Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

CỦA ĐỂ DÀNH truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - BÁO VĂN NGHỆ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH SỐ RA NGÀY 30 THÁNG 11 NĂM 2017



          Ông mặt trời đỏ như hoa plang từ từ vén mây nhô lên trên ngọn núi phía đông. Mấy đám mây chắc mắc cỡ cũng hồng hào cả lên, bay dần về phía tây rải ánh nắng vàng rơi xuống lá cà phê lấp lánh như dát bạc.
Đêm qua trời bất chợt đổ mưa, cơn mưa không dài nhưng nặng hạt làm không khí trong lành hẳn lên. Gió nhè nhẹ thổi qua, lật từng lá cà phê xanh thẫm như giới thiệu với trời đất từng chùm quả xanh sậm, to bằng ngón tay út, căng tròn. Cũng lạ, hàng năm cứ đến tháng ba, khi cơn mưa đầu mùa ập đến sau những ngày mùa khô nắng rát, cây cà phê trở mình, từ kẽ lá bung ra chùm hoa trắng tinh khôi, thơm ngát. Ong, bướm đổ về chao lượn, vẽ nên bức tranh kỳ thú và lộng lẫy trên cánh rừng cà phê bạt ngàn của Tây Nguyên. Thế rồi thời gian trôi qua, những cơn mưa thưa dần, báo hiệu mùa thu sắp hết, mùa đông đến gần; lá cà phê chuyển từ màu xanh non qua mầu xanh đen như ngầm giới thiệu quả cà phê sắp chín. Cuối đông, quả cà phê màu xanh sẫm chuyển dần qua màu vàng nhạt rồi đỏ rực lên, đấy là lúc thu hoạch. Lũ chồn hương khoái cà phê chín, không biết chui từ đâu ra cứ ung dung leo lên cành chọn những quả chín đẹp nhất mở tiệc, ăn đến căng tròn cả bụng.
Rừng cà phê Tây Nguyên các cây chỉ cao ngang đầu người, cành lá đan vào nhau không cho ánh nắng chui xuống mặt đất. Vùng đất Ea Kty rộng cả ngàn ha chỉ có một cây đa khổng lồ, thân to đến bảy người lớn nối tay ôm chưa hết. Xung quanh gốc đa còn có những rễ cây to như những cột đình mọc từ trên cành, chọc xuống mặt đất để giữ cái tán lá khổng lồ che mát cho cả một vùng rộng lớn đứng vững trước mưa gió. Từ xa, có thể thấy cây đa như một cái ô lớn nổi bật trên rừng cà phê. Người già bảo rừng cà phê bây giờ trước đây là rừng già của đại ngàn; nhưng vì cần đất trồng trọt, con người phá rừng lấy đất trồng cà phê, duy nhất cây đa còn sót lại mà thôi.
Sáng nay đàn chim chào mào bay đến cây đa sớm nhất, cả bọn tản ra, đứng lên lá đa thưởng thức từng quả đa to như ngón tay người lớn màu tím. Khi ăn chúng chuyện trò rôm rả, cái mũ nhọn hoắt đen bóng đội trên đầu cứ giơ lên, giật xuống liên tục. Có lẽ quả đa nhiều nước quá nên thỉnh thoảng có những giọt nước màu hồng vương vãi lên chiếc khăn choàng trắng đeo nơi cổ chim, óng ánh như chuỗi hồng ngọc. Toàn thân chim khoác áo màu nâu nhạt, phần dưới bụng màu trắng, dưới khóe mắt có một túm lông đỏ như quả ớt chín dính vào, dưới đuôi có một đám lông màu đỏ, có lẽ vì thế người ta gọi chúng bằng cái tên ngồ ngộ: Chào Mào Đỏ Đít. Chim chào mào sống theo đàn, mỗi đàn vài chục con, khi kiếm ăn thường hay cất tiếng hót làm cảnh vật cũng như xinh đẹp hơn lên.
Ào, ào, ào… tiếng động như có một cơn gió lớn ập đến, các lá đa khua vào nhau làm những quả đa chín quá thi nhau rơi xuống mặt đất như mưa. Bầy chim cu xanh không biết từ đâu bay đến, sải cánh che lấp cả ánh mặt trời trước khi đáp xuống ngọn cây đa. Chim cu xanh nhìn hình dáng giống chim bồ câu nhà nhưng toàn thân khoác áo choàng màu xanh lá cây, mỏ vàng như bôi nghệ, đầu cánh có viền vàng; riêng đối với chim trống phía cổ còn được trang điểm một chiếc khăn màu gạch, còn chim mái không có. Chim đi theo bầy đông đến cả ngàn con, con nào cũng to gấp đôi, gấp ba chim cu gáy, leo trèo như sóc. Quả đa chín là món ăn ưa thích của chim cu xanh nên chúng tóm từng quả một nuốt chửng chứ không từ tốn xẻ nhỏ, ăn từng miếng một như chào mào.
Bầy chim chào mào hình như đã dùng xong bữa điểm tâm nhảy xuống mấy cành cây nhỏ phía dưới trò chuyện rôm rả. Một chú chắc là em út của bầy, nghiêng nghiêng cái đầu nói:
-         Toàn là lũ to xác vậy mà ngủ muộn, người ta ăn xong rồi mới tới.
-                     Chưa hẳn vậy đâu, có thể họ ở xa, phải đi một quãng đường dài mới tới đây đấy!
Một con chim chào mào khác có vẻ chim chị, trả lời. Một con Cu Xanh đang ăn gần đó, cúi xuống góp chuyện:
-         Chúng tôi ở xa lắm, từ trên dãy núi mờ mờ phía nam kia tới đấy.
-         Xa vậy cơ ạ?
Chào Mào em ngạc nhiên, tròn xoe đôi mắt đen láy ra nhìn, kêu lên. Cu Xanh nói tiếp:
-                     Chúng tôi thức giấc cùng với mấy đám mây vàng phía đông, vậy mà đến bây giờ mới tới đây đấy.
-         Xa thế, làm sao biết hôm nay cây đa có quả chín mà tới?
-                     Có gì đâu, tất cả các cây trong vùng có quả chín vào thời gian nào, họ hàng chúng tôi đều ghi nhớ, rồi sắp xếp lịch đến thưởng thức thôi mà.
Nghe Cu Xanh trả lời, chị em Chào Mào cùng đồng thanh kêu lên:
-         Tài thật, tài thật.
-         Có gì mà khen tài, mùi quả chín theo gió bay qua cả mấy cánh rừng, ai mà chẳng biết.
Bầy Sáo Nâu không biết đến dự tiệc từ lúc nào cũng góp chuyện. Sáo Nâu phủ trên đầu bộ lông đen nhánh, cổ và ngực đen nhạt, choàng thêm chiếc áo nâu tím từ lưng qua bụng, riêng viền cánh có màu đồng điểm thêm vài chiếc lông trắng làm nổi bật chiếc đuôi dài màu đen. Sáo Nâu giơ chiếc mỏ vàng ươm có chòm lông vàng kéo dài từ bên mép đến phần dưới mắt, như được một họa sỹ khéo tay vẽ thêm vào, nói tiếp:
-                     Chúng tôi cũng ở rất xa, nơi có những cây cao chót vót để nhìn ngắm đất trời thỏa thích chứ không như các bạn Chào Mào chỉ thích những lùm cây thấp bé đâu. Ơn trời, chúng tôi có thể ngưởi thấy mùi quả chín cách xa đến bốn ki lô mét đấy.
-                     Ô, Sáo Nâu tài quá, vậy anh có biết vì sao mấy bác Phượng đứng ở sân trường học đang xanh tốt thế, bỗng nhiên lá bạc dần, bạc dần rồi chuyển qua màu vàng và rụng tơi tả. Những quả cây xanh tươi giờ cũng đổi sang màu nâu đen, co quắp lại như đang đau đớn lắm không?
Chào Mào em giơ cái mỏ sừng đen bóng lên hỏi, Sáo Nâu ậm ừ trả lời:
-         Hình như, hình như là… bác ấy ốm đó.
-                     Sao tất cả các cây phượng lại bị ốm cùng lúc như mắc căn bệnh hiểm nghèo vậy?
-         Bíp bìm bịp, bíp bìm bịp; các bạn nói sai rồi!
Tất cả ngạc nhiên nhìn xuống phía dưới, nơi có cành thấp nhất xem ai vùa nói. Thì ra đó là Bìm Bịp – người ta lấy tiếng kêu để đặt tên cho loài chim chuyên chui lủi trong các đám lá, bụi cây rậm rạp bắt rắn và lớp thú nhỏ như chuột, nhái… đánh chén. Bìm Bịp từ đầu đến đuôi lông màu đen, riêng đôi cánh màu nâu đỏ, mắt màu đỏ tươi, còn cặp chân đen cháy; ít khi chịu đứng im, cái đuôi cứ giật lên, giật xuống liên tục.
-                     Nếu cây phượng không ốm thì sao lá rụng, quả cây đang đẹp thế cũng khô đét lại, sắp chết đến nơi rồi đấy.
Sáo Nâu không vừa lòng, hỏi lại. Bìm Bịp cười nhạt, bảo:
-                     Kiến thức nông cạn quá, phải học thêm nhiều nữa mới hiểu được sự đời. Nay đã gần cuối mùa mưa ở phương nam cũng là lúc kết thúc mùa thu, bước qua mùa đông. Mà mùa đông bác Phượng đi ngủ không chăm sóc được quả của mình nên mới buông xuôi để lá rụng, quả khô đấy mà.
-                     Làm gì có chuyện người mẹ vì buồn ngủ mà để con mình khô héo?
Chào Mào chị ngạc nhiên kêu lên, Bìm Bịp nghiêng nghiêng cái đầu như khoe chiếc mỏ cong, cứng như sắt thủng thẳng trả lời:
-                     Bác ấy đau đến rụng hết cả lá của mình rồi thì làm sao còn giữ nổi quả được nữa. Có thế mà cũng không hiểu?
-                     Cũng có lý!
Sáo Nâu tỏ vẻ đồng tình, trả lời. Cu Xanh chắc đã xong bữa sáng, nhảy xuống bên cạnh Chào Mào góp chuyện:
-         Cả nhà nói có phần đúng nhưng cũng có chỗ chưa đúng.
-         Sao đúng lại còn chưa đúng?
Chào Mào em ngạc nhiên kêu lên, hỏi lại. Cu Xanh trả lời:
-                     Mùa đông đến bác Phượng phải bỏ hết lá, đi ngủ để tránh rét. Khi ấy các quả cây trên cành là “của để giành” của bác ta đấy?
Cu Xanh nói dứt lời, Bìp Bịp nóng nảy văn lại:
-                     Quả cây ấy, bác ta có ăn được không, có mua bán, đổi chác cho ai được không mà bảo “của để giành”? Vô lý, hết sức vô lý!
-                     Cũng giống như loài chịm chúng ta, khi đẻ trứng rồi ấp; những quả trứng xinh đẹp đến thời gian nhất định phải vỡ ra mới có các chú chim con, phải vậy không? Quả cây cũng vậy, đến một chu kỳ nhất định, quả phải khô để bung hạt rơi xuống đất, mọc thành cây mới, tạo thế hệ mới – đó không phải “của để giành” thì là gì!
-                     A, giờ thì em hiểu rồi, “của để giành” là con - con là “của để giành”. Các quả phượng phải khô mới nứt vỏ cho hạt rơi xuống mặt đất, khi đủ độ ẩm hạt sẽ nảy mầm, giống như quả trứng ấp đủ ngày sẽ nở thành chim con vậy; đó là quy luật của tự nhiên chứ không phải cây Phượng ốm. Hay quá!
Chị em Chào Mào reo lên vui vẻ vì khám phá được một điều kỳ diệu. Bìm Bịp đỏ mắt lên, chắc là cũng vui mừng được mở rộng tầm hiểu biết, nhưng e thẹn liền kêu ầm lên: “Bíp bìm bịp, bíp bìm bịp”, rồi xòe cánh lao luôn xuống đám cà phê phía dưới biến mất.
Gió ào ào thổi đến, rừng cà phê nghiêng mình vờn theo gió. Cây đa lắc lư, khẽ nghiêng mình cho những quả đa chín quá rơi xuống mặt đất nghe lộp bộp, lộp bộp. Trên các cành cây, lũ chim hình như cũng phải xòe cánh ra để giữ thăng bằng rồi bỗng nhiên cùng cất tiếng hót, như một bản hòa tấu gửi vào không trung tràn đầy nắng ấm.
Tháng 9 năm 2017



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI