nhiều truyện. Trong cuộc sống, nhất là dưới chế độ phong kiến nhiều bất công, những người hiền lành, lương thiện làm sao có thể chiến thắng được cái ác, cái xấu và sống hạnh phúc. Tác giả dân gian, chỉ có thể dùng yếu tố thần kì để trợ giúp cho những con người yếu đuối vượt qua khó khăn và đi đến hạnh phúc trọn vẹn. Theo khảo sát, có 31/40 truyện của Nguyên Hương có xuất hiện yếu tố thần kì. Ở một số truyện, yếu tố thần kì giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển cốt truyện và sự chiến thắng của những nhân vật thiện lương (Tấm thảm bay, Vịt đẻ trứng vàng, Gương thần, Cây bút kì diệu…). Tuy nhiên, ở một số truyện khác, hạnh phúc của nhân vật là do chính họ kiếm tìm và đạt được chứ không phải do thần, tiên hay một lực lượng siêu nhiên nào đó mang lại. Trong Sáu lần biến hóa, Bà Tiên đã giúp Kha biến hóa nhiều lần theo nguyện vọng của chàng. Nhưng lúc mâu thuẫn đến cao trào, con ngựa (hóa thân của chàng Kha) không thể giải thích cho vua hiểu những gì đang diễn ra thì bà tiên già đã ngủ say. Kha đành phải dùng sự bình tĩnh và gan dạ của mình để giải quyết. Hay trong Viên ngọc bùa mê, nàng My ban đầu làm hoàng tử chú ý nhờ phép màu của viên ngọc, nhưng cái quyết định nàng trở thành vợ hoàng tử không phải do viên ngọc mà là do chính tấm lòng thiện lương, trong sáng của nàng.
Trong một số truyện khác, yếu tố kì ảo cũng không còn quyền năng vô biên như trong truyện dân gian. Cậu bé mãi phải sống trong kiếp cá vàng (Cha, mẹ, con và cá vàng) dù cậu đã nhận ra sai lầm của mình; chiến tranh thỉnh thoảng vẫn xảy ra, đất đai nhiều chỗ vẫn chỉ toàn sỏi đá (Hai viên ngọc ước) dù Tiên Nhỏ đã biết lỗi… Như vậy, nhân vật luôn phải trả giá cho những hành động không đúng của mình, không một lực lượng siêu nhiên nào có thể giúp được. Với việc xử lý như vậy, tính giáo dục của truyện Nguyên Hương được nâng lên rất nhiều.
Nguyên Hương rất có dụng ý khi lồng vào câu chuyện những trò chơi dân gian mà trẻ con vốn rất quen thuộc như chơi lò cò (Cây bút kì diệu), nhảy sạp (Thử giày), bịt mắt bắt dê (Bịt mắt bắt kẻ nói dối), tạt lon (Đôi hài vạn dặm), oẳn tù tì (Ăn táo trả vàng), bắn ná (Chiếc áo tàng hình), nặn tò he (Thục Sanh và Lý Thanh), bắn bi (Quà tặng của cá vàng), dích lá (Nồi thần), ô ăn quan (Biến nhập biến xuất). Ngoài ra, con người trong cổ tích Nguyên Hương vẫn phải lo cái ăn, cái mặc, lo kiếm sống mỗi ngày. Con người trong thế giới đó không chỉ chứng kiến những điều kì ảo, có khát vọng làm những việc phi thường mà còn phải đối diện với biết bao lo toan cho cuộc sống thường nhật. Có thể nói, bằng nghệ thuật dựng truyện độc đáo, tác giả đã đem đến cho các em không khí của cuộc sống hiện tại.
3. Kết thúc câu chuyện
Thế giới truyện cổ tích là thế giới của những giấc mơ đẹp đẽ vô ngần, chúng ta đến với thế giới cổ tích là để sống với những ước mơ, mong muốn cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Tâm lý của người sáng tạo truyện cổ tích và những người đọc cổ tích là đón chờ một điều gì đó công bằng, tốt đẹp, nhìn thấy cái thiện được thưởng xứng đáng và cái ác bị trừng trị: “Ở hiền thì lại gặp hiền/ Người ngay thì gặp người tiên độ trì” (Lâm Thị Mỹ Dạ, Truyện cổ nước tôi). Do vậy, kết thúc truyện cổ tích luôn có hậu.
Đối với các nhân vật chính diện (Tấm, Thạch Sanh, Sọ Dừa) tác giả dân gian không chỉ dừng lại ở sự phản ánh và cảm thông với những đau khổ, đắng cay, oan ức của họ mà còn tìm cách giải thoát cho họ, để họ được đền bù xứng đáng. Họ được đổi đời và sống hạnh phúc bên người yêu thương (Tấm gặp lại vua và trở thành hoàng hậu, Thạch Sanh lấy công chúa và lên làm vua, Sọ Dừa lấy được con gái phú ông và thi đỗ trạng nguyên...). Còn đối với nhân vật phản diện, tác giả dân gian không chỉ phản ánh, tố cáo, lên án sự tham lam, ích kỉ, dã man của chúng mà còn tìm cách loại trừ, tiêu diệt chúng để cho những người lương thiện được sống yên vui. Vì thế, hầu hết các nhân vật phản diện trong truyện cổ tích đều có kết cục bi thảm và bị trừng phạt thích đáng. Tác giả dân gian không hề nương tay trước cái ác, cái xấu.
Nguyên Hương cũng kế thừa lối kết thúc có hậu đó. Phần lớn các câu chuyện của chị đều kết thúc viên mãn, người tốt được báo đáp, người xấu bị trừng phạt. Nàng Ly tốt bụng, thương người cuối cùng chinh phục được vị vua trẻ và trở thành hoàng hậu (Nàng Ly và quái vật); công chúa thoát kiếp vịt, sống hạnh phúc bên hoàng tử còn phù thủy Đỏm Dáng thì hiện hình là con chuột chù xấu xí (Gương thần), Huy giúp dân làng vượt qua khó khăn và có một tình yêu đẹp với nàng Dung khéo tay, tốt bụng (Những chiếc đèn thần)… Cũng giống như những câu chuyện cổ tích dân gian, truyện của Nguyên Hương bộc lộ quan niệm cho rằng sự thật nhất định sẽ thắng dối trá, cái thiện bao giờ cũng thắng cái ác, cái tích cực trước sau cũng sẽ đè bẹp cái tiêu cực. Tuy nhiên, vì mâu thuẫn trong truyện không được xây dựng đến mức gay gắt, vì nhân vật phản diện không quá ác độc, xấu xa nên truyện của chị thường có kết thúc khá nhẹ nhàng. Cái xấu bị trừng phạt với những hình thức phù hợp với hành vi của họ nhưng không trừng phạt bằng cái chết. Lối xử lí như vậy vừa đảm bảo nguyên tắc của thể loại vừa không gây cảm giác thương tâm hay sợ hãi ở các bạn đọc nhỏ tuổi.
Tuy nhiên, nhiều truyện của Nguyên Hương lại có kết thúc khá độc đáo, không giống với đặc trưng thể loại. Một số truyện của chị có kết thúc bỏ ngỏ. Nó không hoàn toàn là kết thúc mở như các tiểu thuyết hay truyện ngắn đương đại nhưng cũng không đi theo khuôn mẫu của lối kết thúc cổ tích. Tác giả dân gian luôn hướng đến một kết cục trọn vẹn cho những nhân vật của họ. Ở đó, truyện thường kết thúc khi mọi việc đã hoàn tất, mọi mâu thuẫn đã được giải quyết, mọi mong chờ đã được đáp ứng. Nguyên Hương lại chọn một cách kết thúc khác - tạo ra những khoảng trống ở cuối truyện. Trải qua nhiều biến cố, Linh đã nhận được bài học về lòng kiên nhẫn và cũng tìm được tình yêu đích thực của đời mình. Truyện kết thúc bằng chi tiết Linh từ chối tấm thảm bay đến Đảo Châu báu hay Xứ sở Thần tiên. “Bà tiên biến mất, để lại trên tay Linh tấm thảm bay đến Tình yêu” (Chiếc thảm bay). Chắc chắn Linh sẽ bay đến bên cô gái, hai người sẽ sống bên nhau trọn đời nhưng tác giả đã không nói thẳng ra điều đó. Nàng Ly và quái vật, Cây bút kì diệu, Chiếc mũ bốn mùa, Sáu lần biến hóa… cũng được kết thúc theo cách bỏ ngỏ như vậy. Nguyên Hương đã tạo ra không gian để chính các bạn đọc nhỏ tuổi hình dung và tưởng tượng.
Chữ A và chữ E là một truyện rất thành công của chị. Kết thúc của nó khá bất ngờ. Nguyên Hương đã dẫn dắt chúng ta đến với tình anh em thắm thiết và đầy cảm động. Người đọc đi từ thú vị này đến thú vị khác. Trước tiên là cách chia của khác lạ của hai anh em. “Anh là chữ anh, trong chữ anh có chữ A, vậy thứ gì có chữ A thì thuộc về anh. Em là chữ em, Trong chữ em có chữ E, vậy thứ gì có chữ E thì thuộc về em”. Sau đó, tác giả còn khiến người đọc bất ngờ hơn khi để người em, sau khi đỗ Trạng nguyên, từ chối cơ hội trở thành phò mã và nhường cho anh. Với lối kết thúc như vậy, một lần nữa, Nguyên Hương khắc họa sâu sắc tình cảm anh em tuyệt vời của họ. Công chúa ngủ trong vườn cũng có một kết thúc khác thường. Người đọc yêu mến Linh vì lòng tốt và sự dũng cảm của chàng. Với những gì anh làm cho công chúa, anh hoàn toàn xứng đáng được ở bên nàng suốt đời. Nhưng trớ trêu thay, anh không phải là hoàng tử, anh không thể tự mình phá bỏ lời nguyền giúp công chúa. Cuối cùng, anh tìm được chàng hoàng tử tài đức vẹn toàn cho công chúa còn mình trở về cuộc sống thường ngày với tâm trạng vừa vui nhưng cũng đầy nuối tiếc vì tình yêu đơn phương với nàng công chúa xinh đẹp. Cách kết thúc như vậy khiến độc giả bất ngờ và thú vị nhưng cũng khiến cho không ít người nhất là các em nhỏ cảm thấy hẫng hụt. Trẻ dõi theo câu chuyện, các em luôn mong muốn nhân vật mình yêu quý sẽ có được hạnh phúc trọn vẹn. Khi kết thúc không theo ý trẻ, các em sẽ cảm thấy lòng tin của mình bị đổ vỡ. Khi lựa chọn một kết thúc khác với lôgic thông thường, một mặt sẽ tạo được sự bất ngờ cho độc giả (cái rất cần thiết để lôi cuốn bạn đọc, nhất là lứa tuổi thiếu nhi) nhưng một mặt sẽ không thỏa mãn với tầm đón đợi của bạn đọc khi xử lý thiếu khéo léo. Chúng tôi ghi nhận sự cố gắng của Nguyên Hương trong việc đổi mới thi pháp thể loại nhưng có lẽ chị cần tinh tế hơn để tạo nên những kết thúc vừa mới lạ nhưng vẫn phù hợp với tâm lý tiếp nhận của trẻ thơ.

Theo nhận định của TS. Lê Nhật Ký, “đặc sắc của truyện cổ tích Nguyên Hương [..] nằm ở nghệ thuật kể chuyện. Phải thừa nhận, chị kể chuyện rất có duyên, chủ động hướng sự chú ý của độc giả vào tác phẩm của mình ngay từ đầu” (trong bài viết “Cổ tích Nguyên Hương: Thú vị và hấp dẫn”, báo Đăk Lăk số Chủ nhật 29.3.2015). Thật vậy, Nguyên Hương tỏ ra bản lĩnh trong nghệ thuật kể chuyện và tổ chức tác phẩm. Và thật sự chị đã thành công, ít nhất là trong phương diện xây dựng cốt truyện cho những câu chuyện cổ tích mới đầy hấp dẫn của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI