Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ĐINH DẬU-2017, tác giả HOÀI AN




ĐÔI ĐIỀU VỀ THƠ ĐẮK LẮK NĂM 2016


Năm 2016 đã trôi qua. Đời sống có bao việc thăng, trầm. Thế cuộc cũng lắm chuyện buồn, vui. Còn thơ Đắk Lắk chúng ta thì thăng, giáng, vui, buồn ra sao?   Chúng tôi xin điểm xuyết một vài điều (chủ yếu về cách thức thể hiện của các cây bút Hội viên) như là một sự gợi mở vấn đề để các bạn làm thơ, yêu thơ Đắk Lắk cùng suy ngẫm,trao đổi.
Nhìn lại năm 2016, bên cạnh các tập thơ được công bố như Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi (Nguyễn Duy Xuân), Sang mùa (Hồ Hồng Lĩnh), Dấu chân thời gian (Đỗ Toàn Diện), Gửi nắng qua sông (Bích Xoan)… có thể nói: Tạp chí Chư Yang Sin là “thi đàn” tập hợp được đông đảo nhất các cây bút thơ trong tỉnh. Năm qua Tạp chí đã in gần 300 bài thơ, trong đó khoảng 50% của các tác giả trong tỉnh (gồm hội viên và chưa hội viên của Hội VHNT Đắk Lắk). Và vì vậy nhìn vào trang thơ của Tạp chí Chư Yang Sin ta có thể thấy được diện mạo thơ  tỉnh nhà. Điều dễ nhận: Chiếm đa số trên “thi đàn” Chư Yang Sin vẫn là những gương mặt cũ, đã xuất hiện từ nhiều năm trước, có người đã xuất hiện vài ba chục năm trước và đã khẳng định được tên tuổi của mình trên “thi đàn” tỉnh nhà, trong khu vực và phần nào đó là thi đàn cả nước, như Lê Vĩnh Tài, Đặng Bá Tiến, Vũ Dy, Lê Thành Văn, Bùi Minh Vũ, Tiến Thảo, Đỗ Toàn Diện… Những tác giả này ngoài sự xuất hiện đều đặn trên Tạp chí Chư Yang Sin còn có thơ đăng trên các tờ báo văn học lớn của cả nước như Tạp chí Thơ (Hội Nhà văn), báo Văn nghệ (Hội Nhà văn), Tạp chí Văn nghệ quân đội, Sông Hương, Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Văn nghệ Thái Nguyên, Non Nước, Sông Hàn… Một số tác giả khác như Nguyễn Duy Xuân, Hồ Hồng Lĩnh, Nguyễn Đức Khẩn, Lệ Hải, Đàm Lan, Bích Xoan… xuất hiện trên Tạp chí Chư Yang Sin và các báo, tạp chí văn nghệ khác ít hơn. Nhưng tất cả họ đã cùng góp phần “kẻ ít người nhiều” làm nên gương mặt thơ Đắk Lắk năm qua.
Điểm danh là vậy. Điều quan trọng là mỗi tác giả trên đã để lại được gì cho người đọc thơ, người yêu thơ về “thế thái nhân tình” , về những điều sâu thẳm của tâm hồn; về một lối viết mới, với những câu thơ, những bài thơ có ý tứ lạ, cách dùng từ, cách nói sáng tạo; hay chỉ là những bài thơ, những câu thơ tả cảnh tả cành, yêu đương tưởng tượng, cảm xúc nhạt nhòa, lối viết như người ta đã viết cách đây từ hơn nửa thế kỷ…?
Soi chiếu với những điều kể trên, ta thấy Lê Vĩnh Tài vẫn là người tiên phong trong đổi mới cách viết. Thơ Lê Vĩnh Tài tuôn chảy dào dạt theo mạch nghĩ, ngôn ngữ rất đời thường, cách ngắt câu, ngắt từ không theo một khuôn khổ nào, khó đọc và khó hiểu với những ai luôn luôn lấy thơ truyền thống làm chuẩn mực.Ngỡ như Lê Vĩnh Tài nói những chuyện xa vời. Nhưng ai hiểu được thơ anh sẽ thấy tràn ngập chuyện thế sự, chuyện đời,thấy anh luận giải, triết lý về những vụ việc rất cụ thể mới xảy ra trong cuộc sống. Anh gợi ra thật nhiều chuyện trong thơ, khiến ta phải suy ngẫm để khám phá và đồng hành cùng anh. Ví dụ trong một bài thơ gần đây về lịch sử anh viết:
lịch sử
khi về già hay kêu trong gió
trong tiếng hú có mùi tai vểnh, mũi ngửi, mắt mở to
cả tiếng chuông leng keng
của anh chàng bán cà-rem
cảnh báo sự tự mãn dẻo dai và lì lợm
nhưng số phận nó đã vắng mặt trong trái tim
của mọi người
Ở một khía cạnh nào đó ta có thể hiểu: Đấy chính là một sự cảnh báo, cảnh báo  về một sự “lão hóa” dẫn tới những “ngớ ngẩn”, cảnh báo với những ai cố ôm lấy địa vị một cách lì lợm, dù  trước mắt vẫn giữ được cái ghế, những thực ra đã không còn chỗ trong trái tim mọi người…
Vũ Dy, Bùi Minh Vũ, Hồ Hồng Lĩnh, Lệ Hải, Nguyễn Đức Khẩn là những tác giả đang tìm đến sự hiện đại trong cách viết để tránh lặp lại mình và lặp lại người. Cũng là thơ không vần, nhưng Vũ Dy khá mềm mại, từ ngữ chuẩn mực. Đây là một đoạn thơ của Vũ Dy trong bài Thơ nháp dưới chân tường rêu mốc:
ta còn gì trên thành phố này
ngày mưa và bè bạn
bầu trời khuya ủ nước
mưa đêm tưới phố
trên gót giày bao lần ngang qua
mái hiên cà phê mưa hắt
sắc nâu mắt em có lửa
nồng nàn như mắt bài thơ mất ngủ…
Những suy tư về bạn bè, về những kỷ niệm, cảm xúc, tâm trạng của người viết hiện lên rất rõ; đồng thời cũng thật gợi bởi “sắc nâu mắt em có lửa”“nồng nàn như mắt bài thơ mất ngủ” .
Bùi Minh Vũ dùng từ bạo liệt hơn, lạ lùng hơn, tạo được chú ý, nhưng “khó đọc” hơn Vũ Dy và đôi lúc khiến người ta phải ngẫm nghĩ mãi mà không lần ra thông điệp của đoạn thơ, bài thơ là gì. Ví dụ trong bài Vũ điệu:
Thấy tôi
Một nàng gió
Lõa lồ
Một nàng trăng
Lõa thể
Một em đêm khỏa thân
Cắn nội tạng
Le chiếc lưỡi nồng hương
 ……….
Âm thanh bị đóng đinh trên vách đá
Với tôi, đọc Bùi Minh Vũ là để tìm cái lãng đãng, chập chờn, ngồ ngộ, kiểu như “ngóng tiếng à ơi của gió/ như âm điệu câu thơ ngắt dòng/ sóng gãy khúc/ và bước chân tôi đi theo con đường cong”.
Hồ Hồng Lĩnh, Nguyễn Đức Khẩn và Lệ Hải (gần đây) thì vẫn đang “tìm mình”. Thỉnh thoảng ta thấy trong thơ của ba tác giả này có những ý thơ là lạ, cách nói mới, khiến ta chú ý; nhưng phần còn lại, ở nhiều bài lại chưa thành công, hình như việc cố tìm cái mới, cái lạ của họ đã vượt ra ngoài nội lực vốn có của bản thân, nên bài thơ rơi vào lan man, không rõ tứ thơ, có những từ, những cách nói tối nghĩa.
Thơ Lê Thành Văn khá nhuần nhị trong cảm xúc. Anh vẫn trung thành với lối viết truyền thống, thơ có ý, tứ rõ ràng, diễn đạt có nghề, ít “sạn”. Ví dụ: Có phải em về trong giấc mơ anh đêm qua/ cho sáng nay mùa thu thành sự thật/ không gian thơm lên phấn hương da thịt/ mắt môi hồ nghi chưa dám tin mình (Thức giấc với mùa thu). Có lẽ Lê Thành Văn hiểu tạng thơ của mình là vậy, nên anh đã  không cố đi tìm những cái khác mình. Dù sao thì bạn đọc vẫn đang chờ Lê Thành Văn đột phá hơn, chữ nghĩa tung tẩy hơn, say đắm hơn, bởi anh là một cây bút có nội lực.
Tiến Thảo, Đỗ Toàn Diện, Nguyễn Duy Xuân, Đàm Lan, Bích Xoan cũng là những cây bút sáng tác chủ yếu bằng các thể thơ truyền thống, dễ đọc, dễ hiểu. Nhưng đọc thơ của các cây bút này có cảm giác như gặp người láng giềng quen thuộc đã bao năm tháng, nên mỗi khi gặp chỉ gật đầu cũng đã hiểu nhau. Trong số các tác giả trên, thơ Nguyễn Duy Xuân giàu tính thế sự hơn, thể hiện rõ trách nhiệm công dân, cách viết mộc mạc, ý tứ phần nhiều nổi trên bề mặt câu chữ; đấy là ưu điểm, nhưng đồng thời cũng là nhược điểm. Giá như anh say hơn trong cảm xúc, sâu lắng hơn trong chiêm nghiệm và sương khói hơn trong sử dụng từ ngữ thì người đọc thơ anh hẳn sẽ thích thú hơn.
Đặng Bá Tiến sau thành công của trường ca Rừng cổ tích (2012) đến nay vẫn là cây bút chủ lực trên thi đàn tỉnh nhà và có nhiều thơ in trên Tạp chí Thơ, Văn nghệ, Sông Hương… Thơ anh đề cập tới nhiều vấn đề của phận người, của đời sống xã hội, từ việc phá rừng ở Tây Nguyên đến việc ô nhiễm biển ở miền Trung, từ tình yêu đến những mối quan hệ khác trong cuộc sống. Vẫn dựa trên lối viết truyền thống nhưng anh biết làm mới cho thơ mình bằng cách nói, cách dùng từ sáng tạo hơn. Ví dụ: Ta lau trắng bây giờ ngồi nhẩm tuổi/ lần hạt thời gian bỏ mốc bao ngày (Viết cho mình) hoặc: Héo cả tiếng chim chiều chạng vạng/ khô cả mầm trăng đầu tháng/ Chỉ riêng nụ cười người lính là tươi! (Bo Heng).
Đáng tiếc là trong năm qua nhiều cây bút đã thành danh, hoặc trước đây đã được nhiều bạn đọc nhớ tên như Phạm Doanh, Văn Thảnh, Đinh Hữu Trường, Trần Văn Hội… vì những lý do khác nhau đã không xuất hiện hoặc ít xuất hiện trên Chư Yang Sin. Nếu có thêm các cây bút này thơ Chư Yang Sin hẳn sẽ thêm nhiều tiếng hót vui và lạ hơn.

Nhìn lại mùa thơ năm 2016 của Hội viên chúng ta trên Tạp chí Chư Yang Sin có thể nói: Dù chưa có những chùm quả lạ với màu sắc hương vị thực sự nổi bật để làm người thưởng thức phải xuýt xoa, nhưng nhìn chung chúng ta đã có một mùa quả thơm, lành, đủ để làm chúng ta vui và cho ta hy vọng vào mùa quả mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI