Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017

CHUYỆN VUI BUỒN CỦA CHIẾN SĨ CẢNH SÁT HÌNH SỰ tác giả MAI KHOA THÂU - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 302 - THÁNG 10 NĂM 2017






                                                                        Ghi chép


Phòng Cảnh sát hình sự được coi là một đơn vị  “đặc biệt tinh nhuệ” của Công an tỉnh Đắk Lắk, đi đầu trong mặt trận phòng, chống tội phạm. Lính hình sự thường ít khi xuất hiện, nhưng nơi nào họ có mặt, thì chắc chắn đó phải là những điểm nóng, cực nóng... Với bề dày chiến công của 41 năm qua, Phòng Cảnh sát hình sự đã được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương chiến công hạng ba, 1 Huân chương chiến công hạng nhì, 1 Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng ba và nhiều Bằng khen của Chính phủ, Bộ Công an. UBND tỉnh. Trong 5 năm qua, được các cấp khen thưởng trên 400 lượt, Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, Trật tự xã hội và Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh khen thưởng đột xuất hơn 10 lần; 8 lần được quần chúng gửi thư khen ngợi về thành tích trong đấu tranh phòng chống tội phạm; nhiều năm đạt danh hiệu Đơn vị văn hóa, Đơn vị quyết thắng và Cờ thi đua của Bộ Công an. Đảng bộ được công nhận trong sạch vững mạnh. Tập thể cấp ủy, lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ đơn vị đang tiếp tục phấn đấu để xây dựng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Vào trung tuần tháng sáu, đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi có một ngày làm việc với các anh, tiết trời không đến nỗi nóng lắm nhưng Hội trường ở tầng 2 của Phòng Cảnh sát hình sự không còn hơi mát. Bốn chiếc quạt  quay vù vù mà chẳng ăn thua gì, bởi cánh cửa phòng liên tục đóng mở, trinh sát ra vào liên tục. Có người về phòng trực tiếp báo cáo tình hình, có người dẫn đối tượng về lấy lời khai ngay tại phòng. Lại có trinh sát về thoáng chốc, mở tủ lấy hồ sơ ra viết mấy dòng rồi lại đi ngay. Điện thoại reo liên tục. Ngay cả Đại tá, Trưởng phòng Nguyễn Văn Bôn cũng vừa trò chuyện với chúng tôi, vừa nghe và gọi điện thoại liên hồi. Có trinh sát về báo cáo không liên lạc được với người cần gặp, Trưởng phòng Bôn lập tức yêu cầu anh lính trẻ cung cấp số và gọi đi ngay lập tức... Nhịp điệu công việc rất khẩn trương là điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được ở nơi đây. Có thể đến giờ phút này, nhiều người chắc vẫn không khỏi tự hỏi: Cảnh sát  hình sự khác với đặc nhiệm chống khủng bố như thế nào? Người ta vốn vẫn quen với những hình ảnh trên ti vi về những chiến sĩ đặc nhiệm cao lớn trông thật "hầm hố", lúc nào cũng nai nịt gọn gàng, sẵn sàng trèo tường đột nhập, giải cứu con tin... Vậy còn cảnh sát hình sự thì sao? Trả lời băn khoăn này, đại tá Bôn cười xuề xòa và cho biết: Phòng Cảnh sát hình sự trực thuộc Công an tỉnh Đắk Lắk được thành lập tháng 9 năm 1976, đến nay đã được 41 năm. Chức năng nhiệm vụ của Phòng Cảnh sát hình sự là: Đấu tranh phòng, chống mại dâm, cờ bạc, tội phạm mua bán người; đấu tranh phòng, chống tội phạm lứa tuổi chưa thành niên gây án nghiêm trọng, phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và các chuyên đề khác của Công an tỉnh, Cục C45 Bộ Công an. Tiến hành tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra xử lý án theo tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền và các mặt công tác khác theo chức năng, nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.
Đến với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk, được nghe Đại tá Nguyễn Văn Bôn tâm sự, chúng tôi mới hiểu hết được nỗi khổ và khó khăn trong công việc của các anh. Đó là phải chủ động cập nhật tình hình phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh, tham mưu Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh và lãnh đạo đơn vị để đề ra các phương hướng, chương trình, kế hoạch công tác, hướng dẫn, chỉ đạo về nghiệp vụ đối với lực lượng cảnh sát hình sự, công an các huyện, thị xã, thành phố. Xây dựng các kế hoạch, báo cáo sơ - tổng kết công tác định kì và một số chuyên đề phòng chống tội phạm thuộc chức năng và quyền hạn của đơn vị và các lực lượng cảnh sát hình sự toàn tỉnh; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo kiểm tra công an cấp huyện thực hiện các chuyên đề, đề án phòng chống tội phạm thuộc chức năng thẩm quyền của Phòng.
Đại tá Nguyễn Văn Bôn luôn chỉ đạo anh em Phòng Cảnh sát hình sự theo quan điểm: Cảnh sát hình sự là lực lượng mũi nhọn trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân; trong công tác, chiến đấu trải qua biết bao khó khăn, hiểm nguy, gian khổ, nhiều khi chiến sĩ Cảnh sát hình sự phải hi sinh xương máu, hạnh phúc cá nhân để thực hiện nhiệm vụ. Mỗi cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân phải luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của ngành; tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm là chính. Chủ động tham mưu với các cấp ủy đảng và chính quyền trong tỉnh để phối kết hợp trong công việc. Khi thực hiện nhiệm vụ được giao phải mưu trí dũng cảm trong đấu tranh trấn áp tội phạm; kiên quyết tấn công tội phạm, nhưng cũng phải tích cực bảo vệ mình, bảo vệ đồng chí, đồng đội, tính mạng và tài sản hợp pháp của nhân dân; không để tội phạm mua chuộc, làm lung lạc ý chí.
Báo chí và dư luận xã hội từng rúng động về vụ bắt cóc nhằm chiếm đọat tài sản, giết người đốt xác hai trẻ em xảy ra vào khoảng 16h 30’ ngày 11 tháng 5 năm 2010, tại tổ dân phố 9, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ. Đối tượng đã dụ dỗ cháu Đỗ Quang Huy (con trai anh Đỗ Thành Quang), sinh năm 2001, trú tại 155 Hùng Vưng, phường An Lạc và cháu Nguyễn Hữu Duy Thức (con trai anh Nguyễn Hữu Phước), sinh năm 2001, trú tại 53 Đinh Tiên Hoàng, phường An Bình ra nghĩa trang thị xã Buôn Hồ, dùng  băng keo quấn tay, người và miệng hai cháu bé, nhằm ý đồ tống tiền. Đến khoảng 20h30 ngày 11 tháng 5 năm 2010, đối tượng dùng điện thoại di động nhắn tin vào máy điện thoại di động của anh Quang - bố cháu Huy - với nội dung: “Chúng tôi chỉ liên lạc 1 lần với ông bà, cho ông bà 35 phút chuẩn bị 800.000.000đ để đổi mạng cậu quý tử, nếu không thì đổi lấy xác nhá, chào ông bà”. Trong đêm ngày 11 tháng 5 năm 2010 và sáng ngày 12 tháng 5 năm 2010, đối tượng liên tục nhắn tin đe dọa, yêu cầu gia đình người bị hại phải nộp tiền, đối tượng hẹn địa điểm giao tiền tại khu vực nghĩa địa Cung Kiệm và đèo Hà Lan, thị xã Buôn Hồ nhưng đối tượng đã không xuất hiện. Khoảng 9h ngày 12 tháng 5 năm 2010, đối tượng tiếp tục nhắn tin đe dọa bố cháu Huy với nội dung sau: “gia đình đến cột điện gãy sau lưng nhà máy điện để nhận cánh tay con ông bà, gia đình không được báo công an, nếu báo công an sẽ thủ tiêu 2 bé nhỏ”. Sau đó gia đình cháu Huy đến khu vực trên kiểm tra thì phát hiện cánh tay 1 cháu bé bị đốt cháy, biến dạng.
Sau khi nhận được tin báo, được sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Đoàn Đình Hón, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và Đại tá Trần Thanh Chương, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, ngay trong đêm 11 tháng 5 năm 2010, Phòng PC14 đã triển khai lực lượng phối hợp với Công an thị xã Buôn Hồ và Công an huyện Krông Năng áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tổ chức điều tra truy xét, tích cực khẩn trương rà soát, sàng lọc, khoanh vùng đối tượng. Công việc đòi hỏi phải sớm có kết quả để trấn an dư luận, nhưng tung tích thủ phạm vẫn “bặt vô âm tín ”. Mãi đến 7h sáng ngày 12 tháng 5 năm 2010, các lực lượng điều tra đã phát hiện đối tượng nghi vấn là Lê Văn Vui (tức Sơn), sinh năm 1986, chủ tiệm mua bán điện thoại di động Hoàng Sơn, ở tổ dân phố 9, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ (gần nhà cháu Huy). Nút thắt được mở khi một người dân cho biết, đối tượng Vui gần đây làm ăn thua lỗ, lâm vào cảnh nợ nần nhiều. Do vậy, điểm nghi vấn đã dần được làm rõ. Phòng PC14 sử dụng các biện pháp trinh sát, giám sát chặt chẽ mọi diễn biến hoạt động của đối tượng Vui; khoảng 10h sáng cùng ngày, đã điều và áp giải bí mật đối tượng về Công an thị xã Buôn Hồ đấu tranh khai thác. Mặc dù đối tượng luôn tìm cách khai báo quanh co, gian dối, chối tội. Nhưng bằng những lập luận sắc sảo và một số tình tiết, chứng cứ không thể chối cãi, qua khai thác đấu tranh ban đầu, tên Vui đã khai nhận: Do nợ tiền ngân hàng hơn 100 triệu đồng, đã đến hạn mà không có tiền trả, nên Vui đã nảy sinh ý định bắt cóc cháu Huy để tống tiền chiếm đoạt tài sản. Đây là một vụ án hết sức man rợ, kẻ thủ ác đã bị pháp luật nghiêm trị, nhưng hậu quả để lại làm cho những người bảo vệ và thực thi pháp luật không khỏi xót xa.
Gần đây tệ nạn hiếp dâm trẻ em đã được các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên phản ánh và cảnh báo. Nạn nhân của những vụ hiếp dâm phần lớn chưa đến tuổi thành niên, có em chỉ mới 7, 8 tuổi. Như vụ án sát hại cháu Trần Ngọc Kim Trang ở thôn 5 xã Hòa Phú TP Buôn Ma Thuột. Qua tâm sự của Thiếu tá Lê Hồng Nhật, đội trưởng Đội tham mưu kể lại: Khi tìm thấy nạn nhân chết ở rẫy điều thuộc xã Hòa Phú, trong tình trạng đã bị mối gặm tai, mũi, mất hết dấu vết, chỉ còn lại đôi dép và cái vỏ gói bim bim. Điều tra viên hết sức đau đầu, không một dấu vết, không một dấu vân tay, không nhân chứng, không có một manh mối để lần ra sự việc. Đã sử dụng mọi biện pháp nghiệp vụ, rà soát hàng trăm đối tượng, cứ đi lòng vòng xác minh, nhưng không có một nhận định gì sáng sủa, các chiến sĩ tưởng chừng đi vào bế tắc, thậm chí nghi ngờ cả bố cháu bé và một số đối tượng đã từng có tiền án là thủ phạm. Quần chúng hoang mang, rồi chê các điều tra viên là yếu kém, anh em cán bộ chiến sĩ đã bị áp lực từ rất nhiều phía. Nếu không có sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân, nếu không có bản lĩnh vững vàng chắc khó tồn tại trước những “búa rìu dư luận”. Nhưng nút thắt đã được mở khi tìm được cháu Nguyễn Thị Ly, học sinh lớp 5 đi cùng với cháu Ngân quãng đường từ nhà đến đại lý Trường Vui. Nhưng điều tra viên lại gặp khó khăn, khi hỏi chuyện cháu Ly, cháu không nói gì chỉ biết khóc. Điều tra viên đã tìm sự giúp đỡ từ nhà trường và cô giáo chủ nhiệm lớp, cháu Ly đã cho biết ngày hôm đó tên Chung mua hai gói bim bim rồi rủ cháu Ngân cùng đi nhổ cây chó đẻ để bán. Với những nghi vấn và chứng cứ thu thập được, thì chân tướng của kẻ phạm tội đã được phát lộ. Trong bốn mốt ngày đêm lao tâm khổ tứ, các điều tra viên đã bắt được tên Nguyễn Văn Chung, khi đang làm rẫy ở huyện Krông Buk, tên Chung khai nhận đã hiếp dâm và giết hại cháu bé, lấy đôi bông tai bán được 80 000đ để tiêu xài. Đồng chí Nhật nói: Công việc của cán bộ điều tra hết sức khó khăn gian khổ, phải lao tâm khổ tứ, phải được dân tin yêu và giúp đỡ mới hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tiếp lời tâm sự, Thượng tá Huỳnh Văn Long, Phó trưởng Phòng phụ trách về tội phạm xã hội, nói: Các loại án kinh tế, đòi hỏi trinh sát phải mưu trí, tỉ mỉ, còn với án hình sự, phải dùng sức mạnh tổng hợp. Các anh thường nhắc nhau cảnh giác, và nhanh nhạy. Đã có một thời gian ở tỉnh ta rộ lên tệ nạn cờ bạc, trộm cướp tài sản công dân. Như vụ phá két sắt ở đường Đinh Tiên Hoàng lấy đi 1,7 tỉ đồng. Đây là băng cướp có vũ khí, đối tượng đến từ nhiều địa phương. Thủ đoạn của bọn chúng dùng dùi cui điện, kìm cộng lực, máy bắn điện để phá két sắt. Sau khi đã điều tra, mật phục, nắm quy luật hoạt động của các đối tượng, trinh sát đã đóng vai người đi thuê khách sạn, bắt được các đối tượng nghiện ngập. Ngay trong đêm đó các trinh sát di chuyển đến các địa phương khác tóm gọn đồng bọn để đấu tranh làm rõ, bọn chúng đã cúi đầu nhận tội. Anh Long tiếp lời: người lính hình sự không được tắt máy điện thoại, phải trực cả những ngày lễ tết, phải đi công tác xa nhà thường xuyên, do vậy việc chăm sóc con cái cũng chủ yếu nhờ vào “hậu phương”.
Tiếp chuyện với chúng  tôi, đồng chí Trung tá Dương Thế Bình, Đội trưởng Đội Truy nã tội phạm, kể cho chúng tôi nghe về vụ án ở xã Ea Khiết, huyện Cư M’gar, nạn nhân là bà Tiến làm nghề bán tạp hóa, đã bị sát hại bằng 36 vết đâm khắp cơ thể. Ở địa bàn xảy ra vụ án chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, ngôn ngữ giao tiếp còn  khó khăn. Địa bàn xa xôi, đi lại ăn uống rất thiếu thốn, thời gian phá án kéo dài, đôi khi anh em trinh sát phải ăn mì tôm với rau rừng. Nhưng được sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Đoàn Quốc Thư, Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra cùng 17 cán bộ chiến sĩ chia ra làm nhiều mũi, xác minh các địa bàn lân cận, khoanh vùng đối tượng. Bằng kinh nghiệm nghiệp vụ, các điều tra viên nhận định, đối tượng gây án là ở nơi khác đến. Điều tra các đối tượng tình nghi suốt chín ngày trời nhưng không có kết quả. Đến ngày thứ mười, thì anh Chương cho biết có đối tượng Nông Văn Phượng, ngày hôm đó vào lúc 4 giờ sáng, nhờ anh Chương chở ra Quốc lộ 14 để bắt xe. Các điều tra viên lại tiếp tục đi xác minh đối tượng Phượng tại bản Phôn Rin, thị trấn Đông Mai, giáp với biên giới nước Lào. Đến đây, mặc dù đường sá rất xa xôi cách trở, mệt mỏi, nhưng các điều tra viên đã nhanh chóng liên hệ với Công an thị trấn Đông Mai, và triệu tập đối tượng Phượng lên đấu tranh. Hơn một ngày vòng vo, chối tội, nhưng trước lời lẽ và chứng cứ rõ ràng, cuối cùng đối tượng cũng phải cúi đầu nhận tội. Đối tượng Phượng khai, đã có thời gian ăn nhậu ở nhà chị Tiến, thấy chị Tiến giấu túi đựng tiền ở trước bụng, nổi lòng tham. Khi đêm hôm ấy, thấy nhà chị Tiến chỉ cột cửa bằng sợi dây vải, hắn đã cắt dây vào nhà thực hiện hành vi cướp của giết người. Ngưng một lát anh Bình nói: Mặc dù cán bộ chiến sĩ cảnh sát hình sự phải luôn đối mặt với những gian lao, hiểm nguy, nhưng được sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp lãnh đạo, sự quan tâm giúp đỡ của quần chúng nhân dân đã tạo cho anh em có động lực vượt qua. Nhưng điều quan trọng hơn cả là phải có tinh thần trách nhiệm cao, phải bám sát địa bàn, phải sống thật lòng và gần gũi với nhân dân, chỉ khi đó mới tạo được niềm tin trong nhân dân, do vậy đã được quần chúng giúp đỡ để làm rõ vụ án.
Câu chuyện của Thượng tá Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự đã làm cho buổi nói chuyện về nghề nghiệp của các anh náo nhiệt hẳn lên: Hồi đó, khi anh đang điều tra vụ án mạng xảy ra do tranh chấp đất đai ở xã Đliê Ya, huyện Krông Năng. Đang thụ lý vụ án thì vợ đau đẻ, mà hồi đó chưa có điện thoại di động, chỉ viết thư về báo với mẹ vợ vào chăm sóc. Mẹ vợ và con rể chưa hề biết mặt nhau, nên thành thử khi mẹ vợ vào Công an tỉnh để hỏi thăm địa chỉ, con rể tưởng người nhà bị can lên thăm nuôi, anh đã chỉ bà cụ xuống căng tin ăn uống nghỉ ngơi, đầu giờ chiều đến làm việc. Rồi sau đó anh cùng anh Tâm đèo nhau trên chiếc xe đạp SK, tiếp tục đi điều tra phá án. Nhưng buổi trưa hôm đó, trực ban nói anh Quý có khách. Anh hỏi, khách nào? Anh trực ban nói, có bà cụ đợi anh từ sáng. Trời! Bà cụ mà anh chỉ xuống căng tin ăn cơm, rồi đầu giờ chiều quay lại, đó chính là mẹ vợ vào chăm nuôi con gái sinh… Đến chiều, khi về nhà vợ giới thiệu với mẹ, đây là con rể… anh chỉ còn biết cười trừ.
Trong giờ giải lao ở bên ngoài hội trường, tôi đã hỏi về giây phút dám xả thân vào chỗ “hòn tên, mũi đạn” đang đe dọa trực tiếp tính mạng khi các anh thực thi nhiệm vụ. Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh và Trung tá Vi Sơn Niê Kdam đều trả lời bình thản: “Lúc đó chúng tôi không nghĩ được nhiều, không chỉ giữ tính mạng cho mình mà còn phải giữ  tính mạng cho đồng đội và của nhân dân nữa, nên chúng tôi làm.”
Cảnh sát hình sự luôn phải đối mặt với tội phạm lưu manh, côn đồ hung hãn, sẵn sàng dùng vũ khí, vật liệu nổ để chống đối quyết liệt, đặc biệt là những vụ bắt đối tượng có lệnh truy nã. Đây là những đối tượng có khung hình phạt với mức án cao, như cướp của giết người, buôn bán ma túy, nên bọn chúng thường hay lẩn trốn ở nhiều nơi khác nhau, thường di chuyển qua nhiều tỉnh thành, khiến lực lượng truy bắt tốn rất nhiều công sức.
Những vụ án mà các anh đã kể trên đây chỉ là con số rất ít trong rất nhiều vụ án mà các anh đã triệt phá thành công. Đó là công việc thường ngày của các anh, công việc đó đã cho các anh trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, vui  buồn lẫn lộn. 
Công việc vất vả, gian nan, hiểm nguy là thế, nhưng các anh ít phàn nàn, có lệnh là lên đường, không nề hà bất cứ nhiệm vụ gì được giao. Mới đầu tiếp xúc với các anh, có người nghĩ là “khuôn mặt hình sự” nên có vẻ e dè, nhưng qua tiếp xúc rồi, ai cũng vui cười, như anh Quý còn đọc cả thơ tình nữa, lãng mạng lắm. Thượng tá Phan Thanh Cường, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, nói với chúng tôi khi chia tay: “Chúng tôi không có ngày lễ, ngày tết”. Gặp những vụ án phức tạp, phải đi công tác cả tháng, thậm chí vài tháng là chuyện thường, chuyện vợ con đôi khi cũng không lo được cho chu toàn. Nhưng vì nhiệm vụ phải gạt chuyện riêng tư sang một bên”. Đó là những lời tâm sự rất chân thật, rất đời thường. Điều đó cho thấy sự cống hiến hi sinh thầm lặng của các anh là rất đáng ghi nhận. Các anh thật xứng đáng với lời dạy của Bác: Vì nước quên thân, vì dân phục vụ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI