Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

NHỚ LỜI DI HUẤN CỦA NGƯỜI - tác giả KHÔI NGUYÊN - CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN MẬU TUẤT - THÁNG 1&2 NĂM 2018









Năm 2017 là một năm đầy khó khăn thử thách, ngoài những khó khăn thường niên do hoàn cảnh và điều kiện khách quan mà Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk không đủ tầm tự giải thoát còn có những khó khăn cụ thể trong năm 2017 ập đến với Hội.
Ví dụ như ngân sách của Tạp chí Chư Yang sin cũng phải tiết kiệm 10% theo chủ trương của tỉnh. Vậy thì tiết kiệm bằng cách nào? Chẳng lẽ phải giảm số trang in, chịu sự thụt lùi trong việc công bố, quảng bá tác phẩm VHNT? Chẳng lẽ phải giảm tiền chi trả nhuận bút vốn đã thấp so với các báo chí khác của địa phương cũng như của các tạp chí văn nghệ tỉnh bạn? Chẳng lẽ phải đình bản 1 kỳ vốn đã có truyền thống ra hàng tháng cả mấy chục năm nay mà Bộ Văn hóa (nay là Bộ Thông tin – Truyền thông) đã ghi trong Giấy phép xuất bản?...
Rồi nữa, Trại sáng tác thơ văn Hạ Xanh cho thanh thiếu niên, ban đầu từ 4 cơ quan đồng phối hợp tổ chức, sau khi Ủy ban chăm sóc – bảo vệ bà mẹ và trẻ em hoàn thành sứ mệnh lịch sử thì còn có 3 cơ quan (Sở Giáo dục – Đào tạo, Tỉnh đoàn, Hội VHNT), bỗng nhiên đến năm 2017 chỉ còn một mình Hội VHNT đứng ra gánh vác.  Với nguồn kinh phí được cấp là 45 triệu đồng, làm sao đủ để tổ chức cho 19 tài năng trẻ ăn nghỉ, gặp gỡ để học tập kinh nghiệm, đi thực tế sáng tác, in sách cho các em...? Chẳng lẽ phải vứt bỏ niềm tự hào khi giao lưu với các tỉnh bạn rằng: Chỉ có Đắk Lắk, việc ươm mầm “tài năng văn học-nghệ thuật” rất được lãnh đạo tỉnh quan tâm nên từ 1990 đến nay việc tổ chức Trại bồi dưỡng sáng tác Thơ – Văn cho các em đã thành thông lệ? 
Cũng chỉ với 54 triệu đồng, làm thế nào để tổ chức được một cuộc “Thi và triển lãm ảnh nghệ thuật” của tỉnh có sự bảo trợ của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam? Đã lâu lắm rồi, lâu như cổ tích, Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk mới “xin” được nguồn kinh phí này.  
Nguồn Quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT của Chính phủ cho Hội năm 2017, phải dài cổ hóng chờ cho tới ngày 12.12.2017 mới được chính thức sử dụng. Làm thế nào vẫn giữ được phong trào ổn định trong việc tổ chức các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế, các liên hoan khu vực, các cuộc hội thảo chuyên đề nhằm khơi gợi, phát huy khả năng sáng tạo của văn nghệ sĩ trong suốt thời gian đó?...
Chỉ trong thời điểm diễn ra Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017 và Lễ hội Cà phê lần thứ 6, Hội VHNT Đắk Lắk đã tổ chức đón tiếp gần 300 văn nghệ sĩ của cả nước; rồi nữa, được mệnh danh là “Thủ phủ Tây Nguyên”, mỗi năm đón hàng chục đoàn văn nghệ sĩ tỉnh bạn đến theo chương trình đi thực tế sáng tác hoặc tổ chức Trại sáng tác tại Đắk Lắk, làm thế nào tạo được ấn tượng tốt đẹp về đất và người nơi thừa nắng gió này? Đây cũng là một vấn đề nan giải.
Vậy mà Hội VHNT Đắk Lắk đã vượt qua với những hoạt động mà rất nhiều hội viên tỉnh bạn mong muốn được làm hội viên của Đắk Lắk; nhiều tác phẩm trong năm được công bố, hàng trăm tác phẩm đoạt giải của tỉnh, của khu vực, của toàn quốc hoặc quốc tế.
Được như vậy, trước hết là sự đoàn kết để sáng tạo của toàn thể hội viên, sự linh hoạt của Ban lãnh đạo, sự tâm huyết với văn học nghệ thuật của Ban Chấp hành các chi hội và rất nhiều hội viên. Thêm nữa là, rất nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã nhiệt tình cổ vũ, động viên và hỗ trợ, tạo điều kiện thiết thực cho những hoạt động văn học, nghệ thuật của Hội.
Bước sang năm 2018, Hội VHNT Đắk Lắk sẽ còn gặp nhiều khó khăn thách thức hơn nữa. Đặc biệt, nguồn ngân sách của địa phương cấp cho Hội năm 2017 chỉ hơn 1,6 tỷ (chưa kể phải tiết kiệm 10%) trong đó riêng nguồn kinh phí tự chủ (cho công tác của cơ quan Hội) đã gần 900 triệu. số còn lại khoảng nơn 700 triệu dành cho việc in ấn phát hành Tạp chí Chư Yang Sin, tổ chức trại sáng tác Hương Rừng cho thanh thiếu niên, tổ chức thi và triển lãm mỹ thuật toàn tỉnh, tổ chức xét và trao giải thưởng VHNT hàng năm...
Trước thềm năm 2018 và xuân Mậu Tuất, nhớ di huấn của Người khi nói về Quân đội: “Trung với nước, hiếu với dân/ nhiệm vụ nào cũng vượt qua/ kẻ thù nào cũng đánh thắng”, khi nói về ngành Công an: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, khi nói về cán bộ: “Biết đem lợi ích riêng, lợi ích của cá nhân phục tùng cho lợi ích chung”...; riêng đối với văn nghệ sĩ, Người từng nói: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em văn nghệ sĩ cũng là người chiến sĩ trên mặt trận ấy”...
Mỗi văn nghệ sĩ là một người chiến sĩ, mang trong mình sự tổng hòa cốt cách của người chiến sĩ quân đội, người chiến sĩ công an, người cán bộ mẫu mực để  tiếp tục vượt khó, chủ động sáng tạo, tâm huyết với hoạt động văn học nghệ thuật; đặc biệt là tiếp tục thực hiện cuộc vận động, quảng bá tác phẩm theo chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; dùng tài năng và tâm huyết của mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Văn hóa vừa là phương tiện vừa là mục đích để phát triển kinh tế-xã hội. Một dân tộc tiêu biến hoặc một quốc gia diệt vong khi và chỉ khi không còn nền văn hóa của riêng mình. Trong nền văn hóa ấy thì văn học nghệ thuật là tinh túy, là cốt lõi, là xương tủy. Bất cứ thời đại nào dù rằng đã tiêu biến và diệt vong, thế hệ sau khai quật lên đều lấy tiêu chí văn hóa thông qua các di chỉ thuộc phạm trù văn học – nghệ thuật để xác định sự phồn thịnh hay suy thoái.
Văn nghệ sĩ Đắk Lắk đã và đang học tập và làm theo Người một cách thiết thực: Vượt mọi khó khăn để đi đến đích là góp phần “Xây dựng nên văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và “Xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI