Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 296 - THÁNG 4 NĂM 2017 - tác giả THU HƯƠNG




MỘT KỶ NIỆM VỚI ĐẢO AN BANG


An Bang là hòn đảo cuối cùng trong chuyến hành trình về với mùa xuân Trường Sa của chúng tôi. Từ tàu nhìn vào, đảo An Bang đẹp như một lâu đài cổ tích. Buổi sáng, khi được biết tất cả các phóng viên được vào đảo, chúng tôi đã rất vui mừng, vì trong tâm khảm của mỗi người, đây là hòn đảo mà ai cũng mong muốn được đặt chân đến, được chinh phục.
Vì sao hòn đảo này lại gây niềm tò mò và khao khát chinh phục của mọi người đến vậy. Thứ nhất, trong chuyến hành trình đi 7 đảo với 13 điểm đảo của tuyến phía Nam là: Đá Lát, Trường Sa, Đá Tây, Đá Đông, Trường Sa Đông, Thuyền Chài và An Bang thì có thể nói đảo An Bang được mọi người nhắc đến nhiều nhất, đó là sự khó khăn khi vào hòn đảo này. Trưởng đoàn công tác: Đại tá Phan Ngọc Quang, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 cũng nói với chúng tôi rằng: “Đảo nào cũng có thể vào được nhưng với An Bang thì tùy tình hình thời tiết mà phóng viên có thể vào được, có thể không”. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì biển đảo quê hương” cho biết, “Mình đã 5 lần đi Trường Sa, và hòn đảo nào cũng đã được đặt chân đến, chỉ có hòn đảo này là chưa được chinh phục”.
Buổi tối trước khi vào đảo, đoàn công tác thông báo chỉ có 1 phần 3 số phóng viên được đi vào đảo do thời tiết không thuận lợi. Một thông tin làm buồn lòng tất cả các phóng viên và chắc chắn ai cũng muốn mình được đi vào đảo và hình như không ai chịu nhường ai. Chúng tôi đã có một buổi tối thật đặc biệt. Các phóng viên đã có những cuộc gặp gỡ hành lang để thương lượng. Một số phóng viên thì đã có một đêm khó quên khi tổ chức liên hoan chia tay với các cán bộ, chiến sỹ vào đảo An Bang công tác vì nghĩ rằng ngày mai sẽ không được vào đảo. Còn 4 chị em của phòng B11 chúng tôi thì chỉ có một câu trả lời duy nhất: cả 4 chị em sẽ vào đảo.
Sự hồi hộp đã làm cho giấc ngủ của chúng tôi có phần chập chờn. 5 giờ sáng, phòng B11 của chúng tôi hầu như đã dậy để chuẩn bị cho chuyến đi đặc biệt của mình. Và, tất nhiên, trong lòng hồi hộp vì không biết quyết định của trưởng đoàn sẽ thế nào.
Sau tiếng loa báo thức, thì có một thông báo đặc biệt của trưởng đoàn: Do thời tiết đẹp, tất cả các phóng viên gồm 39 đồng chí sẽ được vào đảo. Khó có thể nói hết niềm vui của chúng tôi, chúng tôi vỡ òa, cùng ôm nhau nhảy vì vui sướng.
Vẫn là sự hồi hộp vì không ai là không được nghe câu: “Ruồi vàng, bọ chó, sóng gió An Bang”. Những câu chuyện về việc hỏng máy móc khi bị sóng biển tạt vào làm cho chúng tôi cẩn thận hơn trong việc bảo quản đồ đạc và dụng cụ tác nghiệp. Tuy vậy, đây cũng là cơ hội để một số đồng nghiệp tác nghiệp ngay trên xuồng. Tôi thầm cảm phục các bạn đồng nghiệp của cơ quan thông tấn xã và một số đài đồng nghiệp khi quay phim và dẫn hiện trường ngay trên xuồng đi vào đảo.
Nhìn thấy đảo từ xa nhưng chúng tôi phải vượt qua nhiều con sóng lớn. Ngồi trên xuồng chuyển tải, chúng tôi phải tuân theo nghiêm ngặt mệnh lệnh của Trưởng đoàn và các quy định của đội lái xuồng, không ai được đứng lên và phải ngồi đều để tránh làm mất thăng bằng của xuồng. Từ trên xuồng, chúng tôi đã thấy rất nhiều cán bộ, chiến sỹ trên đảo đứng đón đoàn công tác. Trưởng đoàn cho biết: “Do đặc thù sóng gió nơi đây nên đảo này có một đội đặc nhiệm để giúp cho những đoàn công tác có thể lên đảo an toàn.”
Và, khi xuống gần tới mép đảo thì đội đặc nhiệm gần 20 người chạy lao ra và nhanh thoăn thoắt lựa thế sóng kéo xuồng vào đảo an toàn. Đội đặc nhiệm đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của các phóng viên báo đài, còn các phóng viên chỉ cần quay ghi hình hay chụp lại những gì đang diễn ra trước mắt mà thôi.
Khách và chủ nhanh chóng thân quen nhờ màn gặp gỡ và đón chào đặc biệt ấy. Thiếu tá Phạm Văn Thạo, Phó chỉ huy trưởng đảo, người trực tiếp chỉ huy đội “đặc nhiệm” chuyên ghìm sóng, đưa đón những chuyến tàu bình an khi vào đảo An Bang cười rạng rỡ nói: “May quá, hôm nay là ngày biển đẹp nhất trong hai tháng gần đây…”. Giải đáp sự quan tâm của các phóng viên về đội đặc nhiệm, thiếu tá Thạo cho biết: “đội đặc nhiệm là cái tên gọi yêu quý của mọi người dành cho anh em của đội đón xuồng, còn thực chất mỗi người trong đội đều có những công việc cụ thể khác nhau, ở nhiều bộ phận khác nhau”.
Còn chưa hết mệt sau mấy lần kéo xuồng, Thiếu úy Nguyễn Duy Luân, quê Tân Kỳ, Nghệ An cho biết: “Ở trong đội đặc nhiệm này, người đến trước lại hướng dẫn cho người đến sau để cùng phối hợp nhịp nhàng, giúp các xuồng cập đảo cũng như rời đảo an toàn”. Còn Trung sỹ Văn Thành Thuận thì cho biết: “Nhiệm vụ của đội kéo xuồng thì cũng có chút vất vả nhưng hầu như ai cũng thích vì được đón các đoàn vào thăm đảo. Khi đón xuồng thì anh em luôn tập trung cao, làm hết sức mình”. Nói về đội đặc nhiệm đảo An Bang, Đại úy, Chính trị viên Vũ Quang Minh cho biết thêm: “Do đảo nằm trên thềm san hô dựng đứng, ra vào khó khăn nên quân nhân mới, cũ đều được giáo dục, huấn luyện mọi mặt, nhất là kỹ năng hoạt động trên biển. Với đội đặc nhiệm, nhiệm vụ càng nặng nề hơn. Các chiến sĩ được huấn luyện thuần thục và tinh nhuệ kỹ năng đi xuồng, bắt dây, kéo xuồng lên đảo, phòng tránh rủi ro, va chạm... Chỉ huy đảo duy trì thường xuyên việc huấn luyện thực tế trên biển với yêu cầu cao đội công tác đặc biệt này, trên tinh thần sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, không nề hà gian khó. Điều chung nhất ở họ ngoài kỹ năng bơi lội, kinh nghiệm đón sóng, nhìn con nước… thì đó chính là lòng dũng cảm, sẵn sàng đối đầu với hiểm nguy.
Có lẽ cũng cần nói thêm về hòn đảo đặc biệt này: An Bang nằm cách đảo Trường Sa 75 hải lý về phía Đông Nam, cách đảo Thuyền Chài hơn 20 hải lý về phía Tây Nam. Đảo nằm dài theo hướng Bắc-Nam, với diện tích nổi và thềm san hô khoảng 2,1 km2. Vùng biển An Bang là khu vực có nhiều con sóng to. Đảo có diện tích hẹp, rìa đảo là vực sâu hun hút. Những con sóng tạo thành một gọng kìm bao vây dồn dập đập vào đảo. Đảo An Bang nằm trên thềm san hô ngập nước. Khi thủy triều xuống thấp, độ cao của đảo khoảng 3m, mép bờ đảo xa thêm khoảng 50m. Đảo do các tảng đá san hô liên kết với nhau tạo nên. Bờ đảo được bao bọc bởi các tảng đá san hô lớn. Bờ Tây là một dải cát hẹp; còn bờ Nam của đảo là bãi cát thường thay đổi theo mùa: từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, được bồi thêm cát thành một bãi cát dài; nhưng từ tháng 8 trở đi, bãi cát này dần dần dịch sang bờ phía Đông của đảo. Do cấu trúc san hô dựng đứng, An Bang như cây nấm khổng lồ vươn lên từ đại dương bốn mùa sóng vỗ, việc ra vào đảo gặp rất nhiều khó khăn nguy hiểm.
Chúng tôi được lên đảo và được biết nhiều điều hơn về đảo An Bang, về cuộc sống sinh hoạt cũng như nhiệm vụ chính trị của cán bộ và chiến sỹ trên đảo. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất về hòn đảo này là những con sóng và những người lựa sóng để những chiếc xuồng cập đảo trong niềm vui và hạnh phúc. Và riêng tôi, dâng lên một niềm hạnh phúc pha lẫn tự hào khi lần đầu tiên đến với quần đảo Trường Sa nhưng đã đến được với An Bang, một điểm đến khó trong những hòn đảo ở quần đảo Trường Sa.



















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI