Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 291 THÁNG 11 NĂM 2016, tác giả

NGUYÊN HƯƠNG



RỒI THÌ SAO NỮA...?
Truyện ngắn


Mẹ tôi còn xinh đẹp lắm và nhẹ dạ lạc lòng lắm.
Nhiều khi tôi muốn nổi nóng với mẹ, nhưng vì mẹ đã một mình nuôi hai chị em lớn khôn cho nên tôi không đành. Tôi là cô giáo mầm non, tôi hiểu nuôi nấng một đứa con là hành trình bất tận của những vất vả lặp đi lặp lại. Nhưng thôi, nghề nghiệp của tôi không là điều tôi muốn kể, nó giúp tôi thông cảm với mẹ hơn, vậy thôi. Đủ để không xảy ra cãi nhau.
***
Mấy lần mẹ kể chuyện cổ tích: Hồi đó có một người rất thương mẹ. Người đó tốt bụng, chân thành, và khá giả nữa.
Mà tại tôi phản ứng dữ dội quá. Tôi nhất định gọi tên em mình là Út. Tôi không chịu có thêm em khác nữa.
Em Út chịu người đó. Mỗi lần người đó đem bánh kẹo tới, Út chịu để cho nựng nịu và dắt đi chơi. Còn tôi thì từ chối mọi điều. Bữa cơm có người đó, tôi dằm nát bấy thức ăn trong mâm. Tôi hỗn láo không chịu chào hỏi và gác chân lên ghế... Tôi còn đòi bỏ nhà đi.
Một đứa nhỏ tám tuổi thì đi đâu?
Tôi cố nhớ lại khi mình tám tuổi, và cả trước đó... Mơ hồ một khuôn mặt trong hỗn độn. Người đàn ông đó có chân thành như mẹ kể không? Hay mẹ thêu hoa dệt gấm để bắt đền? Vì tôi mà mẹ mới ra ngày hôm nay. Lẽ ra đã có nơi chốn neo giữ mẹ.
Nhiều khi tôi ước ao, dù biết mình hoang tưởng vì đã mười lăm năm qua rồi, nhưng tôi vẫn không ngăn được niềm tưởng tượng là người đàn ông đó vẫn đang rất gần đâu đây, chờ tôi lớn lên, hiểu biết hơn.
Hoặc tình cờ mẹ con tôi gặp lại người đàn ông đó...
“Rồi thì sao nữa hả con?” mẹ vừa hỏi vừa xịt nước hoa vô thùng, hoặc là cái hộp, hoặc là cái tủ một ngăn... tôi không biết tên gọi đúng của nó là gì, hình dáng như cái quan tài dựng đứng nhưng dĩ nhiên nó đẹp đẽ hơn và hoàn toàn không gây rùng mình.
Cạn gần nửa chai nước hoa thì mẹ bước vô cái thùng (cái hộp, cái tủ một ngăn, cái quan tài dựng đứng...) và đóng cửa lại.
Đã quen rồi nhưng vẫn không thể không lo lắng. Thân hình mẹ choán phần lớn thể tích bên trong nghĩa là chừng ấy không khí bị đẩy ra ngoài khi mẹ chui vô. Làm sao đủ oxy cho mẹ hít thở suốt thời gian chờ cho mùi thơm thấm đẫm chân tơ kẽ tóc?
Người ta nói cỡ tuổi mẹ có những bất ngờ khó lường. Mẹ ướp nước hoa kiểu đó nhiều lần rồi và chưa lần nào bị làm sao cả. Nhưng biết đâu cái lần bị làm sao đó sẽ xảy ra khi cả hai chị em tôi vắng nhà?
Vậy, tôi ghét nhìn mẹ trang điểm và váy áo và vân vân và vân vân... Nhưng tôi phải theo dõi cho tới khi mẹ thơm ngát từ tóc xuống chân. Phần còn lại thì tôi nhắm mắt.
Nhắm mắt mà tôi vẫn nghe tiếng tắc xi trờ tới ngay trước cửa nhà. Và giọng nói và cách nói năng của tài xế.
Vậy đó, tắc xi. Chẳng người đàn ông nào đích thân đón mẹ. Bí mật.
***
Bí mật bị bật mí. Mà là bí mật của tôi.
Quán cà phê vườn ngoài những tấm bạt ngăn che lều lán còn cây cỏ um tùm đến nỗi thừa yên tâm không ai thấy mình. Vào buổi tối thì những kẻ cố tình rình mò hoàn toàn bó tay là cái chắc.
Tôi không có nỗi sợ ai đó nhìn thấy mình bên cạnh Huy cho nên tôi và Huy ngồi ở cái bàn gần quầy tính tiền. So với ánh sáng đèn màu hồng sậm không đủ phân biệt ly cà phê đá và ca cao sữa thì vị trí này đáng gọi là sáng choang, dĩ nhiên không lãng mạn bằng chỗ cái bàn được bao quanh bằng những chậu kiểng rung rinh chùm lá thoang thoảng hương bạc hà. Tại vì muỗi. Ngồi với người yêu mà huơ tay chân đuổi muỗi thì còn gì là duyên dáng. Chắc đã tới hạn tái phun thuốc diệt côn trùng mà chủ quán quên mất.
Tôi đang nghĩ lảm nhảm trong đầu là các cặp ở phía lều lán um tùm cây cỏ làm sao yên với bầy muỗi thì bỗng có tiếng răng rắc của cành cây gãy và tiếng kêu “ái da” vang lên. Ai đó vấp trúng cành cây gãy rơi trên lối đi.
Xuất hiện một cặp. Người đàn ông đi thẳng một mạch ra cổng còn người đàn bà đi tới quầy tính tiền. Dáng nhí nhảnh trên đôi giày cao gót, và mùi nước hoa quen thuộc.
Lẽ ra Huy đã không chú ý, chỉ tại anh nhìn theo ánh mắt tôi.
-  Ai vậy em?
Chẳng trốn đâu được nữa. Miệng tôi bật ra:
-  Mẹ.
Tôi vừa trả lời Huy vừa gọi mẹ. Cú đúp. Vẻ mặt Huy ngỡ ngàng và tôi biết vậy là thôi rồi. Nhưng tôi không để nỗi hụt hẫng khiến mình thua trắng tay. Tôi cố vớt vát, biến nỗi tủi hổ đau đớn thành cơ hội có thể khiến mẹ thay đổi.
***
Mà mẹ chẳng thay đổi. Nghe tôi đổ thừa vì thấy mẹ với người đàn ông đó nên tôi bị người yêu con nhà nề nếp ruồng bỏ, mẹ nhún vai ngâm nga “yêu nhau mấy núi cũng trèo...”
-  Con nên mừng vì cuộc gặp mẹ tối hôm đó là một phép thử - Mẹ nói.
Thật bó tay với mẹ luôn.
Út cười như mếu:
-  Chắc là em cũng không lấy được chồng.
Thật ra thì Út may mắn hơn tôi. Không biết anh chàng người yêu của Út đã tự thấy gì và Út đã kể gì cho người yêu nghe, nhưng anh chàng đó đã tới nhà lần thứ hai, vẫn rất lễ phép. Tôi biết Út đang hồi hộp chờ đợi lần thứ ba. Nếu có lần thứ ba thì có quyền hy vọng thêm nhiều lần nữa. Và biết đâu là mãi mãi.
Mãi mãi là một từ hiếm có trong đời thật.
Vậy nên tôi tự nhận xét mình có tính mộng mơ. Mâu thuẫn quá. Vì tôi thực tế kinh khủng: tôi phải kiếm cho mẹ một người đàn ông độc thân, nhanh, trước khi xảy ra một cuộc đánh ghen kéo cả hai chị em tôi cùng xuống hố.
***
 “Tuổi năm mươi. Có hai đứa con đã tự đi làm kiếm tiền được rồi nên cho phép mình hưởng thụ cuộc sống, thích xí xọn và thỉnh thoảng vui vẻ quán xá, hát karaoke, khiêu vũ. Mong muốn gặp một người tính cách thoải mái mà nghiêm túc trong tình cảm.”
Đọc duyệt mẩu tin tôi vừa gõ, Út cười:
- Chị giỏi ghê, khoe chị em mình kiếm tiền được rồi để người ta không thấy gánh nặng mà sợ.
Tôi hoàn toàn không có ý tứ sâu sắc vậy. Tôi chỉ lấy đó làm lý do để biện hộ cho tính ham chơi của mẹ thôi. Bỗng muốn ôm Út mà hôn một cái thật mạnh, cứ tưởng em vô tư hơn tôi.
Tôi nhớ khi mình mười tám bằng tuổi Út bây giờ, và trước đó... Mớ hỗn độn có tên ký ức từ từ tan loãng và mẹ hiện ra rất khác. Mẹ gầy gò, tóc cột túm lỏng lẻo, hai tay mẹ chống nạnh trên hai cục xương hông nhô ra “Hả? Khi cần chạy tiền thuốc thang cho con anh ở đâu? Khi mái nhà bị dột thì anh ở đâu? Khi tôi trèo lên bàn để nối dây điện thì anh ở đâu? Khi tôi tập cho con đi xe đạp thì anh ở đâu? Hả hả hả...?”
Đó là khi tôi gặp lại cha sau mười năm. Tôi nhận ra cha vì cơn thịnh nộ của mẹ, thật lòng tôi không nhớ mặt cha. “Cha mày đó. Có muốn đi theo thì đi luôn đi.” Mẹ hét vô mặt tôi.
Tới lúc đó tôi mới biết mẹ từng leo lên mái nhà và nối dây điện. “Sao mẹ leo lên mái nhà được?” Tôi hỏi. Mẹ cười khừ “Đụng chuyện là được hết con à. Bọn thợ thấy chủ nhà là đàn bà nên làm dối mà còn hỗn. Mẹ leo lên cho biết tay.”
Những khuya học bài nghe tiếng mèo kêu trên mái, tôi ngước nhìn và tưởng tượng mẹ đang đứng trên đó, hai tay chống nạnh trên hai cục xương hông...
Thương mẹ biết mấy.
***
Sáng mai chủ nhật. Kế hoạch là tới quán cà phê, tôi ngồi bàn này Út ngồi bàn kia như không quen biết nhau. Kín đáo quan sát và chấm điểm ba người đàn ông ở trang web Tìm Bạn Muôn Phương mà tôi đã thay mẹ gởi email hẹn hò. Ai được tổng điểm cao nhất là người được chọn.
-  Lỡ mà trong quán có nhiều hơn ba người đàn ông tuổi năm mươi cô đơn đi uống cà phê thì sao mình phân biệt được ai là ai? - Út hỏi.
-  Người hẹn hò sẽ có thái độ khác - Tôi nói.
-  Ý chị là họ nhìn quanh hả? - Út lại hỏi
-  Nhìn ra cửa thì đúng hơn - Tôi trả lời.
-  Nếu mình tới sớm hơn họ thì mình cũng nhìn ra cửa - Út nói sau một hồi nghĩ ngợi, như là khám phá chân lý.
-  Dĩ nhiên - Tôi gật đầu.
-  Tuyển chồng cho mẹ mà giống canh chừng ăn trộm quá - Út nói.
-  Một ông chồng cần qua vòng tuyển khác nữa. Tụi mình là giám khảo vòng sơ khảo thôi.
Hai chị em cười như điên trong vô vọng trộn lẫn hy vọng. Đến nỗi không nghe tiếng tắc xi ngừng trước cửa. Sợ hàng xóm dòm ngó cho nên tôi luôn canh chừng xe vừa ngừng lại là mở cửa ngay. Có khi còn phải lôi mẹ vào nhà.
Giọng mẹ qua điện thoại phiền trách “Ngủ rồi hả con?” Tôi vội chạy ra. Mùi rượu trộn với mùi nước hoa thành mùi kỳ dị nhưng đêm nay có thứ khác kỳ dị hơn: tắc xi vẫn còn đó.
Thường thì chỉ một mình mẹ.
Tôi ghét phải thấy mẹ một mình trước vỉa hè vào giờ này, gió thổi vạt váy bay bay giữa khuya nhìn như thân hình mẹ quấn một tấm khăn trễ tràng và nó sắp tuột xuống.
Không phải tắc xi. Không màu mè không có tên hãng và số điện thoại bên hông. Toàn một màu đen bóng, sang trọng kiêu kỳ.
Tôi ngạc nhiên đến thộn người không nói năng gì. Bỗng ý nghĩ mình là một phần của đêm nay khiến tôi muốn bật cười và tôi cố ghìm lại. Dù sao thì tôi cũng để lộ là mình đang vui. Biết đâu tôi hủy luôn kế hoạch ngày mai.
-  Mẹ khoe là về nhà luôn có con đợi sẵn - Mẹ lè nhè - Mẹ cá độ... Con khiến mẹ bị thua rồi.
Quay mặt về phía người ngồi sau tay lái trong chiếc xe màu đen, mẹ vẫy vẫy những ngón tay, cái vòng ở cổ tay mẹ đung đưa óng ánh:
-  Được rồi... Em thua... Không ai đón đợi em hết... Nợ anh một chầu...
Bàn tay thò qua cửa kính, những ngón tay vẫy vẫy đáp lại mẹ. Rồi chiếc xe lướt êm như ru.
Trái tim tôi sụm xuống. Bàn tay đó có đeo nhẫn ở ngón áp út.
***
Tôi tới quán cà phê sau Út năm phút. Vừa bước qua cửa, đang nhìn quanh để tìm một chỗ ngồi có thể quan sát được bao quát thì giọng Út vang lên sau một chậu cây cảnh:
-  Em ở đây nè.
Sao lại vậy? Câu hỏi vừa vọt trong đầu thì tôi nhìn thấy người ngồi cùng bàn với Út.
Cha.
Tôi đếm thời gian thật nhanh. Gần năm năm, kể từ ngày đó.
Mắt Út biểu lộ sự bất lực và đồng thời là nhẹ nhõm vì tôi đã đến. Cứ như nãy giờ một mình Út phải gồng mình chống đỡ cảnh oái ăm này.
“Không sao,” tôi trả lời Út cũng bằng mắt. Rồi tôi đi tới gần và nói “Con chào cha.”
-  Sáng nay gặp hai chị em ở đây thật là vui - Cha cười - Út lớn nhanh ghê.
Tôi đợi cha tìm ra điều gì đó hay ho nơi tôi để khen như vừa khen Út, nhưng cha gật gù:
-  Nếu hai đứa không phản đối thì thỉnh thoảng cha con mình gặp gỡ chuyện trò được không con?
Có vẻ như cha và Út đã kịp nói nhiều chuyện và đã qua nỗi ngượng ngùng của gặp lại nhau sau thời gian dài.
-  Cha hay uống cà phê ở quán này? - Tôi hỏi.
Cha nhìn quanh, lắc đầu:
-  Không. Quán này hơi xa. Cha hay uống ở gần nhà. Lần đầu tiên cha tới đây.
Cõ lẽ nào? Út đá chân tôi dưới gầm bàn, mũi giày nhọn húc mắt cá chân tôi đau điếng.
“Thầu xây dựng. 51 tuổi. Thích tìm tòi. Thường đọc báo. Ghiền cà phê. Rượu chỉ uống khi giao tiếp công việc. Đã định độc thân suốt đời. Muốn làm quen với em và tiến tới hôn nhân. Muốn có con.”
“Giáo viên toán. 52 tuổi. Kinh tế ổn định. Góa từ 10 năm nay. Có một con trai và một con gái tuổi đều đã lập gia đình ở riêng. Không bia rượu không thuốc lá. Thích đọc sách văn học và nghe nhạc tiền chiến. Mong làm quen và bắt đầu bằng tình bạn thông hiểu nhau.”
“Chủ tiệm giày thời trang nam nữ. 55 tuổi. Đã ly dị. Thích xem phim và kinh doanh. Muốn có một sự quen biết nghiêm túc để tiến tới hôn nhân.”
Chắc chắn cha không phải giáo viên toán. Vậy thì cha là thầu xây dựng hay chủ tiệm giày thời trang?
-  Con nghe nói dạo này cha chuyển nghề? - Tôi hỏi.
-  Ừ. Cha hùn với người bạn mở tiệm giày thời trang - Cha gật đầu và móc ví lấy ra tấm danh thiếp - Địa chỉ đây. Khi nào hai đứa ghé tiệm mang thử vài đôi, cha tặng. Mà sao con biết cha chuyển nghề?
Tôi lấy điện thoại ra làm như vừa có tin nhắn. Tôi chăm chú vô điện thoại để tránh câu trả lời và đợi nỗi trống rỗng căng phình trong lòng mình dịu xuống, mẩu tin cha tự giới thiệu trên trang Tìm Bạn Muôn Phương không hề nhắc tới hai đứa con.
Tôi cố chống lại nỗi muốn đứng lên bỏ đi ngay. Không thể vì cha mà buổi sáng nay sụp đổ được. Vẫn còn hai người khác.
Út lại đá chân tôi, mắt Út nhìn ra cửa.
Người đàn ông tuổi trên năm mươi vừa đi vào. Cao gầy, tóc chải ngược có vuốt keo, cặp kính gọng đen trên sống mũi, áo sơ mi màu kem, quần thụng vừa phải, giày da màu nâu bóng láng, vừa đi tới cái bàn trống vừa nhìn đồng hồ vừa nhìn quanh.Tám điểm cộng, trừ một điểm đàn ông hẹn hò mà quá trễ, đã trễ mà còn hoang phí thời gian trau chuốt nữa, còn bảy không cộng.
Và tôi nhìn thấy người đàn ông khác ngồi ở góc. Ly cà phê trước mặt ông ta vơi quá nửa. Có lẽ ông ta vào quán đã khá lâu mà lo nói chuyện với cha nên tôi và Út không kịp chú ý. Người này bụng hơi phệ, râu con kiến, mắt sâu, áo thun rộng màu xám và quần jean xanh, giày mọi màu đen. Đáng được tám điểm vì dáng vẻ tự nhiên nhưng tôi phân vân vì cái bụng phệ và kiểu ngồi vắt chân chữ ngũ lật đế giày lên trời.
Có lẽ người cao gầy là thầy giáo toán còn bụng phệ là thầu xây dựng nhưng biết đâu thầy giáo chỉ hoạt động đầu óc nên bụng mau phệ ra?
Sợ cha nhận ra tôi đang chú ý tới hai người đàn ông, tôi cúi xuống búng búng vết bụi dính ống quần. Mắt tôi đụng đôi giày màu da bò của cha. Khoảng cách quá gần nên tôi nhìn rõ từng mũi chỉ nổi đều đặn sắc sảo, cảm giác lớp da mềm ôm ấp bàn chân.
Tôi không ngăn được mắt mình tiếp tục nhìn lên, săm soi. Tôi không rành áo quần đàn ông nhưng chắc chắn bộ áo quần cha mặc là hàng hiệu bởi vì nó hoàn hảo quá, mặt vải mượt mịn, những chỗ mà đường chỉ nổi lên không một gợn nhăn. Cổ áo sơ mi vừa vặn tôn khuôn mặt cha tươi tỉnh khiến những nếp nhăn ở khóe miệng cũng thành duyên dáng khi cha nói và cười. Cổ tay cha đeo cái đồng hồ dây da màu nâu tông xuyệt tông với màu giày.
Cha lịch lãm khác hẳn khi đứng trước mặt mẹ trong cơn thịnh nộ.
So sánh giữa ba người, cha xứng đáng điểm chín cộng.
Út nhìn tôi bối rối, chắc là em cũng chấm cha điểm cao nhất.
Chấm điểm xong.
“Rồi thì sao nữa hả chị?”. Tôi nhìn thấy câu hỏi trong mắt Út, hệt như khi tôi hão huyền về người đàn ông cổ tích của mẹ.










Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 291 THÁNG 11 NĂM 2016, tác giả

NGUYỄN VĂN THANH



TẦM VÓC VÀ GIÁ TRỊ LỚN LAO
CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI
       


 Cách đây 99 năm, dưới sự lãnh đạo, sáng suốt của Đảng Bônsêvích, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã làm nên Cách mạng Tháng Mười vĩ đại.
Nó vĩ đại bởi lẽ trong hàng ngàn năm lịch sử, lần đầu tiên những người bị áp bức, bóc lột và quần chúng lao khổ đã đứng lên giành lấy chính quyền vào tay mình. Những người mà trong các cuộc cách mạng trước đó đã hy sinh xương máu để rồi lại trở thành nô lệ, thì ngày nay họ đã vứt bỏ được mọi áp bức và thiết lập được một nguyên tắc mới chân chính và nhân đạo.
Những khẩu hiệu “Nhà máy và công xưởng thuộc về người lao động”, “Ruộng đất của dân cày”, “Hòa bình cho nhân dân” và “Tự do, bình đẳng cho các dân tộc bị áp bức” đã vang lên khắp hành tinh năm 1917, đưa đến cho loài người kỷ nguyên mới. Đây là sự thay đổi tận gốc rễ số phận của nhân dân lao động và của cả loài người. Ngay sau thắng lợi Cách mạng Tháng Mười, V.I Lênin đã khẳng định rằng: "Chúng ta có quyền tự hào và thực tế, chúng ta tự hào là chúng ta có vinh hạnh được bắt đầu xây dựng Nhà nước Xô Viết và do đó, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản chủ nghĩa và ở bất cứ nơi nào cũng đang tiến tới một cuộc đổi mới, tiến tới chiến thắng giai cấp tư sản, tiến tới chuyên chính của giai cấp vô sản, tiến tới giải phóng loài người khỏi ách tư bản, khỏi cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa".
Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra con đường, phương pháp đúng đắn nhất cho phong trào cách mạng thế giới-mở đầu thời đại mới của lịch sử loài người. Nói về giá trị và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế".
Cách mạng Tháng Mười Nga là nguồn cổ vũ to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, ngay từ khi ra đời đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, lãnh đạo nhân dân làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, đưa cả nước đi lên CNXH, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, tiến hành công cuộc đổi mới.
 Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, một tổn thất nặng nề trong lịch sử phát triển của phong trào cộng sản và CNXH thế giới. Nhận thức sâu sắc được nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm sau sự sụp đổ của CNXH và sự tan rã của các Đảng Cộng sản cầm quyền ở Đông Âu và Liên Xô, Đảng Cộng sản Việt Nam kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong xây dựng CNXH ở Việt Nam, Đại hội VI của Đảng đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước và lãnh đạo tiến hành công cuộc đổi mới với bước đi cụ thể và nguyên tắc chỉ đạo sát hợp với điều kiện cụ thể nước ta.
Tiếp tục quán triệt đường lối đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa hội mà Đại hội lần thứ VII của Đảng đã xác định mô hình xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng gồm 6 đặc trưng và bảy phương hướng. Trong đó xác định kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì định hướng XHCN và chính thức đưa vào văn kiện “Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động”. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, X, XI, XII Đảng ta xác định ngày càng sáng rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tiếp tục bổ sung phát triển mô hình xã hội XHCN mà Đại hội VII đã đưa ra. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã và đang nỗ lực thúc đẩy công cuộc đổi mới, từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
99 năm trôi qua, nhân loại dù có trải qua những bước thăng trầm với không ít khúc quanh lịch sử, nhưng giá trị của Cách mạng Tháng Mười và sức sống của nó vẫn trường tồn cùng với thời gian, cổ vũ các dân tộc trên con đường phát triển. Một số nước tiếp tục xây dựng Xã hội chủ nghĩa thành công. Phong trào cánh tả thế giới phát triển mạnh. Ở Châu Mỹ có nước tuyên bố xây dựng Chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ 21. Những năm gần đây, mô hình CNTB hiện đại cũng đang lún sâu trong cuộc đại khủng khoảng, bắt nguồn từ Mỹ năm 2008 kéo dài cho đến nay, hiện vẫn đang trong giai đoạn “tiêu điều” chưa có dấu hiệu phục hồi và phát triển, thì những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong 30 năm đổi mới đã khẳng định tính đúng đắn sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo dân tộc Việt Nam kiên định con đường XHCN và lựa chọn mô hình CHXH với những đặc trưng vừa phù hợp với những đặc điểm của đất nước và con người Việt Nam vừa phù hợp với tính chất của thời đại mới - thời đại kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế. Điều đó chứng minh rằng Chủ nghĩa Mác - Lênin, lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga trường tồn.
Những thành tựu to lớn của 30 năm đổi mới ở Việt Nam đã thêm một lần nữa khẳng định giá trị và sức ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười. Nói như Lênin: “Bao giờ và trong thời hạn nào thì những người vô sản các nước sẽ hoàn thành được sự nghiệp ấy - điều đó không quan trọng. Điều quan trọng chính là băng đã tan, đường đã mở, lối đã vạch ra rồi”.
Cách mạng Tháng Mười có thể xem là cuộc cách mạng đưa đường mở lối. Nhân dân Việt Nam quyết đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn. Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa khẳng định: “kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới”. “Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.  Trong tình hình hiện nay, đội ngũ cán bộ chủ chốt phải nêu gương thực hành đạo đức, thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

























Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 290 tác giả TƯ HƯƠNG

Tac giả  HỒNG CHIẾN



ÂM HƯỞNG DÂN GIAN
TRONG CHUYỆN BÀ H’BLA CỦA HỒNG CHIẾN



Là tài sản quý báu của nhân dân, văn học dân gian được xem là mạch nguồn của nền văn học mỗi dân tộc. Đó là kho tàng chất liệu, ý tưởng và cảm hứng vô tận để trên cơ sở đó, nhà văn thỏa sức sáng tạo, làm nên những tác phẩm giá trị. M. Gorki từng nói: “Nhà văn không biết đến văn học dân gian là nhà văn tồi”. Thật vậy, dù vô tình hay hữu ý, tác giả văn học viết đều ít nhiều kế thừa, học hỏi từ mạch nguồn truyền thống của văn học dân gian. Trên thực tế, không ít đỉnh cao của văn học Việt Nam và nhân loại đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn học dân gian.
Nhà văn Hồng Chiến đã tiếp thu khá nhiều từ văn học dân gian để làm giàu thêm cho thế giới nghệ thuật của mình. Truyện của Hồng Chiến mang dấu ấn của văn học dân gian khá rõ nét. Tiêu biểu cho khuynh hướng tìm về truyền thống của nhà văn là tác phẩm Chuyện bà H’Bla, một truyện ngắn ra đời gần đây, đăng trên Tạp chí Chư Yang Sin số 288.
Đọc Chuyện bà H’Bla, không khó để nhận ra những âm hưởng từ văn học dân gian trong truyện. Đặc biệt, trong tác phẩm này, không chỉ học hỏi từ truyện dân gian, nhà văn Hồng Chiến còn có những tìm tòi, sáng tạo mới. Truyện nhờ đó mang nhiều giá trị độc đáo, sâu sắc.
Trước hết, ảnh hưởng của văn học dân gian trong thể hiện ngay ở việc vào truyện của tác phẩm. Tác giả chọn công thức vào truyện hết sức quen thuộc, của truyện cổ tích. Đó là kiểu giới thiệu phiếm định về thời gian quá khứ “ngày xửa ngày xưa”. Đây là một trong những đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện của truyện dân gian. Nó xóa mờ tính cụ thể, chính xác của thời gian để dẫn dắt người đọc trở về quá khứ xa xôi, mơ hồ, nhờ đó, tạo nên không khí đậm chất cổ tích và làm tăng tính thuyết phục cho những câu chuyện kì ảo được kể trong truyện. Kế thừa từ truyện dân gian, đồng thời cố tình đẩy câu chuyện lùi sâu thêm vào quá khứ với thành phần phụ chú “lâu lắm rồi”, tác giả đã thành công trong việc vào truyện một cách tự nhiên, gây sự tò mò và gợi trí tưởng tượng cho người đọc. Thời gian của câu chuyện được đẩy lùi về rất xa, do đó đó, Chuyện bà H’Bla càng gần với chuyện cổ tích, nhân vật và sự kiện trong truyện cũng mang “chất cổ tích” đậm nét hơn. Nhờ vậy, tác phẩm có khả năng mở ra một không gian cổ tích, diễn biến câu chuyện sẽ được chờ đợi và tính hấp dẫn của tác phẩm cũng được tăng lên.
Trong Chuyện bà H’Bla, tình huống truyện là sự kiện nhân vật H’Bla phát hiện và cứu sống con khỉ bị rắn hổ mang cắn. Ở tình huống này, tác giả đã kế thừa ít nhiều từ dân gian để phát triển câu chuyện. Trong truyện dân gian, không khó để nhận ra motif “người vật tương cảm”. Trong nhiều truyện cổ tích, con người và con vật (đồ vật, cỏ cây…) có thể thấu hiểu lẫn nhau, thậm chí giao tiếp với nhau, ví như trong truyện Lấy vợ cóc, Thạch Sanh, Cây khế… Trong truyện của mình, tác giả Hồng Chiến kế thừa và phát triển từ dân gian ở việc để bà H’Bla và con khỉ thấu hiểu nhau, thông qua nhiều chi tiết như: Những lời vỗ về con khỉ của bà H’Bla với hình thức trò chuyện trực tiếp có từ xưng hô (“Xin lỗi mày nhé, khỉ không uống thế này được thì thôi vậy. Mày hết đau rồi đấy, tao phải đi đây” hay “Gì nữa đây, giờ mày chạy theo bầy được rồi, để tao còn đi hái thuốc chứ!”…), tình cảm của bà H’Bla thể hiện qua những lời nói và việc làm, biểu hiện tâm trạng của con khỉ: “Đôi mắt khỉ nhìn như van lơn, cầu khẩn. Bỗng nó kêu lên một tiếng như nấc”, “Từ đôi mắt tròn xanh xanh của con khỉ bị thương, hai dòng lệ trào ra, lăn xuống gò má, rơi xuống đám lông ngực màu xám bạc. Nó ôm cây đa mà mắt vẫn không rời H’Bla”, thậm chí đàn khỉ cũng thấu hiểu và có tâm trạng rõ nét. Trong trường hợp này, tác giả đã thay việc con vật nói chuyện với con người của truyện dân gian (có tính hoang đường) bằng những chi tiết hiện thực, hợp logic. Câu chuyện nhờ đó vừa có màu sắc cổ tích lại vừa khoa học, giàu sức hấp dẫn và có tính thuyết phục hơn.
Một chi tiết quan trọng của truyện là việc con khỉ báo ơn cứu mạng của bà H’Bla: Con khỉ hái thuốc cho bà H’Bla, đến viếng khi ân nhân qua đời. Chi tiết này chịu ảnh hưởng rõ nét từ truyện dân gian. Trong truyện cổ tích, motif “nuôi/ cứu/ giúp/ tha cho con vật thì được con vật trả ơn” xuất hiện thường xuyên, chẳng hạn như chuyện con quạ trả ơn trong truyện Cây khế, chuyện con rắn nước báo ơn trong truyện Cứu vật vật trả ân, cứu nhân nhân báo oán… Kế thừa motif này, tác giả mang đến cho tác phẩm một câu chuyện cảm động, đầy tính nhân văn. Tuy nhiên, nếu như sự báo ân trong truyện cổ tích thường mang sắc thái hoang đường (lễ vật báo ơn thường mang tính siêu nhiên) thì việc báo ân của con khỉ trong truyện của Hồng Chiến lại hiện thực hơn, phù hợp với tâm thức của người hiện đại hơn. Điều này nói lên rằng, tác giả kế thừa từ dân gian nhưng đồng thời cũng có những tìm tòi, sáng tạo, làm mới. Đây là một điều đáng ghi nhận trong việc học tập, tiếp thu vốn văn học dân gian trong sáng tạo nghệ thuật của tác giả Hồng Chiến.
Ở cuối truyện, có một chi tiết thú vị là tác giả quay ngược thời gian trở về thì hiện tại và nêu ra một hiện tượng phổ biến là “một số dân tộc ít người ở Tây Nguyên thường có tục lệ tạc tượng hình con khỉ ôm mặt, đôi chim công đứng canh trên các ngôi mộ người mới mất truyền đến ngày nay”. Không khó nhận ra ở chi tiết này motif giải thích đặc điểm của sự vật, hiện tượng trong văn học dân gian mà tác giả đã tiếp thu. Trong truyện dân gian (và sau này là trong truyện cổ tích viết lại, cổ tích hiện đại), có không ít truyện nhằm giải thích đặc điểm của loài vật, hiện tượng. Chẳng hạn, truyện Trí khôn của ta đây giải thích vì sao bộ lông con hổ có vằn và hàm trên của trâu không có răng, truyện Sự tích chim hít cô giải thích cho tiếng kêu lạ của loài chim này. Hay như nhà văn Phạm Hổ có cả một tập truyện với nhan đề Chuyện hoa chuyện quả giải thích về tên gọi, đặc tính của nhiều loài cây cối, hoa quả. Rõ ràng, trong chi tiết cuối truyện này, nhà văn Hồng Chiến đã học tập lại từ dân gian và một số nhà văn viết cho thiếu nhi đi trước. Điều độc đáo là ở chỗ, giải thích cho “tục lệ tạc tượng hình con khỉ ôm mặt, đôi chim công đứng canh trên các ngôi mộ người mới mất” của đồng bào Tây Nguyên bằng câu chuyện mang đậm màu sắc cổ tích, có lẽ Hồng Chiến là nhà văn đầu tiên.
Có thể nói, Chuyện bà H’Bla là một truyện ngắn hay của nhà văn Hồng Chiến. Truyện thành công ở nhiều phương diện trong đó, tiêu biểu nhất là việc tiếp thu, kế thừa và phát huy vốn dân gian trong việc tổ chức, xây dựng câu chuyện. Truyện khá gần gũi với truyện cổ tích, chịu ảnh hướng khá rõ nét từ truyện dân gian ở nhiều phương diện như cách vào truyện, sử dụng các motif quen thuộc của truyện dân gian. Nhưng quan trọng hơn, bằng việc học tập từ văn học dân gian, tác giả Hồng Chiến đã mang đến cho câu chuyện nhiều thông điệp nhân văn sâu sắc về tình yêu thương, lòng biết ơn. Câu chuyện vì thế để lại được nhiều điều trong lòng người đọc.

Quy Nhơn, 1.10.2016




Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

ÂM HƯỞNG DÂN GIAN TRONG CHUYỆN BÀ H’BLA CỦA HỒNG CHIẾN tác giả TƯ HƯƠNG - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN số: 290 năm 2014

Nhà văn HỒNG CHIẾN



Là tài sản quý báu của nhân dân, văn học dân gian được xem là mạch nguồn của nền văn học mỗi dân tộc. Đó là kho tàng chất liệu, ý tưởng và cảm hứng vô tận để trên cơ sở đó, nhà văn thỏa sức sáng tạo, làm nên những tác phẩm giá trị. M. Gorki từng nói: “Nhà văn không biết đến văn học dân gian là nhà văn tồi”. Thật vậy, dù vô tình hay hữu ý, tác giả văn học viết đều ít nhiều kế thừa, học hỏi từ mạch nguồn truyền thống của văn học dân gian. Trên thực tế, không ít đỉnh cao của văn học Việt Nam và nhân loại đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn học dân gian.
Nhà văn Hồng Chiến đã tiếp thu khá nhiều từ văn học dân gian để làm giàu thêm cho thế giới nghệ thuật của mình. Truyện của Hồng Chiến mang dấu ấn của văn học dân gian khá rõ nét. Tiêu biểu cho khuynh hướng tìm về truyền thống của nhà văn là tác phẩm Chuyện bà H’Bla, một truyện ngắn ra đời gần đây, đăng trên Tạp chí Chư Yang Sin số 288.
Đọc Chuyện bà H’Bla, không khó để nhận ra những âm hưởng từ văn học dân gian trong truyện. Đặc biệt, trong tác phẩm này, không chỉ học hỏi từ truyện dân gian, nhà văn Hồng Chiến còn có những tìm tòi, sáng tạo mới. Truyện nhờ đó mang nhiều giá trị độc đáo, sâu sắc.
Trước hết, ảnh hưởng của văn học dân gian trong thể hiện ngay ở việc vào truyện của tác phẩm. Tác giả chọn công thức vào truyện hết sức quen thuộc, của truyện cổ tích. Đó là kiểu giới thiệu phiếm định về thời gian quá khứ “ngày xửa ngày xưa”. Đây là một trong những đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện của truyện dân gian. Nó xóa mờ tính cụ thể, chính xác của thời gian để dẫn dắt người đọc trở về quá khứ xa xôi, mơ hồ, nhờ đó, tạo nên không khí đậm chất cổ tích và làm tăng tính thuyết phục cho những câu chuyện kì ảo được kể trong truyện. Kế thừa từ truyện dân gian, đồng thời cố tình đẩy câu chuyện lùi sâu thêm vào quá khứ với thành phần phụ chú “lâu lắm rồi”, tác giả đã thành công trong việc vào truyện một cách tự nhiên, gây sự tò mò và gợi trí tưởng tượng cho người đọc. Thời gian của câu chuyện được đẩy lùi về rất xa, do đó đó, Chuyện bà H’Bla càng gần với chuyện cổ tích, nhân vật và sự kiện trong truyện cũng mang “chất cổ tích” đậm nét hơn. Nhờ vậy, tác phẩm có khả năng mở ra một không gian cổ tích, diễn biến câu chuyện sẽ được chờ đợi và tính hấp dẫn của tác phẩm cũng được tăng lên.
Trong Chuyện bà H’Bla, tình huống truyện là sự kiện nhân vật H’Bla phát hiện và cứu sống con khỉ bị rắn hổ mang cắn. Ở tình huống này, tác giả đã kế thừa ít nhiều từ dân gian để phát triển câu chuyện. Trong truyện dân gian, không khó để nhận ra motif “người vật tương cảm”. Trong nhiều truyện cổ tích, con người và con vật (đồ vật, cỏ cây…) có thể thấu hiểu lẫn nhau, thậm chí giao tiếp với nhau, ví như trong truyện Lấy vợ cóc, Thạch Sanh, Cây khế… Trong truyện của mình, tác giả Hồng Chiến kế thừa và phát triển từ dân gian ở việc để bà H’Bla và con khỉ thấu hiểu nhau, thông qua nhiều chi tiết như: Những lời vỗ về con khỉ của bà H’Bla với hình thức trò chuyện trực tiếp có từ xưng hô (“Xin lỗi mày nhé, khỉ không uống thế này được thì thôi vậy. Mày hết đau rồi đấy, tao phải đi đây” hay “Gì nữa đây, giờ mày chạy theo bầy được rồi, để tao còn đi hái thuốc chứ!”…), tình cảm của bà H’Bla thể hiện qua những lời nói và việc làm, biểu hiện tâm trạng của con khỉ: “Đôi mắt khỉ nhìn như van lơn, cầu khẩn. Bỗng nó kêu lên một tiếng như nấc”, “Từ đôi mắt tròn xanh xanh của con khỉ bị thương, hai dòng lệ trào ra, lăn xuống gò má, rơi xuống đám lông ngực màu xám bạc. Nó ôm cây đa mà mắt vẫn không rời H’Bla”, thậm chí đàn khỉ cũng thấu hiểu và có tâm trạng rõ nét. Trong trường hợp này, tác giả đã thay việc con vật nói chuyện với con người của truyện dân gian (có tính hoang đường) bằng những chi tiết hiện thực, hợp logic. Câu chuyện nhờ đó vừa có màu sắc cổ tích lại vừa khoa học, giàu sức hấp dẫn và có tính thuyết phục hơn.
Một chi tiết quan trọng của truyện là việc con khỉ báo ơn cứu mạng của bà H’Bla: Con khỉ hái thuốc cho bà H’Bla, đến viếng khi ân nhân qua đời. Chi tiết này chịu ảnh hưởng rõ nét từ truyện dân gian. Trong truyện cổ tích, motif “nuôi/ cứu/ giúp/ tha cho con vật thì được con vật trả ơn” xuất hiện thường xuyên, chẳng hạn như chuyện con quạ trả ơn trong truyện Cây khế, chuyện con rắn nước báo ơn trong truyện Cứu vật vật trả ân, cứu nhân nhân báo oán… Kế thừa motif này, tác giả mang đến cho tác phẩm một câu chuyện cảm động, đầy tính nhân văn. Tuy nhiên, nếu như sự báo ân trong truyện cổ tích thường mang sắc thái hoang đường (lễ vật báo ơn thường mang tính siêu nhiên) thì việc báo ân của con khỉ trong truyện của Hồng Chiến lại hiện thực hơn, phù hợp với tâm thức của người hiện đại hơn. Điều này nói lên rằng, tác giả kế thừa từ dân gian nhưng đồng thời cũng có những tìm tòi, sáng tạo, làm mới. Đây là một điều đáng ghi nhận trong việc học tập, tiếp thu vốn văn học dân gian trong sáng tạo nghệ thuật của tác giả Hồng Chiến.
Ở cuối truyện, có một chi tiết thú vị là tác giả quay ngược thời gian trở về thì hiện tại và nêu ra một hiện tượng phổ biến là “một số dân tộc ít người ở Tây Nguyên thường có tục lệ tạc tượng hình con khỉ ôm mặt, đôi chim công đứng canh trên các ngôi mộ người mới mất truyền đến ngày nay”. Không khó nhận ra ở chi tiết này motif giải thích đặc điểm của sự vật, hiện tượng trong văn học dân gian mà tác giả đã tiếp thu. Trong truyện dân gian (và sau này là trong truyện cổ tích viết lại, cổ tích hiện đại), có không ít truyện nhằm giải thích đặc điểm của loài vật, hiện tượng. Chẳng hạn, truyện Trí khôn của ta đây giải thích vì sao bộ lông con hổ có vằn và hàm trên của trâu không có răng, truyện Sự tích chim hít cô giải thích cho tiếng kêu lạ của loài chim này. Hay như nhà văn Phạm Hổ có cả một tập truyện với nhan đề Chuyện hoa chuyện quả giải thích về tên gọi, đặc tính của nhiều loài cây cối, hoa quả. Rõ ràng, trong chi tiết cuối truyện này, nhà văn Hồng Chiến đã học tập lại từ dân gian và một số nhà văn viết cho thiếu nhi đi trước. Điều độc đáo là ở chỗ, giải thích cho “tục lệ tạc tượng hình con khỉ ôm mặt, đôi chim công đứng canh trên các ngôi mộ người mới mất” của đồng bào Tây Nguyên bằng câu chuyện mang đậm màu sắc cổ tích, có lẽ Hồng Chiến là nhà văn đầu tiên.
Có thể nói, Chuyện bà H’Bla là một truyện ngắn hay của nhà văn Hồng Chiến. Truyện thành công ở nhiều phương diện trong đó, tiêu biểu nhất là việc tiếp thu, kế thừa và phát huy vốn dân gian trong việc tổ chức, xây dựng câu chuyện. Truyện khá gần gũi với truyện cổ tích, chịu ảnh hướng khá rõ nét từ truyện dân gian ở nhiều phương diện như cách vào truyện, sử dụng các motif quen thuộc của truyện dân gian. Nhưng quan trọng hơn, bằng việc học tập từ văn học dân gian, tác giả Hồng Chiến đã mang đến cho câu chuyện nhiều thông điệp nhân văn sâu sắc về tình yêu thương, lòng biết ơn. Câu chuyện vì thế để lại được nhiều điều trong lòng người đọc.
Quy Nhơn, 1.10.2016






Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 290 tác giả PHẠM MINH TRỊ




“BẾP LỬA” – NỒNG ĐƯỢM TÌNH BÀ CHÁU


Nguyễn Việt Bằng, tên khai sinh của nhà thơ Bằng Việt, sinh năm 1941, ở Thạch Thất, Hà Tây – nay là Hà Nội. Ông viết bài thơ này năm 1963 khi đang học ngành luật ở Liên Xô (cũ). Ông là bạn thân của cặp vợ chồng nhà thơ tài hoa Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh.
Không hiểu sao khi đọc bài thơ Bếp lửa tôi lại nghĩ đến bài Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh. Có lẽ cả hai đều là những dòng hồi tưởng về tuổi ấu thơ. Một bài lấy ánh lửa nồng đượm ấm áp để làm chỗ tựa cho cảm xúc. Một bài đem tiếng gà buổi trưa cục ta cục tác đang nhảy ổ để xây nên cảm xúc. Song cả hai đều đưa người đọc xuôi về miền kí ức đẹp đẽ để rồi bật lên tình bà cháu thân thương yêu kính.
Có người nói rằng khi nhà thơ Bằng Việt học tập ở Liên Xô nhớ nhà đến quặn thắt con tim, lại đang vào mùa đông, trời đầy tuyết, lòng nhớ nhung thế là cảm xúc dâng trào. Tác giả viết một mạch, bài thơ hoàn thành rất nhanh. Nhưng còn băn khoăn về bút danh. Chọn mãi sau được sự góp ý của người bạn gái người Cuba cùng học, nhà thơ đã chọn bút danh là Bằng Việt – đảo ngược tên và chữ đệm mà thành.
Trong lúc tuyết phủ trắng trời ấy còn gì hay hơn và phù hợp hơn khi có bếp lửa trong lòng. Bếp lửa ấy vừa sưởi ấm khí lạnh của tuyết vừa nối liền nỗi nhớ quê hương, vừa tô đậm tình bà cháu. Thế nên mở đầu bài thơ hình ảnh một bếp lửa chờn vờn sương sớm trong hồi tưởng hiện ra. Từ láy chờn vờn cho người đọc thấy rõ đây chỉ là sự hoài niệm của kí ức thưở ấu thơ hiện ùa về. Và dòng hồi ức mở ra…
Con người khi xa xứ, lúc cuộc sống vật chất đủ đầy thường nhớ về quê hương và đặc biệt nhớ về thời khốn khó, cơ cực nhất. Nhà thơ cũng vậy nhớ thời Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói/ Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi/ Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy/ Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu/ Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay. Hình ảnh khói hun nhèm mắt được trợ từ chỉ đi kèm với tính từ nhớ, tác giả không dùng từ chỉ mức độ nhưng nỗi nhớ vẫn được nhấn mạnh và còn thêm sự nhận xét đánh giá nên tạo ra sự ám ảnh. Hình ảnh khói hun nhèm mắt đã ám ảnh mãi trong tâm trí của tác giả và nhắc nhở người đọc nhớ về một thời kì chồng chất nỗi cay cực, khổ sở. Đói đến nỗi mòn mỏi tưởng không còn sức sống, cực đến nỗi khô rạc cả thân ngựa gầy. Thật thấm thía nỗi đau thương.
Dòng hồi tưởng tiếp tục nhớ về hồi 9 năm trường kì kháng chiến, mẹ và cha đi công tác xa không về, ở nhà vào ra chỉ có hai bà cháu, nhưng tình bà cháu vẫn ấm áp nồng đượm như bếp lửa mỗi ngày cháu cùng bà nhóm lửa. Đặc biệt âm thanh nôn nao tha thiết  của tiếng chim tu hú nơi đồng xa. Ta tưởng như âm thanh ấy vượt hàng ngàn dặm đất trời vang mãi tận xứ tuyết xa xôi. Dường như tiếng chim tu hú ấy biết nói, biết suy nghĩ, biết cảm thông. Tác giả ước ao Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà/ Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa. Tiếng kêu hoài của tu hú càng khiến lòng người xao động bởi nó được không gian rộng mênh mông của những cánh đồng xa làm xúc tác tạo nên những xung động trong hiệu ứng thẩm mĩ lan toả vô cùng. Trong đoạn thơ có 11 câu, mà tác giả để âm thanh tiếng chim tu hú cất lên tới năm lần, chiếm gần một nửa số câu thơ trong đoạn. Cả đoạn tràn đầy tiếng chim tu hú. Tiếng tu hú là âm thanh đặc trưng của mùa hè. Mới chớm nghe đã thấy bâng khuâng, xao xuyến vừa có cảm giác nhớ nhung, vừa có cảm giác nôn nao xa vời vợi và nuối tiếc. Có lẽ cặp câu thơ Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà/ Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa. Là cặp câu thơ hay và gợi cảm nhất của bài thơ này. Tác giả có sự kết hợp rất độc đáo giữa biện pháp nghệ thuật nhân cách hoá với biện pháp hoà hợp giữa âm thanh tượng trưng với bề mặt diện tích để tạo ra sự liên  tưởng vừa kích hoạt vào cảm giác vừa làm nổi bật ý muốn biểu hiện. Đây là cách nói gợi nhất về tình bà cháu vừa mênh mang, vừa sâu thẳm. Thán từ ơi cùng câu hỏi cuối dòng thơ càng làm cho tình bà cháu quyện lại trong nhớ nhung, chẳng bao giờ nguôi ngoai.
Dòng hồi tưởng tiếp tục đưa người đọc về với những năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi. Tội ác của bọn giặc càng hun đúc ý chí, nghị lực của con người hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi/ Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh/ Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh/ Bố ở chiến khu bố còn việc bố/ Mày có viết thư chớ kể này kể nọ/ Cứ bảo nhà vẫn được bình yên. Cuộc kháng chiến 9 năm trường kì và cả sau này nữa thắng lợi là nhờ ở những con người kiên cường, lạc quan luôn nhận lấy phần cực khổ để người ra đi yên lòng phục vụ Tổ quốc. So với lịch sử họ là nhỏ bé, so với chiến công kì vĩ của dân tộc họ bị khuất lấp song nếu không có những con người như bà, người hàng xóm và cả cháu bé  thì sao làm nên kì tích. Chính tình bà cháu đã kết lại thành một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn/ Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng.  Sự đau thương của quê hương, đất nước đã đọng lại trong cuộc đời bà lận đận đời bà biết mấy nắng mưa nhưng bà sẵn nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi/ Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui/ Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ. Một lần nữa biện pháp điệp ngữ được tác giả sử dụng thành công. Dòng cảm xúc dâng trào. Từ hành động cụ thể – thực – nhóm bếp, nồi xôi tác giả nâng lên tầng bậc mới, khái quát hơn – nhóm yêu thương, nhóm dậy những tâm tình. Tình bà – ngọn lửa – niềm tin mãi mãi bất diệt nên mới kì lạ và thiêng liêng.
Gói lại dòng cảm xúc đang dâng trào là thời gian hiện tại (giờ cháu đã đi xa). Với không gian sôi động – có ngọn khói trăm tàu, có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả. Dù ở đâu, lúc nào, phương trời nào, hoàn cảnh nào thì hành động bình dị nhóm bếp lửa của bà vẫn luôn in đậm, khắc sâu trong lòng tác giả. Và ngọn lửa nồng ấm cháy mãi.


Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 290


Chùm văn xuôi của các em dự trại sáng tác văn học Hương Rừng lần thứ VII – 2016

HỨA THỊ THIÊN
Dân tộc: Nùng
Lớp:
Trường: THPT Nguyễn Thái Bình – Ea Kar


HƯƠNG DÃ QUỲ


Nắng đã lên. Những tia nắng mới lên lách mình qua các khe gỗ nhỏ tạo thành từng vệt sáng. Chị Thanh ngồi bên cửa sổ lật lật cuốn tạp chí thiếu nhi, cười cười. Tôi bưng tô mì thơm lừng lên húp... roạt… roạt... thật ngon. Tô mì đã sạch sẽ, tôi lấy tay xoa xoa bụng mình thỏa mãn… Bỗng nghe có tiếng gọi:
- Anh Tém ơi! Anh Tém! Đi chơi đi, mau lên nào!
Ngó ra cửa sổ, nhìn về phía hàng rào thì ra là bọn thằng Tí gọi tôi. Tôi quơ vội đôi dép xốp, ngó xung quanh. Chị Thanh vẫn đọc báo, bà và ba mẹ chắc đã đi làm. Cơ hội đây rồi! Tôi vội vàng nhảy qua luôn cái cửa sổ, xông thẳng ra bờ rào đến chỗ thằng Tí. Tới nơi, tôi chống hông, chu mỏ lên quát:
- Tụi bay muốn tao bị mẹ đánh tét đít à?
- Tại bọn con Tẹt cứ giục chứ bộ - Thằng Tí thanh minh.
- Ủa! Hồi nãy tao nghe giọng con trai mà?
Thằng Tí cười cười xoa đầu nói:
- Hì…hì… ừ thì tao sợ mày không nghe chớ bộ.
Cộc, tôi kí cho thằng Tí một phát lên đỉnh đầu rõ đau. Nó ôm đầu la oai oái:
- Ui da… chơi ác quá à! Để tao kí tặng lại cho mày ha!
Nó đưa tay lên, cố kiễng cái chân để cốc đầu tôi nhưng không tới, tôi gạt tay nó ra nói:
- Thế có đi không? Mẹ tao mà về hết đi à nha.
Thằng Tí nghĩ ngợi đôi chút rồi vụt chạy đi trước. Đi được một đoạn nó ngoái lại thách thức:
- Tao thách tụi mày đuổi được tao đó!
Con Tẹt lôi tay tôi vùng vằng chạy theo thằng Tí, vừa đi con Tẹt vừa kêu:
- Ê, chờ với, chờ với.
Chạy ào chừng ba bốn phút, chúng tôi tới cái gọi là “bãi biển” của riêng mình. “Bãi biển” thật đẹp và đơn giản. Nó là chỏm cát thừa, bố tôi dùng để xây trụ tiêu, bên trên còn có cây dừa nhỏ mọc xiên. Đặc biệt cạnh đó còn có cái que tre dài bên trên treo lá cờ hải tặc do thằng Tí vẽ. Lá cờ có cái đầu lâu méo méo với hai cái gạch đen bên dưới làm xương. Thằng Tí reo lên:
- Tới địa bàn rồi anh em ơi!
Tôi chạy một mạch lên chỗ cây dừa, quay mặt xuống phía tụi nó:
- Giờ chơi trò hải quân nha! Tao làm chỉ huy, tụi bay làm lính.
- Được thôi – Chúng nó đồng thanh đáp.
Con Tẹt với thằng Tí tự đứng xếp hàng. Con Tẹt cứ hết chỉnh tay lại chỉnh chân thằng Tí. Tôi gỡ lá cờ xuống, bỏ luôn cái que, quay đầu qua phía tụi nó phát lệnh:
- Nghiêm! Đằng trước thẳng!
Tôi bước sang trái, lại sang phải để ngắm hàng. Tôi nhìn thằng Tí, vừa nhịn cười vừa nói:
- Đề nghị anh Tí chỉnh lại đồng phục!
- Đồ tao đẹp mà – Nó cãi.
- Đồng chí tự xem lại đi, yêu cầu đồng chí xách quần bên hông phải lên, không sẽ rơi mất.
Nó vội vàng kéo cái chun quần buộc lại vì cái quần sắp rớt bên hông. Con Tẹt buột miệng cười lớn:
- Ha…ha…ha.
Đáng lẽ tôi đã cố nhịn nhưng không nổi nữa, tôi bật cười to hơn cả con Tẹt. Thằng Tí bây giờ mặt đỏ như trái ớt chín.
Nó cố gắng chế:
- Tại nãy tao chạy nhanh chớ bộ! Tụi bay không bị tụt lần nào hả?
Tôi với con Tẹt ôm bụng cười không trả lời, thằng Tí thẹn quá hóa giận. nó mếu máo:
- Tụi mày cười nữa tao về, tao tạch luôn cho biết!
- Thôi mà anh Tí, xin lỗi mà – Con Tẹt kéo nó. Thằng Tí phụng phịu.
- Chơi trò khác nha! – Con Tẹt ra sáng kiến.
- Chơi gì? – Tôi với thằng Tí hỏi.
- Chơi thẩm phán đi, Tí làm mẹ của em. Anh Tém làm chủ tòa nha!
- Được đó!
Vậy là phiên tòa có một không hai đã diễn ra. Thẩm phán nghiêm trang, ngồi trên chiếc ghế vuông bằng viên gạch. Tay tôi cầm hòn đá trắng nhỏ, hai đứa nguyên cáo và bị cáo đứng chắp tay trước ngực, gõ hòn đá xuống đất, tôi tuyên bố:
- Phiên tòa bắt đầu. Mời nguyên cáo trình bày.
Con Tẹt như bắt được vàng. Nó đưa tay khoanh lại trước ngực, nói:
- Thưa ngài, hôm nọ con cùng mẹ đi chợ, mẹ hỏi con thích mùa váy màu hồng hay chiếc màu xanh. Con đã nói mua màu hồng mà đến cuối cùng lại mua màu xanh. Thế mẹ hỏi con như vậy làm gì? Tức ơi là tức. Mẹ luôn bắt con phải làm việc nhà còn con Cún chỉ ngồi chơi. Thật bất công.
Con Tẹt vừa dứt lời, Tí mắt tròn xoe chỉ biết ú ớ:
- Ơ… ơ… tao có làm gì đâu? Tao bắt mày làm khi nào?
Nguyên cáo tay chống hông, chu mỏ cãi:
- Có mà… hức… có đó, mẹ nhớ đi.
Giờ thì thằng Tí á khẩu thật rồi. Tôi cầm hòn đá gõ hai phát thể hiện uy nghi:
- Im lặng để tuyên án, sau quyết định thì yêu cầu mẹ Tẹt mua váy hồng và bắt con Cún làm việc nhà, còn Tẹt ngồi chơi xe tập đi của Cún.
- Vô lí… quá vô lí – Thằng Tí phản bác.
- Ông thấy vô lí chỗ nào? – Thẩm phán và nguyên cáo vừa gườm vừa hỏi, bị cáo sợ quá tìm đường rút lui:
- Thôi được rồi đổi vai đi.
Phiên tòa thứ hai bắt đầu. Thằng Tí hí hửng có lẽ muốn trút giận lại con Tẹt. Nó bắt đầu kể lể:
- Mẹ lúc nào cũng bênh anh hai, toàn con ăn đòn, anh hai có bị đâu. Mẹ mua son mua phấn mà không bao giờ mua đồ chơi điện tử cho con. Đã vậy lần con trốn đi chơi mẹ lại bắt con úp tường. Con giận, rất giận mẹ, hức...
- Đánh khi nào? Còn chưa kí lên đầu phát nào nữa.
Con Tẹt vừa thanh minh vừa chạy tóm lấy Tí. May mà chạy nhanh không là nó no đòn với con Tẹt rồi. Phiên tòa thứ hai bị hỏng. Chúng tôi dừng lại và nhà ai nấy về, hẹn chiều nay đi chơi tiếp.
Chiều. Hàng cây trước ngõ cứ gật gù gật gù. Ánh nắng nóng hơn ban sáng rất nhiều, có lẽ vậy mà cây bị say nắng sao? Ngoài thềm chị Thanh ngồi cạnh con mèo vuốt ve. Tôi ngồi giữa sân, cắm cái cây nhỏ xíu chọc xuống lỗ kiến. Đã trôi qua ba mươi phút mà bọn thằng Tí vẫn chưa tới. Bực bội tôi nghĩ: “Bọn này khi sáng ý ới lắm mà? Giờ lại làm dáng hả? Lát qua anh cho no đòn”. Càng nghĩ càng tức, tôi thọc cái que liên tục vào lỗ rồi bẻ luôn. Chốc chốc tôi lại ra đường ngóng hai đứa nó. Không thể chờ thêm nữa, tôi định chạy qua nhà Tí luôn. Đi được vài bước thì thấy tụi nó đang bước chầm chậm tới. Nghĩ bụng “hừm, tới đây đi, anh cho cô chú biết thế nào là lễ độ”. Chúng nó tiến lại gần thì ý định ban đầu của tôi tan biến. Hai đứa nó đôi mắt đỏ hoe, chẳng hiểu sao chúng lại khóc. Tôi nhẹ nhàng hỏi:
- Tụi mày làm sao thế? Sao lại khóc?
Con Tẹt cố gắng kìm hãm, trả lời trong tiếng nấc:
- Em… hức… em… hu…hu…hu.
Nó nói nửa chừng lại ngắt làm tôi sốt ruột hơn. Quay qua bên thằng Tí, tôi hỏi:
- Làm sao khóc?
- Con Tẹt mai nó phải về Hà Nội với bố nó. Nhà nó chuyển về với bà nội, sẽ không ở đây nữa. Hu…hu…hu.
Tôi nghe xong vừa ngạc nhiên vừa buồn, sao đây bao nhiêu lâu chơi chung tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ xa chúng nó. Thế là từ nay bộ ba sẽ chia tay ư? Chỉ còn lại hai thằng sẽ chán chết mất. Nước mắt đã sắp rơi nhưng tôi ngửa lên cho nó không rớt được. Quay qua tụi nhỏ tôi an ủi.
- Thôi mà, nín đi! Có phải đi luôn đâu. Đi rồi sẽ lại về mà, sau này lại về Đắk Lắk thăm tụi tao nghe chưa…
Dỗ mãi cũng nín. Chiều nay chả chơi được gì. Khóc xong rồi ai về nhà nấy. Tẹt nó về để thu xếp đồ mai đi, tôi vào nhà đắp chăn ngủ luôn. Bởi hôm nay tôi cảm thấy lười làm tất cả mọi thứ, nhìn đâu cũng thấy buồn.
Sáng định mệnh đã đến, tôi dậy sớm hơn bình thường, chạy qua nhà Tẹt luôn. Tới căn nhà gỗ nhỏ, tôi thấy một chiếc ôtô, trên xe chất đầy đồ đạc của nhà nó. Toàn những va li quần áo và cả những cái bao xanh đỏ được khâu lại cẩn thận. Tôi chạy vào sân nhà, thấy Tí với con Tẹt đã ngồi chơi ở dưới cây bàng rồi. Tôi chạy lại gọi:
- Ê, tụi mày đang nói gì đấy?
- A! Anh Tém – Bọn nó đồng thanh.
Ngồi xổm xuống dưới đất, chúng tôi dặn dò con Tẹt đi xa đừng quên. Được chừng năm phút mẹ con Tẹt thò đầu ra cửa xe gọi:
- Nhanh con, ra sớm còn kịp tàu.
Câu nói ấy cắt đứt câu chuyện dở dang, con Tẹt chạy lon ton vào nhà. Một lúc sau nó nặng nhọc ôm ra hai chậu dã quỳ nhỏ đưa cho chúng tôi. Đưa xong, nó lại chạy vô bẻ hai nhánh quỳ đem ra tặng. Thằng Tí cầm lên hít hít. Tẹt dặn dò:
- Hai anh nhớ chăm hai cây dã quỳ này cho em nha! Nhớ chăm kĩ đó, lâu lâu gửi thư kẹp vô cho em vài bông.
Nói xong nó ôm tôi, rồi ôm thằng Tí. Mỉm cười, nó chạy tót lên xe. Chiếc xe cứ thế bon bon chạy chở nó ra tới ngõ rồi mất hút luôn. Nó đã đi thật rồi. Cầm nhánh hoa quỳ thằng Tí nói:
- Hoa vừa đẹp vừa thơm.  Nó đẹp giống khi con Tẹt cười anh nhỉ?
Tôi mỉm cười gật gật, đúng thế, Tẹt đẹp tựa hoa dã quỳ, tình bạn của chúng tôi cũng tựa như dã quỳ, luôn ngát hương. Đưa cành hoa dã quỳ lên mũi ngửi. Ôi sao mà thơm thế! Sao mà thích thú như những kỉ niệm vừa qua. Chưa bao giờ tôi lại yêu hương hoa một cách lạ thường như vậy. Sẽ nhớ mãi hương vị hoa dã quỳ của con Tẹt ngày ấy. Tôi yêu hương dã quỳ - yêu tình bạn bộ ba ngày ấy nồng nàn thắm thiết.