Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

CUỘC CHIẾN VỚI BẦY KHỈ truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh số: 432 ngày 15 tháng 12 năm 2016




Mặt trời chưa chịu thức dậy; phương đông, mấy đám mây bồng bềnh vương vấn trên đỉnh núi Mẹ Bồng Con giống như chiếc khăn đang lau mặt cho núi; Y Kô đã đến chân cầu thang réo inh ỏi:
-         H’Lê Na ơi, đi thôi.
-         Ăn sáng chưa mà đi sớm thế?
-         Ăn rồi. Đi sớm không lũ khỉ ra rẫy trước ta đấy.
Chiều hôm qua, ami(1) đi thăm rẫy về thông báo: bắp đã đông sữa nhưng khỉ đến trộm nhiều quá. Mai chủ nhật nhờ Y Kô đi cùng H’Lê Na lên rẫy đuổi khỉ. Được nhờ, Y Kô vui lắm xin ami nấu cơm ăn sớm để kịp lên rẫy trước lúc lũ khỉ kéo ra phá bắp. H’Lê Na khoác gùi lên vai bước xuống cầu thang, ngồi lên sau xe đạp của bạn giục:
-         Đi thôi!
-         Ngồi cẩn thận nhé.
Chiếc xe nhằm chân chư Pal lao đi. Sau nhiều khúc cua lên đồi, xuống suối cuối cùng hai đứa cũng đến bên chòi canh rẫy. H’Lê Na bước lên chòi cất gùi đựng đồ ăn trưa ami chuẩn bị cho hai đứa rồi cầm xà gạc ra rẫy. Mới hôm nào lên gieo hạt, thế mà nay bắp đã cao quá đầu người. Trên thân, cây nào cũng có từ ba đến bốn quả bắp to như bắp tay, râu bắt đầu cong lại nhìn đã con mắt lắm. Hai đứa đi đến phía rẫy giáp rừng nơi triềng núi thì giật mình đứng khựng lại, không thể tin ở mắt: một vạt bắp bị khỉ bẻ quả vứt la liệt trên mặt đất; có quả bị gặm gần hết, có quả gặm nham nhở, có quả chúng chỉ ăn một nửa, nhìn tiếc quá.
 Y Kô dậm chân, tím mặt bảo:
-         Phải tìm cách dọa cho chúng sợ không dám xuống rẫy mới được.
-         Có cách gì chưa?
-         Ta lấy cỏ gianh cột lại làm hình nộm như người để trong đám bắp giả làm người núp cho chúng sợ.
-         Làm đi.
Hai đứa cắt cỏ khô, bứt dây rừng cột lại làm được hai hình nộm, đem đặt trong đám bắp bị khỉ ăn trộm hôm qua. Y Kô lấy mũ của hai đứa đội cho hai hình nộm, trông xa giống như hai người thật đang ngồi làm cỏ trong vườn bắp.
-         Giờ thì yên tâm về chòi ngồi đợi xem lũ khỉ khóc.
Y Kô ra vẻ đắc ý với sáng kiến của mình, trở về chòi canh. Chòi canh rẫy chiều ngang ba sải, chiều dài bốn sải tay, cao hơn mặt đất hơn một sải tay. Đứng trên chòi có thể nhìn thấy toàn bộ đám rẫy. Nghe aduôn(2) kể: ngày xưa bên cạnh nhà canh rẫy thường có kho đựng lương thực. Mùa thu hoạch được bao nhiêu cất luôn vào kho, khi nào cần ăn lên gùi mang về, ăn hết lại lên lấy chứ không như bây giờ thu hoạch đến đâu phải mang hết về nhà đến đấy. H’Lê Na thắc mắc: để trên rẫy không sợ người khác lấy mất à? Ngày xưa không ai lấy của ai đâu, bếp nào không đủ thì đến mượn khi nào có thì trả; mọi người sống hòa thuận lắm, aduôn buồn buồn trả lời.
*
*    *
Y Kô bất ngờ kêu lên:
-         Lũ khỉ đến kìa!
-         Đâu?
-         Trên ngọn cây đa bìa rẫy ấy, chắc con đó là con đầu đàn đấy.
Chót vót trên ngọn cây đa, một con khỉ đã ngồi đó từ lúc nào, mặt như được sơn đỏ đang cúi xuống quan sát đám bắp có hình nộm. Trong đám lá phía dưới, cây cối rung tít như có đám trẻ nô đùa, thỉnh thoảng lại có con khỉ nhảy từ cành cao xuống đám lá thấp, phơi cái lưng màu xám thoáng qua. Một lúc sau đám cây trở lại lặng ngắt, chỉ còn con khỉ ngồi trên ngọn cây. Y Kô đắc ý bảo:
-         Đàn khỉ sợ nên bỏ đi hết rồi, giờ thì yên tâm ngồi nghỉ.
-         Nhưng sao vẫn còn con kia ngồi?
-         Ừ, cũng lạ nhỉ. Ta lại xem sao.
Hai đứa vội xuống cầu thang chạy lại, con khỉ ngồi trên ngọn cây bất chợt kêu lên: khẹc, khẹc, khẹc… rồi lao mình vào đám lá rậm phía dưới biến mất. Y Kô nhanh chân chạy trước đến gần chỗ đặt hình nộm thấy bầy khỉ đang từ trong rẫy chạy vào rừng, trên tay con cầm một quả, có con hai tay hai quả vội vã ôm cây leo lên. H’Lê Na chạy đến sau kêu lên cuống quýt:
-          N… ó, n… ó ăn trộm mũ kìa!
Y Kô nhìn thấy một con khỉ chắc phải nặng đến trên chục ký, hai tay cầm hai bên vành mũ; trong mũ đựng ba quả bắp liền thét lên:
-         Huầy, huầy, huầy.
Rồi vơ vội hòn đá ném, con khỉ sợ quá thả luôn cái mũ xuống đất, chạy biến vào đám cây rậm. Cánh rừng trở lại im lặng, H’Lê Na lội vào trong rẫy thấy hàng chục cây bắp vừa bị khỉ vặt quả, tức quá bảo Y Kô:
-         Sáng kiến hay quá nhỉ!
-         Tai, tại… lũ khí khôn quá mà.
-         Làm sao bây giờ?
-         Đành ngồi đây canh thôi.
-         Ô, nó lại lên ngọn cây đằng kia rồi kìa.
H’Lê Na chỉ tay về phía cây sung gần lều canh rẫy, trên ngọn cây con khỉ đầu đàn đã ngồi vắt vẻo trên đó từ lúc nào rồi, hình như đang quan sát hai đứa. Y Kô chạy vội lại, con khỉ kêu lên: khẹc, khẹc… nhưng vẫn ngồi ngó xuống chứ không thèm chạy, tay nó còn gãi gãi vào bụng như thách thức. Dưới đất, bầy khỉ khoảng hơn hai chục con cuống quýt từ bìa rẫy chạy trốn vào bụi rậm, chưa kịp bẻ bắp. Bực mình, Y Kô lấy ná cao su nhằm con ngồi trên ngọn cây sung bắn một phát; viên đá bay vút qua đầu con khỉ làm nó hoảng quá buông mình rơi xuống cành cây bên dưới. H’Lê Na chạy lại thấy viên sỏi không trúng khỉ liền vỗ tay reo lên:
-         Giỏi quá, giỏi quá, trúng lá cây rồi.
-         Phải bắn cho nó sợ, chứ bắn trúng có chết được đâu. Giờ có cho kẹo lũ khỉ cũng không dám trêu ta nữa.
-         Nó sợ à? Nhìn đằng kia kìa.
Theo tay H’Lê Na chỉ, trên ngọn cây đa lúc nãy, chỗ lũ khí xuống trộm bắp lại còn lấy cả mũ của hình nộm để đựng; con khỉ đầu đàn vừa leo lên ngồi, im như pho tượng nhà mồ. Y Kô dậm chân xuống đất than:
-         Làm sao bây giờ?
-         A, có cách trị lũ khỉ rồi. Lần này thì chúng sẽ bị trừng trị đích đáng.
-         Chắc không?
-         Chắc! Y Kô lên chòi ngồi không được chạy đi đâu nhé, cứ để lũ khỉ muốn làm gì thì làm.
-         Tại sao lại thế?
-         Tý nữa rồi biết!
Nói xong, H’Lê Na đi lại chỗ con khỉ đầu đàn đang ngồi, miệng hét vang rừng: Huầy, huầy, huầy…
*
*   *
Khu rừng quanh rẫy trở lại yên lặng, bầy khỉ chắc đã bỏ đi vậy mà vẫn không thấy H’Lê Na trở lại chòi canh rẫy, Y Kô thấy thắc mắc quá. Không biết hắn còn nghĩ ra trò gì đây? Thôi kệ, khi nãy hắn đã dặn mình ngồi canh tại đây thì cứ ở đây không tý nữa lỡ lũ khi đến lại bị la.
Mặt trời leo lên gần đứng đỉnh đầu, bụng thấy đói rồi mà vẫn không thấy H’Lê Na đâu. Ở lớp học H’Lê Na được cô giáo giao làm lớp trưởng, làm việc gì hắn cũng cắt đặt công việc cho mọi người rõ ràng, rành mạch và gương mẫu làm trước nên hay được cô khen. Bạn bè trong lớp ai cũng mến hắn vì tính ngay thẳng, không giận lâu và hay  trêu đùa mọi người làm nổ ra những trận cười vui vẻ. Còn hôm nay… Ô, lạ chưa, con khỉ đầu đàn lại leo lên ngọn cây đa ngồi như đang suy tư điều gì. Đám lá phía dưới rung lên dữ dội như tố cáo bầy khỉ đang chuẩn bị tấn công đám bắp, vậy mà H’Lê Na vẫn bặt tăm. Sao vậy nhỉ, mình phải chạy lại đuổi khỉ không chúng xuống bẻ hết bắp mất. Y Kô nghĩ vậy và định chạy lại xua bầy khỉ, nhưng chợt nhớ lời H’Lê Na dặn lúc nãy nên đành đứng im, ức quá. Chắc lũ khỉ đã vào rẫy, con đầu đàn trên ngọn cây vẫn ngồi quay mặt nhìn Y Kô chăm chú để sẵn sàng báo động cho đồng bọn dưới đất. Y Kô sốt ruột quá tự nhủ:  Hay H’Lê Na chui đâu ngủ rồi cũng nên, mình không lại đuổi thì mất hết bắp; phải chạy lại đuổi khỉ thôi.
Bổng tiếng lũ khỉ ở trong đám bắp kêu thét lên đau đớn, con đầu đàn chổng mông lên trời, chúi đầu xuống nhìn đám khỉ dưới đất, rồi bất ngờ gào lên một tiếng kinh hãi: H… oc! Nhún mình bay từ ngọn cây đa xuống ngọn cây thấp như bị ma đuổi. Y Kô ngạc nhiên quá không hiểu điều gì xãy ra với lũ khỉ, đứng ngây ra nhìn. Tiếng lũ khỉ trong đám bắp kêu khóc vang rân khắp cánh rừng, nhỏ dần rồi tắt hẳn về phía chân núi cao.
-         Lại ăn trưa thôi.
Y Kô giật mình quay lại thấy H’Lê Na đứng sau lưng từ lúc nào, miệng tủm tỉm cười, trên đầu còn vương đầy mấy chiếc lá xanh.
-          Sao mà lũ khỉ kêu khóc như bị Yang(5) phạt vậy?
- A, phải rồi, khi nãy bực cây đa quá định vác dao lại cặt cây để lũ khỉ không còn chỗ đứng nấp tìm đường xuống phá bắp. Yang trong gốc cây đa sợ quá hiện ra xin tha và truyền cho phép thuật, chỉ cần niệm thần chú thế là Yang hiện về đuổi lũ khỉ. Từ nay không còn phải lo đuổi khỉ ở đây nữa đâu. Đi ăn trưa thôi.
*
*  *
Y Kô nhen lửa, bỏ mấy cây củi to như cổ chân vào đốt, một thoáng sau lửa cháy bùng lên, tiếng reo tách tách nghe vui vui. Xa xa, phía bìa suối tiếng gà rừng cất lên dõng dạc rồi như được hiệu lệnh, những con gà khác ở xung quanh rẫy cũng thi nhau cất tiếng hòa theo. H’Lê Na bẻ bốn quả bắp, lột sạch vỏ để lộ ra những hạt bắp đều tăm tắp, màu trắng ngà, ken dày từ cuống đến tận cuối quả; xếp quanh bếp rồi bảo:
-         Ăn cơm hay chờ bắp chín ăn luôn?
-         Để bắp chín ăn luôn cho ngon miệng.
-         Khi nãy làm sao mà khỉ nó khóc thế?
-         A, không hỏi thì quên mất một việc quan trọng phải làm. Đợi chút nhé!
Nói dứt lời, H’Lê Na theo cầu thang xuống đất đi lại đám rẫy phía gốc cây đa. Y Kô nhìn theo bật cười vì cái dáng đi lúc nào cũng khoan thai, không vội vã của người bạn học cùng lớp. Một lát sau H’Lê Na quay lại, cầm một xâu sóc, con nào cũng to như cổ tay người lớn, hớn hở reo lên từ xa:
-         Có thịt rồi đây!
-         Ô, sao bắt nhiều sóc thế?
-                     Lúc nãy Yang đến phạt khỉ, mấy con sóc đang ăn trên cây đa bị phạt nhầm nên lăn ra chết, không mang về ăn để nó phí đi à.
-         Sao lại thế nhỉ, làm gì có Yang xuống đây?
-         Thế mới tài chứ. Bắp chín rồi, bỏ ra để lấy chỗ làm thịt sóc.
H’Lê Na cầm từng con sóc hơ lên ngọn lửa cho cháy hết lông rồi dùng que gạt lớp lông cháy để lộ ra mảnh da sóc vàng ươm, thân tròn quay, trông đã con mắt lắm. Y Kô nhìn H’Lê Na tay cầm sóc, tay cầm que gạt đám lông vừa cháy cứ như diễn viên múa, bụng thầm khen: giỏi. Thui sóc xong hai đứa mang xuống suối, chặt bỏ chân, mổ bụng, rửa sạch; lấy que xiên qua hai con gác lên bếp. Tiếng mỡ rơi trên than hồng xèo xèo, tỏa ra mùi thơm ngào ngạt. H’Lê Na trải lá chuối rừng xuống nền chòi đặt: bắp, cơm, cá khô, và hai con sóc vừa nướng chín. H’Lê Na vui vẻ, xé một cái đùi sau con sóc đưa cho Y Kô:
-         Hôm nay có tiệc lớn rồi, ăn đi.
-         Không ăn!
-         Ơ, Sao vậy?
-                     Không nói vì sao lũ khỉ khóc bỏ chạy về rừng mà sóc lại chết dù không bị bắn thì đây không ăn đâu.
-                     À ra thế. Thôi vừa ăn vừa kể cho nghe được không? Cầm lấy. Còn nhớ hôm lên cúng Yang xin được dọn rẫy ta thấy cái gì nơi bìa rẫy, góc rừng kia không?
-         A, tổ ong đất.
-                     Đúng rồi, H’Lê Na lấy dây buộc vào dây chạc chìu bò sát miệng tổ ong, dòng dây ra xa, núp vào trong bụi cây nằm đợi. Lũ khỉ nhìn thấy Y Kô ở trên chòi nên yên tâm kéo nhau bò vào rẫy, leo lên cây bẻ bắp; lúc ấy mình mới giật dây. Dây chạc chìu đập vào miệng hang, lũ ong tưởng có người phá tổ kéo nhau bay ra, thế là lũ khỉ lãnh đủ. Chúng không khóc mới lạ chứ.
-         Giỏi quá, nhưng sao lũ sóc lại chết?
-                     Có gì đâu - H’Lê Na mỉm cười giải thích - khỉ bị ong đốt vội chạy lại leo lên cây đa; bầy ong đuổi theo gặp sóc trên cây đa thì…  xơi luôn. Một con sóc bị hai con ong đất đốt coi như… tiêu. Hôm nay trên cây đa chỉ có 7 con sóc, chứ nhiều hơn thì chắc ta gùi không hết. Lũ khỉ chắc chết khiếp rồi, từ nay không dám kéo đến đây nữa đâu. Ăn đi, cố ăn cho hết nhé.
-                     Nhiều thế ăn sao hết?
Y Kô thoáng đỏ mặt nhớ lại sáng kiến “hình nộm” của mình sáng nay thất bại trước lũ khỉ, còn bị chúng trêu chọc, suýt mất cả mũ. H’Lê Na hình như không để ý vẫn vô tư mời:
-                     Hôm nay ta liên hoan mà, cố lên, cố lên!

Mùa thu năm 2016
Chú tích:
1.     Ama: ba – tiếng Ê đê;
2.     Ami: mẹ - tiếng Ê đê;
3.     Chư: núi – tiếng Ê đê;
4.     Aduôn: bà – tiếng Ê đê.

5.     Yang: thần linh – tiếng Ê đê;

1 nhận xét:

  1. Hay quá! ủng hộ Bác, người cùng quê. Lâu lắm mới được đọc cái gì đó về cái tự nhiên của núi rừng Tây nguyên. Em chỉ là thường dân, hiếm khi được vào rừng... Em không như bác, còn biết nơi mà gặp khỉ, rừng mà em đến chỉ toàn mùi khói, những con đường sâu hoắm,... tinh cảnh cứ như ở đó đang được giải tỏa mặt bằng để tái định cư vậy...

    Chúc bác luôn dồi dào sức khỏe, vui vẻ và khang an.

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI