Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 287- tác giả TRẦM THANH TUẤN




"TỤNG GIÁ HOÀN KINH SƯ"
NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT


Trong cái hào khí chói ngời của "Thời đại Đông A" đã sản sinh ra một võ tướng kiệt xuất đồng thời cũng là một thi nhân có những vần thơ "thanh thoát, nhàn nhã, sâu xa lí thú"  (Phan Huy Chú - Lịch triều hiến chương loại chí - tập IV, phần Văn tịch chí, NXB Sử học, 1961, Hà Nội).
Ở đây chúng tôi muốn nhắc đến Trần Quang Khải, một trong những vị tướng then chốt có công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông và những vần thơ thấm đẫm tinh thần yêu nước của ông. Trong những trước tác mà hậu thế còn lưu giữ có thể nói Tụng giá hoàn kinh sư là thi phẩm tiêu biểu của ông. Bài thơ này được viết nhân khi ông đi đón Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về Thăng Long sau chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử và giải phóng kinh đô năm 1285. Bài thơ, một khúc khải hoàn thể hiện hào khí của những chiến công oanh liệt và khát vọng thái bình thịnh trị của con người Đại Việt. Tất cả những điều ấy được thể hiện trong một bài ngũ ngôn tứ tuyệt cô đọng, hết sức hàm súc:
Phiên âm
Đoạt sóc Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san
Dịch nghĩa
Cướp giáo giặc ở bến Chương Dương
Bắt quân Hồ ở cửa Hàm Tử
Thái bình rồi nên dốc hết sức lực
Muôn đời vẫn có non sông này
Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy nghìn thu.
(Bản dịch của Trần Trọng Kim)
1. Hai câu thơ đầu hiện ra cấu trúc đối hoàn hảo nhằm tạo dựng tư thế chiến đấu hết sức bất khuất của quân dân đời Trần và bức tranh toàn cảnh của cuộc chiến đấu chống quân Mông Nguyên
Đoạt – Chương Dương độ
Cầm – Hàm Tử quan
Những động từ mạnh đoạt - cầm, đăng đối với nhau được đưa lên hàng đầu nhằm khắc hoạ tượng đài người anh hùng thời Trần trong thế đối đầu: cướp giáo, bắt giặc. Những hình ảnh ấy có sức cô đọng. Nó bất tử hóa, vĩnh viễn hóa những khoảnh khắc lịch sử kì vĩ của con người Việt Nam "Thời đại Đông A".
Hai địa danh gắn liền với những cuộc chiến đấu then chốt dành thắng lợi của dân tộc được đưa vào bài thơ cũng minh chứng cho cách lựa chọn hình ảnh đặc trưng của tứ tuyệt Đường luật - dĩ thụ tả lâm - lấy cây để tả rừng. Chọn hai trận thắng tiêu biểu nhất, từ đó có thể vẽ ra bức tranh toàn cảnh của cuộc kháng chiến với khí thế hào hùng của dân tộc, cái khí  hạo nhiên mạnh mẽ đã xông lên tận trời cao để át cả sao Ngưu ấy đã làm cho giặc ngoại xâm phải kinh hồn bạt vía.
Hơn thế nữa với cách tổ chức hình ảnh  như thế đã tạo ra hiệu quả nghệ thuật độc đáo, tạo sự cộng hưởng tương  tác giữa các hình tượng. Một hình ảnh cụ thể thì chỉ có thể tạo ra một lớp nghĩa cụ thể, nhưng khi hai hình ảnh này kết hợp lại chúng sẽ tạo ra một lớp nghĩa mới rộng lớn hơn. Việc thi nhân sử dụng hai động từ có cùng trường nghĩa: đoạt - cầm và hình ảnh hai trận đánh có cùng tính chất trong một kết cấu đối xứng đã tạo nên một sự khái quát cao độ, một tầng nghĩa mới vút lên thoát khỏi sự ràng buộc của câu chữ.
Trong hai câu thơ đầu, thi nhân còn tận dụng triệt để hiệu quả của phép tỉnh lược đại danh từ chủ thể.
---ü-- Đoạt sóc Chương Dương độ
---ü--Cầm Hồ Hàm Tử quan
Ai là người đoạt giáo?Ai là người bắt giặc? Quân dân đời Trần. Như vậy phép tỉnh lược ở đây đã thể hiện tính phổ quát của đối tượng. Đây là chiến công không phải là của riêng ai mà là của cả của dân tộc.
Từ tầm cao của chính nghĩa, đại nghĩa, Trần Quang Khải đã gọi quân giặc là Hồ. Đây là danh từ mà người Trung Quốc chỉ những dân tộc "phên giậu" ở phía bắc, hung hãn, man rợ, chưa được khai hóa. Như vậy từ Hồ mang nghĩa âm tính rất mạnh. Cách nghĩ, cách nhìn về đội quân mà vó ngựa xâm lăng đã trải dài từ Á sang Âu như thế đã thể hiện tầm vóc tư tưởng lớn lao của Trần Quang Khải: Sự hung hãn, tàn bạo chỉ là sức mạnh nhất thời, chỉ có tấm lòng yêu nước, kiên trinh và ý nguyện xả thân vì nước là trường tồn. Thế nên câu nói của Trần Bình Trọng, câu nói lưu danh vào thiên cổ, là minh chứng hùng hồn cho đỉnh cao chủ nghĩa  yêu nước của dân tộc.
2. Hai câu thơ cuối, thể hiện khát vọng xây dựng đất nước của quân dân thời Trần. Câu thơ thứ ba, thi nhân lại tiếp tục tạo dựng phép tỉnh lược: Thái bình --ü-- tu trí lực nhằm tăng cường sức thuyết phục cho lời kêu gọi lên tất cả đối tượng. Từ đó mở rộng tối đa các đối tượng. Như vậy việc giữ gìn thái bình ấy không phải là của riêng ai mà của tất cả mọi người dân Đại Việt. Nền thái bình chỉ có thể trường tồn trên nền tảng đoàn kết dân tộc. Cả dân tộc hết sức mình để bảo vệ thành quả của công cuộc kháng chiến thắng lợi. Đây không những lời kêu gọi mà nó còn thể hiện một tầm nhìn chiến lược: không được ngủ yên trong chiến thắng. Công cuộc định vũ công đã vất vả mà công cuộc hưng văn trị cũng không kém gian lao có như thế thì đất nước mới có thể: Vạn cổ thử giang sơn
Câu thơ cuối thể hiện khát vọng mãnh liệt của cả dân tộc, xây dựng một đất nước vững bền "vạn cổ". Có thể xem đây là tiếng nói thời đại kí thác vào thế hệ mai hậu? Và lịch sử đã chứng minh ngọn lửa ấy vẫn tiếp tục được giữ gìn và thắp sáng qua bao thế hệ người Việt Nam theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Vua Trần Thánh Tông có làm hai câu thơ tặng Trần Quang Khải:
Nhất đại công danh thiên hạ hữu
Lưỡng triều trung hiếu thế gian vô
(Công danh trọn một đời, thiên hạ còn có người như ông - Tấm lòng trung hiếu đối với hai triều vua thì thế gian không ai có).
Trần Quang Khải hoàn toàn xứng đáng với hai câu thơ ca ngợi ấy vì tấm lòng của ông đối với quê hương đất nước đặc biệt là tầm cao của tư tưởng ông. Đáng tiếc tập thơ Lạo đạo của ông không còn, tuy nhiên với số lượng ít ỏi thơ văn của ông còn lưu lại được. Đặc biệt là với bài Tụng giá hoàn kinh sư, viên ngọc sáng trong văn chương thời trung đại, thiết tưởng cũng đủ để xác lập một vị trí trong dòng thơ văn yêu nước của dân tộc.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI