Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 287 - tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO

Tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO



TRÒ CHƠI ĐỊNH MỆNH

Truyện ngắn

Gần năm mươi tuổi đời, cái ký ức về vùng biển của tuổi thơ nó nằm đâu đó mà Xuân không kéo ra thành một hình ảnh chính xác được. Hơn mười năm từ ngày má mất, có lúc Xuân cũng thôi không nhớ đến những ký ức cũ, nơi mà má nói bằng giọng lúc tỉnh lúc mê, “con biết không, chỉ cần con nhặt mười lăm hòn sỏi dưới chân mình, xếp thành hình trái tim mà không có kẽ hở, thì định mệnh của con, tình yêu của con là ở vùng đất đó, con có đi bốn bể chân trời, con cũng về đó trước khi chết!”. Và vùng đất mà má gọi là định mệnh cuộc đời má, nó là những hòn sỏi trên một bãi biển nào đó giữa bao nhiêu bãi biển đẹp xinh trên đất nước này.  Xuân nhiều lần nhặt sỏi dưới chân mình, chưa lần nào cô xếp đủ mười lăm viên khít lại thành hình trái tim, nó cũng loang lổ vài nơi. Có đôi khi Xuân tự hỏi, vậy đời mình, định mệnh là ở đâu?
Tháng trước, ra thăm mộ má, lần giỗ thứ mười rồi, tấm hình trên bia cũng nhạt dần từ ánh mắt tới cả gương mặt đẹp gần như rõ từng nét của má. Xuân hỏi má, liệu con chôn má ở đây, nơi không phải là định mệnh, má có nhớ quê không? Rồi đếm những đồng tiền còm cõi trong túi mình, hứa “có lẽ, con sẽ đi tìm nơi dành cho má!”.
Vậy nên hôm nay Xuân ngồi đây, trên bãi biển gần nơi Xuân ở nhất, trong ký ức chập chờn của má, năm đó, dọc đường người ta chạy í ới gọi nhau, gồng gánh con trong hai đầu thúng, thậm chí cả chó gà. Gia đình Xuân có bốn người, ba Xuân, anh trai và hai mẹ con Xuân, ba chỉ nói rằng, cố chạy đến tàu, đến tàu thôi là sống. Nhưng giữa đường thì má đi lạc, Xuân cố chạy tìm được má thì lạc mất anh và ba. Từ đó, Xuân cùng người mẹ thần kinh không bình thường, nửa tỉnh nửa mê sống lay lắt từ nơi này qua nơi khác, mãi tới khi Xuân mươi lăm mười sáu tuổi, cô mới có một công việc để không phải ăn xin. Tuổi thanh xuân trôi qua ngay thời khốn khó, chữ cũng không biết viết, giấy tờ không có lận lưng. Xuân trở thành người sống cũng như không sống ở vùng đất này bao nhiêu năm dài, má mất, Xuân sống một mình, không chồng con.Xuân thả chân trần đi dọc bãi biển, ngoài cát biển, ngoài những vỏ sò, bãi biển có rất nhiều viên sỏi trắng. Xuân nhặt lên mười lăm viên, rồi lại bỏ xuống, rồi lại nhặt lên. Cảm giác như mình không tin tưởng lắm vào trò chơi định mệnh ấy, nên nhặt lên thấy không vừa ý lại bỏ xuống, cứ nghĩ những viên dưới chân mình mới là những viên sỏi quyết định đời mình chớ không phải là những viên sỏi cô đang cầm trên tay. Hơn hai lần cô đặt những viên sỏi xuống bờ cát mịn màng, định lòng sẽ xếp lại, nhưng rồi cô lại nhặt lên. Cô trở về đây, là tìm nơi mà má gọi nó là định mệnh, tìm lại ba và anh trai cô.
Nhưng mà tìm thế nào khi đến cả một cái tên cô không nhớ, chỉ có trong những cơn đau đầu, những cơn hoảng loạn do thiếu thuốc của má, má gọi tên “thằng Đực, con Gái!”, nhưng hơn bốn mươi năm, còn ai nhớ được những thằng Đực, con Gái khi ngày nó rời đi là ngày loạn lạc mới năm bảy tuổi đầu, nhiều khi con của chính họ, họ còn chẳng nhớ nổi tên. Xuân cứ lang thang mãi từ con đường này qua con đường nọ, từ làng chài này qua làng chài khác, chân gần như mỏi rã rời, lòng gần như không còn kiên trì nữa. Xuân không thể nào nhớ được điều gì đó trong ký ức ngày mình còn bé, mọi thứ nó lạ đến mức Xuân nghĩ mình đến lần đầu. Có lẽ, nơi mình từng sinh ra, không phải ở đây. Thôi thì sẽ đi đến một nơi khác xa hơn.
Đêm trăng thanh mát, Xuân ra bờ biển ngồi, mười lăm viên sỏi trong túi kêu lạo xạo. Hay Xuân cứ thử đi, nếu trái tim khít lại từ mười lăm viên sỏi đó, thì Xuân tự cho mình thêm một cơ hội nữa. Xuân ngồi xuống cát, bỏ từng viên sỏi ra khỏi túi và bắt đầu xếp, Xuân nghe trống ngực mình đập mạnh như thể mình chỉ cần xếp sai, thì có điều gì đó xảy ra ghê gớm lắm, dù sao, đó cũng là trò chơi thôi mà, nghĩ vậy rồi Xuân ngồi tỉ mẩn xếp. Thằng bé bưng rổ quà lưu niệm đi bán dạo, qua chỗ Xuân, nó tò mò đứng nhìn, rồi ngồi hẳn xuống, thấy Xuân ngồi xếp lâu quá, nó nóng ruột thò tay vô lấy một cái xếp cho cô. Xuân giật mình, giật hòn sỏi trên tay nó.
- Của cô mà!
Thằng nhỏ nghiêng đầu cười
- Trò này con chơi hoài, xếp hình chớ gì! Xuân phùng miệng 
- Không phải xếp hình bình thường đâu, trò chơi định mệnh đó! Phải xếp thành trái tim mới được!
Thằng nhỏ giương mắt nhìn Xuân, nhìn kỹ lắm. Xuân nhìn lại nó, tròn mắt
hỏi.
- Con nít, tò mò làm gì?
Thằng nhỏ có ánh mắt quen và thân thuộc, dường như Xuân đã nhìn thấy đâu đó trên dọc đường cô đã đi qua, hay nó nằm đâu đó trong ký ức Xuân mà cô bỗng nghe lòng rộn lên những tiếng gọi hồ nghi gì không rõ. Thằng nhỏ hỏi lại Xuân: 
- Cô ở đây lâu không?
Xuân chần chừ, định hỏi nó là hỏi làm chi, nhưng thằng nhỏ chẳng đợi Xuân trả lời, nó đứng dậy.
- Cô đợi con ở đây nghen, nhứt định đợi nghen, con quay lại liền!
Rồi nó cắm cổ chạy mà không giải thích gì hết. Xuân ngớ người nhìn bóng thằng nhỏ khuất sau những bóng dừa. Xuân mỉm cười, cúi xuống mân mê sắp sửa những viên sỏi của mình. Xuân cứ xếp rồi sửa rồi lại xếp, người đi dạo quanh cô cũng về nhà cả, bờ biển dài hút trong đêm còn lại mỗi mình Xuân ngồi chơi trò chơi mà mình chẳng hiểu có mang lại chút hi vọng gì cho mình không? Còn ba viên, hai viên rồi một viên, nó khít thành hình trái tim, không một kẽ hở. Xuân ôm ngực mình, cười mừng rỡ, như vừa trút cả gánh nặng xuống hình trái tim trên bãi cát đó.
Xuân ngẩng lên thì thằng bé bán quà lưu niệm khi nãy đã đứng đó từ khi nào, cạnh nó là một người đàn ông, tóc đã muối tiêu. Nhưng khi nhìn vào mắt người đó, cả một trời tuổi thơ trong Xuân trỗi dậy, Xuân nghe tiếng gọi của má, tiếng gọi của ba, tiếng anh trai mình xen lẫn trong những tiếng cười giòn tan hạnh phúc. Người đàn ông đó, rưng rưng nhìn Xuân, rồi anh bước lại, khẽ khàng hỏi:
- Gái à, em phải không?
Nước mắt Xuân trào ra, bốn mươi mấy năm rồi, tuổi thơ ngủ đâu mất trong vùng ký ức khổ đau vất vưởng cùng người mẹ điên, bây giờ nó lại đứng trước mặt mình đây. Chân cô như không thể đứng được, hạnh phúc mà sao khiến người ta đau đớn đến thế này?
Người đàn ông đó ôm cô vào lòng, siết rất chặt, nói thổn thức:
- Anh và ba đã đi tìm em với má suốt mấy chục năm trời, mà không biết em ở đâu, ai cũng nói má với em chết rồi, bom đạn vậy mà sao cứ tin là sống để tìm làm gì? Nhưng ba không tin, ba nói chắc chắn má và em vẫn sống…
Cứ để nước mắt trào ra, để nó chảy như bao nhiêu năm chưa bao giờ khóc. Nước biển mặn mòi, lòng người ta cũng vậy, mặn quá rồi không thể dứt ra mà quên, nhớ đến cả cuộc đời còn day dứt.
Mộ ba nằm chênh vênh vách núi, mắt nhìn ra biển. Anh ngùi ngùi kể:
“Hồi đó, ba với anh đã chạy được đến cảng, leo lên thuyền rồi, nhưng không thấy em với má, ba quay xuống tìm. Rồi người ta biểu thôi lên thuyền đi, ổn định về tìm mẹ với em sau cũng được. Nhưng ba hổng đành, ba dắt anh quay về. Đi ngược dòng người đang đổ về cảng, bom đạn trên đầu, ba nhìn tận mặt từng người coi có phải má không, thậm chí ba bắt lật xác từng người đã chết dọc đường đi để tìm cho ra má. Nhưng mấy ngày trời về đến nhà cũ rồi, vẫn không thấy má với em đâu.
Ba nói, má ít khi tỉnh, nhưng lúc tỉnh, má thích chơi trò xếp hình với ba, họ cứ ra bờ biển này, nhặt những hòn sỏi rồi xếp thành hình trái tim cho khít nhau. Má mê trò chơi đó lắm. Suốt những tháng năm tìm má, đêm nào ba cũng ra biển ngồi, nhặt sỏi rồi xếp thành những hình trái tim, chỉ mong là má có về, theo dấu đó mà về, mà đợi. Tới lúc chết, ba cũng dặn anh, phải ra biển xếp những viên sỏi như vậy, biết đâu má sẽ về. Nhưng anh không tin, anh nghĩ má không còn nữa, làm sao mà em với má sống được chừng đó thời gian giữa bom đạn, đói nghèo, em thì nhỏ, má thì điên.
Thằng nhỏ bán hàng rong này là cháu nội của anh, nó cũng biết cái trò chơi xếp sỏi đó. Bữa nó thấy em chơi, nó thất thanh chạy về kêu anh, rằng nó tìm được người ngồi xếp sỏi hình trái tim rồi”.
Nói xong rồi anh khóc, anh Đực, người anh trai bảy tuổi ngày xưa của Xuân, trong ký ức mờ nhạt của cô là anh gầy, đen nhẻm, hay mặc quần đùi và đi chân đất, nhưng anh chạy nhanh không ai bằng. Bao nhiêu năm, bây giờ tóc anh đã đổi màu, da nhăn nheo, đồi mồi nổi lên từng lớp. Duy chỉ có ánh mắt là còn nguyên, dẫu sau bao nhiêu nhớ thương đau khổ rồi, mắt anh vẫn là đôi mắt anh Đực bảy tuổi cùng cô chạy theo đoàn người suốt mấy ngày đường ra cảng năm nào.
Xuân quay đầu về phía núi, mỉm cười: “Má ơi, con tìm được nơi mà má gọi là định mệnh rồi, anh em con sẽ đưa má về, để má chơi trò xếp hình trái tim bằng sỏi cùng ba, nghen má!”.

6.2016



1 nhận xét:

NHẬN XÉT MỚI