Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 284 - tác giả TRẦN THỊ NGỌC




CÁCH DÙNG TỪ NGỮ ĐẶC SẮC TRONG TẢ NỖI NHỚ CỦA KIỀU Ở LẦU NGƯNG BÍCH
(Trích đoạn: Kiều ở lầu Ngưng Bích - Ngữ văn 9 - Tập I)


Nguyễn Du- đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị trong đó không thể không kể tới kiệt tác Truyện Kiều. Mặc dù dựa trên cốt truyện có sẵn của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc)- nhưng Nguyễn Du có sự sáng tạo rất lớn về thể loại cũng như nét văn hóa và ngôn ngữ dân tộc. Có thể nói Truyện Kiều là kết tinh tinh hoa ngôn ngữ văn học dân tộc. Điều đó quả không sai. Nhưng với tôi, ấn tượng nhất là cách dùng từ ngữ đặc sắc trong việc miêu tả nỗi nhớ của Thúy Kiều trong trích đoạn: Kiều ở lầu Ngưng Bích (Ngữ văn 9 – tập I). Nhờ cách dùng từ độc đáo mà ta hiểu rõ hơn tài năng của đại thi hào Nguyễn Du cũng như phẩm chất cao đẹp của Kiều để nhân vật này sống mãi trong tâm trí bạn đọc.
Trích đoạn nằm ở đầu phần Hai của Truyện Kiều có tên gọi: Gia biến và lưu lạc.
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Lầu Ngưng Bích nằm trên bờ biển Lâm Tri (Truy) - một vị trí chơ vơ, vắng vẻ - đây là ngôi lầu màu xanh nơi Tú Bà giam lỏng Kiều “khóa xuân” nhằm thực hiện ý đồ đen tối của mụ và nó cũng mở đầu cho chuỗi mười lăm năm lưu lạc của cô.
  Trong ngôi lầu ấy, suốt ngày đêm một mình một bóng. Sáng nàng làm bạn với mây trời, khuya làm bạn với ngọn đèn hiu hắt. Cảnh xung quanh lầu đẹp nhưng “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” nên nàng như muốn kéo dãy núi phía xa, vầng trăng trên cao lại gần để vơi bớt cô đơn...
Nguyễn Du thật tinh tế, tài tình, khi cho Thúy Kiều đặt nỗi nhớ người yêu trên nỗi nhớ cha mẹ. Cùng là miêu tả nỗi nhớ nhưng  khác nhau. Nhớ người yêu:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
“Tưởng”  dùng thật độc, thật hợp. “Tưởng” là nhớ lại, hình dung, tưởng tượng cảnh “dưới nguyệt chén đồng”. Nàng nhớ chén rượu đính ước với chàng Kim trong cái đêm trăng sáng vằng vặc trên trời cao và cùng thề nguyền: “Trăm năm tạc một chữ đồng”. Đây không phải là lần đầu nàng nghĩ đến người yêu. Trên đường cùng Mã Giám Sinh về Lâm Tri nàng cũng nhớ chàng nhưng nỗi nhớ khi đó không cụ thể, rõ ràng như lần này:
Dặm khuya ngắt tạnh mù khơi
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.
Sau đêm thề nguyền đính ước đó Kim Trọng phải về Liêu Dương hộ tang chú còn Kiều vì chữ hiếu phải bán mình chuộc cha. Ở nơi xa xôi này nàng tưởng tượng Kim Trọng ngày đêm trông ngóng tin mình và hi vọng có ngày gặp lại mà đau xé tâm can: Tin sương luống những rày trông mai chờ. Nhưng giờ thì mọi hi vọng đã bị dập tắt. Nàng bơ vơ nơi chân trời góc bể, chàng mòn mỏi ngày đêm ngóng tin. Một nghịch cảnh trớ trêu cho mối tình đầu!
Chân trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
“Tấm son” là tấm lòng thủy chung, son sắt của nàng với chàng Kim còn vẹn nguyên dù nàng có thế nào, có ở đâu đi chăng nữa. Còn chữ “gột rửa” dùng thật đắt. Đã có nhiều cách hiểu khác nhau về từ này. Nhà thơ Trinh Đường chê  hai chữ “gột rửa” vì cho rằng hai chữ này chỉ hành động loại trừ vết bẩn chứ không thể dùng để gạt bỏ nỗi nhớ người yêu sâu đậm trong lòng Kiều được! Giáo sư Trương Bửu lại nêu cách hiểu khác: Thúy Kiều nghĩ không biết bao giờ mới “gột rửa” được vết nhơ bẩn mà Mã Giám Sinh đã gây ra cho tấm lòng son sắt của mình. Còn nhà thơ Vương Trọng hiểu ý câu này nói: tấm lòng son sắt của Thúy Kiều với Kim Trọng vẫn đậm đà không có cách gì làm phai nhạt được. Động từ “gột rửa” chẳng qua chỉ là biện pháp thực hiện một cách mạnh tay nhưng không hiệu quả thôi. Tôi đồng ý với cách hiểu của nhà thơ Vương Trọng vì nó phù hợp với qui luật tâm lí nhân vật và diễn biến câu chuyện.
Sau nỗi nhớ người yêu là nỗi nhớ cha mẹ. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du đã nhiều lần để Thúy Kiều nhớ cha mẹ và lần nào nỗi nhớ cũng cảm động, sâu sắc. Lần này không ngoại lệ:
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
Từ “xót” được dùng thật độc đáo. “Xót” là xót xa, là thương nhớ. Kiều xót xa, day dứt vì không làm tròn bổn phận, đạo hiếu với bậc sinh thành dưỡng dục: Làm con trước phải đền ơn sinh thành. Ở đây, để miêu tả nỗi nhớ cha mẹ Nguyễn Du vẫn dùng thủ pháp quen thuộc mà hiệu quả trong truyện Kiều là ước lệ, điển cố, điển tích: “Sân Lai, gốc tử, quạt nồng ấp lạnh” cho ta hiểu thêm phẩm chất cao đẹp của cô…
Như vậy, trong  trích đoạn  Kiều ở lầu Ngưng Bích bằng ngôn ngữ độc thoại nội tâm, cách dùng từ ngữ độc đáo tả nỗi nhớ với hai đối tượng cùng là người thân – nhưng không công thức, rập khuôn – càng chứng tỏ tài năng miêu tả tâm lí nhân vật thật tinh tế của tác giả: với người yêu thì Kiều nhớ kỉ niệm tình yêu, nỗi đau, tiếc vì tình yêu tan vỡ; với cha mẹ thì nàng nhớ thương, xót xa vì bổn phận, trách nhiệm đạo hiếu chưa tròn. Trong tình cảnh đáng thương, nỗi nhớ của Kiều đi liền với tình thương – một biểu hiện của chữ hiếu, đức hi sinh, lòng vị tha, chung thủy rất đáng ca ngợi của Thúy Kiều. Nguyễn Du quả xứng danh là ngòi bút thiên tài, ngôi sao sáng chói trên văn đàn Việt Nam mọi thời đại.


1 nhận xét:

NHẬN XÉT MỚI