Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 300 - THÁNG 8 NĂM 2017 tác giả PHẠM MINH TRỊ


   
Có phải Nguyễn Du tả cảnh thông qua lăng kính tâm trạng Thúy Kiều?

  
Trong bài viết:”Băn khoăn tìm hiểu nghĩa một chữ trong Truyện Kiều” - in trong tạp chí Thế giới trong ta - PB 10, bạn Nguyễn Đình Ba có đưa ra một số suy nghĩ, tìm tòi, cuối cùng khẳng định: "Cả đoạn Cảnh ngày xuân thật đặc sắc, tươi vui, thông qua lăng kính tâm trạng Thúy Kiều”, liệu có đúng thế chăng?
Đoạn trích: “Cảnh ngày xuân” (Ngữ văn 9, tập I), gồm tất cả 18 câu, tiếp sau đoạn tả tài sắc chị em Thúy Kiều. Đoạn này tả cảnh ngày xuân trong tiết Thanh minh và cảnh du xuân của chị em Thúy Kiều. Ta thấy kết cấu của đoạn thơ theo trình tự thời gian - không gian chứ không theo trình tự, sự biến chuyển sắc độ của tâm trạng nhân vật. Có thể chia đoan trích thành các phần nhỏ như sau: Bốn câu đầu tác giả tả khung cảnh mùa xuân, tám câu tiếp theo tác giả tả khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh, sáu câu cuối tả cảnh chị em du xuân trở về. Nhìn một cách khái quát như thế, ta thấy ngay: Đối tượng, mục đích miêu tả ở đoạn trích này là cảnh vật thiên nhiên và quan trọng hơn cảnh vật ấy được Nguyễn Du trực tiếp miêu tả chứ hoàn toàn không phải miêu tả gián tiếp thông qua lăng kính tâm trạng Thúy Kiều. Để rõ hơn ta hãy đối chiếu đoạn trích này với đoạn trích: Kiều ở lầu Ngưng Bích (Ngữ văn 9, Tập I). Khác với đoạn Cảnh ngày xuân đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích, đối tượng, mục đích miêu tả ở đây là tâm trạng Thúy Kiều chứ hoàn toàn không phải là cảnh vật thiên nhiên như trong đoạn Cảnh ngày xuân. Cảnh thiên nhiên ở đây chỉ là phương tiện nó xuất hiện chỉ nhằm làm nổi bật sắc độ tâm trạng của Thúy Kiều bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Màu sắc, đường nét... của cảnh đươc hiện lên trước mắt người đọc đã được Nguyễn Du lọc qua tâm trạng cô đơn, buồn tủi, nỗi niềm thương nhớ về ngươi yêu, cha mẹ và cả những suy tư về thân  phận  sau này của nhân vật Thúy Kiều. Nghĩa là tất cả sự bát ngát, vẻ non xa, tấm trăng gần, cát vàng, cồn nọ, dặm kia, bụi hồng, cánh buồm thấp thoáng, ngọn nước,hoa trôi, nội cỏ, tiếng sóng... đều đã được nhuộm, soi, lọc, ướp, ngấm qua tâm trạng của nhân vật Thúy Kiều rồi mới hiện ra chứ nó không còn thuần túy, vẹn nguyên là cảnh tự thân của nó nữa. Cảnh vật ấy đã nhiễm, đã in dấu tâm trạng của nhân vật Thúy Kiều, cảnh đã bị cá thể hóa. Và như thế mới gọi là thông qua lăng kính tâm trạng Thúy Kiều.
Trở lại với đoạn trích Cảnh ngày xuân ta thấy hoàn toàn khác hẳn. Khác ngay từ đầu đề của đoạn, một bên là cảnh một bên là tâm trạng;ấy là nói về hồn cốt của cái biểu hiện. Và người đọc nhận ra ngay ý đồ nghệ thuật của tác giả. Một bên là trực tiếp đặc tả không thông qua góc nhìn, sắc độ của tâm trạng nhân vật, một bên (đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích) tác giả gián tiếp miêu tả, cảnh vật được gạn lọc qua sắc độ tâm trạng nhân vật. Có lẽ chẳng cần trích ra các câu thơ của hai đoạn để đối chiếu vì bất cứ GV nào dạy văn cũng thuộc nằm lòng! Ngươi đọc thấy ngay ánh sáng đẹp, thời gian trôi, sắc non xanh tràn trề sức sống của cỏ mùa xuân, sắc trắng tinh khiết mới mẻ của hoa lê, sự nhẹ nhàng thanh thoát, yên bình, nên thơ của khung cảnh mùa xuân ở bốn câu thơ đầu rất sinh động, có hồn, gợi cảm hiện lên trước mắt người đọc là hoàn toàn được Nguyễn Du đặc tả trực tiếp chứ làm gì có vương vấn thông qua lăng kính tâm trạng Thúy Kiều. Thế mà khi bàn về từ tận, từ rợn bạn Nguyễn Đình Ba viết: Từ rợn cũng diễn tả cái không gian bát ngát, mênh mông... nhưng nó còn sắc thái ngụ tình. Đó là tâm trang rợn ngợp của Thúy Kiều... Từ tả cảnh ngụ tình này cũng nằm trong hệ thống với nhiều từ, câu khác nhau như:thanh thanh, nao nao, rầu rầu. Theo tôi chỉ có từ rầu rầu trong câu: Buồn trông nội cỏ rầu rầu (Kiều ở lầu Ngưng Bích) là chính xác được Nguyễn Du miêu tả thông qua tâm trạng Thúy Kiều. Còn lại là hiểu quá gượng ép, khiên cưỡng nếu không muốn nói là sai ý đồ nghệ thuật của tác giả. Cũng như thế, cái không khí rộn ràng, đông vui, náo nhiệt, háo hức của cảnh - người trong lễ hội Thanh minh hiện ra sống động không phải tác giả tả thông qua lăng kính tâm trạng Thúy Kiều mà tác giả đặc tả trực tiếp. Tương tự cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trở về cùng với không khí thanh, nhẹ, dịu của cuối buổi chiều xuân với các hình ảnh gợi tâm trạng, nhuốm màu nuối tiếc... tất cả đều được tả theo một bút pháp nghệ thuật nhất quán như hai đoạn trên, tuỵêt nhiên không phải tả thông qua lăng kính tâm trạng Thúy Kiều.
Rõ ràng, cả đoạn: Cảnh ngày xuân đặc sắc là hiển nhiên chính xác, còn tươi vui chỉ đúng hai phần ba vì cuối đoạn trích đâu còn cảnh tươi vui nữa. Và đặc biệt, góc nhìn, bút pháp, ý đồ nghệ thuật tả cảnh vật trong đoạn trích: Cảnh ngày xuân xuất phát trực tiếp, đặc tả chứ không gián tiếp soi qua lăng kính tâm trạng Thúy Kiều như bạn Nguyễn Đình Ba đã khẳng định. Có thể những suy nghĩ trên chưa thấu  đáo, mang tính chủ quan rất mong đồng nghiệp trao đổi bởi năng lượng chữ là vô hạn còn năng lực cảm thụ của mỗi người laị hữu hạn.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI