Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

LỄ HỘI CỐM Ở XÃ EA TAM tác giả TRẦN THỊ SÔNG HƯƠNG - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 302 - THÁNG 10 NĂM 2017

TRANG CHUYÊN ĐỀ NHÂN KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP
HUYỆN KRÔNG NĂNG (1987 – 2017)


Xã Ea Tam nằm về hướng đông bắc của huyện Krông Năng, được thành lập từ năm 1989, chủ yếu là các sắc dân Tày, Nùng thuộc 6 tỉnh biên giới phía Bắc vào định cư.
Tuy xuất phát từ những vùng quê khác nhau, những nét văn hóa truyền thống có khác nhau, nhưng có một điểm chung, điểm tương đồng, đó là những truyền thống tốt đẹp của nền văn minh lúa nước. Nhiều tập quán, phong tục, lễ - hội gắn liền với các sản phẩm của lúa nước. Trong đó các nét đẹp và đặc sắc của văn hóa ẩm thực đã được đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào làm ăn sinh sống ở Krông Năng – Đắk Lắk gìn giữ và phát triển.
Trong các sản phẩm được làm ra từ lúa nếp thì cốm được xếp vào một trong các sản phẩm đặc sắc nhất. Hội cốm của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía bắc còn được gọi là “Tết con gái”. Các câu ca của đồng bào Tày, Nùng có liên quan đến hương cốm như:
Hương em như thể Cốm hương
Cách xa đến chín ngày đường vẫn thơm
Sự so sánh trên đã phần nào nói lên giá trị của ngày hội cốm, ngày Tết con gái, và có lẽ không có sự ngợi ca giá trị của người con gái nào cho bằng những câu ca nói trên…
Thời tiết ở Tây Nguyên vào khoảng tháng 9 âm lịch hàng năm thường hay mưa dầm, nhưng người dân ở đây, đặc biệt là các nam nữ thanh niên đã không quản ngại đường sá xa xôi, vất vả. Họ tập trung về nơi diễn ra lễ hội từ rất sớm để tham gia Lễ Hội Cốm do xã tổ chức với mục đích bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Về ý nghĩa của ngày hội Cốm, ngày “Tết con gái”, ông Đinh Công Hưởng - Bí thư Đảng bộ xã Ea Tam cho biết: Lễ hội nhằm tôn vinh, ca ngợi các sản phẩm của lúa nước, tôn vinh người phụ nữ, đặc biệt là các thiếu nữ trong độ tuổi trăng tròn, những người đóng vai trò chủ lực trong việc sản xuất ra các sản phẩm từ cây lúa nước. Lễ hội còn mục đích tăng cường công tác đại đoàn kết các dân tộc, các bản làng trên địa bàn.
Trường tồn cùng với sự hình thành và phát triển của đất nước, lúa nếp luôn được coi là linh vật, là tinh hoa của trời đất, của tạo hóa. Gạo nếp luôn được dùng trong những dịp quan trọng, thiêng liêng; là sản phẩm không thể thiếu trong các lễ hội cúng tế trời đất, cúng tế ông bà tổ tiên, cưới hỏi, mừng nhà mới.v.v… Hội Cốm thường được tổ chức vào ngày 9 tháng 9 âm lịch hàng năm, ngày này thường rơi vào tiết Hàn lộ (khí trời mát mẻ) hoặc tiết Sương giáng (bầu trời luôn có nhiều sương, có năm có mưa bụi). Tuy nhiên khi di cư vào Tây Nguyên, do thời tiết khác hẳn nên ngày hội cũng phải chuyển dịch cho phù hợp.
Mở đầu cho hội Cốm, các chị em phụ nữ cùng nhau ra đồng ruộng chọn cắt những bông lúa đạt tiêu chuẩn cho việc chế biến các sản phẩm của Cốm. Cần lưu ý khi chọn nếp làm cốm phải chọn giống “nếp cái hoa vàng” chính gốc ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Khi cắt phải chọn những bông lúa vừa đến độ chín, đầu hạt lúa hơi ngả sang màu vàng, người dân thường gọi là “gié lúa đỏ đuôi” và thân lúa khi cắt phải có độ dài chừng 40 phân. Các chị cho biết: Sở dĩ thân lúa phải cắt dài vì nó còn được bện làm chổi quét bàn ghế, quét nhà sàn; chổi được làm từ thân cây lúa nếp rất bền và quét dọn rất sạch… Các chị lớn tuổi cũng tâm sự: Khi mới vào định cư ở Tây Nguyên, hàng năm cứ đến tháng 9 âm lịch là người cứ nao nao nhớ đến mùa hội cốm, nhớ thời con gái cùng nhau đi thu hoạch lúa nếp từ làng này sang làng khác như kiểu vần công đổi công hiện nay…
Khi những bông lúa nếp được đưa về, mọi người tập trung tuốt lúa, đem ngâm vào nước lạnh để vớt đi những hạt lép, giữ lại những hạt chắc, mẩy như người con gái trong độ tuổi trăng tròn. Tiếp đó lúa được đem luộc chín, vớt ra quạt cho nguội rồi đem rang. Công đoạn này phụ thuộc vào sự khéo léo và kinh nghiệm của các chị, nếu luộc và rang chưa chín thì khi giã, nếp sẽ bị nát; nếu luộc và rang chín quá, khi giã vỏ trấu sẽ dính vào cốm. Rang xong, để nguội rồi đem giã, dần, sàng đủ 9 lần cho sạch trấu, cốm mới có màu sắc đẹp. Cốm ngon, đạt tiêu chuẩn phải hội đủ các yếu tố: Xanh, dẻo, dẹp (mỏng) và thơm.
Những phụ nữ giỏi, đảm đang có thể chế biến cốm thành hàng chục món khác nhau như: Hương cốm, cốm gừng, cốm đậu xanh muối, cốm làm bánh tét nhân đường, cốm chuối, cốm lam, cốm rang đường, cốm ép… Ngoài ra, từng vùng miền còn có bí quyết riêng để cốm thơm ngon và có màu sắc tự nhiên của cây lá núi rừng. Hội thi còn chấm điểm cao cho những đội có đông người tham gia giã cốm. Điểm kỹ thuật cao nhất sẽ thuộc về đội có từ 8 người đến 16 người cùng giã - đông người nhưng giã không va vấp, ra vào nhuần nhuyển, âm thanh giã cốm nghe như tiếng nhạc. Hội thi cũng chấm điểm cao cho đội có trang phục đẹp, khi đội mâm cốm dâng lên cúng tổ tiên, ông bà đi đứng nền nã, có phong cách.
Khi những nam thanh nữ tú của xã Ea Tam dâng mâm cúng của thôn, của bản làng mình lên bàn thờ Tổ quốc ở đình làng rồi đem đến cho ban giám khảo chấm điểm, có thể nói rằng trong mâm cúng của họ đã có những bài Then, câu Lượn, có cả bóng dáng của núi đồi Tây Nguyên hùng vĩ, có cả tình cảm bao la của người nông dân cần cù, chịu thương, chịu khó, biết chắt lọc những điều kỳ diệu của thiên nhiên để làm nên những sản vật mang đậm màu sắc của quê nhà.
Lễ hội cốm ở xã Ea Tam là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc đang sinh sống trên mảnh đất Krông Năng. Nét đẹp này cần được duy trì nhằm giúp cho nhân dân các dân tộc tăng cường hơn nữa sự đoàn kết, yêu thương, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống, trong sản xuất và trong sinh hoạt…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI