Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 295 - THÁNG 3 NĂM 2017 - tác giả TẠ VĂN SĨ




MÙA XUÂN QUÝ DẬU 1933,
VUA BẢO ĐẠI ĐẾN ĐĂK LĂK



Ngày 13 tháng Giêng Quý Dậu (năm Bảo Đại thứ 8), tức ngày 7.2.1933, Ngự tiền văn phòng triều đình Huế ra một thượng dụ: “Tuần hạnh là không phải đi chơi, chính là đi xem xét. Trẫm lên nối ngôi cao… Nay nhân tiết xuân, khí trời ấm áp, định đến hạ tuần tháng này đi vào các tỉnh đạo Gia Lai, Kon Tum, Ban Mê Thuột, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai Thượng. Hành trình nhật ký sẽ do Cơ mật thương đồng quý tòa lục ra cho biết…”.
Đúng một tuần sau, ngày 20 tháng Giêng (14.2), lễ xuất phát tại kinh thành Huế: “Sáng 8 giờ 15, Ngài ngự ra ngồi tại điện Cần Chánh, quan Hộ giá đại thần và quan Lưu kinh đại thần làm lễ bái mạng, vái ba vái, rồi ông Hoàng thân và các quan đại thần Cơ mật, Tôn nhân với văn võ đình thần đều mặc triều phục vào chầu thỉnh an và tống giá. 8 giờ rưỡi quan Khâm sứ qua chầu. Ngài ngự ra cửa Đại Cung Môn lên xe khải loan. Trên kỳ đài bắn bảy phát lịnh. Các quan tùng giá theo thứ tự đã sắp đặt đều lên xe đi theo. Buổi mai ấy tạnh ráo, không nắng không mưa, khí trời ấm áp, dễ chịu”.
 Nhà vua đi lướt qua các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (vì đã có chuyến kinh lý trước đấy rồi, trong đó có tỉnh Phú Yên), đến đêm hôm ấy thì nghỉ lại tỉnh tòa Bình Định. Sáng hôm sau, theo đường 19, đoàn xa giá ngược lên Tây Nguyên để xem xét dân tình các “đạo” miền thượng du (chính quyền Nam triều gọi các tỉnh miền thượng du là “đạo”). Lần lượt, nhà vua đến Gia Lai, Kon Tum, rồi ngược lại theo đường 14, đi ngang qua lại Gia Lai để đến Đắk Lắk vào ngày 23 tháng Giêng Quý Dậu (17.2.1933).
Bài tường thuật “Ngự giá Nam du hành trình ký” viết rất chi tiết về chuyến đi. Ở đây chỉ xin lược trích một số đoạn khi nhà vua đến Đắk Lắk.
Ngày nay thì đường 14 - Hồ Chí Minh “hiện đại hóa, công nghiệp hóa” - từ Kon Tum, Pleiku đi Buôn Ma Thuột thông thoáng, xe chạy bon bon, nhà cửa, xóm làng, phố xá hai bên đường san sát, nhưng trên 80 năm trước chỉ là rừng già hoang vu thăm thẳm như đoạn miêu tả này: “8 giờ 40, đến Pleiku… 8 giờ 50, khải hành. Đường đi giữa rừng. 10 giờ 05, đến địa đầu Darlac”.
Từ địa đầu này “Có người Djarai sắp hàng đánh trống cồng chúc mừng, ra dâng sản vật (1 bát gạo với 2, 3 cái trứng gà). Quan sứ Destenay và quản đạo Trương Kỳ chờ đó nghinh giá. Ngài ngự dừng lại một lát rồi khải hành. Lại có tên Man trưởng Khunjonob cũng cho tên cháu đứng chực cung nghinh. 10 giờ 50, tới trạm Gia Leo (Éa Léao)… Chiều, 1 giờ 40, đến đồn Buôn Hồ. Người Thượng chực nghinh giá đông lắm, chia ngồi hai bên đàng… Cũng đem gạo, trứng, rượu để dâng… Khi giá đến, gần hai trăm cái thanh la, hơn năm mươi cái trống đều đánh lên một lần, ầm ĩ cả lên… Người Thượng này về tộc Rhadé, người mình thường kêu là “Đê”… Lại còn một quang cảnh lạ nữa, là voi đứng đóng hầu một dãy dài gần một cây số. Đếm cả thảy 162 con. Mọi người nói rằng đó chỉ có một phần rất ít, vì là lựa đem đến đóng hầu đó những con voi dạn xe điện thôi. Nguyên khi đem đến có đến 4, 5 trăm con, những con nhát xe cho về cả rồi”.
Đoạn văn trên cho thấy Đắk Lắk đúng là “vương quốc voi” một thuở, thế mà ngày nay đã có bao nhiêu báo động và kêu cứu về sự nguy cơ tuyệt diệt loài động vật hữu ích này ngay trên “cái nôi” của nó trên đất Việt ta!
Lúc này tỉnh Đắk Lắk (chính phủ Nam triều gọi các tỉnh miền núi là “đạo”) mới vừa tách ra từ tỉnh chung Kon Tum nên còn sơ sài lắm, đến cả nơi đón nhà vua (hành cung) cũng chưa có, phải sắp xếp cho nhà vua nghỉ nhờ tại nhà của quan địa phương: “Đạo Darlac mới lập ra tháng 11 năm Bảo Đại thứ 7 (Décembre 1932), chưa có hành cung. Ngài trú tất tại một cái nhà gác của quan địa phương sắp đặt làm cung hành tại”.
Lễ đón tiếp nhà vua chỉ diễn tại nhà làm việc của quan quản đạo Trương Kỳ: “4 giờ 20, thiết triều bái khánh tại đạo. Có người Man trưởng Khunjonob (có lẽ Y Thu, vua săn voi nổi tiếng thời bấy giờ – NV), tuổi phỏng gần trăm đến chầu dâng một cây gươm cán ngà vỏ bạc, một tấm xấn Lào và hai con voi con. Người Man trưởng này… hiện làm chủ tọa tòa án Thượng… Nhà giàu lắm, vợ cũng nhiều mà không con. Nguyên cha người này là người Lào, mẹ là người Rahdé. Người này chuyên nghề buôn và săn voi… Vì vậy nên giàu. Nhân đó người Lào mới kêu là Khunjonob, nghĩa là phú trưởng giả. Rồi người ấy cũng tự nhận cái tiếng ấy làm tên mình luôn”.
Sau lễ cung nghinh, nhà vua thăm thú qua loa một số nơi: “5 giờ 10, giá hạnh đến đồn lính khố xanh. Lính toàn người Thượng cả. 5 giờ 15, ngự đến trường học. Học trò đều người Thượng cả. Học bằng tiếng Đê. Thầy An Nam cũng có, mà dạy mấy lớp trên, chỉ nói tiếng Pháp thôi. 5 giờ 25, ngự đến đồn lính khố đỏ, cũng là lính Thượng… Có quan tư coi đạo binh ấy đem lính ra diễn tập để ngự lãm… xong rồi ngự quanh ngang qua làng Thượng, rồi trở về cung hành tại”.
Ngày nay, một thành phố Buôn Ma Thuột to rộng, sầm uất, là “thủ phủ” của khu vực Tây Nguyên, nhưng cách đây trên 80 năm, nơi đây được miêu tả thế này: “Tại Ban Mê Thuột người An Nam có phỏng chừng 160, mấy cái phố buôn bán lơ thơ, với các sở đồn điền có khoảng 140 người. Còn bao nhiêu là người Thượng cả… vì quan Sứ trước là ông Sabatier riêng một chính sách cấm không cho người An Nam lên. Bây giờ cũng còn cấm người mình vào đến làng Thượng”.
Phong tục của bà con bản địa ở đây được nhà vua quan sát và được miêu thuật có phần tỉ mỉ: “Trong làng Thượng nhà làm từng cái dài đến ba, bốn chục thước tây, chia ra từng gian, từng bếp để cho bà con ở. Nhà nào giàu mua sắm đồng la (chiêng – NV), nồi đồng để làm của. Có nhiều cái đồng la mặt rộng đến gần một thước tây, ấy là nhà hào phú. Tục Đê hay ăn uống chơi bời. Trong làng, nhà nào lớn có việc chi vui chơi, cứ nổi trống lên, thời đàn ông đàn bà kéo nhau đến ăn thịt uống rượu rồi ra sân múa hát. Cách múa thời người đàn ông đứng sau, người đàn bà đứng trước, đứng khít nhau, đều ngó tới một phía. Hai tay người đàn ông thời nắm lấy cổ cườm tay người đàn bà, cứ đứng một chỗ, theo nhịp trống, vừa nhún vừa vỗ tay, có khi lại đi lần tới. Chơi đùa cho chán, gần sáng mới về”.
Quan sát cách múa xoang ấy, tác giả bài tường thuật đi đến một liên tưởng ngộ nghĩnh, thú vị: “Cũng là một cách “nhảy đầm” chăng?”!
Sang ngày 24 tháng Giêng (18.2), 7 giờ sáng, Buôn Ma Thuột có cơn mưa trái mùa. Bài tường thuật bèn hạ bút: “Người Ban Mê Thuột nói rằng đã lâu không hề mưa về mùa này bao giờ. Nay nhân Ngự giá lên đây mới có mưa, thật là cao vũ! Và Ngài sắp ngự xuống Nha Trang, mưa cho dịu đàng, ấy là vũ sư sái đạo”!
Đến 8 giờ 25, Bảo Đại xuất hành đi Khánh Hòa qua ngả đường 26 ngày nay, “các quan binh đem lính Thượng ra đóng chầu dài dằng dặc hai bên đàng”. 8 giờ 35, dừng lại một lát nơi sở đồn điền Arpéa. 9 giờ 05, lại dừng một lát nơi sở CADA (Compagnie Agricote de l’Annam). Rồi thăm thoáng đồn điền Kaury. Dọc đường có thiết kế cổng chào, treo băng-rôn, băng chữ Pháp thì là: “Vive Empereur, Vive l’Annam, Vive la France, băng chữ Hán thì là: “Thiên tử vạn vạn tuế”. Đến 10 giờ 50 đến tòa đại lý M’Drak, bà con bản địa dắt theo 2 con voi ra chầu đón.
Sau này Bảo Đại cho làm một nơi nghỉ ngơi ở hồ Lăk để phục vụ những chuyến săn bắn và năm 1949 trưng dụng tòa nhà của quan công sứ Pháp để làm nơi ở và làm việc, nay đều gọi hai nơi ấy là “Biệt điện Bảo Đại”.
Nhân đang những ngày xuân Đinh Dậu, cũng là chẵn 20 năm qua đời của cựu hoàng Bảo Đại, xin nhắc lại một chút sử liệu cũ từ năm Dậu xa xưa (Quý Dậu) để nhớ lại một sự kiện lịch sử 84 năm trước nơi miền “thủ phủ cà phê” của Tây Nguyên ngày nay.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI