Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 287- tác giả TRƯƠNG HỒNG PHÚC





HÁT KHÓC TRONG TANG LỄ CỦA NGƯỜI VIỆT




Hát khóc trong tang lễ là một loại hình nghệ thuật hết sức độc đáo của dân gian được thể hiện trong sinh hoạt văn hóa tang lễ. Hát khóc chính là nét đẹp trong truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt Nam, nó thể hiện ý thức về tình yêu thương, giáo dục con người; đồng thời đó là phương tiện để truyền tải những tâm tư, nguyện vọng, ước muốn của người còn sống dành cho người đã khuất hoặc ngược lại.
Hiện nay trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, loại hình hát khóc vẫn còn được duy trì trong nghi lễ của tang lễ.
Khái niệm “hát khóc”
Hát khóc là một hình thức khóc có xen lẫn cả lời kể lể lẫn tiếng khóc nhằm thể hiện sự thương tiếc, bi ai của người sống đối với người đã khuất.
Hát khóc trong tang lễ đã trở thành một trong những đối tượng nghiên cứu của những nhà folklore. Vì vậy nghệ thuật này đã được một số nhà nghiên cứu quan tâm. Trong công trình “Phong tục tang lễ”, nhà nghiên cứu Phạm Minh Thảo cho rằng: “Nhạc hiếu trong tang lễ là các điệu làn khốc làn thảm, làn ai, già nam, v.v… nhằm chia buồn, kể lể sư xót xa thương tiếc, nói hộ nỗi niềm tình cảm của người đến viếng và tạo nên không khí trang nghiêm (…) Xưa, phường nhạc hiếu thường có những bài riêng, thay lời con khóc cha mẹ, vợ khóc chồng, cháu khóc ông bà, anh chị em khóc nhau… Dân gian có câu “sống dầu đèn, chết kèn trống” là nghĩa như vậy. Xét về một khía cạnh nào đó, đây là một việc làm có văn hóa, một hình thức để tưởng niệm”.
Hay trong công trình “Việt Nam phong tục”, học giả Phan Kế Bính cũng đã nhận định: “Thổi kèn giải: Trong những đêm ma còn quàn ở nhà, có nhà mỗi tối mời phường bát âm gảy đàn thổi sáo và có phường tang nhạc thổi kèn đánh trống. Con cháu, mỗi người thổi một câu khóc ông bà cha mẹ, rồi thưởng tiền cho bọn ấy. Nhà nào không có kèn giải thì không vui”.
Như vậy, từ những nhận định này của các nhà nghiên cứu chúng tôi đưa ra khái niệm hát khóc trong tang lễ của người Việt là: “Hát khóc chính là một hình thức khóc, trong đó có đan xen giữa lời ai oán, kể lể bi thiết cùng với âm thanh não nùng của dàn nhạc bát âm để làm bật lên sự thương tiếc, bi ai của người còn sống đối với người đã chết”.
Mục đích hát khóc
Thứ nhất, hát khóc là cách để bày tỏ sự thương tiếc của người còn lại đối với người ra đi. Điều này có thể thấy rõ trong đoạn khóc sau:
“Công cha nghĩa mẹ cù lao
Trong công đức ấy biết bao nhiêu là
Than ôi (vai người mất) vội về già
Từ nay khuất bóng đường xa bụi trần
Con nay thương nhớ muôn phần
Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau”
Qua lời khóc trên, người nghe có thể cảm nhận được lời thương tiếc của người con dành cho cha hoặc mẹ. Đồng thời đoạn khóc trên còn cho chúng ta cảm nhận được sự luyến tiếc, xót xa, thậm chí đó còn là sự bối rối và lời chia ly trong nỗi đau thương tột cùng. Hay trong bài khóc Vắng mẹ cũng vậy:
“Dung mạo một mai vắng vẻ, bão xô cây, nghĩ lại ngậm ngùi thay. Âm dương đôi ngả xa vời, mây phủ núi, trông càng đau đớn nhẽ! Sương bay chớp nhoáng, bạch vân nghi ngút, cõi phù sinh. Con mất mẹ rồi, mẹ ơi!” Người nghe có thể thấu hiểu được tâm trạng của người con có hiếu, xót thương, đau đớn vì mất mẹ, người con ấy đã mượn lời hát khóc để tỏ bày nỗi lòng của mình.
Thứ hai, hát khóc là bức thông điệp về cuộc đời, gia cảnh của cả người chết và người sống. Điều này được thể hiện trong các bài khóc kể công.
Bài khóc Đời cha có một đoạn như sau: “Cha đà yên nghỉ bên bờ đê, gốc nhãn. Bỏ đàn con thơ, cui cút tháng ngày. Mới hôm qua còn thấy cha bệ vệ, oai phong, dang tay lớn che chở đàn con nhỏ. Việc đồng ruộng cha giành làm lớn, để mẹ con ở nhà với đám con. Mới năm ngoái trời còn hạn, khô héo, một mình cha toan gánh nước đưa phân. Con thơ dại nhìn cha gầy than khóc, đói bát cơm tinh, cỗ thịt ngon lành. Ôi cha ơi! (số người con) miệng ăn nheo nhóc, thân cha lăn, góc bể chân trời. Mong con lớn đủ đầy cùng trang lứa, vượt sức trời cha nuôi lớn chúng con. Vậy mà nay còn đâu cha hỡi, ôi con đau, con lỗi lớn với đời”. Nghe lời khóc kể chúng ta biết hoàn cảnh của một gia đình nông thôn, chuyên việc đồng áng, nhà đông con, nhưng chỉ một mình cha lo việc kiếm tiền. Người cha này không quản nại mưa nắng gió sương, khổ cực để nuôi con.
Thứ ba, hát khóc là cách để thể hiện ước mơ, khát vọng và triết lí sống của dân gian. Ví như đoạn khóc sau cho người nghe cảm nhận được ước muốn của người ở lại:
“Một là ước mẹ hóa sanh
Hai là con ước được thân làm người
Ước thứ ba nguyện cha cười thanh thoát
Để hồn kia giải thoát kiếp hồi luân
Con nguyện ước cho cha mẹ tiền kiếp
Được hậu sanh cũng chàng thiếp ngàn năm...”
Đó là lời nguyện ước của người con mong muốn cho thân sinh phụ mẫu của mình được vãng sanh về miền cực lạc và cầu cho cha mẹ được hóa kiếp làm người, mãi mãi bên nhau theo quan niệm luân hồi của dân gian người Việt.
Như vậy, hát khóc chính là phương tiện để con người thể hiện những ước mơ, khát vọng của mình về sự bất tử, không hề có sự chia ly, xa cách. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất qua hát khóc và các nghi lễ thực hiện cho người quá cố trong tang lễ. Đây chính là sản phẩm được sáng tạo ra từ quan niệm sống bất biến, vĩnh cửu của người Việt nhằm phục vụ cho tinh thần của con người nói riêng và cộng đồng nói chung.
Trong bất kỳ một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian nào cũng đều có đối tượng, vai trò, ý nghĩa. Hát khóc trong tang lễ của người Việt cũng vậy, loại hình nghệ thuật dân gian này có đầy đủ những đặc trưng riêng về đối tượng, vai trò, ý nghĩa.
Đối tượng của hát khóc
Đối tượng của hát khóc được chia làm 2 nhóm như sau:
Đối tượng thứ nhất là người thân của người quá cố (gia đình, họ hàng, bạn bè, những người hàng xóm…). Với đối tượng này họ khóc một cách rất tự nhiên, khóc bằng tâm tư, khóc bằng tình cảm, bằng sự đớn đau, thương xót khi mất người thân, hòa điệu vào xen trong tiếng khóc vừa xót xa, cay đắng vừa hướng về một tương lai tốt đẹp hơn cho người mất. Ví như lời khóc của cháu cho dì của mình:
“Dì ơi, có rét không dì?
Tiết hạ tháng 7, dì đi sao đành
Cháu nay chiếu đất trời mành
Điềm lành chưa đến dữ thời báo ngay
Nay thấy dì mà lay chẳng dậy
Lòng cháu đau xiết mấy xót xa
Cha mẹ cháu ra đi từ trước
Ngược thời gian về đón dì đi
Nợ nần đời cái chi chi
Mà sao cháu khổ như ri thế này?”
Đối tượng hát khóc thứ hai là các nghệ nhân của đoàn kèn giải. Những thành viên này vừa đóng vai trò thay con cháu của người mất, đồng thời họ còn là tác giả sáng tác ra những bài hát khóc phục vụ cho đám tang. Nhiệm vụ của họ là khóc thay lời của người thân trong gia đình (thay vai) hoặc những người đến phúng viếng. Mục đích hát khóc của họ vừa thể hiện tình cảm thực dành cho người mất, vừa thể hiện tài năng nghệ thuật dân gian của mình, đây còn là cơ hội hiếm hoi để những thành viên này cải thiện đời sống kinh thế khó khăn của gia đình. Đối tượng này thường được nhận biết qua câu kết của bài hát khóc như: “Tấm lòng thương tiếc nhờ kèn khóc than”  hay “Nhờ kèn lâm khốc khóc than (vai người mất) mấy lời”.
Chức năng của hát khóc trong tang lễ của người Việt
Xét ở góc độ tâm linh của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, quan niệm rằng: con người gồm 2 phần thể xác và linh hồn. Tuy nhiên, khi chết đi phần xác sẽ không tồn tại, chỉ còn lại phần linh hồn mà thôi, khi đó linh hồn con người sẽ tiếp tục duy trì sự sống ở thế giới khác (thế giới tâm linh). Và người sống chỉ có thể giao cảm với người chết bằng đời sống tâm linh thông qua hát khóc, qua việc thực hiện nghi lễ cho người quá cố; nhìn nhận trên góc độ này thì lời hát khóc có những chức năng sau:
Thứ nhất, đó là phương tiện để thể hiện tình cảm: hát khóc như một sợi dây kết nối giữa sống – chết, âm – dương, những người còn sống bày tỏ tình cảm của mình đối với người đã mất thông qua tiếng khóc than ai oán, ngậm ngùi, qua đó làm cho cảm xúc của con người tăng lên. Cách khác, hát khóc chính là sự cường điệu hóa tình cảm, làm tăng tiến mức độ xót xa, bi thương của mình. Mỗi lời hát khóc là một lời tri ân hoặc giãi bày cảm xúc của con người với nhau. Từ đây tình cảm con người ngày càng bền chặt, gắn bó hơn nữa.
Thứ hai, hát khóc chính là phương tiện để giáo dục, răn đe con cháu và những người còn sống. Mỗi bài khóc là một bài học, bài học về sự yêu thương con người, về cách đối nhân xử thế, bài học về chữ hiếu chữ tình… Đó là bài học về lẽ sống, lẽ phải, về quy luật nhân quả, phải yêu thương nhau ngay từ khi còn sống, phải sống đúng đạo làm người để khi mất đi không còn phải hối tiếc. Hát khóc còn góp phần hình thành nhân cách cho con người. Chỉ khi biết những điều còn khuyết của mình thì người ta mới có thể sửa chữa theo hướng tốt hơn. Hát khóc có thể để kể công nhưng cũng có thể để phê phán những thói hư tật xấu trong đời sống hằng ngày. Qua đó người sống có thể cảm nhận được và có thể sửa đổi bản thân, nhân cách, cách nghĩ, cách cảm… sao cho phù hợp với đạo làm người.
Thứ ba, hát khóc thể hiện tài năng, sự sáng tạo nghệ thuật của dân gian. Không có một tác giả nào sáng tạo ra loại hình nghệ thuật này, mà đó là kết quả lao động nghệ thuật của rất nhiều người, từ những lời nói tiếc thương, người ta đã vận dụng trí óc kết hợp phần lời ấy với âm nhạc dân gian của kèn, nhị, sáo, đàn tranh, đàn bầu… để cho ra đời những bản lâm khốc, nam ai… như ru lòng người. Đó là sự kết hợp hết sức bình dị nhưng vô cùng tinh tế và nghệ thuật. Người nghệ nhân không ai nhận bản thân mình là tác giả của những bài hát khóc mà họ chỉ kí danh là theo nguồn dân gian. Hát khóc chính là sự kết tinh giữa âm hưởng của dân ca truyền thống và lời kể lể than khóc tự nhiên của con người, đồng thời đó còn là sự kết nối giữa yếu tố tâm linh và hiện thực để tạo nên một loại hình văn hóa dân gian độc đáo.
Như vậy, Hát khóc trong tang lễ của người Việt không phải chỉ là những câu khóc kể đơn thuần, mà bên trong nó còn ẩn chứa những giá trị đặc sắc về tinh thần và văn hóa dân tộc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI