Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 285 - tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO




 Tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO

MẢNH VỠ
Truyện ngắn


Giếng nước của làng thì xa, trời vừa đổ cho một cơn giông, đường đi lại đầy sình lầy nhão nhoét. Nước sinh hoạt bình thường đã khổ, nay nhà đông thêm người, ngày phải đi lấy nước hai ba lần mới đủ, khiến tôi luôn trong trạng thái bực bội.
Tôi đẩy cái xe cải tiến với mớ xô và thùng đi trước, thằng Tâm xách cái xô theo sau, tôi nạt
- Ở nhà, tao không mượn! 
Thằng nhỏ cúi đầu, đi chậm lại. 
- Em phụ chị! 
Tôi lại trừng mắt. Thằng nhỏ lủi thủi quay lưng vô nhà. 
Tôi đẩy chiếc xe, tiếng xô va vào nhau đến phát bực. Mẹ không nói không rằng từ mười ngày nay, nhiều khi nghĩ, giá mà mẹ chửi mắng, mẹ tức giận hay đánh đập, nó không khiến tôi bực bội thế này, cảm thấy như mình muốn phát điên lên khi hai mẹ con thằng Tâm suốt ngày lục đục làm chuyện này chuyện kia trong nhà của tôi.
***
Mười ngày trước, người ta chở ba tôi về trên một chiếc xe cứu thương. Tôi thấy mẹ đứng cứng đờ nhìn ba mà không thể nhỏ một giọt nước mắt, bao nhiêu lý do được người này người kia thuật lại, nhưng hình như mẹ không nghe thấy gì hết, chỉ có tôi, căm hờn đứng nhìn ba tôi như một tội đồ, người đàn ông chẳng bao ngày đem về cho mẹ hạnh phúc.
“Anh ấy say với anh em công nhân, anh ấy về công trường, cầu thang công trường đang xây chưa có tay vịn … mà chẳng hiểu sao, anh ấy leo lên tận tầng sáu làm gì, khi mọi người đều nghỉ ngơi ở tầng một?”…
Người say thì làm gì có lý do, hơn hai mươi năm làm con của ông, tôi đã học được điều đó, ông về với những hằn học đòn roi lên người mẹ và tôi, chẳng lần nào có đủ lý do. Có đôi lúc trong đời, tôi từng nghĩ rằng, ước gì một ngày nào đó, tôi cũng có thể làm đau một người mà không cần lý do, nhưng cứ nhìn vào đôi mắt mẹ, tôi chẳng biết làm gì hết, tôi cảm thấy mình vỡ vụn hết những căm hờn mà mình đã có.
Trong khi mọi người lo đám tang, thì mẹ vẫn chỉ ngồi ở góc nhà, nhìn ra chỗ ba tôi nằm, ráo hoảnh, kiểu như ai đó đã bắt mất linh hồn của mẹ đi rồi.
Một chiếc xe khác lại dừng ở cổng, không phải xe cứu thương, hai mẹ con thằng Tâm bước xuống xe rồi riu ríu đi vô nhà. Chẳng ai quan tâm, vì ngày này khách khứa đông lắm. Nhưng khi đứng trước quan tài của ba tôi, cô ấy ngất xỉu, thì mọi thứ đã khác, trong nhà tôi, ngay giây phút đó, hình như chỉ còn có hai mẹ con họ là khách.
Lúc đó, khi nhìn mẹ, tôi chẳng nhìn thấy suy nghĩ gì khác ngoài cái mắt ráo hoảnh vốn có suốt từ khi người ta đưa ba về. Hình như mẹ đã biết trước điều đó, hình như tôi nghe văng vẳng trong ký ức mình, khi mẹ còn biết rơi nước mắt, rằng “khi nào anh chết, nó mới được về chịu tang, còn bây giờ, anh đi đi!”. Tôi không biết nữa, hơn mười năm trước, với tôi, cái câu ấy chẳng có ý nghĩa gì hết, cái câu ấy như lời giải thoát cho mẹ con tôi khỏi những bạo hành, tôi thấy mình tôn thờ mẹ mà không hiểu hết tất cả câu chuyện là gì.
Ba mẹ lấy nhau hai mươi hai năm, nhưng thằng Tâm mười ba tuổi, nghĩa là trong hai mươi hai năm đó, ba đã có trên mười ba năm sống lừa dối mẹ. Một phép tính rất tàn nhẫn với mẹ, với tôi, với cái gọi là tình yêu mà mẹ luôn tôn thờ. Thậm chí những trận đòn roi vô cớ khi ba say, mẹ cũng tôn thờ. Hơn hai mươi hai tuổi, tôi vẫn chưa hiểu nguyên do vì sao, người ta vẫn có thể sống, có thể yêu, có thể bảo vệ thậm chí tôn thờ sự lừa dối và bạo hành? Vì đâu mà hèn đến thế?
Năm mười tám tuổi, tôi yêu Vũ, đi cùng Vũ và bạn bè của anh, họ dắt nhau đến một quán thịt cầy, rượu bia rôm rả. Tôi ngồi nhìn Vũ cầm cây sả sống, cắn và nhai rệu rạo. Có cái gì đó lành lạnh chạy dọc sống lưng, cảm giác bàng hoàng, hoảng hốt như phát hiện ra cái sự thật gì đó kinh khủng lắm. Chia tay Vũ mà vẫn không thể nói ra được lý do, không lẽ bảo rằng, chia tay anh vì anh ăn được củ sả sống. Nhưng hơn ai hết, tôi thấy Vũ giống ba mình, cái vết xe đổ đó tôi không được phép dẫm lên, bởi tôi biết, tôi chẳng thể nào đủ sức câm nín hay cam chịu như mẹ.
***
Vì mẹ đã từng cho phép, khi nào ba chết thì mẹ con thằng Tâm được về chịu tang, nhưng chòm xóm không thôi thương hại và xót xa cho mẹ. Họ nói ra nói vào, thậm chí có người nói thẳng, sao không đuổi mẹ con nó đi đi, tang xong rồi, đợi gì nữa, nhìn mà không cảm thấy tức hay sao?
Mẹ thằng Tâm, chẳng xinh đẹp hơn mẹ tôi, cũng chẳng trẻ hơn mẹ tôi là mấy. Có vẻ như, ai trót yêu ba rồi, cũng sống cuộc đời lầm lũi cô đơn đến tàn phai nhan sắc như thế, ba có cái thứ quyền lực nào mà tôi, một đứa trẻ, không bao giờ hiểu hết. Bỗng tôi chợt thấy xót thương cho phận đàn bà quanh tôi, chẳng ai muốn thoát ra cái kiếp người đọa đày đó. Vì những đứa con như tôi, như thằng Tâm, mà buộc họ phải câm nín như chưa bao giờ mơ mộng đến cái gọi là hạnh phúc.
Tôi bảo mẹ:
- Con người lừa dối đó, không đáng cho mẹ đau buồn, không đáng cho mẹ chịu tang, không đáng cho mẹ làm giỗ!
Mẹ cầm cây roi giắt sẵn ở cửa sổ, quất thẳng vào người tôi
- Ai dạy cho mày cái kiểu quật mồ quật mả mà chửi thế hả?
Tôi nín lặng, không khóc. Bây giờ thì đến lượt tôi không thể rơi nổi một giọt nước mắt nào, đau đớn đến cùng cực, đau đến không còn cơ quan nào trong cơ thể này không đau nữa, cứ như có từng vết dao xâu xé trong từng thớ thịt. Tôi giận mẹ, cái người đàn bà đáng thương đứng trước mặt tôi bây giờ, hình như chẳng còn là mẹ tôi nữa rồi.
***
Mẹ để người đàn bà cướp đi chồng mình sống chung một nhà, mẹ để họ ăn chung một mâm. Đó là vấn đề của mẹ.
Còn tôi, dù đẩy cái xe cải tiến ra tới giếng rồi, tôi cần phải múc đầy những xô nước kia để mang về nhà, nhưng không hiểu sao khi bám từng ngón chân xuống đất để đẩy xe ra tới đây, tôi ngồi xuống khóc. Đúng rồi, mắt tôi đâu phải là mắt của mẹ, tôi biết khóc cho cuộc đời của chính tôi, tôi khóc cho gia đình tôi, vì đâu ra thế này? Mấy bà mấy cô cũng ra giếng lấy nước, họ nhìn thấy tôi ngồi khóc, họ vỗ vai tôi
- Tội nghiệp con!
- Con phải đuổi con đàn bà giựt chồng người khác đó đi ra đường, cái thứ gì mà phải chứa chấp
- Con nghĩ sao hì hụi đẩy nước về nấu cho nó ăn, mẹ con mày có thần kinh không?
Mỗi người một câu, tai tôi gần như ù đi. Tôi đứng phắt dậy, đá mạnh vào xe, tiếng xô thùng kêu lên loảng choảng, tôi mặc kệ, bỏ đi về.
Tới cổng nhà, tôi thấy mẹ chẻ củi ngoài đầu hè, thằng Tâm và mẹ nó dọn rác ngoài sân, mớ rác bị nước mưa cuốn về, mắc vào những cành cây khô nằm vương vãi sau những ngày tang ba chưa kịp dọn dẹp. Chẳng ai nói với ai câu nào. Tôi không vào nhà, mà đi thẳng. Người đàn bà kịp ngẩng lên, vội vã gọi tên tôi “Thanh! Thanh!”, tôi chẳng quan tâm, mang tai ương, mang đau đớn vào nhà tôi, rồi tỏ ra là người tốt, là người biết quan tâm đến tôi sao?
Nhưng rời khỏi nhà, tôi biết đi đâu? Sao lại bị vứt ra đường khi mình có nhà?
Sau một hồi lang thang, tôi quay về nhà. Mẹ trợn mắt hỏi:
- Nước đâu? Mày đi lấy nước mà!
Tôi hằn học trả lời mẹ:
- Ai uống đi mà lấy!
Cái roi giắt trên cửa sổ lại được lấy xuống, tôi đứng trân nhìn mẹ.
- Mẹ à, mẹ chẳng còn là mẹ nữa rồi, nhà này, chẳng còn là nhà chúng ta nữa rồi!
Mẹ sững nhìn tôi, cây roi từ từ hạ xuống. Mẹ con thằng Tâm bên ngoài bước vô, vòng tay thưa với mẹ tôi
- Em xin chị, cho em ở đây tới khi mãn tang anh ấy, mãn tang xong, mẹ con em sẽ đi, chứ bây giờ, mẹ con em biết đi đâu?
Tôi thảng thốt:
- Sao lại mãn tang? Mười ngày mà đã khiến gia đình này điên đảo rồi, cô muốn ở đến hai năm hay sao?
- Con à, dì sẽ đi làm, sẽ phụ mẹ con lo cho gia đình, cho hai đứa con!
- Bà là ai mà nói lo cho tôi chứ? Là người phá nát gia đình của tôi kia mà! – Tôi hét lên tức tưởi.
Mẹ tôi nạt ngang:
- Đi lấy nước, con nít thì biết gì?
Tôi vùng vằng bỏ đi ra ngoài, mặc kệ mẹ tôi, mặc kệ cái lòng thương người vớ vẩn của mẹ. Tôi không tin người đàn bà đó, đã giật lấy ba ra khỏi mẹ tôi, giật lấy tình phụ tử mà đáng lẽ tôi phải được nhận, thì không lý nào tôi chấp nhận sống cùng nhà với mình.
***
Đêm, tôi ngồi ngoài hiên, đếm những ngôi sao một cách vô hồn vô nghĩa, thằng Tâm ra ngồi cạnh tôi
- Chị, em với mẹ sẽ đi! Chị đừng giận em nữa!
Tôi quay sang nhìn thằng Tâm, chợt chạnh lòng khi nhìn cái thân hình còi nhom, đen nhẻm của nó, phảng phất cặp mắt của ba tôi, cái mũi cái miệng cũng của ba tôi, nó cùng dòng máu với tôi đó, nhưng trong chuyện này, lỗi có phải của nó đâu?
Tôi chẳng biết mình phải nói gì trong cái phút yếu lòng đó, tôi không đủ bao dung để bảo thằng Tâm rằng, em cứ ở lại với chị, tôi cũng không còn đủ nhẫn tâm để bảo nó hãy đi đi, không đủ sức bặm môi trợn mắt với nó nữa. Rốt cuộc, tôi là loại người gì thế này?
***
Sáng hôm sau thức dậy, những thùng nước trong nhà đã đầy ắp, mớ xô chậu đầy ắp nước còn để trên chiếc xe cải tiến, mà hôm qua tôi còn đá nó lăn lóc ngoài giếng của làng kia mà!
Mẹ con thằng Tâm đã đi, không để lại gì, kể cả lời từ biệt tôi. Tôi nhìn lên bàn thờ ba, tấm di ảnh nhòe đi đàng sau những cây nhang còn nghi ngút khói. Mẹ vẫn lầm lũi với mớ công việc không đầu không cuối của mình. Tự hỏi rằng, liệu việc mẹ con thằng Tâm ra đi hay ở lại có quan trọng không, cái quan trọng là họ đã đến, để minh chứng cho một sự dối lừa mà không ai chối cãi được, để lại cho gia đình một sự đổ vỡ mà không có gì gắn lại cho lành.
Ngày mai, ra giếng nước, tôi lại đẩy những thùng nước khiêm tốn vừa sức mình như công việc hàng ngày phải làm như nhiều năm trước, liệu tôi có vui hơn?

   Buôn Hồ tháng 4. 2016





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI