Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

TRỞ LẠI ĐẮK TUAR bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 287 THÁNG 8 NĂM 2016




Suối Đắk Tuôr


Vượt qua quãng đường gần 30 km từ thị trấn Krông Kma, huyện Krông Bông đến địa phận xã Cư Pui, xe vòng qua hai khúc cua cheo leo bên vực suối rồi dừng lại trước một khoảng đất trống rộng hơn trăm mét vuông, cây cỏ dại mọc um tùm ôm lấy mấy gốc cây cổ thụ. Ông Châu Phan, Phó trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Krông Bông nói với đoàn:
-          Đến sân của Tỉnh ủy ngày xưa rồi đấy, mời các bác xuống.
Mọi người xuống xe, ngước mắt nhìn lên, mũ đội trên đầu rơi xuống đất mới thấy đỉnh núi cao bao bọc bốn phía. Sườn núi phía đông bắc nhiều nương lúa chín vàng xen lẫn những vạt khoai mì, vạt bắp khoe màu xanh sẫm. Mấy ngọn núi phía nam và tây vẫn còn những đám mây trắng vương vấn chưa chịu tan, mặc dù đã gần 10 giờ trưa. Ba phía rừng còn lại cùng một màu xanh thẩm thỉnh thoảng điểm những thân cây cổ thụ trắng bạc vươn cao vượt hẳn lên so với các tán cây xung quanh. Xa xa tiếng nước chảy róc rách nghe như một bản nhạc rừng chào đón du khách. Ông Lê Minh Phòng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Krông Bông, nói:
-          Nơi chúng ta đang đứng là sân của Tỉnh ủy Đắk Lắk, chiến khu thời chiến tranh chống Mĩ. Phía bắc giáp với cây cổ thụ cao kia là nơi làm việc của Văn phòng, khoảng trống nhiều kia là hội trường Tỉnh ủy. Khi giặc càn vào, cả cơ quan rút vào hang đá Đăk Tuôr. Từ đây đến suối Đăk Tuôr gần một km, qua suối đi tiếp khoảng hơn một tiếng sẽ lên đến hang đá Đăk Tuôr.
Cốc, cốc, cốc… Tiếng chim gõ kiến khám bệnh cho cây vang lên đột ngột như điểm thêm cho khung cảnh hoang vu của một vùng đất chiến khu xưa. Năm mươi năm trước vào ngày 9 tháng 5 năm 1965 chiến khu H9 – huyện Krông Bông ngày nay được hoàn toàn giải phóng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của tỉnh Đăk Lắk nói riêng và cả vùng Nam Tây Nguyên nói chung. Vùng đất thuộc buôn Tuôr, xã Cư Pui này được chọn làm nơi đứng chân của cơ quan lãnh đạo đầu não tỉnh Đăk Lắk. Kể từ ngày ấy, căn cứ kháng chiến buôn Tuôr trở thành thủ phủ cách mạng của tỉnh Đắk Lắk, góp phần quyết định đến thành công trong công cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, giải phóng dân dân tộc của cả một vùng rộng lớn phía Nam Tây Nguyên. 
Nhà văn Trúc Hoài, hơn bảy mươi tuổi, tóc đã bạc trắng chỉ tay lên ngọn núi phía đông bắc, nơi có những đám lúa chín vàng như bám vào nhau leo lên các đỉnh dốc, bảo: “Ngày trước ta có đặt một tổ trực chiến trên ấy vừa để cảnh giới vừa bắn máy bay địch tập kích đổ bộ đường không; nhiều trận đánh ác liệt khiến cho bọn Mĩ - Ngụy mất vía, tổn thất nặng nề; làm sụp đổ ý đồ tập kích bí mật của chúng”. Nhà văn – nhà giáo, nguyên là học sinh thiếu sinh quân miền Nam trước đây ra Bắc tập kết, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm I Hà Nội, tình nguyện trở về miền Nam chiến đấu, viết báo và dạy học trong những ngày chiến tranh ác liệt, gian khổ. Sau ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, nhà giáo Nguyễn Trúc được giao giữ những chức vụ quan trọng trong ngành giáo dục như: Phó Ty giáo dục Đắk Lắk, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh… Hôm nay trở lại chiến trường xưa, nhà giáo - nhà báo - nhà văn Trúc Hoài hình như tâm trạng không vui, có gì đó đượm buồn trên khuôn mặt già khắc khổ đã vương dấu ấn của thời gian. Có thể ông nhìn cảnh cũ nhớ lại các đồng chí của mình đã ngã xuống mảnh đất này năm xưa để góp phần bảo vệ vững chắc căn cứ cách mạng, bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở hậu cần cho cả vùng phía nam tỉnh Đắk Lắk. Sự hy sinh anh dũng của đồng đội đã làm kẻ thù khiếp sợ và là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần đấu tranh của nhân dân địa phương vững tin vào Đảng, vững tin vào công cuộc kháng chiến “gian lao mà anh dũng” của dân tộc ta nhất định đi đến thắng lợi cuối cùng. Vùng đất này đây, trong suốt mười năm được giải phóng đã phải gồng mình chống lại hàng trăm trận càn quét của kẻ thù hơn hẳn ta về quân số và phương tiện chiến tranh; nhưng tất cả các trận tấn công ấy của kẻ thù đều có chung một kết cục thảm bại, ôm đầu dính máu bỏ chạy khỏi mảnh đất kiên cường này.
Hình ảnh người anh hùng Y Ơn Niê không may sa vào tay giặc, kẻ thù dùng mọi cực hình tra tấn khủng khiếp nhất đến dụ dỗ, mua chuộc hòng khuất phục ý chí cách mạng của người thanh niên dân tộc Êđê. Anh còn rất trẻ, vừa thấy mặt người con gái đầu lòng mới sinh, kết quả của tình yêu với cô vợ trẻ cùng buôn. Buổi sáng cuối cùng chúng đưa anh về buôn Tuar, lùa dân dân đến nghe anh nói. Bọn Mĩ bảo Y Ơn Niê nói với dân trong buôn: không đi theo cách mạng, dẫn đường cho chúng vào hang Đắk Tuar bắt cán bộ, chúng sẽ trọng thưởng. Trước họng súng kẻ thù lăm lăm nhả đạn, người con anh hùng của núi rừng Chư Yang Sin dõng dạc nói với đồng bào của mình: “Mĩ Ngụy là người xấu, chúng là lũ cướp nước và bán nước, đừng nghe lời chúng. Mọi người hãy đoàn kết bảo vệ cán bộ, bảo vệ cách mạng, không chỉ đường cho bọn giặc vào căn cứ cách mạng!” Quân thù hèn hạ đã hành quyết anh trước mặt nhân dân trong buôn. Kẻ thù muốn lấy cái chết của anh khuất phục mọi người. Sự tàn bạo của kẻ thù không làm cho nhân dân buôn Tuôr khiếp sợ mà ngược lại còn làm cho mọi người đồng lòng đi theo cách mạng, thổi bùng ngọn lửa căm thù đối với bọn xâm lược; tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ bảo vệ vững chắc khu căn cứ cách mạng. Ghi nhận công lao của người chiến sĩ dũng cảm, ngày 29 tháng 01 năm 1996 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Lê Đức Anh đã ký quyết định Truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Liệt sĩ Y Ơn Niê.
Chiến tranh đã qua đi gần tròn bốn mươi năm, những nhà tranh vách nứa trong khu căn cứ ngày ấy không còn, giờ đây chỉ có cỏ cây xanh mượt mà phủ lên nền đất cũ. Có khác chăng, con đường mòn luồn dưới các ngọn tre nứa ngày xưa để quân ta rút lui lên hang đá Đắk Tuôr khi giặc càn đến, nay đã được thay bằng con đường bê tông quang đãng. Đất nước đổi mới, cảnh vật nơi đây cũng có phần khác xưa, thời gian đang xóa nhòa dấu tích một thời… làm người lính trở lại chiến trường xưa hình như vẫn bâng khuâng, trăn trở.
            Ông Lê Minh Phòng rẽ đám cây dại mọc um tùm chỉ cho tôi gốc cây cổ thụ - dấu ấn ngày xưa nền nhà làm việc của đồng chí Huỳnh Văn Cần – nguyên Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk. Nhìn vóc dáng khỏe mạnh của ông Phó trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy, năng nổ và rất thuộc địa bàn khu căn cứ; qua lời giới thiệu của ông, tôi có cảm tưởng ông đã ở đây từ bốn mươi năm trước. Cán bộ huyện thế hệ hôm nay có kiến thức khoa học, được trang bị lý luận vững vàng, có tâm huyết với công việc và không quên truyền thống của các bậc cha anh đi trước, chắc chắn sẽ cùng với tập thể lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương tìm ra con đường đi phù hợp để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội cho vùng đất anh hùng này, tôi tin như thế!
*
*    *
            Rời khu căn cứ Tỉnh ủy, đi bộ chừng hơn một ki lô mét nữa đến suối Đắk Tuôr. Nước suối trong vắt, nhìn rõ từng hạt cát trắng tinh nằm sâu dưới dòng nước có từng bầy cá nhỏ lưng đen, bụng trắng tung tăng bơi lội. Chúng tôi bỏ giày dép, ùa xuống suối; đang giữa trưa mùa khô mà nước mát lạnh như bỏ đá. Con đập xây bằng xi măng cao hơn một mét so với mặt nước suối nối đôi bờ làm dòng suối phình to lên, chiều ngang có lẽ rộng đến hai chục mét. Hai bên suối, các cây đại thụ nối nhau soi bóng. Nhìn lên phía thượng nguồn, có ba bậc thác không cao lắm, tạo thành ba bậc thang, nước chảy tung bọt trắng xóa làm nên một bức tranh tuyệt đẹp.
            Đang mải đắm mình với dòng suối mát, nơi trước đây cán bộ ta thường ra ngồi làm việc, tránh càn và cũng là phòng tuyến vòng trong bảo vệ hang đá Đắk Tuôr, bỗng hai anh cán bộ Kiểm lâm xuất hiện; các anh hỏi thăm đoàn và vui vẻ trao đổi với các văn nghệ sỹ đang háo hức tìm hiểu chiến khu xưa. Qua các anh – những người giữ rừng thuộc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin cho biết: hiện nay khu vực chúng ta đang đứng được bảo vệ khá tốt, nhân dân có ý thức bảo vệ rừng. Nhạc sỹ Sỹ Hùng - nguyên là bộ đội binh chủng Đặc công chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, tuổi đã hơn bảy mươi nhưng còn khỏe lắm; ông đi nhiều viết khỏe, có nhiều bài hát được giải thưởng cao trong thời gian gần đây, nghe xong gật gù bảo: “Tốt, dân chiến khu vẫn giữ vững truyền thống cách mạng đáng học tập lắm. Nhìn quang cảnh nơi đây là biết rồi”!
            Trên lưng chùng núi, tiếng một con voọc gọi bầy ngân dài vọng xuống. Nhà văn Trúc Hoài bảo: phía trên ấy là hang đá Đắk Tuôr đấy. Mọi người ngửa mặt nhìn lên triền núi chỉ thấy rừng xanh thẩm một màu huyền bí. Vui chuyện, ông Châu Phan kể lại truyền thuyết về hang đá Đắk Tuôr cho mọi người nghe: Ngày xưa, lâu lắm rồi con gái yang Trời xuống hạ giới dạo chơi, khi đi qua đây thấy một chàng trai Êđê đang tắm trên dòng suối, nảy ý trêu chọc, liền biến thành một thiếu nữ xinh đẹp tới làm quen. Không ngờ chuyện đùa hóa thật, họ gặp nhau, yêu nhau say đắm. Con gái yang mới quyết định ở lại trần thế và dùng pháp thuật xây dựng hang đá Đắk Tuôr để hai người sống với nhau. Họ quấn quít bên nhau nên quên luôn cả việc về báo cho yang Trời. Yang Trời mất con, sai người đi tìm, khi biết chuyện, nổi giận lôi đình sai quân bắt chàng trai và con gái về trời trị tội. Trước mặt yang Trời và các vị thần linh khác, con gái yang xin được từ bỏ mọi thứ trên cõi thần tiên để xuống hạ giới chung sống với người mình yêu. Yang Trời giận lắm, ra lệnh trừng phạt hai người bằng cách biến họ thành hai con rít to bằng bắp chân người lớn bỏ vào hang đá Đắk Tuôr. Có điều lạ, hai con rít to khủng khiếp ấy sống trong bóng tối thân mình phát sáng như hai ngọn đèn; chúng chỉ quanh quẩn trong hang không bao giờ ra ngoài, hình như sợ ánh sáng mặt trời. Người trong vùng nếu có trắc trở về tình duyên tìm đến trước cửa hang cầu xin, nếu thấy rít bò ra thì khi về nhà đều được như ý.
Tiếng lành đồn xa, sau này có người lạ ở dưới xuôi tìm lên thuê người trong buôn dẫn đường vào hang tìm rít. Dân buôn từ chối không ai muốn dẫn chúng đi dù được hứa trả nhiều tiền vì sợ yang phạt. Mãi sau này Y Ve, một chàng trai trong buôn lười làm, ham uống rượu, sống hơn ba chục mùa rẫy không ai bắt làm chồng; nghe lời người lạ dụ: nếu dẫn lên hang đá sẽ cho nhiều tiền để bắt vợ Joăn (người Kinh) nên nhận lời dẫn đường. Y Ve dẫn người lạ lên trước cửa hang cầu khấn, hai con rít từ trong hang bò ra như mọi lần; chỉ chờ có vậy, ba người lạ liền ập đến bắt bỏ vào gùi, lấy rổ đậy lại mang đi. Khi về đến dòng suối Đắk Tuôr, chúng bảo nhau dìm gùi xuống nước để giết chết hai con rít. Một lúc sau khi mở gùi ra, xác hai con rít tan theo dòng nước để lại hai viên ngọc màu hồng to như quả trứng gà, sáng rực rỡ. Hai đứa đứng gần nhanh tay mỗi đứa giật một viên, đứa thứ ba không có liền rút dao đâm bạn để giành ngọc. Cuộc hỗn chiến xảy ra, máu chảy đỏ cả dòng suối. Y Ve thấy ba người đâm chém nhau, sợ quá bỏ chạy về buôn gọi người lên can ngăn. Khi người trong buôn lên đến nơi thấy ba cái xác đang cố bóp cổ lẫn nhau chìm dưới làn nước, còn hai hòn ngọc biến mất. Kể từ đó hang đá không còn con rít ngọc nữa.
            Nhạc sỹ Sỹ Hùng nghe kể xong gật gù phán:
-                      Hay! Nơi có huyền thoại tuyệt vời như thế này mà chưa khai thác làm du lịch được thì tiếc quá.
Ngồi dựa vào gốc cây to đến hơn một người ôm quay mặt ngắm dòng suối, nhà văn Trúc Hoài vẫn đăm chiêu hình như đang cố hình dung lại những tháng ngày gắn bó với dòng suối, những trận đánh ác liệt ngăn quân thù tại đây năm xưa… thở dài, nói:
- Bao nhiêu năm rồi nơi đây vẫn như xưa!
Anh cán bộ Kiểm lâm đứng bên cạnh góp lời:
-Thỉnh thoảng vẫn có các cô chú lão thành cách mạng vào thăm; những ngày đẹp trời nắng ráo các bạn thanh niên nơi khác cũng kéo nhau vào đây chơi đấy ạ!
Mọi người cười ồ lên vui vẻ.

*
*     *
            Trời sang chiều, chúng tôi rời suối Đắk Tuôr trở về vì không đủ thời gian lên thăm hang đá, đành hẹn một dịp khác. Khi đi qua mảnh đất trước đây là nơi ở của cơ quan Tỉnh ủy, nhà văn Trúc Hoài không nén được xúc động thở dài. Chắc ông trăn trở về một khu di tích có giá trị lịch sử của địa phương chưa được tôn tạo, khai thác đúng mức. Giá như nơi đây chúng ta phục dựng lại toàn bộ di tích này vừa làm điểm tham quan, du lịch vừa là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau thì quý biết bao. Các đồng chí trước đây ở chiến khu này còn lại chẳng mấy người, nếu chúng ta không tranh thủ thời gian phục dựng và xin ý kiến góp ý của các vị lão thành ấy thì sẽ có lỗi với hậu thế và làm mất đi một nguồn thu lớn về “cụm công nghiệp không khói” này. Nếu khai thác tua du lịch: Khu căn cứ cách mạng Tỉnh ủy – suối Đắk Tuôr – hang đá Đắk Tuôr và tiến tới tua thám hiểm đỉnh núi Chư Yang Sin – Núi của Thần cọp từ hướng đông, chắc chắn sẽ có thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương, giúp những người dân vùng căn cứ cách mạng khi xưa có thêm thu nhập.
            Về thị trấn Krông Kma, huyện Krông Bông, tôi mang ý tưởng này trao đổi với ông Phạm Đình Tấn, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện; ông cho biết: các anh trong ban lãnh đạo cũng đã bàn về dự định quy hoạch như vậy rồi, nhưng điều quan trọng nhất là kinh phí. Huyện miền núi khó khăn của tỉnh không có nguồn kinh phí đầu tư, trông chờ tỉnh mà tỉnh cũng khó khăn nên đành phải đợi thôi! Lại bài toán nan giải kinh phí. Một khu di tích quan trọng như thế đáng để được tỉnh quan tâm đầu tư, quy hoạch, xây dựng đề án phục vụ công tác giáo dục truyền thống lịch sử kết hợp du lịch, phát triễn kinh tế. Nhà nước chưa có vốn đầu tư tại sao ta không mạnh dạn kêu gọi các doanh nghiệp góp vốn cùng khai thác...
            Tạm biệt Đắk Tuôr, tạm biệt Chư Pui vùng căn cứ cách mạng anh hùng của tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi trở về Buôn Ma Thuột trên con đường còn nhiều “ổ gà”, “ổ trâu”, gập ghềnh sỏi đá. Hai bên đường cây cối xanh tươi, nhìn xuống bãi bồi ven sông chảy song song với đường huyện lộ, bắp đang độ đâm bông xanh đến ngỡ ngàng. Xa xa từng đàn cò trắng chao lượn trên cánh đồng lúa vừa thu hoạch xong như giới thiệu một vùng quê thanh bình. Cuộc sống của người dân nơi đây đã hết đói nhưng vẫn còn nhiều hộ nghèo. Họ nghèo không phải vì thiếu đất canh tác như các nơi khác mà nghèo vì khí hậu khắc nghiệt, đất đai trên các vùng nương rẫy đã khô cằn, cần phải tìm ra một hướng đi phát triển: cây, con… cho phù hợp. Mười năm chiến tranh ác liệt tàn phá, người dân căn cứ kiên cường bám trụ nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, bảo vệ vùng giải phóng; nay đất nước hòa bình hơn bốn mươi năm, dân còn nghèo đó là lỗi của chúng ta - những người cán bộ đang gánh trọng trách hôm nay. Tôi hy vọng một ngày không xa lại được trở lại Đắk Tuôr thăm khu du lịch sinh thái, khu di tích lịch sử đã được tôn tạo và khai thác; được chứng kiến cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân khu căn cứ cách mạng vươn lên làm giàu.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI