Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 290 tác giả TƯ HƯƠNG

Tac giả  HỒNG CHIẾN



ÂM HƯỞNG DÂN GIAN
TRONG CHUYỆN BÀ H’BLA CỦA HỒNG CHIẾN



Là tài sản quý báu của nhân dân, văn học dân gian được xem là mạch nguồn của nền văn học mỗi dân tộc. Đó là kho tàng chất liệu, ý tưởng và cảm hứng vô tận để trên cơ sở đó, nhà văn thỏa sức sáng tạo, làm nên những tác phẩm giá trị. M. Gorki từng nói: “Nhà văn không biết đến văn học dân gian là nhà văn tồi”. Thật vậy, dù vô tình hay hữu ý, tác giả văn học viết đều ít nhiều kế thừa, học hỏi từ mạch nguồn truyền thống của văn học dân gian. Trên thực tế, không ít đỉnh cao của văn học Việt Nam và nhân loại đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn học dân gian.
Nhà văn Hồng Chiến đã tiếp thu khá nhiều từ văn học dân gian để làm giàu thêm cho thế giới nghệ thuật của mình. Truyện của Hồng Chiến mang dấu ấn của văn học dân gian khá rõ nét. Tiêu biểu cho khuynh hướng tìm về truyền thống của nhà văn là tác phẩm Chuyện bà H’Bla, một truyện ngắn ra đời gần đây, đăng trên Tạp chí Chư Yang Sin số 288.
Đọc Chuyện bà H’Bla, không khó để nhận ra những âm hưởng từ văn học dân gian trong truyện. Đặc biệt, trong tác phẩm này, không chỉ học hỏi từ truyện dân gian, nhà văn Hồng Chiến còn có những tìm tòi, sáng tạo mới. Truyện nhờ đó mang nhiều giá trị độc đáo, sâu sắc.
Trước hết, ảnh hưởng của văn học dân gian trong thể hiện ngay ở việc vào truyện của tác phẩm. Tác giả chọn công thức vào truyện hết sức quen thuộc, của truyện cổ tích. Đó là kiểu giới thiệu phiếm định về thời gian quá khứ “ngày xửa ngày xưa”. Đây là một trong những đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện của truyện dân gian. Nó xóa mờ tính cụ thể, chính xác của thời gian để dẫn dắt người đọc trở về quá khứ xa xôi, mơ hồ, nhờ đó, tạo nên không khí đậm chất cổ tích và làm tăng tính thuyết phục cho những câu chuyện kì ảo được kể trong truyện. Kế thừa từ truyện dân gian, đồng thời cố tình đẩy câu chuyện lùi sâu thêm vào quá khứ với thành phần phụ chú “lâu lắm rồi”, tác giả đã thành công trong việc vào truyện một cách tự nhiên, gây sự tò mò và gợi trí tưởng tượng cho người đọc. Thời gian của câu chuyện được đẩy lùi về rất xa, do đó đó, Chuyện bà H’Bla càng gần với chuyện cổ tích, nhân vật và sự kiện trong truyện cũng mang “chất cổ tích” đậm nét hơn. Nhờ vậy, tác phẩm có khả năng mở ra một không gian cổ tích, diễn biến câu chuyện sẽ được chờ đợi và tính hấp dẫn của tác phẩm cũng được tăng lên.
Trong Chuyện bà H’Bla, tình huống truyện là sự kiện nhân vật H’Bla phát hiện và cứu sống con khỉ bị rắn hổ mang cắn. Ở tình huống này, tác giả đã kế thừa ít nhiều từ dân gian để phát triển câu chuyện. Trong truyện dân gian, không khó để nhận ra motif “người vật tương cảm”. Trong nhiều truyện cổ tích, con người và con vật (đồ vật, cỏ cây…) có thể thấu hiểu lẫn nhau, thậm chí giao tiếp với nhau, ví như trong truyện Lấy vợ cóc, Thạch Sanh, Cây khế… Trong truyện của mình, tác giả Hồng Chiến kế thừa và phát triển từ dân gian ở việc để bà H’Bla và con khỉ thấu hiểu nhau, thông qua nhiều chi tiết như: Những lời vỗ về con khỉ của bà H’Bla với hình thức trò chuyện trực tiếp có từ xưng hô (“Xin lỗi mày nhé, khỉ không uống thế này được thì thôi vậy. Mày hết đau rồi đấy, tao phải đi đây” hay “Gì nữa đây, giờ mày chạy theo bầy được rồi, để tao còn đi hái thuốc chứ!”…), tình cảm của bà H’Bla thể hiện qua những lời nói và việc làm, biểu hiện tâm trạng của con khỉ: “Đôi mắt khỉ nhìn như van lơn, cầu khẩn. Bỗng nó kêu lên một tiếng như nấc”, “Từ đôi mắt tròn xanh xanh của con khỉ bị thương, hai dòng lệ trào ra, lăn xuống gò má, rơi xuống đám lông ngực màu xám bạc. Nó ôm cây đa mà mắt vẫn không rời H’Bla”, thậm chí đàn khỉ cũng thấu hiểu và có tâm trạng rõ nét. Trong trường hợp này, tác giả đã thay việc con vật nói chuyện với con người của truyện dân gian (có tính hoang đường) bằng những chi tiết hiện thực, hợp logic. Câu chuyện nhờ đó vừa có màu sắc cổ tích lại vừa khoa học, giàu sức hấp dẫn và có tính thuyết phục hơn.
Một chi tiết quan trọng của truyện là việc con khỉ báo ơn cứu mạng của bà H’Bla: Con khỉ hái thuốc cho bà H’Bla, đến viếng khi ân nhân qua đời. Chi tiết này chịu ảnh hưởng rõ nét từ truyện dân gian. Trong truyện cổ tích, motif “nuôi/ cứu/ giúp/ tha cho con vật thì được con vật trả ơn” xuất hiện thường xuyên, chẳng hạn như chuyện con quạ trả ơn trong truyện Cây khế, chuyện con rắn nước báo ơn trong truyện Cứu vật vật trả ân, cứu nhân nhân báo oán… Kế thừa motif này, tác giả mang đến cho tác phẩm một câu chuyện cảm động, đầy tính nhân văn. Tuy nhiên, nếu như sự báo ân trong truyện cổ tích thường mang sắc thái hoang đường (lễ vật báo ơn thường mang tính siêu nhiên) thì việc báo ân của con khỉ trong truyện của Hồng Chiến lại hiện thực hơn, phù hợp với tâm thức của người hiện đại hơn. Điều này nói lên rằng, tác giả kế thừa từ dân gian nhưng đồng thời cũng có những tìm tòi, sáng tạo, làm mới. Đây là một điều đáng ghi nhận trong việc học tập, tiếp thu vốn văn học dân gian trong sáng tạo nghệ thuật của tác giả Hồng Chiến.
Ở cuối truyện, có một chi tiết thú vị là tác giả quay ngược thời gian trở về thì hiện tại và nêu ra một hiện tượng phổ biến là “một số dân tộc ít người ở Tây Nguyên thường có tục lệ tạc tượng hình con khỉ ôm mặt, đôi chim công đứng canh trên các ngôi mộ người mới mất truyền đến ngày nay”. Không khó nhận ra ở chi tiết này motif giải thích đặc điểm của sự vật, hiện tượng trong văn học dân gian mà tác giả đã tiếp thu. Trong truyện dân gian (và sau này là trong truyện cổ tích viết lại, cổ tích hiện đại), có không ít truyện nhằm giải thích đặc điểm của loài vật, hiện tượng. Chẳng hạn, truyện Trí khôn của ta đây giải thích vì sao bộ lông con hổ có vằn và hàm trên của trâu không có răng, truyện Sự tích chim hít cô giải thích cho tiếng kêu lạ của loài chim này. Hay như nhà văn Phạm Hổ có cả một tập truyện với nhan đề Chuyện hoa chuyện quả giải thích về tên gọi, đặc tính của nhiều loài cây cối, hoa quả. Rõ ràng, trong chi tiết cuối truyện này, nhà văn Hồng Chiến đã học tập lại từ dân gian và một số nhà văn viết cho thiếu nhi đi trước. Điều độc đáo là ở chỗ, giải thích cho “tục lệ tạc tượng hình con khỉ ôm mặt, đôi chim công đứng canh trên các ngôi mộ người mới mất” của đồng bào Tây Nguyên bằng câu chuyện mang đậm màu sắc cổ tích, có lẽ Hồng Chiến là nhà văn đầu tiên.
Có thể nói, Chuyện bà H’Bla là một truyện ngắn hay của nhà văn Hồng Chiến. Truyện thành công ở nhiều phương diện trong đó, tiêu biểu nhất là việc tiếp thu, kế thừa và phát huy vốn dân gian trong việc tổ chức, xây dựng câu chuyện. Truyện khá gần gũi với truyện cổ tích, chịu ảnh hướng khá rõ nét từ truyện dân gian ở nhiều phương diện như cách vào truyện, sử dụng các motif quen thuộc của truyện dân gian. Nhưng quan trọng hơn, bằng việc học tập từ văn học dân gian, tác giả Hồng Chiến đã mang đến cho câu chuyện nhiều thông điệp nhân văn sâu sắc về tình yêu thương, lòng biết ơn. Câu chuyện vì thế để lại được nhiều điều trong lòng người đọc.

Quy Nhơn, 1.10.2016




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI