Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 295 - THÁNG 3 NĂM 2017 - tác giả PHẠM MINH TRỊ




NGHỆ THUẬT SO SÁNH -  ĐỐI LẬP TRONG “HỒI THỨ 14” TRÍCH “HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ” CỦA NGÔ GIA VĂN PHÁI
(Ngữ văn 9, tập I)

“Hoàng Lê nhất thống chí” thuộc loại tiểu thuyết chương hồi được viết bằng chữ Hán ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh trả lại Bắc Hà cho vua Lê. Cuốn tiểu thuyết này có 17 hồi, đoạn trích học sinh được học là hồi thứ 14, được coi là hồi hay nhất.
Ở đoạn trích này, người đọc thấy hiển hiện vẻ đẹp tính cách của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ bừng sáng với khí phách hào hùng, tài thao lược, trí tuệ sáng suốt, quyết đoán, cùng với sự bạc nhược, bất tài, ô hợp, của quân tướng Tôn Sĩ Nghị nhà Thanh và sự hèn mạt, nhục nhã của vua tôi Lê Chiêu Thống.

Đoạn trích được học chỉ chưa đầy 6 trang sách, nhưng được trình bày có lớp lang đầy đủ, cách kể đâu ra đấy rất hấp dẫn người đọc. Bao trùm toàn đoạn trích là nghệ thuật so sánh - đối lập giữa tướng lĩnh, quan quân, thế lực, cách thức, mưu lược, trí dũng, khí thế... của ta và giặc.
Cả đoạn trích được chia thành 2 phần rõ rệt. Phần I: Nói về người anh hùng Nguyễn Huệ cùng quan quân của ông. Phần II: Nói về quan quân tướng sĩ của Tôn Sĩ Nghị và vua tôi Lê Chiêu Thống hèn nhát. Hai phần này giống như hai bức tranh đối lập nhau cả về kích thước, hình khối lẫn màu sắc. Dụng ý của tác giả muốn người đọc so sánh mức độ đậm nhạt, tầm cỡ, ý nghĩa của hai bức tranh mà các tác giả kỳ công dựng vẽ lên bằng ngôn ngữ miêu tả, trần thuật, đối thoại.
Trước hết, ta hãy tìm hiểu bức tranh thứ nhất. Trung tâm điểm là người anh hùng Nguyễn Huệ. Một màu sáng bừng lên ở hình tượng người anh hùng này, đó là một con người mưu lược. Khi nghe Nguyễn Văn Tuyết cấp báo về tình hình nguy kịch ngoài Bắc Hà: “Bắc Bình Vương tiếp được tin báo, giận lắm liền họp các tướng sĩ định thân chinh cầm quân đi ngay”. Nếu là chủ tướng khác, khi mất hết đất từ quan ải đến Thăng Long thì có lẽ sợ hãi, hốt hoảng; ngược lại Nguyễn Huệ không tỏ ra nao núng một chút nào, ông bình tĩnh, họp tướng sĩ, chứng tỏ ông rất quyết đoán trước biến cố lớn ảnh hưởng đến toàn cục diện. Là chủ tướng dũng mãnh đã sẵn cơ mưu, biết lắng nghe lời bàn của tướng sĩ dưới quyền, vì thế ông đã đắp đàn tế cáo trời đất, chế áo cổn, mũ miện lên ngôi hoàng đế, tự mình đốc suất đại binh, cả thủy lẫn bộ cùng ra đi. Rõ ràng ngoài việc ứng biến khi tình huống xảy đến, ông rất bình tĩnh nhận xét, thâu tóm tình hình trong và ngoài, đặc biệt tâm tư tinh thần của tướng sĩ dưới quyền. Không hề tỏ một chút lúng túng trước tình hình nguy cấp, tự tin vào chính tài năng của mình, ông rất mưu lược, sáng suốt trong việc nhận định tình hình, thu phục nhân tâm, hãy nghe lời dụ của ông trước quân lính: “Quân Thanh sang xâm lược nước ta... đất nào sao ấy, người phương Bắc bụng dạ ắt khác, trong lịch sử chúng đã từng gây nhiều tội ác với dân ta, nhân dân ta có truyền thống chống giặc ngoại xâm giành độc lập, từ đời Trưng Nữ Vương đến Lê Thái Tổ, nước ta từ đời Đinh tới đây đã không còn chịu nỗi khổ như hồi nội thuộc...”. Lời dụ trước quân lính hùng hồn, hào sảng, nêu bật chính nghĩa của ta và phi nghĩa của địch, tưởng như có giọng thần của Lý Thường Kiệt, lòng tự hào sục sôi căm thù giặc của Trần Quốc Tuấn trong “Hịch tướng sĩ” và giọng trầm hùng âm vang trong “Cáo bình Ngô” của Ức Trai Nguyễn Trãi, tất cả tụ lại trong ông. Lời dụ của ông có khác gì là lời hịch, lời tuyên ngôn về chủ quyền đất nước, độc lập dân tộc và tương lai đất nước của khúc khải hoàn.
Đặc biệt ông rất tinh nhạy trong việc xét đoán bề tôi, thể hiện rất rõ trong lời xét đoán và phân tích cho Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân và Ngô Thì Nhậm nghe, ông ra ân uy rất đúng mực, khiến tướng sĩ nể phục trọng vọng có phần sợ hãi, bởi ông hiểu họ hơn cả họ hiểu chính mình. Sự nổi bật của hình tượng Quang Trung Nguyễn Huệ còn thể hiện ở mưu lược trong tầm nhìn xa trông rộng. Quân giặc đang còn giữ đất từ quan ải đến Thăng Long đóng doanh trại tại Thăng Long, nghĩa là thế nước đang ở trong tay giặc vậy mà Quang Trung vô cùng tự tin nói rằng: “Phương lược tiến đánh đã có tính sẵn, chẳng qua mười ngày, có thể đuổi được người Thanh". Rõ ràng ông đã thấy rõ thế và lực của chính ông và của quân giặc ra sao. Ông khẳng định như đinh đóng cột rất chắc chắn: quân Thanh phải thua đó là điều không thể tránh. Nhưng cái sâu và rộng ở trong mưu lược của ông là: ông tính đến chuyện ngoại giao - “khéo lời lẽ” để dẹp binh đao, ông đã bố trí sẵn Ngô Thì Nhậm đảm trách. Đang ngồi trên lưng ngựa, khói thuốc súng còn sạm đen áo bào mà ông đã có hoạch định cho mười năm tới trong hòa bình. Rõ ràng Quang Trung quả là nhà quân sự chính trị ngoại giao tài ba, có tầm nhìn chiến lược.
Trong bức tranh mà Ngô Thì Chí và Ngô Thì Du dựng lên, sáng chói một Quang Trung - bậc kỳ tài trong việc dùng binh. Ông mở một chiến dịch thần tốc: trong vòng có một tháng Quang Trung đã quyết định xong phương lược đánh giặc. Từ việc chuẩn bị quân lính, lương thực, làm lễ lên ngôi... Và ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân (1.1789) ông đốc xuất đại quân cả thủy lẫn bộ cùng ra đi. 29 tháng Chạp ra đến Nghệ An mộ quân, cứ 3 suất đinh lấy 1, mở cuộc duyệt quân. 30 tháng Chạp mở tiệc khao quân “cúng tết trước” hẹn riêng với các tướng mùng 7 tết sẽ vào Thăng Long (thực tế mùng 5 tết đã ở Thăng Long). Ngay tối 30 tết lập tức lên đường. Chúng ta lưu ý tới các mốc thời gian. Chỉ có năm ngày mà làm một núi công việc, đi một chặng đường dài, hiểm nguy, rõ ràng chỉ có bậc kỳ tài mới làm nổi. Chính ông cưỡi voi oai phong, lẫm liệt, tung hoành đi “đốc thúc" quân quả là một hình tượng hào hùng, kỳ vĩ, hiếm có trong lịch sử của dân tộc ta,
Trái ngược với bức tranh sáng chói, hào hùng là bức tranh xám xịt, ám khói của quan quân tướng sĩ nhà Thanh mà đứng đầu là tên bại tướng Tôn Sĩ Nghị. Quang Trung ung dung, mưu lược bao nhiêu thì Tôn Sĩ Nghị xảo trá, tham công thiển cận bấy nhiêu. Hắn chủ trương chỉ diễu võ giương oai phô trương thanh thế, hắn nghĩ: “Không đến nỗi mũi gươm phải vấy máu mà quân giặc đều bị bắt giết” quả là thiển cận và hoang tưởng mù tịt tình hình. Quang Trung mưu lược nhìn xa trông rộng quyết đoán bao nhiêu thì Tôn Sĩ Nghị kiêu căng chủ quan bấy nhiêu. Hắn đâu có chuẩn bị chiến đấu. Vì thiển cận chủ quan mà tin lời “nói hão” của Lê Quýnh tin rằng: “Chúng nó như cá chậu chim lồng, còn chút hơi thừa thoi thóp không đáng nói đến”. Hắn biết đâu rằng: Chính hắn và quân sĩ của hắn mới còn chút hơi thừa thoi thóp và là cá chậu chim lồng. Quang Trung càng kỳ tài bao nhiêu thì Tôn Sĩ Nghị bất tài bấy nhiêu. Hắn cũng có kế hoạch mồng 6 tết sẽ: “Kéo quân thẳng đến sào huyệt của quân Tây Sơn”. Thực tế ngược lại chính Quang Trung vào tận sào huyệt của hắn mà hắn đâu có ngờ. Quang Trung bình tĩnh suy xét tình hình, hiểu tường tận tướng sĩ của mình bao nhiêu thì Tôn Sĩ Nghị nông cạn, đại khái, lúng túng bấy nhiêu. Tình hình khó khăn hắn trách mắng ngay Lê Quýnh và Lê Chiêu Thống. Để đối phó với tình hình hắn đâu có kế sách gì, chỉ chăm chú vào việc yến tiệc vui mừng, không hề lo chi đến việc bất trắc. Đến ngày mùng 4 “cuộc vui chưa tàn” đã có tin cáo cấp", Tôn Sĩ Nghị hoàn toàn lộ chân tướng: “Sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp... nhắm hướng Bắc mà chạy”. Thật là hèn nhát bất tài nhục nhã. Tướng là vậy “mới nghe hơi đã mất vía” còn quân ? Quân của Quang Trung có kỷ luật chính quy, anh dũng bao nhiêu thì quân của Tôn Sĩ Nghị ô hợp, bạc nhược không có tinh thần chiến đấu bấy nhiêu. Khi thắng dễ dàng thì bỏ đồn bỏ đội ngũ đi lang thang, khi lâm trận, mới nghe thấy tiếng loa của quân Tây Sơn thì đã rụng rời sợ hãi liền xin hàng. Đồn Hà Hồi không hề có một hành động chống trả, đồn Ngọc Hồi có lác đác vài tiếng súng nổ, dùng ống hun khói không ngờ tự làm hại mình. Ngòi bút của các tác giả ở đây thật hả hê: Quân Thanh chỉ còn một nước chạy, chạy toán loạn, chạy đủ kiểu, giày xéo lên nhau mà chết... chạy về nước đông nghịt như đi chợ, ngày đêm đi gấp, không dám nghỉ ngơi. Quân của Quang Trung hào hùng bao nhiêu, dũng mãnh, uy phong bao nhiêu thì trái lại quân của Tôn Sĩ Nghị thê thảm, đớn hèn, nhục nhã bấy nhiêu. Một đội quân phi nghĩa cướp tranh đất nước người phải ê chề thảm bại trước một đội quân chính nghĩa anh hùng là điều không thể tránh khỏi. Điều này ông cha ta đã cảnh báo từ lâu: “Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm. Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời" (Lý Thường Kiệt, Sông núi nước Nam).
Cùng chung với bức tranh màu u ám xám xịt của sự ê chề thảm bại có một góc là của bọn vua tôi bán nước Lê Chiêu Thống - Lê Quýnh. Số phận của bọn “rước voi về giày mả tổ” đã được định đoạt: bọn chúng phải từ bỏ đất mẹ, lịch sử lên án, sống muôn đời đớn hèn và nhục nhã.

Quả thật với ngòi bút tả thực, các tác giả của “Hoàng Lê nhất thống chí” đặc biệt trong hồi thứ 14, đã dựng lên hai bức tranh đối lập nhau từng chi tiết, từng hình ảnh, từng đường nét, mức độ, màu sắc và kích cỡ bằng nghệ thuật so sánh tương phản độc đáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI