Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

NHÌN LẠI MỘT NĂM TRUYỆN NGẮN TRÊN CHƯ YANG SIN - BẢN NHẠC MÙA XUÂN của NGUYỄN VĂN THIỆN - CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN MẬU TUẤT - THÁNG 1&2 NĂM 2018




Khi gió bất ngờ đổi hướng, thổi tung dọc cánh rừng, lật tung từng đám cỏ ngoài thảo nguyên, ấy là lúc, mùa xuân sắp sửa quay về. Bộn bề hay thong thả thì cũng chừng đó tháng ngày chữ nghĩa, chừng đó khát khao vây bủa. Ngoái nhìn lại một năm truyện ngắn trên Tạp chí Chư Yang Sin, cũng là lúc nhìn lại từng gương mặt văn xuôi vốn đã trở nên quen thuộc với bạn đọc của Tạp chí.
Một năm qua, không có một giọng nói mới nào xuất hiện. Vẫn là những giọng điệu đã trở nên quen thuộc, nghe nhiều, thành ra lắng đọng tâm tình, nghe nhiều, mới thấy được nỗ lực tìm tòi đổi thay không ngừng nghỉ.
Giải thưởng hàng năm, giải A năm nay được trao cho Nguyễn Anh Đào, một cây bút sung sức đang ngày càng khẳng định được phong cách của mình. Câu chuyện ban đầu từ thị xã Buôn Hồ nhỏ bé cứ “loang” ra mãi, không chỉ ở bức tranh hiện thực được mở rộng ra, mà còn ở khả năng chinh phục bạn đọc khắp mọi miền trên cả nước. Từ những bi kịch nhỏ, đã thấy được ý đồ khái quát hiện thực, câu chuyện của Đào bây giờ đã có thêm những chiều kích mới. Về mặt kỹ thuật viết, hình ảnh, chi tiết, nhân vật cũng đã linh hoạt, biến ảo, hấp dẫn hơn so với trước kia. Tập truyện mới nhất của Nguyễn Anh Đào Thà cứ một mình rồi quen cho thấy một bút lực dồi dào và nỗ lực không ngừng của người viết văn nghiêm túc.
Giữa bộn bề lo toan của đời thường, càng thấy trân quý và cảm phục những nhà văn thủy chung với trang viết. Một năm qua, bạn đọc vẫn dõi theo những câu chuyện có khi cảm động, có khi thú vị, có khi trầm buồn của các nhà văn đứng tuổi tại địa phương. Các nhà văn Nguyễn Hoàng Thu, H’Linh Niê, Trúc Hoài, Khôi Nguyên, Niê Thanh Mai… vẫn đều đặn xuất hiện, khi là truyện ngắn, khi là bút ký, có khi là trích đoạn của một tiểu thuyết. Tác giả Hồng Chiến vẫn miệt mài theo đuổi những trang viết cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng, bằng những chuyện kể chân chất, mộc mạc về đời sống sinh hoạt của trẻ thơ đồng bào Tây nguyên nhiều bí ẩn, lắm thi vị. Tác giả Nguyên Hương bộn bề với các dự án dài hơi tại các hãng phim truyện, các nhà xuất bản, vẫn không quên đều đặn góp giọng nói duyên dáng, hóm hỉnh của mình làm phong phú thêm cho Tạp chí Chư Yang Sin.
Một năm qua, cũng có những giọng nói đột nhiên im lặng, như một khoảng lặng mênh mang giữa bản nhạc thiết tha của núi rừng. H’Siêu Bỹa, H’Xíu Hmốk, H’Phila Niê đã từng làm người đọc thảng thốt bởi những câu chuyện đầy ám ảnh, bây giờ, vẫn đang lặng lẽ kiếm tìm, lặng lẽ tích lũy kiến thức, như ong thợ mất hút giữa đại ngàn hoa thắm. Có hôm nào đó khi mùa xuân bừng dậy, họ lại trở về với bạn đọc đang mong đợi, cất lên những lời run rẩy, kể lại câu chuyện thảo nguyên, như thuở ban đầu. Mong lắm thay! Văn chương vốn là thứ không thể vội vàng, càng không phải thứ muốn là được. Chúng ta đều đã biết vậy rồi. Vậy nên trong khi chờ đợi mùa quả mới từ những bạn viết trẻ nói trên, bạn đọc lại dõi theo trò chơi chữ nghĩa cô độc của Lâm Hạ, Trần Hương Giang – những bút danh đã trở nên quen thuộc, thân thương trên Tạp chí.
Trần Hương Giang bây giờ đã lập nghiệp ở một nơi rất xa, xa núi, xa rừng, nhưng hồn cây, hồn cỏ thì vẫn vương mang. Hãy nghe Giang kể về nỗi hoang  mang của người sinh ra ở núi, giờ làm người xa xứ: “Tôi vẫn đang tìm kiếm những nơi có thể cho tôi được quyền trốn nấp. Vì, ít ra, vào lúc này tôi sẽ bớt được những cơn hãi hùng sợ sệt mơ hồ vô lí, khiến đôi chân tôi thi thoảng run lên bần bật. Thế giới bỗng trở nên khó hiểu và bất an hơn những gì tôi biết từ khi mới mở mắt chào đời. Thế giới như những mắt lưới chằng chịt. Xung quanh tôi, sự ích kỉ ngập tràn trong từng con mắt liếc dọc liếc ngang. Họ ngấm nguýt nhau. Họ nheo mắt nhìn nhau một cách cà khịa, ghét bỏ. Họ gầm gừ, đe dọa lẫn nhau mỗi ngày trôi qua đến phát chán trước mặt tôi. Những lần tôi hờ hững lạnh lùng, với nỗi buồn ngập sâu và dậy sóng một cách hồn nhiên trong lòng mình là khi mọi cảm giác đều lặng lẽ chuồi khỏi tâm hồn tôi và lần lượt tắt ngóm, chết dần chết mòn đến thê thảm”. (Truyện ngắn Mắt lưới, Chư Yang Sin số tháng 6.2017).
Lâm Hạ, người vừa từ đâu đó, trong nỗi cô độc của mình, cất lên bài ca bi hoan quen thuộc của núi Chư H’Lâm hoang dại: Vì tôi gặp T. quá trễ, trễ lắm rồi. Sự muộn màng kéo dài chiếc bóng tôi trôi cùng cơn mưa vàng, thành một khoảng không đen sâu hun hút. Nơi đó, tôi thấy mình trần truồng nằm bất động, không một mảnh vải che thân. Máu cứ ri rỉ chảy tràn ra từ khe hở, từ lỗ mũi, khóe mắt, làn môi, lỗ tai. Máu cứ chảy mãi thành một cơn mưa đỏ, và tôi cười giòn như nắng thủy tinh. Máu quyện thành dòng chữ, thành câu thơ của T. mơn man quanh thân thể tôi. Tôi gọi T. mãi mà T. vẫn chạy, tà váy cô dâu của người con gái nào đó tung bay, T. reo vui như một ngọn gió. Tôi nằm chết giữa ngày dài”. (Truyện ngắn Dưới cột đèn, Chư Yang Sin số tháng 12.2017).
Người biên tập, như thường lệ, hết sức trân quý các nhà văn, các bạn viết của Tạp chí, nâng niu từng con chữ, từng dấu câu, từng ý tưởng của mỗi tác giả, với mong muốn khu vườn văn chương của chúng ta luôn luôn rạng rỡ sắc màu và rộn rã âm thanh.  Xin chúc tất cả các bạn viết một mùa xuân mới ấm áp, thăng hoa ý tưởng và cảm xúc, xứng đáng với tình cảm mong đợi, kỳ vọng của bạn đọc!





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI