Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

NGƯỜI M’NÔNG GIỮ LỬA OT NDRONG tác giả KHÁNH HẠ - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 302 - THÁNG 10 NĂM 2017



Bút ký

Ot Ndrong, là cách gọi của người M’nông về hát – kể sử thi. Người thuộc Ndrong đã hiếm, người biết ot – diễn xướng, lại càng hiếm hơn. Người bạn vong niên của tôi, nghệ nhân Điểu K’Lung, sau khi đã ngả nghiêng vì thứ nước rượu cần vàng óng như mật ong, ghé tai tôi nói: Được Yàng chọn cả đấy, không phải ai cũng ot được đâu, kon Kinh ạ! “Kon Kinh” là cách gọi trìu mến ông thường gọi tôi, một anh bạn nhỏ tuổi người Kinh lại cứ hay lang thang vào rừng. Mà không vào rừng thì không gặp ông được, mặc dù gần đây, ông đã cẩn thận sắm một chiếc điện thoại di động nhét vào túi áo rồi bảo “kon Kinh lưu số vào để khi nào muốn uống rượu ghè thì đi tìm cho dễ!” Thế mà có dễ đâu. Gọi không được, tôi rủ anh bạn ở Phòng văn hóa thông tin huyện Buôn Đôn tìm đến nhà thì ông đi rừng rồi!
Ông bảo: Tuổi mình giờ đã lớn, ngoài 70 rồi, ở nhà sẽ dễ bị bệnh lắm, vào rừng chơi cho khỏe tay khỏe chân, khi chặt ít cây củi, khi xuống suối thả lưới bắt con cá, vừa vui vừa khỏe! Tôi biết rồi, người Tây nguyên, đa số đều có máu “lang thang”, thích đi đây đi đó, với họ, đời là một cuộc lãng du bất tận... Huống chi, Điểu K’Lung, một nghệ sĩ thực thụ, thì cuộc lãng du ấy còn dài hơn, như những câu Ndrong kéo dài chừng như vô tận của người M’nông.
Nghệ nhân Điểu K’Lung sinh năm 1941 ở bon Bu Đrăng, xã Quảng Trực huyện Tuy Đức tỉnh Đắk Nông trong một gia đình có 4 anh em thì ngoại trừ một người mất sớm, 3 anh em còn lại đều là những nghệ nhân mà tiếng tăm của họ vang xa qua chín suối mười rừng trên miền đất Tây Nguyên huyền thoại này. Người anh lớn Điểu Kâu về với bến nước ông bà tính ra cũng đã mấy mùa rẫy, người anh thứ 2 bây giờ đang làm bảo vệ kiêm đánh trống cho một trường học ở quê nhà bên Tuy Đức. Người em út Điểu K’Lung thích lãng du, qua tận Bản Đôn tìm người thương rồi bị miền hoang sơ Làng Đảo bắt mất hồn từ thuở còn trai tráng. Cho đến bây giờ, đã mấy mươi mùa rẫy…
- Kon Kinh biết không, mình từng được chế độ cũ cử đi học đấy, mà là học thông tin văn hóa ở Nha Trang đàng hoàng chớ bộ, cái này mình không nói cho ai biết đâu đó…
Chia sẻ xong cái bí mật bất ngờ ấy, ông cười sảng khoái, hỏi ra thì mới biết, ông từng làm Trưởng ban kỹ thuật thông tin tỉnh Quảng Đức vào những năm 1968 – 1970. Năm 1973, sau hiệp định Giơ-ne-vơ, ông băng rừng về Buôn Ma Thuột trình diện chính quyền cách mạng rồi bị cô gái M’Nông Lào ở Bản Đôn bắt mất hồn mất vía và theo về đấy cho đến tận bây giờ. Mỗi lúc vui chuyện, ông nói với tôi:
- Mình có mấy đứa cháu bên Tuy Đức, chúng nó muốn mình về bên đó, thằng cháu làm ở Hội đồng nhân dân huyện cứ nằng nặc nhủ “chú về đây, sẽ lo nhà cho chú ở, lo rượu cho chú uống…”
- Thế già có định về? – Tôi ướm hỏi
Ông không trả lời, nói sang chuyện khác:
- Theo gia phả, người M’nông sinh ra từ đất, chui dưới đất lên, cho đến nay, cũng không mấy ai còn biết và nhắc lại. Chuyện này, cũng mới nói cho kon Kinh biết thôi đấy…
Nói rồi, ông lôi cái hòm gỗ cũ của ông, lục lọi mãi rồi cầm ra một quyển vở học trò chi chít toàn chữ M’nông. Đó là công trình tâm đắc của Điểu K’Lung, tôi biết thế. Ông nhờ tôi: Kon Kinh còn trẻ, mắt tỏ, đánh máy dùm cái nhá, mai mốt mình chết rồi, nó thất lạc, con cháu M’nông lại không biết nguồn gốc của mình. Tôi hỏi ông về cái lỗ đất - băng andreh – mà người Êđê cho rằng, họ cũng từ đó chui lên, ông nói, mình không biết nhiều về người Êđê anh em, có điều, người M’Nông biết rõ mình từ đâu xuất hiện trên cõi đời này, và cuối cùng, sẽ về đâu.
Trong quan niệm của người Êđê, Bahnar, M’nông, thế giới ban đầu được hình thành chưa có con người. Và khi người xuất hiện, thì thường là từ một cái hang đất, hay lỗ đất chui lên. Điểu K’Lung kể: Ngày xưa, xưa lắm, có hai anh em tên là Mbông và Krông mang một gùi đất, một gùi hạt giống và một bầu nước theo con trút từ dưới Nậm Lêr chui lên. Lúc đó, mặt đất chỉ toàn là đá. Họ đắp đất, gieo hạt giống. Khi có cây cối rồi, Mbông và Krông lấy phiến đá đẽo hình giống con người. Có con bướm bay đến đậu lên phiến đá hình người ấy, hòn đá liền biến thành người thật. Đó là người M’nông đầu tiên trên mặt đất này…
Còn nhớ, cách đây chừng dăm năm, tôi dẫn một anh bạn cũng là nhà báo vào gặp nghệ nhân Điểu K’Lung. Đang hỏi han vui chuyện, anh bạn đề nghị: Già ơi, thử ot một đoạn sử thi cho tụi cháu nghe với! Ông già nghiêm nét mặt: Tầm bậy, nói tầm bậy, không được! Tôi tỉ tê hỏi lại, thì ra, khác với người Êđê, có thể kể khan bất kể ở đâu, vào lúc nào, người M’nông chỉ ot ndrong ở trên rẫy. Những lúc nghỉ ngơi, trong căn chòi canh lúa, người già người trẻ ngồi quây quần đống lửa nghe ot ndrong. Nếu ot ở nhà, thì phải làm một nghi lễ có rượu, có thịt đàng hoàng xin phép các Yàng, và khi được các Yàng đồng ý, lúc đó mới được bắt đầu. Đấy, người M’nông là thế, rất tự do, lãng du rất mực, nhưng cũng có quy tắc ứng xử chắc chắn, có trước, có sau.
Biết tôi có ý định đi Đắk Nông để tìm hiểu và viết bài về cao nguyên của người M’nông, Điểu K’Lung cầm tay dặn:
- Lên đấy, nhớ tìm gặp con cháu Mai của tao, nó sáng bụng lắm, có bao nhiêu truyện cổ M’nông, nó dịch ra tiếng Kinh được hết! Những cuốn sách lớn này, không có nó, một mình mình không làm nổi đâu!
Rồi ông cẩn thận lấy số điện thoại của Mai cho tôi, đôi mắt tinh và hóm thường ngày giờ chợt mênh mang. Tôi biết, ông nhớ bon làng, nhớ quê nhà nhưng không nỡ về. Hai bà vợ ở Bản Đôn đều không ở được với ông đến trọn đời. Điều đó, ông không tiếc, nhưng thương vô cùng hai đứa con còn thơ dại. Ông nói rằng, có 5 sào ruộng, gần 30 mét đất cạnh đường lớn, tao để dành cho chúng nó hết, thương lắm! Người M’nông chúng tao, thương nhất những đứa con!
Cách đây khoảng mười năm, khi tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện dự án sưu tầm sử thi, Điểu K’Lung ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác bắt xe buýt từ nhà ra Buôn Ma Thuột để ot ndrong thu vào băng cát sét. Ông tâm sự với tôi: Tiền nong không đáng bao nhiêu đâu kon Kinh à, nhưng mình phải chịu khó, để lại cho con cho cháu mà! Thế đấy, hễ cái gì có ích cho con cho cháu là ông làm, chăm chút, cẩn thận. Để đến bây giờ, trên đầu giường của ông, hàng chục quyển sách, mà quyển nào cũng đồ sộ hàng ngàn hàng vạn câu. Tiăng bán tượng gỗ, Con đỉa nuốt bon Tiăng, Luật tục M’Nông… Uống rượu vào, mắt sáng rực, ông đưa tay chỉ vào bụng mình, nói:
- Ở trong này còn mấy chục quyển nữa đó!
Tôi biết ông nói thật. Vì thế mà đâm lo, nếu mai này, lỡ ông về bến nước ông bà, xong một kiếp lãng du tài hoa, thì “mấy chục quyển”, cả một kho sử thi, truyện cổ, ca dao của người M’nông chưa kịp khai thác ấy cũng sẽ vĩnh viễn trở về với đất! Năm nay, đã gần 80 tuổi, bước đi còn nhanh nhẹn, nhưng biết thế nào được với các Yang mà nói trước. Tôi bàn với Điểu K’Lung: Thì nhà nước chưa mua mình cũng cứ chép ra giấy, cất đấy, khi nào có người cần thì mình bán, lo gì! Ông ngồi im, chừng như cân nhắc điều gì đấy rồi gật gật đầu, cười, bảo:
- Khi nào kon Kinh đi Đắk Nông, nhớ gọi mình nha!
Tôi cũng biết, ông nói thế chứ có gọi thì ông lại đang bận việc gì đó, đôi khi là bận vào rừng chơi, thế thôi.
Tôi gặp Thị Mai, đứa cháu ruột “sáng bụng” mà Điểu K’Lung vẫn thường nhắc. Mai già hơn tuổi, dáng vẻ tất bật. Nhà trong huyện Đắk Song, bữa ấy, chị chạy lên thị xã để lo cho con bé thứ hai vào lớp 10 của trường nội trú dân tộc, bên nách địu đứa nhỏ chưa đầy tuổi. Ngồi uống tách cà phê mà chị cứ nhấp nha nhấp nhổm. Hơn 30 học viên học nghề may thêu đang cần chị ở nhà. Lớp học ấy được chính quyền xã hỗ trợ trả lương nên cũng phải giờ giấc bài bản. Đó là mưu sinh, nhưng đó cũng là cách thiết thực để bảo tồn hiệu quả nghề dệt thêu truyền thống của người M’nông, chị bảo thế. Nhắc đến sử thi, chị hào hứng:
- Hiện em đang hợp tác với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện sự án sưu tầm ca dao dân ca M’nông, cũng đã được kha khá!
Mai may mắn sinh ra trong một gia đình truyền thống. Cha của mai, nghệ nhân Điểu Kâu là một trí thức M’nông nổi tiếng. Ông không chỉ có công trong việc giáo dục, dạy chữ cho bà con dân tộc mình ở tỉnh Quảng Đức trước đây mà kể từ khi phát hiện kho ot ndrong đang trầm tích trong bon làng, ông đã tham gia sưu tầm biên dịch nhiều tác phẩm. Ngôi nhà Điểu Kâu từng là một nơi gặp gỡ, trao đổi về văn hóa dân gian M’nông. Bác ruột Điểu K’lứt, chú ruột Điểu K’Lung đều là những kho ot ndrong lớn, Mai thừa hưởng truyền thống văn hóa dân tộc mình một cách tự nhiên. Nhờ sự dạy bảo tận tình của cha, Mai say mê ot ndrong từ khi chưa biết nhớ.
Người M’nông vốn rất tài hoa và nghệ sĩ. Ngoài những pho sử thi đồ sộ đã sưu tầm, biên dịch được thì còn nhiều lắm những bài hát, những bài văn vần đang lưu truyền trong các bon làng. Mai bảo, nhiều lắm anh à, sợ sức em làm không xuể, đàn bà M’nông như em, vất vả nhiều! Với Mai, quả là cuộc sống còn nhiều thứ quan trọng hợn sử thi, ca dao, cổ tích, nhưng tôi vẫn muốn tin rằng, người phụ nữ đã “được Yàng chọn” ấy sẽ không dễ dàng bỏ cuộc.

Đắk Song, Tuy Đức, Buôn Đôn … những địa danh quen thuộc của người M’nông, những cánh rừng già ngày càng lùi xa trong ký ức; cả những ot ndrong, ca dao, cổ tích, luật tục cũng đang bị nhịp sống hiện đại xô bồ với bao nhiêu thứ lo toan đè lấp. Nhưng, trong những bon làng xa xôi, thỉnh thoảng ta vẫn gặp những con người với phẩm chất nghệ sĩ và tinh thần trách nhiệm cao cả, họ đang âm thầm gìn giữ vốn văn hóa truyền thống quý báu để cho con cháu mai sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI