Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

 KÝ ỨC VỀ MỘT VÙNG ĐẤT tác giả TRẦN VĂN TƯƠNG - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 302 - THÁNG 10 NĂM 2017

TRANG CHUYÊN ĐỀ NHÂN KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP
HUYỆN KRÔNG NĂNG (1987 – 2017)



“Lúc ấy chỉ thấy rừng và rừng, rừng tranh bạt ngàn, thời tiết rất lạnh, sáng nào ngủ dậy cũng phải đốt lửa…”. Người bạn bằng tuổi tôi đã thốt lên câu nói trên, đó là ấn tượng đầu tiên của anh, khi đến đây anh ấy 22 tuổi thì nay đã 50, những người khi đến đây ở lứa tuổi 50 hoặc 60 nay đã thành cụ ông cụ bà. Câu chuyện về thủa bình minh của xã thường được các cụ nhắc lại khi gặp nhau ở các bữa kỵ, bữa giỗ. “Mình cứ tưởng như mới ngày hôm qua, ông có nhớ đợt cháy rừng nớ không? Toàn bộ lán ở, tranh tre chất đống để chuẩn bị làm nhà cháy sạch, may mà bà con còn chạy về kịp cứu một ít đồ đạc ra khỏi lán…” - cụ Hải nhớ lại với khuôn mặt đầy hoài niệm. Bạn bè lứa tuổi với tôi khi xe từ Huế đến Buôn Hồ, rất ngạc nhiên bởi lần đầu thấy được cây cà phê, loại thức uống đầy kỷ niệm của chúng tôi với các quán cà phê nhạc ở Huế.
“Dân cày đường nhựa” tôi không nhớ rõ là từ đâu có danh xưng này, do người dân địa phương ở đây đặt cho chúng tôi, hoặc do ai đó buột miệng gọi đùa. Nghe ra có vẻ mỉa mai, nhưng danh xưng đó rất đúng với đa số dân xã Phú Xuân lúc ấy. Những người dân thành thị lần đầu tiên đến với rừng, lần đầu tiên thực sự cố làm quen với những dụng cụ lao động nông thôn như cuốc, rựa, rìu… với những công việc: Đẵn cây, cắt tranh để dựng nhà ở, phát quang, vỡ đất, gieo trỉa... Tất cả mọi công việc được làm trong cảm giác ngỡ ngàng mới mẻ. Vừa làm vừa học vừa rút kinh nghiệm. Tôi không bao giờ quên được cảm xúc khi thu hoạch vụ mùa đầu tiên, cái cảm giác ngon đến lạ lùng với những sản phẩm mộc mạc đơn sơ lần đầu tiên do bàn tay mình cày cuốc, gieo trỉa. Những cảm giác lần đầu thật khó tả, với rừng, với gió đại ngàn, bụi đỏ, những giỏ phong lan hoang sơ, tiếng kêu của thú rừng lạ lẫm giữa đêm. Những ấn tượng ấy hoà quyện vào nhau còn đơn sơ trong tôi cho đến tận bây giờ. “Buôn Hồ chào quê hương mới, Buôn Hồ tiến tới bạn ơi, thắng gian lao ta dựng cuộc đời ” bài hát mà nhạc sỹ Quang Hào sáng tác khi đến vùng đất mới. Tôi nhớ lại người bạn trong cơn sốt rét rừng vẫn cố đến với buổi sinh hoạt Chi đoàn thanh niên và hát vang lên cho đến lúc vã mồ hôi. Có nhiều bài hát theo ta đến hết cả cuộc đời, bài hát Buôn Hồ hành khúc của anh Quang Hào có vị trí như vậy, đối với chúng tôi những thanh niên của thủa ban đầu ấy.
Tôi nhớ lại những học sinh chân ngập trong bùn đỏ, với áo quần đẹp, hoặc chưa lành lặn vẫn hồn nhiên đến trường. Các em lớn học cấp III ở trường huyện phải đi xa hơn, lúc ấy là thị trấn Buôn Hồ. Hàng tuần các em phải về nhà lấy lương thực, bới theo củ khoai, củ sắn, những thứ tốt nhất mà ở nhà dành dụm được. Những em học sinh của năm tháng gian khổ đó nay có em đã rất thành đạt. Tôi biết lúc đó có nhiều  thầy cô giáo phải bỏ tiền lương của mình mua sách vở giúp cho các em học sinh ham học mà điều kiện còn quá thiếu thốn, đêm đêm còn phải đốt đèn dầu đến những tụ điểm để dạy học xóa mù chữ dưới các lán lợp tranh mà xung quanh phên thưng chưa đủ kín.
Những người đi khỏi xã đã lâu, khi trở lại rất ngạc nhiên và ấn tượng về sự thay đổi nơi đây. Một sự thay da đổi thịt kỳ diệu, con đường đất ở lộ chính bây giờ đã là tỉnh lộ 3 chạy suốt gần hết chiều dài của xã, ngày từ Buôn Hồ vào Phú Xuân ngang qua xã Krông Năng, trước đây là con đường vắng vẻ, thì nay đã là một thị trấn bề thế. Hàng ngày, trên con đường đó, xe cộ giao thông không ngớt. Ai đó muốn đi Huế, Nghệ An, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh… có thể đón xe ngay cửa ngõ nhà mình, mà điều đó cách đây mười năm không ai nghĩ đến. Trường học, trạm xá, trụ sở UBND xã khang trang sạch đẹp. Ở khu trung tâm của xã mở ra nhiều hàng, quán bày bán từ cây kim sợi chỉ đến những đầu đĩa hát và máy truyền hình đời mới hiện đại. Ánh điện sáng khắp nơi, điện nhấp nháy ở các quán cà phê mang chút hơi thở thị thành. Tôi nhớ cách đây một vài năm, đồng chí chủ tịch UBND xã đọc thư chúc tết bà con nhân dịp Tết Nguyên Đán có câu: “Tương lai Phú Xuân còn ở phía trước, nhưng nhìn lại chặng đường đã qua chúng ta không khỏi tự hào...” quả đúng như vậy, với những ai đã từng hiểu đời sống những năm tháng đầu tiên của bà con nơi đây, lúc chưa đủ cơm ăn áo mặc, đau chưa đủ thuốc, thì những gì hiện có ở Phú Xuân hôm nay quả là một bước đổi mới.
Mỗi chiều khi nhìn các cháu học sinh đi học trong bộ áo quần đồng phục tươm tất, đẹp đẽ, nhìn đám thanh niên cưỡi những chiếc xe máy đời mới, hóng gió trên trục lộ của xã, tôi bỗng nghĩ: Có bao giờ các em nghe kể lại, để hình dung cuộc sống của những năm tháng đầu tiên trên vùng đất này không?






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI