Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 296 - THÁNG 4 NĂM 2017 tác giả PHẠM MINH TRỊ




XUẤT PHÁT TỪ ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI ĐỂ DẠY BÀI “CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG”
(Ngữ văn 9)


“Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ là một trong chùm bài thuộc văn bản tự sự trung đại Việt Nam ở Ngữ văn 9. Hơn nữa, văn bản này là một tác phẩm tiêu biểu nhất,đạt đến độ hoàn thiện của thể loại truyện ký Việt Nam. Không ít người cho rằng đó là áng văn “thiên cổ kỳ bút”. Nó khác với các văn bản tự sự hiện đại Việt Nam ở chỗ: văn bản học sinh học là một văn bản dịch từ chữ Hán, có nguồn gốc từ truyện cổ tích: “Vợ chàng Trương” được lưu truyền trong dân gian. Và một lưu ý nữa rất quan trọng đó là: Nguyễn Dữ kể lại, xây dựng lại theo thế giới quan riêng của bản thân mình, một trí thức lớn thời đó.
Vì các lưu ý trên nên khi giảng dạy bài này cần hướng dẫn, gợi mở cho học sinh tiếp cận theo đặc trưng thể loại văn bản tự sự thì chắc chắn vừa tiết kiệm được thời gian (văn bản này hơi dài, kể cả chú thích chiếm tới 9 trang in) vừa khơi gợi tính sáng tạo, rèn óc tư duy thẩm mỹ văn chương của học sinh rất hiệu quả. Đặc trưng của văn bản tự sự trung đại Việt Nam nổi bật nhất ở chỗ: cách xây dựng tình huống truyện như kịch, các tình tiết tiêu biểu xoay quanh các nhân vật chính chứ không phải ở cách sử dụng ngôn từ (vì là văn bản dịch). Dạy bài này mà giáo viên không làm cho học sinh hiểu một cách sâu sắc cái bi kịch đau đớn trong đời thường là cái bi kịch của niềm tin trong quan hệ vợ - chồng thì theo tôi chưa bắt trúng mạch, chưa nhận ra kiến thức trọng tâm của văn bản (đương nhiên còn nhiều tầng ý nghĩa khác nữa vì đó là một đặc thù của văn bản nghệ thuật). Nói cụ thể hơn là giáo viên phải tìm mọi cách hướng dẫn, khơi gợi để học sinh thấy rõ cái nút thắt, nút mở trong tình huống đầy kịch tính của truyện. Từ đó hiểu rõ bi kịch của hai nhân vật chính: Vũ Nương, Trương Sinh với hai đặc điểm riêng biệt, đối lập nhau hoàn toàn; Vũ Nương đẹp người, đẹp nết, đức hạnh son sắt thủy chung, một mực gìn giữ hạnh phúc gia đình còn Trương Sinh thì hồ đồ ngu muội, gia trưởng, độc đoán, vũ phu. Làm được vậy là ta đã dạy theo đặc trưng của thể loại văn bản tự sự trung đại và sẽ đạt được hiệu quả cao trong tâm thức của học sinh.
Tình huống đầy kịch tính nổi bật nhất của văn bản này ở chỗ nghệ thuật thắt mở nút được biểu hiện ở chi tiết đặc sắc cái bóng lặng im trên vách được xuất hiện hai lần nhưng lần hai điệp lên lần thứ nhất. Chính bằng tình huống đầy kịch tính này mà Nguyễn Dữ đã đóng dấu sâu vào lịch sử chế độ nam quyền thời phong kiến cái bi kịch đau đớn của gia đình. Vì thế khi dạy giáo viên có thể lướt qua phần thứ nhất chỉ cần khái quát ý lớn của phần này: hình ảnh Vũ Nương đẹp, người đẹp nết bằng các chi tiết nổi bật như: chăm sóc mẹ chồng như mẹ đẻ, chăm sóc con, chung thủy với chồng… Và để dành thời gian cho việc hướng dẫn, gợi mở cho học sinh nhận cảm rõ tình huống đầy kịch tính như đã nêu ở trên. Ta để ý thấy rằng ở phần hai mặc dù Trương Sinh đã về sum họp với vợ con nhưng tiếng cười đâu có xuất hiện. Giọng văn ngậm ngùi, đều đều không háo hức, không vui tươi. Cái nút thắt của truyện đã tới: con khóc, chàng dỗ dành, con lại bập bẹ nói, ngây thơ, nhìn thấy gì, nghe thấy gì, mẹ bảo sao biết vậy nghĩa là mọi sự chỉ nhìn theo bề ngoài, hình thức của sự vật. Cái chi tiết nghệ thuật đứa con trai ngây thơ lấy làm lạ lùng khi Trương Sinh nhận làm cha nó là chi tiết bắc cầu cho chất kịch dâng lên. “Thế ra, ông cũng là cha tôi ư?” Một câu hỏi thơ dại mà làm đắm chìm cả thân phận, cả một cuộc đời, làm tan cả một gia đình. Và tính kịch cứ thế dâng theo lời kể rất ngây thơ của thằng Đản - con trai Trương Sinh. Nó còn cho Trương Sinh biết chi biết chi tiết hơn: ông lại biết nói không như cha nó chỉ im thin thít. Và kịch tính ngày càng gia tăng ở mức độ cao khi con trai chàng kể tiếp: Có một người đàn ông đêm nào cũng đến... Mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi… Chẳng bao giờ bế Đản cả. Đây chính là nốt son nghệ thuật để đẩy kịch tính lên cao trào. Thắt nút kịch rất khéo léo, tạo sự gay cấn cho tình huống. Cơn bão ngầm đa nghi, ghen tuông của người đàn ông sẵn có trong trong Trương Sinh nổi sóng. Chàng từ gạn hỏi đến chỗ đinh ninh là vợ hư, mối ngờ vực ngày một ngấm sâu không có gì gỡ ra được. Cái gì đến đã đến, từ chỗ la um lên đến bỏ ngoài tai lời phân trần của vợ, không tin lời bênh vực của hàng xóm. Mức độ kịch tính càng đẩy lên cao hơn. Thói vũ phu cùng tính gia trưởng mà chế độ gia tộc phụ quyền thời phong kiến tặng cho Trương Sinh đã bộc lộ trắng trợn, bị bóc trần: mắng nhiếc vợ thậm tệ rồi đánh đuổi đi. Rõ ràng nghệ thuật thắt nút đẩy kịch tính lên cao dần và đến đỉnh điểm được Nguyễn Dữ sử dụng rất khéo léo. Người đọc nhận thấy sự việc xảy ra liên tiếp rất lô-gic đúng qui luật tính cách của nhân vật. Trương Sinh từ chỗ đa nghi gạn hỏi đến chỗ ghen tuông u mê, lú lẫn, ngu muội bởi lòng tin đã mất. Vũ Nương trước sau không có lỗi lầm gì, thủy chung trong trắng đức hạnh mà phải tìm tới cái chết để giãi bày tấm lòng son của mình cũng bởi đã mất lòng tin. Nguyễn Dữ cho người đọc thấy căn nguyên của tấn bi kịch gia đình, bi kịch gia đình ứa máu thấm tận đến bây giờ. Trở lại với tình huống đầy kịch tính, ta hãy xem tác giả mở nút ra sao? Tác giả viết: Một đêm phòng không vắng vẻ, chàng ngồi buồn dưới ngọn đèn khuya, chợt đứa con nói rằng: Cha Đản lại đến kia! Chàng hỏi đâu. Nó chỉ bóng chàng ở trên vách: Đây này! Thì ra ngày thường, ở một mình, nàng hay đùa con, trỏ bóng mình mà bảo là cha Đản. Bấy giờ chàng mới tỉnh ngộ, thấu nỗi oan của vợ, nhưng việc trót đã qua rồi! Ta thấy chỉ bằng chi tiết nghệ thuật cái bóng lặng im trên vách của chính người đã gây lên bi kịch gia đình đớn đau, ứa máu, oan nghiệt, tác giả đã giải, đã mở nút tạo nên một hiệu ứng thẩm mỹ cao trong cảm nhận của người tiếp cận hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn chương. Cái bóng thằng Đản chỉ có khác gì cái bóng của Vũ Nương chỉ cho thằng Đản. Nó cũng im lìm không thể cất lên lời. Chỉ khác, lần trước vì quá nhớ thương chồng, sợ con côi cút mà Vũ Nương chỉ vào cái bóng của mình nói dối là cha Đản. Lần này, tự nhiên Đản chỉ vào cái bóng của chính Trương Sinh - người trực tiếp gây lên nỗi oan nghiệt tấn bi kịch của gia đình mình. Cái bóng lặng im nhưng lại nói lên rất nhiều điều. Để cởi bỏ nỗi oan nghiệt, gỡ tấn bi kịch của gia đình, trước hết chính người gây lên phải tỉnh ngộ trả giá. Đây cũng là một trong những điều mà tác giả muốn nhắn gửi cho chúng ta. Bài học rút ra từ đây mới thấm thía và có giá trị hơn bao giờ hết. Lời cảnh tỉnh xuyên suốt chiều dài lịch sử. Điều này đem đến cho Chuyện người con gái Nam Xương thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc và tính hiện thực cao. Cũng vì vậy mà người đời gọi nó là áng văn thiên cổ kỳ bút.
Với cách thức trình bày trên. Học sinh không những nắm vững cốt lõi của kiến thức mà còn rèn năng lực kĩ năng áp dụng những kiến thức đã biết có liên quan vào việc giải quyết tình huống có vấn đề. Riêng ở bài này, học sinh vận dụng và sử dụng xử lý kiến thức về văn bản tự sự đã học ở phần tập làm văn vào việc phân tích tình huống từ đó rút ra giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Một ưu điểm nổi bật nữa là bước đầu học sinh biết cách chọn lựa điểm của hệ thống tình huống trong văn bản tự sự, từ đó khái quát nên diện của toàn bộ tác phẩm
Điều giáo viên cần lưu ý là phải hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài thật kĩ lưỡng biết huy động tổng hợp kiến thức đã học để phát hiện tình huống điểm. Đương nhiên để phát hiện ra điểm tình huống có vấn đề không phải là một việc dễ dàng, đòi hỏi giáo viên đầu tư nhiều thời gian để nghiên cứu và luôn luôn không ngừng nỗ lực trau dồi vốn sống kiến thức.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI