Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2018

KÝ ỨC MẬU THÂN - Ghi chépcủa NGUYỄN LIÊN- CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN MẬU TUẤT - THÁNG 1&2 NĂM 2018



Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 68 đến nay tròn 50 năm, với những người lính từng giáp trận ngày đó luôn trỗi dậy ký ức mỗi dịp tết đến xuân về. Đối với thiếu tướng Trịnh Hoàng Lâm cuộc tấn công Mậu Thân trên đất Đắk Lắk trở thành kỷ niệm không bao giờ quên, là chiến sĩ y tá trở thành tướng lĩnh sau này, anh gặp người phụ nữ trong đoàn quân biểu tình nhập thị đấu tranh chính trị với Mỹ Ngụy góp sức cùng bộ đội tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột, anh y tá Trịnh Hoàng Lâm và chị cán bộ địch vận Nguyễn Thị Hoa dũng cảm trong đội quân tóc dài đã nên nghĩa vợ chồng. Năm mươi năm trôi qua, hình ảnh đẹp đẽ về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình thông qua chiến dịch Mậu Thân luôn sống động trong ký ức vị tướng.
Sáng 30 tết, toàn bộ cơ quan huyện đội H5 tập trung nghe lệnh sẵn sàng hành quân chiến đấu, anh nuôi, y tá… cũng như cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, tất cả được trang bị vũ khí chờ lệnh lên đường. Như bao cuộc hành quân chiến đấu, lần này nhận lệnh chiến đấu lại đúng vào ngày 30 tết, thấy xốn xang trong lòng, khi mọi nhà, mọi người đang chăm lo cho cái tết sum họp gia đình. Tôi khoác khẩu cạc bin lên vai đi nhận bổ sung thêm cơ số đạn, đối với người lính sự chuẩn bị cho một trận đánh thì bao nhiêu đạn cũng cảm thấy chưa đủ. Bữa cơm tất niên hôm ấy được coi là thịnh soạn hơn ngày thường, có thêm thịt, cá… những người lính nhận ra cuộc hành quân lần này có gì đó thật trọng đại, trách nhiệm của người lính vô cùng nặng nề và lòng tự hào dâng tràn trong bữa cơm tất niên được các đồng chí cán bộ Huyện ủy, cán bộ Ban chỉ huy Huyện đội H5 đến từng bàn động viên chiến sĩ ăn thật no; cơm chiều xong đơn vị tổ chức đón tết trước. Liên hoan thật đơn giản, mỗi người một điếu thuốc lá, hai cái kẹo do cơ sở của ta trong vùng địch gửi ra. Anh nuôi phát cho mỗi người một nắm cơm vắt có thể sử dụng trong vài ngày nếu trận chiến không thể kết thúc sớm theo kế hoạch. Trước giờ hành quân, mỗi người nhận một băng vải đỏ bề rộng chừng 3cm có dòng chữ màu vàng: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đeo trên ngực hoặc cánh tay. Tôi là y tá nằm trên ban chỉ huy Huyện đội nên nắm được tinh thần trận đánh này hết sức quan trọng. Bí thư Huyện ủy H5 Ama Nga trực tiếp chỉ huy, phối thuộc cùng bộ đội địa phương H5 còn có một bộ phận thuộc trung đoàn chủ lực của Bộ có phiên hiệu: Trung đoàn Vĩnh Phú do anh Thường đại đội trưởng, anh Đường Chính trị viên phụ trách, cán bộ chiến sĩ bộ đội chủ lực mới ngoài Bắc vào anh nào cũng béo tốt, quần áo tô châu mới keng, không như lính địa phương chúng tôi ăn rừng ngủ rừng, sốt rét rừng xanh xao, đánh trận liên miên nên quân phục te tua. Nhiệm vụ của chúng tôi là đánh chiếm ấp Quảng Nhiêu. Đây là mục tiêu quan trọng án ngữ phía Bắc thị xã Buôn Ma Thuột, địa bàn giáp ranh giữa vùng tạm chiếm và vùng căn cứ cách mạng.
Trời nhập nhoạng tối khiến chúng tôi không nhìn rõ chân núi Cư M’gar hiện lên trước mặt. Những bước chân sột soạt, ồn ào rồi im lặng, những bàn tay nắm chặt báng súng, tiếng lúc lắc của túi cứu thương, bi đông, bao lựu đạn phát tiếng động nhỏ dần rồi lặng hẳn. Trong không gian im lặng tiếng con chim cu rúc vang to hơn. Đêm ba mươi tối đặc tưởng có thể xắn ra miếng. Mò mẫm trầy trật trong đêm tối, mọi người cũng tiếp cận vị trí an toàn, lúc này chúng tôi mới được phổ biến nhiệm vụ cụ thể: “Đúng giao thừa đêm nay, cả miền Nam đồng loạt tổng tiến công”. Những người lính trẻ chúng tôi không kìm nổi niềm vui đang dậy trong lòng. Có người nào đó vỗ tay, cũng may tiếng vỗ được ghìm bớt lại không gây tiếng động mạnh. Ba má ơi, anh em bà con đang trong ấp ơi, có biết đêm nay chúng tôi đang chuẩn bị làm một công việc hết sức trọng đại, giải phóng ấp, cùng quân dân khắp miền Nam lật đổ ách thống trị của Mỹ và bè lũ tay sai, thống nhất đất nước. Cả nước sẽ khắc ghi cái Tết Mậu Thân này đi vào lịch sử.
*
Sau những thất bại liên tiếp có tính chiến lược của quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam. Những thắng lợi to lớn của ta trong năm 1967; nhận định địch có khả năng co cụm phòng ngự, khó có thể mở các đợt tấn công. Tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra quyết định lịch sử: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam của ta sang một thời kỳ mới – Thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Lệnh Tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt nổ ra và giữ được bí mật. Cả miền Nam, khắp cả núi rừng Tây Nguyên sục sôi tinh thần giải phóng thống nhất đất nước trong lòng mỗi người dân, người lính, già trẻ trai gái đều muốn góp phần vào thời khắc trọng đại này. Giờ phút Giao thừa sắp đến, giá như được nghe giọng Bác Hồ chúc Tết, chúng tôi bỗng nhớ về giao thừa 1967, chuẩn bị bước sang năm 1968, được nghe giọng ấm áp Bác Hồ đọc thơ chúc tết như một lời động viên, một lời hiệu triệu:
Xuân về xin có một bài ca
Gửi chúc đồng bào cả nước ta
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin mừng thắng trận nở như hoa.
Bác Hồ ơi, chúng cháu đang thực hiện sự mong muốn của Người, chúng cháu quyết chiến thắng trong trận đánh mang tính lịch sử, sẽ là những bông hoa tươi thắm dâng lên Bác trong năm Mậu Thân này. Chưa có lần nào ra quân lặng lẽ mà giục giã như vậy. Sương đêm thấm lạnh. Những cơn gió mùa khô ràn rạt thổi bụi mù, những người lính ôm súng trong tư thế sẵn sàng xung phong càng sốt ruột. 0 giờ 30 phút, đã bước sang ngày mới của năm Mậu Thân; bầu trời thị xã Buôn Ma Thuột cách 15 cây số nhoáng nhoàng những tia chớp kèm theo đó những tiếng rít nổ của pháo DKB mở màn như trời long đất lở. Theo kế họach ta sẽ đánh chiếm đài phát thanh, khu nhà đày giải phóng cho những người tù; tấn công sư đoàn bộ binh 23 ngụy tại khu Mai Hắc Đế, khu pháo binh, khu thiết giáp, Sân bay thị xã, tòa hành chánh, Ty Cảnh sát, khu cố vấn Mỹ, ngăn chặn sự chi viện để các điểm khác trong toàn tỉnh thuận lợi tấn công.
Khu vực ấp Quảng Nhiêu vẫn đì đùng pháo đón Tết như không có gì xảy ra. Chúng tôi vận động trên lộ 8 đột nhập vào ấp theo hướng nhà tên Thuần trưởng ấp là tên ác ôn khét tiếng. Phía trước có một tốp lính đi tuần rì rầm nói chuyện, ánh đèn phin loang loáng quét màn đêm. Chúng tôi vội lăn xuống rãnh hào bên đường nằm im. Trong tốp lính đi tuần có cả tên Thuần, đến gần chỗ chúng tôi nấp, tên Thuần linh cảm có điều gì đó bất thường, hắn ra hiệu tốp lính dừng lại, ánh đèn pin quét vào các bụi cây ven đường, tai hắn nghiêng nghiêng ngóng, bất ngờ hắn cầm quả lựu đạn mở chút kêu tách tung ra theo phản xạ rồi tất cả co cẳng chạy. Có thể bị lộ, chúng tôi nhày cả lên mặt lộ rượt theo cùng những băng tiểu liên AK xé màn đêm lao thẳng tốp địch. Một tên ngã gục, tên Thuần bị thương trốn thoát. Trong ấp Quảng Nhiêu vẫn không hay biết gì, tiếng pháo đón giao thừa vẫn đì đùng nổ, tiếng nhạc từ chiếc ra- đi- ô của nhà nào đó đang phát đi những bài hát mừng xuân. Lợi dụng âm thanh pháo Tết, bộ đội ta tranh thủ đào công sự dọc lộ 8, con lộ chính nối từ Buôn Ma Thuột đi Mê Wal. Dù thức đêm căng thẳng chờ đợi trận đánh, bộ đội ta vẫn không buồn ngủ mệt mỏi, họ hăng say đào hào và chờ đợi. Bầu trời phía đông rạng màu hồng báo hiệu một ngày mới đã đến, trong ấp đã xuật hiện một số người dân mặc đồ mới trên đường đi đón năm mới. Họ nhìn thấy chúng tôi dưới chiến hào, biết chắc quân giải phóng sẽ bao vây ấp Quảng Nhiêu, sợ có súng nổ, sợ có máu chảy trong ngày đầu năm này sẽ gặp điều xui xẻo, đồng bào lặng lẽ trở lại trong ấp. Từ lúc tên Thuần trốn thoát, chúng đã đánh hơi thấy sự nguy hiểm đang rình rập ở khu vực ấp Quảng Nhiêu. Hướng Buôn Ma Thuột súng nổ dày hơn, tiếng nổ to dồn dập hơn. 6 giờ 30 phút trong ấp có ba tiếng súng báo động tập trung quân, báo hiệu một cuộc chiến không cân sức sắp nổ ra. Phía ta cộng tất thảy cả quân chủ lực và bộ đội địa phương H5 có 90 người. Phía địch có Tiểu đoàn 4 thuộc Trung đoàn 45 Sư đoàn 23, một đại đội pháo, một đại đội bảo an, một liên đội nghĩa quân, ba đoàn bình định cùng 400 lính phòng vệ dân sự. Tính ra cuộc chiến đấu giữa ta và địch 1 chọi hơn 10. Sau đợt pháo cấp tập dọn đường, những chiếc trực thăng cán gáo bay thành hàng từ Buôn Ma Thuột đến rà sát ngọn cây, những tên lính đầu đội mũ sắt nắm chắc khẩu M60 quay tít vãi đạn dọc lộ 8, rà quanh ấp. Hết đợt dọn đường của trực thăng, từng lượt sóng bộ binh nhấp nhô mũ sắt, tay lăm lăm họng súng đen ngòm nhả đạn bừa bãi tràn lên. Dưới chiến hào các chiến sĩ giải phóng bình tĩnh điểm xạ chính xác. Một tên rồi nhiều tên đổ gục, những đợt sóng chững lại có lẽ do tâm lý chết chóc đầu năm đã cản tinh thần chúng. Những bước chân hùng hổ chùng lại rón rén bước, mắt lấc láo trong nỗi sợ hãi. Chiến sự nổ ra trong hai phái tinh thần khác nhau, phía ta hưng phấn với những viên đạn nổ đanh chính xác hạ từng tên xuống đất, địch sợ hãi nhả đạn vu vơ. Trận đánh giằng co đến trưa thì tạm ngưng. Kiểm lại số quân, ta thương vong mất một nửa, nghĩa là từ một đại đội thiếu, giờ chỉ còn dư một trung đội, mục tiêu đặt ra là giải phóng ấp Quảng Nhiêu còn nhiều khó khăn đợi phía trước. Đồng chí Ama Nga, Bí thư Huyện ủy H5 bàn với hai đồng chí chỉ huy đơn vị chủ lực tăng cường:
- Ta cần mở đường máu rút quân củng cố lại đơn vị rồi đánh tiếp.
- Mùa khô cây cối khô cháy, đất trống trải định rút thế nào. Làm sao rút nổi.
Trên bầu trời những chiếc trực thăng vũ trang HU1A phành phạch quần đảo bắn những tràng đạn đại liên dọc lộ 8, chứng minh ý tưởng rút quân của Bí thư Ama Nga là không thể. Anh Thường nói tiếp: Theo nhận định của tôi, hai tiếng đồng hồ nữa địch có thể phản công lần nữa, không được chúng sẽ co cụm lại, khi đó lợi dụng đêm tối ta có thể rút quân.
Khoảng 1 giờ chiều, địch câu pháo cấp tập dọc lộ 8, những ngôi nhà hai bên đường bốc cháy ngùn ngụt. Pháo dừng, bộ binh tràn lên, đi trước chừng hai trăm tên thuộc đại đội sắc tộc, bọn này lấy người dân tộc ra làm bia đỡ đạn cho chúng đây. Tiếp đó Đại đội 4 thiện chiến của Sư đoàn 23 chia làm 3 mũi từ hướng Bắc và Đông bắc khép chặt khu vực Quảng Nhiêu. Anh Thường, Đại đội trưởng quân chủ lực, lúc này đứng ở vị trí chỉ huy trận đánh, huy động tất cả hỏa lực có trong tay. Hai khẩu đại liên, 10 khẩu trung liên RPD, hai khẩu cối 82, 5 khẩu B40, 4 khẩu B41 theo lệnh Đại đội trưởng Thường tất cả hỏa lực vào vị trí chiến đấu. Nhà dân cháy khói bụi mù trời, những người lính trải qua một đêm, một ngày chờ đợi và chiến đấu, mất mát thương vong, nhưng ý chí chiến thắng dồn lên đôi mắt và họng súng nóng lòng hướng về phía địch. Những tên lính thiện chiến trang bị vũ khí Mỹ, quân dụng khí tài Mỹ lò dò khép chặt dần khoảng cách, những bộ mặt bặm trợn đỏ hăm lấc láo rõ dần. Bộ đội ta hồi hộp chờ nhả đạn, vẫn chưa có lệnh nổ súng. Khi các mũi tiến công của địch vào đúng gọng kìm của ta bố trí, phát súng của anh Thường nhằm vào tên lính đi đầu nổ, lập tức các khẩu pháo cối 82, B40, B41 đồng loạt bắn vào đội hình địch. Bị bất ngờ, đám lính địch hoảng loạn, những tên sống sót đạp lên nhau bỏ chạy liền bị đại liên, trung liên của ta đón ở vòng ngoài. Tôi bên cạnh anh Đường, anh Thường, anh Diêm, vừa chiến đấu vừa sẵn sàng làm nhiệm vụ của y tá. Trận chiến đấu diễn ra chừng một tiếng đồng hồ thì chiến trường lặng tiếng súng. Toàn bộ lực lượng bộ binh tinh nhuệ của địch bị tiêu diệt.
Đúng như nhận định của đại đội trưởng Thường, sau đợt địch phản công thất bại, chừng 3 giờ chiều chiến trường yên tĩnh trở lại. Bầu trời lúc ấy chỉ còn tiếng gầm gừ của phản lực né tránh đạn phòng không trên cao, thỉnh thoảng phóng xuống những quả rốc két vu vơ. Pháo 105mm địch từ Buôn Ma Thuột bắn cầm canh về Quảng Nhiêu. Tôi đeo khẩu cạc bin, túi cứu thương trườn ra khỏi chiến hào làm nhiệm vụ quân y. Bộ đội, dân thường bị thương nằm ngổn ngang dưới chiến hào. Tôi trườn đi băng bó cho người bị thương, băng xong cho một người, vận động tới băng bó cho người khác, vừa xong ngồi tựa lưng vào chiến hào nghỉ chợt một quả pháo địch nổ ngay cạnh người thương binh tôi vừa băng bó xong. Tôi thoát chết nhưng trong lòng quặn đau nhìn người thương binh vừa được băng bó đã hy sinh.
Cuộc vây lấn chiến đấu cả đêm 30 và ngày mùng một Tết Mậu Thân, lực lượng của ta với con số khiêm tốn 90 người chỉ còn lại 20 người. Tuy chưa giải phóng được ấp Quảng Nhiêu, nhưng với con số khiêm tốn cả lực lượng bộ đội địa phương và chủ lực ta đã làm tiêu hao lớn sinh lực địch trang bị vũ khí tối tân hiện đại có máy bay yểm trợ. Chập tối chúng tôi khiêng thương binh, tử sĩ rút ra an toàn.
*
Cùng với lực lượng vũ trang nổi dậy tiến công Tết Mậu Thân, bà con cô bác từ các hướng cũng đổ về Buôn Ma Thuột biểu tình nhập thị kêu gọi binh lính quay súng trở về với nhân dân. Trước làn sóng tiến công như vũ bão của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, chỉ huy quân đội Mỹ và ngụy quyền đã huy động máy bay dội bom, bắn rốc két, cho xe tăng bắn trọng liên vào đoàn biểu tình. Má Hai dẫn đầu đoàn biểu tình trúng đạn, chị Mười nhận lá cờ từ tay má Hai trao tiếp tục chỉ huy đoàn biểu tình và chị cũng trúng đạn hy sinh. Cháu H’Tam vội cầm cờ dẫn đầu đoàn biểu tình, bị địch bắn trọng thương đã trao lại lá cờ cho chị ruột của mình là H’Lan đồng thời lớn tiếng kêu gọi: “Các anh chị hãy giữ lấy cờ”. Còn có biết bao tấm gương dũng cảm trong quần chúng nhân dân đã làm tôi xúc động. Cô Hoa trẻ trung xinh đẹp dẫn đầu một đoàn biểu tình khác từ Đạt Lý về Buôn Ma Thuột bị địch bắn bị thương. Lúc này tôi được điều về địa bàn xã Đạt Lý công tác đã băng bó vết thương cho cô Hoa, cảm động trước một cô gái trẻ gan dạ, lại được biết gia đình cô là địa chỉ hoạt động biệt động nội thành, tôi đã đem lòng thương yêu, và chúng tôi đã kết duyên nghĩa vợ chồng.
Trận đánh Tết Mậu Thân ta không đat được như kế hoạch, nhưng Mỹ và bè lũ tay sai đã phải nhận một đòn đau thê thảm. Tới ngày mùng 6 Tết địch rút khỏi Quảng Nhiêu. Mậu Thân như một mốc son đánh dấu bước trưởng thành cả về đội ngũ tinh nhuệ và chiến lược của quân đội ta; đối với bản thân tôi là bài học kinh nghiệm cho công việc chỉ huy sau này, từ anh lính y tá trở thành tướng lĩnh của quân đội, và tình yêu hạn phúc của tôi cũng được gặp gỡ từ chiến dịch Mậu Thân lịch sử luôn sống mãi cùng ký ức trong tôi.
(Theo hồi ức của thiếu tướng Trịnh Hoàng Lâm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI