Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 286 - tác giả LÊ THÀNH VĂN

Sổ tay thơ


CẢM THỨC THỜI GIAN
QUA MỘT CUỘC ĐỒNG HÀNH



ĐI HẾT HOÀNG HÔN



Sao người không chậm lại
Ta cùng đi hết hoàng hôn?
Sao người giục tôi đi nhanh
Ngày đang hết
Tháng rồi hết
Năm đuổi năm
Ai cầm được tuổi mình đứng lại!

Khoảnh khắc này
Tôi đang khác tôi
Quên nhan sắc cuối thu
Cười môi thiếu nữ
Ý nghĩ người miên man vần điệu
Dắt thanh xuân về
Đánh thức câu thơ
Sao đành lay động cơn mơ

Nào
Thì đi
Người nhanh
Tôi chậm
Đua với thời gian
Cuộc đua đích thực
Kìa
Đèn phố lên
Đích đầu tiên hé lộ
Một phía người
Tôi phía mình tôi.
                                                Tôn Nữ Ngọc Hoa
LỜI BÌNH:
Tôi chưa đọc nhiều thơ của tác giả Tôn Nữ Ngọc Hoa, thi thoảng thơ chị xuất hiện trên Tạp chí Chư Yang Sin như một chút tâm tình bé nhỏ, khiêm nhường trước cuộc đời quá rộng. Có điều, thơ Tôn Nữ Ngọc Hoa dễ găm vào lòng người đọc nhờ cái tứ thơ đằm thắm, bình dị nhưng không kém phần mãnh liệt bằng chính độ thăng hoa của cảm xúc rất chân thành và phảng phất ít nhiều triết lý tự thân về cuộc sống. Ba thi phẩm Đi hết hoàng hôn, Biển mặnVờ in trên Tạp chí Chư Yang Sin số 279 năm 2015 đã khiến tôi phải đọc chậm, dừng lại và ngẫm nghĩ khá lâu để rồi chiêm cảm trước bài thơ Đi hết hoàng hôn với một cảm thức thời gian ẩn chứa nỗi niềm sâu kín về tình yêu và phận người mà tác giả muốn ký thác, qua đó người đọc cũng cảm nhận được lòng yêu đời thiết tha của người phụ nữ bước vào ngưỡng cửa "nhan sắc cuối thu" trước mênh mang của vũ trụ vô cùng.
Cấu tứ của bài thơ khá hay, có hoàn cảnh thực nhưng sau nghĩa tả thực đó lại hàm chứa một triết lý về cuộc sống. Hai người đi dưới ánh hoàng hôn, một người nhanh, một người chậm. Người nhanh muốn người chậm đi nhanh, người đi chậm lại muốn người đi nhanh sao không chậm lại. Hóa ra, tuy không song hành mà vẫn đồng hành trong một không gian phố xá và ánh hoàng hôn sắp tàn của một ngày. Từ đó nhà thơ ý thức được thời gian đang trôi nhanh, "ngày đang hết, tháng rồi hết, năm đuổi năm", tuổi tác của mình sao cầm được mãi (mà tuổi xuân thực sự cũng đã qua rồi) nên mỉm nụ cười thiếu nữ để quên đi mình đang "nhan sắc cuối thu", tự dắt câu thơ của một thời son trẻ lay động giấc mơ hôm nào về với thực tại. Cứ thế hai người, vẫn một nhanh, một chậm đua với thời gian và đó mới là cuộc đua đích thực (giờ thì không thấy khoảng cách không gian đâu nữa). Xót xa thay, khi chạm đích rồi, đèn phố sáng lên, tôi và người chia hai lối. Thì ra nhanh đến đích để rồi nhanh chia phôi. Thật xa xót! Cái triết lý của bài thơ cũng nằm ở chỗ đó.
Theo tôi, một bài thơ hay thường bao giờ cũng mở đầu một cách tự nhiên như sự bật thốt không thể kìm nén. Hai câu đầu trong Đi hết hoàng hôn thật sự bất ngờ và đạt đến độ thăng hoa nhờ vào sự bật thốt giản dị ấy, song lại sinh tạo được nhiều nghĩa, nhiều cách hiểu khác nhau:
Sao người không chậm lại
Ta cùng đi hết hoàng hôn?
Người đi sau mong người đi trước chậm lại có thể để tâm tình, giãi bày một nỗi niềm gì đó chăng? Tác giả không nói cụ thể, người đọc cũng đành chờ vậy. Ấn tượng nhất vẫn là câu thơ thứ hai: "Ta cùng đi hết hoàng hôn?". Chính hai từ "hoàng hôn" đã làm cho câu thơ nhòe nghĩa, vừa khai mở hiện thực về một buổi chiều tà, vừa chạm vào thời gian của đời người khi mái đầu không còn xanh nữa, cái đích phía trước dần ngắn lại. Có vậy mới từ sự đi nhanh, chậm về mặt cơ học để tạo khoảng cách không gian giữa hai người, nhà thơ Tôn Nữ Ngọc Hoa đã chuyển sang triết lý về kiếp người mong manh, hữu hạn:
Ngày đang hết
Tháng rồi hết
Năm đuổi năm
Ai cầm được tuổi mình đứng lại!
Từ một buổi hoàng hôn vô ý gặp gỡ kiểu Xuân Diệu viết trong Thơ duyên: "Em bước điềm nhiên không vướng chân/ anh đi lững thững chẳng theo gần" ấy, nhà thơ đã phần nào dự cảm được một ngày đang hết. Cụ thể trước mắt là vậy, tháng năm rồi cũng sẽ trôi qua cùng với những ngày ngắn ngủi phai tàn khép lại. "Ai cầm được tuổi mình đứng lại!". Câu thơ đầy cảm khái mà cũng là nỗi đau muôn thuở của loài người từ cổ chí kim, thảo nào nước mắt nhân sinh nhỏ vào bể khổ này vô lượng hải hà cũng từ bi kịch thiên thu ấy. Dường như tác giả muốn nói rằng, nhanh mà làm gì, đi nhanh rồi sẽ về nhanh, người không thấy thời gian đang trôi đó sao! Ba chủ từ "ngày", "tháng", "năm" đặt ở đầu ba câu thơ với kiểu câu đơn rất ngắn tạo cảm giác thời gian đi liên tục và không dừng lại. Điệp từ "hết" lặp lại hai lần cuối các câu thơ buông nhẹ như một tiếng thở dài man mác. Nhưng không, ở đây không có vết dấu của sự bi lụy, chán chường. Càng cảm thức về thời gian băng nhanh qua phận người, lòng yêu đời và niềm khao khát cuộc sống, khao khát yêu thương và sẻ chia của thi sĩ Tôn Nữ Ngọc Hoa một lần nữa lại cháy lên mãnh liệt hơn bao giờ hết:
Khoảnh khắc này
Tôi đang khác tôi
Quên nhan sắc cuối thu
Cười môi thiếu nữ
Rất thành thực, không che đậy hay giấu giếm một điều gì, tác giả khẳng định cái tôi cá nhân của mình một cách trực diện tại "khoảnh khắc này" và xác quyết "tôi khác tôi". Chính phút giây này đây, khi một ngày sắp tàn, hoàng hôn đang tràn ngập, bóng tối rồi sẽ choán ngự khắp nơi cũng là lúc cái tôi đắm say và thành thực đến không ngờ trước cuộc sống mới bày hiện. Nhà thơ quên mình đang "nhan sắc cuối thu" để mà tự tin, ngây thơ nở nụ cười trong niềm bâng khuâng như thuở còn xuân nữ. Tất cả lúc này đều trở nên "miên man vần điệu", "thanh xuân" như dắt nhau về từ một cõi xa vô thức nào của những câu thơ đầy mơ màng lay động. Không quá táo bạo và mãnh liệt như Dư Thị Hoàn, Lâm Thị Mỹ Dạ hay các nhà thơ trẻ Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh..., nhà thơ Tôn Nữ Ngọc Hoa khẽ khàng "đánh thức câu thơ"  bằng một tình yêu thương bừng dậy nóng bỏng đang miên man những ý nghĩ về người:
Ý nghĩ người miên man vần điệu
Dắt thanh xuân về
Đánh thức câu thơ
Sao đành lay động cơn mơ
Chính ý thức được tuổi xuân rơi rụng theo thời gian, đời người hữu hạn, khổ thơ sau có cái nhịp điệu của những bước chân gấp gáp dường như muốn chạy đua với thời gian để về đến cái đích đã chọn, theo nhà thơ đó là cuộc đua đích thực, cuộc đua không cam go, quyết liệt nhưng là sự tự ý thức trước bước đi nghiệt ngã của thời gian. Dù người nhanh, tôi chậm nhưng vẫn cùng nằm trong ánh hoàng hôn của buổi chiều tà, cũng là hoàng hôn của đời người, thấm thoát thoi đưa nhanh lắm. Cuộc đua chạm đến đích là khi một ngày đã thực sự hết rồi, ánh đèn điện bật sáng lên ở một góc phố nào đó cũng là lúc người và tôi bừng ngộ nhận ra ngã rẽ cuộc đời đã chia hai lối. Chữ "kìa" vang lên ngỡ ngàng, thảng thốt như một định mệnh nghiệt ngã, bật dậy từ đáy lòng của nữ sĩ như cứa, như chạm vào hồn ta một nỗi đau òa vỡ:
Kìa
Đèn phố lên
Đích đầu tiên hé lộ
Một phía người
Tôi phía mình tôi.
Nhìn tổng thể bài thơ Đi hết hoàng hôn, các dòng thơ khoáng đạt và tự nhiên, câu dài câu ngắn tự do, nhưng không quá vênh nhau về số tiếng, gợi cảm giác của một sự di chuyển "cùng đi hết hoàng hôn" của hai con người, tuy có vẻ xa lạ mà vẫn đồng hành và luyến láy, mến thương. Phút giây đi đường ngẫu nhiên, vô tình thoảng qua mà gợi cấu tứ cho bài thơ có được ý tình sâu xa và triết lý về tình yêu, về kiếp người quả thật là không dễ. Ở cái tuổi "nhan sắc cuối thu", cảm giác lo âu trước sự bé nhỏ của kiếp người, sự hữu hạn vô thường của tình yêu đã khiến thi sĩ Tôn Nữ Ngọc Hoa bộc tràn cảm xúc như không gì níu giữ. Tuy đến đích rồi lúc đèn phố sáng lên "một phía người/ tôi phía mình tôi", người đọc vẫn có cảm tưởng rằng "lòng anh thôi đã cưới lòng em" giữa người và tôi một nhanh, một chậm. Qua thật, bài thơ đã mở ra nhiều chiều kích suy tưởng, cảm nhận tùy vào sự trải nghiệm của mỗi người.

     LÊ THÀNH VĂN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI