Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 295 - THÁNG 3 NĂM 2017 -VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Helon Habila sinh năm 1967, tại Kaltungo, bang Gombe ở miền đông nam Nigeria. Ông tốt nghiệp đại học Jos và đại học East Anglia ở Anh; hiện đang giảng dạy tại khoa Sáng tác tại đại học George Mason ở Faifax, bang Virginia, Hoa kỳ.

Tiểu thuyết đầu tiên của ông “ Waiting for an Angel – Chờ một thiên thần”, được giải thưởng Commonwealth Writers Prize dành cho sáng tác mới (Khu vực châu Phi năm 2003) và giải thưởng Caine Prize năm 2001. Năm 2000 ông được giải thưởng dành cho thơ “MUSON Poetry Prize”. “Measuring Time – Đo thời gian” là tiểu thuyết thứ hai của ông, sau đó là tiểu thuyết “Oil on water – Dầu trên nước”. 
 ĐÊM CỦA QUÁI VẬT

                                                       

Tôi nhớ lần đầu tiên tôi thấy một người lính là vào năm tôi sắp lên sáu, khoảng 1973 hay 1974. Cuộc nội chiến Nigeria vừa chấm dứt và những người lính đang từ tiền tuyến trở về - lúc ấy trời đã xế chiều, một trong những buổi chiều tháng bảy nóng và dài, chúng tôi đứng toát mồ hôi, vai kề vai bên lề đường khi đoàn công voa dài chở những người lính chạy qua trung tâm thị xã. Đó là một đoàn xe không mui, chở cả tiểu đoàn về đóng quân ở Gombe, là thị xã buồn hiu chỉ có một con đường chính lớn chạy qua khu trung tâm thị xã của chúng tôi. Hàng trăm đứa trẻ chúng tôi xếp hàng dài trên đường vẫy tay cuồng nhiệt hướng về đoàn xe trong bóng chiều chập choạng, giống như một con sâu khổng lồ: bọn học trò thì la hét, các cô gái thì reo hò và vẫy khăn quàng của họ với những người lính trẻ lướt qua, những người lính vẫy tay đáp trả và đưa cao súng lên trời. 
Ngày hôm sau những người lính ở khắp nơi quanh chúng tôi: trên những con đường, các cửa hàng và trong các ngôi nhà, bắt tay, làm quen. Một số người lính bán những vật kỷ niệm chiến tranh cho dân thị xã: đó là những viên đạn, tiền Biafra, đồ hộp quá hạn. Những câu chuyện tô vẽ về chủ nghĩa anh hùng bôi trơn cho những cuộc giao dịch này – và chẳng mấy chốc những câu chuyện đó được truyền miệng; đến cuối tuần thì chúng tôi đã có thể chỉ ra người lính nào giết được bao nhiêu người ở trận đánh nào, không gian mà chúng tôi có những người anh hùng trong chiến tranh ở giữa chúng tôi. Có lẽ vì thế mà Daniel, thằng bạn thân nhất của tôi đã nói với tôi mấy hôm sau, rằng “Những người lính có mặt ở đây để giết Hammadu Dangar.” “Sao mày biết?” tôi hỏi gặng nó. Daniel thích dựng chuyện để tỏ ra mình là quan trọng. Tôi nói, “Họ không thể phái cả một tiểu đoàn đến Gombe chỉ để giết một người, dù người đó nguy hiểm đến thế nào đi nữa.” “Mày có thể tin hay không tin, nhưng đó là sự thật,” Daniel khẳng định.
Hammadu Dangar là người nguy hiểm nhất ở Gombe và các làng chung quanh, có lẽ hắn là người nguy hiểm nhất còn sống. Hắn là một tên cướp, là sản phẩm của nhiều năm chiến tranh và cuộc sống rối loạn vô luật pháp. Tôi không nhớ được lần đầu tiên tôi nghe đến tên hắn là lúc nào, hình như cái tên đó luôn được nhắc đến trên môi của ba mẹ chúng tôi, hắn là ông ba bị dọa cho chúng tôi trật tự mỗi khi chúng tôi quậy phá. Hắn là một huyền thoại, một sinh vật tưởng tượng trở nên vững chắc theo ngày tháng trôi qua. Mỗi khi chúng tôi chơi ở ngoài khuya, mẹ tôi thường đột ngột hối thúc, “Hammadu Dangar thích cắt tai trẻ em và bắt chúng ăn tai mình.” 
Bọn trẻ chúng tôi thường nhắc lại những chuyện này khi từ trường về nhà vào những buổi chiều, hay vào những buổi tối từ sân bóng đá, thêm thắt chi tiết vào những lần kể, so sánh với nhau xem chuyện nào là dễ sợ nhất. “Hắn có bùa làm hắn biến mất khi hắn muốn, vì vậy mà hắn không hề bị bắt khi cướp bóc những nạn nhân” Daniel nói. “Thứ sáu vừa rồi hắn gặp một bà già đi một mình trong rừng. Bà không biết hắn là ai. Hắn định cướp của bà, nhưng bà không có gì, không có tiền, không có gì hết. Bực tức, hắn hỏi bà đi đâu. “Đi thăm con gái tôi ở làng bên, nó mới sinh con.” “Vậy mà bà đi không đem theo gì hết, không đem tiền, không lương thực, thậm chí không một ổ bánh mì cho con gái bà hả?” hắn tức giận hỏi. Vì hắn rút con dao dài của hắn ra vung vẩy trước mặt bà già đe dọa, bà quì trước mặt hắn, khóc, van xin hắn đừng giết bà. “Không đâu,” hắn nói với một nụ cười nham hiểm. “Ta sẽ không giết mụ. Mà ta sẽ cho mụ một thứ để mụ đem cho con gái. Để mụ đi tay không đến đó thì người ta sẽ nghĩ gì?” “Cám ơn ngài, cám ơn ngài, cầu Chúa ban phúc cho ngài,” bà già nói. Tụi mày có biết Hammadu Dangar làm gì không? Tất cả chúng tôi đều biết hắn làm gì sau đó, vì chúng tôi đã nghe chuyện này nhiều lần rồi, nhưng chúng tôi im lặng, để cho thằng kể chuyện khoe mẽ. Nó hạ giọng, “Hắn cắt tai bà già và gói lại trong một miếng vải và đưa cho bà. “Hãy đưa món này cho con gái của bà. Bảo nó là của Hammandu Dangar cho.”
Chúng tôi thay nhau kể chuyện, và vào lúc chúng tôi về tới nhà thì đứa nào cũng sợ mất mật không còn can đảm để ra ngoài chơi ban đêm. Nhưng dĩ nhiên bọn chúng tôi chẳng đứa nào từng thấy hắn; tất cả những gì chúng tôi biết là có những người đã thấy hắn. Một số người nói hắn cao, một số người khác nói hắn lùn nhưng rắn chắc và mạnh khủng khiếp.
Một hôm tôi có cơ hội nói chuyện với một người lính. Hôm ấy vào lúc xế chiều Daniel chạy ào vào phòng tôi, hổn hễn nói, “Đến mà xem! Có một người lính đang ở trong nhà tao.” Nhà của Daniel cách nhà tôi hai dãy phố. Đó là ngôi nhà xịn nhất trong khu phố; ba nó vừa cất nhà xong. Nhà nó có ga ra chứa được hai xe, mặt tiền là hiệu thuốc lớn chỗ ba nó làm việc; cả khu phố đều mua thuốc ở hiệu thuốc đó. Chúng tôi chạy hết tốc lực để đến nhà nó, và sau đó đứng trước mặt Apollo, người lính, thở dốc. Anh lính không oai hùng như tôi mong đợi. Anh ngồi trước buồng kho đã được dọn dẹp để làm chỗ trú ngụ cho anh. Những người lính phải tìm chỗ cư trú vì doanh trại của họ còn đang xây dựng, tuy nhiên hầu hết các gia đình đều vui vẻ cho họ ở tạm. Người lính đã đến ở vào tối hôm trước, và qua khung cửa mở phía sau anh chúng tôi thấy một ngọn nến đang cháy trên bàn, tỏa ánh sáng lờ mờ soi gian phòng, cho chúng tôi thấy một ba lô sờn vải, vẫn còn chưa mở ra để trên chiếc giường hẹp sáu lò xo. Anh đang đánh bóng đôi giày trận, chốc chốc lại đưa lên ngắm nghía, vẻ chưa hài lòng dù đôi giày đã bóng loáng.
“Anh ấy phải thấy ảnh mình trên mũi giày thì mới là xong” Daneil thì thào với tôi. Apollo trông chẳng có vẻ gì là anh hùng, anh đang mặc chiếc áo may ô màu xanh lá cây và quần lửng – chân và tay anh gầy nhẳng, quai hàm bên trái của anh bị lẹm, sau này chúng tôi được biết là vì bị một viên đạn bắn sượt qua. “Nếu viên đạn chệch sang bên phải chừng vài phân, chắc anh ta sẽ chết” Daniel nói. Tôi chìa tay ra khi Daniel hớn hở giới thiệu tôi, “Đây là Helon bạn của em.” “Chào em, khỏe chứ?” Apollo dài giọng. Chỉ một bên mặt của anh động đậy khi anh nói, và thứ tiếng Anh bồi của anh là lần đầu tiên tôi nghe làm tôi muốn bật cười, nhưng đôi mắt lừ đừ của anh làm tôi sợ. Tôi bỏ chạy.
Apollo thành bạn của chúng tôi, kể cả sau khi anh rời nhà của Daniel để chuyển sang một phòng trong nhà thổ bên kia đường, chúng tôi vẫn đến gặp anh và chạy việc vặt cho anh.
Vào thời gian này Hammadu Dangar đang ở thị xã lân cận, đang gây ra tình trạng xáo trộn bất an, nhưng trời xui đất khiến hắn đến thị xã của chúng tôi, và có một cuộc chạm trán sinh tử với Apollo. Nhiều tháng sau khi những người lính đến thị xã, vào một buổi chiều trời ấm áp, người phụ trách thông tin của thị xã dừng bước trước nhà chúng tôi và đập cái phèng la rao to: “Cư dân thị xã lắng nghe qui định của thị trưởng. Được biết Hammadu Dangar đã đến thị xã này. Phụ nữ và trẻ em không được ra đường lúc khuya khoắt…”. Daniel và tôi rùng mình; sau cùng đây là cơ hội cho chúng tôi thấy gã quái vật bằng xương bằng thịt. Trong những người lớn ở khu vực chúng tôi sự căng thẳng dâng cao, họ cố giấu chúng tôi, nhưng tôi thấy trán mẹ tôi có những nếp nhăn khi bà nhìn ra đường như thể chờ đợi ai hay vật gì xuất hiện từ xa; và thấy những cuộc trò chuyện thì thầm luôn xảy ra khi một đứa trẻ xuất hiện. Những lần ra ngoài của tôi bị tiết giảm, chỉ còn duy nhất việc đến trường – không còn được đá banh vào những buổi chiều, hay chơi đùa với Daniel và những đứa trẻ trong khu phố khác trước nhà của Daniel sau bữa ăn chiều. Tôi phải chơi phần lớn thời gian ở tiệm của mẹ tôi – mẹ tôi là một thợ may có tiệm ở mặt tiền nhà, trong một dãy tiệm nhìn ra con đường nhựa hẹp chạy qua khu trung tâm thị xã, và từ đó có những con đường đất nhỏ hơn dẫn đến những quán ba, nhà thổ và phòng chiếu bóng lén lút ở ngoại ô thị xã, đó là “khu tổ quỷ” theo cách gọi của ba mẹ tôi. Hàng ngày tôi thấy nhiều ông từ chỗ làm về nhà, bụi bặm và đói, và sau đó thì họ ra khỏi nhà bảnh bao áo quần sạch sẽ đi vào những ngõ hẻm và đường nhánh, rồi khuya lại trở về, chân nam đá chân chiêu, hát hò hay chửi bới, hay thỉnh thoảng tóe máu vì những vụ ẩu đả ở quán ba.
Thỉnh thoảng mấy cô gái hành nghề ở nhà thổ nơi Apollo sống sang tiệm của mẹ tôi để may trang phục. Mẹ tôi nói họ trả tiền ngon lành. Tôi ngồi trên một băng ghế gỗ dài kê sát tường tò mò nhìn họ. Không khí trong tiệm đầy mùi nước hoa của họ; họ luôn luôn cười, nói về những anh bồ của họ, và những phim Ấn Độ họ vừa xem. Sau khi họ đi tôi đến sờ tay vào tấm vải họ để lại, thích thú với sự mềm mại của vải, tưởng tượng sự mềm mại khi tấm vải đó khoác trên người họ. Vào một ngày như thế Hammadu Dangar xuất hiện trên đường nhà tôi.  
Chúng tôi nghe được những tiếng la từ tiệm đầu tiên trong dãy, mới đầu chúng tôi nghĩ là có cháy: những tiếng la the thé và rời rạc với sự kích động. “Yên lặng, nghe!” mẹ tôi la mấy cô thợ học việc của bà là Jummai và Ladi. “Hammadu Dangar! Đóng cửa tiệm đi!” lời nói bây giờ nghe rõ. 
Hammadu Dangar! Mẹ tôi giống như con gà mẹ có bầy gà con bị đe dọa bởi con diều hâu bay trên trời. “Dọn bất cứ gì có thể và vào trong tiệm ngay!” bà rít lên với chúng tôi. Bà đẩy cái ghế về phía sau rồi bước ra khỏi bàn máy may của bà, chụp lấy rổ đựng vải trên bàn cắt. Bây giờ chúng tôi nghe được tiếng các tiệm khác đóng cửa khi lời cảnh báo đến tai họ. Mẹ tôi nắm lấy cánh tay tôi và kéo tôi đi theo bà, ngay sau đó chúng tôi đã ở trong cửa tiệm bé tí, cửa được đóng chặt lại.  
Tôi khó thở; tôi ngạt thở vì sự căng thẳng trong tôi và sức ép của cơ thể mấy người đàn bà ép dồn vào tôi tứ phía. Mẹ tôi đang nhìn ra ngoài qua lổ khóa: “Mẹ thấy hắn không?” tôi thì thào.
“Xuỵt…tt!” mấy người đàn bà bắt tôi im lặng. 
Rồi như có phép lạ, tôi thấy mắt phải của tôi nhìn thẳng ra đường – có một khe hở bé xíu trên cánh cửa ngang tầm mắt của tôi. Rồi tôi thấy hắn. Tôi chắc chắn đó là hắn dù tôi chưa hề thấy hắn trước đây. Hắn đang đứng giữa con đường vắng tanh – hắn cao và mặc cái áo choàng dài tới mắt cá màu sắc rực rỡ, trên đầu cột cái khăn trắng dày. Hắn đứng ở xa nên tôi không thấy rõ mặt hắn, nhưng dáng hắn ngang tàng, mặt hắn toát ra vẻ kiêu ngạo. Hắn nhìn xuôi ngược con đường dài vắng tanh. Khi hắn đi những bước chân của hắn hơi chệnh choạng. Rõ ràng là hắn từ khu tổ quỷ đến đây. Rồi hắn qua khỏi tầm nhìn. Sau một hồi lâu, con đường bắt đầu hoạt động trở lại. Con quái vật đã đi rồi.
Đó là buổi tối hắn gặp Apollo ở một quán ba, buổi tối hắn chết. Cả thị xã ùa đến để xem trận đánh, và để nhìn xác kẻ chết, nằm trong một con mương đến hai ngày sau, nhưng tôi thì không xem. Trong hai ngày sự sôi nổi kéo dài tôi bị ba mẹ cấm ra khỏi nhà, tôi như một con chó bị xích, bồn chồn, tức bực, nhưng chẳng làm gì được. 
“Hắn nằm trong mương hai ngày, con mương dọc theo đường mình đến trường đó”, Daniel bảo tôi. Nó đã thấy tất cả. Con mương chảy qua khu tổ quỷ, là khu vực thô tục nhất, lộn xộn nhất của thị xã, và thường thường trên đường chúng tôi đến trường vào những sáng sớm chúng tôi thấy chứng cứ của những gì xảy ra đêm trước: một ông say rượu vẫn còn nằm co trên bậc thềm của một quán rượu, một cô gái làm tiền xua ra cửa một khách hàng lề mề, mái tóc giả của cô ta bị lệch, lớp son phấn nhếch nhác trên mặt. Và những chai bia bể thì ở khắp nơi.
Trận đánh đã bắt đầu trong một quán ba ở khách sạn Moonshine” Daniel nói. Đêm đã xuống khi Hammadu Dangar khệnh khạng vào quán ba đèn mờ, đôi mắt hắn lờ đờ, hắn có hai cô gái cười rúc rích kèm hai bên. Một sự câm lặng đổ xuống quán ba ngay khi người ta nhận ra hắn, một số người lẻn đi qua cửa thoát hiểm bên hông quán, bỏ cả những ly rượu đang uống. Những người quá say không thể bỏ đi nhanh được thì thu mình trên ghế, quay mặt đi mỗi khi Hammadu Dangar đưa mắt về phía họ. Chỉ mỗi Apollo ngồi tại chỗ, cúi đầu nhìn xuống ly bia, không màng đến những gì đang xảy ra. Anh đã ở trong tư thế đó suốt buổi, không uống nhiều, chỉ ngồi một mình yên lặng.
 “Trận đấu khởi sự khi một trong hai cô gái đến bàn Apollo xin lửa” Daniel nói, “nhưng nhiều người khác thì nói rằng Hammadu Dangar bảo Apollo mời hắn một ly nhưng Apollo từ chối.” Tôi tưởng tượng là cô gái, gầy và cười rúc rích, mặt dày lớp phấn, mắt long lanh vì uống quá nhiều, đi tới chỗ Apollo ngồi, điếu thuốc của anh vừa mới đốt. Cô ta ngồi ở bàn của anh một lúc sau khi châm lửa; chắc là cô ta đã để tay mình lên tay anh quá lâu khi trả hộp diêm. Hay có thể, khi cô ta trở lại chỗ Hammadu Dangar đã nói: “Thằng cha đó nói chúng ta làm ồn quá. Có thể gã không biết anh là ai.” Mắt cô ta sáng lên vẻ ác độc khi Hammadu Dangar khệnh khạng đứng dậy, mặt bừng vẻ tức giận. Hắn xô ngã mấy cái ghế và bàn trên đường đi tới bàn của Apollo; hắn như một con sóng cuồng nộ, một cơn bão đang đến.
Apollo không nhìn lên khi Hammadu Dangar đứng bên bàn anh và đập mạnh nắm tay lên bàn, làm ly bia ngã nghiêng và bia chảy tràn xuống bụng Apollo. “Anh muốn gì?” Apollo hỏi. Mắt anh lõm sâu trên gương mặt gầy, vẻ mặt đầy đau khổ. “Tao là Hammadu Dangar” tên cướp nói to, vì thấy người đàn ông này không biết hắn. “Anh muốn gì?” Apollo lừng khừng hỏi lại, lời nói của anh không gọn vì cái miệng đã bị tổn thương của anh. “Tao muốn mày cút khỏi đây. Tao muốn mày xin lỗi bạn gái tao. Không, tao nghĩ là tao sẽ giết mày” Hammadu Dangar nói, cái khăn trắng hắn đội trên đầu làm hắn có vẻ lớn hơn, cao hơn. Chầm chậm, cố tình, hắn luồn tay vào trong áo choàng rút ra một con dao to bản, và cười, huơ tay trên bàn trước mặt Apollo. “Nhiều người nói đến lúc này Apollo bất chợt tỉnh táo” Daniel nói, “Anh bật ra một tràng cười còn dễ sợ hơn là tiếng cười của tên cướp. Tay anh vụt nắm lấy cổ tay cầm dao của Hammadu Dangar.” Hammadu Dangar cảm thấy sức mạnh của cú siết tay ấy; nó làm những ngón tay của hắn mở ra, buông rơi con dao. Mắt của Apollo sáng lóe, và trong đôi mắt đó Hammadu Dangar thấy sự ác liệt sắp bùng nổ.
“Để tao yên” Apollo nói bằng cái miệng méo của anh. Anh từ từ đứng dậy và nhìn sâu vào mắt của tên cướp, rồi anh buông tay hắn ra và đi ra khỏi quán. Nhưng Apollo không từ đó đi về nhà, anh đến một quán ba khác và gọi một ly bia, rồi đem tới một góc quán, cũng y như quán trước, cúi mặt nhìn ly bia. Chừng một giờ sau Hammad Dangar vào quán, lần này chỉ còn một cô gái đi với anh ta, là cô gái gầy có vẻ hiểm ác đó. Hắn đã rất say, hắn đã đi tìm Apollo hết quán này đến quán khác, chửi bới ồn ào trên đường đi, đánh ngã bất kỳ ai hắn chạm trán trên đường. Bây giờ thì cuối cùng hắn đã gặp anh, đang ngồi trong một góc quán, cúi đầu trên ly bia, không nói chuyện với ai. Hắn đi thẳng tới bàn của Apollo… 
“Ở đó trận ẩu đả thật sự bắt đầu” Daniel nói. “Trận đánh kéo dài nhiều giờ, từ quán ba này sang quán ba khác, ra đường và xuống mương, thậm chí vào cả trong nhà người ta. Chẳng mấy chốc mình mẩy Apollo đầy máu vì những vết đâm, nhưng anh không chịu thua. Hammadu Dangar không bị thương vì dao hay vì chai, hắn có thuốc để biến kim loại thành nước và thủy tinh thành cát khi chạm vào da hắn. Nhưng Apollo không chịu thua. Họ đánh nhau từ đầu buổi tối cho tới khuya trong đêm trời nóng, không một vì sao, họ loạng choạng trên bãi cát và té vào con mương. Cả hai ở dưới mương, nước tới thắt lưng – cơ thể của Apollo thì gầy và rắn rỏi, như da sống, như dây kim loại, Hammadu Dangar thì béo, vạm vỡ, quanh bắp tay và eo hắn lủng lẳng nhiều loại bùa, một số trông giống như sọ con nít.
Chẳng mấy chốc tin tức lan ra khắp thị xã: một tay lính điên khùng đánh nhau với Hammadu Dangar. Khu tổ quỷ đầy người đi theo hai đối thủ từ các quán ba đến các đường hẻm, họ hoan hô Apollo, cổ vũ anh tiếp tục, mặc dù rõ ràng là lúc ấy anh đứng chân không vững. Nhưng anh không chịu thua. Rồi đột ngột, khi Hammadu Dangar đánh ngã Apollo và đứng phía trên anh, lắc lư, tự ca ngợi mình, thì một hòn đá vụt tới từ bóng tối đập vào mặt hắn. Một vết cắt xuất hiện dưới mắt trái của hắn, hắn ôm mặt, máu phụt qua các ngón tay, đám đông hò reo. “Giết hắn” đám đông gào to. “Ném đá cho hắn chết, bùa của hắn không hiệu quả với đá” đám đông la lớn. Giờ thì đám đông tiếp tục việc mà Apollo đã dừng. Những hòn đá vụt bay ra từ bóng tối, đập thình thịch vào cơ thể tên cướp. Hắn sắp gục, hai tay hắn che lấy khuôn mặt đang chảy máu. Đám đông la và hét.
“Thế rồi tên cướp rống lên một tiếng lớn và tấn công đám đông. Người ta bỏ chạy, thập thò nhìn ra từ những con đường hẻm giống như những con thỏ lấp ló trong hang, nhưng khi nào tên cướp dừng lại thì đám đông dừng lại và lại ném đá vào hắn” Daniel nói, “Tao có ở đó. Giá mà mày thấy bộ mặt máu của hắn, máu chảy ròng ròng qua tay xuống vai.” “Lúc đó thì Apollo ở đâu?” - Tôi hỏi. “Vẫn còn nằm tại chỗ, trong lúc lộn xộn người ta đã quên anh. Cuối cùng thì đám đông đã dồn tên cướp xuống mương, ném đá hắn cho tới khi hắn chết.” Sau hôm đó Apollo gần như là người anh hùng của thị xã. Người ta gặp anh trên đường và bắt tay anh, người ta đãi bia cho anh trong các quán ba, rồi một hôm tiểu đoàn của anh chuyển đi đến một thị xã khác và không ai biết tin gì về anh nữa.

                                                VÕ HOÀNG MINH dịch
                                              (Từ “The night of the monster”)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI