Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2025

GÓC KHUẤT CỦA RỪNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM 21/01/2025

 


Dừng xe gần chân cầu thang, H’Xoan bước xuống, kêu to:

-Ama amí(1) ơi con về rồi nè!

Căn nhà lợp cỏ gianh dài như nhiều lớp học nối lại, sàn cao hơn mặt đất chừng một sãi tay; sàn nhà được lát bằng những cây tre to đập dập, dàn ra, kêu lên từng tiếng như đếm bước chân người đi qua. Lũ trẻ choai choai từ các căn nhà sàn bên cạnh ùa ra; có đứa không kịp xuống cầu thang, nhãy phốc qua cửa sổ xuống mặt đất, chạy lại, mồm reo to:

-Amai(2) H’Xoan về rồi!

-Amai về rồi!

Lũ trẻ đứa nắm tay, đứa nắm áo như sợ H’Xoan biến đi mất, mồm thía lia đủ chuyện bằng những từ mà Sin không hiểu được. Hai người phụ nữ trong nhà bước ra đầu sàn. Người ra trước, mái tóc bạc trắng như cước không buộc, dài tận bắp chân; ánh nắng chiều chiếu vào tạo nên màu vàng óng ánh như tự phát ra tia sáng lung linh huyền ảo. Trên khuôn mặt hình trái xoan, da đã nhăn nheo nhưng không giấu được vẻ đẹp của đôi mắt hình như có một chút buồn ẩn sâu trong đó. Người phụ nữ đi sau, tuổi gần năm mươi, tóc xanh đen óng mượt, khuôn mặt trái xoan giống y người đi trước, răng trắng đều nhau; nở nụ cười đẹp như nụ hoa hồng buổi sáng.

H’Xoan reo lên:

-Con chào hai amí ạ! Các em bỏ tay ra cho chị lên sàn nào.

Nghe H’Xoan nói, bọn trẻ mới bỏ tay ra quay lại nhìn Sin. Lũ con trai xúm lại sờ chiếc xe máy Bonus lần đầu được thấy; miệng thì thào với nhau:

-Yoan(3) có xe đẹp thế!

-Cháu chào hai bác ạ!

Sin cúi đầu chào hai người phụ nữ đứng trên đầu sàn. Người tóc trắng nói:

-Cháu lên sàn đi!

Lũ trẻ ùa lên sàn, bọn con gái kéo H’Xoan vào nhà trước; lũ con trai kéo Sin theo sau. Trong phòng khách rộng tới ba gian, hai bên vách kê hai chiếc ghế làm bằng nguyên thân một cây gỗ dài gần hết ba gian nhà để người ngồi có thể dựa lưng vào vách. Ở gian giữa chủ nhà đắp một chiếc bếp bằng đất hình vuông, mỗi chiều rộng khoảng một mét, cao nửa gang tay; trên bếp được chất củi, lửa cháy sáng rực. Sin chưa biết phải ngồi ở đâu đã thấy người trong buôn kéo đến đầy nhà: già, trẻ, nam, nữ nói chuyện như… chim hót. 

H’Xoan nói gì đó với hai người phụ nữ bằng tiếng địa phương rồi quay lại bước đến bên Sin, nói:

-Xin giới thiệu với mọi người: đây là Tiến sĩ Nguyên Văn Sin, dạy ở Trường đại học nơi con học ạ.

Mọi người vỗ tay ầm ầm, ra chiều thích thú. Chờ một phút để mọi người im lặng, H’Xoan nói tiếp:

-Xin mời mọi người ngồi xuống; H’Lan và H’Linh lấy bánh kẹo và thuốc lá ra mời mọi người giúp chị nào.

Người phụ nữ tóc bạc ngồi bên bếp lửa nhìn mọi người một lượt, rồi nói:

-Hôm nay H’Xoan về lại có cả thầy giáo đi cùng, ama(4) H’Xoan cột ché rượu mời mọi người cùng vui nào.

Người đàn ông đứng tuổi lẵng lặng bước xuống cầu thang, một lúc sau vác ché rượu lên. Một người đàn ông khác mang đến năm chiếc cần làm bằng tre to như ngón tay út, dài gần sãi tay bước lại cắm vào miệng ché. Cánh thanh niên mang năm cái can hai chục lít đựng đầy nước đến để bên cạnh. Xong công việc chuẩn bị, một ông già đóng khố, mặc áo trắng có in hoa văn màu đỏ, tua đỏ, bước lại gần người phụ nữ tóc trắng, cúi xuông trịnh trọng nói một tràng tiếng thổ ngữ. Sin ngạc nhiên hỏi H’Xoan:

-Ông ta nói gì thế?

-Ông thầy cúng của buôn mời Già làng lên vít cần uống rượu đầu tiên đón khách quý ấy mà.

-Má em là Già làng?

Không nén được sự ngạc nhiên, Sin kêu lên nho nhỏ; H’Xoan mắt vẫn chăm chăm nhìn amí, thì thào đáp lại:

-Dạ?

Sin chưa kịp nói thêm đã nghe ông thầy cúng gọi:

-Mời nai(5) lên vít cần rượu. 

H’Xoan nắm tay kéo Sin bước lại bên ché rượu. Già làng đứng dậy cầm cần rượu đưa cho Sin; mọi người xung quanh nhìn hai người cười ồ cả lên. Lũ trẻ đứa vỗ tay, đứa gõ xuống sàn nhà ầm ầm. H’Xoan ngạc nhiên nhìn mọi người rồi quay lại nhìn Sin và… cũng bật cười thành tiếng; đôi má ửng hồng, đôi mắt như có ngọn lửa, lúng liếng, nói nhỏ với Sin:

-Em xin lỗi, mãi vui với mọi người quên không nhắc thầy bỏ mũ ra ạ.

Sin cũng bật cười vì đến lúc này mới biết mình vẫn đội mũ bảo hiểm như cái nồi cơm điện trên đầu. H’Xoan tháo khóa, Sin nhấc mũ ra khỏi đầu. Vừa bỏ mũ xuống, bỗng Già làng tái mặt, kêu lên một tiếng kêu tắc nghẹn:

-Thanh!

Cùng với tiếng kêu, Già làng lao đến, ôm chầm lấy Sin, gục đầu vào ngực, nức nở khóc. Tất cả những người có mặt trong căn nhà chứng kiến sự việc như lặng đi, mắt tròn xoe, không tin những gì mình vừa nghe và đang thấy. 

H’Xoan đứng như pho tượng nhà mồ, một lúc sau bước lại ôm lấy amí, giọng nghèn nghẹn:

-Amí ơi, đây là nai Sin, không phải tên Thanh đâu. Ama nai ấy cũng tên là Thanh đấy ạ.

Già làng đẩy Sin ra, đôi mắt nhòe lệ ngắm nhìn khuôn mặt vuông chữ điền, đôi lông mày như con sâu róm bò trên ấy và đô mắt to luôn nhìn thẳng vào người đối diện… những hình ảnh ấy sau bao nhiêu năm rồi vẫn như in vào đầu, nhầm sao được. 

Sin nghèn nghẹn nói:

-Cháu là Sin con của bố Thanh ạ!

-Ừ, bao năm rồi, Yoan đã quên tôi!

Già làng nói từng tiếng tắc nghẹn, hai tay buông thõng xuống; không có Sin và H’Xoan đỡ chắc đã ngã xuống sàn. Sin hỏi:

-Già làng có phải là H’Nhi không?

-Sao thầy biết tên amí?

H’Xoan ngạc nhiên thốt lên. Già làng đứng bật dậy, hai tay năm lấy vai Sin òa khóc; kỷ niệm ùa về...

***

Gần trưa, H’Nhi men theo bờ suối bước đi; bỗng nghe tiếng chó sói gầm gừ vọng đến nên bước vội đến xem. Trên miệng hố bom mới đào xuống hôm qua, một bầy hơn chục con sói, con đứng, con ngồi đều hướng mắt nhìn xuống hố bom nên không biết có người đến. Bước thêm mấy bước, H’Nhi vô tình dẫm vào một cành cây khô rơi trên mặt đất tạo nên tiếng động làm bầy sói quay lại nhìn; thấy người liền cụp đuôi chạy biến vào rừng. Dưới hố bom hơn chục con kỳ đà; con lớn bụng to như đầu người, con nhỏ cũng bằng bắp chân người lớn đang vây quanh một cục đất tròn chính giữa hố bom. Thấy lạ, khi nhìn kỹ thì hình như đó là một cái đầu người. Ngạc nhiên, H’Nhi bước đến gần hơn, nhìn kỹ, giật mình thấy cục đất tròn chính giữa hố bom có đôi mắt đen giống người. Đúng rồi, một đầu lâu người. H’Nhị sợ quá ngồi bệt xuống đất, tuột luôn xuống miệng hố bom. Bỗng nghe tiếng từ đầu lâu thì thào vọng đến:

-Đ… ừng đ... ừng x… uống, ng… uy h…iểm.

Ô, cái đầu lâu biết nói, hay đúng hơn có người bị chôn sống ở đây. Phải cứu người mới được. Bùn đất đỏ ba zan đặc quánh như hồ đổ bê tông giữ chặt người rồi, mình mà bước xuống chắc cũng bị chôn luôn. Làm sao đây? Phải chặt cây lớn gác qua hai bên miệng hố bom rồi mới kéo người lên được. Nghĩ là làm, đặt gùi xuống, vác dao chặt hai cây to như bắp đùi để gần sát đầu người, H’Nhi đi ra, ngồi xuống, moi đất móc tay phải người bị lấp lôi lên. Bùn đặc quá, mồ hôi chảy dài từ trán xuống mặt rồi xuống vú, nhỏ từng hạt lên chiếc đầu, làm trôi đi lớp bùn phía trên, để lộ ra mái tóc đen bóng.

Cố lắm mới lôi được cánh tay phải người ấy lên khỏi mặt bùn, bám vào cây để sát người. Mặt trời đã lên đỉnh đầu, đám bùn hình như đặc thêm lại, người thanh niên thều thào:

-N… ước!

Mình đoảng thật, người ta chắc khát lắm rồi, sao không lấy nước cho uống nhỉ; nghĩ vậy H’Nhi lên lấy quả bầu khô đựng nước để trong gùi, kê vào miệng cho người bị nạn uống. Chắc anh ta khát lắm, uống ừng ực. Uống nước xong, H’Nhi hỏi:

-Giơ tay kia lên được không?

-Không, nó dính chặt vào bùn rồi.

-Để tôi giúp.

H’Nhi lại ngồi xuống moi tiếp cánh tay phải, sau rồi phải nằm bò xuống hai thân cây để moi bùn, kéo tay; hì hục đến nửa buổi chiều mới lôi được tay trái đặt lên cây.

-Đu người lên được không?

-Bùn bám chắc lắm, không cựa người nổi.

Ngồi nhìn hố bom, nhìn ra xung quanh, chợt H’Nh reo lên: 

-A, mình có cách rồi, đợi nhé.

H’Nhi lên bờ, vác dao chặt mấy cây nứa to bằng cổ chân, chẻ đôi, gõ cho rơi mắt phía trong rồi nối các cây nứa lại, dẫn nước suối từ phía trên chảy thẳng vào cổ người lạ. Có nước, bùn loãng ra, H’Nhi nằm xuống mấy khúc cây, ra sức móc bùn xung quanh người lạ cho nước tràn xuống, miệng nói:

-Cố gắng cựa mình xem nào!

-Cô lấy cây thọc xuống bên cạnh tôi, bùn dưới ấy mới tan được.

Làm theo lời người lạ, một lúc sau, H’Nhi lôi được người lạ lên khỏi hố bùn, trên lưng vẫn có chiếc ba lô và khẩu súng AK báng gấp. Trời sụp tối, H’Nhi đưa người lạ xuống suối tắm giặt rồi dẫn vào một chiếc hang đá gần bờ suối, đốt lửa để người lạ sưởi ấm và hong đồ.

***

Đêm xuống, thỉnh thoảng lại có những tiếng pháo từ dưới buôn bắn lên núi nổ ầm ầm. Bọn lính Ngụy sợ quân Giải phóng nên bắn hú họa vậy thôi. Trong hang đá, người lạ nói mình tên Thanh; cảm ơn H’Nhi đã cứu. Thanh kể: trên đường hành quân vào phía trong, không may bị sốt phải nằm lại mấy ngày. Khi đỡ, theo giao liên đuổi theo đơn vị. Trên đường đi không may bị thám báo phục kích, đồng chí giao liên ở lại chặn địch cho anh rút. Đêm tối, đường rừng, không may bị rơi xuống hố bom này và bị chôn sống luôn. 

H’Nhi nghe Thanh kể xong, nói: 

-Trong buôn nhiều ốm quá, thuốc người Mĩ cho uống không khỏi nên mình đi tìm lá rừng về chữa bệnh cho dân. Không ngờ lại gặp nhau nơi đây như Yang định.

Thanh ngạc nhiên hỏi:

-H’Nhi là thầy thuốc à?

Không biết do ngọn lửa hay do ánh mắt của Thanh mà cặp má trên khuôn mặt trái xoan H’Nhi đỏ lên, cặp mắt tròn đen láy như có ngọn lửa trong ấy ngước lên nhìn rồi mới trả lời:

-Mình được bà ngoại chỉ cho biết các loại lá, hoa, củ rễ... Dùng làm thuốc trị bệnh cứu người chứ không phải thầy thuốc như người Kinh đâu.

-Biết dùng lá cây chữa bệnh cho người là thầy thuốc rồi. H’Nhi giỏi thiệt.

Đứng dậy, bước đến bên Thanh ngồi xuống, H’Nhi nói tiếp:

-Mình đã định không bắt chồng, sống để tìm các loại lá cây trị bệnh cứu người. Nay như được Yang(6) sắp đặt, dẫn Thanh đến để gặp nhau. Mình ưng lắm, Thanh có đồng ý làm chồng mình không?

Quay lại nắm lấy tay H’Nhi, bốn mắt nhìn nhau, Thanh hỏi:

-H’Nhi chưa có chồng à?

-Người phụ nữ vùng này có tục lệ: khi chưa bắt chồng thì không mặc áo để khoe với Yang, đất trời và mọi người xung quanh đôi nhủ hoa mà Yang ban cho để làm thiên chức người mẹ tương lai. Khi có chồng rồi thì nhủ hoa đã có chủ nên người phụ nữ mặc áo che lại để cất riêng cho chồng và con. Theo Thanh thì H’Nhi đã có chồng chưa?

-Chưa biết mặc áo nghĩa là chưa có chồng.

-H’Nhi mười tám tuổi rồi đấy, con gái của Già làng buôn Dak. Nhà chỉ có hai chị em, mình là chị.

***

Trưa hôm sau, hai người mới bịn rịn chia tay nhau, sau lời hứa của Thanh: đất nước thống nhất, anh còn sống sẽ về tìm em; xây tổ ấm hạnh phúc trên vùng đất yêu quý này! Thanh đi rồi, H’Nhi nhìn theo mãi mới lê bước trở về buôn.

Vừa băng qua con suối đầu buôn, lính Ngụy ập đến; bọn chúng dùng đủ thứ để đánh đập H’Nhi đến ngất xỉu rồi kéo lê về buôn. Trước toàn thể dân buôn, bọn lính buộc tội H’Nhi đi tiếp tế cho quân Giải phóng nên ở qua đêm trong rừng, trái với quy định của chính quyền. H’Nhi bảo: tao bị rơi xuống hố bom của người Mĩ ném trong rừng, bùn giữ chân mãi mới thoát ra được. Không tin tao dẫn vào đó xem. Bọn chúng không tin, tiếp tục tra khảo buộc H’Nhi khai ra trong buôn còn ai là đồng bọn. Chúng đánh H’Nhi chết đi, sống lại mấy lần không moi thêm được tin tức gì. Chiều đến, tưởng cô đã chết mới cho dân buôn mang đi chôn; không ngờ H’Nhi sống lại nhưng một chân mang tật cả đời.

Sau này Già làng mất, người dân trong buôn nhất trí bầu H’Nhi thay thế. Nhưng năm tháng qua đi, nước nhà thống nhất; mái tóc chuyển dần qua màu trắng, H’Nhi vẫn không thấy Thanh quay lại như đã hứa nên nghĩ anh ấy đã nằm lại đâu đó trong cuộc chiến. Bao nhiêu yêu thương dồn hết cho ba cô con gái người em. Bà yêu nhất H’Xoan, cô con gái đầu xinh đẹp giống má, thông minh nên bắt phải học, học thật giỏi để làm bác sĩ cứu giúp người đau ốm. Bọn thiếu nữ cùng lứa ở buôn nhiều đứa đã bắt chồng, làm mẹ.

***

Ngày Sin rời nhà lên đường nhập học, ông Thanh nắm tay con nói: con biết vì sao ta đặt con tên Sin không? Sin theo tiếng Êđê là con cọp. Trong chiến tranh ác liệt, bố được một người con gái Êđê tên là H’Nhi, ở buôn Dak ở dưới chân dãy Chư Yang Sin(7) cứu sống và hẹn nhau hòa bình sẽ tìm về sống cùng nhau. Trong trận chiến Xuân Lộc, bố bị thương; mù mắt, lại mất một chân nên đành lỡ hẹn. May mà được cô hộ lý là mẹ con bây giờ thương, bất chấp tất cả để nên duyên vợ chồng mới có con hôm nay. Con phải cố học cho giỏi, khi thành bác sĩ rồi có dịp về vùng đất ấy thay bố tạ lỗi với người ta.

Sin đang học năm thứ hai thì bố mất. Thương bố, thương mẹ, Sin tập trung vào học tập. Tốt nghiệp Đại học được nhà trường giữ lại làm việc, Sin lại cắm đầu nghiên cứu để giảng dạy tốt hơn, chưa nghĩ đến chuyện vợ con, dù rất nhiều nữ đồng nghiệp, sinh viên các khóa quý mến.

 Như duyên số trời định, Sin gặp H’Xoan - Phó bí thư Đoàn trường, học giỏi, người Êđê; thầy trò mến nhau. Nhớ lời dặn của bố ngày ấy, nên Sin quyết định theo H’Xoan về thăm quê cô sinh viên đang học năm cuối cùng, khám phá vùng đất linh thiêng đại ngàn Tây Nguyên. Không ngờ, chuyến đi như một định mệnh để Sin gặp lại cố nhân của bố. 

***

-Tùng binh linh, tùng binh linh, tùng binh linh…  

Dàn chiêng của buôn cùng lúc tấu bài: “chúc sức khỏe”, tiếng chiêng trầm bổng ngân nga, bay vút lên trời xanh, vang vọng vào rừng già.

-Ò ó o!

Tiếng con gà trống dưới gầm sàn cất lên báo hiệu đã quá nữa đêm, người trong buôn mới lục tục kéo nhau về nhà. Chờ khách về hết, H’Xoan mới xách xô đựng quần áo của hai người đi tắm. Ánh đèn pin soi sáng con suối rộng khoảng ba sãi tay, nước trong vắt nhìn thấy cả những hạt cát trắng tinh dưới đáy suối.

-Quê em không có nước máy, bồn tắm như ở thành phố; thầy chịu khó tắm suối nhé.

-Nh… ưng!

-Không nhưng gì cả, thầy cứ xem như đi tắm biển thôi mà.

Giúp Sin bỏ đồ dài rồi kéo xuống suối. Nước ngập đến ngực, chiếc Váy của H’Xoan cũng được vấn lên đầu, che cho mái tóc khỏi ướt. H’Xoan nắm hai tay Sin, hỏi:

-Thầy thấy tắm suối quê em thế nào?

-Đặc biệt quá!

-Thích không ạ?

-Thích!

-Cho em hỏi một câu nhé!

-Em nói đi!

-Anh có đồng ý làm chồng em không?

Một cơn gió ập đến, xô lá cây rừng bên bờ suối nhảy cỡn lên, ném ánh sáng mờ mờ xuống mặt nước. Dưới suối hình như lũ cá cũng vui mừng tíu tít bên nhau, kêu lên ục ục...

Mùa mưa năm 2022

 Chú thích tiếng Ê đê:

1. Ama amí: ba má.

2. Amai: chi.

3. Yoan: người Kinh.

4. Ama: ba.

5. Nai: thầy giáo.

6. Yang: thần linh.

7. Chư Yang Sin: núi Thần Cọp.

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

RẮN XE DUYÊN truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - tạp chí NHÀ BÁO & CUỘC SỐNG số Xuân 2025

 


Nhân dịp nghỉ Tết, Trang được H’Hoa - bạn học cùng khóa rủ về buôn chơi, nhân tiện dẫn đi khám phá khu rừng già huyền bí gần buôn thuộc dãy  Trường Sơn. Trang sinh ra và lớn lên ở Thủ đô, chưa một lần leo núi nên nghe bạn nói vậy thích lắm, đồng ý luôn. Trang vui lắm, được cô bạn học cùng lớp cao mét bảy, khuôn mặt trái xoan, mắt bồ câu, da nâu đen, có giọng nói như hát lại học giỏi nhất khóa mời thì... không vui sao được. Y Kuan học khác lớp, người cùng huyện với H’Hoa, người vạm vỡ như lực sỹ, mặt vuông chữ điền, da nâu, tóc xoăn tít như uốn nên cũng được đi cùng. 

Sau một ngày leo núi, khám phá rừng già, chiều đến cả ba quyết định ngủ qua đêm bên một gốc cây to, cành lá xum xê xanh tốt. H’Hoa trải hai tấm ni lon, gần nhau rồi nhóm lửa. Trang theo Y Kuan đi chặt các cành cây khô lớn như bắp chân, bắp đùi rơi trên triền núi, kéo về xếp đống lại làm củi dự trữ đốt qua đêm. 

Đêm xuống, H’Hoa hai tay ôm gối ngồi nhìn ngọn lửa, hỏi: 

-Hồi nhỏ ở nhà với ba má, buổi tối Trang thường làm gì?

-Mình xem tivi một chút rồi học bài, đọc sách, khi nào mệt thì ngủ.

Y Kuan góp chuyện:

-Sống ở thành phố như vậy buồn nhỉ. Trước đây chưa có tivi đêm đến mọi người trong buôn quây quần bên bếp lửa nhà già làng nghe kể khan, thích lắm; còn bây giờ nhà nào cũng có tivi quên luôn mất chuyện kể khan.

-Khan là gì vậy?

H’Hoa trả lời:

-Sử thi truyền miệng của người Êđê, gần như truyện cổ tích của người Kinh vậy. 

Bất ngờ Y Kuan đề nghị:

-Ta hát ei rei(1) nhé.

Trang ngạc nhiên hỏi lại:

-Ei rei là cái gì thế?

-Từ từ rồi biết, Trang nằm xuống đi.

H’Hoa trả lời:

-Ei rei chỉ hát trong lễ hội, không thể hát nơi đây được, Yang(2) phạt đấy.

Y Kuan năn nỉ:

-Chúng mình đã ở trong rừng Yang rồi thì thích là hát chứ còn sợ gì nữa, hát cho Trang nghe với, cậu ấy chưa bao giờ được nghe.

Trang nằm xuống, đầu quay lại phía H’Hoa, ngửa mặt nhìn lên phía trên chỉ thấy một màu đen đặc quánh của lá cây che lấp bầu trời. H’Hoa hát bằng tiếng Êđê, tiếng hát nho nhỏ, nghe buồn buồn; lúc trầm, lúc bổng, mềm mại như gió thổi trên cánh đồng cỏ gianh mùa khô… Y Kuan nằm xuống, chân để cạnh chân Trang, đầu cách xa đống lửa, hát đáp lại. Tiếng của Y Kuan lúc ào ạt như mưa gầm, thác đổ; lúc ai oán như giận hờn, oán trách… Trang không biết tiếng Êđê, nhưng âm thanh thì cảm nhận được bằng cả con tim và khối óc; lúc vui như đang bay bỗng trên chín tầng mây, lúc hừng hực như chuẩn bị tham gia vào một trận đánh lớn… Ei rei là đây ư, ôi các bậc tiền bối của người Êđê, tài quá, tài quá - Trang thầm kêu lên. 

***

Đang bay bỗng trong âm thanh của làn điệu ei rei, Trang thấy như có cái gì đó lành lạnh trườn lên ống chân mình. Nhấc đầu lên nhìn xuống, Trang rùng mình, người cứng lại, hai tay vơ vội, nắm chặt cổ chân H’Hoa, mồm cứng lại không kêu được nữa.

 Ngồi ngắm lửa, thả hồn theo làn điệu ei rei. H’Hoa giật mình, thoáng đỏ mặt khi Trang nắm chặt chân nên từ từ nhìn qua thấy con rắn hổ mang chúa khổng lồ đang bò lên chân Trang, đầu lắc qua lắc lại như say rượu vội thét to:

-Nằm im.

Nghe tiếng thét, biết có việc chẳng lành Y Kuan không hát nữa; người cứng đơ, mắt nhìn trừng trừng lên ngọn cây, không hiểu chuyện gì xảy ra. H’Hoa mắt nhìn rắn, miệng cất tiếng hát nho nhỏ - những câu khó hiểu, rồi từ từ rút hai thanh củi bằng cổ tay đang cháy rừng rực, nhẹ nhàng đứng dậy. Miệng hát to dần lên, tay cầm cây củi cháy vẽ những vòng kỳ quái vào màn đêm. Con rắn to bằng cổ chân người lớn, toàn thân óng ánh như được dát vàng, đầu lớn hơn bàn tay xòe ra lắc lư theo điệu múa. 

Không biết con rắn từ đâu tới? Có thể nó núp trên ngọn cây cao, thấy ánh lửa phát ra nên bò xuống sưởi; nhưng cũng có thể vì làn điệu ei rei hai người hát nên bò đến nghe, hay Yang rừng sai nó đến phạt ba người dám ở lại qua đêm trong rừng cấm. Loài rắn này chỉ nghe kể trong khan, chứ chưa ai từng gặp bao giờ. Bị tiếng hát và vòng lửa thôi miên, nó kéo lê cái thân dài ngoằng qua chân Trang để leo lên bụng Y Kuan; đầu cất cao khỏi mặt đất hơn mét, lắc lư, lắc lư theo tiếng hát. Miệng hát, tay múa, H’Hoa định dìu con rắn rời xa đống lửa; nhưng tay Trang nắm chặt luôn cả gấu váy vào cổ chân nên không thể nhấc chân lên được; thôi đành phải múa để dụ con rắn ra khỏi người Y Kuan trước rồi tính - H’Hoa tự nhủ. 

***

Y Kuan cảm nhận được cái chết đã đến ngay bên cạnh, nó lạnh lẽo, nham nháp, nhẹ nhàng len lỏi rất từ từ: qua chân, lên bụng, lên ngực… mùi tanh phảng phất rồi nồng nặc ập vào mũi làm miệng xuýt bật nôn, may kìm nén được. Những chiếc vảy rắn màu vàng, to hơn móng chân cái người lớn, hình như có viền bằng bạc bao quanh ba mặt khẻ, chạm vào môi rồi leo lên mũi… Y Kuan mở mắt trừng trừng, người cứng lại như khúc gỗ, mắt dán vào thân rắn. Lúc này chỉ cần một cử động nhỏ thôi, con rắn sẽ cắn và cắm hai cái nanh nhọn hoắt như hai chiếc đũa bên mép sượt qua da thì đến Yang xuất hiện cũng không cứu được mình. 

Trong khi ấy H’Hoa vẫn múa, vẫn hát, nhưng cái chân và gấu váy bị Trang nắm chặt, không nhấc lên được. Làm sao bây giờ? Hàng chục câu hỏi lướt qua đầu mà chưa có câu trả lời chính xác nhất để có biện pháp hiệu quả xua con rắn độc rời người Y Kuan ra xa đống lửa. 

Múa bụng, một ý nghĩ chợt đến trong đầu. Khi truyền dạy cho cháu thuật thôi miên, điều khiển loài rắn, bà ngoại nói đây là tuyệt chiêu cuối cùng. H’Hoa tay múa, miệng hát và bụng múa theo nhịp tay, trong khi hai chân đứng yên một chỗ. Hình như con rắn đã cảm nhận được vẻ đẹp thần bí của điệu múa, đầu rồi cả khúc thân dài ngoằng của nó cùng uốn lượn theo. Múa bụng, cái khó xử nhất ở đây là người múa phải cởi áo để cho rắn thấy vẻ đẹp của ngực và bụng người múa. Giờ đây, giữa khu rừng vắng lại có hai bạn trai mà cỡi áo ra thì... H’Hoa thoáng đỏ mặt.

Múa bụng không cỡi áo con rắn sẽ tỉnh lại, và cái chết chắc chắn sẽ đến với hai bạn. Còn bỏ áo ra để múa hai bạn trai thấy thì... Trang người Kinh đẹp trai, học giỏi, mình ưng hắn nhiều lắm, giờ để hắn thấy ngực mình sẽ nghĩ như thế nào? Nhưng không cỡi áo để múa con rắn sẽ tỉnh lại các bạn sẽ chết. Cuộc đi chơi hôm nay mình chủ động tổ chức, mời các bạn về chơi; chẳng lẽ vì sỹ diện mà để mất các bạn mãi mãi. Mạng sống của con người là quý giá nhất, không có gì quan trọng hơn, thôi đành… Đầu H’Hoa nghĩ như thế nên hạ quyết tâm khuất phục con rắn: mắt nhìn thẳng vào mắt rắn, miệng hát, tay múa đưa vòng than lửa rộng dần, từ từ buông cho áo rơi xuống chân… 

Hình như con rắn bị khuất phục trước điệu múa của H’Hoa nên nó hạ dần độ cao, đầu lắc lư thấp dần, thấp dần rồi vòng xa đống lửa, trườn qua khỏi người Y Kuan. Chỉ chờ có vậy, H’Hoa hét lên: huầy! Ném thanh củi đang cầm vào bếp lửa làm tàn lửa bay lên loạn xạ. Con rắn giật mình, lao luôn vào bóng đêm, biến mất.

*** 

H’Hoa ngồi thụp xuống, vơ áo khoác vội lên người, hai tay ôm mặt òa khóc. Tiếng khóc làm hai bạn trai giật mình tỉnh lại, bật dậy. Trang, đặt tay lên vai H’Hoa, nói trong hơi thở đứt quảng:

-H’Hoa ơi, em đã cứu sống hai đứa bọn anh rồi, đừng khóc nữa!

Nghe Trang lên tiếng, Y Kuan cũng bước lại, nói:

-Hôm nay không có H’Hoa thì mình chắc chết rồi, khủng khiếp quá.

Nghe hai người nói, H’Hoa mặt đỏ bừng, bụng thầm nghĩ: chắc hai người khi đó chỉ chăm chú nhìn rắn thôi, không ai thấy mình... nên từ từ đứng dậy. Trang nói:

-H’Hoa thật tuyệt vời, học được cách thôi miên rắn từ bao giờ mà đuổi được rắn giỏi thế!

-Hôm nào H’Hoa dạy cho Y Kuan học với nhé.

Y Kuan xúc động nói rồi quay lại nhìn Trang, ngạc nhiêu kêu lên:

-Trang, sao lại khóc?

Trang vội đưa tay lên lau nước mắt, rồi nắm chặt hai tay H’Hoa, nhìn thẳng vào mắt bạn như lâu lắm mới gặp. Lúc rắn trườn qua người Y Kuan, Trang nhìn lên và vô tình được chứng kiến H’Hoa bỏ áo múa bụng. Say theo điệu múa nên Trang chứng kiến tất cả mọi việc; khi ấy đã định thả tay ra, nhưng chợt nghĩ: mình thả tay, bạn ấy đoán ngay ra mình đã thấy thì… khó xử lắm. Thôi đành nằm im giả như đã ngất; nhưng sâu thẳm trong tim, Trang cảm phục bản lĩnh người bạn gái dân tộc Êđê vô cùng. Trong hoàn cảnh ấy, chắc chắn rất ít người con gái dám làm như thế. Trang cắn chặt răng nhưng nước mắt cứ trào ra, ướt đẫm. 

H’Hoa ngước nhìn Trang, ánh mắt là lạ, nở nụ cười rất tươi; rồi cúi đầu nhìn xuống chân, hai má ửng hồng, nói nhỏ:

-Trang, đau tay em!

Sau gần bốn năm cùng học Đại học với nhau, lần đầu tiên H’Hoa xưng em với Trang. Trang buông tay bạn mà người như bị sốt. Đêm về khuya, gió lắc cây trở mình tạo nên tiếng động ào ào ập đến như từng cơn sóng biển. Xa xa tiếng chim ăn đêm gõ vào không gian từng nhịp đối đáp nhau: “năm trâu sáu cột”, “bắt cô trói cột”.

 

Chú thích tiếng Êđê:

1. Ei rei: làn điệu dân ca của người Êđê.

2. Yang: thần linh.

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

THẦM LẶNG MỘT ĐỜI NGƯỜI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM ngày 15 tháng 01 năm 2025

 


Già làng buôn Thi sống hơn tám chục mùa rẫy, tóc trắng như mây buổi sáng trên đỉnh Chư Yang Sin(1) mùa khô, da mặt nhiều nếp nhăn nhưng không giấu được khuôn mặt phúc hậu; ngồi như hóa đá, lưng tựa cột nhà. Vây quanh bếp lửa trong phòng khách của căn nhà dài có hơn trăm người già trẻ, trai gái, hầu như miệng ai cũng ngậm chiếc tẩu thuốc làm bằng gỗ, khói nhè nhẹ bay. Ngoài đầu sàn, gió ầm ầm lướt qua, trước khi xuôi theo con suối chạy về phía bắc. Già làng phá tan im lặng, hỏi:

-Ai có cách gì trị con cọp này không?

Ma(2) Ju, mặt dài, hai mắt thâm quầng – dấu hiệu của nhiều đêm mất ngủ, rút tẩu thuốc khỏi miệng, nói:

-Dân mình bị xúc ra đây lập buôn mới, tuy gần con đường lớn đổ nhựa của Yoan(3) nhưng nơi này xa rừng, Yang(4) giận mới sai cọp quấy phá, chắc không đuổi được đâu.

Nghe Ma Ju nói, nhiều người gật đầu ra vẻ đồng ý với người thợ săn giỏi nhất vùng. Y Kuan mặt tròn, tay chân rắn chắc như cây gỗ trắc, sống mười chín mùa rẫy rồi nhưng chưa nhận củi cầu hôn(5) của cô gái nào, đứng dậy nói:

-Tối lại, chúng không cho chúng ta ra khỏi buôn thì làm sao đuổi cọp. Không đuổi được cọp thì heo, chó rồi đến trâu, bò cũng bị cọp bắt hết, biết lấy gì sống?

-Sợ gì cọp, người Mĩ có súng, đoàng một cái con voi to đùng còn lăn quay ra chết luôn, nói gì cọp.

Tiếng nói từ chân cầu thang vọng lên, cùng lúc ngọn đèn pin sáng quắc, quét vào trong nhà. Bảy người lính, quần áo rằn ri, mũ sắt như chiếc nồi úp lên đầu, tay lăm lăm súng AR15, bước lên sàn. Người đi đầu có vẻ là chỉ huy, đứng giữa cửa nói:

-Già làng không phải sợ, mọi người giải tán về ngủ đi; chuyện cọp đến phá buôn, người Mĩ đã biết, sẽ tìm cách bắt được ngay ấy mà. Trong đám thanh niên đây có ai dũng cảm xung phong đi bắn cọp cùng chúng tôi không?

Tất cả lặng im, ai cũng cúi mặt xuống như đang tìm đồ vật bị rơi dưới sàn. Sáu người lính chia nhau đứng hai bên cầu thang, im như bức tượng nhà mồ; tên chỉ huy bước đến bên già làng, quay nhìn mọi người một lượt rồi nói:

-Hơn hai chục thanh niên trai tráng thế này mà không ai xung phong đi bắn hổ thì kém cỏi quá. Thôi được rồi, để chúng tôi đi bắt, mang về cho mọi người xem.

Dứt lời, hắn quay mình bước đi; khẩu súng ngắn đeo bên hông trễ xuống phía háng trông ngồ ngộ. Chờ đám lính đi khuất, già làng nói:

-Mấy người Yoan này đi theo Mĩ, cậy thế nhiều súng đạn, để họ thử sức xem sao. Từ ngày mai mọi người đi làm rẫy hay vào rừng phải đi theo nhóm bốn năm người trở lên, không những đề phòng cọp mà còn canh chừng cả bọn lính nữa.

Già làng dứt lời, mọi người đốt đuốc rồi lục tục xuống cầu thang về nhà mình. H’Thuận – cháu ngoại của già làng, mười bảy tuổi, khuôn mặt tròn, mắt bồ câu, tóc dài quá lưng; chất thêm củi vào bếp, quay sang nói:

-Buôn mình bị nhốt ở đây đã ba tháng, hai bên buôn núi cao dựng đứng nhưng cây cối ở gần bị rãi thuốc độc chết hết rồi; con thú không có thức ăn, phải bỏ vào rừng sâu, không còn gì cho con người săn bắt, biết rồi phải làm sao sống đây?

Ama H’Thuận tóc lốm đốm bạc, trên mình đóng mỗi cái khố, ngồi tựa lưng vào vách nhà, lên tiếng:

-Chưa đến trăm ngày buôn mình định cư nơi đây mà cọp bắt mất mười ba con heo, một con bò, cứ thế này thì vài tháng nữa không còn gì nuôi.

-Biết vậy, nhưng bọn lính cấm dân đặt bẫy, không cho dân ra khỏi buôn khi trời tối  thì đành phải chịu vậy thôi.

Già làng nói rồi thở dài. Hơn chục con cháu vây quanh bếp lửa không ai nói gì thêm. Trên triền đồi, gió lại đuổi nhau luót trên cỏ gianh chạy ầm ầm.

***

-H… ùm!

-Đoàn, đoàng, đoàng…

Tiếng hổ gầm trên triềng núi vọng xuống, liền ngay sau đó là tiếng súng nổ nối tiếp nhau như rang bắp; người dân túa ra đầu sàn, nhìn về phía lưng chừng núi, nơi có tiếng súng nổ, ánh đèn pin quét qua, quét lại. Cánh đàn ông bàn tán xôn xao, có người còn đoán một cách chắc chắn con hổ này chết là cái chắc, đạn bắn như thế thì nát hết cả mình luôn vì hứng cả trăm viên đạn. Nhưng cũng có người bảo: đi săn mà thú gầm trước rồi bắn như vãi đạn thế kia thì chỉ có trúng… cây. 

Một lúc lâu sau, ánh đèn pin lóe sáng trên triền dốc rồi tiếng rên, tiếng khóc theo tiếng chân người xuống buôn. Dân ùa ra, tròn mắt nhìn đám lính cõng chỉ huy của mình đang gào khóc, hình như hắn bị gãy chân. Qua câu chuyện lõm bỏm của bọn lính trao đổi với nhau, mọi người hình dung ra câu chuyện…

Đám lính xếp hàng dọc men đường mòn tiến vào rừng. Tên đi đầu cầm đèn, chỉ huy đi sau. Chúng vừa vào đến bìa rừng già, bất ngờ gặp cọp trong rừng đi ra. Tên đi đầu sợ quá, làm rơi đèn xuống đất. Chắc bất ngờ thấy ánh đèn nên cọp gầm lên, đám lính hoảng hốt nổ súng. Riêng tên chỉ huy sợ quá, nhảy đại qua bên đường tránh cọp; không may rơi xuống kẽ đá, gãy chân còn con cọp thì biến mất. 

Một lúc sau, hai chiếc ô tô bật đèn sáng trưng đến đón đám lính đưa về đồn. Cũng từ hôm đó, ban đêm bọn lính không dám mò xuống buôn nữa. Để bảo vệ đàn gia súc của mình, nhà nào cũng phải vào rừng chặt cây to bằng cổ chân, về làm hàng rào để nhốt gia súc ngay dưới gầm sàn. Thỉnh thoảng cọp lại mò vào buôn làm lũ chó chui tọt vào trong nhà, quẩn quanh bên chân người, miệng rên ư ử, không dám sủa. Cũng vì sợ cọp, đêm đến nhà nào biết nhà ấy, không ai dám qua lại nhà nhau; buôn buồn như có dịch bệnh.

***

Một hôm, có ông Yoan, khoảng hơn bốn chục tuổi, cao đến mét bảy, người gầy, da trắng, mặt dài, đôi lông mày rậm như có con sâu bám vào; chân đi dép mủ, hỏi thăm đến nhà Già làng. Ông ấy nói mình người miền Bắc, sinh sống bên Miên; gần đây chính quyền bên ấy xua đuổi nên về định cư dưới thành phố Nha Trang, làm nghề thầy thuốc. Biết trong vùng có buôn Cùi – nơi ở của người bị bệnh cùi, ở gần đèo nên đến đấy chữa bệnh làm phúc. Nay buôn Cùi nhiều người đã đỡ, tranh thủ đi đến các buôn xa trong vùng chữa bệnh cho dân. Thuốc chữa bệnh là lá rừng nên không lấy công của ai một thứ gì. Già làng bảo:

-Buôn này không có ai đau ốm cả.

-Thế sao nhìn cảnh của buôn như bị dịch bệnh hoàng hành thế này?

-Sao người lạ biết giỏi như Yang vậy? 

-Ngoài việc hái thuốc chữa bệnh, tôi có biết một chút nghề mọn mà.

Nghe người lạ nói vậy, Già làng vui bụng, mời lên sàn uống nước rồi kể chuyện: buôn bị cọp quấy phá, dân rất sợ, đêm đêm không dám ngủ say, cửa phải đóng chặt. Muốn dời nơi ở đi nơi khác, nhưng sợ bom đạn Mĩ ném vào đầu; vì thế người ở đây mà hồn theo Yang hết cả. 

Người lạ nói:

-Để tôi đuổi cọp giúp Già làng.

-Yoan nói thật chứ?

-Chuyện hệ trọng như thế làm sao nói đùa được. Người buôn ta có biết cọp thường đi xuống buôn bằng con đường nào không?

-Có đấy, đêm đến thỉnh thoảng nó đi từ con đường trên núi cao xuống phía đầu buôn, bắt được mồi hay không cũng trở lên núi bằng con đường đó.

-Để tôi xuống Đồn xin bọn lính cho ở lại buôn, giúp dân đuổi cọp. 

*

**

 

Sáng hôm sau, tổ chức cúng Yang ngay đầu buôn, bên cạnh lối mòn lên núi cao mà cọp thường đi xuống. Chủ buổi cúng hôm nay không phải ông thầy cúng của buôn mà là Yoan – người lạ. Yoan nói tiếng Êđê giống y người Êđê, làm dân trong buôn cứ tròn mắt nhìn, đám lính súng ống đầy người đứng xung quanh cũng xanh mặt. Sau lễ cúng, Yoan nói:

-Bắt đầu từ hôm nay, tất cả mọi người không ai được đi con đường này lên núi.

Già làng ngạc nhiên hỏi:

-Buôn ta phải bỏ đường này luôn à?

-Chờ tôi đuổi được cọp xong thì mọi người đi lại bình thường thôi.

Nghe thế, bọn lính ngụy cười hô hố, tên chỉ huy bước đến bên Yoan, nói to:

-Già làng cũng tin ông này nói thật à? Lính bọn tôi có súng còn không đuổi được, chẳng lẽ con hổ thành tinh này lại sợ tiếng khấn của ông?

-Hôm trước tôi nghe nói ông sỹ quan trên ve áo có tới ba bông mai dẫn lính vào rừng, gặp cọp; kết quả như thế nào mọi người đã rõ. Đạo Phật dạy: gieo gì, gặt ấy; các ông đừng làm việc thất đức rồi rước họa vào thân, làm khổ gia đình.

Nghe người lạ nói, tên chỉ huy tái mặt, tiu ngỉu dẫn lính ra xe, nổ máy ầm ầm, bỏ chạy như bị ma đuổi. Chờ đám lính đi khỏi, người lạ nói lớn: 

-Ta vào rừng một tuần sẽ trở về, mọi người nhớ lời dặn không được đi con đường này nhé. 

Nói xong Yoan khoác tay nải lên vai, tay cầm quả bầu khô đựng nước uống, trên ngươi không có một thứ vũ khí gì, theo con đường mòn đầu buôn lên núi. Già làng thấy vậy vội quỳ xuống, giơ hai tay, ngữa mặt lên trời kêu lên:

-Cầu xin Yang phù hộ.

Mọi người trong buôn thấy Già làng quỳ xuống cũng vội vã làm theo, nhất loạt cùng khấn. Khi khấn xong, mọi người nhìn theo Yoan trong bộ bà ba màu nâu, đầu không mũ nón, trên vai chỉ có một chiếc tay nải nhỏ; khuất dần vào màu xanh thẩm của rừng già như một vị Yang.

*

**

Đêm đến, mọi người mới ăn xong bữa cơm tối, kéo đến nhà Già làng, quây quần bên bếp lửa, bàn tán chuyện Yoan vào rừng một mình gặp cọp, không biết kết quả thế nào. Người nói thế này, người nói thế kia; Già làng ngó mặt ông thầy cúng của buôn, hỏi:

-Thầy cúng có tin Yoan đuổi được cọp không?

Ông thầy cúng bảo:

-Nhìn Yoan như có hồn cốt của Yang, tôi tin ông ta làm được đấy.

Thầy cúng vừa dứt lời, bỗng trên núi cao phía đầu buôn, tiếng cọp gầm vọng xuống:

-H… ùm!

Lạ, tiếng cọp gầm trước khi vồ mồi thường chỉ có một tiếng, sao hôm nay tiếng gầm thét dữ dội như đang trong một trận ác chiến. Già làng sai nổi chiêng. Tiếng chiêng ngân dài đến tận sáng đáp lại tiếng cọp gầm. Mặt trời lên, cọp thôi không gầm nữa; cánh đàn ông tò mò rủ nhau lên rừng, định tìm xem vì sao hổ gầm cả đêm như thế. Ông thầy cúng lừ mắt, bảo:

-Lũ chúng mày quên Yoan dặn à?

Thế là cả bọn tiu ngỉu, tản về nhà. Chiều, mặt trời đi ngủ một lúc, lại nghe tiếng cọp gầm, kéo dài cho đến sáng. Đêm thứ ba, tiếng gầm hình như nhỏ hơn, nửa đêm thì lặng, không ai còn nghe gì nữa. Chỉ tội cho lũ chó trong buôn, nghe hổ gầm bỏ ăn luôn cả ba ngày, không con nào dám đi ra đầu sàn, lông xù ra như sắp chết. Người trong buôn bảo nhau: Nghe cọp gầm, lũ lính cũng sợ nên không có đứa dám nào xuống buôn quấy nhiễu nữa. Dân trong buôn buộc rượu, nổi chiêng, cúng Yang, cầu mong Yoan bình an trở về.

*

**

Đúng hẹn, khoảng năm giờ chiều ngày thứ bảy, ông thầy cúng đứng trên đầu sàn bỗng gào lên:

-Ối Già làng ơi, Yoan, Yoan dẫn cọp về kìa!

Nghe thấy vậy, mọi người đổ xô ra đầu sàn, nhìn lên triềng núi, nơi con đường mòn đi xuống đầu buôn. Yoan mặc bộ bà ba màu nâu, vai đeo tay nải, bên hông đeo quả bầu khô của người Êđê vẫn dùng đựng nước, đang thong thả xuôi dốc về buôn. Phía sau lưng Yoan, nơi bìa rừng, một con hổ to lớn ngồi chồm hổm trên hòn đá to nhìn theo. Già làng cho nổi trống, thui bò, buộc rượu, tạ ơn Yoan đã khuất phục được hổ dữ. 

Nghe tiếng trống, các buôn ở gần, rồi bọn lính trên đồn cũng kéo quân xuống, ô tô đậu một hàng dài trước buôn. Đừng trước đám đông, Già làng giơ tay ra hiệu cho chiêng, trống tạm dừng rồi nói:

-Có Yang trời, Yang núi, Yang suối chứng giám, người dân buôn Thi tạ ơn Yoan đã đuổi cọp mang lại đời sống bình yên cho người dân nơi đây. Từ hôm nay xin được cho người dân trong vùng được gọi Yoan là Ma, cầu xin Ma Yoan ở lại đây với chúng tôi. Sáng mai Ma Yoan chọn chỗ đất nào ưng ý, người trong buôn sẽ làm nhà để Ma Yoan ở.

Đám lính vỗ tay ầm ầm, tên chỉ huy bụng to như phụ nữ có bầu, bước đến trước mặt Ma Yoan, tay nhấc mũ khỏi đầu, lưng gập xuống, nói:

-Thầy là người tài giỏi, được “mọi” tín nhiệm như vậy, xin thầy ở lại; cần gì chúng con sẽ giúp.

Thấy bọn lính, rồi dân các buôn nhất loạt đều quỳ xuống cầu xin, Ma Yoan cười buồn rồi đồng ý ở lại. Sáng hôm sau dân buôn gần, buôn xa kéo đến chặt cây, vác đất san lấp vùng đất gần đầu cầu, bên con đường nhựa để dựng nhà; vui như mở hội. Trên triềng đồi, cách nhà khoảng hơn ba trăm mét, gần đường nhựa, bọn lính công binh chở gạch đá đến, xây một cái miếu thờ ba gian, lợp tôn.

Công trình xong xuôi, bọn lính cho xe xuống thành phố Nha Trang đón vợ và đứa con nuôi người Miên của Ma Yoan lên ở. Năm tháng qua đi, đồn lính đóng trên đỉnh đèo đã nhiều lần đổi chủ, nhưng những tên sau đến kế nhiệm đều rất thành kính, lễ phép với Ma Yoan. Trước khi đi càn, hay có việc quốc gia gì hệ trọng đếu đến dâng hương, nhờ Ma Yoan cầu xin thần linh phù hộ nên các trận càn quét trong rừng không bao giờ gặp quân Giải phóng, quan lính bình an trở về. Tuyến đường núi cheo leo, kéo dài hơn ba chục ki lô mét, ven núi cao cũng không bị quân Giải phóng chặn đánh bao giờ. Và đặc biệt, cọp cũng không bao giờ xuống buôn bắt vật nuôi của người dân trong vùng. Người ta truyền tai nhau: sự bình yên đó là do Ma Yoan có phép thuật; đêm rằm hay mùng một trên sân miếu thờ, cọp và một con trăn lớn to như cây dừa vẫn cùng nhau về chầu.

*

**

Sau ngày đất nước thống nhất, dân các buôn vào hợp tác xã nông nghiệp; riêng vợ chồng Ma Yoan đã già nên được đặc cách tự cung tự cấp, không phải tham gia lao động tập thể. Con đường nhựa trước nhà Ma Yoan xe cộ tấp nập qua lại; cánh lái xe tải, xe khách khi đến cổng bao giờ cũng dừng xe vào nhà thắp hương, xin được thần linh phù hộ cho bình yên qua đèo. Có lẽ vì thế dù thời ấy kinh tế khó khăn, nhưng gia đình Ma Yoan không những đủ ăn mà còn có gạo, tiền chu cấp cho những người nghèo đau ốm đến chữa bệnh, giúp người khó khăn trong vùng. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn con cái từ xa đến xin thuốc uống đều được như ý; thành ra tuy cao tuổi nhưng Ma Yoan vẫn phải vào rừng hái thuốc. 

Trong những năm đầu mới thống nhất đất nước, bọn phản động hoạt động mạnh, chúng chặn xe cướp của, giết người rất dã man; vì thế cứ khoảng 17 giờ hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau, không xe nào dám đi qua đèo nữa. Trong thời gian ấy, ông Ma Joan vẫn hàng ngày vào rừng, người ta bàn tán với nhau: ông là cơ sở tiếp tế cho bọn phản động; nhưng cũng có người bảo ông vào rừng không phải đi hái thuốc mà đi tìm người lạc lối, làm mối đưa họ về trình diện chính quyền để đoàn tụ với gia đình… ai nói gì thì nói, ông vẫn vào rừng.  

Thời gian sau, do chính quyền làm tốt công tác vận động, bóc gỡ cơ sở của chúng nên thanh niên vào rừng theo bọn phản động lũ lượt về đầu thú, trở lại làm người lương thiện. Dân buôn Thi lại được dịp tròn mắt khi thấy những người lầm lạc trở về ở các buôn đều dẫn vợ con, cha mẹ đến tận nhà để tạ ơn Ma Yoan. Một thời gian sau cả vụng rộng lớn gần con đèo ấy không còn ai đi theo hay tiếp tế cho bọn phản động nữa.

 

Hòa Khánh, mùa khô năm 2022  

  

Chú thích tiếng Êđê:

1. Chư Yang Sin: núi Thần Cọp.

2. Ma: ba.

3. Yoan: người Kinh.

4. Yang: thần linh.

5. Củi cầu hôn: người phụ nữ Êđê ngõ lời cầu hôn bằng cách mang củi xếp dưới gầm sàn nhà người mình yêu định bắt làm chồng.