Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 290 - tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO





HỒNG NHUNG KHÔNG CÒN GAI NHỌN

Truyện ngắn


 
Cổ chân đeo chì, cổ tay đeo sắt, nên nàng không chạy nổi, nàng nhọc nhằn đếm từng bước một. Nhưng nàng phải chạy, dưới chân nàng là gai nhọn, hai bàn chân tứa máu, nàng cũng phải chạy. Bởi không xa nữa đâu, mười bước chân nữa, hay hai mươi bước chân cũng được, ở đó, có một thảm hoa hồng nhung, mềm mịn và thơm ngát. Nàng sẽ nằm trên đó, hít thở mùi hương dịu dàng quyến rũ của nó, những giọt sương còn đọng trên thảm hoa sẽ chữa lành những vết thương cho nàng, cho bàn chân bị gai đâm nát, cho bàn tay thô ráp nhọc nhằn. Nàng tin tưởng thế, nên nàng chạy, những chiếc gai dưới chân đau lên tận đỉnh đầu, nàng vẫn chạy, không sao đâu, chỉ cần rời khỏi nơi này, tất cả sẽ được chữa lành.
***
Mồ hôi ướt áo, ướt cả tóc, nàng bật ngồi dậy. Bàng hoàng nhớ ra mình đã mơ, cái giấc mơ đau đớn đó lặp đi lặp lại. Nhiều lần lắm, nàng tự hỏi giấc mơ ấy có nghĩa là gì, nó muốn nói điều gì với nàng, tại sao nó cứ đến với nàng vào giấc ngủ, như ngủ với thức là hai thế giới mà nàng chỉ bước qua bước lại. Nàng rơi vào hoang mang.
Nàng ba mươi lăm tuổi, có việc ổn định, có chồng thành đạt, có con ngoan ngoãn. Nàng là ước mơ của nhiều cô gái khác. Chồng nàng bốn mươi tuổi, cũng là ước mơ của nhiều cô gái khác. Gia đình nàng bước đến đâu, nàng có cảm giác như hào quang sáng rực đến đấy, nàng nhìn thấy qua những ánh mắt ghen tỵ xung quanh. Bố mẹ nàng tự hào lắm, hạnh phúc lắm.
Nàng mặc đẹp, nàng trang điểm đẹp, nhưng không che được đôi mắt buồn, đôi mắt không có những giấc ngủ ngon, không che được đôi bàn tay thô ráp, đôi bàn tay không được chiều chuộng yêu thương. Không sao cả, không ai nhận ra điều đó đâu, nàng vẫn là trung tâm khiến người khác ghen tỵ, ngưỡng mộ, trầm trồ thán phục khi bước ra khỏi nhà, thế là đủ rồi.
***
Nàng lại chạy, chưa khi nào nàng thôi chạy, như có ai đuổi theo sau lưng, chỉ cần nàng dừng lại, tất cả sẽ quay trở về mốc cũ, có khi còn tồi tệ hơn, nên nàng phải cố gắng chạy. Thảm hoa hồng nhung đang ở trước mặt nàng kia rồi, còn gần lắm, bao nhiêu bước chân nữa, chắc nàng đếm được, bao nhiêu gai nhọn sẽ đâm vào bàn chân nàng nữa, nàng cũng đếm được, bao nhiêu máu rỉ ra từ trái tim nàng, nàng cũng có thể đo lường được. Ừ, mọi thứ đang ở trước mắt nàng, đang ở trong tầm tay nàng. Thế là nàng chạy. Năm bước, bốn bước... thảm hồng nhung tuyệt đẹp đang trước mặt nàng. Nàng bật khóc, nàng sắp chạm nó rồi, nước mắt nàng rơi xuống vui mừng, rớt xuống ngón chân cái, ngón chân cái biến mất theo một luồng ánh sáng xẹt ngang. Nàng giật mình, khựng lại. Không được, không được khóc. Ta không thể vô hình theo cách này. Thế rồi nàng cười, nàng cười lớn lắm, vì nàng hạnh phúc mà. Tiếng cười của nàng làm tấm thảm hoa hồng chuyển động, đổ nghiêng, từng cánh hoa thơm tho rơi xuống. Nàng nín bặt. Không được, khi nào chưa chạm tới thảm hoa, nàng không được phép khóc, không được phép cười. Nàng phải làm gì với niềm vui của mình đây?
***
Nàng mang theo câu hỏi từ trong giấc mơ ra khỏi nhà để đến cơ quan, rồi chợt thấy hình như giấc mơ trả lời cho nàng câu hỏi ở cuộc sống thực. Nàng câm lặng làm tròn nhiệm vụ của mình mà không dám hé môi nói với bất cứ một ai, không dám phản kháng. Đơn giản thôi, nàng sợ đánh mất hình ảnh người mẹ chịu thương chịu khó trong mắt con, đánh mất hình ảnh người phụ nữ thành đạt hạnh phúc trong mắt người thân và những người xung quanh. Cũng có lúc nàng biết, đời mình chỉ sống một lần, muốn bứt phá, muốn nổi loạn lên thử một lần, rồi không chịu được ánh mắt thảng thốt của con, không chịu nổi nước mắt của mẹ, nàng lại trở về là nàng.
Ai đã gắn nhầm đôi bàn tay thô ráp kia lên cơ thể xinh đẹp đài các của nàng? Thôi không sao đâu, chẳng ai đủ quan tâm để nhìn thấy đâu. Nàng nhủ thế rồi ôm ấp vỗ về giấc mơ của mình, an phận với hiện tại của mình.
Nhưng nàng đâu biết, có một người cứ nhìn thấy bàn tay ấy đã thở dài. Tiếng thở dài dấu nhẹm trong những ly trà xanh, trong bia rượu, trong những bông đùa. Tiếng thở dài dấu trong lòng gỗ đá, dấu trong những giấc mơ ngọt ngào đâu đó không thể gọi tên. Nàng chẳng biết gì hết. Nàng cứ an phận mà vui.
***
Những cành hồng đầy gai vẫn nằm ngổn ngang dưới lối nàng vẫn chạy, gai nhọn vẫn đâm thấu tận đỉnh đầu, máu ở tim chảy ra ướt đẫm. Qua mỗi bước chân, nàng cảm giác gai trên những cành hồng vươn ra dài hơn, nhọn hơn, ghim vào bàn chân nàng sâu hơn. Nhưng nếu nàng không bước qua, nàng sẽ không tìm thấy thảm hoa hồng. Hạnh phúc nào mà chẳng đi qua đau thương, phải không?
***
Điện thoại, máy tính của nàng bể nát, nằm tứ tung trên sàn nhà nàng đã cố lau đến soi cả mặt người đêm qua. Này thì bạn bè, này thì văn chương, này thì chữ nghĩa! Phù phiếm, phù phiếm đến bao giờ? Nàng ngồi nhìn những vỡ vụn dưới sàn nhà, nó sụp dần và tan biến thành tro tàn nguội ngắt trong lòng nàng. Nàng chẳng còn màng tới đôi mắt giận dữ vô lý kia đang lia về phía nào. Nàng cứ ngồi như thế và nhìn. Đâu đó trước mắt nàng là nước mắt của mẹ, đâu đó là nước mắt của con gái, đâu đó là những cơn ho dài và ánh mắt tột cùng đau khổ của cha... chúng xoay mòng mòng trước mắt nàng, nàng ngã xuống.
***
Nàng chạm tay vào cánh hoa đầu tiên trên thảm hoa hồng nhung mà nàng đã đổ bao nhiêu máu, chịu bao nhiêu đớn đau để chạy đến. Nhưng nàng sợ, không dám khóc, cũng không dám cười. Cả trong mơ của nàng, chuyện khóc hay cười cũng khiến nàng sợ hãi. Nàng nín thở, nàng muốn chạm cả hai bàn tay lên tấm thảm đó, không chỉ hai bàn tay, nàng còn muốn đặt hai bàn chân lên, muốn đặt cả cơ thể mình nằm lên đó, êm ái, mát rượi, thơm nồng. Khi nàng đặt bàn tay thứ hai lên thảm hoa hồng, nàng nghe có tiếng gọi “mẹ ơi, con ơi, mẹ ơi!”, những tiếng gọi lớn dần và chát chúa trong đầu nàng, buộc nàng phải quay phắt lại.
***
Chỉ có con gái nàng đứng đó, đôi mắt đã sưng húp vì tưởng nàng không thể thức dậy. Chồng nàng, ngồi nhìn nàng lo lắng từ góc phòng của bệnh viện. Căn phòng lạnh tanh, lòng nàng cũng lạnh tanh. Tình yêu là thứ xa xỉ nhất mà nàng có thể nghĩ đến cho cuộc đời nàng. Đàn bà, hi sinh, cam chịu, thậm chí sống nhu nhược sợ hãi để người đàn ông đáng lẽ phải yêu thương nâng niu mình, trở thành người vùi dập đời mình xuống tận bùn đen. Vậy rồi không dám bước ra khỏi đó, sợ hãi những thứ viễn vông. Con gái nàng nắm chặt lấy bàn tay nàng, hỏi:
- Mẹ thức dậy rồi, con sẽ đưa mẹ đi chơi!
- Sao lại đi chơi?
- Con biết một nơi đầy hoa hồng mà mẹ thích!
Nàng suýt bật ngồi dậy, ở đâu có hoa hồng mà con gái nàng có thể tìm ra? Ở góc phòng, chồng nàng cũng ngẩng đầu lên nhìn. Nàng nhớ đến giấc mơ lặp đi lặp lại suốt những tháng năm qua. Chỉ là một khát khao tìm thấy một chổ nằm yên ấm, đầy hương thơm. Con gái nàng cạ đôi má còn thơm sữa vào má nàng, nàng nhận ra mùi hương này sao giống mùi hương của thảm hoa hồng nhung mà nàng vừa chạm tay đến. 
***
Nàng bước đến, bước cả hai chân lên tấm thảm hoa, những vết thương dưới bàn chân nàng nhanh chóng liền lại, ngón chân cái bị mất đi cũng lập tức trở về nơi vốn là của nó. Tim nàng đập rất nhanh, nàng thấy trong người hừng hực nóng, như bao nhiêu máu đã mất đi, giờ cũng trở về. Quanh tấm thảm nàng vừa đặt lưng xuống, những cành hoa hồng mọc lên, đỏ rực. Những thân hoa hồng không còn gai nhọn, chỉ một màu xanh của lá và cây. Nàng nhắm mắt, môi nở một nụ cười. Tấm thảm hoa nâng nàng lên, nâng lên từng chút một, từng chút một, nhẹ nhàng.
Dưới tấm thảm hoa, có một người ngồi miệt mài cắt hết gai nhọn trên thân hoa hồng, bàn tay rướm máu với niềm tin mãnh liệt, đôi bàn tay thô ráp kia sẽ mịn màng như bàn tay tiểu thư đài các. Đôi bàn tay đó, chỉ cần pha cho chàng ly trà xanh buổi sáng, ly trà sực nức mùi hoa hồng không còn gai nhọn.


Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 290 - tác giả PHẠM THỊ THUÝ QUỲNH





HÀI ĐỒNG
Truyện ngắn


Mùa đông năm nay dường lạnh lẽo và ảm đạm hơn thường lệ. Nàng  bước ra từ phòng khám sản của bệnh viện đa khoa, chậm chạp lê gót. Hành lang hun hút ngập ngụa mùi thuốc sát trùng và cả mùi máu đến từ những bà mẹ khác. Đi lướt ngang qua Nàng là một cô gái trẻ với cái bụng nhô cao, dựa vào kích thước đó, Nàng có thể đoán được cái thai mới độ năm tháng tuổi. Bất giác đưa tay xoa xoa bụng mình, Nàng tưởng như đứa con đang cựa quậy. Sao nhỉ, hẳn nó sẽ là một đứa bé hết sức biết điều, bởi từ khi có mang tới giờ, nó chưa từng gây ra cơn nghén hay cơn choáng váng nào cả.
“Dị tật bẩm sinh.”
“Cô bị bệnh tim, không thể giữ đứa con này.”
“Nếu như gắng gượng thì ngay cô cũng chỉ duy trì được vài năm nữa thôi, nó cũng không hoàn thiện, đừng làm khổ nó.”
Lời nói của vị bác sĩ chuyên sản với cặp kính dày cộp dán chặt vào gốc mũi cứ thế ong lên trong đầu. Nghiệp chướng. Nàng từng nghe nói rằng không nên đặt tên con cái của mình từ trước bởi vì khi đó cái tên ấy sẽ bị chép lại trong sổ sinh tử, thần chết sẽ để ý tới nó, theo sát và có thể cướp đi nó bất kỳ lúc nào. Vậy là do lỗi của Nàng, do lỗi của Nàng…
Mùa đông, lòng Nàng lạnh buốt, lập tức đay nghiến ông trời vì đã không để trận tuyết đổ xuống nơi đây một lần. Duy cái lạnh tuyệt đối của thân xác mới có thể cân bằng được với cái lạnh trong lòng Nàng lúc này.
Bệnh viện vắng, tiếng mèo hoang loang giữa đêm trường. Ai nấy đều đã ngủ say, chỉ có những người đang nằm trên bàn sinh là vẫn chong chong với cơn đau đớn. Nàng ngồi xuống băng ghế chờ, thầm hỏi đứa con trong bụng rằng liệu mùi thuốc có nồng quá không? Ánh điện kia có chói mắt quá không? Con có đói không, có lạnh không? Nàng chỉnh lại khăn quàng cổ, nhận ra rằng suốt cả ngày nay mình chưa ăn gì cả.
Bỏ bê con cái là một tội ác.
Giọng của nữ điều dưỡng vang lên đanh nghiệt:
- Dạng rộng chân ra! Kêu gì mà kêu!
Nàng có thể tưởng tượng ra hình ảnh khuất nhục của người phụ nữ đương chờ cho đứa con ra đời, cũng tưởng tượng ta khuôn mặt của nữ điều dưỡng đương dùng hai ngón tay thăm dò độ mở của tử cung. Bà ta đã làm việc ở phòng sinh nở hơn mười năm, chứng kiến biết bao sự khởi đầu và kết thúc của sinh mệnh, phải ngửi mùi máu, mùi mồ hôi, mùi sữa non, mùi phân, mùi nước tiểu, tất thảy khiến bản thân trở nên chai sạn, không còn nhớ tới cảm giác đớn đau nữa.
- Câm ngay cái mồm vào, nằm lùi xuống đây!
Nàng đương mải gật gà trên ghế, bất giác giật mình vì chất giọng chua thé vọng ra và tiếng la hét cứ thế rít vang tựa tiếng kêu ma quái. Bản năng bảo vệ dâng lên, Nàng lập tức trấn an đứa bé trong bụng bằng cái vỗ về khẽ khàng.
Trong phòng sinh, một tiếng thét rất lớn dội ra, đập vào vách tường và tản khắp không gian. Nàng thấy chồng của người phụ nữ trong ấy đương lập cập lau mồ hôi và đi đi lại lại. Trên cao, ánh đèn chói loà cứ thế hắt xuống, đổ lên những bóng người mải lo lắng cho hai sinh mệnh đang nằm trong kia, những chiếc bóng run rẩy ma quái hút hồn Nàng. Thêm một tiếng trẻ con ngằn ngặt vọng ra, chào đời rồi, chào đời rồi. Nàng run rẩy, hạnh phúc chan lên mi mắt như thể chính thân được sinh đứa con này. Người nhà bệnh nhân chạy xộc vào khi nghe tiếng gọi:
- Người nhà bệnh nhân đâu? Mang tã vào xem nào.
Mẹ của người phụ nữ mới thăng chức nọ vội vàng “vâng, dạ” hai tiếng rồi tất tả mang hết mọi thứ đã chuẩn bị sẵn vào với con và cháu. Nàng chăm chắm nom lối đi dẫn vào buồng sinh nở, ước mình có thể vào đó một lần. Nhưng ngày mai, khi trời sáng, Nàng  sẽ phải nói lời từ biệt với đứa con này, sẽ phải dứt nó ra khỏi cơ thể mình.
Bỗng bước chân ai vang tiếng, Nàng ngoảnh ra và trông thấy một người bước ra từ phòng bệnh số 2 thì không khỏi đừng được mà cất lời hỏi:
- Bé nhà chị được mấy ngày rồi?
Cơ hồ lúng túng vì sự đường đột của mình, Nàng ngập ngừng đưa tay lên vuốt tóc một cách vụng về. Bà mẹ ấy vừa nựng con, vừa mỉm cười ngồi xuống cạnh bên để Nàng có thể nhìn thấy khuôn mặt bụ bẫm và cái môi chúm chím hồng của đứa bé, đáp:
- Em vào đây được hai tuần rồi. Sinh mổ nên phải ở lại theo dõi, nay mới thoải mái đi lại được.
Nàng nhoẻn miệng cười, thẽ thọt vén miếng tã ra để nhìn mặt đứa bé cho rõ:
- Bé nhà chị là trai hay gái?
- Con gái chị ạ - Bà mẹ cười buồn, khẽ giọng trả lời.
Sự nhạy cảm trời sinh khiến Nàng ngay lập tức hiểu ra vấn đề, bèn an uỷ:
- Mẹ chồng chị bảo sao?
- Bà ấy chỉ nhìn cháu một cái rồi đi, thuê người tới chăm em…
Nàng thở dài, không biết nói sao đành im lặng. Bà mẹ lại hỏi:
- Sao chị không nghỉ đi, mai rồi tới, giờ này bên xét nghiệm lần lữa lắm.
- Không - Nàng lại cười, nụ cười mệt mỏi cùng cực - Tôi có bệnh, con không phát triển bình thường, phải bỏ.
Bà mẹ sững mình, ái ngại bảo:
- Em xin lỗi.
- Không sao.
- Anh nhà chị chắc bận lắm nhỉ?
Thăm dò. Nàng hiểu rõ ý tứ trong câu nói ấy, người ta có nhu cầu tìm những người giống mình. Nàng trả lời:
- Anh nhà tôi mất rồi. Trong đợt bão, anh ấy phải vào miền Trung làm phóng sự. Bị nước cuốn. Không về được.
Nàng nói từng câu đứt đoạn, câu nào câu nấy đều nghẹn lại ở lưng chừng cổ họng dường như không thể thoát ra được. Không thoát ra được… Nàng là một nhà báo trẻ, chồng nàng là đồng nghiệp, họ yêu nhau, thế là đủ, đứa con là kết tinh của tình yêu hai người. Song nó không có phúc được làm người. Bọn họ đã vượt qua nhiều trở ngại, đánh bại mọi sóng gió trên đời để có thể tới được với nhau, vậy mà vẫn không thắng nổi mệnh trời. Mệnh trời luôn là một thứ gì đó vô cùng cay nghiệt.
Thấy Nàng trầm ngâm, bà mẹ cũng không dám nói gì nữa, cô sắp phải ra viện, quả vậy: “phải ra”, cô không muốn trở về căn nhà đó, không muốn nhìn những khuôn mặt ác độc đó, đứa con gái đầu lòng đã bị cắt lìa khỏi cô khi còn là một cục thịt đỏ hỏn mới ba tháng tuổi, tới đứa thứ hai này, cô phải nhờ bác sỹ siêu âm cho mình giúp đỡ thì mới thu lại được một khoảng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi tới từ gia đình nhà chồng.
Tiếng chim lợn kêu.
Hai người im lặng, đôi lúc tiếng trẻ khóc lại ngằn ngặt vọng ra khiến lòng Nàng và Bà mẹ hoang hoải cùng cực. Cuộc sống này sao mà mệt mỏi đến vậy? Cố gắng để sống sao lại mệt mỏi đến vậy?
***
Bóng tối dấp dính hút chặt lấy Nàng, trên chiếc xe đẩy chứa đầy các dụng cụ vô trùng để làm tiểu phẫu, ngăn dưới có một ấm nhôm chứa nước đun sôi, một lọ đựng chỉ khâu nom như xác của lũ tấc sống trong mũi động vật ngâm trong một loại dung dịch nào đó mà Nàng không hề biết. Đầu Nàng đau buốt, trong đó phát ra từng tràng từng tràng âm thanh méo mó tựa tiếng khóc của trẻ con mà cũng dường không phải.
“Bình tĩnh nào con yêu” - Nàng thầm vỗ về đứa bé trong bụng mình, chỉ trong giây lát nữa thôi, họ sẽ phải rời xa nhau, Nàng cần tranh thủ nói chuyện với nó nhiều hơn trong lúc nữ điều dưỡng nọ chuẩn bị dụng cụ.
“Đừng sợ gì cả, con sẽ được gặp cha con nhanh chóng, ông ấy đang chờ con ở thế giới bên kia. Con sẽ không phải trưởng thành trong đau đớn, không phải chịu đựng ánh nhìn của người đời.”
- Nào, mở đùi rộng ra.
“Con sẽ không giống như mẹ, phải chịu sự chia ly, từ biệt, phải chịu cảnh hoa lạnh sen tàn.”
- Dịch xuống.
Nàng thuận lời trở mình nhích xuống phía dưới, hai bàn chân dính chặt lấy giá đỡ, mắt khép chặt chờ đợi sự phán quyết. Trước khi cơn đau ập tới, nàng đã cảm thấy khó thở cùng cực và thầm mong cơn ác bệnh kéo tới để đưa cả mình đi cùng, có vậy, Nàng mới không cô độc trên thế giới này. Sự đau đớn lan dọc cơ thể, bất chợt trào ra như thuỷ triều khiến Nàng kêu thét lên, mồ hôi vã ra thấm ướt mái tóc, nước mắt cũng cứ vậy mà chảy xuống.
- Im nào! Cựa quậy là rách tử cung bây giờ!
Máu bắt đầu rỉ ra.
Nàng cảm thấy bản thân đang chết đi, đang bị nghiền tới nát vụn, máu đang chảy ra kia là máu của bản thân và cũng là của tình yêu giữa nàng và chồng. Trên sàn nhà, một đám trẻ con đỏ hỏn với đôi mắt trắng dã đương bò lồm ngồm về phía bàn phẫu thuật. Mặt nàng trắng bệch, hai mắt tối sầm, loáng thoáng nghe thấy tiếng gọi thêm người vào trợ giúp. Một đứa trẻ đã bò lên ngực và cười khanh khách nắm tóc Nàng giật mạnh, hai mi mắt của Nàng cứ dính chặt vào với nhau.
Nàng muốn ngủ.
***
Nàng nghĩ rằng mình là một cánh thiêu thân, cứ mải miết đi tìm ánh sáng, dù đôi khi thứ ánh sáng ấy phát ra từ những ngọn lửa bỏng rực đủ sức làm tan nát cả vẻ đẹp, đủ sức biến mọi thứ trở thành tro bụi, nhưng Nàng vẫn bay – không ngừng…
Không phải bóng tối, xung quanh chỉ toàn thứ ánh sáng lờn lợt. Nàng đang trôi trên một dòng sông, hoặc đại dương, Nàng đoán vậy. Nước vây lấy cơ thể, Nàng thấy mái tóc chồng đương nằm trong bàn tay của mình.
Nàng mấp máy môi, hỏi:
- Sao anh đã không đưa em đi?
Có tiếng đáp lại:
- Vì sống thì khó khăn hơn rất nhiều, và vì dù có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa thì chúng ta cũng vẫn phải sống.
Nàng cứ trôi, trôi mãi…
Có tiếng thở phì phò của một sinh vật nào đó vang lên, cố gắng hé mi, trước mắt hiện lên một bộ váy dài nâu có các đường kẻ sọc, chủ nhân chính là bà mẹ mà nàng đã nói chuyện cách đây mấy tiếng. Nàng kinh ngạc:
- Sao chị lại ở đây?
Bà mẹ chỉ lắc đầu, lẳng lặng ôm đứa con bỏ đi, máu xối ra từ ổ bụng cô, loang tràn mặt nước.
Máu chảy nhiều quá, Nàng cảm thấy lo lắng cho bà mẹ, cố gắng cất cao giọng gọi giật cô lại, nhưng cô không nghe thấy, trong thoáng chốc đã mất hút sau màn sương dày xuất hiện tự bao giờ.
- Cô ấy bị sao thế? - Nàng hỏi chồng.
- Cô ấy đang đi tìm một cuộc sống mới.
- Cô ấy chảy nhiều máu quá.
- Chỉ là thể xác thôi em.
“Cạch”, Nàng bỗng nghe thấy tiếng mở cửa, nước vẫn thì thào bên tai đầy mê hoặc, chồng Nàng thôi không nói chuyện nữa, chắc hẳn anh đã đi rồi. Nàng thấy như đang lơ lửng giữa không trung, đầu óc trĩu nặng.
- Nhịp tim ổn định, thân nhiệt ổn định, huyết áp trở lại bình thường!
Cơ hồ có thứ gì đó quất mạnh vào bụng, vào ngực khiến Nàng giật mình bừng tỉnh khỏi cơn mộng. Nàng chầm chậm mở mắt, dường không thích ứng được vì ánh đèn trần sáng tới loá mắt, tấm ga dưới lưng nồng nặc mùi thuốc. Đưa tay đặt lên bụng mình, Nàng chờ đợi một cú hích dù chỉ là nhè nhẹ, nhưng không có gì cả, chỉ có một vết sẹo đã khắc vào Nàng mãi mãi.
- Cô còn sống là cả một phép màu - Bà bác sĩ thở phào nhẹ nhõm.
Nàng mấp máy môi, thì thào hỏi:
- Đứa trẻ đâu?
- Là thế này, ở đây có hai phương pháp, một là nhà mình đưa về, hai là… - Vị bác sĩ ấy gượng lời - Cô cũng biết, chỗ chúng tôi không có nơi an táng.
- Tôi muốn đưa con tôi về nhà  - Nàng nói từng từ một cách rành rọt.
***
Nàng chậm chạp lê gót ra khỏi bệnh viện, sắc mặt nhợt đi như thể máu đã bị hút cạn. Ánh nắng mặt trời chói loà trên đỉnh đầu, người xe nêm kín, lớp này xô lên lớp kia giống thác nước xiết chảy khiến Nàng hoa mắt. Muôn sắc màu giờ chỉ còn là một màu trắng, trắng đến đau nhức con ngươi.
Nàng run rẩy ôm chiếc hộp đựng đứa con của mình, bước vào giữa dòng người và xe, buông xuôi tất thảy. Bay lên đi nào cánh thiêu thân. Nàng nở nụ cười chờ đợi, dịu dàng hỏi:
- Con có lạnh không?
Đứa con trong hộp hơi cục cựa. Chồng Nàng đứng ở phía trước.
- Anh có lạnh không? - Nàng lại hỏi.
Chồng Nàng vẫn mặc bộ quần áo mưa xanh lá mạ đẫm nước, da xanh tái, Nàng vươn tay chạm vào, chỉ thấy gương mặt anh lạnh buốt, bèn vội rụt tay như bị kim châm. Anh bảo:
- Ở đây lạnh lắm, đâu đâu cũng là nước cả. Con mình đâu?
Nàng lẩy bẩy giơ chiếc hộp ra, oà khóc:
- Con mình… Em xin lỗi!
- Không, không phải lỗi của em - Chồng Nàng lắc đầu và lập tức vỗ về.
Anh đón lấy chiếc hộp, mở nắp, đứa con nhanh chóng trèo ra. Đứa con leo lên cổ cha mình, nhìn nàng chòng chọc và cười khanh khách thích chí. Nàng thấy sự ớn lạnh chạy dọc sống lưng, ngực nghẹn lại vì cơn khó thở. Chồng Nàng thấy vậy bèn vỗ nhẹ tay Nàng để trấn an và nói:
- Đi thôi.
Nàng hơi chần chừ, song vẫn gật đầu:
- Vâng, hãy đưa em đi.
Chiếc xe tải đang lao tới.
Nàng vui vẻ đứng dậy đi theo chồng. Ánh sáng loé lên. Trước khi tài xế kịp hiểu được chuyện gì xảy ra thì một nụ cười đẹp đẽ đã khoét sâu vào mắt gã.
Mùa đông năm nay, Nàng nằm dưới đất lạnh, chiếc hộp vốn là nơi nghỉ ngơi của con Nàng bị bung nắp khiến nó lăn ra ngoài. Nàng gắng gượng lần các ngón tay về phía con, chậm rãi khép mắt.


Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 290 - tác giả TRẦN BĂNG KHUÊ



PHẢI GIÓ
Truyện ngắn

Gió về.
Mùa gió đã tràn về trên khắp các nẻo đường, lùa qua những ngõ ngách, lọt thỏm vào từng mái nhà, gõ cửa rầm rập trêu đùa. Và, hồn nhiên hát bài ca của đêm đầy gió. Ai cũng nhìn thấy khuôn mặt của gió, rõ mồn một. Khuôn mặt ấy méo mó chấp chới phần phật quật ngả nghiêng những vạt cây thân gầy mỏng manh; phản chiếu qua từng lớp cửa kính, từng ánh đèn đường vàng ệch.
Chẳng lạ lẫm gì với mùa gió chướng trên miền cao nguyên này. Thỉnh thoảng nhận ra, gió chắc hẳn đang cố tình hù dọa những linh thể yếu đuối cố gắng nằm nghiêng tai, nhắm mắt, ru giấc cho qua hết một đêm dài. Bất giác, nghĩ thầm, “hãy xem, rồi gió sẽ giận dữ và lật bay những mái tôn của kẻ khó mất thôi”.
Chẳng ai để ý đến những gì diễn ra bên ngoài cánh cửa trong đêm ngoài gió, nếu không phải gã rời khỏi nhà vào lúc này chỉ để đi qua từng cái cổng nhà hét lên thật lớn: "gió, gió, hãy trốn gió đi bọn mày". Vài người còn thao thức tầm giờ gió quật vào giữa khuya, buồn miệng hét lại đáp trả. Miễn sao để tiếng hét ấy có thể vọng đến tận tai gã, át cả tiếng gió.
Giờ này, phải rồi, chỉ mỗi mình gã lang thang với đêm và gào thét. Gã hẳn không phải lên cơn mộng du đúng mùa gió quật, cũng chẳng bao giờ điên loạn mỗi buổi ngày hiền lành chân chất. Gã có một ngôi nhà nhỏ, một khoảnh đất nhỏ để trồng rau. Gã chăm chỉ cuốc đất, vun luống, trồng rau và tưới rau mỗi sáng cho đến tận trưa. Mặt trời đứng bóng gã mới lủi thủi ống thấp ống cao, vác cuốc băng qua con đường nhỏ để về nhà.
Thỉnh thoảng một vài người chạy ngang ruộng rau của gã í ới trêu ghẹo, "gió à gió ơi, lấy vợ đi thôi", gã khệnh khạng cái cuốc trong tay, mắm môi lẩm bẩm, "lấy ai, ai lấy, có gió nó lấy tôi", rồi lại cắm cúi úp mặt xuống những luống rau, úp lưng xuống đất, úp bóng dưới ánh nắng mặt trời gắt gỏng, úp cả linh hồn cô độc vào mùa gió chướng. Cao nguyên tràn nắng và gió.
Bẵng đi một vài hôm, chẳng ai thấy gã loay hoay ngoài ruộng rau, cũng chẳng nghe gã hét toáng lên giữa đêm mỗi lần gió chướng kéo đến quật trên mái tôn ồn ã, nhức não. Có người thắc mắc về gã, mở miệng kháo qua kháo lại đôi câu rồi hững hờ thì thào, "hẳn là đã phải gió ở đâu đó".
Dăm ba đêm, gió không còn quật, chỉ lật khật đẩy đưa nhẹ nhàng ngang dọc như kiểu ban ân huệ ru giấc ngủ vàng son. Đến ngày hôm sau, thì người ta lại thấy gã lủi thủi trên ruộng rau với nắng, với gió. Mấy chị sồn sồn quanh xóm, đi ngang, vẫn trèo trẹo câu cửa miệng quen thuộc: "gió à, gió ơi, lấy vợ đi thôi". Gã im lặng, không ngước mặt lên, cắm cúi vun đất cho mấy luống rau cải, mầm vừa nhú. Thi thoảng, buồn tình, gã cũng nghĩ, hay gã là "đồ phải gió" thật.
Mấy hôm, gã khóa cửa nhà lên thành phố khám bệnh đau lưng. Gã thường bị đau lưng mỗi lần nằm ngủ. Bác sĩ thành phố bảo, "mày không nên lấy vợ, lấy vợ chỉ làm khổ nó thôi". Gã không hiểu lời bác sĩ, ông ấy đã nói, gã vẫn khỏe mạnh bình thường, nhưng sao lại khuyên gã không nên lấy vợ nhỉ. Bất chợt khi ấy, gã nhanh miệng đáp lời bác sĩ thay vì thắc mắc về những gì vị bác sĩ nọ úp mở với gã, "lấy ai, ai lấy, có gió nó lấy tôi".
Gã trở về sau một vài hôm vắng bóng khỏi xóm. Gió cũng theo gã, luồn vào những khoảng sáng tối mập mờ, thi thoảng rượt đuổi nhau dưới ngọn đèn vàng trong đêm. Khuôn mặt của gió vẫn méo mó không rõ hình dạng. Gã vẫn không thể bỏ được thói quen, đi hoang về đêm và hét toang lên giữa xóm "gió, gió, hãy trốn gió đi bọn mày". Rồi, cười hềnh hệch một mình sung sướng. Âm thanh bùng bục từ cổ họng gã phát ra khiến người ta rờn rợn. Tiếng của gã, hòa trong tiếng gió. Có bận, chẳng ai còn nghe thấy tiếng gã, chỉ có gió hời hời ru thê thiết. Không phải tiếng người chẳng phải tiếng sói. Ai đó tự nghĩ, "Hẳn là tiếng gió".
Rằm tháng này, mặt trăng đỏ dị thường. Nghe đâu cũng mùa gió chướng những năm trước nữa, một cơn gió mạnh đã quật đổ gốc cây trăm tuổi bên vệ đường đè nát căn nhỏ đơn sơ yếu ớt của gã. Các bác hàng xóm lớn tuổi, hiểu chuyện ít khi nói về gió, ít khi kể về gió, ít khi đem gió ra trêu đùa cợt nhả. Rồi, gã cũng chợt nhớ và hiểu, hẳn là tại năm đó, mùa gió chướng năm đó đã tước đoạt của gã quyền năng truyền giống. Chỉ còn mỗi gã sống sót trong một gia đình neo đơn, ít người khi cây lớn bên đường bị gió quật, đè sập căn nhà nhỏ, yếu ớt.
Giờ, gã trồng rau, chăn vài con dê trên khoảng đất nhỏ và đã xây lại căn nhà khác. Gã sống một mình. Căn nhà chưa hẳn đã chắc chắn lắm, nếu đời gã vẫn mải mê với những mùa gió chướng.
Gã không trồng cây lớn xung quanh nhà nữa. Những đêm gió về gào thét, gã lại nảy ra cái sở thích kì quặc, đợi gió thật lớn, lang thang dọc ngang trong xóm, hét toáng lên cùng với gió, "gió, gió, hãy trốn gió đi bọn mày".
Tiếng gió, tiếng người, hòa lẫn trong đêm. Gió mùa này vừa rét vừa đau.
Trăng rằm tháng ấy, lại đỏ quạch. Gió tốc ngược phía sau dãy sườn đồi. Gió quật bật gốc cây. Cây gãy. Những chùm dây điện bị gió lùa bung ra, rớt xuống, nằm vương vãi dọc ngang dưới đất.
Sáng ra, người qua đường, nhìn thấy đám rau trên mảnh đất của gã không còn vẹn nguyên, tươi non màu hi vọng nữa. Rau lẫn trong đất. Đất lẫn trong rau. Những con dê gã nuôi nằm yên lặng không cất tiếng kêu mỗi lần mặt trời thức giấc. Sau một đêm, mùa gió chướng hẳn đã quét qua đây. Nơi, một người đàn ông vẫn âm thầm ươm mầm cho tình yêu kì lạ với đất.
Sáng ra, người đi đường, nhìn qua ruộng rau, thấy có kẻ tần ngần đứng dưới gốc cây nhỏ trơ trụi lá, thắp nhang lầm rầm khấn vái.
"Gió à gió ơi, đưa gió lên trời. Ruộng rau tôi. Chết rồi."



Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

SỰ TÍCH KRÔNG BÔNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - Tạp chí LANG BI ANG SỐ: 157 THÁNG 10 NĂM 2016



Buôn Krail có hơn trăm nóc nhà dài hội tụ bên bờ một con sông chảy ngược. Con sông này bắt nguồn từ phía mặt trời mọc, vươn cánh tay dài gân guốc vào tận các khe sâu, núi cao của dãy Chư Yang Sin chắt lọc những hạt nước tinh khiết nhất góp lại, tạo thành dòng rồi đổ về hướng tây, đuổi theo ông mắt trời xem đi ngủ nơi nào. Những người dân buôn Krail hiền lành, chất phác, quanh năm chí thú lo làm ăn và vui chơi, ca hát. Hai bên bờ sông, mùa mưa nước dâng cao, tạo nên một vùng nước rộng mênh mông; nhưng khi mùa khô đến, nước rút đi để lại một cánh đồng rộng lớn, màu mỡ, thuận lợi gieo trồng cây lương thực. Người dân chỉ cần gom cỏ rác tấp đống lại đốt, xong chọc que tra hạt; mấy tháng sau cây bắp cao hơn đầu người, mỗi cây cho từ năm đến bảy bắp, bắp nào cũng to như bắp tay người lớn, hạt đều chằn chặn; còn gieo lúa, mỗi hạt lúa cho bốn năm bông, một bông mang theo cả vốc tay hạt. Nông sản thu về, các bếp làm một cái kho trên vùng đất cao ngoài rẫy để trữ, khi nào ăn ra lấy về chứ không mang về nhà. Dưới sàn: heo, gà, trâu, bò… nhà nào cũng có nhiều để dùng phòng khi mùa mưa không vào rừng bắt thú được. Trong rừng thú nhiều lắm, nhà nào muốn ăn loại gì rủ vài người vào bắt mang về như ta nhốt sẵn trong chuồng vậy rồi chia đều cho tất cả các bếp trong buôn cùng ăn.
Nàng H’Linh con gái của Mtao buôn Krail không những đẹp người, đẹp nết mà còn rất khéo tay trong việc thêu thùa, dệt vải. Nàng thường cùng các nữ tỳ vào rừng già chọn những loại cây có sợi đẹp nhất đem về dệt vải, thêu thùa. Nàng dệt hoa trên áo, lũ bướm nô nức kéo đến xem che kín cả nhà; nàng dệt bụi trúc, chim chóc lao vào định đậu đập đầu vào tấm thêu… M’tao buôn Klail là một đàn người ông trung niên không những khỏe mạnh mà còn mưu lược, thống lĩnh cả vùng phía đông bắc dãy Chư Yang Sin kéo dài đến tận thảo nguyên M’drak được nhiều người yêu quý, kính trọng. Hai vợ chồng M’tao chỉ sinh được một mình H’Linh nên yêu thương nàng hết mực. M’tao buôn Klail có người bạn thân làm M’tao buôn Yok Đôn phía tây dãy Chư Yang Sin, thuộc vùng thảo nguyên Ea Suop, trong nhà lúc nào cũng có hơn trăm con voi, vài ngàn con ngựa, năm ngàn quân lính. M’tao buôn Yok Đôn cũng sinh được một người con trai khôi ngô tuấn tú, săn bắt voi, ném lao, bắn nỏ… từ xưa đến nay chưa có ai sánh bằng và điều đặc biệt là sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm với H’Linh. Hai Mtao thấy các con đều hơn người nên quyết định khi đủ mười bảy mùa rẫy sẽ làm lễ thành hôn cho đôi trẻ. Hàng tháng, nếu Mtao buôn Yok Đôn không dẫn con trai xuống thăm, H’Linh được ama đưa qua bên ấy chơi; đôi trai tài, gái sắc yêu quý nhau lắm, họ chỉ mong đủ tuổi để được làm vợ chồng.
*
* *
Hôm ấy, buổi sáng trời trong xanh không một gơn mây, nàng H’Linh cùng các tùy nữ vào rừng tìm cây lấy sợi về dệt vải; trưa đến nàng cùng người hầu và quân lính dừng lại bên thác Yang Hanh nghỉ. Mấy người tỳ nữ lấy hoa rừng kết thành vòng đặt lên đầu trang điểm cho H’Linh. Trời đang trong xanh, bỗng một tia chớp lóe lên rồi một tiếng nổ inh tai. Gió ở trên các sườn đồi ào ào chạy đến kéo theo lũ mây đen vần vũ che khuất cả bầu trời. Quân lính mời nàng lên ngưa để về. Nàng H’Linh cười bảo:
-Đang mùa khô, tự nhiên có sấm chớp thế này chắc chỉ mưa ít hạt rồi tạnh thôi, không lo đâu; tắm mưa một lúc cũng hay đấy.
Mọi người vâng lời cùng ngồi đợi mưa. Mưa rơi, lúc đầu chỉ vài hạt sau nặng dần, những hạt mưa thi nhau rơi xuống thành dòng. Quân lính và các tùy nữ dùng tay tạt nước vào nhau; tiếng cười, tiếng nói làm lay động cả cánh rừng. Mọi người tắm mưa, nô đùa, còn H’Linh ngồi trên tảng đá nhìn và vỗ tay cổ vũ cho cánh tùy nữ. Mọi người mải vui không hay biết có một đoàn người lạ vừa đến, đang lặng lẽ chứng kiến cảnh vui đùa của quân lính H’Linh. Trời đột ngột tạnh mưa như lúc ập đến. Gió lại ào ào nỗi lên. Trên trời những đám mây đen vẫn lầm lì không chịu bay đi. Mọi người đang vui đùa bỗng im bặt khi phát hiện ra đoàn người lạ đứng trong rừng già. Quân lính lao lại cầm giáo mác, cung tên; bọn tùy nữ như bầy ong thợ vội vã chạy lại đứng vòng tròn xung quanh H’Linh. Từ trong rừng, một chàng thanh niên thân hình vạm vỡ, tuổi chừng mười tám mùa trăng, cỡi con voi đực trắng có cặp ngà chéo nhau, đi đến bên khoảng đất trống gần nơi quân lính của H’Linh đang đứng thủ thế chuẩn bị giao chiến thì dừng lại, voi quỳ xuống cho chàng trai bước xuống đất. Người con trai lạ cất tiếng:
- Chào các bạn, mình ở buôn xa đến chơi xin có lời chào tất cả.
- Đất, nước và rừng già là của chung mọi người mà.
H’Linh bước ra trả lời. Chàng trai lạ sững người khi nhìn thấy khuôn mặt xinh đẹp, trên đầu còn đội một vòng hoa trắng tinh khiết, hương thơm ngào ngạt tỏa ra làm rụt luôn cái lưỡi không còn biết nói nữa; đôi mắt mở to hết cở như gặp yang(1) xuất hiện. Thấy người lạ như bức tượng mới đẽo, H’Linh mĩm cười hỏi thêm:
-Người lạ ở đâu đến và định đi đâu mà qua vùng đất này?
-Tôi… tôi từ bên kia núi… qua bên này núi, đi… đi…!
- Người ở tận Lang Bi Ang qua?
- Đúng thế!
- Định đi đâu mà lại qua đây?
- Đây là đâu?
- Đây là đất của Mtao buôn Klail.
- Tôi… tôi cũng định đến thăm Mtao buôn Klail.
- Đến thăm Mtao có việc gì không?
- Chuyển lời thăm và lời mời Mtao buôn Klail qua thăm Tù trưởng La Ngư Thượng (2).
- Tôi là H’Linh, con gái Mtao buôn Klail, mời chàng về nhà.
H’Linh lên ngựa đi trước cùng quân hầu của mình, còn chàng trai lạ có năm chục con voi, ba trăm con ngựa tía cao lớn nối gót theo sau. Về gần đến buôn, tiếng tù và ngân lên báo hiệu có người lạ đến thăm. Mtao buôn Klail ra đầu cầu thang đứng đợi, thấy đoàn quân của chàng trai lạ tiến vào buôn gươm giáo sáng lòe, đội ngũ như một đoàn quân thiện chiến lấy làm bằng lòng lắm. Chàng trai đến chân cầu thang xuống voi, cúi đầu làm lễ chào, Mtao mời vào nhà nói chuyện. Chàng trai lạ cho quân lính mang lễ vật lên nhà gồm: một gùi trà, hai gùi quả hồng sấy, ba gùi thịt sơn dương khô cùng chín súc vải dệt của người K’ho…
-Chàng trai ở đâu đến mà tặng ta nhiều lễ vật thế?
-Tôi là K’Lang Kon(3) của Tù trưởng La Ngư Thượng thuộc xứ cao nguyên Lâm Viên, nghe tiếng Mtao buôn Klail là người tài giỏi lại rộng bụng nghĩa hiệp nên vâng lời mebèp(4) qua thăm và xin kết nối tình giao hảo.
-         K’Lang đi mấy ngày mới tới được đây?
-         Vừa đủ một bàn tay năm lần mặt trời đi ngủ.
-         Bên ấy có núi cao như bên này không?
-         Cũng giống như bên này, nhưng bên ấy nhiều cây có lá nhỏ hơn.
Mtao buôn Klail ưng bụng lắm mở tiệc thết đãi; mổ năm con bò, mười con heo lớn lại chôn cột đầu buôn buộc rượu mời khách. K’Lang ở lại thăm năm ngày, ngày nào cũng được Mtao bày tiệc thết đãi ân tình, quân lính đôi bên ngã nghiêng bên ché rượu, vui lắm; tiếng chiêng bay vút qua các đỉnh núi vang tận trời xanh đủ năm ngày năm đêm. Thấy nàng H’Linh xinh đẹp, khéo tay, đối xử với mọi người rất vui vẻ càng làm cho lòng K’Lang thêm thầm yêu trộm nhớ muốn lấy làm vợ. Qua ngày thứ sáu, K’Lang ngõ lời mời Mtao qua thăm Tù trưởng La Ngư Thượng. Mtao nhận lời, mang theo đoàn tùy tùng mười con voi, một trăm con ngựa, cùng con gái H’Linh lên đường. Sau năm ngày trèo đèo, lội suối M’tao buôn Klail đến La Ngư Thượng và được Tù trưởng La Ngư Thượng mở tiệc lớn chiêu đãi. Trong những ngày lưu lại, đích thân Tù trưởng La Ngư Thượng đưa Mtao đi thăm các vùng đất thuộc mình cai quản. Được chứng kiến cảnh vật, đất đai phì nhiêu, cây cỏ xanh tốt và đặc biệt có những hồ nước lớn trong vùng làm M’tao buôn Klail ưng lắm. Riêng H’Linh được K’Lang dẫn đi thăm những vườn hoa có rất nhiều hoa lạ, màu sắc rực rỡ, hương thơm khi nào cũng vây đầy xung quanh. Thăm nơi dệt vải, H’Linh thấy rất nhiều mẫu mới lạ và các sợi dùng để dệt cũng mảnh hơn, óng mượt hơn so với bên nhà nên thích lắm cố hỏi cặn kẻ để học về nhà làm theo. Thấy H’Linh thông minh, ham hiểu biết như vậy, lòng K’Lang càng đắm say không muốn rời xa nàng.
Thời gian thấm thoắt, thoáng một cái đã mười ngày trôi qua, M’tao buôn Klail ngõ lời xin về. Tù trưởng La Ngư Thượng cố giữ lại thêm mấy ngày, mở tiệc linh đình chia tay. Khi rượu ché túc gần vơi, ché ba gần cạn, Tù trưởng La Ngư Thượng mới ngõ lời:
-Con gái của Mtao chắc cũng đến tuổi bắt chồng, con trai tôi cũng đã đủ tuổi lấy vợ, chúng ta có thể kết làm thông gia được chăng?
-Ô, chúng ta chỉ có thể kết bạn thôi, còn thông gia thì không được vì H’Linh đã có lời đính ước rồi.
Nghe Mtao trả lời, gương mặt Tù trưởng hơi tối lại, ông ta thở dài rồi nói:
-Chúng nó không có duyên thì đành vậy.
Họ chia tay nhau trong tiếng chiêng tiễn khách và hẹn gặp lại tại buôn Klail.
Thấy Mtao buôn Klail đưa nàng H’Linh về nhà, lòng K’Lang như có lửa đốt, không ăn không ngủ được, muốn xin Tù trưởng cho quân lính qua cướp dâu. Lúc đầu Tù trưởng không ưng, nhưng sau thấy K’Lang không ăn, không ngủ, nằm bẹp một góc nhà nên thương con, buộc phải đồng ý.
*
*   *
   Buổi sáng, ông mặt trời mới thức dậy, người dân buôn Klail chưa kịp nổi lửa nấu ăn đã nghe có tiếng trống trận vang lên dồn dập rồi một đoàn quân từ trong rừng xông ra. Con bạch tượng chéo ngà đi đầu, trên cổ có chàng thanh niên khoác áo giáp bạc, cầm kiếm thép sáng lòe; phía sau có năm trăm con voi chiến, năm ngàn con ngựa và đội lính bộ đông như lá rừng bày trận trước buôn. Mtao buôn Klail vội vã tập hợp một trăm hai mươi con voi, năm trăm con ngựa và toàn bộ trai tráng hơn ngàn người mang cung tên, giáo mác ra đối trận.
Một hồi trống dài vừa dứt, người mặc áo giáp bạc thúc con voi trắng tiến ra phía trước, Mtao buôn Klail cũng thúc voi tiến lên hỏi:
- Tại sao lại đưa quân đến đây?
- Thưa Mtao, hôm nay tôi đến để xin được đón nàng H’Linh về làm vợ.
- H’Linh đã có đính ước, không thể gã cho ngươi được, hãy mang quân về đi.
- Tôi nhất định phải bắt H’Linh về làm vợ!
- Nếu không được thì sao?
- Chiến tranh.
Nàng H’Linh cả đêm thao thức không ngủ được, sáng ra dậy sớm dệt vải nhưng sợi bị đứt, nối được sợi, khung lại gãy làm đôi lòng như có than hồng. Đang bồn chồn chưa biết nguyên nhân làm sao, bổng nghe trống trận vang lên, nàng giật mình biết điềm chẳng lành nên vội xuống sàn đóng yên vào con ngựa bạch yêu quý rồi theo sau voi Mtao ra trận. Khi nghe K’Lang nói vậy, H’Linh thúc ngựa xông ra:
-Ta đã đính hôn từ nhỏ, xem như đã có chồng sao người còn làm điều càn bậy như thế?
-H’Linh, ta yêu nàng, bất chấp tất cả để bắt nàng làm vợ. Nếu Mtao không bằng lòng, nàng không ưng ý, hôm nay đất này sẽ thành sông máu. Tùy nàng chọn.
H’Linh nước mắt lưng tròng, trong lòng đau xót lắm, thúc ngựa lại bên Mtao:
-Mtao ơi, con yêu Mtao và amí(5) nhiều lắm, nhưng không thể để vì con mà chiến tranh xảy ra, nhiều người vô tội phải chết, biết bao người phụ nữ mất chồng, trẻ con mất cha... Xin Mtao cho con được tự xử.
H’Linh nói xong quay ngựa tiến lên phía trước nói:
-Chỉ vì một người con gái mà chàng đẩy nhiều người vào chỗ chết như vậy là quá tàn nhẫn, chỉ vì cái riêng mà gây họa cho nhiều người, vậy là không tốt. Thôi thì thuận theo ý Yang vậy, nếu chàng đuổi theo bắt được ta trước khi ta đến được buôn của người ta sắp bắt làm chồng, ta sẽ đồng ý làm vợ người. Còn không thì hãy mang quân về, không được gây chuyện binh đao.
          Nghe H’Linh nói vậy, K’Lang mừng lắm nhận lời ngay vì nghĩ: với con bạch tượng nhanh nhẹn này thì chỉ chớp mắt có thể bắt được nàng mang về làm vợ. Ba hồi trống nổi lên vừa dứt, trong tiếng hò reo của quân sỹ hai bên, H’Linh thúc ngựa lao vào cánh rừng ven sông lớn chạy ngược về phía tây. Con ngựa thuận ý chủ chạy theo con đường nhỏ có nhiều cây to làm con voi kềnh càng luôn phải tránh né cây mới đi được. Ngựa của H’Linh chạy từ sáng qua trưa, sang chiều đến một thác nước thì kiệt sức gục đầu chết; sau này người dân địa phương đặt tên là thác Trinh Nữ(6). H’Linh không còn ngựa đành tiếp tục chạy bộ; nàng chạy mãi, chạy mãi chân tóe máu, váy rách toạc… đến khi mặt trời xuống núi đi ngủ mới tới một con thác lớn đang gầm thét dữ dội, phía trên có nhiều đá lớn chắn mất đường đi. H’ Linh ngữa mặt nhìn lên trời than:
-Yang ơi, con biết làm sao đây, nếu để K’lang bắt được thì chắc chắn M’tao buôn Yok Đôn sẽ kéo quân đến rửa hận, chiến tranh bao giờ kết thúc, bao nhiều người sẽ chết oan uổng vì con. Con tự nguyện xin được chết để ngăn cuộc chiến tranh vô nghĩa này. Cầu xin Yang cho con được toại nguyện.
Nói dứt lời, H’Linh leo lên hòn đá cao, gieo mình xuống dòng thác. Vừa lúc đó K’Lang thúc voi chạy đến thấy thế hét lên một tiếng hãi hùng. Dòng thác gầm lên, bồng xác nàng đặt lên hòn đá phía dưới chân thác, phun bọt trắng phau vây quanh. K’Lang đứng lặng nhìn xác người mình yêu, trong lòng vô cùng hối hận. Mtao cũng thúc voi chạy đến nhìn thấy xác con vội xuống bế mang về. Dòng thác nơi H’Linh chết được người dân địa phương đặt tên là thác H’Linh(7).
M’Tao buôn Klail đưa được xác H’Linh về đến buôn; amí H’Linh chạy ra nhìn thấy con đã chết liền thét lên một tiếng ngã vật ra đầu đạp vào cầu thang, hồn đi theo Yang luôn. Mtao đau xót, căm giận cánh rừng bên phải dòng sông không tránh đường để con gái đi nên mới phải chết thảm để rồi vợ cũng chết theo; vì thế Mtao không thèm chặt gỗ bên này mà sai quân lính qua bên kia sông xin rừng cho chặt hai cây gỗ quý về làm quan tài cho vợ, cho con. Nhưng lạ thay, hễ quan tài làm xong đưa qua sông thì chìm; lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba… đến lần thứ bảy vẫn chìm. Mtao ngạc nhiên lắm, mới lập đàn cầu xin Yang sông cho mình đưa quan tài về chôn cất cho vợ con. Đêm đến Yang sông hiện về bảo: “Nếu nhà ngươi đồng ý từ nay cho mọi người gọi tên sông là Krông Bông, ta sẽ cho qua”; Mtao bằng lòng. Mờ sáng hôm sau hai cây gỗ lớn không biết ai chặt từ rừng bên trái sông trôi qua bên phải sông; Mtao cho voi kéo về làm quan tài chôn cất cho vợ và con gái. Tang lễ xong, Mtao làm lễ tạ ơn Yang sông và ra lệnh cho mọi người gọi tên sông là Krông Bông vì thế cho đến tận ngày nay người dân nơi đây vẫn gọi dòng sông ấy là Krông Bông – sông Quan Tài.

Krông Bông – Ea Kar cuối đông 2015

Chú thích:
(1) Yang – tiếng Êđê gọi thần linh.
(2) La Ngư Thượng – tên gọi vùng đất thành phố Đà Lạt ngày nay.
(3) Bạp – tiếng K’ho gọi con.
(4) Mebèp – tiếng K’ho gọi ba má.
(5) Amí – tiếng Êđê gọi má.
(6) Thác Trinh nữ nay thuộc huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông.

(7) Thác H’Linh – thuộc thành phố Buôn Ma Thuột.

KẺ PHÁ RỐI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - Tạp chí TẢN VIÊN SƠN số 9/2016








Làn gió thổi nhẹ qua, mang theo cái lạnh của rừng đêm làm H’Chi thức giấc ngồi dậy bỏ thêm củi vào bếp. Ngọn lửa hồng leo quanh những thanh củi vừa chạm đầu vào nhau reo lên những tiếng cười vui nho nhỏ: tí tách, tí tách... làm bắn ra những hạt lửa nhỏ li ti. Xa xa tiếng rừng trăn trở khua trên các ngọn cây rào rào tiến dần lại làm rơi những hạt sương đêm xuống tấm ni lông nghe lộp bộp, lộp bộp. Đêm đang trở dần về sáng. Sau một ngày lang thang trong rừng tìm hái cây thuốc về giúp ami(1) chữa bệnh cho người, H’Chi phải ngủ qua đêm trong rừng sâu một mình vì những chuyện bất ngờ gặp phải trên đường đi.
Với người Tây Nguyên, rừng già như người mẹ hiền nhưng nghiêm khắc đối với các con, sẵn sàng ban cho những đứa con ngoan tất cả những gì chúng mong muốn, song cũng rất nghiêm khắc xử phạt những đứa con hư. Mẹ rừng có thể cho ta giàu có, cho ta sức mạnh, cho ta niềm vui mỗi khi bước vào nép mình dưới tán lá rừng; và rừng cũng sẵn sàng nỗi giận, trút lũ lụt xuống đầu những đứa con hư, xua muông thú đến trừng trị kẻ phá rừng; ami từng bảo như thế.
          Đêm nay ngồi bên bếp lửa giữa rừng nhìn đám sương sà xuống nhẹ nhàng như làn khói mỏng manh mang theo hương thơm của hoa lá ùa đến làm tâm hồn thanh thoát, sảng khoái. Đêm chuyển dần về sáng. Tiếng đôi chim từ quyên gọi nhau nghe gần lắm, có lẽ chúng sắp gặp nhau rồi. Amí bảo loài chim từ quyên tối lại chia nhau đi kiếm ăn, mỗi con một cánh rừng, lấy tiếng gọi nhau làm hiệu. Chúng cứ đi và gọi nhau như thế cho đến lúc gặp được nhau ngừng gọi cũng là lúc ông mặt trời thức dậy. Trong rừng già, người đi rừng nghe tiếng chim để tính thời gian ban đêm, biết được lúc nào trời sắp sáng, chuẩn bị dậy. Đối với H’Chi, được ngủ trong rừng cũng là điều thú vị. Rừng đẹp và bí ẩn lắm, bao năm rồi có ai dám bảo hiểu hết rừng đâu.
          Soạt! Một con chồn bằng con mèo lớn có bộ lông trắng muốt bất ngờ nhảy vọt qua mặt H’Chi rồi đột ngột đứng im nhìn bếp lửa. Con chồn đẹp quá, nó nhìn bếp lửa như bị thôi miên, bốn chân run run tựa như không đỡ nỗi tấm thân, chiếc đuôi dài cụp xuống, mắt đờ đẫn, chậm chạp lê từng bước một lại gần H’Chi, mùi hương thơm ngào ngạt tỏa ra như có ai đó vừa làm vỡ lọ nước hoa. Đúng là cầy hương rồi, H’Chi thầm reo lên. Loài cầy hương có bộ phận sinh dục ở con đực tiết ra mùi thơm đặc biệt, nó ăn ở khu rừng nào, người đi đến cách xa cả trăm mét đã nhận biết được mùi thơm của nó. Thịt loài thú này thơm ngon lắm, nhưng quí nhất bộ xạ dùng để làm thuốc chữa bệnh. Đối với những gia đình nào có phụ nữ mang bầu không ai dám mang bộ xạ của cầy hương để trong nhà vì nghe mùi thơm đó, người phụ nữ có thể bị sảy thai. Người ngoài phố thích mua xạ hương lắm, họ bảo bán cho người Tây dùng chế nước hoa được nhiều tiền. Còn đối với người thầy thuốc nó là vị thuốc quí hiếm. Thường thường những con cầy hương lông màu xám tro, vàng hoặc nâu đen có sọc trắng chứ chưa bao giờ nghe nói lông màu trắng bao giờ. Hôm nay gặp loại có màu lông lạ thế này không biết xạ nó dùng có tốt không mà mùi thơm ngây ngất đến thế. Chắc mẹ rừng tặng mình đây, mừng thầm trong bụng. Mạy thật, thế là mình được thêm vị thuốc quí, lại có món thịt rừng ngon lành ăn sáng đây. Liếc mắt nhìn quanh bếp lửa thấy cây củi trăng trắng to bằng cổ tay liền giơ tay chộp lấy làm vũ khí đập con cầy hương.
-         Ối!
          H Chi thét lên đau đớn, cánh tay phải tê dại như bị một luồng điện hàng ngàn oát xuyên qua nhói vào óc.
          -Phù! Phù! Phù!
          Con rắn toàn thân màu trắng bạc cất cổ cao đến nửa mét, mồm bạnh ra như bàn tay người lớn, giữa đỉnh đầu có đám vảy màu đen xếp theo hình mũi tên, vừa phun nước bọt, vừa bỏ đi sau khi đã cắn một nhát vào bàn tay phải H’Chi. Mãi chăm chú quan sát con cầy hương bị con rắn thôi miên, H’Chi nhầm thân rắn là thanh củi định lấy đánh cầy hương nên bị nó cắn. Từ nhỏ nghe amí dạy: loài rắn nếu con nào trên đầu có lớp vảy khác màu xếp theo hình mũi tên, loài đó là rắn cực độc, vết cắn của nó có thể dẫn đến mất mạng trong vài phút. Lấy dây buộc ngang cổ tay ngăn cho nọc độc không chạy vào tim, H’Chi lục gùi lấy mấy lá thuốc mang theo nhai, nuốt nước, lấy bã định đắp vào vết cắn. Vết cắn của con rắn có ba lổ nhỏ như ba hạt thóc cắm vào, tê buốt. Phải lấy bớt nọc độc ra mới được. H’Chi cố chịu đau dùng tay trái bóp mạnh xung quanh vết cắn cho máu đen chảy ra, đó chính là máu bị nhiễm nọc độc của rắn. Bổng mắt H’Chi mờ đi, tay không còn làm chủ được, đầu nghe o o như có chiếc máy cày chạy trong đó. Chắc mình chết mất nếu không nhanh tay, H’Chi nhả mấy chiếc lá trong miệng ra định dùng đắp vào vết rắn cắn, nhưng tay như ai lấy mất rồi, trước mắt bếp lửa tự nhiên nhảy múa to mãi, to mãi đến khi chỉ thấy một màu vàng chói lọi.
          Không biết ngất đi bao lâu, tiếng vật gì đó nặng nề rơi xuống làm H’Chi giật mình từ từ tỉnh lại. Cánh tay phải đỡ đau hơn một chút, có thể ngồi dậy được. May thật khi ngã xuống, bàn tay có vết rắn cắn vô tình rơi đúng vào miếng lá H’Chi nhả ra, vì thế chiếc lá hút chất độc từ vết thương đẩy ra ngoài, nếu không ngã trúng miếng lá ấy chắc chết quá! Bẻ một miếng nấm màu hồng bằng hạt bắp hái được lúc chiều bỏ vào miệng nhai kĩ thấy có mùi thơm bay lên mũi, đầu lưỡi cảm nhận được vị ngọt của đường, vị cay của quế làm đầu dịu hẳn cơn đau. Sau khi nuốt nước, H Chi nhả bả xoa nhè nhẹ vào vết thương; thật kì diệu, từ vết rắn cắn như có một dòng nước mát theo cánh tay tràn vào cơ thể, nó chạy đến đâu biết đến đấy chỉ một lúc sau H’Chi có cảm giác mình không còn bị thương, vết cắn chỉ còn đọng lại vảy của vết máu đen bám vào bàn tay. Tuyệt thật, nếu không có mấy chiếc lá nhặt được của bầy khỉ bỏ rơi bên sình chắc mình đã chết. Tại sao nọc của loài rắn trắng này độc đến thế nhỉ? Gần năm năm đi rừng hái thuốc cùng amí, H’Chi chỉ thấy rắn có màu xanh, đen, vàng, đỏ, sọc... chứ chưa bao giờ gặp loài rắn trắng bạch như hôm nay.
 Nghe ama(2) bảo rắn ở Tây Nguyên nhiều lắm nhưng không bao giờ tự nhiên tấn công người, kể cả loài rắn chúa. Người ta gọi nó là rắn chúa vì loại rắn này thức ăn hàng ngày của nó chính lại là thịt đồng loại. Các loài rắn khác khi nhìn thấy rắn chúa toàn thân như bị tê liệt, nằm im chờ rắn chúa ngoạm cổ cắn chết rồi nuốt dần, nuốt dần cả con rắn xấu số vào bụng. Cách ăn mồi này khác hẳn các loài trăn, rắn khác: Khi bắt được mồi, chúng phải quấn lấy con mồi như người ta quấn dây kín từ đầu, đến chân làm con mồi nghẹt thở, chết; lúc đó chúng mới thong thả nuốt dần con mồi. Loài trăn có nhiều cách bắt mồi khác nhau, có con núp bên đường chờ con mồi đi qua lao đầu ra ngoạm vào chân rồi mới quăng mình quấn tròn con mồi như bó củi. Răng của chúng mọc quặp vào trong do đó khi đớp đúng con mồi, nó giữ chặt lắm, không con mồi nào thoát được. Có con lại ngoắc đầu và đuôi lên trên lối mòn bầy thú thường đi qua như người ta chăng dây phơi đồ, chờ con mồi đi qua, buông mình rơi xuống quấn tròn. Song có lẽ săn mồi độc đáo nhất là loài trăn gió, bộ da màu vàng điểm những ô hình lục giác, viền đen, hay leo lên trên các ngọn cây và có thể lao từ ngọn cây cao hàng chục sải tay xuống mặt đất bắt con mồi. Có lẽ vì vậy nên người ta gọi nó là trăn gió.
Một lần theo ami đi hái thuốc H’Chi nhìn thấy một con trăn to như bắp đùi người lớn bò bằng nửa thân sau đầu ngẩng cao tới gần hai mét vừa tiến lên phía trước vừa uốn éo những động tác đẹp như diễn viên xiếc múa. Bầy khỉ đang bới đất nhặt hạt dẻ đứng ngây ra nhìn, không con nào cử động được. Mãi đến khi con trăn đổ mình há miệng đỏ lòm, đầy răng lởm chởm ngoạm vào cổ một con khỉ, quăng người cuốn tròn lại, con khỉ chỉ kịp kêu: Khẹc! Một tiếng kêu tắc nghẹn, lúc đó cả bầy mới nháo nhào bỏ chạy, leo tít lên ngọn cây. Đầu con trăn chỉ to bằng nữa đầu con khỉ, vậy mà nó nuốt cả con khỉ nặng trên hai chục kí chắc nặng bằng chính trọng lượng nó vào bụng ngon lành. Nuốt xong con khỉ, con trăn khoanh tròn nằm ngủ tại chổ, amí chặt một cây dài để lên người nó, nó vẫn ngủ. Lấy dây cột cổ con trăn buộc vào khúc cây để trên mình nó, nó mới giật mình quấn quanh thân cây để amí và H’Chi khiêng về. Loài trăn to lớn nhưng không có nọc độc như rắn, khi đã ăn no hoặc mới lột da rất hiền, bắt nó dễ như bắt rùa, nó không chống cự. Nhưng mùa cặp đôi, hoặc đang đói chúng trở nên hung dữ không tha bất cứ một loài động vật nào bắt gặp.
Con rắn trắng cắn mình, có lẽ nó tưởng mình tấn công nó, H’Chi tự nhủ; lẽ ra mình phải lưu tâm khi thấy con cầy hương tự nhiên bị mất hết bản năng của loài thú, phải cảnh giác quan sát xung quanh. Không vì muốn bắt con chồn, chắc mình phát hiện ra con rắn không bị nó cắn; âu đó cũng là bài học đắt giá cho sự thiếu cảnh giác khi ở trong rừng. Còn con cầy hương nhờ tiếng kêu đau đớn của mình mới chợt tỉnh, chạy thoát. H’Chi tiếc rẻ, giá như mình cẩn thận hơn để con rắn cắn con cầy hương, mình sẽ đuổi con rắn đi, lấy được con cầy hương rồi, tiếc quá.
          Sương mù mỗi lúc một nhiều, cách khoảng vài mét, các gốc cây chỉ còn thấy mờ mờ sau ánh lửa. Xa xa tiếng một con gà rừng cất tiếng gáy, làm lũ gà đậu trong vùng giật mình thi nhau đáp lại. Tiếng gà lan tỏa khắp không gian, báo hiệu một ngày mới sắp bắt đầu. H’ Chi mĩm cười: Thế là đã qua một đêm một mình ở rừng. Ngày mai về kể cho các bạn học cùng lớp nghe chuyện xảy ra chắc nhiều bạn sẽ không tin, nhưng rừng già Tây Nguyên huyền bí như vậy đấy.


Chú thích:
1.              Ami – tiếng Êđê gọi má
2.              Ama – Tiếng Êđê gọi ba